VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993

 

BÁO CÁO CỦA ĐOÀN THƯ KÝ KỲ HỌP VỀ ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI
XEM XÉT BỔ SUNG VÀO LUẬT ĐẦU TƯ VẤN ĐỀ CÁC
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐƯỢC MUA LẠI TỪNG PHẦN VỐN
CỦA XÍ NGHIỆP 100% VỐN NƯỚC NGOÀI TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ IX

 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Ngày 16 tháng 11 năm 1992, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài, trong đó có đề nghị bổ sung vào Điều 14 của Luật hiện hành một quy định mới với nội dung như sau: “Đối với cơ sở kinh tế quan trọng do Chính phủ quyết định, các doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận với chủ xí nghiệp, được mua lại một phần vốn của xí nghiệp và chuyển thành xí nghiệp liên doanh”.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật trình Quốc hội ngày 09 tháng 12, Ủy ban pháp luật của Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ về điểm bổ sung này. Tuy nhiên, Tờ trình của cơ quan soạn thảo cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật chưa báo cáo đầy đủ trước Quốc hội lý do của sự cần thiết phải bổ sung quy định mới này. Mặt khác, nội dung của điểm bổ sung này cũng chưa được thể hiện rõ ràng, chặt chẽ. Vì vậy, trong quá trình thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng ý bổ sung điểm này. Kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này như sau: có 183/318 đại biểu Quốc hội tán thành không quy định trong Luật, vì dễ làm cho nhà đầu tư nước ngoài e ngại; 132/318 đại biểu Quốc hội tán thành việc bổ sung vấn đề này vào Luật để bảo đảm lợi ích của Nhà nước Việt Nam. Tiếp thụ ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Đoàn thư ký, Ban dự thảo và Thường trực Ủy ban pháp luật, trong báo cáo thuyết trình trước Quốc hội ngày 18 tháng 12 đã xin rút điểm bổ sung này và đã được Quốc hội biểu quyết tán thành.

Mặc dù vậy, sau đó một số đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn, đề nghị chúng tôi cân nhắc, xem xét vấn đề này và báo cáo lại trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Tiếp thụ ý kiến trên đây của các đại biểu Quốc hội, sáng 22 tháng 12, Đoàn thư ký, Ban dự thảo và Thường trực Ủy ban pháp luật đã thảo luận, thống nhất ý kiến và sau khi xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chúng tôi xin trình lại với Quốc hội về vấn đề này như sau:

Việc mua lại vốn của chủ xí nghiệp 100% vốn nước ngoài là một vấn đề rất quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo thì Luật đầu tư của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng quy định về việc mua lại vốn của loại xí nghiệp này.

Để có căn cứ pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét, thẩm định và cấp giấy phép đầu tư thuộc loại này và để cho các nhà đầu tư nước ngoài, ngay từ đầu thấy rõ yêu cầu của bên Việt Nam mà yên tâm đầu tư, chúng tôi xin trình Quốc hội quy định bổ sung vấn đề này vào Điều 14 của Luật đầu tư hiện hành với nội dung như sau: “Theo quyết định của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận với chủ xí nghiệp, được mua lại từng phần vốn của xí nghiệp thuộc những cơ sở kinh tế quan trọng”.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Quy định như vậy là đáp ứng yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư lần này: vừa bảo đảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia. Chúng tôi nhận thức rằng, để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, củng cố, tăng cường vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế quốc doanh như Cương lĩnh và Hiến pháp đã chỉ rõ. Một trong những biện pháp để thực hiện chủ trương này là phải cần kiệm để mua lại từng phần vốn của xí nghiệp 100% vốn nước ngoài trong các cơ sở kinh tế quan trọng. Mặt khác, bằng biện pháp đó chúng ta cũng nâng dần được tỷ lệ vốn đầu tư của bên Việt Nam so với vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.

Với quan điểm đó dự kiến quy định này chỉ giao cho các doanh nghiệp nhà nước được mua lại từng phần vốn của xí nghiệp 100% vốn nước ngoài thuộc các cơ sở kinh tế quan trọng do Chính phủ xác định. Việc mua lại từng phần vốn đó cũng phải được Chính phủ cho phép; đương nhiên là phải có sự thỏa thuận của nhà đầu tư nước ngoài nên không làm cho họ e ngại trong quan hệ đầu tư vào nước ta.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Báo cáo vấn đề này trước Quốc hội, chúng tôi thấy có phần trách nhiệm của mình trong việc thuyết trình và báo cáo những thông tin cần thiết để Quốc hội xem xét, quyết định. Song với ý thức được trách nhiệm trước Quốc hội và lợi ích quốc gia, chúng tôi xin trình Quốc hội một lần nữa về vấn đề này để Quốc hội xem xét và quyết định.

Xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội

Về trang mục lục

Trở về đầu trang