TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN LUẬT
THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
(Do ông Nguyễn Công Tạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Công nghiệp thực phẩm đọc tại kỳ họp thứ 3,
Quốc hội khoá IX, ngày 24-6-1993)
Thuế nông nghiệp được ban hành năm 1951 và đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung; so với tỷ lệ động viên thời chiến từ 20% sản lượng (1951), 17% sản lượng (1958), 15% sản lượng (1970), trong Pháp lệnh thuế nông nghiệp năm 1983 tỷ lệ đó chỉ còn 10% sản lượng bình quân 3 năm 1980 - 1982. Đồng thời, việc tính thuế còn căn cứ vào 7 hạng đất của 3 loại xã (đồng bằng, trung du, miền núi), theo nguyên tắc dựa chủ yếu vào năng suất cây trồng đạt được. Do hạng đất và biểu thuế giữ ổn định trong suốt thời gian từ năm 1983 đến nay, nên mức động viên từ 10% sản lượng bình quân 1980 - 1982 đã giảm xuống còn 6,7% sản lượng bình quân các năm 1986 - 1990. Trong hai năm 1990 - 1991, thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước đã miễn cho nông dân mỗi năm 50% số thuế phải nộp.
Trong thời gian qua, Nhà nước ta coi thuế nông nghiệp là công cụ quản lý kinh tế quan trọng nhằm điều tiết vĩ mô đối với nông nghiệp và nông thôn. Chính sách đó đã được đại đa số nông dân chấp nhận.
Mức ghi thu thuế bình quân 1 triệu 500 ngàn tấn quy thóc. Số thuế thu được bình quân hàng năm khoảng 1 triệu 250 ngàn tấn quy thóc thuế cây hàng năm và hàng trăm tỷ đồng thuế cây lâu năm. Đây là nguồn thu tại chỗ quan trọng của ngân sách địa phương, nhất là ngân sách huyện, ngân sách xã.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách đổi mới, Pháp lệnh thuế nông nghiệp hiện hành bộc lộ những tồn tại và nhược điểm sau:
1. Cách tính thuế chủ yếu dựa vào năng suất cây trồng, thu gộp cả thuế sử dụng đất, thuế lợi tức, thuế doanh thu, v.v. chỉ phù hợp với nền sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp, không phù hợp với nền sản xuất hàng hóa đang hình thành và phát triển trong nông nghiệp nước ta. Cách tính thuế theo kết quả sản xuất hằng năm đối với cây lâu năm và cây công nghiệp ngắn ngày không khuyến khích thâm canh.
2. Theo tinh thần Nghị quyết 10/CT của Bộ Chính trị, các hợp tác xã về cơ bản đã thực hiện khoán ruộng đất cho các hộ xã viên nên việc tổ chức thu thuế chủ yếu dựa vào hợp tác xã không còn phù hợp nữa. Phải chuyển sang thu thuế theo đúng diện tích, hạng đất của từng hộ nông dân, thực hiện công bằng hợp lý trong nội bộ nông dân.
Thi hành Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX; Chính phủ đã thành lập tổ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Dự án Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm nhiều Bộ, ngành ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Cần Thơ, Thái Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng, với sự đóng góp tích cực của Ban Kinh tế Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban kinh tế và ngân sách, của Văn phòng Quốc hội, của Hội Nông dân Việt Nam…
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và nhân dân vào Dự án Luật thuế nông nghiệp và Dự án Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp đã trình Quốc hội khóa VIII; Dự án Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp lần này đã được đưa ra lấy ý kiến toàn dân, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội… Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội và Ban soạn thảo dự Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp đã chọn lọc tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và được các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra; được Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét nhiều lần và có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Dự án Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp được xây dựng với nội dung cơ bản như sau:
I- NHỮNG QUAN ĐIỂM, TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
1. Dự án Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp theo tinh thần quán triệt tư tưởng khoan sức dân, thực hiện điều chỉnh giảm thuế cho nông dân:
Nông dân nước ta đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, nhưng đến nay, đại bộ phận nông dân còn thu nhập thấp và đời sống còn nhiều khó khăn. Do vậy, Nhà nước chủ trương phải đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn để phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nông dân.
Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh, Nhà nước sẽ giảm nhẹ hơn nữa thuế cho nông dân. Nhưng cần có bước đi phù hợp với điều kiện hiện nay:
- Ngân sách của ta chưa có tích lũy, số thu trong nước chưa bảo đảm cho tiêu dùng thường xuyên; Nhà nước cần có nguồn vốn để phục vụ cho phát triển kinh tế và tích lũy để công nghiệp hóa.
- Nền công nghiệp nước ta còn nhỏ bé, năng suất lao động và hiệu quả còn thấp, nguồn tích lũy từ công nghiệp chưa đủ bù đắp để giảm thu nhiều và nhanh cho thuế nông nghiệp.
Vì thế, hiện nay chúng ta chưa có điều kiện giảm nhiều và giảm nhanh thuế nông nghiệp ngay được, để tránh gây ra hụt hẫng về nguồn thu của ngân sách nhà nước, nhất là ngân sách đối với các địa phương mà sản xuất nông nghiệp đang giữ vai trò chủ yếu và ngân sách huyện, ngân sách xã.
Xuất phát từ phân tích trên, mức động viên thuế và thuế suất trong Dự án Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp lần này đã giảm khoảng gần 30% so với Pháp lệnh hiện hành. Hơn nữa Nhà nước dành hầu hết số thuế thu được để đầu tư trở lại cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn.
2. Về kinh tế:
Thuế sử dụng đất nông nghiệp phải khuyến khích nông dân ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng:
a) Đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, tăng vụ, chuyển cây trồng có hiệu quả;
b) Tận dụng đất đai, khai thác đất đồi núi trọc, đầm lầy, bãi bồi, đất ở vùng cao miền núi, v.v. đưa vào sản xuất;
c) Góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển tạo ra ngày càng nhiều nông sản hàng hóa, đặc biệt là lương thực cho xã hội, nguyên liệu cho công nghiệp và nguồn hàng cho xuất khẩu;
d) Từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân;
e) Góp phần tạo ra khả năng đầu tư, tạo công ăn việc làm cho nông dân và mở rộng thị trường nông thôn, tạo điều kiện cho cả nông nghiệp và dịch vụ phát triển.
3. Về xã hội:
Thuế sử dụng đất nông nghiệp phải bảo đảm công bằng về nghĩa vụ nộp thuế:
a) Giữa những người sử dụng đất nông nghiệp với nhau và với người sử dụng đất ở, đất xây dựng, người sử dụng đất khác và tài nguyên khoáng sản của đất nước;
b) Giữa các tầng lớp dân cư, giữa các thành phần kinh tế.
4. Thuế sử dụng đất nông nghiệp phải góp phần tăng cường quản lý quỹ đất nông nghiệp, hạn chế việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác.
5. Thuế sử dụng đất nông nghiệp bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra.
II- NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT THUẾ
SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
1. Về tên gọi của Dự luật:
Có một số ý kiến đề nghị lấy tên là “Luật thuế đất nông nghiệp” vì như vậy mới có đủ pháp lý để thu thuế đối với người có đất mà không sử dụng.
Chúng tôi đề nghị vẫn lấy tên là “Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp” theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với Luật đất đai; điều đó cũng đúng với khái niệm sử dụng đất theo nghĩa rộng là: Người được giao là người sử dụng đất.
2. Đối tượng nộp thuế và chịu thuế:
a) Đối tượng nộp thuế:
Đất sử dụng vào sản xuất nông nghiệp tuy có mức độ tốt, xấu, xa, gần khác nhau và mức độ sinh lợi khác nhau, tạo ra mức chênh lệch thu nhập khác nhau (địa tô chênh lệch 1), nhưng dù đất xấu vẫn có tác dụng tạo ra thu nhập. Vì thế, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định tại Điều 1 của Dự luật này.
b) Đối tượng chịu thuế:
Đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất đồng cỏ trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng trồng đã được quy chủ hoặc có chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ruộng đất đang có chủ sử dụng, thì dù có bỏ hoang vẫn thuộc đối tượng chịu thuế được quy định tại phần 2 Điều 1 và Điều 2, Điều 3 của Dự luật.
Về đất rừng trồng: có ý kiến cho rằng đất này thuộc đất lâm nghiệp nên không áp dụng thuế sử dụng đất nông nghiệp. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, đất rừng trồng đã nộp thuế tài nguyên nay lại nộp thuế sử dụng đất là không hợp lý.
Hiện nay, thuế tài nguyên chỉ thu vào rừng tự nhiên, không thu vào đất rừng trồng. Đối với rừng trồng, hiện nay Chính phủ đang thu tiền nuôi rừng bình quân bằng 37% giá trị sản lượng gỗ khai thác. Xét về tính chất canh tác và thu hoạch thì đất rừng trồng đan xen vào đất nông nghiệp, chuyển hóa lẫn nhau; vì thế, Luật này áp dụng chung cho cả đất rừng trồng.
3. Căn cứ tính thuế:
Về nguyên tắc phải dùng giá đất làm căn cứ tính thuế cho phù hợp với tính chất điều tiết của thuế. Nhưng hiện nay việc xây dựng khung giá đất đang còn nhiều khó khăn, trước mắt, phải tính thuế theo hạng đất. Do đó, căn cứ tính thuế sử dụng đất nông nghiệp là diện tích, hạng đất và mức thuế tuyệt đối bằng thóc (định suất thuế) trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất được quy định tại Điều 5 của Dự luật.
4. Về phân hạng đất tính thuế:
- Đối với đất trồng cây hàng năm và mặt nước nuôi trồng thủy sản căn cứ vào các yếu tố: chất đất (độ phì); vị trí và địa hình; khí hậu và thời tiết; điều kiện tưới tiêu để xây dựng các tiêu chuẩn thống nhất của từng hạng đất và định suất thuế của từng hạng đất trong phạm vi cả nước.
- Đối với đất trồng cây lâu năm, căn cứ vào các yếu tố: loại đất và tầng dầy canh tác; vị trí và địa hình; điều kiện khí hậu, thời tiết; và chế độ ẩm (khả năng tưới) để xây dựng các tiêu chuẩn thống nhất của từng hạng đất và định suất thuế của từng hạng đất trong phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm các yếu tố: thị trường, điều kiện kỹ thuật canh tác hoặc điều kiện khác cho địa phương vận dụng hoặc thêm yếu tố các công trình chống xói mòn, v.v..
Những đề nghị trên đây thực chất đã nằm trong 4 yếu tố làm căn cứ phân hạng đất của Dự luật.
Cũng có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện tưới tiêu vì nông dân đã nộp thủy lợi phí. Chúng tôi cho rằng, yếu tố tưới tiêu là yếu tố hàng đầu của sản xuất nông nghiệp làm thay đổi khả năng sinh lợi của đất đai.
- Tưới tiêu tự nhiên là một yếu tố tạo ra địa tô chênh lệch; vì thế, phải là một yếu tố để làm căn cứ phân hạng đất.
- Tưới tiêu bằng các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư cũng là điều kiện để đất đai sinh lời; vì thế, cũng là một yếu tố để phân hạng đất. Trong mức thu thủy lợi phí, Nhà nước không tính thu khấu hao cơ bản các chương trình thủy nông và ngoài ra, hằng năm, Nhà nước còn đầu tư, cấp bù cho ngành Thủy lợi hàng trăm tỷ đồng (năm 1992 là 207 tỷ đồng, năm 1993 dự kiến là 427 tỷ đồng) để xây dựng mới và duy trì các công trình thủy nông bảo đảm tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Cũng có ý kiến đề nghị phân hạng đất chỉ dựa vào yếu tố năng suất. Chúng tôi cho rằng, cách này tuy có dễ dàng, đơn giản trong việc phân hạng đất, nhưng không có tác dụng mạnh trong việc khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đề nghị việc phân hạng đất vẫn căn cứ vào 4 yếu tố như Dự luật đã trình để tách phần năng suất tăng thêm do đầu tư thâm canh ra khỏi hạng đất tính thuế. Đây là điểm khác cơ bản so với Pháp lệnh thuế nông nghiệp hiện hành.
- Về số lượng hạng đất: có một số ý kiến đề nghị phải tăng số lượng hạng đất để bảo đảm công bằng xã hội, nhưng ngược lại, có một số ý kiến đề nghị giảm bớt số lượng hạng đất; chỉ cần 4 hoặc 5 hạng đối với đất trồng cây hàng năm và 3 đến 4 hạng đối với đất trồng cây lâu năm.
Sau khi cân nhắc kỹ các mặt, chúng tôi đề nghị phân làm 6 hạng đất đối với đất trồng cây hàng năm và 5 hạng đối với đất trồng cây lâu năm. Việc phân ra 6 hạng đối với cây hàng năm là phù hợp với 6 hạng đất mà lâu nay Chính phủ đã chỉ đạo ngành ruộng đất xác định hạng đất ở các địa phương.
Việc phân hạng đất được thực hiện như sau:
+ Căn cứ vào các yếu tố về chất đất (độ phì) hoặc loại đất và tầng dầy canh tác (đối với đất trồng cây lâu năm); vị trí, địa hình, khí hậu thời tiết và điều kiện tưới tiêu hoặc chế độ ẩm (đối với trồng cây lâu năm) ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp để thực hiện đánh giá, xây dựng các tiêu chuẩn của từng hạng đất và phân loại số lượng hạng đất thống nhất trong cả nước.
+ Căn cứ vào tiêu chuẩn của từng hạng đất, căn cứ vào thực tế đất đai, khí hậu thời tiết, v.v. và sản xuất của từng vùng, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện phân hạng đất đến huyện. Việc phân hạng đất cụ thể ở thôn, xã do Ủy ban nhân dân xã thực hiện dựa vào tiêu chuẩn của các hạng đất và chỉ tiêu hạng đất bình quân do Ủy ban nhân dân huyện ấn định có tham khảo năng suất cây trồng đạt được của năm năm trước đó (1986 - 1990).
Thực hiện phân hạng đất gắn với từng loại cây trồng chính:
+ Đối với đất trồng cây hằng năm và mặt nước nuôi trồng thủy sản được chia làm 6 hạng: thực hiện phân hạng đất trồng lúa và mặt nước nuôi trồng thủy sản trước; trên cơ sở đó phân hạng đất trồng các loại cây khác.
+ Đối với đất trồng cây lâu năm được chia làm 5 hạng: thực hiện phân hạng đất đối với đất trồng cây chè, cây cao su, cây cà phê, cây hồ tiêu, cây ăn quả ở vùng chuyên canh tập trung…; từ đó, phân hạng đất trồng các loại cây khác.
Việc tham khảo năng suất cây trồng đã đạt được để phân hạng đất, phải theo nguyên tắc lấy tiêu chuẩn hạng đất theo 4 yếu tố làm tiêu chuẩn là chủ yếu, còn năng suất đạt được chỉ là yếu tố kết hợp, kiểm tra lại. Các trường hợp cụ thể như sau:
+ Ruộng đất được xếp vào cùng một hạng đất tính thuế phải có cùng tiêu chuẩn của 4 yếu tố và cùng bậc năng suất; trường hợp cùng đạt tiêu chuẩn hạng đất của 4 yếu tố, nhưng năng suất đạt được khác nhau thì vẫn cùng một hạng đất tính thuế.
+ Ruộng có cùng năng suất đạt được như nhau, nhưng khác nhau về tiêu chuẩn hạng đất của 4 yếu tố; thì ruộng có thang điểm của 4 yếu tố đạt cao sẽ xếp vào hạng đất tính thuế cao, ruộng có thang điểm của 4 yếu tố đạt thấp sẽ xếp vào hạng đất tính thuế thấp.
Năng suất cây trồng dùng để tham khảo, kiểm tra trong việc phân hạng đất tính thuế là năng suất tính trong điều kiện thời tiết bình thường với trình độ canh tác trung bình ở địa phương. Năng suất thực tế đã đạt được của từng hộ nông dân chỉ là cơ sở để đánh giá năng suất trung bình; năng suất cá biệt của từng hộ nông dân không được dùng để kiểm tra hạng đất tính thuế.
Hạng đất tính thuế được xác định theo phương pháp trên đây là đổi mới rất cơ bản của Dự án Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp so với phương pháp phân hạng đất tính thuế chủ yếu dựa vào năng suất cây trồng của Pháp lệnh thuế nông nghiệp hiện hành.
Hạng đất tính thuế được ổn định trong 10 năm là tương đối phù hợp với sự biến đổi khả năng sản xuất của đất và cũng là thời gian để khuyến khích nông dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh; và cũng là thời gian thích hợp để Nhà nước tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm thuế sử dụng đất cho nông dân, thực hiện tư tưởng chính sách khoan sức dân.
+ Đối với đất trồng cây lâu năm, việc áp dụng tính thuế theo hạng đất thay cho tính thuế theo sản lượng hàng năm của Pháp lệnh thuế hiện hành là một sự đổi mới lớn, có tác dụng khuyến khích sản xuất mạnh hơn.
5. Về mức động viên thuế và biểu thuế:
Đây là vấn đề cốt lõi của chính sách và cũng là vấn đề có nhiều ý kiến nhất.
Biểu thuế của Dự luật thuế sử dụng đất nông nghiệp lần này được xây dựng trên các cơ sở sau đây:
- Căn cứ vào thực tiễn các năm trước, có nghiên cứu khảo sát thực tế ở các vùng trong cả nước, tính toán hiệu quả sản xuất của các loại cây trồng chính trên đất, mức sống của nông dân các vùng, v.v..
- Mức động viên thuế đã có sự cân nhắc khả năng tài chính nhà nước, nhất là ở cấp huyện và xã; theo quan điểm phải tạo cho cơ sở chủ động có thu để chi, từng bước chuyển thuế sử dụng đất nông nghiệp thành thuế địa phương.
Sau khi cân nhắc các mặt, chúng tôi đề nghị Biểu thuế được xây dựng theo phương pháp: định suất thuế một năm tính bằng kilôgam thóc trên một ha của từng hạng đất như sau:
a) Đối với đất trồng cây hàng năm và mặt nước nuôi trồng thủy sản:
Hạng
đất
|
Pháp lệnh thuế nông nghiệp hiện hành (định suất thuế đối với xã đồng bằng)
|
Dự kiến Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp
|
Đã công bố lấy ý kiến nhân dân
|
Trình Quốc hội
|
1
|
2
|
3
|
4
|
1
|
700
|
600
|
550
|
2
|
560
|
500
|
460
|
3
|
420
|
400
|
370
|
4
|
350
|
300
|
280
|
5
|
280
|
180
|
180
|
6
|
210
|
50
|
50
|
7
|
100
|
|
|
b) Đối với đất trồng cây lâu năm:
Pháp lệnh thuế nông nghiệp hiện hành
|
Dự kiến Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp
|
Hạng đất
|
Đã công bố lấy ý kiến nhân dân
|
Trình Quốc hội
|
1
|
2
|
3
|
4
|
(Không thu theo hạng đất, mà thu theo tỷ lệ (%) với mức từ 10% - 20% trên tổng sản lượng năm, cao hơn mức trình Quốc hội lần này bình quân khoảng 30-50%).
|
1
|
840
|
650
|
2
|
700
|
550
|
3
|
560
|
400
|
4
|
420
|
200
|
5
|
250
|
80
|
6
|
70
|
Không có hạng 6
|
Đối với đất trồng cây lấy gỗ do tính chất thu hoạch gọn một năm hoặc một vài năm, lại chuyển sang trồng mới, nên không thể áp dụng thu theo mức thuế tuyệt đối bằng định suất được. Do đó, phải thu thuế theo số lượng khai thác thực tế với thuế suất là 5% (Pháp lệnh hiện hành thu bằng 10-15%).
Cây ăn quả lâu năm trồng trên đất trồng cây hàng năm phải chịu thuế bằng 1,3 lần đất trồng cây hàng năm cùng hạng.
Với biểu thuế trên, dự kiến thuế ghi thu hàng năm trên đất trồng cây hàng năm là 1 triệu 100 ngàn tấn quy thóc, giảm 400 ngàn tấn so với mức ghi thu của Pháp lệnh thuế nông nghiệp hiện hành. Mức thuế tuyệt đối trên các hạng đất đều thấp hơn mức thuế hiện hành từ 20 đến 25%.
Với biểu thuế trên, thuế thực thu hàng năm (sau khi trừ, giảm, miễn vì thiên tai và giảm miễn khác do Luật thuế quy định) khoảng 850 ngàn tấn, thấp hơn số thuế đã thu được hàng năm từ năm 1984 đến nay trên 400 ngàn tấn một năm.
Thuế tính bằng thóc, nhưng thu bằng tiền. Giá thóc thu thuế bằng tiền sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định. Giá thóc thu thuế được quy định thấp hơn khoảng dưới 10% so với giá thóc tại thị trường ở địa phương trong vụ thu thuế.
6. Về chính sách giảm thuế, miễn thuế:
Dự thảo Luật thuế quy định việc giảm thuế, miễn thuế cho các trường hợp sau đây:
- Giảm thuế hoặc miễn thuế cho đồng bào sản xuất ở vùng cao, miền núi, hải đảo và các hộ nông dân thuộc dân tộc thiểu số mà sản xuất và đời sống còn nhiều khó khăn.
- Miễn thuế cho đất đồi núi trọc, miễn thuế cho rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Miễn thuế từ 5 đến 7 năm đối với đất khai hoang trồng cây hàng năm và miễn từ 3 đến 6 năm đối với đất khai hoang trồng cây lâu năm kể từ khi có thu hoạch.
- Các hộ nông dân di chuyển đến sản xuất ở vùng kinh tế mới: Nếu dùng đất khai hoang vào sản xuất, thì ngoài việc được miễn thuế như quy định đối với đất khai hoang, còn được cộng thêm 2 năm; nếu dùng đất là đất đang sản xuất nông nghiệp thì được miễn thuế trong 3 năm đầu.
- Trường hợp mùa màng bị thiệt hại nặng do thiên tai, sâu bệnh, địch họa, v.v. sẽ được giảm hoặc miễn tùy vào tình hình thiệt hại: thiệt hại từ 10% đến dưới 30% thì được giảm thuế theo tỷ lệ tương ứng; thiệt hại từ 30% đến dưới 40%, giảm thuế 70%; thiệt hại từ 40% trở lên được miễn thuế. Thực hiện giảm, miễn thuế đến từng hộ nông dân và mất mùa vụ nào giảm miễn vụ đó, không lấy vụ được mùa bù đắp cho vụ mất mùa.
Trong điều kiện hiện nay nhất là sau khi thực hiện “khoán 10” một số đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đời sống còn gặp nhiều khó khăn và những khoản đãi ngộ cho các đối tượng này ở nông dân bị thu hẹp. Do đó, cần đưa vào Luật này việc giảm thuế, miễn thuế cho một số đối tượng thuộc diện chính sách xã hội như sau:
- Miễn thuế cho hộ nộp thuế là thương binh 1/4 và 2/4, bệnh binh hạng 1/3 và 2/3; miễn thuế cho bố, mẹ, vợ, chồng liệt sĩ là người già yếu cô đơn, không nơi nương tựa;
- Giảm thuế cho hộ nộp thuế có thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng không thuộc diện được miễn thuế do đời sống có nhiều khó khăn.
Cùng với việc giảm động viên thuế từ nông nghiệp, Chính phủ sẽ khẩn trương chỉ đạo các ngành, các địa phương từ năm 1994 trở đi thực hiện:
- Đẩy mạnh các biện pháp và chính sách khuyến nông.
- Thống nhất hóa các khoản đóng góp ngoài thuế của nông dân cho xã, thôn, xóm, v.v. về mức độ và phạm vi phải đóng góp và thực hiện công khai trong nông dân, thống nhất trong phạm vi cả nước;
- Nhà nước sẽ tiếp tục không thu phần khấu hao cơ bản của các công trình thủy lợi trong mức thu thủy lợi phí;
- Sắp xếp lại tổ chức hệ thống dịch vụ phục vụ nông nghiệp và nông thôn theo hướng giảm bớt các khâu trung gian; bán đúng giá các loại vật tư hàng hóa cho nông dân, trước mắt là giá điện và giá các loại vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu…
- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tổ chức thu thuế; thực hiện công khai dân chủ từ khâu tính thuế, lập sổ thuế, thông báo mức thuế phải nộp, mức thuế được giảm, miễn, v.v. của từng hộ nông dân. Đồng thời, thực hiện quy trình tách ba bộ phận độc lập (tính thuế; thu thuế; kiểm tra thuế) trong công tác tổ chức thu thuế; bảo đảm tăng cường việc kiểm tra, giám sát lẫn nhau, góp phần hạn chế tiêu cực.
Với những nội dung cơ bản trình bày trên đây, Dự luật thuế sử dụng đất nông nghiệp lần này được soạn thảo theo hướng thực sự là công cụ quản lý của Nhà nước với nông nghiệp và nông thôn và quán triệt được những quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng Luật thuế.
Tuy nhiên, Dự luật thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng còn những hạn chế nhất định:
1. Việc dùng hạng đất làm căn cứ tính thuế, mức thuế của từng hạng đất tính bằng thóc là kế thừa phương pháp xác định mức thuế của Pháp lệnh thuế nông nghiệp hiện hành, vì chưa có đủ điều kiện tiền đề để xác định trực tiếp mức thuế bằng tiền. Trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ từng bước cải tiến chuyển dần sang tính thuế trực tiếp bằng tiền và ổn định mức thu thuế bằng tiền.
2. Chính sách miễn, giảm thuế cho các đối tượng chính sách xã hội sẽ được nông dân hoan nghênh, nhưng cũng sẽ rất phức tạp trong việc tổ chức thực hiện.
Dự án Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp có 9 chương với 38 điều:
Chương I: Những quy định chung có 4 điều.
Chương II: Căn cứ tính thuế và biểu thuế có 5 điều.
Chương III: Kê khai tính thuế và lập sổ thuế có 5 Điều.
Chương IV: Thu thuế và nộp thuế có 3 điều.
Chương V: Giảm thuế và miễn thuế có 7 điều.
Chương VI: Xử lý vi phạm có 4 điều.
Chương VII: Khiếu nại và thời hiệu có 3 điều.
Chương VIII: Tổ chức thực hiện có 5 điều.
Chương IX: Điều khoản cuối cùng có 2 điều.
Chính phủ xin trình Quốc hội xem xét và quyết định tại kỳ họp này để có thể triển khai thi hành từ năm thuế 1994.
Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội