BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI
VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ IX
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong các ngày 31-10 và ngày 7-11-1992, Ủy ban pháp luật đã họp tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tham dự các phiên họp của Ủy ban pháp luật có đại diện của Ủy ban kinh tế và ngân sách, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tại các cuộc họp này, sau khi nghe đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư được Chính phủ ủy nhiệm trình bày Dự án Luật, đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan phát biểu ý kiến, các thành viên Ủy ban pháp luật đã thảo luận, góp nhiều ý kiến về Dự án Luật, nhất là về những vấn đề cụ thể mà Chính phủ đã đề nghị sửa đổi, bổ sung để cơ quan soạn thảo xem xét, chỉnh lý. Ngày 04-12-1992, Ủy ban pháp luật đã họp phiên toàn thể tại Hà Nội để thẩm tra đối với Dự án Luật này. Tham dự phiên họp có đại diện của các cơ quan hữu quan. Thay mặt Ủy ban pháp luật, chúng tôi xin phát biểu về một số vấn đề của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như sau:
I- VỀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Ủy ban pháp luật nhất trí với đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư hiện hành theo hướng tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư để tranh thủ được nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đối với việc đầu tư vào các ngành kinh tế quan trọng, vào cơ sở hạ tầng và vào địa bàn còn ít hoặc chưa có dự án đầu tư. Tất nhiên, ngoài các quy định hấp dẫn của pháp luật đầu tư, điều kiện thuận lợi cho đầu tư còn bao gồm nhiều yếu tố khác, nhưng việc sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư lần này theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài là việc làm cần thiết.
Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật cho rằng chỉ nên sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cấp bách và đã chín muồi, còn những vấn đề khác, cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư cần được xem xét trong mối quan hệ với các quy định pháp luật khác về kinh tế, nhằm một mặt khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mặt khác cũng cần chú trọng việc bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
II- VỀ NỘI DUNG CÁC ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
Ủy ban pháp luật nhận thấy, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của ủy ban tại các cuộc họp ngày 31 tháng 10 và ngày 07 tháng 11 năm 1992, cho nên về cơ bản, chúng tôi nhất trí với Dự án Luật trình Quốc hội. Ủy ban pháp luật xin trình Quốc hội ý kiến của mình về những đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau :
1. Về vấn đề doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư với nước ngoài:
Theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài hiện hành thì doanh nghiệp tư nhân được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp tư nhân, với tư cách là đơn vị kinh doanh do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, không được trực tiếp, độc lập hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Thành phần kinh tế tư nhân chỉ được hợp tác đầu tư với nước ngoài, nếu đã thành lập công ty hoặc liên doanh với tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân khác thành Bên Việt Nam.
Theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung thì doanh nghiệp tư nhân có quyền độc lập, trực tiếp hợp tác đầu tư với nước ngoài tại Việt Nam.
Đa số thành viên của Ủy ban pháp luật tán thành quy định này. Vì nó phù hợp với Điều 22 của Hiến pháp 1992 và đường lối phát triển kinh tế của Đảng. Tuy nhiên, cùng với việc bổ sung quy định này vào Luật đầu tư, đề nghị Chính phủ cần ban hành những quy định cụ thể về các điều kiện cho phép doanh nghiệp tư nhân được trực tiếp, độc lập hợp tác đầu tư với nước ngoài: về lĩnh vực kinh tế, quy mô được hợp tác đầu tư, điều kiện về vốn, kỹ thuật,… Trong mọi trường hợp, việc cho phép doanh nghiệp tư nhân hợp tác đầu tư với nước ngoài phải do Chính phủ xem xét và quyết định.
2. Về vấn đề Bên Việt Nam góp vốn bằng các nguồn tài nguyên, quyền sử dụng đất, mặt nước biển:
a) Quy định của Luật đầu tư hiện hành cho phép Bên Việt Nam góp vốn bằng tài nguyên là quy định xuất phát từ thực trạng lúc ban hành Luật đầu tư từ năm 1988 là Bên Việt Nam chỉ gồm các đơn vị kinh tế quốc doanh và khả năng góp vốn của các đơn vị đó còn hạn chế. Hiện nay, khi luật đã cho phép Bên Việt Nam tham gia liên doanh với nước ngoài có thể là tư nhân, đồng thời là doanh nghiệp nhà nước là đơn vị kinh doanh hoạch toán tự chủ, độc lập thì quy định này cho phép Bên Việt Nam góp vốn bằng tài nguyên không còn phù hợp nữa. Nếu cho góp vốn bằng tài nguyên thì rất khó xác định trữ lượng, giá trị tài nguyên là bao nhiêu để định số vốn góp. Tài nguyên là tài sản thuộc sở hữu toàn dân cần được khai thác, sử dụng một cách hợp lý, có hiệu quả do cơ quan nhà nước kiểm soát. Các tổ chức, cá nhân liên doanh hoặc độc lập khai thác tài nguyên phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên cho phép với sự quy định rõ ràng về thuế tài nguyên, về phần thu của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu tài nguyên.
Trên thực tế, từ khi ban hành Luật đến nay cũng chưa có trường hợp Bên Việt Nam liên doanh với nước ngoài được dùng tài nguyên để góp vốn.
Vì vậy, Ủy ban pháp luật nhất trí với đề nghị bổ sung quy định cho phép Bên Việt Nam góp vốn bằng tài nguyên tại điểm 2 đoạn 2 Điều 7 của Luật đầu tư hiện hành.
b) Ủy ban pháp luật tán thành việc giữ quy định cho phép góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển mà Luật hiện hành đã quy định. Tuy nhiên, cần sửa đổi quy định này cho chính xác hơn là cho phép góp vốn bằng "giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển theo quy định của Chính phủ". Như vậy, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc ai được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển; việc thu lại khoản tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước mà Bên Việt Nam đã dùng để góp vốn vào xí nghiệp liên doanh.
3. Về vấn đề tăng dần tỷ trọng góp vốn của Bên Việt Nam:
Về cơ bản, Ủy ban pháp luật nhất trí với quy định của Dự án Luật về việc tăng dần tỷ trọng góp vốn của Bên Việt Nam trong vốn pháp định của xí nghiệp liên doanh và doanh nghiệp Việt Nam được mua lại một phần vốn của xí nghiệp 100% vốn nước ngoài. Đối với các cơ sở kinh tế quan trọng do Chính phủ quyết định, khi xem xét để cấp giấy phép đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác và đầu tư cần hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện quy định đó. Nếu không thoả thuận được thì không thể cấp giấy phép đầu tư. Còn đối với các dự án đã được cấp giấy phép đầu tư mà không có điều khoản quy định về việc tăng dần tỷ trọng góp vốn hoặc mua lại phần vốn của xí nghiệp 100% vốn nước ngoài thì các bên có thể thỏa thuận trong quá trình thực hiện hợp đồng.
4. Về thời hạn đầu tư:
Ủy ban pháp luật nhất trí với đề nghị kéo dài thời hạn đầu tư so với thời hạn 20 năm mà Luật hiện hành đã quy định, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm bỏ vốn đầu tư vào những dự án có quy mô lớn với công nghệ hiện đại và những công trình có độ bền cao, những dự án thuộc lĩnh vực trồng, khai thác cây lâu năm.
Dự án Luật quy định: "Thời hạn hoạt động của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được xác định căn cứ vào từng dự án, nhưng không quá 50 năm. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể kéo dài do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, nhưng tối đa không quá 70 năm".
Ủy ban pháp luật cho rằng, quy định về thời hạn như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, có vấn đề mà Ủy ban pháp luật đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định là có nên quy định thời hạn đầu tư dài hơn 50 năm phải do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hay không. Nhiều thành viên Ủy ban pháp luật đề nghị: nên giao cho Chính phủ quyết định về vấn đề này để bảo đảm việc xử lý kịp thời đối với từng dự án đầu tư và phù hợp với chức năng điều hành, quản lý của Chính phủ; còn Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ thực hiện giám sát đối với hoạt động này của Chính phủ.
5. Về vấn đề mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài:
Pháp luật hiện hành không cho xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài. Trong Dự án sửa đổi, bổ sung này Chính phủ đề nghị cho phép xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp đặc biệt được mở tài khoản vốn vay tại ngân hàng ở nước ngoài và phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép.
Về vấn đề này, đa số thành viên Ủy ban pháp luật cho rằng, trong tình hình hiện nay, khi ngân hàng nước ngoài đã đặt chi nhánh tại Việt Nam và nhất là việc quản lý hoạt động tiền tệ, tín dụng của ta còn nhiều khó khăn thì không nên cho xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài. Tuy vậy, theo báo cáo của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư thì vừa qua, cá biệt có trường hợp, chúng ta đã cho phép xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở tài khoản vốn vay của nước ngoài tại ngân hàng ở nước ngoài và thấy rằng việc này là cần thiết để khuyến khích các nhà đầu tư vay vốn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đồng ý với việc bổ sung quy định đó. Như vậy, nếu xét thấy thật cần thiết thì chỉ nên quy định cho phép mở tài khoản vốn vay của nước ngoài tại ngân hàng ở nước ngoài; đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có quy định cụ thể điều kiện cho phép và có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động tiền tệ, tín dụng này.
6. Về khu chế xuất:
Ủy ban pháp luật nhất trí với đề nghị bổ sung vào Luật đầu tư hiện hành quy định về khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu và thực hiện dịch vụ xuất khẩu mà không phải là khu hành chính - kinh tế đặc biệt như Hiến pháp năm 1992 quy định. Các xí nghiệp chế xuất được hưởng ưu đãi về tài chính cao hơn so với các doanh nghiệp ở ngoài khu chế xuất. Ủy ban pháp luật cho rằng, mức thuế ưu đãi đối với xí nghiệp chế xuất cần được quy định cụ thể trong Luật và cũng cần được cân nhắc, tính toán để không xảy ra sự chênh lệch quá đáng trong chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong nước và xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa các xí nghiệp trong khu chế xuất và xí nghiệp ngoài khu chế xuất.
Ủy ban pháp luật tán thành việc miễn thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu từ khu chế xuất ra nước ngoài và từ nước ngoài nhập vào khu chế xuất, còn quan hệ mua, bán hàng hóa giữa xí nghiệp chế xuất và các xí nghiệp ngoài khu chế xuất là quan hệ xuất nhập khẩu, phải tuân thủ các quy định về xuất nhập khẩu, đặc biệt là quy định pháp luật về thuế xuất nhập khẩu. Cũng cần có quy định về quan hệ xuất nhập khẩu giữa khu chế xuất và thị trường Việt Nam theo hướng chỉ cho xuất khẩu từ khu chế xuất vào thị thường Việt Nam những loại hàng thật cần thiết, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, đồng thời, bảo đảm thực hiện mục đích thành lập khu chế xuất là để sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài.
7. Về hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao:
Ủy ban pháp luật nhất trí với đề nghị bổ sung các biện pháp cần thiết để khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các cơ sở hạ tầng theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, trong tình hình chúng ta đang thiếu vốn để xây dựng các công trình thuộc hạ tầng cơ sở. Trong quá trình xây dựng Dự án Luật, về mặt kỹ thuật lập pháp, một số ý kiến cho rằng, nên coi phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao là một hình thức đầu tư mới, ngoài ba hình thức đã quy định tại Điều 4 của Luật đầu tư hiện hành.
Về vấn đề này, Ủy ban pháp luật cho rằng, tuy có một số điểm đặc thù khác biệt, nhưng đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao thực chất là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Trừ các quy định về thuế, các ưu đãi về tài chính khác, về việc chuyển giao công trình cho Nhà nước Việt Nam, các quy định của pháp luật đầu tư đối với xí nghiệp 100% vốn nước ngoài đều có thể được áp dụng đối với nhà đầu tư kinh doanh theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Vì vậy, để tránh việc sửa đổi, bổ sung nhiều điều luật, Ủy ban pháp luật đề nghị không nên bổ sung vấn đề này vào Điều 4 Luật hiện hành thành một hình thức đầu tư mới mà chỉ nên bổ sung một số quy định chung về hình thức đầu tư này, còn các vấn đề cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.
8. Về vấn đề bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật Việt Nam:
Trong quá trình thực hiện Luật đầu tư nói riêng và pháp luật nói chung, Nhà nước ta có thể có sự thay đổi về pháp luật, nếu những sự thay đổi đó gây thiệt hại cho lợi ích của các nhà đầu tư đã được cấp giấy phép trước đó thì giải quyết với họ ra sao? Đây là một vấn đề quan trọng mà Luật đầu tư hiện hành chưa quy định. Vì vậy, ngoài các biện pháp bảo đảm đầu tư đã có, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung lần này đề nghị bổ sung thêm quy định: trong trường hợp có sự thay đổi của pháp luật Việt Nam mà sự thay đổi đó làm thiệt hại cho lợi ích của nhà đầu tư đã được cấp giấy phép thì Nhà nước Việt Nam có biện pháp giải quyết thỏa đáng đối với quyền lợi của nhà đầu tư.
Ủy ban pháp luật tán thành quy định như vậy, mà không ghi thành nguyên tắc không áp dụng các quy định mới của pháp luật đối với các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép trước khi có sự thay đổi của pháp luật, nhằm một mặt bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, mặt khác bảo đảm lợi ích của Nhà nước Việt Nam.
9. Về vấn đề cho xí nghiệp 100% vốn nước ngoài được hưởng các khuyến khích về thuế quy định tại Điều 27 và Điều 28 của Luật đầu tư hiện hành:
Đa số các thành viên của Ủy ban pháp luật cho rằng, đây là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ. Nếu ưu đãi về thuế cho xí nghiệp 100% vốn nước ngoài như xí nghiệp liên doanh thì sự phân biệt các hình thức đầu tư của Luật hiện hành sẽ không còn mấy ý nghĩa; nguyên tắc xuyên suốt của Luật là đầu tư theo hình thức xí nghiệp liên doanh được khuyến khích hơn các hình thức khác sẽ không còn được thể hiện bằng chính sách về tài chính cụ thể trong Luật nữa.
Tiếp thu ý kiến này của Ủy ban pháp luật, Ban dự thảo đã chỉnh lý Dự án Luật, bổ sung một đoạn vào cuối Điều 27, theo đó, Chính phủ chỉ cho phép xí nghiệp 100% vốn nước ngoài được hưởng các ưu đãi về thuế như xí nghiệp liên doanh trong trường hợp đặc biệt cần khuyến khích đầu tư.
Ủy ban pháp luật tán thành với quy định đó và đề nghị cần có quy định cụ thể của Chính phủ về vấn đề này.
10. Về vấn đề khuyến khích chuyển giao tài sản đầu tư khi hết hạn hợp đồng:
Về vấn đề này một số thành viên Ủy ban pháp luật còn băn khoăn ở hai điểm: thứ nhất là, cần phải có quy định rõ ràng để phân biệt việc khuyến khích chuyển giao không bồi hoàn này với hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao mà Dự án Luật đã quy định, vì xét cho cùng, theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao nhà đầu tư cũng cam kết chuyển giao không bồi hoàn công trình đầu tư cho Việt Nam.
Thứ hai là, nếu bằng cách miễn, giảm thuế để được chuyển giao công trình thì thực chất là phía Việt Nam đã bồi hoàn tài sản đầu tư bằng cách trả dần, thông qua việc miễn, giảm thuế trong khi khó xác định được giá trị tài sản đầu tư tại thời điểm chuyển giao khi hết hạn đầu tư là bao nhiêu, công nghệ có tiên tiến, phù hợp với trình độ kỹ thuật lúc đó nữa không?
Vì vậy, vấn đề này cần được cân nhắc thận trọng và toàn diện nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia. Trong tình hình cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, chúng ta cần bảo đảm mọi nguồn thu trước mắt cho ngân sách. Nếu xác định được giá trị tài sản sẽ được chuyển giao thì nên khuyến khích nhà đầu tư nhanh chóng chuyển giao bằng nhiều biện pháp, không chỉ bằng cách miễn, giảm thuế. Đồng thời, việc khuyến khích chỉ nên đặt ra, nếu tài sản đầu tư chuyển giao trong thời hạn hoạt động của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không nên đặt ra đối với việc chuyển giao sau khi hết hạn hợp đồng.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là một số ý kiến của Ủy ban pháp luật của Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Xin trình Quốc hội xem xét và quyết định.
ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI
Chủ nhiệm
HÀ MẠNH TRÍ
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội