VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993

 

BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT
CỦA QUỐC HỘI VỀ PHẦN BỔ SUNG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

 

Tiếp theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, tại kỳ họp này Chính phủ đề nghị đưa thêm một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật đó. Trong đề nghị mới, Chính phủ đề nghị sửa đổi 3 điều luật hiện hành (Điều 96a về tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, Điều 202 về tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm, Điều 203 về tội tổ chức dùng chất ma túy), bổ sung 2 điều mới, (Điều 202a về tội hành nghề mại dâm, tội mua dâm, Điều 203a về tội dùng thuốc phiện hoặc các chất ma túy khác.

Ngay sau khi nhận Dự thảo phần bổ sung này tối ngày 10 tháng 12 năm 1992, Ủy ban pháp luật đã họp phiên toàn thể để thẩm tra về Dự thảo bổ sung này. Tham dự phiên họp của Ủy ban có đại diện của Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp được Chính phủ ủy nhiệm trình bày Dự thảo phần bổ sung Dự án Luật, đại diện các cơ quan hữu quan phát biểu ý kiến, Ủy ban pháp luật đã thảo luận và thống nhất trình Quốc hội ý kiến của mình như sau:

1. Ủy ban pháp luật nhất trí đánh giá của Chính phủ về tình hình các tệ nạn xã hội đặc biệt là tệ nghiện hút, nạn mại dâm hiện nay đang diễn ra rất nghiêm trọng, phức tạp.

Trong nhiều năm qua Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để giải quyết các tệ nạn này. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất hạn chế. Cho đến nay các tệ nạn này chẳng những chưa được ngăn chặn mà còn có nguy cơ phát triển trầm trọng, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm cho các tầng lớp nhân dân rất lo lắng. Bên cạnh tệ nạn tham nhũng, buôn lậu, đây cũng là một vấn đề bức xúc cần phải được quan tâm, giải quyết kịp thời.

2. Tệ nghiện hút, nạn mại dâm là những tệ nạn xã hội do nhiều nguyên nhân sâu xa, đòi hỏi phải được giải quyết bằng nhiều biện pháp kiên quyết, đồng bộ, trước hết bằng các biện pháp giáo dục, động viên, thuyết phục, hành chính, kinh tế … Điều kiện quan trọng để giải quyết cơ bản tệ nạn này là tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động. Đặc biệt đối với nhân dân miền núi, rẻo cao thì điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Về biện pháp hình sự, thì Bộ luật hình sự hiện hành đã có một số điều quy định các tội danh: tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy với mức án cao nhất là tử hình (Điều 96a); tội tổ chức dùng chất ma túy (Điều 203), tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm (Điều 202).

Hiện nay, chúng ta chưa tổng kết một cách toàn diện, phân tích nguyên nhân của các tệ nạn xã hội nói trên, cũng như việc áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự, kinh tế, đã được tiến hành. Cho nên, cần phải cân nhắc kỹ việc bổ sung các biện pháp hình sự đối với người trồng cây có chất ma túy, nghiện hút, người làm nghề mại dâm, người mua dâm nhất là về khả năng thực thi của các điều luật đó.

3. Như đã trình bày trên đây, những vấn đề mới được bổ sung là những vấn đề phức tạp chưa được tổng kết, nghiên cứu kỹ lại được đưa ra trong một thời gian rất gấp, không thực hiện được đầy đủ những yêu cầu cần thiết của quy trình làm luật, do đó, Ủy ban pháp luật đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Như vậy, vấn đề này cũng cần được bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 mà Quốc hội sẽ quyết định tại kỳ họp này.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là ý kiến của Ủy ban pháp luật về đề nghị bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, xin trình Quốc hội xem xét và quyết định.

 

CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT
CỦA QUỐC HỘI
 HÀ MẠNH TRÍ

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội

Về trang mục lục

Trở về đầu trang