VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993

 

TỜ TRÌNH BỔ SUNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
BỘ LUẬT HÌNH SỰ TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ IX

 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tiếp theo hai Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Bộ luật hình sự và tố tụng hình sự trực tiếp phục vụ đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của đông đảo cử tri ở nhiều địa phương lo ngại trước tình hình các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng phát triển phá hoại truyền thống văn hóa tốt đẹp, thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây hại cho sức khỏe của nhân dân, làm suy yếu tiềm lực con người và để lại hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ mai sau; xuất phát từ nhiệm vụ bức xúc có ý nghĩa quan trọng trước mắt và lâu dài xây dựng, phát triển một nền văn hóa tiên tiến giữ gìn bản sắc dân tộc, cùng với nhiệm vụ kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, và gắn liền với nhiệm vụ đó, phải kiên quyết phê phán và đẩy lùi các tệ nạn xã hội mà trước hết là bài trừ nạn nghiện hút, gái điếm, v.v. đang là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Sau khi xin ý kiến của Ủy ban pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, ban ngành hữu quan, Chính phủ xin bổ sung trình Quốc hội cho sửa đổi một số điều và bổ sung một số điều mới trừng trị các tội quy định tại các điều 96a, 202 và 203 về tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy; tội tổ chức dùng chất ma túy; tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm. Các tệ nạn này trước hết là những vấn đề xã hội. Để đấu tranh kiên quyết chống các tệ nạn đó, Nhà nước và xã hội cần có các biện pháp giáo dục, thuyết phục, tạo điều kiện để người dân có công ăn việc làm, có thể trở lại cuộc sống lao động bình thường, lương thiện. Nhưng đồng thời, không được xem nhẹ biện pháp hình sự, xử lý nghiêm minh, trừng phạt nghiêm khắc những người dù đã được giáo dục giúp đỡ tạo điều kiện làm ăn sinh sống bình thường, vì mục đích vụ lợi, vẫn cố tình lao vào con đường phạm tội. Do đó, chúng tôi thấy việc sửa đổi, bổ sung này là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh bài trừ các tệ nạn đang làm nhức nhối nhiều người, và trên một số mặt nhất định, có quan hệ chặt chẽ với đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu.

Cụ thể, xin đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều như sau:

1. Về tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy (Điều 96a):

Điều luật hiện hành chưa thể hiện rõ tinh thần xóa bỏ tận gốc tệ nạn xã hội này nên việc trồng trái phép cây thuốc phiện chưa bị xem là một hành vi phạm tội. Nay cùng với các biện pháp giáo dục, kinh tế, tài chính giúp đồng bào chuyển hướng cây trồng thay thế cây thuốc phiện, tạo điều kiện để người dân ở những vùng có thói quen sinh sống bằng trồng cây thuốc phiện chuyển sang nghề khác, đề nghị cần bổ sung tội danh trồng trái phép cây thuốc phiện và sửa đổi, bổ sung Điều luật này theo hướng xem việc trồng trái phép cây thuốc phiện là một tội phạm cụ thể:

“Điều 96a. Tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.

1. Người nào đã được giáo dục nhiều lần và đã được tạo điều kiện làm ăn sinh sống lương thiện mà vì vụ lợi vẫn cố tình trồng trái phép cây thuốc phiện, chế biến trái phép thuốc phiện, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

Phạm tội có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, hoặc trồng với diện tích lớn, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

2. Người nào sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội;

c) Hàng phạm pháp có số lượng lớn hoặc giá trị lớn; thu lợi bất chính lớn;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

2. Về tội tổ chức dùng chất ma túy (Điều 203):

Về hình phạt, Luật hiện hành quy định còn nhẹ: khung 1 phạt tù từ sáu tháng đến năm năm; khung 2 từ ba năm đến mười năm. Để nghiêm trị loại tội nguy hiểm này, đề nghị nâng hình phạt: khung 1 từ một năm đến bảy năm tù; khung 2 từ năm năm đến mười lăm năm tù, và bổ sung thêm một số trường hợp cần xử nặng như phạm tội đối với nhiều người, lợi dụng nghề nghiệp, sử dụng thủ đoạn cưỡng bức, lừa dối hoặc dụ dỗ người chưa thành niên dùng chất ma túy. Đồng thời, bổ sung mới Điều 203a về tội dùng thuốc phiện hoặc các chất ma túy khác. Để bài trừ triệt để tệ nạn nghiện hút cùng với việc nghiêm trị bọn tổ chức các tụ điểm chích hút thuốc phiện, cần xử lý cả những người nghiện hút, tiêm chích các chất ma túy. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự đối với những người này cũng ở mức độ hạn chế: chỉ đối với những người đã được áp dụng các biện pháp bắt buộc cai nghiện, đã bị xử lý hành chính mà còn tái phạm, và mức xử phạt cũng tương đối thấp: phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, nhằm răn đe, phòng ngừa giáo dục, đưa họ trở lại cuộc sống lành mạnh.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 202 về tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm:

Với tinh thần xử lý nghiêm khắc hơn nữa những kẻ chứa mại dâm, đồng thời để quy định đầy đủ hơn hành vi phạm tội, chúng tôi đề nghị tăng nặng hình phạt đối với tội chứa mại dâm: khung 1 phạt tù từ một năm đến bảy năm (trước là từ sáu tháng đến năm năm); khung 2 phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm (trước là từ ba năm đến mười năm). Mặt khác, chúng tôi đề nghị bổ sung vào Điều luật này hành vi cưỡng bức mại dâm để xử phạt những kẻ có hành vi cưỡng bức người khác phải mại dâm, nhất là đối với người chưa thành niên.

4. Bổ sung mới Điều 202a về tội hành nghề mại dâm, tội mua dâm:

Để bài trừ tệ nạn mại dâm cùng với việc nghiêm trị bọn tổ chức các ổ mại dâm và bọn dẫn dắt tiếp tay cho bọn chủ chứa, cũng cần xử lý hình sự một số trường hợp hành nghề mại dâm đối với người đã được giáo dục nhiều lần, được tạo điều kiện làm ăn sinh sống lương thiện, đã bị xử lý hành chính mà còn tiếp tục hành nghề mại dâm, nhất là trường hợp bị mắc các bệnh xã hội nguy hiểm (như giang mai, lậu, nhiễm HIV…); đối với người mua dâm cũng phải xử lý nghiêm khắc.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội

Về trang mục lục

Trở về đầu trang