PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH CỤ THỂ
VỀ TỔ CHỨC CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ TỔ CHỨC
CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG NĂM 1961
Căn cứ vào Điều 98
của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Luật tổ chức tòa án nhân dân
ngày 14-7-1960;
Để kiện toàn Tòa án
nhân dân các cấp, tăng cường tính chất nhân dân của tổ chức Tòa án nhân dân
và bảo đảm cho việc xét xử được chính xác và đúng pháp luật;
Uỷ ban thường vụ
Quốc hội quy định cụ thể về tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức
của các Tòa án nhân dân địa phương như sau:
CHƯƠNG I
TỔ CHỨC CỦA TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Điều 1.
Tòa án nhân dân tối cao gồm có Chánh án, một hoặc nhiều Phó chánh án, các
thẩm phán và thẩm phán dự khuyết.
Tòa án nhân dân tối
cao có những tổ chức sau đây:
- Uỷ ban thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Các tòa
chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao;
- Các Tòa hình
sự, Tòa dân sự và Tòa quân sự;
- Tòa phúc thẩm
của Tòa án nhân dân tối cao;
- Hội đồng toàn
thể thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 2.
Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao()
có nhiệm vụ:
a) Xét những vụ án
quan trọng hoặc phức tạp;
b) Xét những kháng
nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao đối với những bản án hoặc những quyết định của các Tòa
chuyên trách và Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao;
c) Hướng dẫn các
Tòa án áp dụng pháp luật và đường lối chính sách xét xử;
d) Quyết định việc
bố trí các thẩm phán trong các Tòa của Tòa án nhân dân tối cao;
đ) Thảo luận những
dự án luật, dự án pháp lệnh mà Tòa án nhân dân tối cao sẽ trình Quốc hội
hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội; thảo luận những vấn đề pháp luật cần đề nghị
Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích;
e) Tổng kết kinh
nghiệm xét xử.
Uỷ ban thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao có từ chín đến mười một ủy viên.
Uỷ ban thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao họp ít nhất mỗi tháng hai lần và quyết định theo đa
số
Điều 3.
Các Tòa hình sự và Tòa dân sự của Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền:
a) Sơ thẩm đồng
thời là trung thẩm những vụ án do pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của
Tòa án nhân dân tối cao và những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân
cấp dưới nhưng Tòa án nhân dân tối cao xét thấy cần lấy lên để xử;
b) Phúc thẩm những
bản án hoặc những quyết định sơ thẩm của các Tòa án nhân dân khu tự trị bị
chống án hoặc bị kháng nghị;
c) Xử lại những vụ
án do Tòa mình hoặc Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao đã xử mà bản
án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Uỷ ban thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao giao cho xử lại;
Xử lại những vụ án
do Tòa án nhân dân cấp dưới đã xử mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực
pháp luật, nhưng Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao kháng nghị.
Điều 4.
Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân có thẩm quyền:
a) Phúc thẩm những
bản án hoặc những quyết định sơ thẩm của các Tòa án nhân dân thành phố và
tỉnh trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương bị chống án
hoặc bị kháng nghị;
b) Xử lại những vụ
án do Tòa mình đã xử mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật
nhưng Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giao cho xử lại.
Điều 5.
Hội đồng toàn thể thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ duyệt lại
các bản án tử hình của Tòa án nhân dân các cấp, căn cứ vào Điều 9 của Luật
tổ chức Tòa án nhân dân.
Điều 6.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ:
a) Báo cáo công tác
của Tòa án nhân dân tối cao trước Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
b) Chủ tọa các
phiên họp của Uỷ ban thẩm phán và Hội đồng toàn thể thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao;
Chủ tọa phiên tòa
của các Tòa chuyên trách và Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao, nếu
xét thấy cần thiết;
c) Kháng nghị những
bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân các cấp
nhưng phát hiện có sai lầm;
d) Tổ chức thống kê
tư pháp toàn quốc;
đ) Tổ chức việc
tổng kết và phổ biến kinh nghiệm xét xử;
e) Đôn đốc việc thi
hành các nghị quyết của Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
Đôn đốc việc thực
hiện chương trình công tác toàn ngành;
g) Điều hòa công
việc giữa các Tòa, các Vụ và các bộ phận khác của Tòa án nhân dân tối cao;
h) Tổ chức việc
kiểm tra công tác của các Tòa án nhân dân địa phương;
i) Chỉ định các
thẩm phán xét xử tại các phiên tòa của các Tòa chuyên trách hoặc Tòa phúc
thẩm của Tòa án nhân dân tối cao trong trường hợp các Tòa này thiếu thẩm
phán để mở phiên tòa;
k) Chỉ đạo công tác
nghiên cứu pháp luật và nghiên cứu đường lối, chính sách xét xử;
Chỉ đạo công tác
xây dựng tổ chức tư pháp, công tác đào tạo và giáo dục cán bộ tòa án và công
tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân;
l) Bổ nhiệm và bãi
miễn Chánh văn phòng, Phó văn phòng, Vụ trưởng, Phó vụ trưởng và những chức
vụ tương đương trong tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao.
Các Phó chánh án
Tòa án nhân dân tối cao giúp Chánh án làm nhiệm vụ và có thể được ủy nhiệm
thay Chánh án khi Chánh án vắng mặt.
Điều 7.
Các tòa án chuyên trách và Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao gồm có
Chánh tòa, Phó chánh tòa và các thẩm phán.
Các Chánh tòa của
các Tòa chuyên trách và Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm
vụ:
a) Điều khiển công
tác của Tòa;
b) Chỉ định các
thẩm phán cho các phiên tòa; chủ tọa phiên tòa hoặc chỉ định một thẩm phán
chủ tọa phiên tòa;
c) Báo cáo công tác
của Tòa với Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Phó chánh tòa giúp
Chánh tòa làm nhiệm vụ và có thể được ủy nhiệm thay Chánh tòa khi Chánh tòa
vắng mặt.
Điều 8.
Tổ chức cụ thể của bộ máy làm việc và biên chế của Tòa án nhân dân tối cao
do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao định và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội
phê chuẩn.
CHƯƠNG II
TỔ CHỨC CỦA CÁC
TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG
Điều 9.
Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành
chính tương đương có thẩm quyền:
a) Sơ thẩm những vụ
án hình sự không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh,
thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương và những vụ án hình sự
thuộc thẩm quyền của các Tòa án đó nhưng xét thấy quan trọng hoặc phức tạp
cần lấy lên để xử;
b) Sơ thẩm những vụ
án dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã,
huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương nhưng xét thấy quan trọng hoặc phức
tạp, cần lấy lên để xử;
c) Phúc thẩm những
bản án hoặc những quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố thuộc
tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương bị chống án hoặc bị
kháng nghị;
d) Xử lại những vụ
án do Tòa án mình hoặc Tòa án cấp dưới đã xử mà bản án hoặc quyết định đã có
hiệu lực pháp luật nhưng Tòa án nhân dân tối cao giao cho xử lại.
Tòa án nhân dân
thành phố và tỉnh trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương
có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp ở địa phương, huấn luyện thư ký tòa án
cho địa phương, huấn luyện cán bộ tư pháp cho thị trấn và xã, và tổ chức
việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Điều 10.
Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc Trung ương
hoặc đơn vị hành chính tương đương có nhiệm vụ:
a) Xét những vụ án
quan trọng hoặc phức tạp;
b) Xét và báo cáo
lên Tòa án nhân dân tối cao những vụ án do Tòa mình hoặc Tòa án cấp dưới xử
mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai
lầm;
c) Hướng dẫn các
Tòa án cấp dưới áp dụng pháp luật và đường lối chính sách xét xử;
d) Phân công cho
các thẩm phán trong Tòa án;
đ) Tổng kết kinh
nghiệm xét xử.
Uỷ ban thẩm phán
Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành
chính tương đương họp ít nhất mỗi tháng hai lần và quyết định theo đa số.
Điều 11.
Chánh án Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị
hành chính tương đương có nhiệm vụ:
a) Báo cáo công tác
của Toà án trước Hội đồng nhân dân cùng cấp;
b) Chủ tọa các
phiên họp của Uỷ ban thẩm phán;
c) Chỉ định các
thẩm phán để mở phiên tòa; lập danh sách hội thẩm nhân dân cho các phiên
tòa; chủ tọa phiên tòa hoặc chỉ định một thẩm phán chủ tọa phiên tòa;
d) Tổ chức thống kê
tư pháp;
đ) Tổ chức việc
tổng kết và phổ biến kinh nghiệm xét xử;
e) Đôn đốc việc thi
hành các nghị quyết của Uỷ ban thẩm phán;
g) Điều hòa công
tác giữa các bộ phận của Tòa án;
h) Tổ chức việc
kiểm tra công tác của các Toà án nhân dân cấp dưới;
i) Chỉ đạo công tác
xây dựng tổ chức tư pháp ở địa phương, công tác huấn luyện thư ký Tòa án cho
địa phương, công tác huấn luyện cán bộ tư pháp cho thị trấn và xã, và công
tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Phó Chánh án giúp
Chánh án làm nhiệm vụ và có thể được ủy nhiệm thay Chánh án khi Chánh án
vắng mặt.
Điều 12.
Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính
tương đương có thẩm quyền:
a) Hòa giải những
việc tranh chấp về dân sự;
b) Phân xử những
việc hình sự nhỏ không phải mở phiên tòa;
c) Sơ thẩm những vụ
án dân sự;
d) Sơ thẩm những vụ
án hình sự có thể phạt từ hai năm tù trở xuống.
Tòa án nhân dân
thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương có
nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp và hướng dẫn công tác hòa giải ở các thị
trấn và xã và tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Điều 13.
Chánh án Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị
hành chính tương đương có nhiệm vụ:
a) Báo cáo công tác
của Toà án trước Hội đồng nhân dân cùng cấp;
b) Lập danh sách
hội thẩm nhân dân cho các phiên tòa, chủ tọa phiên tòa hoặc chỉ định thẩm
phán chủ tọa phiên tòa;
c) Xét và báo cáo
lên Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành
chính tương đương những vụ án do Tòa án mình đã xử mà bản án hoặc quyết định
đã có hiệu lực pháp luật, nhưng phát hiện có sai lầm;
d) Tổ chức thống kê
tư pháp;
đ) Tổ chức việc
tổng kết kinh nghiệm xét xử;
e) Hướng dẫn công
tác tư pháp ở các thị trấn và xã;
Tổ chức việc kiểm
tra công tác tư pháp ở các thị trấn và xã;
g) Phân công cho
các thẩm phán trong Tòa án
h) Chỉ đạo công tác
xây dựng tổ chức tư pháp ở địa phương và công tác tuyên truyền giáo dục pháp
luật trong nhân dân.
Phó Chánh án giúp
Chánh án làm nhiệm vụ và có thể được ủy nhiệm thay Chánh án khi Chánh án
vắng mặt.
Điều 14.
Tổ chức cụ thể của bộ máy làm việc và biên chế cụ thể của các Tòa án nhân
dân địa phương các cấp do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực
hiện theo những quy định chung về bộ máy làm việc và biên chế của các cơ
quan nhà nước.
Tổng số biên chế
của các Tòa án nhân dân địa phương các cấp do Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao định và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
CHƯƠNG III
VIỆC BẦU CỬ
THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG
Điều 15.
Chánh án, Phó chánh án và các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương
các cấp do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn.
Các ủy viên Uỷ ban
thẩm phán của các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc Trung ương
hoặc đơn vị hành chính tương đương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và
bãi miễn.
Chánh án, Phó chánh
án, các thẩm phán và ủy viên Uỷ ban thẩm phán có thể là đại biểu Hội đồng
nhân dân hoặc không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân.
Số thẩm phán của
các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành
chính tương đương, kể cả Chánh án và Phó chánh án, có từ bốn đến bẩy người.
Số ủy viên Uỷ ban thẩm phán của các Tòa án nhân dân đó có từ ba đến năm
người.
Số thẩm phán của
các Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành
chính tương đương, kể cả Chánh án và Phó chánh án, không quá ba người.
Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể về số thẩm phán và ủy viên Uỷ ban thẩm
phán cần bầu cho mỗi Tòa án nhân dân địa phương trong phạm vi quy định nói
trên.
CHƯƠNG IV
VIỆC BẦU CỬ HỘI
THẨM NHÂN DÂN
VÀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA HỘI THẨM NHÂN DÂN
Điều 16.
Khi Tòa án nhân dân tối cao xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia thì hội
thẩm nhân dân do Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử ra, căn cứ vào sự giới thiệu
của các đoàn thể nhân dân ở Trung ương.
Điều 17.
Các hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương các cấp do Hội đồng
nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn.
Nhiệm kỳ của hội
thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương các cấp là hai năm.
Điều 18.
Số hội thẩm nhân dân của mỗi Tòa án nhân dân địa phương do Chánh án Tòa án
nhân dân cấp ấy căn cứ vào sự hướng dẫn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
mà đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Danh sách những
người ứng cử hội thẩm nhân dân của mỗi Tòa án nhân dân địa phương do đoàn
thể nhân dân cùng cấp giới thiệu.
Điều 19.
Hội thẩm nhân dân có trách nhiệm đến Tòa để làm nhiệm vụ của mình theo đúng
ngày, giờ mà Tòa án nhân dân đã định.
Các cơ quan, đoàn
thể, xí nghiệp, công trường, nông trường, hợp tác xã có cán bộ, công nhân,
viên chức, xã viên làm hội thẩm nhân dân, phải tạo điều kiện thuận tiện cho
hội thẩm nhân dân làm nhiệm vụ.
Điều 20.
Trong thời gian làm nhiệm vụ ở Tòa án, nếu hội thẩm nhân dân là những người
ăn lương của Nhà nước thì vẫn được hưởng tiền lương của mình nếu hội thẩm
nhân dân không phải là những người ăn lương của Nhà nước thì được hưởng một
khoản phụ cấp do Nhà nước đài thọ.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN PHỤ
Điều 21.
Ở các khu vực tự trị, tổ chức cụ thể của các Tòa án nhân dân địa phương các
cấp sẽ do Hội đồng nhân dân khu tự trị căn cứ vào Hiến pháp, Luật tổ chức
Tòa án nhân dân và pháp lệnh này mà quy định và trình Uỷ ban thường vụ Quốc
hội phê chuẩn.
Điều 22.
Về tổ chức của các Tòa án quân sự, sẽ có quy định riêng.
Pháp lệnh này đã
được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 3 năm 1961
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Chủ tịch
TRƯỜNG CHINH