TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VÀ
BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ IX
Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, kể từ khi ban hành và sau một số lần sửa đổi, bổ sung đã phát huy được tác dụng tích cực trong công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
Nhưng trước tình hình chuyển đổi từ một nền kinh tế hiện vật, chủ yếu có hai thành phần kinh tế với cơ chế quản lý hành chính, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; cũng như trước diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật và phạm tội, nhất là tệ tham nhũng và buôn lậu hiện nay, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, toàn diện cả hai Bộ luật. Đây là một công việc phức tạp và phải có thời gian chuẩn bị. Hiện nay, để kịp thời phục vụ cuộc đấu tranh bài trừ tham nhũng, buôn lậu, góp phần tăng cường kỷ cương và pháp luật, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cần phải sửa đổi, bổ sung ngay một số quy định của hai Bộ luật trực tiếp quan hệ đến nhiệm vụ đấu tranh này.
Qua nghiên cứu thực tiễn áp dụng hai Bộ luật, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu, sau khi cùng các cơ quan trong khối nội chính thảo luận, bàn bạc, có sự tham gia tích cực của Thường trực và cả tập thể Ủy ban pháp luật của Quốc hội và được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong tinh thần khẩn trương, để kịp thời tạo cơ sở pháp lý cần thiết, tích cực phục vụ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu đang là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn xã hội ta hiện nay, Chính phủ xin trình Quốc hội Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Bộ luật nói trên.
A- VỀ BỘ LUẬT HÌNH SỰ
I- VỀ PHẦN CHUNG CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
1. Về hình phạt tiền (Điều 23):
Luật hiện hành quy định phạt tiền được áp dụng đối với người phạm các tội có tính chất vụ lợi, các tội có dùng tiền làm phương tiện hoạt động hoặc trong những trường hợp khác do Luật quy định. Trong tình hình hiện nay, phải tăng cường đấu tranh với bọn tham nhũng bằng các biện pháp có tính tổng hợp trong đó có cả biện pháp kinh tế. Do đó, đề nghị bổ sung vào đoạn 1 Điều 23 về phạt tiền quy định được áp dụng hình phạt này đối với người phạm các tội thuộc tham nhũng.
2. Về tịch thu vật, tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm (Điều 33):
Khoản 1 Điều 33 hiện hành quy định "Tòa án có thể tịch thu sung quỹ nhà nước" những vật, tiền bạc của người phạm tội đã được dùng vào việc thực hiện tội phạm…
Do cách quy định "có thể" như vậy nên trong thực tế đã xảy ra những trường hợp tùy tiện và thiếu thống nhất trong việc xử lý những vật, tiền bạc của người phạm tội đã được dùng vào việc phạm tội cũng như đối với tài sản, tiền bạc do phạm tội mà có… Quy định này cũng không nhất quán với quy định của Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự về xử lý vật chứng như vật, tiền bạc liên quan trực tiếp đến tội phạm, theo quy định của Điều này thì đều phải bị tịch thu. Do đó, đề nghị bỏ hai từ "có thể" tại khoản 1 Điều 33: "Tòa án có thể quyết định tịch thu, sung quỹ nhà nước" thành "Tòa án quyết định tịch thu…", nhưng quy định tại điểm b khoản 1 thì giữ nguyên: "Tòa án có thể quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước những vật, tiền bạc thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm và chuyển thành khoản 2 mới của Điều 33.
3. Về án treo (Điều 44):
Hiện nay, còn có nhiều ý kiến khác nhau về án treo. Một loại ý kiến đề nghị bỏ án treo, vì cho rằng đã có hình phạt cải tạo không giam giữ, thực tiễn áp dụng án treo thường lại tràn lan, có nhiều biểu hiện tiêu cực, tác dụng giáo dục của án treo thấp.
Nhưng chúng tôi cho rằng, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện; tồn tại từ lâu trong Luật hình sự nước ta cũng như ở nhiều nước khác. Mặt khác, đối với những người lần đầu phạm tội, nhân thân tương đối tốt, đã ăn năn hối cải lại có hoàn cảnh gia đình cần được chiếu cố thì không nhất thiết phải cách ly họ khỏi xã hội. Do vậy, đề nghị vẫn giữ án treo, nhưng cần phải sửa các điều kiện để cho hưởng án treo cũng như chế độ chấp hành; cụ thể là hạ mức phạt tù cao nhất để cho hưởng án treo từ năm năm (như hiện nay) xuống ba năm. Đồng thời, đề nghị giao Chính phủ phải ban hành quy chế chặt chẽ về việc theo dõi, giáo dục người được hưởng án treo.
II- VỀ PHẦN CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ
1. Về "Tội buôn lậu" (Điều 97):
Để đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh, cũng như đề cao vai trò răn đe của pháp luật đối với những kẻ buôn lậu cần quy định hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm này. Luật hiện hành quy định hình phạt đối với tội này có thể phạt tiền hoặc phạt tù. Cách quy định đó của Luật dành cho Tòa án quyền lựa chọn một trong hai hình phạt: tiền hoặc tù, và trong thực tế kẻ buôn lậu, có tiền, thường mong được và tìm cách được phạt tiền, không những để không phải ngồi tù mà còn được tự do để tiếp tục hoạt động phạm tội. Nay nhất thiết phải có hình phạt tù, còn phạt tiền là hình phạt bổ sung. Hình phạt cao nhất hiện nay mới là tù chung thân cũng chưa thỏa đáng, nay đề nghị bổ sung thêm hình phạt tử hình đối với tội này. Ngoài ra, người phạm tội còn bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2. Về hình phạt bổ sung (Điều 100):
Đề nghị bỏ hai từ "có thể" trong quy định "có thể bị phạt tiền" (ở khoản 3) thành chế tài bắt buộc, thể hiện sự nghiêm minh và kiên quyết trong đường lối xử lý đối với bọn buôn lậu (ở Điều 97) và một số loại tội phạm khác đã được Luật quy định. Do vậy, đề nghị sửa đoạn cuối khoản 3 Điều 100 như sau:
"Người nào phạm một trong các tội quy định ở các điều 88, 95, 96, 98 và 99 thì bị phạt tiền từ ba trăm ngàn đồng (300.000 đồng) đến ba triệu đồng (3.000.000 đồng); ở Điều 96 a và ở Điều 97 thì bị phạt tiền đến mười (10) lần trị giá hàng phạm pháp".
3. Về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" (Điều 134) và "tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" (Điều 135):
Đề nghị bổ sung tình tiết tăng nặng: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội" và các cấu thành tăng nặng của hai loại tội này để nghiêm trị những kẻ tham nhũng chiếm đoạt của công - có thể bị phạt tù đến mười hai năm; còn trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì theo Luật hiện hành vẫn bị xử phạt đến tử hình đối với tội lừa đảo, và tù chung thân đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.
4. Về "Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa" (Điều 139):
Mức hình phạt quy định tại Điều 139 hiện hành là nhẹ: khung 1: bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm; khung 2: bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. Do vậy, đề nghị nâng hình phạt đối với loại tội này như sau: khung 1: bị phạt tù từ một năm đến bảy năm; khung 2: phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
5. Về "Hình phạt bổ sung" (Điều 143 và 163):
Đối với người có chức vụ, quyền hạn mà phạm các tội như tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân thì ngoài hình phạt tù phải bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm. Do vậy, đề nghị bổ sung hình phạt này đối với người phạm các tội quy định tại các điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm d khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 137 vào Điều 142 và bỏ hai từ "có thể" trong quy định "… có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ" của các điều 142 và 163.
6. Về “Tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả” (Điều 167):
Đây là tội phạm về kinh tế đang xảy ra khá phổ biến và có tính chất nghiêm trọng. Mức hình phạt quy định trong Luật hiện hành còn nhẹ, nhất là tại khung 1 và khung 2. Ngoài ra trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội làm hàng giả, buôn bán hàng giả còn thiếu quy định về những loại hàng giả phổ biến, gây tác hại rất nghiêm trọng như vật liệu xây dựng giả (xi măng), phân bón, thuốc trừ sâu giả,… Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 167 như sau:
Điều 167. Tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả
1. Người nào làm hàng giả hoặc buôn bán hàng giả thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm :
a) Hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc trừ sâu;
b) Có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội;
d) Hàng giả có số lượng lớn; thu lợi bất chính lớn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
7. Về “Tội trốn thuế” (Điều 169):
Hình phạt quy định trong Luật hiện hành đối với tội này còn nhẹ: khung 1: “…bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm”; khung 2: “thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Đây lại là loại tội phạm khá phổ biến trong điều kiện kinh tế thị trường. Do vậy, để tăng cường tác dụng phòng ngừa và xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm này, đề nghị sửa đổi Điều 169 như sau:
“Điều 169. Tội trốn thuế
1. Người nào trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội trốn thuế với số lượng rất lớn hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án về tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định ở các điều 96a, 97, 165, 166, 167, 168, 173 và 183 hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến 12 năm”.
8. Về “Tội cố ý làm trái” (Điều 174):
Luật hiện hành quy định đối với tội cố ý làm trái phải có yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Thực tế cho thấy đây là một sơ hở của pháp luật, vì mục đích, động cơ cố ý làm trái rất khác nhau, không chỉ vì vụ lợi hay động cơ cá nhân mà có khi còn vì lợi ích cục bộ của một cơ quan, một ngành, một địa phương, v.v. gây thiệt hại lớn cho lợi ích chung và làm xói mòn kỷ cương, phép nước. Vì vậy, dù với mục đích, động cơ nào mà người có chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái những quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng phải bị nghiêm trị. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng phải có ba dấu hiệu sau đây: người phạm tội phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phải cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế; và phải gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, đề nghị bỏ dấu hiệu “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác” trong cấu thành tội phạm này và phải coi đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cùng những tình tiết tăng nặng khác như: phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt… quy định ở khoản 2 mới của Điều 174. Đồng thời, để việc quy tội được chặt chẽ, chúng tôi đề nghị thay “cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế do Nhà nước quy định” bằng cụm từ “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế…”. Ngoài ra, về hình phạt đề nghị không áp dụng cải tạo không giam giữ đối với loại tội này và nâng mức phạt tù tối đa từ mười hai năm lên hai mươi năm.
9. Về “Hình phạt bổ sung” (Điều 185):
Khoản 3 Điều luật này không quy định tịch thu tài sản đối với tội cố ý làm trái. Đối với người bị kết án về tội cố ý làm trái theo Điều 174 trong tình hình hiện nay cần áp dụng cả biện pháp mới thỏa đáng. Đề nghị sửa khoản 3 Điều 185 như sau:
“3. Người nào phạm một trong các tội quy định ở các điều từ 164 đến 168, từ 172 đến 174, thì có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
10. Về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 220):
Để đề cao trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan quản lý hành chính, Nhà nước cần có thái độ nghiêm khắc đối với những người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Luật hiện hành quy định hình phạt đối với loại tội này còn nhẹ. Do đó, đề nghị sửa điều này theo hướng tăng hình phạt, cụ thể là không áp dụng cải tạo không giam giữ và nâng phạt tù tối đa từ mười năm lên mười hai năm.
11. Về “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ” (Điều 221):
Hình phạt quy định ở khoản 1 và khoản 2 Điều này còn chưa nghiêm khắc: khung 1 “… thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”; khung 2: “… thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm”.
Mức phạt cảnh cáo (tối thiểu) và mức phạt tù mười hai năm (tối đa) rõ ràng không tương xứng. Hơn nữa, ở Điều 22 còn thiếu những quy định về những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của những người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ như: phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 221 như sau:
“Điều 221. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá quyền hạn làm trái với công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc lợi ích hợp pháp của công dân, nếu không thuộc trường hợp quy định ở các điều 156, 238 và 239, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”.
12. Về “Tội giả mạo trong công tác” (Điều 224):
Điều này còn thiếu quy định đối với trường hợp giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn; thiếu tình tiết tăng nặng nhiều lần giả mạo trong công tác hoặc phạm tội có tổ chức; hình phạt cũng chưa nghiêm khắc. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 224. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào trong khi thực hiện nhiệm vụ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, làm và cấp giấy tờ giả hoặc giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng;
c) Phạm tội nhiều lần hoặc có tổ chức.
3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”.
13. Về “Tội nhận hối lộ” (Điều 226) và “Tội đưa hối lộ” (Điều 227):
Đây là tội phạm có tính chất phổ biến và nghiêm trọng hiện nay. Nhưng công tác điều tra, truy tố và xét xử gặp nhiều khó khăn. Số vụ nhận hối lộ được phát hiện và xử lý còn rất ít, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng. Hiện nay, cùng với đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh cả những người có hành vi nhận quà biếu có giá trị lớn cũng như những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình mà sử dụng công quỹ để biếu xén, quà cáp, cần sửa đổi Điều 226 theo hướng quy định tất cả những trường hợp người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, bất luận việc đó có thuộc trách nhiệm của người nhận hối lộ hay không, và do đó, trường hợp lạm quyền của người nhận hối lộ quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 226 cần chuyển xuống khoản 2 Điều này để xử lý theo khung hình phạt nghiêm khắc hơn.
Đồng thời với sửa đổi Điều 226 như trên, đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 227 một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với trường hợp sử dụng công quỹ để đưa hối lộ (điểm “e” mới) - phạt tù từ ba năm đến mười lăm năm.
14. Về hai điều luật mới: “Điều 226a. Tội nhận quà biếu có giá trị lớn” và “Điều 227a. Tội đưa quà biếu có giá trị lớn”:
Đồng thời với việc sửa Điều 226 (Tội nhận hối lộ) và Điều 227 (Tội đưa hối lộ), để nghiêm trị cả những trường hợp người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng vị trí công tác hoặc chức quyền của mình mà nhận quà biếu có giá trị lớn. Dự thảo Luật có đề nghị bổ sung một điều luật mới về tội nhận quà biếu có giá trị lớn. Đây là việc làm cần thiết để giữ nghiêm phép nước, kỷ cương, xây dựng một đội ngũ viên chức nhà nước thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy trong khi họ đảm nhận chức trách được phân công. Đây chính là phương thức phòng ngừa từ đầu sự cám dỗ dẫn đến sự thoái hóa, biến chất, giữ vững bản chất thanh liêm của người nhân viên Nhà nước trong xã hội ta. Đã trừng trị người nhận quà biếu thì cũng phải trừng trị người đưa quà biếu, nhưng trước mắt, đối tượng này thấy chỉ nên giới hạn trong số những người do vị trí công tác hoặc chức vụ, quyền hạn mà sử dụng công quỹ để biếu xén, quà cáp có giá trị lớn. Cụ thể, đề nghị bổ sung hai điều mới: Điều 226a. Tội nhận quà biếu có giá trị lớn và Điều 227a. Tội đưa quà biếu có giá trị lớn.
15. Về “Tội che giấu tội phạm” (Điều 246) và “Tội không tố giác tội phạm” (Điều 247):
Trong hai điều luật này còn thiếu những quy định về trách nhiệm hình sự đối với các hành vi che giấu hoặc không tố giác các tội phạm thuộc tham nhũng, gây khó khăn cho việc đấu tranh phát hiện và xử lý các tội phạm tham nhũng. Do đó, để răn đe và có cơ sở pháp lý xử lý về mặt hình sự những người có hành vi phạm tội che giấu hoặc không tố giác các tội tham nhũng, đề nghị bổ sung vào hai điều luật 246 và 247 cả các tội quy định ở các điều: 174, khoản 2 và 3 (tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng); 221, khoản 2 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ); 226, khoản 2 và 3(tội nhận hối lộ); 226a, khoản 2 (tội nhận quà biếu có giá trị lớn); 227, khoản 2 và 3 (tội đưa hối lộ); 227a, khoản 2 (tội đưa quà biếu có giá trị lớn).
Đồng thời, đề nghị nâng hình phạt đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn che giấu tội phạm từ mức “tù một năm đến bảy năm” lên “tù từ ba năm đến mười năm” quy định tại khoản 2 Điều 246.
B- VỀ BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1. Vấn đề dẫn giải người làm chứng đến cơ quan pháp luật để họ khai báo (Điều 43):
Hiện nay, có tình trạng pháp luật bị coi thường, nhiều trường hợp người có giấy triệu tập đến cơ quan tiến hành tố tụng để làm chứng nhưng cố tình không đến gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Do đó, đối với những trường hợp cố tình không đến mà không có lý do chính đáng thì cần dẫn giải người làm chứng, nhất là những vụ án về tham nhũng, buôn lậu.
Tuy nhiên, Nhà nước ta cũng cần có các biện pháp cần thiết bảo vệ tốt người làm chứng để họ yên tâm làm nghĩa vụ công dân. Vả lại, cũng không đặt vấn đề phải dẫn giải người làm chứng trong mọi trường hợp mà chỉ quy định có thể bị dẫn giải để cho các cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, khi thật cần thiết thì mới có việc dẫn giải.
2. Vấn đề bắt người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 63):
Luật hiện hành quy định chỉ có “Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan Điều tra cấp tỉnh trở lên; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan Điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân; người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn, người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy máy bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng” mới có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp. Còn những cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định ở Điều 93 (như Hải quan, Kiểm lâm và các cơ quan khác của lực lượng Cảnh sát nhân dân và lực lượng An ninh nhân dân), thì không được quyền ra lệnh bắt khẩn cấp mà chỉ được tạm giữ kẻ phạm tội và về xin lệnh bắt khẩn cấp của các cơ quan Điều tra chuyên trách nói trên. Với yêu cầu đấu tranh chống tội phạm hiện nay, nhất là đối với tội buôn lậu, thì quy định trên đây phần nào đã cản trở các lực lượng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu và các loại tội phạm khác. Để tăng cường đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, trước mắt thấy cần quy định cho Thủ trưởng và Phó thủ trưởng các cơ quan khác của lực lượng An ninh nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (như các phòng, Cục trinh sát an ninh nhân dân; các phòng, Cục Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát hình sự…) được ra lệnh bắt khẩn cấp. Vì vậy, Dự thảo đề nghị bổ sung điểm a khoản 2 Điều 63 như sau: “a) Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp huyện; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan Điều tra cấp tỉnh trở lên; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan Điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng các cơ quan khác của lực lượng An ninh nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.
Cũng có ý kiến phân vân về việc này, vì làm như vậy có thể xảy ra trường hợp bắt người tùy tiện. Để tránh tình trạng này Dự thảo chỉ quy định việc bắt người khẩn cấp cho Thủ trưởng và Phó thủ trưởng những cơ quan nói trên và việc bắt khẩn cấp này phải tuân theo thủ tục chặt chẽ đã được pháp luật quy định về nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người phải báo cáo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản để xét phê chuẩn (các khoản 3 và 4 Điều 63 của Bộ luật tố tụng hình sự).
3. Về vấn đề tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm (Điều 105):
Luật hiện hành mới chỉ quy định cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can, và cơ quan quản lý bị can phải trả lời cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát biết về việc mình có tạm đình chỉ chức vụ của bị can hay không. Trên thực tế, các cơ quan này rất ít khi trả lời cho cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát về việc tạm đình chỉ chức vụ của bị can, thậm chí có cơ quan còn dung túng cho bị can, vấn đề bị can tiếp tục giữ chức vụ, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, khám phá tội phạm cũng như đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Tình hình này rõ ràng có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đấu tranh chống tội phạm, nhất là các tội tham nhũng và buôn lậu hiện nay. Vì vậy, để không gây khó khăn cho công tác điều tra, đồng thời đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, Dự thảo đề nghị: trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan này phải ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ của bị can và thông báo cho cơ quan đã yêu cầu biết.
4. Về kê biên tài sản (Điều 121):
Luật hiện hành quy định lệnh kê biên tài sản của các cơ quan Điều tra quy định tại điểm d khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Quy định này không đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu hiện nay. Thực tế cho thấy kẻ tham nhũng, buôn lậu khi bị sa lưới pháp luật thường tìm mọi cách đối phó với các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có thủ đoạn tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc kê biên, thu giữ tài sản. Vì vậy, có không ít trường hợp khi cơ quan Điều tra xin được phê chuẩn của Viện kiểm sát thì bị can đã kịp tẩu tán hết tài sản có giá trị, và vì vậy, dù Tòa án có xử phạt tù bị cáo và bắt bồi thường thiệt hại đã gây ra hoặc có tuyên tịch thu tài sản, thì thực tế cũng không thu lại được mấy số tiền bạc và tài sản mà kẻ phạm tội đã chiếm đoạt hoặc do buôn lậu mà có. Do đó, việc kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án được tiến hành khẩn trương ngay từ khi điều tra và muốn vậy, phải giao quyền cho cơ quan Điều tra được ra lệnh và thi hành ngay lệnh kê biên tài sản. Tuy nhiên, trước khi thi hành lệnh phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát biết. Trên tinh thần đó, Dự thảo đề nghị sửa một đoạn trong đoạn 2 khoản 1 Điều 121 như sau: “Lệnh kê biên của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 62 Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành”.
5. Về việc bắt giam bị cáo sau khi tuyên án (Điều 202):
Luật hiện hành quy định nếu bị cáo không bị tạm giam trước ngày bị xét xử, nhưng khi Tòa án xét xử thì bị tuyên án phạt tù, thì họ chỉ bị bắt giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật; Tòa án cũng có thể quyết định bắt giam ngay bị cáo, nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục gây án. Như vậy, theo Luật hiện hành thì nếu bị cáo là người được tại ngoại, sau khi bị Tòa án xử phạt tù vẫn chưa bị bắt giam để chấp hành hình phạt nếu có kháng cáo hoặc kháng nghị, thậm chí dù họ không có kháng cáo, kháng nghị thì họ vẫn được về nhà cho đến hết hạn kháng cáo, kháng nghị chờ đến ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Chỉ trong trường hợp Tòa thấy có căn cứ bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục gây án thì mới ra lệnh bắt giam ngay. Quy định trên đây là một sơ hở dẫn đến trên thực tế không ít trường hợp bị cáo đã bỏ trốn; cơ quan Công an mất nhiều công sức truy tìm song cũng không bắt lại được. Để khắc phục sơ hở này, nhằm lập lại kỷ cương, đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, Dự thảo đề nghị sửa đổi nội dung Điều 202 như sau: “Nếu bị cáo không bị tạm giam nhưng bị phạt tù thì Tòa án có quyền quyết định bắt giam ngay sau khi tuyên án, trừ các trường hợp quy định tại Điều 231 Bộ luật này”.
6. Về việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn (Điều 215a):
Để bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành và để công tác thi hành án phạt tù được tốt, tương tự như sửa đổi ở phần trên, đề nghị bổ sung một quy định mới vào Điều 215a như sau:
“Đối với bị cáo không bị tạm giam, nhưng bị phạt tù thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định bắt giam ngay bị cáo, trừ các trường hợp quy định tại Điều 231 của Bộ luật này”.
7. Về hủy án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại (Điều 222):
Theo quy định tại đoạn 3 Điều 215a, những bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa. Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều bị cáo thuộc loại này, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm phải huỷ án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại. Đối với những người này, theo quy định của Luật, Tòa án phải trả tự do cho họ, nhưng việc tiếp tục giam giữ họ lại là cần thiết cho việc điều tra lại hoặc xét xử lại. Do đó, thấy cần bổ sung vào Điều 222 một điểm mới như sau:
“4. Trong trường hợp hủy án sơ thẩm để điều tra lại hoặc để xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Tòa án cấp phúc thẩm ra lệnh tạm giam cho đến khi cơ quan Điều tra hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.
Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày hủy án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho cơ quan Điều tra hoặc Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung”.
8. Về hủy bản án hoặc quyết định để điều tra lại hoặc xét xử lại (Điều 256):
Cũng tương tự như điểm 7 nói trên, cần bổ sung vào Điều 256 một đoạn mới như sau:
“Trong trường hợp hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc để xét xử lại và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Hội đồng giám đốc thẩm ra lệnh tạm giam cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án thụ lý lại vụ án”.
9. Bổ sung một số điều mới:
- Bổ sung Điều 143a và Điều 143b:
Điều 142 của Bộ luật tố tụng hình sự chỉ mới nêu các loại quyết định mà Viện kiểm sát phải ra sau khi kết thúc điều tra, chứ chưa quyết định rõ những căn cứ và những trường hợp để ra các quyết định này. Do vậy, trên thực tế gặp không ít trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ điều tra mà không nói rõ căn cứ (chỉ ghi “xét không có đủ chứng cứ để truy tố”) có thể gây hiểu lầm đối với hoạt động của Viện kiểm sát, đồng thời cũng tránh được sự tùy tiện của Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát, điều tra. Vì vậy, cần bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự hai điều luật mới với nội dung như sau:
1. Điều 143a. Trả hồ sơ điều tra bổ sung:
Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ cho cơ quan Điều tra để điều tra bổ sung khi qua nghiên cứu hồ sơ vụ án phát hiện thấy:
1. Còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được; 2. Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội khác hoặc có người đồng phạm khác; 3. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Những vấn đề cần được điều tra bổ sung phải được nói rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.
2. Điều 143b. Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án:
1. Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 89 của Bộ luật này hoặc Điều 16, khoản 1 Điều 48 và khoản 3 Điều 59 của Bộ luật hình sự.
2. Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau đây:
a) Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y;
b) Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu; trong trường hợp này phải yêu cầu cơ quan Điều tra truy nã bị can.
3. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
- Bổ sung Điều 160a về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm:
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu cần tổ chức những phiên tòa xét xử theo trình tự sơ thẩm đồng thời chung thẩm.
Những vụ án đưa ra xét xử ở phiên tòa này là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp mà việc xét xử đúng đắn, kịp thời và nghiêm minh có ý nghĩa chính trị to lớn. Thành phần Hội đồng xét xử của phiên tòa đặc biệt này đề nghị phải có ba Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân.
Trên đây là một số vấn đề dự kiến sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.
Vậy Chính phủ xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
TUQ. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Tư pháp
NGUYỄN ĐÌNH LỘC
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội