VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH
CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
 

(Do ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IX, ngày 24-6-1993)

 


 

Kính thưa Quốc hội,

Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ 2 tháng 12 năm 1992 giao cho Ủy ban kinh tế và ngân sách cùng Ủy ban pháp luật theo dõi và thẩm tra Dự án Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã nhiều lần làm việc với Ban soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến của các địa phương, các nhà khoa học để phục vụ cho công tác thẩm tra của hai Ủy ban.

Trước khi Dự luật được công bố lấy ý kiến nhân dân, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã họp Ủy ban ở hai miền, có sự tham gia của một số đại biểu Quốc hội đang công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, của Ủy ban pháp luật, Ủy ban khoa học - công nghệ và môi trường và đại diện của một số ban, ngành liên quan, v.v., để đóng góp ý kiến vào Dự thảo luật. Sau khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự luật đã được công bố lấy ý kiến nhân dân.

Trong suốt thời gian lấy ý kiến nhân dân, Văn phòng Quốc hội đã nhận được hàng vạn ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân, của các đoàn đại biểu Quốc hội và của các cơ quan nhà nước.

Sau khi tổng hợp và nghiên cứu các ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo Dự luật và Thường trực Ủy ban kinh tế và ngân sách đã tiếp thu, chỉnh lý lại Dự luật và báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp ngày 20 tháng 5 năm 1993. Ngày 25 tháng 5 năm 1993, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã họp phiên toàn thể có sự tham gia của đại diện Ủy ban pháp luật, Ủy ban khoa học - công nghệ và môi trường, Hội đồng dân tộc và các ban, ngành liên quan thẩm tra lại Dự luật lần cuối trước khi trình ra Quốc hội kỳ này.

Tổng hợp ý kiến trong hội nghị thẩm tra, Ủy ban kinh tế và ngân sách xin trình Quốc hội một số ý kiến sau:

I- QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ THẢO VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Dự thảo Luật thuế nông nghiệp và Dự luật thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được trình ra Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 7 và thứ 9, nhưng cả hai lần đều chưa được thông qua. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 2 vừa qua về xây dựng Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp thay cho Pháp lệnh thuế nông nghiệp hiện hành, Chính phủ đã thành lập Ban soạn thảo gồm các đồng chí lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan và một số đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đại diện cho các vùng sản xuất nông nghiệp.

Ban soạn thảo Dự luật đã nhanh chóng triển khai và qua nhiều lần chỉnh lý xin ý kiến của Chính phủ, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân nên đã hoàn thiện bản Dự thảo. Dự luật trình Quốc hội lần này đã có những thay đổi căn bản về nội dung và hình thức, đồng thời thể hiện được các yêu cầu sau:

- Quán triệt được tư tưởng chỉ đạo của Nhà nước là “khoan sức dân, từng bước giảm thuế cho dân” đồng thời chú ý đến mức động viên hợp lý vào ngân sách.

- Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng đất tiết kiệm, thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ tạo ra ngày càng nhiều nông sản hàng hóa cho nhu cầu xã hội.

- Bảo đảm được tính công bằng, hợp lý, dễ hiểu, dễ làm.

Chính sách về thuế nông nghiệp của nước ta đang thực hiện theo Pháp lệnh thuế nông nghiệp được sửa đổi từ năm 1989. Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, việc thu thuế theo Pháp lệnh hiện hành đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Biểu hiện rõ nhất là cách tính thuế dựa chủ yếu vào năng suất cây trồng, do đó, không động viên được khả năng đầu tư thâm canh của nông dân, chưa phù hợp với nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Hơn nữa, cơ chế tổ chức thu thuế chủ yếu dựa vào hợp tác xã, nhưng trên thực tế đất đai đã phần lớn được giao tới tận hộ nông dân và sẽ tiếp tục được giao quyền sử dụng lâu dài, ổn định theo tinh thần của Luật đất đai. Vì vậy, việc ban hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời điểm hiện nay không những là cần thiết mà còn rất cấp bách, nó tác động vào một đối tượng rộng lớn, chiếm đại bộ phận dân cư (gần 10 triệu hộ nông dân). Ổn định và phát triển đời sống của bộ phận dân cư này cũng góp phần làm ổn định các vấn đề xã hội nói chung của nước ta hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất, thu hút vốn đầu tư thâm canh, đưa sản xuất nông nghiệp nước ta phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo.

II- NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ

1. Về tên gọi của Dự luật:

Tên gọi của Dự luật đã được thảo luận nhiều lần qua các kỳ họp thứ 7, thứ 9 Quốc hội khóa VIII. Hiện nay, qua thảo luận và qua các ý kiến đóng góp của nhân dân, cũng còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến đề nghị lấy tên là “Luật thuế đất nông nghiệp”, hoặc “Luật thuế sử dụng đất nông - lâm nghiệp”… Các ý kiến này đều dựa trên những luận cứ nhất định. Nhưng ý kiến của Ủy ban chúng tôi cho rằng, tên gọi của Luật thuế là “Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp” không những phù hợp với tinh thần của Điều 4 Luật đất đai: “Người sử dụng đất phải nộp thuế sử dụng đất theo quy định của luật pháp” hơn nữa, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX vừa qua, Quốc hội đã thông qua tên của Luật này là: “Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp”. Như vậy, về tên gọi “Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp” phù hợp cả về mặt pháp lý và cả trên thực tế.

2. Đối tượng chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp:

Quy định trong Dự luật bao gồm:

- Đất trồng trọt;

- Đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản;

- Đất rừng trồng.

Có ý kiến đề nghị không nên đưa đất rừng trồng vào đối tượng chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp vì Luật này điều tiết vào việc sử dụng đất nông nghiệp chứ không phải đất rừng trồng. Hơn nữa, đất rừng trồng khi tiêu thụ sản phẩm đã phải nộp tiền nuôi rừng (mức thu trung bình khoảng 37% giá trị sản lượng khai thác). Cũng có ý kiến nêu, trên thực tế hiện nay rừng trồng thường được xen canh với các loại cây hàng năm, việc phân biệt giữa đất rừng trồng và đất nông nghiệp có nhiều phức tạp. Chúng tôi cho rằng, việc đưa đối tượng đất rừng trồng vào chịu thuế theo Luật này nhằm thu thuế thống nhất các loại đất đai dùng vào sản xuất. Cùng với việc áp dụng Luật này sẽ bãi bỏ chế độ thu tiền nuôi rừng đối với rừng trồng hiện nay (Điều 36). Hơn nữa, quy định trong Dự luật chỉ thu bằng 5% giá trị sản lượng khai thác là rất khuyến khích đối với hộ nông dân trồng rừng. Số thu này thấp hơn nhiều so với chế độ thu tiền nuôi rừng hiện nay là hợp lý.

Đối với đất đồng cỏ tự nhiên để chăn nuôi, qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, lần này Dự luật không đưa vào đối tượng chịu thuế, còn nếu là đồng cỏ trồng, đồng cỏ đã được giao cho nông trường, trạm trại chăn nuôi, v.v. thì phải chịu thuế theo loại đất trồng trọt. Như vậy là phù hợp và không bỏ sót đối tượng chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Về phạm vi điều chỉnh của Dự luật, có ý kiến đề nghị hộ nông trường viên được nông trường giao đất sử dụng lâu dài cũng cần được coi là hộ nộp thuế. Đây là vấn đề cần xem xét, nhưng về mặt pháp lý, nông trường là đơn vị được Nhà nước giao đất để sản xuất, kinh doanh, do đó, nông trường phải là đơn vị nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Hộ nông trường viên chỉ là hộ nhận khoán đất của nông trường. Luật chỉ cần quy định có tính nguyên tắc như ở Điều 1, còn quy định cụ thể nên để các văn bản hướng dẫn của Chính phủ.

3. Các căn cứ để tính thuế và việc phân hạng đất để tính thuế:

Trong Dự luật có nêu các căn cứ gồm: diện tích, hạng đất và định suất thuế:

- Đa số ý kiến nhất trí với ba căn cứ này. Nhưng về căn cứ: diện tích, qua kết quả lấy ý kiến nhân dân và các ý kiến phát biểu, nhiều ý kiến đề nghị phải quy định rõ diện tích nào được dùng để tính thuế vì trên thực tế, có nhiều loại diện tích dùng trong thống kê như: diện tích giao khoán, diện tích thống kê, diện tích tính thuế hiện nay, diện tích thực sử dụng… Tính thuế theo diện tích thực tế sử dụng giao cho hộ nông dân là chính xác nhất bởi vì ở nông thôn không thể phân bổ các loại diện tích như bờ vùng, kênh, mương dẫn nước, giao thông nội đồng, v.v. cho từng hộ được, nhất là ở miền núi còn phải khấu trừ đi phần diện tích đá, sỏi, v.v. nằm lẫn vào trong mảnh đất giao cho dân. Ủy ban chúng tôi cho rằng, những ý kiến trên xuất phát từ tình hình thực tế sản xuất ở nông thôn. Vì vậy, trong Luật quy định ba căn cứ chung nhất để tính thuế nhưng khi thực hiện Chính phủ cần quy định chi tiết bằng các văn bản dưới luật.

- Về phân hạng đất tính thuế:

Các Dự thảo trước đây trình Quốc hội cũng như Dự thảo lần này, có nhiều ý kiến khác nhau xuất phát từ thực tế điều kiện tự nhiên của sản xuất nông nghiệp ở nước ta trải dài qua nhiều vĩ tuyến, chịu tác động của nhiều vùng khí hậu khác nhau.

Dự thảo lần này đưa ra 4 yếu tố để làm căn cứ phân hạng đất cho cây hàng năm và cây lâu năm. Đây là một thay đổi cơ bản mang tính khoa học trong phân hạng đất. Thực hiện phân hạng theo các yếu tố trên thì có thể có mảnh ruộng trước kia thuộc hạng này thì bây giờ thuộc hạng khác và ngược lại, buộc người được giao quyền sử dụng ruộng đất phải sử dụng đất có hiệu quả và có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ theo Luật định. Tuy nhiên trong thực tế, việc bình xếp hạng đất rất phức tạp vì công tác thống kê, đo đạc, chất đất, địa hình, v.v. của ruộng đất ở nước ta hiện nay chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, tham khảo thêm yếu tố năng suất bình quân là cần thiết, tạo điều kiện giải quyết những trường hợp chưa rõ ràng khi căn cứ vào 4 yếu tố trên.

Đa số ý kiến của Ủy ban chúng tôi nhất trí với cách phân hạng như Dự thảo. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, về yếu tố điều kiện tưới tiêu chỉ nên căn cứ vào tưới tiêu tự nhiên để phân hạng đất, còn tưới tiêu có tác động của biện pháp thủy lợi thì nông dân đã đóng thủy lợi phí. Nhưng thủy lợi phí hiện nay thu được chỉ đủ chi phí cho duy tu, bảo dưỡng nhỏ các công trình thủy lợi và trả lương cho cán bộ, công nhân các công ty thủy nông, nhà nước vẫn phải bỏ một nguồn ngân sách khá lớn cho việc sửa chữa và đầu tư xây dựng các công trình mới. Vì vậy, coi điều kiện tưới tiêu là một yếu tố làm căn cứ phân hạng đất là phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay.

Trên cơ sở các yếu tố phân hạng đất, đất được chia làm 6 hạng đối với cây hàng năm và 5 hạng đối với cây lâu năm. Khi phân tích về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đề nghị phân nhiều hạng đất hơn hoặc nếu giữ 6 hạng như Dự thảo thì phải chia thành 3 vùng (đồng bằng, trung du, miền núi) hoặc cứ để nguyên 7 hạng để đỡ xáo trộn trong công tác phân hạng đất ở nông thôn. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, đề nghị chỉ phân làm 4 hoặc 5 hạng để đơn giản trong việc phân hạng đồng thời phù hợp với xu thế ngày càng giảm thuế trong nông nghiệp cho dân. Qua tổng hợp ý kiến đóng góp của đa số nhân dân, Ủy ban chúng tôi tán thành để như Dự thảo là hợp lý. Riêng đối với cây lâu năm đất được phân thành 5 hạng thống nhất trong cả nước để tính thuế vừa phù hợp với thực trạng đất đai, đồng thời, cũng tạo điều kiện khuyến khích nông dân đầu tư vốn vào trồng cây lâu năm, từng bước phá vỡ thế độc canh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Về thời hạn ổn định hạng đất, có ý kiến đề nghị nên theo thời gian giao quyền sử dụng đất đai. Cũng có ý kiến đề nghị là 5 năm. Đa số tán thành để thời hạn ổn định là 10 năm như Dự thảo cho cả cây lâu năm và cây hàng năm. Thời hạn này vừa bảo đảm cho việc tiến hành điều chỉnh lại hạng đất, đồng thời cũng khuyến khích việc đầu tư thâm canh. Hơn nữa, sau thời hạn này, Nhà nước sẽ điều chỉnh lại biểu thuế theo hướng ngày càng khuyến khích sản xuất.

- Về mức động viên:

Chúng ta đều biết rằng, thuế nông nghiệp qua từng thời kỳ được điều chỉnh theo xu thế ngày càng giảm. Theo chính sách thuế nông nghiệp hiện hành, tỷ lệ động viên là 10% sản lượng bình quân 3 năm (1980-1982). Qua nhiều lần chỉnh lý, Dự thảo lần này đưa ra mức động viên tương đương 5% sản lượng bình quân 5 năm (1986 - 1990) với số tuyệt đối khoảng 1 triệu 100 nghìn tấn (thấp hơn số ghi thu năm 1992 là 400.000 tấn). Trên thực tế, số thuế thu được sẽ còn thấp hơn nữa và càng thấp hơn so với sản lượng ngày càng tăng trong nông nghiệp vào những năm tiếp theo.

Một số ý kiến cho rằng, so sánh với một số nước trên thế giới, thuế sử dụng đất nông nghiệp của ta quy định như vậy vẫn còn cao, cần hạ thấp hơn nữa. Đồng thời, nên tập trung thu qua các hình thức gián thu khác (thu qua giá, qua xuất - nhập khẩu, qua chế biến…). Thực hiện như vậy, thì người nông dân có vốn trực tiếp tái đầu tư vào sản xuất. Hơn nữa, nông dân của nước ta vốn đã đóng góp nhiều công sức trong cuộc chiến tranh giữ nước, phần lớn trong số họ vẫn còn nghèo, có để lại cho họ thì cũng là chính sách hợp lòng dân, phù hợp với quan điểm “khoan sức dân, giảm thuế cho dân” của Nhà nước ta.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một mặt thuế sử dụng đất nông nghiệp phải căn cứ vào thực tế tình hình sản xuất và mức sống của nông dân nhưng đồng thời cũng phải chú ý đến thực trạng ngân sách của Nhà nước trong từng giai đoạn lịch sử. Nếu chỉ đặt vấn đề giảm thuế cho dân mà không chú ý đến việc cân đối ngân sách chung thì cũng là phiến diện.

Ủy ban kinh tế và ngân sách cho rằng, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay cũng như trong tương lai gần vẫn còn mang tính sản xuất nhỏ là phổ biến. Yêu cầu đầu tư vào nông nghiệp còn rất lớn. Vì vậy, mức độ động viên ghi trong Dự thảo sau khi tiếp thu ý kiến của nhân dân là hợp lý, đã chú trọng tới việc giảm thuế cho dân và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách. Hơn nữa, Nhà nước ta thu thuế cũng chính là để phục vụ cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có phần đầu tư trở lại cho nông dân cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Hiện nay, một vấn đề còn đang tranh luận chung quanh tỷ lệ động viên giữa cây lâu năm và cây hàng năm, đây là vấn đề khá phức tạp. Có ý kiến cho rằng, quy định như Dự luật là không hợp lý, chưa tạo điều kiện khuyến khích nông dân đầu tư vốn trồng cây lâu năm. Ý kiến này cho rằng, cây lâu năm được trồng trên đất mà cây hàng năm không thể trồng được, hiệu quả đồng vốn thấp, chậm khắc phục hậu quả khi có thiên tai, hơn nữa cây lâu năm còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, phủ xanh đất trống, đồi trọc… Vì vậy, đánh thuế cây lâu năm cao hơn cây hàng năm là không có cơ sở khoa học. Có chăng chỉ nên đánh thuế cao hơn đối với cây ăn trái nhằm hạn chế việc chuyển đất hàng năm sang đất trồng cây lâu năm mà thôi.

Có ý kiến đề nghị nên đánh theo hạng đất cùng hạng với cây hàng năm, nhưng ngược lại có ý kiến đề nghị phải động viên cao hơn, thậm chí tới 2,5 lần đất cùng hạng cây hàng năm vì loại cây này có thu nhập cao.

Quan điểm của Ủy ban chúng tôi nhất trí như Dự thảo, vì ở mức này, hạng cao nhất (hạng 1) cây lâu năm mới chỉ chịu thuế bằng 1,18 lần so với hạng cao nhất của cây hàng năm. Dưới góc độ thuế sử dụng đất thì chưa thật hợp lý nhưng trong thực tế của nước ta việc thu thuế đối với cây lâu năm vốn đã rất phức tạp, quy định như Dự thảo nhằm từng bước thống nhất việc thu thuế đối với đất trồng cây lâu năm, đồng thời có cân nhắc tới góc độ sinh lời của loại đất này. Riêng đối với đất trồng cây hàng năm chuyển thành đất trồng cây ăn quả, thì nếu là đất hạng 1, 2, 3 phải chịu thuế bằng 1,3 lần so với đất cùng hạng. Nhưng nếu là đất trồng cây hàng năm hạng 4, 5, 6, thì chỉ thu bằng mức thuế cây hàng năm cùng hạng. Quy định như vậy nhằm hạn chế việc chuyển đất hạng tốt đang trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm, đồng thời khuyến khích việc chuyển các loại đất trồng cây hàng năm không tốt sang trồng cây lâu năm. Đề nghị Quốc hội xem xét và cho ý kiến.

4. Chế độ thu thuế:

Dự thảo quy định là thuế sử dụng đất nông nghiệp được tính bằng thóc và thu bằng tiền. Hầu hết ý kiến đều nhất trí với cách thu này vì nó nhanh gọn, phù hợp với thực tế nước ta và với xu thế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nhưng cũng có một vài ý kiến băn khoăn chung quanh việc quy định giá thu thuế, thời điểm thu thuế. Việc quy định giá thu thuế nên để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và cho phép thấp hơn không quá 10% giá thị trường tại thời điểm thu thuế. Dự luật cũng đã quy định để quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thu thuế bằng tiền hay bằng thóc tại địa phương mình tùy tình hình cụ thể của năm thuế.

5. Vấn đề miễn thuế và giảm thuế:

Miễn, giảm thuế là một vấn đề phức tạp. Trước đây cũng như Dự thảo lần này, vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Đối với việc miễn, giảm cho các loại đất dùng vào sản xuất nông nghiệp, các ý kiến của Ủy ban chúng tôi đều cho rằng, miễn hoặc giảm cho các đối tượng ghi trong Dự luật là hợp lý cả về thời gian cũng như đối tượng được hưởng. Với mức độ miễn, giảm như vậy sẽ tạo điều kiện khuyến khích sản xuất phát triển.

Trong trường hợp bị thiên tai, địch họa làm thiệt hại mùa màng, đa số ý kiến cho rằng, thiệt hại từ 40% trở lên thì Nhà nước miễn thuế cho dân. Dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của nhân dân và đã chỉnh lý theo mức này. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị nên hạ xuống mức 30%. Đúng là trên thực tế, thiệt hại từ 30% sản lượng trở lên thì người sản xuất sẽ gặp khó khăn trong vấn đề nộp thuế nhưng không có nghĩa là không có trách nhiệm nộp thuế cho Nhà nước. Vì vậy, thiệt hại ở mức này nên quy định giảm thuế ở mức 70% là vừa phải và hầu hết ý kiến của Ủy ban chúng tôi tán thành như Dự thảo.

Về việc miễn, giảm cho các đối tượng chính sách xã hội trong Ủy ban chúng tôi vẫn còn tồn tại hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không nên đưa vấn đề này vào trong Luật vì Điều 1 đã quy định: “Tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đều phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp” và đã là luật thì mọi đối tượng quy định trong Luật đều phải chấp hành. Do đó, cần tách các chính sách xã hội ra ngoài chính sách thuế để bảo đảm tính công bằng trong thuế. Nhà nước nên có chính sách giúp đỡ đối với các đối tượng này bằng các hình thức khác.

Loại ý kiến thứ hai đa số hơn cho rằng, trong điều kiện nước ta hiện nay, các chính sách xã hội của Nhà nước chưa được hoàn chỉnh, trong khi đó thì việc điều hòa, hỗ trợ của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất không còn nữa, nếu Nhà nước không quan tâm đến một bộ phận nông dân là những gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng đã đóng góp xương máu cho cách mạng, cho kháng chiến là không hợp đạo lý. Vì vậy, cần thiết phải đưa chính sách xã hội vào trong Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Đây cũng là vấn đề xin Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

Ngoài những vấn đề cơ bản trên đây, có một số vấn đề cũng đáng quan tâm khác như việc chỉ đạo thực hiện Luật, vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa thuế sử dụng đất nông nghiệp với thủy lợi phí ở các địa phương, vấn đề điều tiết những người có thu nhập cao trong nông thôn do sử dụng nhiều diện tích đất…

Những vấn đề này không thể quy định cụ thể ngay trong Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhưng Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để có chính sách giải quyết hợp lý, kịp thời trên cơ sở tinh thần của Luật này khi được Quốc hội thông qua.

Kính thưa Quốc hội,

Cũng như Luật đất đai (sửa đổi), Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp đang được dư luận rộng rãi của nhân dân quan tâm, theo dõi.

Xuất phát từ quá trình xây dựng thận trọng, công phu của Dự luật và ý kiến đóng góp của Quốc hội khóa VIII qua nhiều kỳ họp; từ nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động và yêu cầu của tình hình thực tế sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay, Ủy ban kinh tế và ngân sách đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Ban soạn thảo chỉnh lý lại Dự luật để Quốc hội thông qua bảo đảm thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 1994. Dự luật được thông qua, không những có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn góp phần làm ổn định tình hình xã hội ở nông thôn nước ta.

Trên đây là một số vấn đề chính, nổi lên được Ủy ban chúng tôi thảo luận và đề cập trong quá trình theo dõi và thẩm tra Dự luật thuế sử dụng đất nông nghiệp. Trình Quốc hội xem xét và quyết định.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội