VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

   

THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN KẾ HOẠCH
VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI VỀ
BẢN TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1960 CỦA CHÍNH PHỦ
(Do ông Tôn Quang Phiệt, Chủ nhiệm
Uỷ ban trình bày tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá II ngày 26-10-1961)

 

Thưa Chủ tịch đoàn,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hội đồng Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội bản tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1960.

Uỷ ban chúng tôi đã thẩm tra bản tổng quyết toán đó và xin trình bày ý kiến để Quốc hội xét.

1. Trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội chúng ta, vào tháng 4-1961 Hội đồng Chính phủ đã báo cáo tình hình chấp hành ngân sách nhà nước 1960, và Quốc hội đã thảo luận, nhận xét và quyết nghị thông qua báo cáo đó.

Đến nay theo con số quyết toán chính thức của Hội đồng Chính phủ thì tổng số thu 1960 quyết toán là 1.480.232.495đ46 bằng 102,3% số dự toán, tăng 22,1% so với 1959. Tổng số thu quyết toán tăng 49.882.795đ46 so với con số báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Tổng số chi 1960 quyết toán là 1.470.919.721đ09 bằng 101,7% số dự toán, tăng 29,2% so với 1959. Tổng số chi quyết toán tăng 47.149.421đ09 so với con số báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Uỷ ban chúng tôi đã xét những lý do chênh lệch giữa con số báo cáo của Chính phủ trong kỳ họp Quốc hội thứ 2 với con số quyết toán, và nhận thấy rằng: số thu trong nước tăng là do cố gắng của các ngành quản lý kinh tế đã được thể hiện chính xác hơn sau khi quyết toán.

Số thu ngoài nước và số chi tăng là do điều chỉnh sổ sách kế toán của Nhà nước về số thiết bị nguyên vật liệu đã nhập khẩu cuối năm 1960, đã được thanh toán trong cuối năm 1960 và đã được phân phối cho các ngành sử dụng trong các năm 1960 và chuẩn bị cho năm 1961.

Uỷ ban chúng tôi xác nhận rằng những lý do điều chỉnh đó đều chính đáng.

2. Căn cứ theo số liệu quyết toán chính thức của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban chúng tôi nhận thấy rằng những nhận định của Quốc hội trong kỳ họp thứ 2 về tình hình chấp hành ngân sách nhà nước 1960 vẫn hoàn toàn đúng.

Năm 1960, mặc dầu gặp khó khăn vì mất mùa nặng, ngân sách nhà nước đã được thực hiện tốt. Thu chi đều thực hiện được vượt mức kế hoạch một chút, số thu trong nước đã vượt mức kế hoạch 6,1%, tăng 19,6% so với năm 1959 - riêng thu về xí nghiệp đã vượt kế hoạch 9,3%, tăng 29,1% so với năm 1959, thu về thuế nông nghiệp không đạt kế hoạch vì mất mùa và vì thực hiện chính sách miễn giảm.

Thu hơn chi 9.312.774đ37 đó là số kết dư của ngân sách địa phương năm 1960.

Trong hoàn cảnh khó khăn của năm 1960, đó là một thắng lợi to lớn, đã có tác dụng tốt đến việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1960, và đến tình hình kinh tế tài chính chung của cả nước. Điều đó chứng tỏ nền tài chính của ta là lành mạnh, chính sách kinh tế của ta là đúng đắn.

Những kết quả đó càng xác nhận nhận định của Quốc hội rằng kế hoạch đầu năm xây dựng chưa tính hết khả năng sẵn có của nền kinh tế quốc dân, và trong khi thực hiện kế hoạch trong điều kiện của năm 1960, chúng ta còn có thể tăng thu hơn nữa, chi tiêu còn có thể tiết kiệm hơn nữa, và chúng ta còn có thể làm được nhiều việc hơn nữa.

Trong việc quản lý kinh tế, bên cạnh những tiến bộ, cũng có nhiều lãng phí về sử dụng công suất thiết bị, phương tiện vận tải sử dụng nguyên liệu, sử dụng nhân lực, để vốn đọng khá nhiều trong sản xuất, trong kinh doanh và trong kiến thiết cơ bản, giá thành và phí lưu thông còn tương đối cao, chi tiêu về hành chính sự nghiệp nhiều nơi cũng còn nhiều lãng phí. Trong khi tính toán kế hoạch thì chưa nắm hết khả năng sẵn có của các ngành, thậm chí có ngành như Bộ Nội thương bỏ sót không tính vào kế hoạch thu hàng chục triệu đồng.

Dựa trên những nhận định trên đây, Quốc hội đã quyết nghị “trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước năm 1960 Chính phủ cần chỉ đạo chặt chẽ công tác thu chi, ra sức khai thác các khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế quốc dân nhằm tăng thu và triệt để tiết kiệm chi” để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà.

Uỷ ban chúng tôi nghĩ rằng các ngành, các cấp cần theo phương hướng đó, kết hợp với phong trào quần chúng thi đua sản xuất tiết kiệm, chống lãng phí tham ô để ra sức tăng cường quản lý kinh tế tài chính hơn nữa, đặc biệt quan tâm đến quản lý tài chính xí nghiệp.

3. Uỷ ban chúng tôi nhận thấy trong việc quản lý tài chính nhà nước, công tác quyết toán đã được bước đầu cải tiến, nhưng chất lượng quyết toán của các xí nghiệp, các ngành, các cấp địa phương và trung ương còn cần phải nâng cao hơn nữa.

Quyết toán nhiều đơn vị, nhiều ngành còn chưa kịp thời, chưa chính xác, và chưa phân tích để đánh giá và cải tiến công việc quản lý xí nghiệp, quản lý của các ngành, nhiều cơ quan còn xu hướng làm quyết toán như một thủ tục hành chính đối với cấp trên, cho nên tác dụng của quyết toán còn rất hạn chế. Uỷ ban chúng tôi đề nghị với Quốc hội lưu ý Chính phủ cần phải nhấn mạnh ý nghĩa và tác dụng của việc quyết toán, tăng cường kỷ luật quyết toán, nâng cao chất lượng quyết toán, từ các đơn vị cơ sở đến các ngành các cấp và chung của cả Nhà nước, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp thủ trưởng đối với việc quyết toán thu chi của đơn vị mình, cấp mình, ngành mình, theo hàng tháng, hàng quý và hàng năm.

Sau khi đã thẩm tra tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1960, và căn cứ trên những nhận xét trên đây, Uỷ ban chúng tôi đề nghị Quốc hội phê chuẩn bản tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1960 do Hội đồng Chính phủ đã trình bày.

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.

 

Về trang mục lục

Trở về đầu trang