THUYẾT TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI
VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẦU TƯ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1983
Ở CÁC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
(Do ông Y Ngông Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX, ngày 10-12-1992)
Kính thưa Quốc hội,
Hội đồng dân tộc khóa IX đã bước đầu xem xét kết quả thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1992 và sau khi nghe báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1992 và phương hướng nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1993; báo cáo về tình hình thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi và các vùng dân tộc thiểu số. Hội đồng dân tộc tán thành nhận xét, đánh giá của Chính phủ. Sau đây, chúng tôi xin trình bày trước Quốc hội một số vấn đề về đầu tư ngân sách nhà nước năm 1993 ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi như sau:
1. Một số nhận xét về tình hình đầu tư ngân sách năm 1992 ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi:
Quá trình chuẩn bị để tham gia kỳ họp này, Hội đồng dân tộc đã đi nắm tình hình ở một số địa phương, đã nghe một số ngành ở Trung ương báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1992 ở vùng dân tộc và miền núi, chúng tôi thấy rằng: Năm 1992, Chính phủ và các Bộ đã có nhiều cố gắng quan tâm đến công tác dân tộc thiểu số và miền núi như: đầu tư cho 11 tỉnh miền núi phía Bắc tăng 2 lần vốn đầu tư năm 1991; 4 tỉnh miền núi Tây Nguyên tăng 2,3 lần; các huyện miền núi các tỉnh khu IV, khu V tăng 1,2 lần,… Đầu tư chống bướu cổ tăng 5,6 lần, đầu tư chống sốt rét tăng 5,3 lần, đầu tư cho dự trữ các mặt hàng thiết yếu 50 tỷ… Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo bằng các chương trình dự án như chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi phía Bắc, vùng cao và đã xây dựng các chương trình phát triển ở vùng miền Trung và duyên hải và vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 22 và các nghị quyết của Quốc hội cũng còn chưa làm đến nơi đến chốn. Quyết định 72 của Chính phủ đã cụ thể, nhưng các ngành các cấp lại chưa cụ thể hóa việc hướng dẫn. Một số vấn đề về giá cả cho hàng thiết yếu ở vùng cao, một số vấn đề đối với cán bộ miền núi và cơ sở, cán bộ xã chưa được giải quyết thỏa đáng.
Tuy vậy, việc phân bổ, cấp phát, quản lý sử dụng vốn đầu tư cho miền núi còn nhiều vấn đề tồn tại như đầu tư còn phân tán, cấp phát chậm, vốn gần cuối năm mới cấp, nhưng chưa kịp sử dụng đã hết năm, yêu cầu quyết toán ngay.
2. Về vốn đầu tư ngân sách nhà nước đối với các vùng dân tộc thiểu số và miền núi:
Hội đồng dân tộc chúng tôi tán thành các hướng đầu tư của Chính phủ đã trình bày đối với các vùng dân tộc và miền núi, đồng thời xin kiến nghị với Chính phủ lưu ý một số vấn đề sau đây:
(1) Tập trung vốn cho phát triển giao thông vận tải miền núi, trước mắt là các đường quốc lộ đến tỉnh, đường tỉnh xuống huyện, xã, đường liên tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho vận tải, lưu thông hàng hóa xuống đến cơ sở xã, bản, nhất là 230 xã chưa có đường ôtô.
(2) Đầu tư hỗ trợ để phát triển thủy lợi và điện ở miền núi, quan tâm đặc biệt đến việc phát triển các công trình nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao và vùng dân tộc đồng bằng sông Cửu Long.
(3) Tiếp tục đầu tư cho việc tổ chức định canh, định cư gắn liền với xây dựng vùng kinh tế mới ở miền núi, vùng cao.
(4) Đối với sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, cần chú ý đầu tư tập trung xóa mù chữ ở độ tuổi học sinh phổ thông, còn ở độ tuổi cao hơn chỉ xóa mù cho các đối tượng là cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ công tác ở xã, thôn, hợp tác xã, đồng thời, có biện pháp duy trì sau xóa mù, để người được xóa mù không tái mù trở lại. Cần quan tâm đầu tư cho việc phát triển và tăng cường các phương tiện nghe nhìn, thông tin, báo chí v.v. cho đồng bào vùng xa xôi, hẻo lánh, biên giới.
Cần đầu tư thích đáng việc phát triển các trường nội trú vùng cao, các trường dự bị đại học và đại học ở miền núi để tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. Trong y tế, chú ý đầu tư hỗ trợ cho việc xây dựng và khôi phục màng lưới y tế cơ sở, phấn đấu đến năm 1995 xóa được xã trắng về y tế. Đồng thời, bổ sung các chế độ chính sách khuyến khích cán bộ hoạt động ở miền núi, nhất là vùng cao, xa xôi, hẻo lánh, biên giới, trong đó chú ý đến đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế.
(5) Chính phủ và các ngành cần rà soát lại số vốn cấp cho vùng dân tộc và miền núi đã thực sự được sử dụng chưa? Đã sử dụng đúng chỗ chưa? Hợp lý chưa? Vốn có đến một cách hiệu quả với dân không? Vì thực tế qua các tỉnh báo cáo thì nhiều khoản vốn, năm 1992 đến nay vẫn chưa đến huyện, đến dân, do thông báo cấp vốn quá chậm và thủ tục quá rườm rà.
(6) Chính phủ cần sớm sửa đổi có cơ chế quy định về phân cấp quản lý vốn, về phương thức cấp pháp, quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho các tỉnh miền núi.
(7) Các địa phương cần khai thác mọi nguồn vốn, không chỉ trông vào vốn ngân sách nhà nước. Có kế hoạch thu hút các tổ chức nước ngoài đầu tư cho miền núi, khai thác thêm các nguồn vốn của các tổ chức từ thiện, vốn của các chương trình viện trợ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ khai thác các tiềm năng của miền núi.
Các địa phương trước khi yêu cầu cấp thêm kinh phí, cũng phải tự mình rà soát lại vốn của Trung ương cấp cho các vùng dân tộc và miền núi đã sử dụng tốt chưa? Có hợp lý và hiệu quả chưa? Vốn của địa phương đã cân đối thỏa đáng đối với miền núi, dân tộc chưa?
Vốn phát triển giao thông vận tải trước hết là đường quốc lộ, tỉnh lộ và phát triển hệ thống giao thông nông thôn, huyện, xã nhằm bảo đảm cho các huyện miền núi có đủ sức tự vận chuyển đến xã bằng các phương tiện vận tải thô sơ, bán cơ giới, như: thuyền, ngựa, v.v..
(8) Cuối cùng, Hội đồng dân tộc chúng tôi đề nghị: Vốn đầu tư cho miền núi không chỉ trọng tâm cho vùng phát triển sản xuất hàng hóa (như trong báo cáo của Chính phủ nêu) mà phải chú trọng đối với vùng cao, biên giới, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc có số dân ít, v.v..
Kính thưa Quốc hội,
Trên đây tôi đã trình bày toàn bộ bản thuyết trình của Hội đồng dân tộc. Đề nghị Quốc hội xem xét và cho ý kiến.
Xin cảm ơn Quốc hội.
Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội