BÀI PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÕ VĂN KIỆT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ TRONG NHIỆM KỲ
QUỐC HỘI KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ NHẤT, NGÀY 01-10-1992
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trước hết, tôi xin thay mặt tập thể Chính phủ chân thành cảm ơn các quý vị đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm bầu Thủ tướng và phê chuẩn các thành viên khác của Chính phủ trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa IX.
Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng nhiệm kỳ này của Chính phủ ở vào một thời kỳ có vị trí và ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Đó là những năm chuẩn bị hành trang cho dân tộc ta bước vào thế kỷ XXI, xứng đáng với vị trí, tầm vóc và tiềm năng của đất nước, với truyền thống vẻ vang của dân tộc và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Đất nước ta đang đứng trước những thách thức gay gắt và những cơ hội mới. Trách nhiệm của Chính phủ trong nhiệm kỳ này hết sức nặng nề. Chúng tôi xin hứa với Quốc hội, hứa với toàn dân đem hết sức mình phấn đấu hoàn thành trọng trách mà Quốc hội và nhân dân đã tin cậy giao phó.
Như báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phan Văn Khải trình bày trước Quốc hội, những thành tựu và tiến bộ đạt được trong 9 tháng qua của năm 1992 đang tạo đà mới cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Cục diện kinh tế đang chuyển biến và triển vọng của nó cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển đang được bộc lộ ngày càng rõ và cho chúng ta những kinh nghiệm mới. Nhìn chung lại mấy năm qua, là thời gian mà đường lối và các chủ trương đổi mới mở rộng ra tất cả các lĩnh vực và đi dần vào chiều sâu, chúng ta thấy rõ công cuộc đổi mới và bước đi của nó về căn bản phù hợp các quy luật phát triển của xã hội, đáp ứng đúng nguyện vọng bức xúc của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.
Con đường phía trước chúng ta là tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên mọi lĩnh vực. Căn cứ vào Luật tổ chức của Chính phủ đã được Quốc hội thông qua, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 1991 - 1995 (đã được thông qua tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa VIII, tháng 12 năm 1991), thực hiện một bước quan trọng mục tiêu chiến lược đến năm 2000 là: ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển với nhịp độ mới vào đầu thế kỷ XXI.
Hoạt động của Chính phủ phải nhằm vào mấy nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Trước hết, phải tiếp tục kiềm chế và kiểm soát mức độ lạm phát, ổn định thị trường, giá cả, giá trị của đồng tiền Việt Nam, tạo tiền đề để tiếp tục ổn định và đưa đất nước sớm ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tập trung sức xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, tạo điều kiện và khuyến khích phát triển sản xuất, đạt tới một bước tăng trưởng đáng kể trong các ngành kinh tế, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, trước hết đối với những ngành và vùng trọng điểm.
Thứ ba, hình thành đồng bộ và vận hành thông suốt cơ chế quản lý mới; sắp xếp lại và cải tiến tổ chức quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, mở rộng từng bước thích hợp việc chuyển sang công ty cổ phần; đổi mới các hợp tác xã và phát triển các hình thức hợp tác mới; khuyến khích kinh tế hộ nông dân và kinh tế tư nhân; phát huy tính năng động của các doanh nghiệp đi đôi với bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.
Thứ tư, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, chủ yếu là: giải quyết việc làm, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ đang còn nhiều khó khăn; cải cách chính sách tiền lương gắn liền với sắp xếp lại tổ chức, nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước, đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội. Thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm tỷ lệ phát triển dân số phù hợp với mức phát triển của kinh tế. Thực hiện các chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn miền núi, các vùng căn cứ cách mạng, chăm lo đời sống các lực lượng vũ trang và thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội.
Thứ năm, thực hiện các biện pháp có hiệu quả để phát triển sự nghiệp văn hóa, văn học, nghệ thuật; phát triển sự nghiệp giáo dục ngang tầm với một quốc sách hàng đầu; mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí và xuất bản, các hoạt động thể dục thể thao.
Thứ sáu, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển, trước tiên với các nước láng giềng và các nước trong khu vực. Tiếp tục tăng nhanh hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng dịch vụ du lịch, thu hút vốn và công nghệ bên ngoài, tạo chỗ đứng ngày thêm vững chắc trên thị trường thế giới. Các hoạt động kinh tế đối ngoại phải được đẩy mạnh hơn, đón trước các khả năng mới.
Thứ bảy, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm giữ vững trật tự, an toàn trong đời sống, xóa bỏ các tệ nạn xã hội; tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của đất nước và cuộc sống yên lành của nhân dân.
Trong thời gian qua, những nhiệm vụ nói trên đã và đang được triển khai. Những thành tựu đạt được từ năm 1991 đến nay mở ra khả năng có thể hoàn thành sớm hơn một số mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1991 - 1995. Những khả năng mới đó đang thể hiện khá rõ trong sự phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực; trong mức tăng trưởng của một số ngành Công nghiệp với những xí nghiệp thích ứng dần với cơ chế mới. Khả năng mới cũng xuất hiện trong hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư từ bên ngoài; trong việc mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới và trong khu vực, v.v… Chúng ta nhất thiết phải nắm lấy những khả năng đó, đưa đất nước tiến lên.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trước những triển vọng mới của nền kinh tế, tuy còn những tồn tại và trước mắt còn không ít khó khăn, Chính phủ nhận rõ trách nhiệm to lớn và cũng rất nặng nề trong công việc điều hành đất nước. Chúng tôi cũng ý thức được rằng Chính phủ đang đứng trước những thách thức, mà nếu không vượt qua được sẽ trở thành nhân tố kìm hãm các bước tiến lên của đất nước.
1. Một trong những thách thức lớn nhất đối với Chính phủ trong nhiệm kỳ này là tệ tham nhũng trong bộ máy nhà nước, là nạn buôn lậu đi liền với tham nhũng. Buôn lậu thường gắn với tham nhũng và tiêu pha lãng phí, xuất phát từ lợi ích tư riêng, cục bộ, địa phương, bất kể lợi ích của cả nước. Vì vậy, một nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ là phải đẩy lùi các tệ nạn đó, làm trong sạch bộ máy nhà nước. Phải dứt khoát đấu tranh không khoan nhượng tệ tham nhũng, buôn lậu, tiêu pha lãng phí, để tạo môi trường lành mạnh thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hơn nữa, để khôi phục và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.
Thời gian qua, chúng ta đã tiến hành đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu, song kết quả đạt được còn thấp và bọn này đang thách thức hiệu lực quản lý của Nhà nước. Sắp tới, cuộc đấu tranh chống các thứ tệ nạn trong bộ máy nhà nước phải được tiến hành kiên quyết, triệt để hơn, trừng trị nghiêm khắc những kẻ vi phạm. Cuộc đấu tranh này đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng với sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng. Việc xét xử phải thật nghiêm khắc, kịp thời, đúng pháp luật. Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp cũng như người đứng đầu trong các doanh nghiệp phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc chống các tệ nạn trong ngành mình, địa phương mình, trước hết là trong cơ quan và đơn vị mình phụ trách.
Phải khắc phục ngay tệ hà lạm của công, tiêu xài phung phí; phải triệt để thực hành tiết kiệm, đưa tất cả các khoản chi tiêu của cơ quan, đơn vị vào chế độ, có sự kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm.
2. Phải đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường một cách căn bản chế độ trách nhiệm, đề cao mối quan hệ giữa quyền hạn và trách nhiệm, nhất là chế độ trách nhiệm cá nhân; quyền hạn càng lớn thì trách nhiệm càng cao, như đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã phát biểu trước Quốc hội.
Chính phủ và các cơ quan hành chính từ Trung ương đến cơ sở phải làm đúng chức trách của mình theo pháp luật; phải điều hành công việc theo pháp luật, đấu tranh không khoan nhượng với cách làm tùy tiện, không theo các quy định của pháp luật. Chính phủ mới phải là một Chính phủ có đầy đủ trách nhiệm và chịu trách nhiệm, là một Chính phủ chấp nhận đương đầu với những thách thức đang đặt ra. Từ Thủ tướng đến Chủ tịch xã, phường phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm cá nhân của mình. Mỗi Bộ trưởng phải có trách nhiệm tham gia quyết định các công việc chung của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong cương vị người đứng đầu một ngành hoặc lĩnh vực được phân công. Mỗi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đều phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước đã được phân cấp.
Bất kỳ thể chế đổi mới như thế nào cũng đều có trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân, nhưng không thể dựa dẫm vào tập thể để lẩn tránh trách nhiệm, giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân, làm lẫn lộn trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân, thậm chí dựa vào tập thể để trốn tránh trách nhiệm và mưu lợi cho cá nhân. Trong Chính phủ, trong cơ quan hành chính các cấp, phải làm rõ ranh giới giữa tập thể với cá nhân để làm việc có đủ trách nhiệm và xử lý việc vi phạm được rành mạch.
Thách thức đang đặt ra trước bộ máy nhà nước chúng ta với trách nhiệm rất nặng nề, nếu mỗi cá nhân trong chúng ta không dám đương đầu với thách thức đó, không làm hết trách nhiệm cá nhân của mình, đẩy lùi các tệ nạn đang làm nhức nhối mỗi người, đang làm xói mòn lòng tin đối với hiệu lực quản lý của cả hệ thống nhà nước, thì cá nhân đó, bất kỳ ở cương vị nào, nên tự nguyện từ chức, được thực hiện quyền từ chức hoặc chịu cách chức. Chúng ta nên coi đó là việc có thể xảy ra trong nhiệm kỳ của Chính phủ, không đợi đến kết thúc nhiệm kỳ; và cũng nên coi đó là trách nhiệm trước cử tri và trước nhân dân trong cả nước, là một việc bình thường trong tiến trình phát triển thể chế tập trung, dân chủ. Về phần mình, Chính phủ từ Thủ tướng, các Bộ trưởng đến các thành viên Ủy ban nhân dân các cấp sẽ thực hiện việc đó một cách rất nghiêm túc.
3. Để xây dựng một Chính phủ mạnh, chuyển dứt khoát sang quản lý xử lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật, phải tiến hành sâu rộng một cuộc cải cách hành chính, làm cho nền hành chính quốc gia hoạt động theo thể chế và pháp luật thống nhất, có hiệu lực, khắc phục mọi biểu hiện vô kỷ luật, phân tán, cục bộ.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ và phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ. Theo đó, chúng tôi sẽ sắp xếp lại các cơ quan trực thuộc Chính phủ và nhất là bộ máy của từng Bộ và cơ quan ngang Bộ, tiếp tục việc phân định chức trách của các Bộ trong nhiệm vụ quản lý nhà nước và kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp thuộc ngành mình phụ trách.
Ở các địa phương, cũng phải sắp xếp lại tổ chức hành chính, thực hiện tốt chức năng quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn lãnh thổ và công việc do các ngành cấp trên giao. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước của địa phương gọn nhẹ, có hiệu lực cao; không nhất thiết ở Trung ương có bộ máy gì thì ở dưới cũng phải có bộ máy đó.
Trong từng tổ chức của hệ thống hành chính ở Trung ương và các cấp địa phương, cho đến cấp xã, phường, nhất thiết phải quy định rõ chức trách của từng tổ chức, từng người, để mỗi công chức nhà nước hoạt động theo chức trách và chịu trách nhiệm về công việc của mình.
4. Trong trật tự kinh tế mới, Nhà nước có chức năng rất quan trọng là tạo môi trường kinh tế và bảo đảm trật tự, an toàn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, mở ra hành lang và cơ hội hợp pháp cho các nhà kinh doanh và cho các hoạt động xã hội. Phải rất chú trọng cả hai mặt: hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, bảo đảm tính ổn định và nhất quán của chính sách và nâng cao hiệu lực của pháp luật, bảo đảm thực thi pháp luật trong đời sống xã hội.
Về phía mình, Chính phủ phải tiếp tục tổ chức nghiên cứu, soạn thảo các dự án luật trình Quốc hội, đồng thời bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các văn bản pháp quy nhằm cụ thể hóa Hiến pháp và các luật do Quốc hội ban hành.
Để Chính phủ thực hiện được chức năng của mình, cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống luật pháp hành chính nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là giữa cơ quan Chính phủ với công dân.Với hệ thống Luật hành chính và quy chế công chức, cùng với việc thành lập Tòa án hành chính, chúng ta sẽ cải thiện hơn nữa quan hệ giữa công chức nhà nước với nhân dân, xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của công chức trong việc giải quyết các yêu cầu chính đáng của công dân. Điều rất quan trọng là trong đội ngũ công chức nhà nước, phải khắc phục ngay và trừng trị nghiêm mọi hành vi phiền hà, sách nhiễu, ức hiếp, xâm phạm lợi ích của người dân đang còn khá phổ biến.
Chính phủ phải từng bước xây dựng đội ngũ công chức có năng lực chuyên môn, nắm vững pháp lý, nhân cách trong sạch, được Chính phủ đào tạo và đãi ngộ thỏa đáng. Phải nhận rằng tình trạng thiếu một quy chế công vụ và công chức và chậm đào tạo một đội ngũ công chức đáp ứng được yêu cầu nêu trên là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới một bộ máy công vụ quan liêu, cồng kềnh, kém hiệu lực ngày nay. Đương nhiên, việc xây dựng hệ thống Luật hành chính, đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ công chức theo kịp yêu cầu của giai đoạn mới là một công việc lớn, cần làm trong nhiều năm, nhưng phải tích cực xúc tiến, không thể trì hoãn.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây, tôi đã thay mặt Chính phủ nhấn mạnh những định hướng chính trong chương trình hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Chương trình này sẽ được cụ thể hóa trong từng thời gian thành các chủ trương cụ thể và biện pháp chỉ đạo thực hiện.
Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, Chính phủ không phải là một nơi để có chức, có quyền, để mưu cầu lợi ích riêng, mà trước hết là để phục vụ nhân dân với đầy đủ trách nhiệm. Vinh dự luôn luôn gắn liền với trách nhiệm. Chúng tôi khẳng định trách nhiệm của Chính phủ trước những thách thức gay gắt đang đặt ra trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quyết tâm khắc phục những mặt yếu kém, hoàn thành nhiệm vụ rất nặng nề mà Quốc hội đã giao phó, xứng đáng với sự tín nhiệm của Quốc hội và của đồng bào cả nước.
Chính phủ kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài góp phần tích cực vào việc khai thác các khả năng trước cơ hội mới, phát huy truyền thống kiên cường của dân tộc, tiếp tục công cuộc đổi mới, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chính phủ chúng tôi luôn luôn giữ vững và tăng cường mối liên hệ mật thiết với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, tiếp thu mọi ý kiến xây dựng cho công việc của mình.
Chúng tôi xin bày tỏ lòng mong muốn được Quốc hội, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, các vị đại biểu Quốc hội, với cương vị của mình, góp phần vào việc xây dựng luật pháp, đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân và giám sát các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện luật pháp và các chương trình, kế hoạch kinh tế - xã hội.
Xin cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội