VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN LUẬT XUẤT BẢN

(Do ông Trần Hoàn, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin
đọc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IX, ngày 16-6-1993)


 

Sắc luật số 003/SLT do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 18 tháng 6 năm 1957 là cơ sở pháp lý cho sự nghiệp xuất bản phát triển ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi miền Bắc được giải phóng, nhân dân ta đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Từ khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã có những chỉ thị, nghị quyết bổ sung để chỉ đạo và quản lý công tác xuất bản cho phù hợp với tình hình và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng.

Trước tình hình mới của đất nước, nhất là sau Đại hội VI và Đại hội VII của Đảng, nước ta cần có một đạo luật xuất bản mới làm cơ sở pháp lý cho sự nghiệp xuất bản phát triển trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới của Đảng.

Chính phủ xin trình Quốc hội xem xét và cho ban hành Luật xuất bản với nội dung như sau:

I- NHỮNG QUAN ĐIỂM THỂ HIỆN TRONG NỘI DUNG
DỰ ÁN LUẬT XUẤT BẢN MỚI

1. Luật xuất bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thể chế hóa đường lối và nguyên tắc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4, khóa VII và phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

2. Luật mới kế thừa những quan điểm và những nguyên tắc của Sắc luật số 003/SLT, đồng thời bổ sung và phát triển để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.

3. Luật mới thể hiện những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta đối với tính chất, vị trí và mục đích của hoạt động xuất bản, đối với việc phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân trên lĩnh vực xuất bản (bao gồm cả in và phát hành):

- Xuất bản là hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Xuất bản phẩm là loại hàng hóa đặc biệt, sản phẩm của trí tuệ có khả năng giáo dục, truyền thụ kiến thức khoa học, công nghệ, tình cảm trong sáng cho nhiều người. Mục đích của hoạt động xuất bản là nhằm có nhiều xuất bản phẩm tốt, có giá trị, có nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao dân trí, năng lực và phẩm chất, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, xây dựng lối sống, nhân cách và bản lĩnh của người Việt Nam ngang tầm với sự nghiệp đổi mới của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kinh doanh trong hoạt động xuất bản là biện pháp để thực hiện mục đích nói trên, nhưng không được vì kinh doanh mà làm chệch mục tiêu chính trị của hoạt động xuất bản.

- Quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận phải gắn chặt với trách nhiệm công dân vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, vì tiến bộ xã hội.

- Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động xuất bản.

Dự án Luật quy định các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được phép thành lập nhà xuất bản, đồng thời, tạo điều kiện bằng các chính sách để bảo đảm cho tác giả phổ biến tác phẩm của mình thông qua một nhà xuất bản có tôn chỉ, mục đích phù hợp với yêu cầu của tác giả và theo quy định của pháp luật.

II- NỘI DUNG DỰ ÁN LUẬT XUẤT BẢN

Luật xuất bản gồm Lời mở đầu, 6 chương và 44 điều.

Lời mở đầu: nói về mục đích và các căn cứ của việc ban hành Luật xuất bản.

Chương I: Những quy định chung.

Gồm 4 điều, quy định tính chất, vị trí, mục đích của hoạt động xuất bản, các lĩnh vực hoạt động xuất bản và các loại hình xuất bản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này; khẳng định Nhà nước bảo đảm bằng pháp luật và tạo điều kiện bằng các chính sách cho việc phổ biến tác phẩm, công trình nghiên cứu của công dân, tổ chức vì lợi ích của xã hội.

Chương II: Quyền, nghĩa vụ của công dân và tổ chức đối với hoạt động xuất bản.

Gồm 4 điều, quy định quyền của công dân, tổ chức phổ biến tác phẩm, công trình nghiên cứu của mình; quyền của công dân và tổ chức trong việc hưởng thụ xuất bản phẩm; quyền phê bình, khiếu nại, khởi kiện của công dân, tổ chức đối với xuất bản phẩm và hoạt động xuất bản; trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền hưởng thụ xuất bản phẩm; trách nhiệm của công dân và tổ chức đối với nội dung xuất bản phẩm và hoạt động xuất bản, đối với việc tôn trọng bản quyền tác giả hoặc người được thừa kế hợp pháp.

Chương III: Tổ chức và hoạt động xuất bản.

Gồm 3 mục, 23 điều.

Mục 1: nói về hoạt động xuất bản, quy định:

- Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

- Quyền hạn và trách nhiệm của giám đốc nhà xuất bản; trách nhiệm của tác giả, tổ chức có xuất bản phẩm; trách nhiệm liên đới của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về nội dung xuất bản phẩm.

- Điều kiện thành lập và hoạt động của nhà xuất bản.

- Bản quyền của các tổ chức và tác giả; việc xuất bản, tái bản một số tác phẩm mà nội dung cần được thẩm định.

- Việc xuất bản các tài liệu cần thiết ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có nhà xuất bản và tài liệu, công trình nghiên cứu, giáo trình lưu hành nội bộ của các cơ quan.

- Việc liên doanh, liên kết và hợp tác trong hoạt động xuất bản, in và phát hành.

- Những nội dung phải ghi rõ trên xuất bản phẩm.

- Lưu chiểu xuất bản phẩm, trách nhiệm của nhà xuất bản, nhà in, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản.

- Những nội dung cấm đưa vào xuất bản phẩm.

Mục 2: nói về hoạt động in, quy định:

- Điều kiện hoạt động của các cơ sở in, nhân bản xuất bản phẩm; phạm vi công dân được hoạt động trên lĩnh vực này.

- Quyền và trách nhiệm của các cơ sở in, nhân bản phát hiện xuất bản phẩm có nội dung vi phạm pháp luật; trách nhiệm của nhà xuất bản có xuất bản phẩm bị xử lý.

Mục 3: nói về phát hành xuất bản phẩm, quy định:

- Quyền và trách nhiệm của các tổ chức phát hành nhà nước; quyền của nhà xuất bản trong việc phát hành xuất bản phẩm của mình; các tổ chức và cá nhân được kinh doanh phát hành xuất bản phẩm; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát hiện xuất bản phẩm có nội dung vi phạm pháp luật; trách nhiệm của nhà xuất bản có xuất bản phẩm bị xử lý.

- Việc xuất khẩu, nhập khẩu xuất bản phẩm.

Chương IV: Quản lý nhà nước về xuất bản.

Gồm 6 điều, quy định:

- Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản; nội dung phân cấp cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Tổ chức hệ thống thanh tra chuyên ngành về hoạt động xuất bản.

- Quyền khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về những kết luận, xử lý đối với tổ chức, cá nhân bị thanh tra; khiếu nại, tố cáo với cơ quan quản lý nhà nước, với cơ quan thanh tra chuyên ngành về những vi phạm trong hoạt động xuất bản.

- Quyền khiếu nại của tổ chức xin thành lập nhà xuất bản, cơ sở in, nhân bản, tổ chức phát hành.

Chương V: Khen thưởng và xử lý vi phạm.

Gồm 4 điều, quy định:

- Việc khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích.

- Việc xử lý vi phạm và các hình thức xử lý.

Chương VI: Điều khoản thi hành.

Gồm 3 điều, quy định :

Giao cho Chính phủ quy định về việc phổ biến tác phẩm, công trình nghiên cứu của tổ chức, công dân Việt Nam ra nước ngoài và việc hoạt động xuất bản, in, phát hành của tổ chức, người nước ngoài tại Việt Nam; quy định chi tiết thi hành Luật này.

III- NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT XUẤT BẢN

1. Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật:

- Nêu rõ cả ba phạm vi hoạt động: xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Về phần in và phát hành chỉ quy định những điều cơ bản có quan hệ trực tiếp đến hoạt động xuất bản, những điều chi tiết về hoạt động và quản lý ngành in, ngành phát hành sẽ được quy định chi tiết trong các văn bản dưới luật.

- Trong tình hình khoa học - kỹ thuật phát triển, các loại xuất bản phẩm được chế bản, in, nhân bản không chỉ bằng máy in như quan niệm cũ, mà bằng các phương tiện kỹ thuật mới như máy vi tính, phân màu điện tử, sao chụp, in sang băng, đĩa hiện đại; không chỉ sản xuất bằng giấy in mà bằng những loại vật liệu mới như băng âm thanh, đĩa âm thanh, đĩa hình, băng hình, phim nhựa và các vật liệu, phương tiện kỹ thuật khác nhau. Các loại hình xuất bản phẩm và các phương tiện in, nhân bản khác nhau đã được đề cập trong Dự án Luật xuất bản.

2. Về tính chất, vị trí và mục đích của hoạt động xuất bản:

- Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi hoạt động xuất bản là hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, đặt rõ vị trí của công tác xuất bản trong tình hình cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng và văn hóa đang có sự phá hoại của các lực lượng thù địch, Luật đã kế thừa quan điểm cơ bản thể hiện trong Sắc luật 003/SLT, thể hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về công tác xuất bản, xác định rõ tính chất, vị trí và mục đích của hoạt động xuất bản theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VII và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4.

- Thể hiện rõ trong hoạt động của nhà xuất bản, cơ sở in, tổ chức phát hành có kinh doanh, phạm vi và tính chất kinh doanh có khác nhau ở mỗi lĩnh vực và tổ chức cơ sở, nhưng tất cả đều phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhiệm vụ công tác văn hóa tư tưởng, chống khuynh hướng kinh doanh đơn thuần, chạy theo lợi nhuận.

3. Về quyền phổ biến tác phẩm, công trình nghiên cứu dưới hình thức xuất bản phẩm và quyền hưởng thụ xuất bản phẩm:

- Dự án Luật ghi các quyền đó của công dân và tổ chức, đồng thời ghi rõ Nhà nước bảo đảm bằng các chính sách đầu tư, tài trợ, đặt hàng, mua bản thảo, chính sách phát triển hệ thống thư viện, chính sách ưu đãi cho các dân tộc thiểu số, lực lượng vũ trang, thiếu niên và nhi đồng, quy định trách nhiệm của các tổ chức phát hành nhà nước phải bảo đảm đưa xuất bản phẩm đến các vùng xa đô thị, miền núi và hải đảo.

- Luật ghi rõ Nhà nước bảo hộ bản quyền tác giả, quyền của người được thừa kế hợp pháp, đặt rõ trách nhiệm của các nhà xuất bản tạo điều kiện cho việc phổ biến tác phẩm của tổ chức, công dân, cả những trường hợp do nhu cầu của tác giả muốn tác phẩm của mình được xuất bản trên cơ sở hợp đồng giữa tác giả với nhà xuất bản.

4. Về chế độ trách nhiệm trong hoạt động xuất bản và đối với nội dung xuất bản phẩm:

Nhằm bảo đảm tính chất, vị trí và mục đích của hoạt động xuất bản và yêu cầu nâng cao chất lượng xuất bản phẩm xứng đáng là những tác phẩm trí tuệ, món ăn tinh thần bổ ích của nhân dân, vũ khí sắc bén đấu tranh chống các lực lượng thù địch, Luật quy định rõ những người đứng đầu nhà xuất bản phải có đủ những tiêu chuẩn cần thiết do Nhà nước quy định, đồng thời quy định rõ chế độ trách nhiệm:

- Trách nhiệm của tác giả và tổ chức có tác phẩm, công trình nghiên cứu.

- Trách nhiệm của cơ quan chủ quản có nhà xuất bản.

- Trách nhiệm của giám đốc Nhà xuất bản, tác giả và tổ chức có xuất bản phẩm.

- Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở in, nhân bản.

- Trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức và cá nhân phát hành xuất bản phẩm.

- Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, của tổ chức thanh tra chuyên ngành về xuất bản.

5. Về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản, in, phát hành:

Với quan điểm quản lý nhà nước trước hết là tạo điều kiện cho sự nghiệp xuất bản phát triển vì lợi ích của xã hội; phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng pháp luật, lập lại trật tự, kỷ cương, Dự án Luật quy định rõ:

- Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện cho sự nghiệp xuất bản phát triển bằng xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch xuất bản trong cả nước và ở mỗi địa phương; xây dựng và thực hiện các chính sách do Nhà nước ban hành nhằm có nhiều xuất bản phẩm có giá trị và đưa tới người sử dụng.

- Thực hiện các biện pháp để bảo đảm hoạt động xuất bản, in, phát hành đúng pháp luật; khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, kể cả cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản vi pháp luật, thể hiện tinh thần mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

- Nhằm bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước trong cả nước và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, Dự án Luật ghi rõ trách nhiệm và quyền hạn của Trung ương và địa phương.

- Quy định việc thành lập hệ thống tổ chức thanh tra chuyên ngành về hoạt động xuất bản để góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động xuất bản, in và phát hành.

IV- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÓ NHIỀU Ý KIẾN
TRONG QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ DỰ ÁN LUẬT

1. Có ý kiến muốn chuyển toàn bộ các tổ chức xuất bản, in, phát hành thành doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh theo Nghị định số 388/HĐBT ngày 20-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ):

Như trên đã nói về tính chất, vị trí và mục đích của hoạt động xuất bản (bao gồm cả in và phát hành), xuất bản phẩm có tính chất hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt, là sản phẩm tinh thần, khác với các sản phẩm vật chất và hàng hóa khác. Trong các loại xuất bản phẩm, mà chủ yếu là tác phẩm, công trình nghiên cứu, có xuất bản phẩm có thể vừa đạt hiệu quả xã hội, vừa có lãi; có xuất bản phẩm không có lãi hoặc bị lỗ vốn; có những xuất bản phẩm Nhà nước phải tài trợ bằng ngân sách (như sách giáo khoa, công trình nghiên cứu khoa học, sách và xuất bản phẩm cho các dân tộc thiểu số, cho thiếu niên và nhi đồng, cho công tác tuyên truyền đối ngoại, sách từ điển bách khoa, v.v.). Nếu coi nhà xuất bản là doanh nghiệp như các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa vật chất thì sẽ đưa đến tình trạng để tồn tại, buộc nhà xuất bản phải kinh doanh đơn thuần, chạy theo lợi nhuận. Tình hình xuất bản phẩm kém chất lượng, hoạt động phá rào, chạy theo thị hiếu thấp kém, tầm thường, xa rời tôn chỉ mục đích đã quy định lại tiếp tục diễn ra như thời gian vừa qua nếu không có cơ chế, chính sách thích hợp cho lĩnh vực này.

Nhiều cơ sở in hoạt động như doanh nghiệp, nhưng cũng có loại cơ sở in, nhân bản của nội bộ các cơ quan, in các tài liệu văn phòng và tài liệu, giấy tờ sử dụng nội bộ không có tính chất kinh doanh. Đối với các cơ sở in xuất bản phẩm, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội phải đầu tư bằng ngân sách để trang bị kỹ thuật hiện đại và nhiệm vụ hàng đầu của các cơ sở này là phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Các tổ chức phát hành của Nhà nước có hoạt động kinh doanh, nhưng sách và các xuất bản phẩm không thể tiêu thụ nhanh như các hàng hóa khác, vòng quay của vốn chậm, phải lấy lãi của chiết khấu phát hành ở đô thị để bù cho vùng xa đô thị, miền núi và hải đảo, phải có chính sách ưu đãi của Nhà nước để hỗ trợ. Đối với công tác phát hành đối ngoại thì Nhà nước phải đầu tư, chưa thể tự lực kinh doanh có lãi để tồn tại vì cước phí gửi ra nước ngoài cao gấp nhiều lần giá bán xuất bản phẩm.

2. Vấn đề tư nhân hoạt động xuất bản:

Do tính chất, vị trí và mục đích của hoạt động xuất bản, Nhà nước ta không chủ trương áp dụng chính sách nhiều thành phần kinh tế trong lĩnh vực xuất bản. Cá nhân có tác phẩm được bảo đảm xuất bản thông qua nhà xuất bản thuộc tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có đủ điều kiện thành lập nhà xuất bản. Tác phẩm, công trình nghiên cứu thông qua nhà xuất bản mới bảo đảm quy trình biên tập, bảo đảm chất lượng nội dung và phù hợp với tính chất, mục đích của hoạt động xuất bản.

Đối với cơ sở in, nhân bản, Nhà nước chỉ cho phép tư nhân hoạt động ở công đoạn in nhân bản trong một phạm vi được quy định (in rônêô, phôtôcopy, in lưới, in khắc gỗ, v.v.) và theo quy chế do cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản ban hành. Như vậy mới tránh được tình trạng mất trật tự. Ngay đối với các cơ sở in của các tổ chức, với trình độ kỹ thuật hiện đại, vấn đề quản lý cũng rất phức tạp, cần phải được tăng cường mới bảo đảm được trật tự, kỷ cương.

Đối với các tổ chức phát hành, ngoài việc quy định hệ thống phát hành của Nhà nước có trách nhiệm phát hành xuất bản phẩm trong cả nước, có quy định phạm vi hoạt động cho tư nhân được phép làm đại lý, mở cửa hàng, quầy sách bán lẻ xuất bản phẩm.

Điều 11 của Luật công ty và Điều 5 của Luật doanh nghiệp tư nhân có quy định: “Dịch vụ phát hành, truyền hình, xuất bản phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép”. Sắp tới các văn bản dưới Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân cũng như dưới Luật xuất bản cần phải quy định rõ nội dung “dịch vụ xuất bản” là gì?

3. Vấn đề xuất bản nhất thời:

Trong những năm qua, ngoài hoạt động của nhà xuất bản, một số tổ chức đã xin xuất bản một số tài liệu, văn bản, v.v. không thông qua nhà xuất bản để sử dụng nội bộ tổ chức hoặc phát không như tài liệu tuyên truyền. Các tài liệu, văn bản đó chưa đủ tiêu chuẩn một tác phẩm, công trình nghiên cứu để đưa vào nhà xuất bản. Trong thời kỳ bao cấp, các tổ chức đã sử dụng kinh phí tuyên truyền để in các tài liệu đó. Những hoạt động trên, do sự quản lý trực tiếp của cấp ủy và Ủy ban nhân dân địa phương, trong phạm vi nào đó đã đáp ứng một phần nhu cầu tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, công tác của địa phương, tập hợp một số sáng tác, tài liệu nghiên cứu của địa phương và cũng có tác dụng nhất định.

Nhưng từ sau Đại hội VI, khi chuyển sang cơ chế thị trường, đã có tình trạng lợi dụng việc “Xuất bản nhất thời” đưa in những sách kém giá trị để kinh doanh, bán rộng rãi trong xã hội, không phải nộp thuế hoặc nộp ngân sách như nhà xuất bản.

Để tránh tình trạng trên, Luật này không nêu lên vấn đề xuất bản nhất thời. Các tổ chức không có nhà xuất bản có thể ký hợp đồng với các nhà xuất bản để in các tài liệu, văn bản cần thiết theo quy chế do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có nhà xuất bản, mà có tài liệu cần xuất bản, không nhằm mục đích kinh doanh, thì đề nghị với cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của Chính phủ. Việc in, nhân bản các tài liệu, công trình nghiên cứu, giáo trình của các cơ quan lưu hành nội bộ do Chính phủ quy định (Điều 18 của Dự luật). Những quy định cụ thể này không nên ghi vào Luật, cần được giải quyết trong các văn bản dưới luật.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội