BẢN TRÌNH BÀY CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ
DỰ KIẾN CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ THÀNH VIÊN CỦA CHÍNH PHỦ
(Do Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt trình bày tại
kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, ngày 28-9-1992)
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong các buổi thảo luận vừa qua của Quốc hội về Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ, để các vị đại biểu có tài liệu nghiên cứu, Chính phủ đã gửi Quốc hội Tờ trình về cơ cấu của Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX.
Hôm nay, tôi xin trình bày thêm về những nội dung chính của dự kiến cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ, nói rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu quan tâm.
1. Nhận xét về quá trình sắp xếp, điều chỉnh tổ chức thời gian vừa qua
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, từ Đại hội VI đến nay, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và bằng quyết định của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, các cơ quan thuộc Chính phủ đã được sắp xếp lại qua nhiều đợt:
- Năm 1987, đã thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực; thành lập Bộ Năng lượng trên cơ sở hợp nhất Bộ Điện lực và Bộ Mỏ và Than; thành lập Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở hợp nhất Bộ Lao động và Bộ Thương binh và Xã hội; thành lập Bộ Thông tin để quản lý thống nhất công tác thông tin, báo chí, xuất bản và phát thanh truyền hình; giải thể Ủy ban phát thanh truyền hình; thành lập Ủy ban Quan hệ kinh tế với nước ngoài để thực hiện chức năng phối hợp về lĩnh vực kinh tế đối ngoại; giải thể Ủy ban Dân tộc của Chính phủ.
- Năm 1988 đã thành lập Bộ Kinh tế đối ngoại trên cơ sở hợp nhất Bộ Ngoại thương, Ủy ban Quan hệ kinh tế với nước ngoài, Ủy ban Hợp tác kinh tế với Lào và Campuchia và Ban Hợp tác chuyên gia của Chính phủ; giải thể Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước và Bộ Xây dựng để thành lập Bộ Xây dựng mới; giải thể Tổng cục Điện tử và Tin học và giao công tác quản lý ngành Điện tử và Kỹ thuật tin học cho Bộ Cơ khí và Luyện kim phụ trách; thành lập Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư để làm chức năng phối hợp và tư vấn cho Chính phủ trong việc xem xét các dự án đầu tư của người nước ngoài.
- Năm 1990, đã thành lập Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch trên cơ sở Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin, Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng cục Du lịch (sau đổi thành Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao); thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở Bộ Giáo dục và Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề; thành lập Bộ Thương mại (sau đổi thành Bộ Thương mại và Du lịch) trên cơ sở Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Thương nghiệp, Bộ Vật tư; đổi tên Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện và giao cho Bộ này quản lý nhà nước ngành Bưu điện, ngành Hàng không dân dụng; chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng công ty Bưu chính viễn thông và Tổng cục Hàng không dân dụng thành Tổng công ty Hàng không dân dụng Việt Nam; chuyển Tổng cục Dầu Khí thành Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam, Tổng cục Hóa chất thành các Tổng công ty hoặc liên hiệp xí nghiệp hóa chất và giao cho Bộ Cơ khí và Luyện kim quản lý, đổi tên Bộ này thành Bộ Công nghiệp nặng; chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về Mỏ và Địa chất cho Bộ Công nghiệp nặng phụ trách.
Tính chung lại, từ năm 1987 đến nay, đã sắp xếp lại 18 Bộ, Ủy ban Nhà nước, 14 Tổng cục và cơ quan tương đương để thành lập 8 Bộ mới. Các cơ quan thuộc Chính phủ từ 71 cơ quan (trong đó có 31 cơ quan thành viên Chính phủ) đến nay còn 44 cơ quan (trong đó 26 cơ quan thành viên Chính phủ, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và 18 cơ quan khác).
Có thể nêu lên một số nhận xét sau:
a) Việc sắp xếp điều chỉnh lại đã khắc phục được một bước tình trạng trước đây do quan niệm mỗi ngành kinh tế kỹ thuật… phải có một cơ quan của Chính phủ quản lý nên đã lập ra quá nhiều Bộ, Tổng cục; đã thống nhất nhiệm vụ quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực trước đây do nhiều Bộ, Tổng cục quản lý vào một Bộ, giảm bớt sự trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động giữa các Bộ. Chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, Tổng cục và chức năng trực tiếp hoạt động kinh doanh, sự nghiệp của các đơn vị kinh tế, sự nghiệp cũng bước đầu được phân định.
Nhờ vậy, phần lớn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, sau khi tổ chức lại đã thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với cơ chế mới; sự chỉ đạo quản lý ngành, lĩnh vực được tập trung thống nhất hơn, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Tập thể Chính phủ cũng như mỗi thành viên Chính phủ tập trung hơn vào việc xây dựng pháp luật, xử lý các vấn đề cơ chế chính sách. Những kết quả trên đã tạo nên tiến bộ bước đầu trong sự quản lý điều hành của Chính phủ, góp phần vào các thành tựu đổi mới bước đầu quan trọng về kinh tế - xã hội.
Việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở ba Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực đã thống nhất nhiệm vụ quản lý nhà nước trên tất cả các khâu của quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào một Bộ, xử lý về tổ chức phù hợp cơ chế mới. Về vấn đề lương thực, theo cơ chế cũ, Nhà nước nắm và bao toàn bộ nên đã đặt ra bộ máy khá lớn (Bộ Lương thực với hệ thống từ Trung ương đến cơ sở) nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu, từ khi thay đổi tổ chức và đặc biệt là đổi mới cơ chế kinh doanh lương thực, nhiệm vụ cung ứng, điều hòa lương thực cho xã hội đã được bảo đảm tốt.
Ngành Điện và ngành Than thực chất chỉ cần tổ chức bộ máy quản lý kinh doanh. Nhưng trước đây, chúng ta đã tổ chức thành hai Bộ: Bộ Điện lực và Bộ Mỏ và Than, mỗi Bộ có bộ máy khá lớn, hàng chục vụ, cục, hàng trăm cán bộ. Sau khi hợp nhất thành Bộ Năng lượng, bộ máy quản lý nhà nước được tổ chức gọn nhẹ, công việc tiến triển tốt hơn trước.
Việc thành lập Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở hợp nhất Bộ Lao động và Bộ Thương binh và Xã hội được thực tế chứng minh là phù hợp, do công việc của hai Bộ trước đây có cùng tính chất, gắn bó với nhau; cùng với việc thay đổi tổ chức, gắn với thay đổi cơ chế hoạt động, nên bộ máy của Bộ mới gọn nhẹ hơn bộ máy của hai Bộ cũ, nhiều công việc được giải quyết nhanh hơn.
Công tác giáo dục và đào tạo từ mẫu giáo đến phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học là một thể thống nhất, mà mục tiêu chung là đào tạo cho xã hội một lớp người có văn hóa, khoa học kỹ thuật. Trước đây, do ba cơ quan phụ trách: Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề. Việc thống nhất các cơ quan trên vào một Bộ mới (Bộ Giáo dục sau này gọi là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã tạo thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể và đồng bộ về giáo dục, kết hợp tốt hơn giữa dạy và học ở các cấp.
Việc lập Bộ Thương mại trên cơ sở Bộ Nội thương, Bộ Vật tư, Bộ Kinh tế đối ngoại đã thống nhất được nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương mại cả trong nước và ngoài nước vào một mối; tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh chủ động kinh doanh theo cơ chế mới; khắc phục được tình trạng chồng chéo và không thống nhất trong việc mua bán trong và ngoài nước, trong việc bán vật tư, mua sản phẩm, nhất là trong việc mua bán hàng xuất khẩu.
Việc thống nhất công tác quản lý nhà nước về thông tin, báo chí, xuất bản và văn hóa nghệ thuật là hợp lý, vì nhiều vấn đề về thông tin, xuất bản, báo chí, văn hóa - nghệ thuật, phát thanh truyền hình có quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc thống nhất vào một Bộ phụ trách quản lý chung cả văn hóa, thông tin đã có tác dụng phát huy sức mạnh chung trên mặt trận tư tưởng và văn hóa trong cả nước.
b) Trong việc sắp xếp, điều chỉnh các cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, còn có một số thiếu sót:
- Trước đây, đã có Ủy ban Dân tộc của Chính phủ nhưng do không định rõ nhiệm vụ và phương thức hoạt động phù hợp với chức năng một cơ quan phối hợp liên ngành, nên Ủy ban Dân tộc không làm tốt được nhiệm vụ và đã giải thể. Do nhu cầu, Hội đồng Bộ trưởng đã lập Văn phòng Miền núi và Dân tộc, nhưng chỉ là một Văn phòng, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ.
- Trong một vài trường hợp, đã đưa những tổ chức không cùng tính chất và phương thức hoạt động vào một Bộ: ví dụ, đưa du lịch vào Bộ Văn hóa, sau đưa sang Bộ Thương mại; đưa bưu điện vào Bộ Giao thông Vận tải; đưa thể dục thể thao vào Bộ Văn hóa - Thông tin. Cùng với việc sáp nhập không hợp lý lại thiếu cơ chế quản lý thích hợp với các đơn vị trước đây thuộc các tổng cục trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, nên đã có phần hạn chế sự phát triển của các ngành đó.
Như vậy, có thể nhận xét là việc sắp xếp, điều chỉnh các cơ quan thuộc Chính phủ thời gian qua cơ bản là phù hợp với quá trình đổi mới cơ chế quản lý và thực tế đã có tác dụng tích cực. Về cách tiến hành, đã có sự chuẩn bị, bàn bạc nghiêm túc, làm đúng quy trình: Hội đồng Bộ trưởng nghiên cứu, xin ý kiến lãnh đạo của Đảng, rồi trình Hội đồng Nhà nước xem xét và quyết định, sau đó trình Quốc hội phê chuẩn. Chúng tôi cho rằng, quá trình sắp xếp tổ chức gắn với quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, không thể làm một lần là xong. Có một số trường hợp bất hợp lý là do chưa cân nhắc kỹ, nhưng không nhiều và đều làm đúng quy trình, không có trường hợp tùy tiện.
2. Dự kiến cơ cấu tổ chức Chính phủ mới
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ mới được dự kiến đưa trình Quốc hội tại kỳ họp này là dựa trên Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, Hiến pháp năm 1992 và các văn bản của Quốc hội, đồng thời, dựa trên sự xem xét những mặt được và chưa được trong các đợt sắp xếp các năm qua, đồng thời có tính đến thực tiễn trong công việc điều hành của Chính phủ.
Về lâu dài, phù hợp với cơ chế quản lý mới, các cơ quan quản lý cấp Bộ có thể không nhiều; ngoài các Bộ nhất thiết phải có như Quốc phòng, Nội vụ, Ngoại giao, Tư pháp, Giáo dục, Y tế, v.v. còn các Bộ trong lĩnh vực kinh tế có thể phải gọn hơn. Ví dụ:
- Trong lĩnh vực công nghiệp, có thể chỉ cần một Bộ quản lý nhà nước về công nghiệp (gồm các ngành hiện do Bộ Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ và Bộ Năng lượng đang phụ trách).
- Trong nông nghiệp, không chỉ sắp xếp việc quản lý các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp vào một Bộ mà có thể chỉ cần một Bộ để quản lý nhà nước về nông, lâm, thủy sản (gồm các công việc hiện do Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản, Tổng cục Quản lý ruộng đất).
- Trong khối kinh tế tổng hợp, có thể chỉ cần một Bộ để quản lý công việc hiện do Ủy ban Kế hoạch, Bộ Tài chính, Ủy ban Vật giá, Ủy ban Hợp tác đầu tư phụ trách.
- Trong khối thương mại, có thể để riêng một Bộ hoặc gắn Thương mại với Công nghiệp v.v..
Chúng tôi cho rằng đó là hướng tổ chức bộ máy Chính phủ trong quá trình đổi mới tổ chức sản xuất và cơ chế quản lý. Để tổ chức Chính phủ theo hướng đó, cần có thời gian chuẩn bị, trước hết là thực hiện mấy công việc lớn sau đây:
+ Tổ chức lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Sắp xếp lại để hình thành những tập đoàn sản xuất - kinh doanh mạnh, có quyền tự chủ, hoạt động theo pháp luật.
+ Xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật, quy định chế độ quản lý nhà nước của các Bộ chức năng đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở đó, bỏ chế độ Bộ chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước. Các Bộ tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong ngành hoặc lĩnh vực Bộ phụ trách.
+ Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý các doanh nghiệp, v.v..
Kinh nghiệm đã chỉ rõ quá trình tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước gắn liền với quá trình đổi mới cơ chế quản lý, và phải làm từng bước. Do vậy, không nên đưa danh sách các Bộ vào trong Luật tổ chức Chính phủ; Nếu quy định ngay trong Luật, thì sẽ khó khăn cho công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội sau này, trong những trường hợp cần điều chỉnh các Bộ.
Trước mắt, cơ cấu của Chính phủ mới được dự kiến căn cứ vào các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, trên cơ sở bộ máy hiện tại, có điều chỉnh một số tổ chức để vừa thực hiện được một bước đổi mới, vừa giữ được sự ổn định và liên tục trong hoạt động của Chính phủ. Dự kiến cơ cấu tổ chức của Chính phủ mới so với cơ cấu của Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII có thay đổi như sau:
1. Các cơ quan thành lập mới:
- Thành lập Bộ Nông - Lâm và Phát triển nông thôn trên cơ sở nhiệm vụ hiện nay của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lâm nghiệp.
Việc hợp nhất các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp là phù hợp, vì nông nghiệp và lâm nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trên tất cả các phương diện chủ yếu do nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện. Do đó, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển trồng trọt (kể cả trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, đều có thể trồng cây lâm nghiệp hoặc cây nông nghiệp, không phân biệt máy móc đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp), việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chăn nuôi, bảo vệ môi sinh, quản lý, sử dụng đất đai, việc thực hiện các chính sách, luật pháp đều phải được xử lý thống nhất.
Theo cơ chế mới, chức năng quản lý nhà nước của Bộ đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông, lâm nghiệp đã có những thay đổi cơ bản: kế hoạch sản xuất và kinh doanh cụ thể do các doanh nghiệp và nông dân tự đảm nhiệm, Nhà nước tác động chủ yếu thông qua quy hoạch và hệ thống chính sách đòn bẩy. Về vật tư nông nghiệp, Nhà nước phụ trách các cân đối chung, kể cả dự trữ để đề phòng bất trắc, còn việc mua bán thì theo cơ chế thị trường. Việc quản lý rừng và đất rừng, việc phủ xanh đất trống, đồi trọc chủ yếu do chính quyền địa phương phụ trách.
Vì những lý do đó, tuy diện tích rừng ở nước ta rất lớn, nhưng việc quản lý nhà nước cả về nông nghiệp và về lâm nghiệp do một Bộ đảm nhiệm là hợp lý và có thể thực hiện được.
- Thành lập Bộ Tổ chức - Hành chính trên cơ sở Ban Tổ chức - cán bộ hiện nay.
Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan này là nghiên cứu các chính sách, chế độ công vụ, các quy chế quản lý đội ngũ công chức nhà nước; tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý hành chính; quản lý địa giới hành chính; quản lý nhà nước đối với các hội quần chúng, hội nghề nghiệp; quản lý công tác khen thưởng, công tác Lưu trữ.
- Thành lập Ủy ban Dân tộc và Miền núi trên cơ sở Văn phòng miền núi và Dân tộc hiện nay.
Ủy ban này hoạt động mang tính chất liên ngành, để phối hợp với các ngành xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền núi, cụ thể hóa chính sách dân tộc, kết hợp, phối hợp các ngành và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương và chính sách liên quan đến dân tộc và miền núi.
2. Chuyển Ủy ban Vật giá Nhà nước thành Ban Vật giá trực thuộc Chính phủ:
Trong cơ chế mới, không cần thiết có cơ quan cấp Bộ làm công tác vật giá, nhưng cần có một cơ quan gọn, nhẹ trực thuộc Chính phủ để nghiên cứu chính sách và theo dõi, kiểm tra xử lý một số vấn đề về giá cả.
3. Các cơ quan đổi tên và được giao thêm nhiệm vụ:
- Ủy ban Khoa học Nhà nước đổi tên là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Thực tế, cơ quan này hoạt động như một Bộ, nên không gọi là Ủy ban. Nhiệm vụ được giao thêm là quản lý nhà nước về công nghệ và môi trường.
- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giữ nguyên tên gọi và được giao thêm nhiệm vụ nghiên cứu quản lý kinh tế.
4. Các cơ quan đổi tên nhưng không thay đổi nhiệm vụ:
- Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư đổi tên là Ủy ban Đầu tư nước ngoài.
- Bộ Xây dựng đổi tên là Bộ Xây dựng và Đô thị.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi tên là Bộ Giáo dục.
- Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đổi tên là Văn phòng Chính phủ.
5. Các cơ quan đổi tên và giảm bớt nhiệm vụ:
- Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện đổi tên là Bộ Giao thông Vận tải. Tách nhiệm vụ quản lý nhà nước về Bưu chính và Viễn thông ra khỏi Bộ Giao thông Vận tải; lập Tổng cục Bưu chính Viễn thông trực thuộc Chính phủ. Bưu chính Viễn thông và Giao thông vận tải hiện nay đã có bước phát triển khác với trước đây, có tính chất và phương thức hoạt động khác nhau, để trong một Bộ là không hợp lý.
- Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao đổi tên là Bộ Văn hóa - Thông tin. Tách nhiệm vụ quản lý nhà nước về Thể dục thể thao ra khỏi Bộ Văn hóa - Thông tin. Thành lập Tổng cục Thể dục thể thao trực thuộc Chính phủ, tạo điều kiện cho ngành Thể dục thể thao phát triển và để Bộ Văn hóa - Thông tin tập trung chỉ đạo lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản và văn hóa nghệ thuật.
- Bộ Thương mại và Du lịch đổi tên là Bộ Thương mại. Tách nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch ra khỏi Bộ Thương mại để tạo điều kiện phát triển ngành Du lịch; thành lập Tổng cục Du lịch trực thuộc Chính phủ.
Xin trình bày thêm về các cơ quan trực thuộc Chính phủ (do Chính phủ thành lập và bãi bỏ). Trong phụ lục Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, còn để nhiều cơ quan trực thuộc là vì có những tổ chức có tính chất độc lập, đồng thời rút kinh nghiệm vừa qua, nếu ghép một cách gượng ép vào một Bộ, Tổng cục mà không cùng tính chất thì sẽ rất khó cho việc thực hiện nhiệm vụ. Rồi đây Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh cho hợp lý, gắn với các bước chuyển đổi cơ chế quản lý.
Sau đây, tôi xin trình bày dự kiến danh sách các Bộ và cơ quan ngang Bộ (Có bản riêng).
6. Về dự kiến cơ cấu thành viên Chính phủ:
Do yêu cầu nhiệm vụ quản lý, điều hành công việc trong tình hình cơ chế quản lý còn đang ở giai đoạn chuyển đổi và đội ngũ cán bộ quản lý còn phải có thời gian xây dựng và bồi dưỡng theo cơ chế mới, nên cơ cấu tổ chức của Chính phủ chưa thể gọn nhẹ như mong muốn, số lượng Bộ trưởng vẫn còn phải giữ ở mức cần thiết vừa để phụ trách Bộ, phụ trách các công tác liên ngành, đồng thời, để tăng thêm tính tập thể trong việc điều hành của Chính phủ. Trong dự kiến các thành viên Chính phủ, vừa có các đồng chí đã tham gia Chính phủ khóa trước, và có một số đồng chí mới nhằm đổi mới một bước về cán bộ, đồng thời bảo đảm tính kế thừa, tính vững chắc và giữ được sự ổn định, liên tục trong hoạt động của Chính phủ.
Về cơ cấu thành viên Chính phủ, xin đề nghị cụ thể như sau:
1. Về Phó Thủ tướng, xin đề nghị ba đồng chí:
Đó là vì, để có thể bao quát được các mặt công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa lãnh đạo chung, vừa trực tiếp phụ trách lĩnh vực công tác nội chính, đối ngoại, cần thiết phải có ba Phó Thủ tướng để giúp Thủ tướng chỉ đạo các lĩnh vực như: sản xuất, phân phối - lưu thông, kinh tế đối ngoại, văn hóa, giáo dục, khoa học, xã hội…; giúp Thủ tướng xử lý các vấn đề liên Bộ hoặc giữa các Bộ với các địa phương; trong đó có một Phó Thủ tướng thường trực, ngoài phần phụ trách lĩnh vực công tác được Thủ tướng ủy nhiệm, còn giúp Thủ tướng xử lý công việc hàng ngày và thay Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt. Đương nhiên, các Phó Thủ tướng không làm thay Bộ trưởng, cũng không thành một cấp như Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã làm trước đây.
2. Về các Bộ trưởng, xin đề nghị như sau:
- Các Bộ trưởng đứng đầu Bộ, trong đó có hai Bộ trưởng mà chức danh là Tổng thanh tra Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Riêng về Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong tình hình nước ta hiện nay, Chính phủ phải quản lý chặt chẽ các hoạt động tiền tệ, bảo đảm thực hiện chính sách tiền tệ của Đảng và Nhà nước, phải có cơ quan cấp Bộ để làm chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, và do vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải là thành viên của Chính phủ mới có đủ quyền hạn và trách nhiệm trong việc đề xuất chính sách tiền tệ, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách đó. Trong tương lai, khi nền kinh tế đã ổn định trong cơ chế mới, thì Thống đốc Ngân hàng có thể không phải là thành viên Chính phủ.
- Bộ trưởng đứng đầu các cơ quan ngang Bộ: (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Đầu tư nước ngoài; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, v.v.). Các Ủy ban Nhà nước có vị trí và trách nhiệm như một Bộ, nhưng gọi là Ủy ban vì hoạt động có tính chất liên ngành, nên cần có Bộ trưởng đứng đầu, nhằm tạo điều kiện để các thành viên có vị trí trong quan hệ đối nội và về đối ngoại, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Riêng Văn phòng Chính phủ là bộ máy làm việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức các hoạt động của Chính phủ, tổ chức phối hợp công việc giữa Văn phòng Chính phủ với Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch nước, với các cơ quan Đảng, đồng thời, làm tham mưu cho Thủ tướng giải quyết công việc, tổ chức ban hành các văn bản pháp quy của Chính phủ và tổ chức các hoạt động của Chính phủ. Để thực hiện được các chức năng này và để có vị trí trong quan hệ đối ngoại, cần thiết có Bộ trưởng làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
- Một số cơ quan tuy bộ máy quản lý không phải là ngang Bộ nhưng là Ủy ban liên ngành phụ trách những công việc lớn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều Bộ, cho nên cần có một Bộ trưởng phụ trách: Bộ trưởng phụ trách Ủy ban Quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, Bộ trưởng phụ trách Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Bộ trưởng phụ trách Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em.
- Bộ trưởng đặc trách (ở các nước thường gọi là Quốc vụ khanh, hàm Bộ trưởng, ở ta chưa quen gọi chức danh đó). Trong thực tế điều hành của Chính phủ, có những loại việc có tính tác chiến, cần được chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, lại là những việc có tính liên ngành, liên quan đến nhiều Bộ, nhiều cơ quan trực thuộc Chính phủ, cần có đồng chí có trách nhiệm ở vị trí Bộ trưởng để giúp Thủ tướng xử lý kịp thời.
Xin đề nghị Quốc hội chấp thuận về hai nguyên tắc cho 2 - 3 Bộ trưởng đặc trách một số công tác như tài chính, tiền tệ tổng hợp, thanh niên và thể dục thể thao, nội chính, v.v..
Sau đây, tôi xin trình bày dự kiến danh sách các Bộ trưởng để Quốc hội xem xét, quyết định (có bản riêng).
DANH SÁCH
CÁC CƠ QUAN ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI QUYẾT ĐỊNH
A- Các Bộ
1. Bộ Quốc phòng
2. Bộ Nội vụ
3. Bộ Ngoại giao
4. Bộ Tổ chức - Hành chính
5. Bộ Tư pháp
6. Bộ Tài chính
7. Bộ Thương mại
8. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
9. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
10. Bộ Giao thông Vận tải
11. Bộ Xây dựng và Đô thị
12- Bộ Công nghiệp nặng
13. Bộ Công nghiệp nhẹ
14. Bộ Năng lượng
15. Bộ Nông - Lâm và Phát triển nông thôn
16. Bộ Thủy lợi
17. Bộ Thủy sản
18. Bộ Văn hóa - Thông tin
19. Bộ Giáo dục
20. Bộ Y tế
B- Các cơ quan ngang Bộ:
1. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
2. Ngân hàng Nhà nước
3. Thanh tra Nhà nước
4. Ủy ban Đầu tư nước ngoài
5. Văn phòng Chính phủ
DANH SÁCH
CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ
Thủ tướng (Quốc hội đã bầu): Đồng chí Võ Văn Kiệt
Phó Thủ tướng:
- Đồng chí Phan Văn Khải
- Đồng chí Nguyễn Khánh
- Đồng chí Trần Đức Lương.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đồng chí Đoàn Khuê
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Đồng chí Bùi Thiện Ngộ
- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm
- Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức, cán bộ Chính phủ: Đồng chí Phan Ngọc Tường
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Đồng chí Nguyễn Đình Lộc
- Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đồng chí Hồ Tế
- Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Đồng chí Đặng Hữu
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Đồng chí Trần Đình Hoan
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đồng chí Trần Hồng Quân
- Bộ trưởng Bộ Y tế: Đồng chí Nguyễn Trọng Nhân
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin: Đồng chí Trần Hoàn
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Đô thị: Đồng chí Ngô Xuân Lộc
- Bộ trưởng Bộ Thủy lợi: Đồng chí Nguyễn Cảnh Dinh
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Đồng chí Bùi Danh Lưu
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đồng chí Nguyễn Công Tạn
- Bộ trưởng Bộ Thủy sản: Đồng chí Nguyễn Tấn Trịnh
- Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng: Đồng chí Trần Lum
- Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ: Đồng chí Đặng Vũ Chư
- Bộ trưởng Bộ Năng lượng: Đồng chí Thái Phụng Nê
- Bộ trưởng Bộ Thương mại: Đồng chí Lê Văn Triết
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước: Đồng chí Đỗ Quốc Sam
- Tổng Thanh tra Nhà nước: Đồng chí Nguyễn Kỳ Cẩm
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đồng chí Cao Sỹ Kiêm
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và Đầu tư: Đồng chí Đậu Ngọc Xuân
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc và miền núi: Đồng chí Hoàng Đức Nghi
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân số và kế hoạch hóa gia đình: Đồng chí Mai Kỷ
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh.
- Bộ trưởng đặc trách công tác tài chính - tiền tệ: Đồng chí Phan Văn Tiệm
- Bộ trưởng, đặc trách công tác thanh niên và thể dục thể thao: Đồng chí Hà Quang Dự
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội