VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


TỜ TRÌNH CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ DỰ THẢO QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI
 

(Do Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy trình bày
tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IX, ngày 25-6-1993)

 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1993, căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội và theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VII về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho tiến hành soạn thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội. Dự thảo này đã tiếp thu và kế thừa Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội đã được Quốc hội khóa VIII thông qua cũng như những kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội khóa trước đã tổng kết.

Dự thảo đã có sự đóng góp ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các thành viên của Hội đồng dân tộc, và các Ủy ban. Sau khi xem xét Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và Dự thảo Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội tại phiên họp ngày 13-5-1993, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội một số vấn đề chủ yếu về các dự thảo này:

I- VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT HAY HAI QUY CHẾ
VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
VÀ ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

Trong quá trình soạn thảo, có hai loại ý kiến về vấn đề này:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, nên ban hành một Quy chế chung về Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Ý kiến này cho rằng, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn do Luật tổ chức Quốc hội quy định, có nhiều điểm giống nhau về tổ chức hoạt động và đều chịu sự chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hơn nữa, việc ban hành Quy chế chung sẽ tránh được sự chồng chéo, trùng lắp trong các quy định cụ thể về hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần ban hành hai văn bản: Quy chế về Hội đồng dân tộc và Quy chế về các Ủy ban của Quốc hội. Lập luận của loại ý kiến này cho rằng: tuy Hội đồng dân tộc và các Ủy ban đều là các cơ quan của Quốc hội có nhiều điểm tương đồng về tổ chức, hoạt động nhưng Hội đồng dân tộc có vị trí, vai trò và đặc thù riêng. Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn giống như các Ủy ban của Quốc hội, Hiến pháp còn quy định một số quyền hạn khác cho Hội đồng dân tộc và Chủ tịch Hội đồng dân tộc.

Đa số ý kiến đóng góp về Dự thảo đều tán thành ban hành hai Quy chế và trước đây, Quốc hội khóa VIII cũng đã thông qua hai Quy chế. Sau khi xem xét, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho thông qua hai Quy chế: quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội.

II- VỀ BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG
CHỦ YẾU CỦA HAI QUY CHẾ

Hai Dự thảo Quy chế này đều có 5 chương với 37 điều được sắp xếp như sau:

Chương I: Những quy định chung, có 5 điều;

Chương II: Tổ chức và hoạt động, có 22 điều;

Chương III: Mối quan hệ công tác, có 7 điều;

Chương IV: Bộ máy giúp việc và kinh phí hoạt động, có 2 điều;

Chương V: Điều khoản cuối cùng, có 1 điều.

Các Dự thảo Quy chế nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, của Luật tổ chức Quốc hội về tổ chức, hoạt động của Hội đồng dân tộc, của các Ủy ban của Quốc hội với tinh thần bảo đảm các quan điểm, các nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, được thể hiện với những nội dung chủ yếu sau đây:

Chương quy định chung nhằm xác định những nguyên tắc cơ bản nhất về tổ chức, hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban như: Quốc hội thành lập Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, số thành viên của Hội đồng dân tộc và mỗi Ủy ban do Quốc hội định; nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban; Hội đồng dân tộc, các Ủy ban làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số; Hội đồng dân tộc, các Ủy ban chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác của mình trước Quốc hội, trước Ủy ban thường vụ Quốc hội; và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tạo điều kiện cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban hoạt động.

Về tổ chức Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, Dự thảo nêu rõ những quy định về bầu cử, thay đổi, bổ sung các thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban; về vai trò, vị trí và cơ cấu Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban; về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thường trực, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên các Ủy ban, Dự thảo cũng quy định việc tổ chức các tiểu ban và việc mời đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và các chuyên gia tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các tiểu ban.

Về hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, Dự thảo quy định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác; quy định trình tự và những công việc cụ thể trong hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát, hoạt động đối ngoại của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban với hình thức hoạt động chủ yếu là tổ chức các phiên họp và các đoàn công tác; Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm góp phần đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Dự thảo Quy chế cũng quy định mối quan hệ công tác của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban trong quá trình tổ chức hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Dự thảo nêu rõ với vị trí là cơ quan của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban bảo đảm mối quan hệ với Quốc hội, với Ủy ban thường vụ Quốc hội và quan hệ phối hợp giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban với nhau; đồng thời thực hiện mối quan hệ với Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương. Các mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở các quy định mang tính pháp lý đã được ghi trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội.

Để bảo đảm điều kiện phục vụ hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, Dự thảo cũng có một số điều quy định về bộ máy giúp việc và kinh phí dành cho hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban.

III- VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU

1. Về tên của hai Quy chế: có bốn loại ý kiến khác nhau:

- “Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc”; “Quy chế về tổ chức và hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội” như tên gọi cũ.

- “Quy chế tổ chức Hội đồng dân tộc”; “Quy chế tổ chức các Ủy ban của Quốc hội” như tên gọi các Luật tổ chức do Quốc hội mới ban hành.

- “Quy chế về Hội đồng dân tộc; Quy chế về các Ủy ban của Quốc hội”.

- “Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội”.

- Đa số ý kiến đóng góp tán thành với tên gọi của loại ý kiến thứ tư và Dự thảo lấy tên gọi của loại ý kiến này.

2. Về bố cục của Quy chế:

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị nên gộp Chương II và Chương III thành một chương chung lấy tên là Tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác. Có ý kiến khác đề nghị gộp ba chương đầu và cấu tạo lại thành hai chương: Chương về vấn đề tổ chức và Chương về nội dung hoạt động.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, không nên gộp Chương II và Chương III thành một chương chung mà vẫn giữ hai chương như Dự thảo để phân định rõ tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Chương II) và mối quan hệ công tác của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Chương III), đồng thời việc phân định thành hai chương còn bảo đảm sự cân đối, hài hòa với các chương khác của Quy chế. Về chương: Những quy định chung, các văn bản luật, pháp lệnh đều có chương này, do đó, không nên gộp ba chương đầu để cấu tạo thành hai chương như có ý kiến đã đề xuất.

3. Về Chương I: Những quy định chung:

a) Về hai bản Dự thảo Quy chế có một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định "Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số". Nguyên tắc này đòi hỏi phải có quá nửa số thành viên biểu quyết tán thành thì Hội đồng dân tộc, các Ủy ban mới quyết định được các vấn đề cần thiết. Nhưng trong thực tế hiện nay, thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ yếu làm việc theo chế độ không chuyên trách nên khó tổ chức các cuộc họp có đủ số thành viên theo quy định. Do đó, một số vấn đề, một số văn bản chỉ do Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban quyết định, chưa thực hiện được nguyên tắc nói trên. Tuy có khó khăn như vậy, nhưng đây là nguyên tắc đã được quy định trong Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Quốc hội và các cơ quan nhà nước khác nên cần giữ lại quy định này đối với hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, và trong thực tế, cần có sự vận dụng linh hoạt để bảo đảm yêu cầu công tác của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban.

b) Về Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc:

Về thành phần Hội đồng dân tộc, có ý kiến đề nghị ghi rõ: “Đa số thành viên Hội đồng dân tộc phải là đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số”. Hiện tại, thành phần của Hội đồng dân tộc khóa IX đã phản ánh điều này; tuyệt đại đa số thành viên Hội đồng dân tộc là đại biểu các dân tộc thiểu số, chỉ có một đại biểu là người dân tộc Kinh. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị có thể không ghi điều này vào Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc vì trên thực tế vấn đề này đã được giải quyết trong quá trình bầu cử các thành viên của Hội đồng dân tộc.

4. Về Chương II: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc, của các Ủy ban của Quốc hội:

a) Về Thường trực của Hội đồng dân tộc và của các Ủy ban của Quốc hội:

Có ý kiến cho rằng, không nên hình thành Thường trực của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như một cấp giải quyết công việc, vì Luật tổ chức Quốc hội không quy định về Thường trực của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội đều làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, nếu có bộ phận Thường trực thay mặt Hội đồng dân tộc và Ủy ban để quyết định một số vấn đề sẽ trái với nguyên tắc nói trên. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong điều kiện tổ chức, hoạt động hiện nay của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, cần có bộ phận Thường trực để giải quyết những công việc cần thiết.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quy chế cần quy định có Thường trực Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ như đã ghi trong Dự thảo; nhưng bộ phận Thường trực này không phải là một cấp.

Về thành phần của Thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cũng còn có ý kiến khác nhau như sau:

- Thường trực của Hội đồng dân tộc, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch. Thường trực của Ủy ban gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban;

- Thường trực của Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên hoạt động chuyên trách. Thường trực của Ủy ban gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên hoạt động chuyên trách;

- Thường trực của Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số Ủy viên (Ủy viên hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách). Thường trực của Ủy ban gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và một số Ủy viên (Ủy viên hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách).

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chọn phương án thứ 3.

b) Vấn đề dành thời gian cho hoạt động của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội: có ý kiến đề nghị mỗi thành viên Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban làm việc theo chế độ không chuyên trách phải dành ít nhất 60 ngày, có ý kiến lại đề nghị chỉ dành ít nhất 15 ngày trong một năm cho hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Xét tình hình thực tế, thời gian cần thiết cho hoạt động của Hội đồng dân tộc và mỗi Ủy ban có khác nhau, vì vậy, trong Quy chế không quy định thời gian cụ thể.

c) Về việc Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội xem xét đơn thư khiếu nại và tố cáo cũng còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban cần xem xét và tham gia quá trình giải quyết đơn thư khiếu tố về lĩnh vực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban phụ trách. Cũng có ý kiến cho rằng, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban không nên tham gia công tác này, tất cả các đơn thư khiếu tố gửi đến Quốc hội đều do Văn phòng Quốc hội giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội xử lý.

Xuất phát từ tình hình thực tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, với chức năng giám sát, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban cần xem xét một số đơn thư được gửi đến Hội đồng dân tộc và Ủy ban thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc và Ủy ban phụ trách nhưng không biến các cơ quan này thành một cấp giải quyết đơn thư khiếu tố của nhân dân. Do đó, xin được ghi như trong Dự thảo.

5. Về Chương IV: Bộ máy giúp việc và kinh phí hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

a) Về bộ máy giúp việc Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội:

Theo yêu cầu đổi mới hoạt động ngày càng cao, hiện nay Hội đồng dân tộc và các Ủy ban đều có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách. Để đáp ứng yêu cầu đó, Dự thảo Quy chế ghi rõ một điểm mới trong tổ chức bộ máy Văn phòng Quốc hội: Hội đồng dân tộc và mỗi Ủy ban có một Vụ của Văn phòng Quốc hội trực tiếp phục vụ. Còn các nội dung khác của bộ máy giúp việc được thể hiện ở Điều 35 của Dự thảo.

b) Về kinh phí bảo đảm hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, Điều 36 của Dự thảo ghi:

“Trên cơ sở dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định kinh phí dành cho hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban nằm trong ngân sách hoạt động của Quốc hội.

Việc sử dụng kinh phí hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban do Hội đồng dân tộc và các Ủy ban quyết định theo quy định về chế độ tài chính của Nhà nước và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội”.

Trên đây là những vấn đề chủ yếu về nội dung Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội, xin trình Quốc hội xem xét, thông qua.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội