BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI VÀ CÔNG TÁC NGOẠI GIAO
(Do ông
Ung Văn Khiêm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
trình bày tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá II,
ngày 24-10-1961)
Thưa các
đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thời đại của chúng ta hiện
nay đang mở ra những triển vọng to lớn và tốt đẹp cho loài người. Những
sự việc diễn biến trong thời gian gần đây ngày càng chứng tỏ sự đúng đắn
của những luận điểm trong bản tuyên bố chung của Hội nghị đại biểu các
Đảng Cộng sản và Công nhân tại Mạc Tư Khoa
năm 1960: “Kết quả chính trong những năm qua là sự phát triển mãnh
liệt của lực lượng và ảnh hưởng quốc tế của hệ thống xã hội chủ nghĩa
thế giới, là quá trình sụp đổ dồn dập của hệ thống thuộc địa dưới những
đòn đả kích của phong trào giải phóng dân tộc, là sự phát triển của các
trận chiến đấu giai cấp trong thế giới tư bản chủ nghĩa, là sự sụp đổ và
thối nát hơn nữa của hệ thống tư bản thế giới. Trên vũ đài quốc tế lực
lượng của chủ nghĩa xã hội ngày càng tỏ ra hơn hẳn chủ nghĩa đế quốc,
lực lượng hòa bình ngày càng tỏ ra hơn hẳn lực lượng chiến tranh”.
Thật vậy, hệ thống xã hội chủ
nghĩa đã bước vào giai đoạn phát triển mới, đã trở thành một nhân tố có
tính chất quyết định sự tiến triển của xã hội loài người. Sự đoàn kết
nhất trí của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào cộng sản và công
nhân quốc tế có một tầm quan trọng lớn lao đối với việc gìn giữ hòa bình
và ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới. Liên Xô, trung tâm của
phe xã hội chủ nghĩa đã bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản đại
quy mô, sản xuất độ một phần năm sản lượng công nghiệp thế giới, đã vượt
Mỹ, nước tư bản lớn nhất, về tốc độ phát triển kinh tế, và bắt đầu vượt
Mỹ về sản lượng tuyệt đối một số loại hàng quan trọng, Liên Xô là quê
hương của những con tàu vũ trụ và những nhà du hành vũ trụ đầu tiên của
nhân loại. Hiện nay, Liên Xô và toàn phe xã hội chủ nghĩa đã có một lực
lượng quân sự hùng mạnh, đầy đủ khả năng để bảo vệ chắc chắn những thành
quả của chủ nghĩa xã hội, chống lại những âm mưu xâm lược của bọn đế
quốc. Ngày 17-10 vừa qua, tại Mạc Tư Khoa đã khai mạc Đại hội lần thứ
XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đại hội sẽ thông qua cương lĩnh xây dựng
xã hội cộng sản chủ nghĩa, bảo đảm cho “thế hệ hiện nay của người Xô
Viết sẽ sống dưới chế độ cộng sản”.
Đại hội này là một sự kiện
quốc tế vô cùng quan trọng chẳng những nó đáp ứng yều cầu phát triển của
Liên Xô mà còn có ảnh hưởng to lớn đối với phong trào cộng sản và công
nhân thế giới. Đại hội sẽ chỉ cho loài người phương hướng tiến tới một
tương lai hòa bình, tự do và sung sướng.
Cùng với nhân loại tiến bộ
trên thế giới, nhân dân ta nhiệt liệt hướng về đại hội và chân thành
chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Bên cạnh Liên Xô có nước Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa vĩ đại, đã hoàn thành thắng lợi trong hai năm
những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm năm lần thứ hai. Các nước xã hội
chủ nghĩa khác cũng đang xây dựng nền kinh tế của mình với tốc độ cao và
đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Chẳng bao lâu nữa tỷ trọng của nền sản
xuất công nghiệp của phe xã hội chủ nghĩa sẽ chiếm hàng đầu trên thế
giới, và lúc ấy chủ nghĩa tư bản sẽ bị đánh bại trên phạm vi sản xuất
vật chất, phạm vi hoạt động quyết định của loài người.
Đấu tranh không biết mệt mỏi
cho hòa bình, cho hữu nghị giữa các dân tộc, cho tiến bộ xã hội, đồng
thời phát triển nhanh chóng kinh tế và văn hóa và không ngừng nâng cao
đời sống hạnh phúc của nhân dân, phe xã hội ngày càng có thêm uy tín và
có sự hấp dẫn lớn lao đối với nhân dân trên thế giới, ngày càng trở
thành thành trì vững chắc nhất, đáng tin cậy nhất để bảo vệ hòa bình và
sự nghiệp tiến bộ của nhân loại.
Một đặc điểm quan trọng của
tình hình thế giới hiện nay là phong trào giải phóng dân tộc nổi lên như
sóng lớn biển cả, dồn dập đập vào hệ thống thuộc địa làm cho nó tan rã
từng mảng, và đi đến diệt vong. Đó là sự kiện lịch sử rất quan trọng từ
sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới hình thành cho đến nay. Cuộc
đấu tranh cho độc lập dân tộc và củng cố độc lập dân tộc của nhân dân
châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh ngày càng lớn mạnh. Địa bàn của chủ
nghĩa đế quốc ngày càng bị thu hẹp. Trong khoảng thời gian vừa qua 28
nước đã thoát khỏi xiềng xích thực dân giành độc lập dân tộc. Các nước
chưa thoát khỏi ách thực dân đang ra sức đấu tranh mạnh mẽ để tự giải
phóng. Để củng cố nền độc lập non trẻ của mình, các nước Á - Phi và châu
Mỹ la tinh đang đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới
của đế quốc Mỹ. Mặc dù bọn thực dân đế quốc gian ngoan thâm độc ra sức
dẫy dụa như thế nào cũng không thể cứu vãn nổi sự sụp đổ hoàn toàn, chủ
nghĩa thực dân dù cũ dù mới nhất định sẽ bị tiêu diệt, vì đó là ý chí
của nhân dân các nước, là một sự tất yếu của lịch sử.
Hiện nay, phong trào đấu
tranh cho hòa bình thế giới đã phát triển mạnh mẽ. Trước sự đe dọa của
một cuộc chiến tranh thế giới mới, với những vũ khí hạt nhân hiện đại có
thể giết chết hàng trăm triệu người, hủy diệt những thành tựu kinh tế
văn hóa quý báu của nhân loại, đông đảo nhân dân tất cả các nước đang
tích cực tham gia phong trào đấu tranh để giữ gìn hòa bình. Hàng ngũ
những người đấu tranh cho hòa bình ngày càng thêm đông đảo khắp nơi trên
thế giới.
Các lực lượng xã hội chủ
nghĩa, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân trong các nước tư bản chủ
nghĩa, phong trào độc lập dân tộc, phong trào đấu tranh cho hòa bình thế
giới đang hợp thành một sức mạnh to lớn sẽ đánh bại mọi mưu đồ đen tối
của bọn đế quốc muốn đẩy nhân loại vào vực thẳm của chiến tranh nguyên
tử.
Ngày nay, chủ nghĩa tư bản
đang bước vào một giai đoạn mới của cuộc tổng khủng hoảng.
Nước Mỹ, nước tư bản chủ
nghĩa lớn nhất, trung tâm của các lực lượng phản động quốc tế hiện nay,
đang đứng trước một cơn khủng hoảng trầm trọng mới. Mỹ đã mất ưu thế
tuyệt đối trong sản xuất của thế giới tư bản. Những mâu thuẫn giữa Mỹ,
Anh, Pháp, Tây Đức v.v,.. luôn luôn diễn ra trong nội bộ tổ chức xâm
lược Bắc Đại Tây Dương và các khối quân sự xâm lược khác.
Nhưng bản chất xâm lược của
chủ nghĩa đế quốc không thay đổi, phe đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ,
đang ra sức chạy đua vũ trang, điên cuồng chuẩn bị chiến tranh, gây nên
một tình hình căng thẳng nghiêm trọng trên thế giới.
Tóm lại, hiện nay hai hệ
thống thế giới: hệ thống xã hội chủ nghĩa và hệ thống tư bản chủ nghĩa
đang đấu tranh với nhau. Hai đường lối, hai khuynh hướng lịch sử trái
ngược nhau đã biểu lộ rõ rệt trong đà chuyển biến của xã hội; một bên là
đường lối tiến bộ xã hội, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và dân
chủ, mà phe xã hội chủ nghĩa là nòng cốt; một bên là đường lối phản
động, nô dịch và đàn áp các dân tộc và gây chiến tranh của phe đế quốc,
đứng đầu là đế quốc Mỹ. Chúng ta có đầy đủ lý do để tin tưởng chắc chắn
rằng trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội nhất
định sẽ thắng và cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới cho hòa bình, độc
lập dân tộc và dân chủ nhất định sẽ đánh bại bọn chủ nghĩa đế quốc gây
chiến. Không thể khác được vì đó là bước đường phát triển khách quan của
lịch sử.
Thưa các
đồng chí đại biểu,
Hiện nay tình hình quốc tế
đang căng thẳng. Nguyên nhân là vì đế quốc Mỹ và các đế quốc phương Tây
đang ra sức chạy đua vũ trang, đe dọa hòa bình, gây tình hình căng thẳng
ở trung tâm châu Âu, và Đông Nam châu Á, tại Đức và Tây Béclin, tại Lào
và miền Nam nước ta.
Ai nấy đều biết, từ khi lên
cầm quyền, Tổng thống Mỹ Kennơđi đã ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Chỉ
trong khoảng thời gian 6 tháng, Mỹ đã ba lần tăng ngân sách quân sự cho
năm 1961-1962, thực hiện một chương trình cải tổ và tăng cường quân lực
toàn diện, rộng lớn và gấp rút, nhằm đẩy mạnh việc chuẩn bị chiến tranh.
Hiện nay ngân sách quân sự của Mỹ đã lên tới trên 56 tỷ đô la. Đây là
khoản chi phí quân sự khổng lồ của Mỹ chưa từng thấy trong hòa bình. Đế
quốc Mỹ đã chi phí một số tiền rất lớn trong việc sản xuất các loại vũ
khí hiện đại, vũ khí tên lửa, vũ khí hạt nhân. Hải lục không quân Mỹ đều
được tăng cường. Mới đây mỹ lại gọi 25 vạn lính trù bị nhập ngũ, gia hạn
thời gian tại ngũ thêm một năm cho cả quân đội.
Anh, Pháp, Tây Đức và các
nước khác trong khối xâm lược Bắc Đại Tây Dương theo đuôi Mỹ, ráo riết
chuẩn bị chiến tranh. Từ khi gia nhập khối xâm lược Bắc Đại Tây Dương,
Anh đã tăng ngân sách chiến tranh gấp hơn hai lần. Năm 1961-1962, Anh sẽ
chi đến 1.655.600.000 bảng về quân sự, nhằm chủ yếu sản xuất vũ khí hiện
đại và trang bị cho hải lục không quân Anh các loại vũ khí hạt nhân. Chi
phí quân sự của Pháp năm nay cũng lên tới 19 tỷ frăng mới, chiếm 27%
toàn bộ ngân sách. Pháp lại còn bất chấp dư luận thế giới, liên tiếp bốn
lần thử vũ khí nguyên tử tại sa mạc Xahara.
Mỹ, Anh, Pháp phải gánh trách
nhiệm trước nhân dân thế giới về việc vũ trang lại Tây Đức và biến Tây
Đức thành lò chiến tranh ở châu Âu và thế giới. Chi phí quân sự của Tây
Đức đã lên tới 11 tỷ 200 triệu mác và tính theo đầu người gần bằng con
số dưới thời Hítle lúc sắp nổ ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Quân đội Tây Đức cũng đang tăng cường nhanh chóng, nguy hiểm nhất là kế
hoạch hoàn thành vũ trang quân đội Tây Đức bằng vũ khí nguyên tử đang
được xúc tiến gấp rút.
Các nước khác trong khối quân
sự Bắc Đại Tây Dương trong 11 năm qua cũng đã tăng ngân sách quân sự từ
hai đến bốn lần rưỡi.
Sự tăng gia một cách điên
cuồng chi phí quân sự của các nước trong khối Bắc Đại Tây Dương chỉ rõ
vai trò của khối quân sự xâm lược này trong sự đầu độc bầu không khí thế
giới hiện nay. Mỹ đang tích cực vũ trang lại cho bọn quân phiệt Nhật
Bản, tăng tường cho khối xâm lược Đông Nam Á và khối xâm lược trung tâm,
tăng cường các căn cứ quân sự của chúng ở nước ngoài.
Như mọi người đều biết, từ
trước đến nay Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa vẫn chủ trương thực
hiện chính sách ngoại giao hòa bình và chung sống hòa bình, chủ trương
giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế bằng thương lượng. Liên Xô đã
đưa ra đề nghị giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, cấm thử vũ khí
hạt nhân, thành lập những khu vực không có vũ khí nguyên tử, ký hiệp ước
không xâm lược lẫn nhau giữa các nước trong tổ chức Hiệp ước Vácxôvi
và các nước trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Liên Xô đã tự ngừng thử vũ
khí nguyên tử, một mình liên tiếp giảm quân số, trong những năm 1955,
1956 và 1958 đã giảm 2.140.000 người, ngày 15-01-1960 quyết định sẽ giảm
1.200.000 người nữa. Đáp lại những hành động đầy thiện chí của Liên Xô
và các nước xã hội chủ nghĩa, đế quốc Mỹ và đồng minh của Mỹ một mặt tìm
mọi cách gạt bỏ những đề nghị thiết thực và hợp tình hợp lý của Liên Xô,
kéo dài và phá hoại các cuộc đàm phán về giải trừ quân bị và cấm thử vũ
khí nguyên tử, mặt khác tăng cường chạy đua vũ trang và xúc tiến việc
chuẩn bị chiến tranh.
Đứng trước tình hình đó, Liên
Xô và các nước trong Hiệp ước Vácxôvi không thể không có những biện pháp
phòng thủ thích đáng và có hiệu quả để ngăn chặn âm mưu gây chiến của
phe đế quốc, để bảo vệ sự an ninh của phe xã hội chủ nghĩa, tránh cho
nhân loại một cuộc chiến tranh tàn phá khủng khiếp.
Liên Xô đã buộc phải thử lại
bom nguyên tử, tạm hoãn việc giảm bớt các lực lượng vũ trang, củng cố và
nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng hải, lục, không quân của nước
mình. Các nước trong Hiệp ước Vácxôvi cũng có những biện pháp phòng thủ
thích đáng.
Những biện pháp phòng thủ của
Liên Xô và các nước trong Hiệp ước Vácxôvi được dư luận nhân dân trên
thế giới hiểu biết và tán thành, vì họ hiểu rằng Liên Xô không bao giờ
tấn công ai trước và những hành động của Liên Xô là có tác dụng ngăn
chặn bọn cuồng chiến Mỹ muốn gây ra cuộc chiến tranh hạt nhân và đó là
vì lợi ích của Liên Xô, của cả phe xã hội chủ nghĩa và của toàn thể nhân
loại.
Câu nói của đồng chí
Khơrútsốp ngày 17-10-1961 trong bản báo cáo ở Đại hội Đảng Cộng sản Liên
Xô lần thứ XXII là một lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với phe đế quốc: “Từ
nay về sau, bọn đế quốc không còn có thể đe dọa dùng vũ lực đối với các
nước xã hội chủ nghĩa mà không bị trừng trị… Nếu bất chấp lẽ phải, bọn
đế quốc dám tấn công các nước xã hội chủ nghĩa và đẩy loài người vào vực
thẳm của cuộc chiến tranh tiêu diệt trên phạm vi thế giới thì hành động
điên cuồng đó sẽ là hành động cuối cùng của chúng, tức là toàn bộ hệ
thống tư bản xã hội chủ nghĩa sẽ bị diệt vong”.
Thật vậy, những biện pháp
phòng thủ kiên quyết của Liên Xô đã làm nguội những cái đầu nóng của bọn
đế quốc hiếu chiến.
Liên Xô và các nước xã hội
chủ nghĩa, trước sau như một, kiên quyết thực hiện không mệt mỏi chính
sách ngoại giao hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc, thực hiện chung
sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau, đem
hết sức mình để củng cố nền hòa bình lâu dài, cùng với các lực lượng yêu
chuộng hòa bình trên thế giới, quyết không cho bọn đế quốc hiếu chiến
gây ra cuộc chiến tranh thế giới.
Hai cuộc đại chiến thế giới
vừa qua đều bắt nguồn từ nước Đức! Những sự tàn phá ghê gớm của nó vẫn
còn in sâu trong trí nhớ của nhân dân thế giới. Cho nên mọi người trên
thế giới hiện nay đều hết sức quan tâm đến vấn đề Đức, một vấn đề có tầm
quan trọng đặc biệt, liên quan đến vấn đề hòa bình và chiến tranh thế
giới. Mười sáu năm đã qua từ khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai kết
thúc mà hòa ước với Đức chưa được ký kết để xóa bỏ những tàn tích của
cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Các nước phương Tây, đứng đầu là
Mỹ ngay từ đầu đã phá hoại Hiệp ước Pốtsđam, ra sức phục hồi chủ nghĩa
quân phiệt phục thù Tây Đức, mưu dùng Tây Đức làm lực lượng xung kích
tiến công Liên Xô, tiến công phe xã hội chủ nghĩa và các nước khác ở
châu Âu, tạo nên một lò lửa gây chiến nguy hiểm ngay giữa lòng châu Âu,
có thể dẫn loài người đến thảm họa một cuộc chiến tranh nguyên tử. Các
nước phương Tây lại biến Tây Béclin thành một trung tâm gián điệp, buôn
người, khiêu khích, phá hoại nước Cộng hòa Dân chủ Đức và phe xã hội chủ
nghĩa.
Về phía mình, Liên Xô đã
triệt để thi hành mọi điều cam kết quốc tế, đã giúp đỡ nhân dân ở miền
Đông nước Đức tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa quân phiệt quốc xã. Để đáp ứng
đòi hỏi cấp bách của tình hình, Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa chủ
trương ký hòa ước với nước Đức và trên cơ sở đó bình thường hóa với Tây
Béclin. Hòa ước với Đức được ký kết xẽ xóa bỏ những tàn tích của chiến
tranh thế giới lần thứ hai, do đó xóa bỏ chế độ chiếm đóng làm cho nước
Đức phục hồi quyền của mình về mặt pháp lý quốc tế, sẽ thủ tiêu chế độ
quân phiệt tận gốc, củng cố được nền hòa bình ở châu Âu, trừ bỏ cho nhân
loại một mối đe dọa của chiến tranh. Hiệp ước này sẽ tạo những điều kiện
thuận lợi cho hai Nhà nước Đức, nước Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa
Liên bang Đức gần gũi, hợp tác với nhau, do đó mở đường cho nhân dân Đức
tự giải quyết lấy vấn đề thống nhất nước Đức trên cơ sở hòa bình và dân
chủ.
Nhưng trước những đề nghị
đúng đắn của Liên Xô, Mỹ và các nước phương Tây đã tìm cách từ chối và
đáp lại bằng những lời đe dọa gây ra chiến tranh thế giới lần thứ ba, đe
dọa sử dụng vũ khí nguyên tử để duy trì cái được gọi là “quyền” của Mỹ ở
Tây Béclin. Ra lệnh động viên từng bộ phận, thao diễn quân sự ở Thổ Nhĩ
Kỳ gần biên giới Liên Xô, chở thêm nhiều bộ đội và vũ khí sang Tây Đức
và Tây Béclin… Mới đây Mỹ, Anh, Tây Đức tổ chức tập trận ở Tây Đức và
Tây Béclin; Mỹ và Canađa đã tổ chức cuộc tập trận không quân lớn nhằm
tác động tinh thần cuồng chiến ở Mỹ, Anh và Pháp cũng tăng cường quân
đội, đưa thêm nhiều thiết giáp và máy bay tới Tây Béclin và Tây Đức.
Anh, Pháp, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ cũng tập “báo động nguyên tử”
coi như trường hợp chiến tranh nguyên tử xẩy ra thật. Bọn cầm quyền ở
Bon
ráo riết tăng cường quân bị, hoàn thành gấp rút việc trang bị cho quân
đội Tây Đức bằng vũ khí nguyên tử, đồng thời ra sức gây một cách giả tạo
tinh thần phục thù trong nhân dân Tây Đức.
Việc ký hòa ước với nước Đức
và trên cơ sở đó mà biến Tây Béclin thành một thành phố tự do phi quân
sự hóa là một vấn đề vô cùng cấp bách, không thể trì hoãn được. Và nếu
các nước phương Tây không chịu ký hòa ước với hai Nhà nước Đức thì Liên
Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sẽ ký một hòa ước với nước Cộng
hòa Dân chủ Đức để nước này trở thành một nhà nước có đầy đủ chủ quyền
trên lãnh thổ của mình và trên cơ sở đó bình thường hóa tình hình Tây
Béclin.
Gần đây, trước thái độ kiên
quyết của Liên Xô, nước Cộng hòa Dân chủ Đức và cả phe xã hội chủ nghĩa,
trước áp lực mạnh mẽ của dư luận thế giới, các nước phương Tây đã tỏ ý
muốn thương lượng với Liên Xô. Nhân dân thế giới sẽ tiếp tục theo dõi
thái độ của họ và đòi hỏi họ phải có thái độ việc làm đi đôi với lời nói
trong vấn đề này.
Mọi người đều biết trong khi
tạo ra cái gọi là “nguy cơ Béclin” làm cho tình hình càng thêm căng
thẳng, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu xâm lược của chúng ở Đông Nam Á.
Mới đây, hội nghị cố vấn quân sự của khối xâm lược Đông Nam Á do Mỹ giật
dây, đã ra thông cáo cho biết họ đã có kế hoạch chuẩn bị cho lực lượng
của các nước tham gia khối đó được “sẵn sàng” vì tình hình ở khu vực này
“rất nghiêm trọng”. Những kẻ nào đã làm cho tình hình Đông Nam Á nghiêm
trọng? Kẻ nào đã giúp đỡ nhóm Xavannakhét ở Lào mở rộng nội chiến ở Lào?
Kẻ nào đã tăng cường can thiệp vào miền Nam nước ta, giúp đỡ bọn Ngô
Đình Diệm khủng bố, tàn sát đồng bào miền Nam? Kẻ đó chính là đế quốc
Mỹ.
Bài diễn văn của Tổng thống
Mỹ ngày 25-9-1961 trước Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ XVI đã rất
chú trọng đến tình hình Đông Nam Á, trước hết là Lào và miền Nam Việt
Nam. Tiếp theo đó là những lời tuyên bố vu khống, xuyên tạc và đầy tính
chất đe dọa của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình miền Nam Việt Nam.
Về tình hình Lào, mọi người
đều biết sau cuộc đảo chính ngày 9-8-1961 do Trung tướng Koongle lãnh
đạo và Chính phủ hòa bình trung lập của Thủ tướng Xuvana Phuma thành
lập, đế quốc Mỹ đã can thiệp thô bạo vào Vương quốc Lào, xúi dục và giúp
đỡ nhóm phiến loạn Xavannakhét gây nội chiến ở Lào. Nhưng chúng đã thất
bại nhục nhã về mặt chính trị và quân sự, vì nhân dân Lào dưới sự lãnh
đạo của Chính phủ hợp pháp do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ tướng và
Neo Lào Hắc Xạt
đứng đầu là Hoàng thân Xuphanuvông, đã tiến hành một cuộc chiến đấu
quyết liệt chống can thiệp Mỹ và nhóm phiến loạn Xavannakhét, bắt buộc
chúng phải nhận đình chiến và thương lượng. Nhưng đế quốc Mỹ và những
người theo Mỹ ở Lào vẫn thi hành chính sách hai mặt: một mặt bị bắt buộc
phải tiếp tục đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ về Lào, mặt khác lợi dụng đình
chiến, gấp rút tăng cường quân bị để chuẩn bị gây lại chiến tranh ở Lào.
Hội nghị Giơnevơ đến nay đã hơn năm tháng, mặc dầu đã có những tiến bộ
về căn bản, nhưng Mỹ và các nước phương Tây cố tình giữ một số đề nghị
vô lý có tính chất xâm phạm chủ quyền của Lào, nên Hội nghị vẫn bị kéo
dài chưa kết thúc được.
Gần đây, do áp lực của nhân
dân Lào và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đòi hòa bình giải
quyết vấn đề Lào và kết thúc Hội nghị Giơnevơ để đưa nước Lào trở thành
một nước hòa bình trung lập, nhóm Xavannakhét đã phải thừa nhận việc gặp
gỡ của ba Hoàng thân Lào để thành lập Chính phủ liên hiệp. Cuộc gặp gỡ
ngày 6-10-1961 tại Hinhợp giữa Hoàng thân Xuvana Phuma, Hoàng thân
Xuphanuvông và Hoàng thân Bun Um đã đem lại một kết quả đầu tiên khả
quan là ba Hoàng thân nhất trí đề cử Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ
tướng để đứng ra thành lập một Chính phủ liên hiệp hòa bình trung lập ở
Lào. Việc lập một Chính phủ liên hiệp trung lập do Hoàng thân Xuvana
Phuma làm Thủ tướng và việc kết thúc một cách thắng lợi Hội nghị Giơnevơ
để làm cho Vương quốc Lào trở thành một nước hòa bình, trung lập, độc
lập và thống nhất là nguyện vọng chính đáng và cần thiết của nhân dân
Lào và nhân dân Đông Nam Á hiện nay. Nhưng đế quốc Mỹ phải từ bỏ âm mưu
can thiệp vào Lào và phá hoại việc thành lập Chính phủ Liên hiệp ở Lào
do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ tướng. Đế quốc Mỹ phải từ bỏ ảo tưởng
giúp đỡ và xúi giục những người theo Mỹ ở Lào dùng quân sự giải quyết
vấn đề Lào. Đế quốc Mỹ và các nước phương Tây phải chấm dứt việc ngăn
trở Hội nghị Giơnevơ đi đến kết quả. Trong tình hình ở Lào hiện nay, một
Chính phủ hòa bình trung lập do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ tướng sẽ
đem lại hòa bình ở Lào được và do đó làm cho tình hình bớt căng thẳng ở
khu vực này.
Ở miền Nam Việt Nam, đế quốc
Mỹ đang tăng cường can thiệp quân sự, gây nên một tình hình cực kỳ
nghiêm trọng. Bản thông cáo chung Giônxơn - Ngô Đình Diệm được ký kết
vào dịp Phó tổng thống Mỹ tới thăm miền Nam, đã đánh dấu một bước mới
trong việc tăng cường can thiệp quân sự của Mỹ vào miền Nam. Mỹ đã định
tăng thêm viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Mỹ đang tích cực giúp
chính quyền Ngô Đình Diệm tăng quân số chính quy lên gấp đôi đưa vào
miền Nam vũ khí và dụng cụ chiến tranh, trong đó có những vũ khí có sức
giết hại lớn. Nhiều chuyên viên Mỹ đã được đưa thêm vào miền Nam. Tướng
tá và chuyên viên quân sự Mỹ đang trực tiếp chỉ huy các cuộc càn quét,
khủng bố của quân đội miền Nam để giết hại những người kháng chiến cũ,
những người yêu nước ở miền Nam. Đế quốc Mỹ đã vạch ra kế hoạch Stalây,
kế hoạch chiến tranh chống lại nhân dân miền Nam, định tập trung hàng
triệu dân ở miền Nam vào những khu vực riêng biệt.
Gần đây, Chính phủ Mỹ lại âm
mưu đưa quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Mới đây Tổng thống Mỹ gửi cố
vấn quân sự đặc biệt của mình là Taylo sang miền Nam Việt Nam để chuẩn
bị đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam.
Hoạt động nói trên của Mỹ vi
phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ, chà đạp thô bạo đến chủ quyền, độc
lập dân tộc của nhân dân Việt Nam và là một sự khiêu khích nghiêm trọng
đối với nhân dân các nước ở Đông Dương và Đông Nam Á, đe dọa hòa bình và
an ninh của các dân tộc ở khu vực này. Những sự can thiệp của Mỹ quyết
không thể đàn áp nổi phong trào yêu nước của đồng bào miền Nam, quyết
không thể cứu vãn được bè lũ Ngô Đình Diệm, một chính quyền độc tài thối
nát bị nhân dân căm ghét và nguyền rủa. Hành động của đế quốc Mỹ chỉ
càng làm tăng thêm lòng căm phẫn của nhân dân miền Nam Việt Nam, quyết
tâm đứng lên đấu tranh chống lại chúng để tự giải phóng cho mình.
Đế quốc Mỹ là thành lũy chủ
yếu của chủ nghĩa thực dân hiện đại. Đế quốc Mỹ là chỗ dựa của thực dân
Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Bỉ, Nam Phi, Hà Lan, Tây Ban Nha để tiến hành âm
mưu duy trì ách thuộc địa tại nhiều nơi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la
tinh. Bọn thực dân đang dùng vũ khí Mỹ để tiến hành chiến tranh ở
Angiêri, bắn giết đàn bà, trẻ con ở Camơrun, đốt phá làng mạc ở Angôla.
Đế quốc Mỹ đã không từ bỏ âm mưu xâm lược nước Cộng hòa Cuba. Ở Cônggô,
đế quốc Mỹ núp dưới lá cờ Liên hợp quốc đã dùng bộ đội Liên hợp quốc
tiến hành âm mưu lấy Cônggô, dùng vũ lực giành giật quyền lợi với thực
dân Anh và Bỉ. Thâm độc hơn, bằng giọng lưỡi giả nhân giả nghĩa, đế quốc
Mỹ đang dùng những hình thức mới của chủ nghĩa thực dân để hòng đặt lại
ách thuộc địa lên những nước mới giành được độc lập. Tổng thống Mỹ,
Kennơđi đã tăng thêm tiền “viện trợ”, lập ra cái gọi là “đội quân hòa
bình”, “kế hoạch lương thực hòa bình”, v.v., luôn miệng ve vãn, lường
gạt những nước chậm tiến.
Nhưng ngày nay bộ mặt xâm
lược và gây chiến của đế quốc khó lừa dối được ai. Chúng ta tin rằng
nhân dân Angiêri, nhân dân Angôla, nhân dân Camơrun và nhân dân các nước
thuộc địa khác nhất định giành được thắng lợi cuối cùng. Hệ thống thuộc
địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã nhất định sẽ hoàn toàn tan rã, không
một âm mưu quỷ kế nào của chủ nghĩa đế quốc có thể cứu vãn nổi. Đồng bào
miền Nam Việt Nam ta nhất định sẽ được giải phóng! Nước Việt Nam nhất
định thực hiện được thống nhất! Dân tộc các nước thuộc địa và phụ thuộc
nhất định sẽ giành được độc lập hoàn toàn!
Thưa các
đồng chí đại biểu,
Ngày nay lực lượng so sánh
trên vũ đài quốc tế đã có những biến đổi sâu sắc có lợi cho hòa bình,
độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ làm mưa làm gió
của chủ nghĩa đế quốc, thời kỳ mà một nhóm các nước đế quốc quyết định
số phận của nhân loại đã vĩnh viễn qua rồi. Thời đại ngày nay đã xuất
hiện khả năng có thể ngăn chặn được cuộc chiến tranh thế giới mới. Trước
mắt, tình hình thế giới có chiều căng thẳng. Nhưng chỉ cần nhân dân thế
giới đề cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, ra sức đấu tranh thì nhất định
sẽ đánh bại được mọi âm mưu gây chiến của đế quốc. Nhân dân Việt Nam
quyết sát cánh cùng nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu
chuộng hòa bình thế giới góp phần cống hiến vào cuộc đấu tranh vĩ đại để
giữ gìn hòa bình cho loài người.
Thưa các
đồng chí đại biểu Quốc hội,
Bây giờ tôi xin nói đến công
tác đối ngoại của Nhà nước chúng ta trong thời gian qua. Cũng như tất cả
các nước xã hội chủ nghĩa khác, từ trước tới nay nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa luôn luôn theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình và hữu nghị
giữa các dân tộc. Trong thời gian qua, hoạt động ngoại giao của nước ta
được mở rộng và đã thu được những kết quả quan trọng.
Ra sức thắt chặt mối quan hệ
hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, góp phần vào
việc tăng cường đoàn kết nhất trí giữa các nước trong phe xã hội chủ
nghĩa là phương hướng cơ bản của chính sách ngoại giao của nước ta.
Chúng tôi hết sức vui mừng báo cáo với Quốc hội rằng quan hệ giữa nước
ta với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên mọi mặt lĩnh vực ngày càng
được củng cố và phát triển mạnh mẽ.
Mới đây, cuộc đi thăm hữu
nghị sáu nước xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Liên Xô,
Tiệp Khắc, Ba Lan của đoàn đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng
dẫn đầu đã thu được những kết quả rất tốt đẹp, đánh dấu một bước phát
triển mới trong quan hệ giữa nước ta với các nước nói trên. Cuộc đi thăm
hữu nghị ấy là một đóng góp tích cực vào việc tăng cường tình hữu nghị
vĩ đại và sự đoàn kết nhất trí không gì lay chuyển nổi giữa nhân dân ta
và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa. Những ngày đi thăm sáu nước của
Đoàn đại biểu Chính phủ ta là những ngày chứa chan tình hữu nghị giữa
nhân dân ta với nhân dân các nước anh em, những người cùng chung lý
tưởng Mác-Lênin, cùng chung mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản, gắn bó với nhau dưới lá cờ tươi thắm của chủ nghĩa quốc
tế vô sản. Các nước anh em đã đánh giá cao vai trò, địa vị và sự cống
hiến của nước ta, của nhân dân ta đối với việc tăng cường đoàn kết trong
phe xã hội chủ nghĩa và việc giữ gìn hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới,
đã nhiệt liệt ủng hộ phong trào yêu nước ở miền Nam và cuộc đấu tranh
nhằm hòa bình thống nhất đất nước của chúng ta. Qua cuộc đi thăm này,
chúng ta cũng hiểu thêm tình hình và những kinh nghiệm quý báu xây dựng
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của các nước mà đoàn đã tới thăm,
do đó tăng cường thêm sự hợp tác về các mặt với các nước anh em.
Trong thời gian vừa qua,
chúng ta đã mở rộng hoạt động ngoại giao với các nước Á - Phi và châu Mỹ
la tinh và đã thu được một số kết quả quan trọng. Mối quan hệ hữu nghị
dựa trên năm nguyên tắc chung sống hòa bình và tinh thần Băngđung giữa
nước ta với các nước láng giềng, các nước Đông Nam Á, các nước Á - Phi
và châu Mỹ la tinh không ngừng được củng cố và phát triển. Với chính
sách ngoại giao hòa bình và hợp tác quốc tế, chúng ta đã làm cho nhân
dân các nước Á - Phi và một số nước châu Mỹ la tinh hiểu biết ta hơn và
đồng tình với ta trong công cuộc xây dựng đời sống mới ở miền Bắc và
trong công cuộc đấu tranh nhằm hòa bình thống nhất đất nước của chúng
ta.
Chúng ta đã đặt quan hệ ngoại
giao với Cuba, Ghinê, Mali, Marốc và quan hệ giữa các đoàn thể nhân dân
ta với nhân dân các nước Á - Phi và châu Mỹ la tinh ngày thêm mở rộng.
Gần đây các đoàn đại biểu Chính phủ và hữu nghị của Cuba, Mali, Ghinê,
Camơrun sang thăm nước ta, mang lại cho nhân dân ta sự yêu mến của nhân
dân các nước châu Phi và châu Mỹ la tinh.
Một sự kiện có ý nghĩa quan
trọng trong hoạt động ngoại giao của nước ta tại khu vực Á - Phi là việc
Chính phủ ta phái một phái đoàn đại biểu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao dẫn đầu đi thăm các nước châu Phi: Cộng hòa Ghinê, Cộng hòa Mali,
Cộng hòa Nigiê, Vương quốc Marốc, Cộng hòa Tuynidy, Cộng hòa Ả rập thống
nhất. Cuộc đi thăm này đã thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa nước
ta với các nước ấy, do đó tăng thêm sự cảm tình và ủng hộ của nhân dân
các nước ấy đối với sự nghiệp của nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam
hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Lần đi thăm này
cũng là dịp để chúng ta tỏ tình ủng hộ triệt để của nhân dân ta đối với
cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước châu Phi, đối với cuộc
đấu tranh anh dũng của nhân dân Angiêri, nhân dân Cônggô, nhân dân
Angôla…
Một đoàn đại biểu của Chính
phủ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa dẫn đầu đã đi thăm Cuba trong những ngày
tháng 5, trong lúc không khí đấu tranh bảo vệ Tổ quốc chống xâm lược và
can thiệp của đế quốc Mỹ đang sôi sục trên đất nước này, mang lại tới
nhân dân Cuba anh hùng lòng khâm phục và sự ủng hộ kiên quyết của nhân
dân ta đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân Cuba và thắt chặt
thêm mối tình hữu nghị giữa hai nước.
Chúng ta rất coi trọng việc
củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa nước ta với Ấn Độ,
Inđônêxia, Miến Điện và các nước Đông Nam Á khác. Trong thời gian qua
mối quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước trong khu vực này cũng
phát triển thuận lợi.
Chính phủ và nhân dân ta coi
trọng việc củng cố và phát triển quan hệ với nước Campuchia và cho rằng
việc tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt giữa Việt Nam và Campuchia là
có lợi cho nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình ở Đông Dương và Đông
Nam Á. Chính phủ và nhân dân ta nhiệt liệt ủng hộ chính sách hòa bình
trung lập của Chính phủ Vương quốc Campuchia do Thái tử Xihanúc lãnh
đạo, vì chính sách này phù hợp với lợi ích của nhân dân Campuchia, nhân
dân Đông Dương và nhân dân Đông Nam Á nói chung.
Đối với Lào, Chính phủ nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xác định lại một lần nữa chính sách quan hệ
láng giềng tốt của mình với Vương quốc Lào trên cở sở năm nguyên tắc
chung sống hòa bình, không can thiệp vào nội bộ của nhau và ủng hộ một
Chính phủ hòa bình trung lập thực sự của Lào.
Chính phủ nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa chân thành chúc Hoàng thân Thủ tướng Xuvana Phuma, trên cơ
sở bản thông cáo chung ở Duyríc
giữa ba Hoàng thân ngày 22-6-1961 và những sự thỏa thuận giữa ba Hoàng
thân Lào tại Hin hợp ngày 8-10-1961 sẽ thành công trong việc thành lập
Chính phủ Liên hiệp Lào, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Lào là đưa
nước Lào tiến lên con đường hòa bình trung lập và thống nhất thực sự.
Chúng tôi kịch liệt phản đối Chính phủ Mỹ âm mưu can thiệp vào nội bộ
của nước Lào, tìm cách xúi dục nhóm Xavanakhét ngăn trở việc thành lập
mau chóng Chính phủ Liên hiệp ở Lào do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ
tướng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đòi Mỹ và các nước
phương Tây phải rút những đề nghị vô lý của mình ở Hội nghị Giơnevơ về
Lào, để cùng với các đoàn đại biểu khác kết thúc thắng lợi Hội nghị ấy.
Cùng với các đoàn đại biểu của Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan và các đoàn
đại biểu của những nước có thiện chí khác, đoàn đại biểu của Chính phủ
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang tích cực góp phần để làm cho Hội
nghị Giơnevơ đi đến thành công tốt đẹp.
Thưa các
đồng chí đại biểu,
Vì lợi ích của hòa bình và
hữu nghị giữa các dân tộc, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
triệt để ủng hộ lập trường và đề nghị của Liên Xô và của các nước Cộng
hòa Dân chủ Đức về việc ký hòa ước với Đức và trên cơ sở đó giải quyết
những vấn đề Tây Béclin, kiên quyết ủng hộ những biện pháp quốc phòng
cần thiết gần đây, kể cả việc thử lại vũ khí nguyên tử nhằm bảo vệ sự an
toàn của Liên Xô và của phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình thế giới.
Chính phủ nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa ủng hộ chủ trương của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa về việc ký một điều ước hòa bình và lập một vùng không có vũ
khí hạt nhân ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, kiên quyết ủng hộ lập
trường chính nghĩa của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong vấn đề
giải phóng Đài Loan, lãnh thổ của Trung Quốc và cho rằng địa vị hợp pháp
của Trung Quốc tại Liên hợp quốc phải được khôi phục một cách mau chóng
và âm mưu tạo ra hai nước Trung Hoa của đế quốc Mỹ sẽ thất bại nhục nhã.
Chính phủ nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên
đòi quân đội chiếm đóng của đế quốc Mỹ ở Nam Triều Tiên phải rút ra khỏi
Nam Triều Tiên và ủng hộ chủ trương của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân
Triều Tiên là hòa bình thống nhất nước Triều Tiên.
Việc nội bộ, việc thống nhất
nước Triều Tiên phải do nhân dân Triều Tiên, hai miền tự giải quyết lấy,
đế quốc Mỹ và các đế quốc khác không được can thiệp vào.
Chính phủ nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa cho rằng cơ cấu tổ chức của Liên hợp quốc đã lỗi thời, cần
phải cải tổ cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Chính phủ nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa trước sau như một, thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ về
Việt Nam và Đông Dương, kiên quyết đấu tranh chống những mưu mô xuyên
tạc phá hoại Hiệp định Giơnevơ của đế quốc Mỹ và phe lũ để cho Hiệp định
Giơnevơ được thi hành nghiêm chỉnh và triệt để. Chúng ta kiên quyết phản
đối âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ đang dựng đứng lên câu chuyện miền
Bắc đưa “quân đội” vào “xâm lược” miền Nam Việt Nam để vu khống một cách
thô bỉ Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và để mượn cớ đưa quân
đội Mỹ vào xâm lược miền Nam. Đế quốc Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm
về những hậu quả của việc làm nguy hiểm nói trên. Chính phủ nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa cực lực tố cáo trước dư luận thế giới âm mưu thâm
độc của đế quốc Mỹ định đưa quân vào miền Nam Việt Nam và đòi Mỹ phải
lập tức chấm dứt sự can thiệp vào miền Nam Việt Nam, chấm dứt âm mưu phá
hoại hòa bình thống nhất Việt Nam, đe dọa hòa bình ở Đông Dương và Đông
Nam Á.
Chúng ta tin tưởng rằng được
sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân các nước trên thế giới, cuộc đấu
tranh yêu nước của đồng bào miền Nam và sự nghiệp hòa bình thống nhất
đất nước ta theo Hiệp định Giơnevơ nhất định thắng lợi.
Âm mưu đen tối của đế quốc Mỹ
quyết không thể che nổi mắt nhân dân Việt Nam, nhân dân Á - Phi và nhân
dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Nhân dân Việt Nam luôn luôn tăng cường
cảnh giác kịp thời vạch trần mọi mưu mô can thiệp và xâm lược của đế
quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam.
Thưa các
đồng chí đại biểu,
Những kết quả về hoạt động
ngoại giao ngày càng quan trọng của Nhà nước chúng ta đã làm cho quan hệ
quốc tế của ta và ảnh hưởng quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
ngày càng được đề cao trên thế giới. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
ở miền Bắc và cuộc đấu tranh nhằm hòa bình thống nhất đất nước của chúng
ta ngày càng được nhiều người, nhiều nước trên thế giới đồng tình và ủng
hộ.
Nhân dân Việt Nam ta được
nhân dân thế giới mến yêu và tin cậy là vì chúng ta có cống hiến một
phần cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cho
sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thắng lợi của cuộc đấu
tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta trước đây cũng như những
thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay ở miền Bắc
cùng với những thắng lợi của phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân
ta ở miền Nam là những đóng góp tích cực cho sự nghiệp đấu tranh của
nhân dân thế giới cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã
hội. Những hoạt động đối ngoại của Nhà nước chúng ta cho hòa bình và hữu
nghị giữa các dân tộc, chống chính sách gây chiến và xâm lược của chủ
nghĩa đế quốc, ủng hộ phong trào độc lập dân tộc chống chủ nghĩa thực
dân dưới mọi hình thức đã gây một tiếng vang mạnh mẽ trong nhân dân các
nước Á - Phi và châu Mỹ la tinh.
Tiếp tục phấn đấu dưới ngọn
cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, trên cơ sở của
những thắng lợi vừa qua, công tác ngoại giao của Nhà nước chúng ta dưới
sự lãnh đạo của Đảng ta, chắc chắn sẽ thu được những thắng lợi ngày càng
to lớn hơn nữa, góp phần tích cực vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà, tích cực góp phần
vào việc bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.