BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
TẠI KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHOÁ IX
Kính gửi các vị đại biểu Quốc hội khóa IX,
Hội đồng Nhà nước báo cáo với Quốc hội khóa IX hoạt động chính của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, của các đoàn đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa VIII, từ kỳ họp thứ 11 (tháng 4 năm 1992) của Quốc hội khóa VIII đến nay.
I- CÔNG TÁC LẬP PHÁP
Tại phiên họp ngày 02-5-1992, trên cơ sở tính toán lại Chương trình xây dựng pháp luật năm 1992 và căn cứ vào khả năng thực tế, nhất là quỹ thời gian từ tháng 5 đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IX còn rất ít, Hội đồng Nhà nước nhận thấy cần phải tập trung xem xét các dự án luật về tổ chức và một số văn bản đã được chuẩn bị kỹ.
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII tại kỳ họp thứ 10 về việc xét điều chỉnh những điều chưa hợp lý trong Pháp lệnh thuế nhà đất, tại phiên họp ngày 29 tháng 7, Hội đồng Nhà nước đã cho ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều quy định của Pháp lệnh thuế nhà đất, về việc tạm thời chưa thu thuế nhà, về mức thuế, về các trường hợp miễn, giảm thuế đất và đất xây dựng công trình, văn bản được thông qua với tên gọi: Pháp lệnh về thuế nhà, đất có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 1992. Hội đồng Nhà nước lưu ý Hội đồng Bộ trưởng kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh, tổ chức tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa và nội dung của Pháp lệnh để nhân dân biết và thực hiện.
Tại phiên họp ngày 26 tháng 5 năm 1992, Hội đồng Nhà nước đã xem xét dự án Pháp lệnh bảo hiểm y tế. Sau khi nghe Tờ trình của Hội đồng Bộ trưởng và báo cáo thẩm tra của Ủy ban y tế - xã hội, Ủy ban pháp luật, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và nhận thấy: trong điều kiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế hiện nay, để bảo đảm công bằng và nhân đạo xã hội trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe nhân dân, việc thực hiện bảo hiểm y tế là cần thiết nhằm động viên khả năng đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm mới ở nước ta, Hội đồng Bộ trưởng và các Ủy ban hữu quan của Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng việc thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết kinh nghiệm và tổ chức lấy ý kiến nhân dân các cấp, các ngành, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh này.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, Ủy ban pháp luật, Ủy ban kinh tế - kế hoạch và ngân sách, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội khóa VIII, Hội đồng Nhà nước đã cho ý kiến để chỉnh lý các Dự án Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến tại kỳ họp này. Ủy ban pháp luật của Quốc hội khóa VIII cũng đã gửi bài phát biểu ý kiến về các dự án Luật tổ chức bộ máy nhà nước đến các đại biểu Quốc hội khóa IX.
Sau khi nghe Hội đồng Bộ trưởng trình bày và ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban đối ngoại và Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn việc nước ta gia nhập Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự, Hiệp định lãnh sự Việt Nam - Irắc; cho ý kiến về việc gia nhập Hiệp ước Bali về thân thiện và hợp tác Đông Nam Á, Hiệp định tương trợ tư pháp, hình sự, dân sự và gia đình Việt Nam - Ba Lan.
Ủy ban khoa học - kỹ thuật của Quốc hội đã tiến hành các cuộc họp để thẩm tra các Dự án Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Pháp lệnh thú y, Pháp lệnh phòng chống bão, lụt.
Nhìn chung, việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật được tiến hành khẩn trương và mặc dầu thời gian ngắn nhưng đã xem xét, thông qua và ban hành được một pháp lệnh; nhiều lần cho ý kiến để chỉnh lý một số dự án luật. Kết quả đạt được thể hiện sự cố gắng của Hội đồng Nhà nước, các Ủy ban thường trực của Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan hữu quan. Các dự án còn lại trong chương trình chưa xem xét, thông qua được là do cần phải có thời gian để xử lý tiếp các vấn đề thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách lớn.
II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT
1. Giám sát của Hội đồng Nhà nước
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 11, ngày 15 tháng 4 năm 1992 quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp năm 1992, tại phiên họp ngày 30-7-1992, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về triển khai thi hành Hiến pháp năm 1992. Hội đồng Nhà nước ghi nhận những kết quả bước đầu đã đạt được của các cơ quan nói trên, trong một thời gian ngắn đã có một số chủ trương, biện pháp thiết thực bảo đảm thi hành Hiến pháp, nhất là việc phối hợp triển khai tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này trong cả nước. Tuy nhiên, Hội đồng Nhà nước cũng đã lưu ý Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng như các cấp, các ngành cần có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân và cán bộ về Hiến pháp 1992 đồng thời có kế hoạch xúc tiến việc kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật và xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 1992, trước hết là sớm ban hành Luật đất đai (sửa đổi), Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi), Luật biên giới quốc gia, Luật dầu khí, Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Luật phá sản doanh nghiệp…
Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo kết quả xử lý việc hóa giá nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng Nhà nước hoan nghênh kết quả đạt được là: đã hoàn trả tiền hóa giá đối với 1.931 căn nhà, đạt 93% với tổng số tiền là 62,01 tỷ đồng, trên 2.140 căn nhà đã hóa giá. Hội đồng Nhà nước đã lưu ý Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm điểm để xác định rõ những sai trái, vi phạm và trách nhiệm của từng cơ quan và cá nhân trong việc hóa giá nhà vừa qua và báo cáo chính thức với Hội đồng Nhà nước kết quả xử lý đối với các việc tiêu cực có liên quan đến hóa giá nhà nói trên.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 11 ngày 15 tháng 4 năm 1992 về việc xem xét kỹ tác động của việc điều chỉnh giá điện, áp dụng những biện pháp thích hợp để hạn chế những biến động trong sản xuất và đời sống; đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý trong ngành Điện, giảm tỷ lệ tổn thất điện, tại phiên họp chiều ngày 27 và sáng 28 tháng 5, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về vấn đề này. Hội đồng Nhà nước thấy rằng: việc tăng giá điện là cần thiết vì Nhà nước phải bù lỗ nhiều; tuy nhiên, về cách làm cần tính toán kỹ, nên chăng tăng dần từng bước (vừa qua đã đồng thời tăng cả giá nước) để tránh những tác động đột biến trong sản xuất và đời sống, gây tâm lý xã hội không thuận, nhất là trong tình hình còn khó khăn như hiện nay. Mặc dù Hội đồng Bộ trưởng đã có một số biện pháp để hạn chế biến động của việc tăng giá điện song vẫn còn ảnh hưởng rõ ràng trên một số mặt đời sống và sản xuất. Hội đồng Nhà nước lưu ý Hội đồng Bộ trưởng: xem xét có thể điều chỉnh giá điện theo cách xử lý giá điện có phân biệt theo khu vực khác nhau, chú ý có thể bù thêm tiền cho cán bộ, nhân viên có lương thấp; tính toán hợp lý việc tính giá điện trong việc thu thủy lợi phí để hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp vì hiện nay trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn khó khăn cả về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết chống tiêu cực trong việc quản lý và sử dụng điện nhằm giảm tổn thất đang còn lớn; chống lấy cắp điện đang rất phổ biến, chống các hiện tượng tiêu cực và cửa quyền của cán bộ ngành Điện mà nhân dân vẫn kêu ca.
Hội đồng Nhà nước cũng đã cử đoàn do đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước dẫn đầu đi kiểm tra tình hình kinh tế - xã hội tại tỉnh Sông Bé.
Nhìn chung, hoạt động giám sát của Hội đồng Nhà nước trong thời gian qua đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, kết hợp với việc nghe báo cáo với cử đoàn đến xem xét tình hình tại địa phương, cơ sở. Các vấn đề Hội đồng Nhà nước giám sát đều có văn bản kết luận gửi Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, thực hiện. Tuy nhiên, công tác giám sát vẫn còn yếu và hạn chế, có vấn đề đã đề ra trong chương trình chưa thực hiện được; nghe báo cáo tình hình tranh chấp ruộng đất.
Về công tác đặc xá và xét đơn ân giảm án tử hình: Hội đồng Nhà nước đã xét 36 đơn xin ân giảm án tử hình, đã bác đơn của 35 phạm nhân, trả lại một hồ sơ cho Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tiến hành điều tra xem xét lại từ đầu; quyết định đặc xá cho 01 trường hợp.
2. Hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội.
Mặc dù cuối nhiệm kỳ, song Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực đã có nhiều cố gắng trong hoạt động giám sát, tập trung vào việc thi hành pháp luật và một số vấn đề về kinh tế - xã hội.
- Hội đồng dân tộc: tổ chức đoàn công tác đi An Giang khảo sát tình hình vùng dân tộc Khơme, biên giới; phối hợp với Ban Dân tộc Trung ương đi nắm tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Bắc Thái, Lạng Sơn, Quảng Ninh; chỉ đạo và tổ chức Hội nghị công tác dân tộc các tỉnh phía Nam.
- Ủy ban pháp luật cùng với Ủy ban đối ngoại của Quốc hội: đi khảo sát tình hình xuất, nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Lạng Sơn.
- Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội: nghe báo cáo về tình hình thực hiện Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân; đi giám sát tình hình thực hiện kế hoạch về kinh tế xã hội, về thu chi ngân sách nhà nước và đời sống của đồng bào các dân tộc tại Hà Giang, Tuyên Quang, Minh Hải, Trà Vinh, Sông Bé; nghe các Bộ, các ngành, các cơ sở sản xuất báo cáo về ảnh hưởng của việc tăng giá điện đối với sản xuất và đời sống; khảo sát thực tế tại Hải Hưng về ảnh hưởng tăng giá điện đối với công tác thủy lợi.
- Ủy ban văn hóa - giáo dục của Quốc hội đã cử đoàn đi khảo sát tình hình thi hành Luật phổ cập giáo dục tiểu học tại Cần Thơ và Tiền Giang.
- Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết về công tác thanh niên xung phong xây dựng kinh tế và 3 năm thi hành Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
- Ủy ban y tế - xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo về dân số và phát triển ở vùng đồng bào công giáo ở các tỉnh Nam Hà, Đồng Nai; cử các đoàn đi khảo sát khoa học tại Quảng Nam - Đà Nẵng và thăm một số cơ sở nuôi dạy trẻ em tàn tật, trại tâm thần Hà Nội; thăm, tặng quà, sổ tiết kiệm tình nghĩa cho một số gia đình chính sách nhân dịp ngày thương binh, liệt sĩ 27 tháng 7 năm 1992.
- Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã cử đoàn đi khảo sát về việc thực hiện chính sách đối với người tự nguyện hồi hương ở thành phố Hải Phòng.
III- TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA IX
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 17-4-1992, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 558/HĐNN8 ấn định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX và thành lập Hội đồng bầu cử gồm 19 thành viên với cơ cấu và thành phần theo luật định. Ngày 02-5-1992, Hội đồng Nhà nước ban hành quyết định số 566/HĐNN8 ấn định tổng số đại biểu Quốc hội khóa IX là 395 người, số đơn vị bầu cử là 158 và danh sách các đơn vị, số đại biểu được bầu của từng đơn vị bầu cử. Ngày 26 tháng 5, Hội đồng Nhà nước ra Nghị quyết số 590/HĐNN8 về những trường hợp công dân không được bầu cử.
Hội đồng Nhà nước phối hợp với Hội đồng bầu cử tổ chức ba đợt kiểm tra ở các địa phương về việc chuẩn bị cho bầu cử, tiến hành tổng kết bầu cử và kiểm tra việc bầu thêm ở hai đơn vị thuộc tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình. Các đợt kiểm tra có tác dụng tốt, giúp cho công tác chỉ đạo bầu cử của các địa phương được tiến hành thuận lợi.
Tại phiên họp ngày 26 tháng 8, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng bầu cử báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, Hội đồng Nhà nước tán thành các kết luận của Hội đồng bầu cử. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX thành công tốt đẹp, tiến hành theo đúng tiến độ, dân chủ và đúng pháp luật; tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao thể hiện lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và ý thức được quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong cuộc bầu cử. 395 đại biểu được bầu vào Quốc hội lần này phản ánh được khối đại đoàn kết toàn dân, tiêu biểu cho trí tuệ của nhân dân cả nước.
IV- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA VIII
Sau khi kết thúc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII, các đoàn đại biểu đã phân công các đại biểu Quốc hội tiến hành báo cáo nội dung kết quả kỳ họp với cử tri, báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân và tại các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp tập trung vào việc giới thiệu Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.
Nhiều đoàn đã họp kiểm điểm hoạt động của đại biểu trong nhiệm kỳ khóa VIII, rút ra những bài học và kinh nghiệm trong hoạt động của mình đồng thời đã tham gia các cuộc họp của đại biểu Quốc hội khóa VIII với các đại biểu Quốc hội khóa IX ở địa phương vừa mới trúng cử để trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của Quốc hội.
V- CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN
Từ sau kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa VIII (tháng 4-1992) đến nay, có 3.339 đơn khiếu nại, tố cáo và dân nguyện gửi Quốc hội, Hội đồng Nhà nước. Các địa phương có nhiều đơn thư vẫn là: thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hậu Giang, Quảng Nam - Đà Nẵng…
Số đơn thư khiếu nại về việc bắt, tha, giam giữ vi phạm thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra, kiểm sát gây hậu quả nghiêm trọng, thu giữ tài sản, v.v. về việc xét xử của tòa án các cấp… có chiều hướng tăng, ở nhiều địa phương.
Việc tranh chấp về nhà xảy ra chủ yếu ở các thành phố và thị xã mà đối tượng chủ yếu là các loại nhà cho thuê, mượn, nhà cải tạo và nhà tư nhân.
Vấn đề ruộng đất, đơn thư tập trung khiếu nại việc cấp đất diễn ra một cách tùy tiện ở hầu hết các địa phương trong cả nước, việc tranh chấp đất đai diễn ra phức tạp ở một số nơi, chưa được giải quyết kịp thời nên đã dẫn đến đánh nhau, gây chết người.
Đơn tố cáo chủ yếu nhằm vào đối tượng là cán bộ xã, hợp tác xã tham ô, lãng phí; cán bộ có chức, có quyền ở xí nghiệp, cơ quan, huyện, tỉnh tham nhũng, vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính… Có một số ít đơn tố cáo về tiêu chuẩn, phẩm chất, đạo đức của ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa IX.
Ngoài ra, có một số đơn thư phản ánh về tình hình đời sống cán bộ công nhân viên gặp khó khăn, lương hưu chậm; đề nghị Nhà nước giải quyết dứt điểm tiền lương và tài sản của một số chiến sĩ thuộc diện “B trọc” …
VI- GIÁM SÁT VÀ HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CỦA
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
Sau kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII, cùng với việc chỉ đạo, hướng dẫn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, Hội đồng Nhà nước đã xem xét đề nghị và quyết định 21 địa phương được bầu thêm tổng số 290 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành phố cùng ngày với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 19-7-1992. Đồng thời, một số địa phương cũng đã tiến hành bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã và tương đương.
Các tỉnh, thành phố đã tiến hành kỳ họp thứ 2 của Hội đồng nhân dân để kiểm điểm công tác 6 tháng đầu năm, bàn nhiệm vụ, kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 1992 và kiện toàn tổ chức của Hội đồng nhân dân.
Một số địa phương đã và đang tiến hành việc tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở trong thời gian qua, đánh giá những kết quả đã đạt được và những tồn tại cần phải khắc phục, rút ra những kinh nghiệm hoạt động thực tế, kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân để phù hợp với các quy định của Hiến pháp mới, nhằm phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu lực thực sự của Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Quang Đạo và Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước đã dự Hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở của thành phố Hải Phòng trong hai năm qua.
VII- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI
1. Đoàn đại biểu Nhà nước ta do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công dẫn đầu đi dự Hội nghị cấp cao phong trào không liên kết tại Inđônêxia (từ ngày 31-8 đến ngày 08-9-1992); Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức Nhật Bản (từ ngày 19 đến 25-4-1992); Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do đồng chí Vũ Mão, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước dẫn đầu sang thăm Cuba và giới thiệu với Quốc hội Cuba về công việc sửa đổi Hiến pháp của nước ta (tháng 6-1992); Đoàn Liên minh Quốc hội Việt Nam do đồng chí Phan Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đi dự Hội nghị liên minh Quốc hội thế giới kỳ họp mùa thu tại Thụy Điển (tháng 9-1992).
2. Ta đã đón tiếp và làm việc với các đoàn đến thăm nước ta: Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Inđônêxia do Ngài Muhamát Kharít Xuhút, Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Đại biểu nhân dân (Quốc hội) dẫn đầu thăm nước ta (từ ngày 03 đến ngày 09-5-1992); Đoàn dân số - y tế của Đại hội đại biểu nhân dân Trung Hoa (6-1992); Đoàn Ủy ban văn hóa, gia đình và xã hội của Quốc hội Pháp (7-1992); Đoàn nghị sĩ Pháp tham gia trong Đoàn "Air France"; Đoàn Liên minh Quốc hội châu Á; Nghị sĩ Đức Pingơ (8-1992).
Các hoạt động đối ngoại nói trên đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa Nhà nước, Quốc hội và nhân dân ta với Nhà nước, Quốc hội và nhân dân các nước, góp phần mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế nhất là với những nước láng giềng. Đặc biệt, đoàn đại biểu nước ta do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công dẫn đầu đã góp phần tích cực vào thành công của Hội nghị cấp cao lần thứ 10 phong trào không liên kết.
VIII- QUYẾT ĐỊNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NHÂN SỰ
Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định:
- Bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Đình Lộc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay đồng chí Phan Hiền.
- Bổ nhiệm đồng chí Hồ Tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính thay đồng chí Hoàng Quy.
- Bổ nhiệm đồng chí Mai Kỷ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giữ chức Bộ trưởng phụ trách công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.
- Phong quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng cho đồng chí Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Bổ nhiệm 9 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại một số nước.
Theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Nhà nước quyết định cử 5 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, 7 Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Nhà nước quyết định cử 4 Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tối cao.
IX- CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
Hội đồng Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp vì đã có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho hai cá nhân, Huân chương Độc lập cho 530 đơn vị và cá nhân (trong đó có 166 gia đình có nhiều người thân hy sinh cho cách mạng), 107 Huân chương Quân công, 7.224 Huân chương Chiến công, 186 Huân chương Lao động, 1.143 Huân chương Kháng chiến và 4 Huân chương Hữu nghị và tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho đồng chí Phan Xuân Yên, thương binh 1/4, Giám đốc xí nghiệp gỗ Tân Lập, Hải Phòng.
X- CHUẨN BỊ CHO KỲ HỌP THỨ NHẤT,
QUỐC HỘI KHÓA IX
Ngay sau kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhà nước đã xúc tiến việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IX, đã tiến hành ba phiên họp để cho ý kiến về chương trình, nội dung, cách thức tổ chức tiến hành kỳ họp theo quy định của Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Quốc hội; yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương, tích cực chuẩn bị tốt các báo cáo, dự án trình Quốc hội.
Trên đây là những điểm chính về hoạt động của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, của các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Hội đồng Nhà nước xin báo cáo với Quốc hội.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội