VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993

 

TỜ TRÌNH CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ DỰ THẢO
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN


(Do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quyết
đọc tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, ngày 19-9-1992)

Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII và Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX sẽ thông qua một số đạo luật về tổ chức các cơ quan nhà nước, trong đó có Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Thực hiện Nghị quyết trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo Hiến pháp 1992.

I- Trong quá trình Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân lần này chúng tôi căn cứ vào nguyên lý của Lênin về pháp chế xã hội chủ nghĩa và về Viện kiểm sát nhân dân; quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được thể hiện trong Hiến pháp 1992; kế thừa Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 đã được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 4 sửa đổi, bổ sung năm 1988 và kinh nghiệm 30 năm hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, chúng tôi đề nghị giữ nguyên các quy định về chức năng và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đã được quy định trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 và năm 1981.

Song, để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm sát nhằm phục vụ cho công cuộc đổi mới của đất nước, căn cứ vào những quy định về Viện kiểm sát nhân dân tại Chương X, Hiến pháp 1992, tiếp thu ý kiến của Hội đồng Nhà nước, của Ủy ban pháp luật của Quốc hội và của các ngành hữu quan Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân lần này quy định rõ hơn nhiệm vụ của các Viện kiểm sát nhân dân đối với công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính - kinh tế để tránh sự chồng chéo công tác kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân với công tác của cơ quan thanh tra; quy định rõ những vấn đề quan trọng mà Ủy ban kiểm sát phải thảo luận và quyết định theo đa số và những vấn đề do Viện trưởng có quyền quyết định; quy định rõ Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân về tình hình thi hành pháp luật ở địa phương và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân.

II- Từ những quan điểm cơ bản nêu trên, chúng tôi đề nghị những vấn đề chủ yếu sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân như sau:

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành có 8 chương, 29 điều, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân lần này chúng tôi đề nghị bổ sung thêm 3 chương và 12 điều đó là các chương: Chương V quy định về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự; Chương VIII quy định về công tác điều tra tội phạm; Chương IX quy định về Viện kiểm sát quân sự. Đồng thời, Dự thảo cũng đã viết lại Chương III quy định về công tác kiểm sát điều tra các vụ án hình sự cho đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra để vận dụng cho thuận lợi.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Dự thảo chương này có 9 điều trong đó có 4 điều sửa đổi, 4 điều bổ sung mới và giữ nguyên 1 điều. Hướng sửa đổi, bổ sung là quy định rõ và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Dưới đây là một số nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu :

1. Để phù hợp với quy định của Điều 137 Hiến pháp 1992 Dự thảo viết lại đoạn 2 Điều 1 Luật hiện hành thành 2 đoạn quy định rõ phạm vi trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương (đoạn 2) và các Viện kiểm sát quân sự (đoạn 3).

2. Điều 3, Dự thảo bổ sung vào điểm 1 cho rõ nhiệm vụ của các Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính kinh tế là: “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các văn bản pháp quy của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và trong việc chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân”.

Bổ sung công tác "kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự của Toà án nhân dân" vào điểm 3 Điều này.

3. Để nâng cao hiệu lực pháp lý của các quyết định, yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát tuân theo pháp luật, Dự thảo đề nghị bổ sung Điều 4 mới như sau: “Các quyết định, yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của pháp luật”. Quy định này là cần thiết để khôi phục trật tự pháp luật đã bị vi phạm nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

4. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, căn cứ vào các quy định tại Điều 138 và 139 Hiến pháp 1992, Dự thảo tách Điều 5 Luật hiện hành thành hai Điều 6 và Điều 7 như sau:

- Điều 6 Dự thảo quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, trong đó có bổ sung quy định mới về việc thành lập Ủy ban kiểm sát như sau: “Tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu và tương đương thành lập Ủy ban kiểm sát gồm Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và một số Kiểm sát viên để thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng của cấp mình”. Quy định rõ việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức một số chức vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân như: “Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”; “Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, cấp khu vực và tương đương; Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức”.

- Điều 7 Dự thảo quy định mối quan hệ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước (khoản 1); với Chính phủ (khoản 2) và với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (khoản 3).

5. Bổ sung quy định mới về mối quan hệ của Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân địa phương với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp (Điều 8).

CHƯƠNG II

CÔNG TÁC KIỂM SÁT CHUNG

Trong chương này có 3 điều đều sửa đổi, bổ sung. Hướng sửa đổi, bổ sung các điều trong Chương công tác kiểm sát chung là quy định rõ phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của các Viện kiểm sát nhân dân khi tiến hành công tác kiểm sát chung tránh sự chồng chéo giữa công tác kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân với công tác thanh tra của Cơ quan Thanh tra Nhà nước.

Dưới đây là một số nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu:

1. Để làm rõ phạm vi nhiệm vụ của công tác kiểm sát chung; Điều 10 Dự thảo bổ sung và viết lại là: “Các Viện kiểm sát nhân dân trong phạm vi trách nhiệm của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các văn bản pháp quy; kiểm sát việc chấp hành pháp luật khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Để cho các Viện kiểm sát nhân dân thực hiện kiểm sát các văn bản pháp quy được kịp thời, Dự thảo đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi ban hành văn bản pháp quy phải gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các văn bản pháp quy đó.

2. Dự thảo đề nghị bổ sung điểm 5 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của các Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát chung là: “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc phạm vi quản lý hành chính” (điểm 5, Điều 11 Dự thảo).

3. Về thời hạn thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát chung, đề nghị rút từ 30 ngày xuống 15 ngày vì thực tiễn cho thấy các yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân quy định tại điểm 1, 2, 3 Điều 11 cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có trách nhiệm không phải mất nhiều thời gian mới thực hiện được (điểm 6, Điều 11 Dự thảo).

4. Về quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát chung Luật hiện hành quy định kiến nghị hoặc kháng nghị với các cơ quan, tổ chức và đơn vị có vi phạm pháp luật, nay Dự thảo đề nghị khi kết luận có vi phạm pháp luật các Viện kiểm sát nhân dân chỉ dùng kháng nghị (khoản 1, Điều 12 Dự thảo). Còn kiến nghị các Viện kiểm sát nhân dân chỉ dùng trong trường hợp kiến nghị với các cơ quan, tổ chức và đơn vị về các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật (khoản 3, Điều 12 Dự thảo).

CHƯƠNG III

CÔNG TÁC KIỂM SÁT ĐIỀU TRA CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

1. Về tên Chương, Dự thảo đề nghị bổ sung cụm từ: “Các vụ án hình sự” cho rõ phạm vi của công tác kiểm sát điều tra.

2. Về nội dung của Chương này, Luật hiện hành quy định có một điều viện dẫn Điều 141 và Điều 142 Bộ luật tố tụng hình sự làm nội dung. Nay Dự thảo đề nghị viết lại thành 3 điều quy định những nội dung có tính chất nguyên tắc cơ bản trong công tác kiểm sát điều tra các vụ án hình sự thể hiện tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 về nhiệm vụ, quyền hạn và hiệu lực pháp lý các yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân đối với các cơ quan điều tra. Còn các quy định cụ thể về công tác kiểm sát điều tra đã được quy định tại Điều 141 và Điều 142 Bộ luật tố tụng hình sự.

CHƯƠNG IV

CÔNG TÁC KIỂM SÁT XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

1. Về tên Chương, Dự thảo bổ sung cụm từ: “Các vụ án hình sự” làm rõ phạm vi của công tác kiểm sát xét xử.

2. Về nội dung của Chương này cơ bản vẫn giữ nguyên như quy định tại luật hiện hành. Những điểm sửa đổi, bổ sung nhằm làm rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Dưới đây là những điểm sửa đổi, bổ sung chủ yếu:

a) Sửa đổi điểm 2, Điều 13 Luật hiện hành cho phù hợp với trách nhiệm và quyền hạn của Kiểm sát viên khi tham gia xét xử tại phiên tòa quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự là: “Tham gia phiên tòa của Tòa án nhân dân cùng cấp” (Điều 17, điểm 1 dự thảo).

b) Về quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Luật hiện hành quy định tại điểm 5 và điểm 6 Điều 13. Nay Dự thảo sửa đổi viết thành một điểm cho chặt chẽ hơn (Điểm 4 Điều 17 Dự thảo).

c) Dự thảo bổ sung điểm 5 mới về việc kiến nghị với Tòa án nhân dân các cấp khắc phục những vi phạm pháp luật trong việc xét xử và kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm (điểm 5 Điều 17 Dự thảo).

CHƯƠNG V

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT
CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ

 1. Đây là Chương mới chúng tôi đề nghị bổ sung vì công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự là một trong những công tác chủ yếu của Viện kiểm sát nhân dân. Luật hiện hành quy định công tác này cùng trong chương công tác kiểm sát xét xử với 2 điều (Điều 13a và Điều 13b) chưa làm rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các Viện kiểm sát nhân dân như Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 29-11-1989.

Dự thảo lần này đề nghị viết lại cho đầy đủ hơn.

2. Về nội dung Chương này có 2 Điều:

a) Điều 18 Dự thảo quy định rõ nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân địa phương là: “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự và những việc dân sự khác do pháp luật quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, bảo đảm cho việc ra các quyết định hoặc bản án đúng pháp luật”.

b) Về nhiệm vụ và quyền hạn của các Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự vẫn giữ nguyên nội dung quy định tại hai điều: Điều 13a và Điều 13b Luật hiện hành có bổ sung thêm một số điểm cho đầy đủ:

- Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn “tham gia tại phiên tòa những vụ án mà Viện kiểm sát nhân dân đã khởi tố hoặc kháng nghị; đối với những vụ án khác, Viện kiểm sát nhân dân có thể tham gia tố tụng vào bất cứ giai đoạn nào nếu thấy cần thiết” (điểm 2 Điều 19 Dự thảo).

- Bổ sung điểm 3 mới về quyền yêu cầu Tòa án nhân dân cùng cấp áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật (điểm 3 Điều 19 Dự thảo).

- Bổ sung một đoạn vào điểm 5 Điều 19: “Khi cần thiết Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có quyền yêu cầu hoãn thi hành án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”.

- Bổ sung điểm 6 mới quy định trách nhiệm và quyền hạn “kiến nghị với Tòa án nhân dân các cấp yêu cầu sửa chữa vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự; kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục những vi phạm pháp luật làm phát sinh tranh chấp dân sự” (điểm 6 Điều 19 dự thảo).

CHƯƠNG VI

CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN

Chương này có 3 điều đều sửa đổi, bổ sung. Hướng sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ các đối tượng của công tác kiểm sát trong việc thi hành án cũng như nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này.

1. Bổ sung các đối tượng của công tác kiểm sát thi hành án quy định tại các điều 15, 16, 17 Luật hiện hành:

“Các Tòa án nhân dân, các Cơ quan thi hành án và Chấp hành viên, các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân có liên quan” như Pháp lệnh thi hành án dân sự được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 31 tháng 8 năm 1989 (Điều 20, Điều 21 và Điều 22 Dự thảo).

2. Về quyền hạn của các Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát thi hành án Luật hiện hành quy định kiến nghị hoặc kháng nghị đối với các vi phạm pháp luật về thi hành án của các Tòa án nhân dân, của các Cơ quan thi hành án và Chấp hành viên… nay Dự thảo đề nghị các Viện kiểm sát nhân dân chỉ dùng kháng nghị (điểm 3, Điều 21 Dự thảo).

CHƯƠNG VII

CÔNG TÁC KIỂM SÁT GIAM GIỮ VÀ CẢI TẠO

 Chương này có 3 điều đều sửa đổi, bổ sung thêm cho đầy đủ và chặt chẽ hơn như sau:

1. Tại Điều 18 Luật hiện hành đề nghị bổ sung đối tượng của công tác kiểm sát giam, giữ và cải tạo: “Người có trách nhiệm trong việc giam, giữ và cải tạo” (Điều 23 Dự thảo).

2. Về quyền hạn của các Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát giam, giữ và cải tạo, Luật hiện hành quy định: “kiến nghị hoặc kháng nghị với cơ quan cùng cấp và cấp dưới có vi phạm pháp luật, nay Dự thảo đề nghị các Viện kiểm sát nhân dân chỉ dùng kháng nghị (điểm 7 Điều 24 Dự thảo).

3. Tại Điều 20, đoạn 3 Luật hiện hành, đề nghị bổ sung một đoạn là: “Quyết định của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp phải được nghiêm chỉnh chấp hành” (đoạn 3 Điều 25 Dự thảo).

CHƯƠNG VIII

CÔNG TÁC ĐIỀU TRA TỘI PHẠM

1. Công tác điều tra tội phạm là một trong những công tác của Viện kiểm sát nhân dân đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Do vậy, nay cần bổ sung Chương VIII mới quy định công tác điều tra tội phạm trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cho đầy đủ.

2. Nội dung của Chương, Dự thảo quy định 2 điều bao gồm những quy định có tính chất nguyên tắc về trách nhiệm, quyền hạn điều tra của cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 26) và tổ chức cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 27).

CHƯƠNG IX

VIỆN KIỂM SÁT QUÂN SỰ

1. Viện kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức trong quân đội nhưng Luật hiện hành chỉ ghi ở điểm 2 Điều 21 là chưa đầy đủ. Nay đề nghị bổ sung Chương IX quy định về Viện kiểm sát quân sự trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cho đầy đủ.

2. Về nội dung, Dự thảo quy định Chương này có 5 điều bao gồm những nội dung có tính chất nguyên tắc chung như đối tượng và phạm vi kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố của các Viện kiểm sát quân sự (Điều 28), tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát quân sự (Điều 29, Điều 30 và Điều 31). Còn những nhiệm vụ cụ thể về quyền hạn, tổ chức và phương thức hoạt động do Pháp lệnh về Viện kiểm sát quân sự quy định (Điều 32).

CHƯƠNG X

TỔ CHỨC VÀ CÁN BỘ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Chương này có 8 điều, đều được sửa đổi, bổ sung. Hướng sửa đổi, bổ sung nhằm thể hiện rõ hơn và đầy đủ hơn công tác tổ chức và cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân.

Dưới đây là một số điểm sửa đổi, bổ sung chủ yếu:

1. Tại các điều 22 và 23 Luật hiện hành quy định Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có Ủy ban kiểm sát để thảo luận phương hướng, kế hoạch công tác nhiệm vụ… Trong các cuộc họp của Ủy ban kiểm sát,Viện trưởng kết luận và quyết định cuối cùng. Trong trường hợp Viện trưởng quyết định khác với ý kiến của đa số trong Ủy ban kiểm sát thì Viện trưởng thực hiện quyết định của mình. Nay để tăng cường vị trí của Ủy ban kiểm sát các cấp đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Điều 138 Hiến pháp như sau:

- Điều 34 khoản 2 Dự thảo quy định: “Các thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng đề cử và trình Chủ tịch nước phê chuẩn.

Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:

a) Phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác của toàn ngành;

b) Các báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước;

c) Các dự án luật, pháp lệnh, lệnh, quyết định do Viện trưởng trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước;

d) Các điều lệ, quy chế do Viện trưởng ban hành để áp dụng đối với các Viện kiểm sát nhân dân;

đ) Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đề cử bổ nhiệm các chức vụ Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

e) Những vấn đề quan trọng khi thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật như: kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi Thủ tướng Chính phủ; báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước về những ý kiến bất đồng của Viện trưởng đối với nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị việc bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội; việc bắt giam, truy tố cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, người có chức sắc trong tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức danh tiếng;

g) Những vấn đề quan trọng khác mà Viện trưởng xét thấy cần thiết hoặc do một phần ba tổng số thành viên Ủy ban kiểm sát yêu cầu đưa ra Ủy ban kiểm sát thảo luận và quyết định.

Những vấn đề không quy định phải đưa ra Ủy ban kiểm sát thảo luận và quyết định thì do Viện trưởng quyết định.

Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát biểu quyết theo đa số. Trường hợp biểu quyết mà số phiếu ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng.

Trường hợp Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thì thực hiện theo quyết định của đa số, đồng thời báo cáo lên Ủy ban thường vụ Quốc hội xét và quyết định”.

- Điều 35 khoản 2 Dự thảo quy định: “Các thành viên của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Viện trưởng đề cử và trình Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:

a) Việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác và các chỉ thị, thông tư, các quyết định khác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Báo cáo tổng kết công tác lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và báo cáo về tình hình thi hành pháp luật trước Hội đồng nhân dân cùng cấp;

c) Đề cử bổ nhiệm các chức vụ Viện trưởng, Phó viện trưởng và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Những vấn đề quan trọng khi thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.

Những vấn đề không quy định phải đưa ra Ủy ban kiểm sát thảo luận và quyết định thì do Viện trưởng quyết định.

Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát biểu quyết theo đa số. Trường hợp biểu quyết mà số phiếu ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng.

Trường hợp Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thì thực hiện theo quyết định của đa số, đồng thời báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao xét và quyết định”.

2. Tại Điều 26 Luật hiện hành quy định cụ thể cấp bậc, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên, quy chế và các chế độ của Kiểm sát viên. Những vấn đề này đã được quy định cụ thể trong quy chế Kiểm sát viên được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn cho nên chỉ cần quy định: “Quy chế ngạch Kiểm sát viên …” là đầy đủ. Mặt khác Luật hiện hành chỉ quy định trang phục của Kiểm sát viên. Nay chúng tôi đề nghị trang phục cho tất cả cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân. Những người không phải là Kiểm sát viên không mang cấp hiệu (khoản 1 Điều 38 Dự thảo).

3. Điều 28 Luật hiện hành quy định tổng biên chế của Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao định và trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn; biên chế của các Viện kiểm sát nhân dân các cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định. Nay Dự thảo sửa đổi, bổ sung tại Điều 40 cho đầy đủ như sau: “Tổng biên chế của Viện kiểm sát nhân dân, bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định biên chế, bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân các địa phương và các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Kính trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến.

  

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội