BÁO CÁO CỦA UỶ BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
VỀ TỔNG HỢP Ý KIẾN CỦA CỬ TRI KIẾN NGHỊ VỚI ĐẢNG
VÀ NHÀ NƯỚC TRONG ĐỢT GẶP GỠ, TIẾP XÚC GIỮA CỬ TRI VỚI
CÁC ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA IX
(Do ông Phạm Văn Kiết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc
tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá IX, ngày 23-9-1992)
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thực hiện Điều 36 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, theo sự hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp túc với cử tri. Đợt này được tiến hành nhất loạt trong cả nước từ ngày 01 đến ngày 15 tháng 7 năm 1992 (có nơi đến ngày 17 tháng 7). Những người ứng cử được tổ chức trong 158 đoàn với trên 1.500 cuộc tiếp xúc ở thị xã, thị trấn, liên xã, liên phường, có nơi tổ chức ở từng xã, phường và các trung tâm công nghiệp, trường đại học, v.v. có trên ba trăm nghìn cử tri tham dự, cuộc ít nhất vài chục người, thường là vài trăm người, có điểm hàng ngàn người dự như ở An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, v.v. đây là điểm mới so với cuộc bầu cử trước, được cử tri hoan nghênh, hưởng ứng tích cực, đã mang lại kết quả tốt: là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, lôi cuốn nhiều người tham gia với tinh thần dân chủ, cởi mở, xây dựng, nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri và cử tri với Quốc hội, củng cố tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước với dân, tạo không khí thuận lợi thêm cho ngày bầu cử được đông đảo cử tri đi bầu tích cực, an toàn và chọn lựa bầu người đại biểu xứng đáng của mình.
Ý kiến của cử tri rất phong phú trên nhiều lĩnh vực, có những ý kiến đối với Đảng, Nhà nước Trung ương và có những ý kiến đối với địa phương. Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành đã có bản tổng hợp ý kiến thuộc phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của địa phương trao cho cấp Ủy, chính quyền tỉnh thành và đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương đó.
Tôi xin thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày với Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, trên những vấn đề chính đối với Đảng và Nhà nước Trung ương.
1. Cử tri hoan nghênh Quốc hội khóa VIII đã có một bước đổi mới quan trọng, làm được nhiều việc, nhất là xây dựng Hiến pháp năm 1992 (nhiều cử tri gọi là Hiến pháp đổi mới), nhiều luật và giải quyết nhiều vấn đề đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của dân. Mong Quốc hội khóa IX phát huy những mặt tốt và khắc phục những thiếu sót mà Quốc hội khóa VIII đã tự phê bình khi mãn nhiệm kỳ. Cử tri nhấn mạnh Quốc hội phải kiên định con đường cách mạng mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân đã chọn, không đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; Quốc hội khóa IX cần thực hiện tốt hai nhiệm vụ, quyền hạn mà Quốc hội khóa VIII thực hiện còn yếu, đó là: thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước. Cử tri nghiêm khắc phê bình nhiều đại biểu Quốc hội khóa VIII không liên hệ với cử tri ở đơn vị bầu mình, đề nghị đại biểu Quốc hội khóa IX phải sửa chữa ngay khuyết điểm này, thực hiện đúng Điều 43 Luật tổ chức Quốc hội. Cần có cơ chế để cử tri giám sát tư cách và hoạt động của đại biểu Quốc hội. Cần có quy chế làm việc giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; giữa đoàn đại biểu Quốc hội với Ủy ban mặt trận tỉnh, thành để Mặt trận thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình với cơ quan nhà nước và đại biểu dân cử theo Điều 9 của Hiến pháp năm 1992. Cử tri mong muốn có nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách và có chính sách huy động những người có tài, có đức (ngoài đại biểu Quốc hội) tham gia công việc của Quốc hội trên một số lĩnh vực bằng hình thức cố vấn, chuyên gia, cộng tác viên, v.v., cần có Văn phòng của đoàn đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố làm việc nghiêm túc, có nền nếp. Nhiều cử tri cho rằng qua theo dõi hoạt động của đại biểu Quốc hội, có một số đại biểu Quốc hội khóa VIII, suốt cả nhiệm kỳ không có đóng góp gì đáng kể trong các kỳ họp Quốc hội, đề nghị đại biểu Quốc hội khóa IX nâng cao tinh thần trách nhiệm trước dân, đi sâu, đi sát dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, đời sống của dân, đường lối chủ trương của Đảng, Hiến pháp, luật pháp, tham gia tích cực trong thảo luận, tranh luận và quyết định các vấn đề trong các kỳ họp Quốc hội. Vấn đề được nhiều cử tri phát biểu là chưa thấy rõ trách nhiệm và hiệu lực của đại biểu Quốc hội đối với các khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đề nghị mỗi đại biểu khóa này cần thực hiện đúng Điều 44 của Luật tổ chức Quốc hội.
Cử tri cũng có nhiều ý kiến đối với Hội đồng Bộ trưởng. Sự điều hành của Hội đồng Bộ trưởng những năm gần đây có nhiều tiến bộ với quyết tâm cao, tổ chức thực hiện tích cực, cụ thể, mang lại hiệu quả đáng mừng nhất là kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, phát triển sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ quốc tế, v.v.. Nhân dân mong muốn Chính phủ tăng cường hiệu lực quản lý hơn nữa, lập lại nghiêm kỷ cương pháp luật, tạo nên sức mạnh đồng bộ tổng hợp trong cả nước, phối hợp tốt với Mặt trận và các đoàn thể, tạo nên phong trào hành động cách mạng của quần chúng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đấu tranh chống tiêu cực, đặc biệt là chống tham nhũng, khắc phục bệnh quan liêu giấy tờ qua nhiều tầng, nhiều nấc, sinh nhiều tiêu cực và gây phiền hà cho dân; rà soát bổ sung sửa đổi nhiều cơ chế, quy định không còn thích hợp với công cuộc đổi mới, sớm cụ thể hóa những quy định hướng dẫn dưới luật đưa luật pháp vào cuộc sống, củng cố bộ máy chính quyền các cấp theo hướng trong sạch vững mạnh, tinh, gọn; hết sức chú trọng chính quyền cơ sở hiện nay chưa đủ sức thực hiện nhiệm vụ và mối quan hệ với nhân dân ở nhiều nơi có nhiều điều đáng lo.
2. Tệ tham nhũng, nạn buôn lậu, thói ăn xài phung phí bị lên án mạnh mẽ trong tất cả các cuộc tiếp xúc. Cử tri phát biểu là mừng bao nhiêu thì lo bấy nhiêu. Mừng thấy công cuộc đổi mới của đất nước theo Nghị quyết Đại hội VI, Đại hội VII của Đảng ngày càng có hiệu quả trong việc ổn định chính trị, phát triển sản xuất, kiềm chế lạm phát, đời sống một bộ phận nhân dân được cải thiện, quan hệ quốc tế được mở rộng, tạo nhiều thuận lợi mới cho bước đi lên của đất nước ta. Lo vì mấy căn bệnh này (tham nhũng, buôn lậu, ăn xài phung phí) không giảm mà lại tăng, là nguy cơ của chế độ ta.
Về chống tham nhũng: cử tri kiến nghị: tinh thần chung là diệt trừ tham nhũng, đánh bại tham nhũng chứ không chỉ chống tham nhũng, nhưng phải là cuộc đấu tranh kiên quyết kiên trì, đẩy lùi nó bước này đến bước khác. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cử tri giao cho Quốc hội theo chức năng của mình phải làm cho có hiệu quả. Cần có Nghị quyết riêng của Quốc hội về vấn đề này. Cần có một tổ chức có đủ uy tín, năng lực và quyền lực phụ trách. Phải xử lý rất nghiêm và mạnh, đúng pháp luật những vụ đã phát hiện, đủ chứng cứ. Phải xây đi đôi với chống, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp cơ bản như:
- Rà soát lại để khắc phục các sở hở trong luật, trong cơ chế chính sách dễ bị lợi dụng;
- Cải cách tiền lương;
- Kiện toàn làm trong sạch những cơ quan nắm quyền, nắm tiền, nắm cơ sở kinh tế quốc doanh;
- Tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm cho quần chúng tham gia đấu tranh;
- Tổ chức thực hiện đồng bộ phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan có trách nhiệm;
- Cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt các cấp, các ngành phải gương mẫu, trong sạch và kiên quyết chống tham nhũng, không bao che, không nhân nhượng;
- Cử tri đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội đều có cuộc sống gương mẫu, trong sạch và là người chiến sĩ tiên phong trong cuộc đấu tranh này.
- Về chống buôn lậu: nhiều cử tri đặt vấn đề: Ai buôn lậu? - Không chỉ trong dân mà trước hết trong cơ quan và viên chức nhà nước, trong bộ đội, công an…
Trong xã hội, vấn đề này là vấn đề lâu dài, phức tạp, phải đấu tranh bằng nhiều biện pháp. Nhưng trước hết là chống trong cơ quan, trong viên chức nhà nước, trong bộ đội, công an cho có hiệu quả. Cử tri đề nghị đừng để cho ngành Công an, ngành Quân sự, Hải quan, Tòa án, Viện kiểm sát, ngành Tư pháp làm kinh tế bằng buôn bán kinh doanh.
Về lãng phí và phung phí: cử tri đề nghị cần khắc phục tệ tham ô lãng phí trên các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng cơ bản. Cần nắm chắc tình hình và có kế hoạch chống ăn xài phung phí, biếu xén, tiệc tùng, nhiều kiểu thưởng quá đáng trong cán bộ kinh tế, buôn bán, kinh doanh. Nhân dân lao động và gia đình thương binh liệt sĩ, cán bộ về hưu rất bất bình trước tệ nạn này.
3. Về kinh tế: cử tri nêu nhiều ý kiến, nổi lên những ý chính như sau:
- Gấp rút bổ sung, sửa đổi Luật đất đai và tổ chức thực hiện khẩn trương, sâu sát; giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai.
- Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho nông dân như: chính sách tín dụng ưu tiên cho nông dân nghèo được vay vốn dễ dàng, chính sách khuyến nông, chính sách tiêu thụ và bảo trợ giá nông sản.
- Cần sửa đổi thuế nông nghiệp lại cho thích hợp, cả về cách tính thuế, thuế suất bình quân và chia hạng đất.
- Nhà nước cần chỉ đạo các ngành thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng đối với miền núi một cách cụ thể, liên tục, đồng bộ, nhất là xây dựng đường giao thông, củng cố trạm xá cơ sở, có đủ thuốc chữa bệnh sốt rét, bướu cổ, tụ huyết trùng, xây dựng trường học, xóa mù chữ, xây dựng hệ thống truyền thanh, truyền hình. Đề nghị Nhà nước có chính sách và biện pháp tích cực hơn nữa đối với vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả ở đồng bằng.
- Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách trong cơ chế thị trường, mong Nhà nước xúc tiến nhanh việc sắp xếp và đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động có hiệu quả.
- Đề nghị có chính sách đầu tư trong nước.
- Việc sản xuất bị hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu điện. Trong lúc đó thì điện dùng trong nhà hàng, khách sạn, quán cà phê ôm, v.v., xài vô tội vạ, tràn lan. Đề nghị Nhà nước chỉ đạo vấn đề này lại, ưu tiên cho sản xuất và có sự khống chế nhất định việc xài điện ở những nơi ấy.
- Nhiều cử tri đặt lại vấn đề “tăng giá điện” được tranh cãi trong phiên họp cuối của Quốc hội khóa VIII, nhưng chưa được giải quyết dứt khoát, đề nghị Quốc hội khóa IX thảo luận và có ý kiến giải quyết vấn đề này.
- Nhiều cử tri nghi ngờ và rất lo ngại về khả năng bảo đảm an toàn, kỹ thuật giải quyết vốn và thời gian xây dựng trong hai năm đường dây tải điện Bắc - Nam 500 kV; đề nghị cần kiểm tra lại chặt chẽ công trình này.
4. Về văn hóa - xã hội:
- Đề nghị Nhà nước có kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện việc sử dụng ngân sách nhà nước cho việc tạo công ăn việc làm. Cần kết hợp chặt với chương trình xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương, gắn với việc giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế gia đình.
- Cải cách tiền lương cần được giải quyết gấp không để kéo dài nữa; sửa đổi những điều bất hợp lý, không công bằng trong thang bậc lương, trong chế độ tiền thưởng, khắc phục sự quá chênh lệch giữa các ngành, các vùng, các cơ sở kinh tế, văn hóa giữa cán bộ Mặt trận, đoàn thể với cán bộ chính quyền, kinh tế. Cần có chế độ lương hoặc trợ cấp cho cán bộ cơ sở để có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Nhà nước và xã hội thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, người về hưu; khơi dậy và phát huy truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng Việt Nam.
- Nhà nước cần đầu tư thích đáng để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, tạo điều kiện cho con em lao động đến tuổi được đi học, không thu học phí và các thứ thu khác còn hơn học phí và ngăn chặn tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục.
- Cải tiến việc phục vụ bệnh nhân trong các trạm xá, bệnh viện sao cho người nghèo vẫn được khám trị bệnh, khắc phục tình trạng có tiền mới được trị bệnh; cần có nhà thương từ thiện hoặc trị bệnh miễn phí cho người nghèo.
- Nhiều quyền tự do dân chủ ghi trong Hiến pháp còn bị vi phạm, mong sao Quốc hội giám sát nghiêm ngặt việc thi hành Hiến pháp, pháp luật đối với các cơ quan nhà nước nhất là cơ quan bảo vệ pháp luật, với mọi tổ chức và công dân.
- Tệ nạn xã hội ngày càng phát triển tràn lan (gái điếm, cờ bạc, trộm cướp, phim ảnh, sách báo, tác phẩm văn nghệ độc hại, đồi trụy, khuyến khích bạo lực). Nhà nước ta quản lý quá lỏng lẻo. Cử tri kiến nghị với Quốc hội dành thời gian để bàn vấn đề này, có nghị quyết và giám sát việc thực hiện, lập lại kỷ cương trật tự trong việc quản lý, điều hành vấn đề này đối với các cấp, các ngành.
5. Về an ninh và quốc phòng:
Cử tri nhất là cựu chiến binh, cán bộ hưu trí lo lắng nhiều trước tình hình thế giới biến động lớn, gây nhiều khó khăn cho đất nước ta về mặt bảo vệ cũng như xây dựng. Trước tình hình này, ngoài việc thực hiện chính sách đối ngoại có nguyên tắc nhưng linh hoạt sáng tạo, nhằm thêm bạn bớt thù, giữ vững hòa bình, ổn định chủ quyền, toàn vẹn đất nước ta, đề nghị Quốc hội đặc biệt quan tâm việc phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nâng cao cảnh giác của nhân dân ta; dành ngân sách thích đáng để bảo đảm đời sống vật chất tinh thần của cán bộ và chiến sĩ và trang bị cho quân đội và công an. Đặc biệt là bảo đảm sự ổn định chính trị, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đánh bại âm mưu chia rẽ, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
6. Về xây dựng luật và thi hành luật:
- Cử tri đề nghị cần có những luật cần thiết như Luật sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Luật lao động, Luật đầu tư trong nước, Luật phá sản, Luật dân sự, Luật hành chính, Luật biên giới, Luật thanh niên, Luật về tôn giáo, v.v..
- Cử tri đề nghị cần quan tâm việc phổ biến học tập trong cán bộ và nhân dân hiểu Hiến pháp và luật; cần xây dựng quy chế để thực hiện Hiến pháp và luật. Cử tri là cán bộ Mặt trận và đoàn thể đề nghị có Quy chế làm việc giữa chính quyền và Mặt trận, đoàn thể các cấp để thực hiện Điều 9 của Hiến pháp 1992.
Cử tri mong Quốc hội khóa IX thực hiện tốt quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Quốc hội.
Thưa các đồng chí đại biểu,
Chúng tôi trình bày trên đây những ý kiến chính và tập trung nhất của cử tri. Cử tri cũng đề nghị việc tiếp xúc gặp gỡ cử tri của đại biểu Quốc hội cần tránh chỉ tiếp xúc với cử tri là cán bộ tại chức và hưu trí nhiều hơn cử tri là dân thường, hình thức và cách tiếp xúc cần nhẹ nhàng, sâu sát dân, nghe dân nói, nói dân nghe, cùng dân trao đổi bàn bạc hết ý hết tình và thấy thực tế cuộc sống của dân.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội