TỜ TRÌNH CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ
DỰ THẢO QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
(Do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu, trình bày
tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IX, ngày 25-6-1993)
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội Dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội:
I- SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH QUY CHẾ
VÀ QUÁ TRÌNH SOẠN THẢO
Ủy ban thường vụ Quốc hội được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ nhất (tháng 9 năm 1992) bầu ra và từ đó đến nay, đã làm việc thường xuyên theo Luật định. Tuy nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Quốc hội và các luật khác về tổ chức bộ máy nhà nước quy định khá đầy đủ, nhưng ở nhiều văn bản khác nhau, cần được hệ thống lại và cụ thể hoá trong một văn bản. Mặt khác, mặc dù Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành "một số quy định tạm thời về chế độ làm việc và phân công công tác” nhưng văn bản này mới chỉ quy định một số điểm về chế độ làm việc, chủ yếu là phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội và phân công một số công việc đối với thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Do đó, việc xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong quá trình tiếp tục đổi mới.
Bản Dự thảo trình ra Quốc hội lần này đã qua 7 lần chỉnh lý; đã được Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đã gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
II- BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ THẢO
Dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm 3 chương, 45 điều.
Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6): Chương này quy định những vấn đề chung về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động, quan hệ công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; những văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; trách nhiệm của tập thể Ủy ban thường vụ Quốc hội và của từng thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Chương II: Nội dung hoạt động và mối quan hệ công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội (từ Điều 7 đến Điều 42). Chương này hệ thống lại các nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội được quy định tại Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Quốc hội và các luật tổ chức bộ máy nhà nước khác; đồng thời cụ thể hóa một số nhiệm vụ, quyền hạn trên cơ sở kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn hoạt động của Hội đồng Nhà nước trước đây và Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa IX từ khi được bầu ra đến nay.
Việc bố trí các điều trong Chương này về cơ bản sắp xếp như thứ tự về các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 91 của Hiến pháp năm 1992 cũng như Điều 6 của Luật tổ chức Quốc hội, cụ thể là:
- Việc công bố và chủ trì cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, quy định ở Điều 7;
- Việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội, quy định tại Điều 8, Điều 10 và Điều 11; việc giới thiệu để Quốc hội bầu Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội quy định ở Điều 9;
- Trong công tác xây dựng pháp luật như chuẩn bị trình Quốc hội thông qua chương trình xây dựng pháp luật, chỉ đạo việc thực hiện chương trình, quy trình thông qua pháp lệnh, xem xét Dự án luật, giải thích Hiến pháp, luật, Pháp lệnh được quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17;
- Trong công tác giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và công tác giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân được quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 và Điều 24;
- Việc ấn định và công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, giám sát việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, quy định tại Điều 25; việc giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, quy định tại Điều 26;
- Việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, quy định tại Điều 27; việc hướng dẫn bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội, quy định tại Điều 28;
- Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược, quy định tại Điều 29;
- Việc quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương, quy định tại Điều 30;
- Việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội, quy định tại Điều 31;
- Việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội, quy định tại Điều 32;
- Về các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội như dự kiến chương trình, triệu tập, tiến hành phiên họp, v.v. được quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38 và Điều 39;
- Về mối quan hệ công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, được quy định tại Điều 40, Điều 41 và Điều 42.
Chương III: Bộ máy giúp việc và kinh phí hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội (từ Điều 43 đến Điều 45).
III- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN XIN Ý KIẾN
Các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Quy chế về cơ bản tán thành với các nội dung được quy định trong bản Dự thảo. Tuy nhiên, một số vấn đề sau đây còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến:
1. Về các văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 5): Dự thảo quy định văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm có pháp lệnh và nghị quyết. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị có loại văn bản kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bởi vì, thực tế cho thấy rằng, không phải bất cứ vấn đề gì Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp đều ra nghị quyết; các kết luận của Hội đồng Nhà nước trước đây và của Ủy ban thường vụ Quốc hội hiện nay đều có giá trị pháp lý nhất định và được các cơ quan hữu quan tiếp thụ để thực hiện.
2. Về việc chủ trì kỳ họp Quốc hội (Điều 11): để góp phần nâng cao hiệu quả các kỳ họp Quốc hội, căn cứ vào các quy định của pháp luật và trên cơ sở kinh nghiệm được rút ra từ các kỳ họp Quốc hội vừa qua, Dự thảo đã cố gắng thể hiện vai trò của tập thể Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc chủ trì các kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, để tránh tình trạng bất cứ một việc gì đều phải hội ý tập thể Ủy ban thường vụ Quốc hội để giải quyết, đề nghị Quốc hội cho phép Ủy ban thường vụ Quốc hội ủy quyền cho Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội giải quyết một số nội dung trong việc chủ trì kỳ họp Quốc hội và thông báo với các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh (Điều 17): về vấn đề này có 2 loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Ủy ban thường vụ Quốc hội nên giao cho Ủy ban pháp luật giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị các văn bản giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, căn cứ vào nội dung của đề nghị giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoặc Văn phòng Quốc hội giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị văn bản giải thích trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban pháp luật của Quốc hội chịu trách nhiệm xem xét và phát biểu với Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các dự thảo văn bản giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
Chúng tôi thấy, loại ý kiến thứ hai hợp lý hơn nên đã thể hiện tinh thần của loại ý kiến này trong Dự thảo.
4. Về giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân (Điều 24): đây là vấn đề quan trọng và bức xúc đối với cơ quan thường trực của cơ quan đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Có ý kiến cho rằng, thể hiện về vấn đề này trong Dự thảo là được và làm được như vậy cũng đã là khó. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn và đề nghị nên có những quy định cụ thể hơn để nâng cao hiệu lực giám sát về vấn đề này của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được bản góp ý kiến của một số đoàn. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin được nghiên cứu tiếp thụ những ý kiến đó cùng với ý kiến đóng góp của các tổ tại kỳ họp thứ ba này để chỉnh lý Dự án trình Quốc hội.
Trên đây là nội dung chủ yếu của Dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội