VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

THUYẾT TRÌNH CỦA UỶ BAN KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH
CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1961

(Do ông Tôn Quang Phiệt, Chủ nhiệm
Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội trình bày
tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá II, ngày 19-4-1961)

 

Thưa Chủ tịch Đoàn,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Trong bản Báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa năm 1961, Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội:

- Những điểm cơ bản về tình hình kinh tế miền Bắc sau kế hoạch ba năm (1958-1960).

- Phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1961

- Những vấn đề cụ thể của kế hoạch nhà nước năm 1961.

Uỷ ban kế hoạch và ngân sách chúng tôi đã nghiên cứu bản báo cáo trước khi Quốc hội họp, đã nghe một số báo cáo bổ sung về các ngành trong Chính phủ để tìm hiểu thêm các vấn đề cần thiết và mấy hôm nay đã liên hệ với các Đoàn đại biểu Quốc hội để được biết thêm ý kiến của các đồng chí đại biểu đối với các vấn đề mà Chính phủ đã nêu ra.

Sau đây chúng tôi xin trình bày trước Quốc hội những nhận xét của Uỷ ban chúng tôi:

1. Sau ba năm phấn đấu gian khổ, nhân dân miền Bắc nước ta đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch ba năm cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa (1958-1960), kế hoạch mà Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội khóa I trong kỳ họp thứ 8 (tháng 4-1958) và đã được Quốc hội thông qua. Căn cứ vào ba nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch, Uỷ ban chúng tôi nhận định rằng:

- Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, công thương nghiệp tư bản tư doanh và buôn bán nhỏ đã giành được những thắng lợi có tính chất lịch sử và có ý nghĩa quyết định. Thành phần kinh tế quốc doanh đã lớn mạnh hơn nhiều, hiện nay đã chiếm ưu thế rõ rệt và đang ngày càng phát huy năng lực lãnh đạo của nó đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

- Nền kinh tế quốc dân trong ba năm qua đã tiến những bước quan trọng; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đều phát triển với một tốc độ nhanh; giao thông vận tải, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng đều được phát triển song song với sự phát triển của nông nghiệp và công nghiệp, sự nghiệp văn hóa xã hội cũng đã thu được những thành tích to lớn.

- Những thắng lợi về kinh tế và văn hóa, nhất là về công nghiệp và nông nghiệp đã làm thay đổi dần cơ cấu của nền kinh tế: những ngành trọng yếu của công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất dần dần đã xuất hiện và những cơ sở công nghiệp nặng đang được xây dựng một cách vững chắc; nông nghiệp chuyển dần từ tình trạng độc canh sang một nền nông nghiệp phát triển toàn diện hơn trước.

- Trên cơ sở sản xuất được phát triển, đời sống vật chất và văn hóa của các tầng lớp nhân dân lao động đã được cải thiện thêm một bước rõ rệt. Uỷ ban chúng tôi nhận định rằng: mặc dù năm 1960 gặp thiên tai nặng và đời sống nhân dân vẫn còn thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu xét rằng nền kinh tế miền Bắc nước ta sau khi hòa bình được lập lại là một nền kinh tế lạc hậu và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nông nghiệp còn thường bị thiên tai, tỷ lệ tăng dân số hàng năm khá lớn, thì kết quả cải thiện đời sống trong ba năm qua là một thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta.

Tóm lại, hoàn thành kế hoạch ba năm (1958-1960) chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn. Những thắng lợi ấy đã đem lại ở miền Bắc nước ta những chuyển biến cách mạng to lớn và sâu sắc: chế độ người bóc lột người, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, căn bản đã bị xóa bỏ; nền kinh tế quốc dân về căn bản đã được cải tạo theo chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội theo một tốc độ nhanh. Những thắng lợi to lớn về kinh tế, chính trị, tư tưởng trong ba năm qua và đặc biệt trong năm 1960 cho phép chúng ta nhận định rằng trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường trong thời kỳ quá độ, đến nay con đường xã hội chủ nghĩa đã giành được thắng lợi có ý nghĩa quyết định; trên cơ sở đó, từ nay miền Bắc nước ta chuyển từ giai đoạn lấy cải tạo xã hội chủ nghĩa làm trọng tâm sang giai đoạn lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm.

Những thắng lợi to lớn đó là kết quả của công cuộc lao động anh dũng và sáng tạo của nhân dân ta, của những người lao động yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội thuộc các dân tộc, đoàn kết nhất trí trên cơ sở khối liên minh công nông được tăng cường, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam và được sự giúp đỡ khẳng khái và vô tư của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác.

Tinh thần lao động anh dũng và sáng tạo, truyền thống phấn đấu gian khổ của công nhân, nông dân và những người lao động trí óc đã ngày càng thể hiện rõ rệt, trong phong trào hợp tác hóa từ mùa thu 1958 và phong trào cần kiệm xây dựng hợp tác xã và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong phong trào cải tiến quản lý xí nghiệp, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động trong công nghiệp, trong phong trào sáng chế phát minh, v.v.. Tinh thần ấy đã giúp cho chúng ta vượt qua nhiều khó khăn lớn lao trong quá trình thực hiện kế hoạch ba năm, như những khó khăn do thiên tai gây ra, đặc biệt là thiên tai trong năm 1960, khó khăn do nước ta còn nghèo và lạc hậu, trình độ văn hóa và kỹ thuật của ta còn thấp, khó khăn do yêu cầu mới của cách mạng đề ra trong bước trưởng thành v.v..

Những thắng lợi to lớn ấy làm cho nhân dân ta ở miền Bắc cũng như miền Nam càng thêm tin tưởng vào chế độ miền Bắc nước ta, một chế độ ưu việt thực sự giải phóng con người và chăm lo hạnh phúc con người, một chế độ đầy sức sống mãnh liệt có khả năng vượt mọi khó khăn, không những chỉ đánh thắng kẻ địch mà còn đánh thắng nghèo đói và lạc hậu, một chế độ vững mạnh đang đem lại đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân miền Bắc và làm cơ sở vững chắc cho công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Uỷ ban chúng tôi đề nghị : trước những thắng lợi to lớn ấy của miền Bắc nước ta và trong đà phấn khởi tin tưởng chung của nhân dân cả nước sau khi kế hoạch ba năm (1958-1960) được hoàn thành thắng lợi, Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương tinh thần lao động anh dũng và sáng tạo của nhân dân ta, của công nhân, nông dân và lao động trí óc ở miền Bắc nước ta, những người chủ tập thể của Nhà nước và của nền kinh tế quốc dân, những người lao động đã sáng tạo ra tất cả những thành tích to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa và chính trị của miền Bắc nước ta trong ba năm qua.

Quốc hội tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhân dân và Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác đã hết lòng giúp đỡ chúng ta về mọi mặt: tiền vốn thiết bị, chuyên gia, đào tạo cán bộ, giúp chúng ta hoàn thành kế hoạch và giành được những thắng lợi to lớn nói trên. 

*

*           * 

2. Bước vào năm 1961, năm mở đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta phát triển thêm một bước mới, có nhiều khả năng mới to lớn và đặt ra trước mắt ta những yêu cầu và nhiệm vụ mới to lớn hơn trước.

Những yêu cầu mới đó đòi hỏi chúng ta phải thấy hết khó khăn trước mắt và những nhược điểm hiện tại để ra sức khắc phục.

Quan hệ sản xuất mới chưa được củng cố, phần lớn hợp tác xã còn ở quy mô nhỏ và ở bậc thấp; sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu và lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên; cơ sở công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng còn yếu; cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân vẫn còn nhỏ bé; trình độ văn hóa - khoa học - kỹ thuật và trình độ quản lý kinh tế của ta còn thấp kém; phong trào thi đua chưa thật sôi nổi, mạnh mẽ, liên tục và rộng khắp trong quần chúng.

Những yêu cầu mới cũng đòi hỏi chúng ta nhận rõ những khuyết điểm, tìm ra những nguyên nhân để đặt ra những biện pháp nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm và khuyết điểm tiến lên giành những thắng lợi mới to lớn hơn nữa.

Một số chỉ tiêu của kế hoạch 1960 không đạt được, một số hiện tượng không cân đối xảy ra trong nền kinh tế quốc dân và một phần quan trọng những khả năng tiềm tàng chưa huy động được đầy đủ, đó là do việc lãnh đạo thực hiện kế hoạch còn mắc một số khuyết điểm mà chúng tôi xin nêu ra sau đây:

a) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm trong ba năm qua, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm chưa thật nắm vững mối quan hệ khăng khít giữa cải tạo quan hệ sản xuất và phát triển sức sản xuất, đặc biệt là trong nông nghiệp ; do đó cũng chưa nhận thức đầy đủ sự cần thiết phải tăng cường sự giúp đỡ về mọi mặt của Nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp, chưa kịp thời đề ra những chính sách và biện pháp quản lý thích hợp với quan hệ sản xuất mới trong hợp tác xã và trong công tư hợp doanh để phát triển sức sản xuất, đẩy mạnh sản xuất và lưu thông và đồng thời ngược lại để củng cố quan hệ sản xuất mới. Mặt khác cũng chưa chú ý đầy đủ đến vấn đề đào tạo cán bộ, điều tra cơ bản… để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

b) Chưa nhận thức đầy đủ vị trí của nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, nông nghiệp là cơ sở cho sự phát triển công nghiệp trong hoàn cảnh nước ta, do đó chưa lãnh đạo sản xuất nông nghiệp phát triển thật toàn diện và vững chắc; cụ thể là: chưa xem trọng đúng mức công tác thủy lợi và nhận thức phương châm “ba chính” chưa thật chính xác; do đó số vốn đầu tư vào trung, đại thủy nông chưa thật tương xứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp và chưa được sử dụng hết; các cây lương thực ngoài lúa, cây công nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp và ngư nghiệp chưa được chú ý đúng mức, đặc biệt chăn nuôi sút kém trong những năm gần đây; một số ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất chưa phục vụ đắc lực nông nghiệp; việc cải tiến kỹ thuật, cải tiến nông cụ, phố biến phân hóa học, cải lương giống còn chậm; cho vay nông nghiệp chưa được đẩy mạnh. Ngược lại nông nghiệp cũng chưa phục vụ đầy đủ cho công nghiệp về mặt lương thực, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ công nghệ phẩm.

c) Việc chỉ đạo giá cả còn có chỗ chưa sát, có những nơi, những lúc chưa khuyến khích mạnh mẽ sản xuất đối với một số cây công nghiệp và sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Việc quản lý thị trường có lúc chưa thật linh hoạt, phần nào trở ngại cho việc lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống nhân dân. Đi đôi với việc tăng cường giáo dục chính trị và tư tưởng cho cán bộ và nhân dân, việc vận dụng nguyên tắc lấy lợi ích vật chất mà kích thích người sản xuất quan tâm đến kết quả lao động của mình chưa được chú ý đúng mức.

d) Trong công tác quản lý kinh tế và hạch toán kinh tế, nhiều cơ quan và xí nghiệp, công trường chưa tính toán được cụ thể và chính xác hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư và của tài sản cố định, cũng như năng suất lao động, giá thành và kết quả tài vụ các xí nghiệp; đó là một nguyên nhân quan trọng làm cho tệ lãng phí tham ô chưa được khắc phục một cách có hiệu quả; nó làm cho chúng ta không khai thác hết khả năng tiềm tàng, do đó hạn chế một phần khả năng tăng nhanh quỹ tích lũy cũng như quỹ tiêu dùng để phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.

đ) Việc xây dựng kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch còn có những nhược điểm và khuyết điểm đáng chú ý: kế hoạch thường được xây dựng và phổ biến chậm; một số các chính sách không được nghiên cứu, sửa đổi và ban hành kịp thời các biện pháp tổ chức và kỹ thuật, chế độ quản lý và chế độ hạch toán kinh tế, chế độ trách nhiệm và kỷ luật, công tác kiểm tra chưa đủ bảo đảm thực hiện một cách toàn diện chỉ tiêu kế hoạch; chỉ tiêu số lượng và chất lượng, nhất là những chỉ tiêu về chất lượng như năng suất lao động, giá thành, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật v.v.; sự lãnh đạo chưa bảo đảm tính chất tập trung và thống nhất, nhất là trong việc quản lý phân phối, sử dụng các nguồn vật tư, nhân lực và tài chính. Mặt khác cũng chưa phát huy được tính chủ động và tích cực của các địa phương và cơ sở.

 e) Công tác bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý và kỹ thuật, đào tạo công nhân chuyên nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa; thiếu một cơ quan có đầy đủ trách nhiệm quyền hạn và khả năng chỉ đạo thống nhất; chưa chăm lo đầy đủ việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy và xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị cần thiết để bảo đảm tốc độ phát triển và chất lượng của sự nghiệp đào tạo cán bộ.

Uỷ ban chúng tôi cho rằng những khuyết điểm ấy một phần là do trình độ của chúng ta nói chung về mặt quản lý và kỹ thuật chưa theo kịp yêu cầu của cách mạng, nhưng một phần là do những khuyết điểm chủ quan mà các cơ quan lãnh đạo và cán bộ nhân viên nhà nước phải quyết tâm khắc phục. Thắng lợi chúng ta đã giành được thật to lớn, chế độ của chúng ta thật là ưu việt, con đường chúng ta đi lên thật rộng lớn và sáng sủa, trong bước đường tiến lên không ngừng, chúng ta gặp nhiều khó khăn trở ngại rất lớn. Đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng là bó đuốc soi đường, là nguồn sức mạnh của chúng ta. Ở đây, chúng ta nhấn mạnh vào những khuyết điểm về tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch để vươn lên vượt khó khăn trở ngại, khắc phục nhược điểm khuyết điểm, để tăng cường năng lực tổ chức và quản lý của Nhà nước, tiến lên giành những thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa. 

*

*        * 

3. Đối với phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1961: Uỷ ban chúng tôi nhận thấy, phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1961 đề ra như trong bản báo cáo của Chính phủ là đúng đắn, phù hợp với phương hướng nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã được Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam vạch ra cho toàn dân ta.

Uỷ ban chúng tôi tán thành những chỉ tiêu chủ yếu đã trình bày trước Quốc hội, với những nhận xét bổ sung sau đây:

Về công nghiệp và thủ công nghiệp: giá trị sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp tăng 29,1% và giá trị sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng 41,9% so với năm 1960 là hợp lý. Các chỉ tiêu đã thể hiện được nhiệm vụ đường lối chung bước đầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp đối với các ngành kinh tế quốc dân. Các chỉ tiêu ấy cũng đã nhằm đẩy mạnh công nghiệp nặng, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh ngành chế tạo cơ khí, đồng thời ra sức phát triển công nghiệp nhẹ. Nhưng do yêu cầu và khả năng mới, có thể và cần thiết phải khai thác và tận dụng hết khả năng sẵn có tiềm tàng, giải quyết kịp thời và đúng đắn vấn đề nguyên liệu, nâng cao tỷ suất sử dụng công suất thiết bị, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, nhất là về một số sản phẩm quan trọng, như than đá, xi măng, chế tạo cơ khí, gỗ, vải v.v..

Về nông nghiệp: giá trị sản lượng tăng 28,6% so với năm 1960; thoạt tiên mới nhìn thì đó là tốc độ rất cao. So với ba năm qua, nếu kể cả năm 1960 mất mùa thì tốc độ tăng bình quân hàng năm là 5,6% nhưng nếu không kể năm 1960 mất mùa thì tốc độ tăng bình quân trong 5 năm (1955-1959) là 11,2%. Tốc độ tăng trong năm 1961 không thể dựa theo tốc độ các năm kể trên được, mà phải tính đến tình hình đặc biệt mất mùa năm 1960. Cho nên, tốc độ 1961/1960 là một tốc độ khá cao, do yêu cầu bức thiết của tình hình mới, đòi hỏi phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện và vững chắc làm cơ sở cho sự phát triển công nghiệp và dựa trên những khả năng mới to lớn do thắng lợi của phong trào hợp tác hóa đem lại.

Trong các chỉ tiêu nông nghiệp, Uỷ ban chúng tôi đã đặc biệt lưu ý Uỷ ban kế hoạch Nhà nước phải rất chú trọng tính toán lại cho thật sát các chỉ tiêu về một số cây công nghiệp và chăn nuôi. Sơ bộ xét tình hình thực hiện kế hoạch quý I, chúng tôi đề nghị với Quốc hội giao trách nhiệm cho Chính phủ, lãnh đạo và động viên các cơ quan Chính phủ cũng như nhân dân có một sự cố gắng rất to lớn, phát huy hết những thuận lợi mới, những khả năng mới, tranh thủ thời vụ và có những chính sách, biện pháp thiết thực mới có thể bảo đảm những chỉ tiêu đã đề ra, nhằm đạt yêu cầu phát triển nông nghiệp “toàn diện mạnh mẽ và vững chắc”, về mặt chăn nuôi và cây công nghiệp, cũng như về mặt lương thực.

Về xây dựng cơ bản: tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 22,8% so với 1960 và sự phân phối vốn đầu tư đã chú trọng thể hiện đúng đắn phương hướng nhiệm vụ thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trong năm đầu bước vào công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đồng thời lấy nông nghiệp làm cơ sở cho sự phát triển công nghiệp; nó cũng đã chú trọng tập trung lực lượng vào những công trình trọng điểm (gang thép, điện, thủy lợi, phân bón); cụ thể là đầu tư công nghiệp chiếm 46,2% và tăng 23,1% so với 1960; đầu tư về nông nghiệp thủy lợi chiếm 15,7%, tăng 82,4% so với 1960; trong công nghiệp, tỷ trọng về khối lượng công trình phải hoàn thành thì nhóm A chiếm 79,6%, nhóm B chiếm 20,4%.

Ở đây, Uỷ ban chúng tôi xin nhấn mạnh đến vấn đề phải hoàn thành khối lượng công trình và hoàn thành kịp thời hạn và vượt thời hạn để sớm đưa vào sản xuất theo kế hoạch, phát huy tốt hơn nữa hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Muốn vậy, phải chấp hành đúng trình tự về xây dựng cơ bản, tăng cường công tác thiết kế, cung cấp kịp thời nguyên vật liệu xây dựng, tích cực chống lãng phí tham ô, hết sức hạ giá thành, xây dựng và nâng cao chất lượng công trình.

Về vận tải - bưu điện: Uỷ ban chúng tôi đặc biệt lưu ý vấn đề phải rất xem trọng phát triển vận tải đường sông, đặc biệt là trong điều kiện sông ngòi nước ta; đó là một phương tiện rất thuận lợi, rẻ tiền hơn đường sắt và đường ôtô.

Về thương nghiệp: trong kế hoạch năm nay, Uỷ ban chúng tôi đã chú trọng xét đến nhiều nhất các chỉ tiêu thu mua các nông sản chủ yếu và xem đó là những chỉ tiêu tối thiểu phải đạt được. Các cơ quan thương nghiệp có trách nhiệm cần quán triệt tốt hơn quan điểm phục vụ sản xuất, phục vụ nhân dân, đẩy mạnh và cải tiến công tác thu mua lương thực, không những đối với thóc mà cả đối với ngô - khoai - sắn, và đối với một số nông sản làm nguyên liệu công nghiệp trong nước và để nhập khẩu.

Về ngoại thương: Uỷ ban chúng tôi đồng ý tổng trị giá xuất nhập khẩu ghi trong dự án kế hoạch; nhưng đồng thời chúng tôi lưu ý đến tình hình mấy năm gần đây là nhập có xu hướng tăng nhiều hơn xuất, thăng bằng xuất nhập gay go. Cho nên cần phải rất tích cực phát huy hết khả năng sản xuất trong nước, đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng tư liệu sản xuất cũng như tư liệu tiêu dùng nội hóa, quản lý chặt chẽ nhập khẩu, tiết kiệm ngoại hối, tăng cường xuất khẩu hơn nữa để dần dần thăng bằng xuất nhập.

Về lao động và đào tạo cán bộ: về vấn đề này, Uỷ ban chúng tôi có mấy nhận xét đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ:

- Việc quản lý, phân phối và điều hòa các nguồn lao động cần phải được chỉ đạo một cách thống nhất kế hoạch lao động của Nhà nước phải ăn khớp và bảo đảm vững chắc cho các kế hoạch sản xuất, vận tải và xây dựng cơ bản v.v..

- Việc quản lý biên chế cần phải chặt chẽ hơn, dựa trên những chỉ tiêu có tính toán hợp lý và do đó mới tránh được tình trạng biên chế của một số đơn vị phình ra không hợp lý, nhưng một mặt khác cũng tránh tình trạng có khi gây ra khó khăn cho một số xí nghiệp và cơ quan sự nghiệp không đủ lực lượng hoàn thành nhiệm vụ.

- Việc đào tạo cán bộ quản lý và kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp phải đáp ứng yêu cầu trước mắt, đồng thời phải chuẩn bị cho những năm sau. Việc thành lập một hội đồng thống nhất chỉ đạo việc đào tạo, phân phối cán bộ khoa học và kỹ thuật là rất cần thiết, cần phải được xúc tiến gấp. Riêng về việc tổ chức chỉ đạo việc đào tạo công nhân chuyên nghiệp thì còn lỏng lẻo, kế hoạch nhà nước cần xem trọng vấn đề này hơn nữa.

- Uỷ ban chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội đặc biệt lưu ý Chính phủ về các chỉ tiêu chất lượng trong kế hoạch (năng suất lao động, giá thành…). Các chỉ tiêu số lượng chỉ có ý nghĩa đầy đủ nếu các chỉ tiêu chất lượng được hoàn thành tốt. Chúng tôi nhận thấy rằng mấy lâu nay các cơ quan nhà nước chưa xem trọng đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng và những mức nêu lên trong bản dự án kế hoạch lần này là những mức tối thiểu mà chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt được và vượt được.

- Sau cùng một vấn đề tối trọng yếu là vấn đề cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Các chỉ tiêu trình bày trong bản dự án kế hoạch chi tiết về tiền lương, về mức hàng bán lẻ của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và mức tiêu dùng, về sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế v.v., đã nói rõ mức độ cải thiện đời sống của nhân dân trong năm 1961. Uỷ ban chúng tôi nhận thấy trong điều kiện phát triển sản xuất của năm 1961 và theo phương hướng nhiệm vụ chung, là bước vào kế hoạch 5 năm chúng ta bắt đầu thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, cần phải ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà; những chỉ tiêu về cải thiện đời sống đề ra trong dự án kế hoạch là hợp lý. Vấn đề đặt ra là các cơ quan và cán bộ, nhân viên nhà nước có trách nhiệm phải thấm nhuần hơn nữa mục đích của toàn bộ công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa là nhằm phục vụ sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta. Trên cơ sở nâng cao hơn nữa ý thức chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, chúng ta phải ra sức thực hiện đầy đủ và với chất lượng tốt, hiệu quả cao, những chỉ tiêu đã đề ra nhằm cải thiện đời sống nhân dân thêm một bước. 

*

*         * 

4. Vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay là tổ chức và lãnh đạo thực hiện kế hoạch nhà nước. Như Hồ Chủ tịch đã dạy: “chỉ tiêu một, biện pháp phải hai, quyết tâm phải ba”.

Chúng tôi xin trình bày mấy ý kiến dưới đây:

a) Kế hoạch nhà nước năm 1961, năm đầu của kế hoạch 5 năm, có một ý nghĩa và tầm quan trọng lớn lao trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta, là một kế hoạch đánh dấu bước chuyển biến từ giai đoạn lấy cải tạo xã hội chủ nghĩa làm trọng tâm sang giai đoạn lấy xây dựng chủ nghĩa làm trọng tâm, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa để dần dần xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Muốn bảo đảm các chỉ tiêu kế hoạch năm 1961, cần phải có những chủ trương, chính sách và biện pháp mới về sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng, ví dụ như trong các vấn đề thuế, thu mua nông sản, tín dụng đối với hợp tác xã, quản lý thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất, đào tạo cán bộ v.v.. Năm 1961 là một năm chuyển biến cách mạng to lớn, các cơ quan quản lý nhà nước cần kịp thời thay đổi những chính sách và biện pháp cũ lỗi thời, đặt ra những chính sách và biện pháp mới thích ứng với tình hình và yêu cầu mới để phát huy hết khả năng mới do quan hệ sản xuất mới sinh ra, phát huy triệt để vai trò làm chủ tập thể của nhân dân, do đó mà thúc đẩy sản xuất một cách tích cực, đẩy mạnh toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế quốc dân.

b) Uỷ ban chúng tôi cho rằng cần nhấn mạnh nhược điểm hiện nay về mặt quản lý kinh tế. Cho nên đi đôi với những chủ trương, chính sách mới, cần có những biện pháp tổ chức và chế độ mới nhằm cải tiến toàn bộ công tác quản lý nền kinh tế quốc dân cũng như công tác quản lý cụ thể các xí nghiệp, các đơn vị kinh tế, tăng cường chế độ trách nhiệm và kỷ luật lao động, thực hiện tốt chế độ hợp đồng kinh tế trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa.

Trong công tác quản lý, Uỷ ban chúng tôi thấy cần thiết phải nhấn mạnh đến một số vấn đề sau:

- Vấn đề quản lý tổng hợp và thực hành sự cân đối về ba mặt: vật tư - lao động - tài chính một cách tích cực;

- Vấn đề lợi dụng thị trường, lợi dụng quan hệ hàng hóa và tiền tệ một cách đúng đắn và linh hoạt;

- Vấn đề tăng cường chế độ hạch toán kinh tế nhằm tận dụng hết năng lực tiềm tàng, nâng cao công suất thiết bị, tiết kiệm vật tư, tiết kiệm tiền vốn, tiết kiệm thời gian lao động và công tác, hợp lý hóa các cuộc hội họp, sinh hoạt lợi cho sản xuất.

- Vấn đề chống lãng phí tham ô. Trong tất cả các kỳ họp, Quốc hội đều rất quan tâm đến vấn đề chống lãng phí tham ô. Đi đôi với vấn đề giáo dục tư tưởng, cần cải tiến công tác tổ chức và quản lý, tăng cường chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật kinh tế tài chính, tăng cường kiểm tra, khen thưởng kỷ luật. Có như vậy mới thực hành được tiết kiệm, nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế. Có như vậy mới có điều kiện tăng thêm nhanh chóng quỹ tích lũy để công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, cũng như có điều kiện để không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.

c) Năm 1961 là năm bước vào giai đoạn công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nhằm xây dựng dần dần cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, cho nên khoa học và kỹ thuật đóng một vai trò vô cùng trọng yếu; đó là một nhân tố căn bản để nâng cao năng suất lao động. Uỷ ban chúng tôi cho rằng cần có một loạt biện pháp cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp sản xuất và khai thác trong công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải…, mới bảo đảm được những chỉ tiêu sản lượng tiên tiến đã đề ra.

d) Cuối cùng, nhân tố quyết định hiện nay là sự lãnh đạo chính trị - tư tưởng. Thắng lợi ba năm qua đang cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta, nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đang soi sáng con đường cách mạng của nước ta. Chính phủ cần phải tổ chức tốt việc phổ biến nhanh chóng kế hoạch nhà nước xuống tận các cơ sở, các đơn vị, theo đúng đường lối quần chúng, nhằm động viên toàn dân, động viên quảng đại quần chúng công nhân ở xí nghiệp, công trường, nông trường, động viên xã viên hợp tác xã, động viên những người lao động trí óc, cán bộ nhân viên, bộ đội hăng hái thi đua ái quốc, đưa hết nhiệt tình lao động và óc sáng tạo của mình, ra sức hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1961. Phải làm cho kế hoạch nhà nước trở thành ý chí và mục tiêu phấn đấu của mỗi người, đồng thời kế hoạch nhà nước phải trở thành pháp lệnh nhà nước và các cơ quan, xí nghiệp, công trường, các cán bộ và nhân viên nhà nước phải có trách nhiệm chấp hành một cách thật nghiêm chỉnh.

Quan hệ sản xuất và xã hội đã có những biến chuyển sâu sắc đòi hỏi cũng phải có một sự chuyển biến sâu sắc về tư tưởng. Cuộc chỉnh huấn đã bắt đầu chính là một đợt giáo dục tư tưởng sâu rộng có một tầm quan trọng to lớn, nhất định sẽ gây thành một khí thế cách mạng mới trong nhân dân và cán bộ theo kịp yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.

Bước vào kế hoạch năm 1961, nhiều nhân tố mới đã xuất hiện, một khí thế mới đang lên, tấm gương sáng của “Đại Phong” và “Duyên Hải” đang lôi cuốn các hợp tác xã, xí nghiệp, công trường, nông trường phấn khởi tiến lên, đang gây thành phong trào thi đua tiên tiến, mạnh mẽ, liên tục và rộng khắp hơn nữa theo phương châm “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.

Trên cơ sở thắng lợi mới trong đà phấn khởi thi đua mới, với những khả năng mới, Uỷ ban chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và của Hồ Chủ tịch, nhân dân ta nhất định sẽ phát huy được cao hơn nữa tinh thần yêu nước và nhiệt tình xã hội chủ nghĩa, ý chí chiến đấu và óc sáng tạo để hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1961, năm đầu của kế hoạch 5 năm. 

*

*        *

Thưa các vị đại biểu,

Sau khi đã thẩm tra bản dự án kế hoạch nhà nước năm 1961 và nghiên cứu bản báo cáo kế hoạch của Chính phủ và sau khi đã phát biểu ý kiến của mình, Uỷ ban chúng tôi đề nghị với Quốc hội thông qua nghị quyết sau đây1.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.


 

1. Xem toàn văn Nghị quyết của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá II ngày 20-4-1961 về kế hoạch nhà nước năm 1961 đăng ở trang 420, Văn kiện Quốc hội Toàn tập, tập 2 này (BT).