TỜ TRÌNH CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ DỰ ÁN QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU
QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
(Do ông Vũ Mão, Uỷ viên Ủy ban thường vụ Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IX, ngày 25-6-1993)
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Quy chế về đại biểu Quốc hội hiện hành được Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1981. Qua hơn mười năm thực hiện với một số lần sửa đổi, bổ sung, Quy chế đã phát huy tác dụng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo tinh thần của Hiến pháp năm 1992, cụ thể hóa những quy định của Luật tổ chức Quốc hội mới về đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 1993, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo soạn thảo Dự án sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và xây dựng Dự án Quy chế hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong quá trình chuẩn bị Dự án, nhiều ý kiến đề nghị nên nhập hai Quy chế làm một, vì cho rằng nội dung hoạt động của đại biểu Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội quan hệ mật thiết với nhau.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến tới các vị đại biểu Quốc hội hai phương án Dự thảo Quy chế.
Đa số các Đoàn đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án xây dựng một Quy chế chung về hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào nội dung Quy chế.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý và xin trình Quốc hội dự án Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội như sau:
I- VỀ BỐ CỤC
Dự án Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội gồm 5 chương và 51 điều, được sắp xếp như sau:
- Chương I: Những quy định chung (5 điều);
- Chương II: Nội dung hoạt động của đại biểu Quốc hội (15 điều);
- Chương III: Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (13 điều);
- Chương IV: Việc bãi nhiệm, mất quyền đại biểu Quốc hội, việc đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu (3 điều);
- Chương V: Các điều kiện bảo đảm đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (15 điều).
II- VỀ NỘI DUNG
Các nội dung thể hiện trong Dự án Quy chế tập trung vào những vấn đề lớn sau đây:
1. Về vai trò, trách nhiệm và nội dung hoạt động của đại biểu Quốc hội:
a) Về vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội:
Để xác định vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Dự án Quy chế nêu rõ: đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân không chỉ ở đơn vị bầu ra mình, mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri, đồng thời, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình, gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
b) Về việc đại biểu Quốc hội chuẩn bị tham gia kỳ họp Quốc hội:
Để việc thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nội dung kỳ họp Quốc hội được chất lượng, giảm bớt thời gian cho việc thảo luận ở hội trường, Điều 7 của Dự án Quy chế quy định: “Khi nhận được thông báo về thời gian họp, dự kiến chương trình kỳ họp và các tài liệu của kỳ họp Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi đến, đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu tài liệu, tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội”.
c) Về quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh, dự án luật, pháp lệnh:
Quyền trình kiến nghị về luật, về pháp lệnh; quyền trình dự án luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Điều 41 và Điều 62 của Luật tổ chức Quốc hội. Để cụ thể hóa các quy định nói trên tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội thực hiện theo quy trình và thể thức thống nhất, Điều 10 của Dự án Quy chế quy định việc trình kiến nghị về luật, về pháp lệnh như sau: “đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, về pháp lệnh. Việc trình kiến nghị về luật, về pháp lệnh của Đoàn đại biểu Quốc hội được tiến hành theo trình tự:
- Đại biểu Quốc hội gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội bản đề nghị nêu rõ mục đích, yêu cầu nội dung kiến nghị về luật, về pháp lệnh;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét việc đưa kiến nghị về luật, về pháp lệnh của đại biểu Quốc hội vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
- Quốc hội xem xét và quyết định.
Trong trường hợp kiến nghị về luật, về pháp lệnh của đại biểu Quốc hội được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thì việc phân công soạn thảo và trình Dự án Luật, dự án pháp lệnh do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định”.
Cũng tương tự, Điều 11 của Dự án Quy chế quy định việc trình Dự án Luật, dự án pháp lệnh như sau:
“Đại biểu Quốc hội có quyền trình Dự án Luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Việc trình Dự án Luật, dự án pháp lệnh của đại biểu Quốc hội tiến hành theo trình tự:
- Đại biểu Quốc hội gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội Dự án luật, dự án pháp lệnh;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét việc ghi Dự án luật, dự án pháp lệnh của đại biểu Quốc hội vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội;
- Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong trường hợp dự án luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh, thì đại biểu có trách nhiệm chuẩn bị và trình dự án luật, dự án pháp lệnh theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định”.
d) Về quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội:
Điều 25 của Nội quy kỳ họp Quốc hội đã quy định về trình tự chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội nêu ra tại kỳ họp Quốc hội. Để làm rõ thể thức chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, Điều 12 của Dự án Quy chế quy định: trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội gửi chất vấn đến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển chất vấn của đại biểu Quốc hội đến người bị chất vấn và quy định thời hạn trả lời. Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội bằng văn bản; đồng thời gửi văn bản trả lời tới Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với nội dung trả lời, thì có quyền đề nghị Chủ tịch Quốc hội đưa ra thảo luận trước Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội. Người chất vấn và người bị chất vấn được mời dự phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc này. Khi cần thiết Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn.
đ) Về việc tiếp dân, tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội:
Công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri đã được các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội quan tâm thực hiện. Nhưng, nhìn chung trong những năm vừa qua hiệu quả các hoạt động này chưa cao. Để quy định thống nhất, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tiếp dân, Điều 25 của Dự án Quy chế quy định việc tiếp dân như sau:
“Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức việc tiếp dân và phân công các đại biểu trong đoàn tiếp dân để nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; nhận và chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân đến cơ quan và cá nhân có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho Đoàn đại biểu Quốc hội và người khiếu nại, tố cáo biết”.
Điều 26 của Dự án Quy chế quy định nhiệm vụ tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trong thời gian trước kỳ họp Quốc hội: “Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức và phân công đại biểu Quốc hội trong đoàn tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử để thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Kết quả tiếp xúc cử tri phải được Đoàn đại biểu Quốc hội làm báo cáo và gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời hạn chậm nhất là năm ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội”. Cũng tương tự, Điều 27 của Dự án quy định việc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội với cử tri sau kỳ họp Quốc hội: “Trong thời gian một tháng, sau ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức và phân công đại biểu trong đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội với cử tri ở đơn vị bầu cử để phổ biến các nghị quyết, luật và những quyết định khác mà Quốc hội đã thông qua; đồng thời, động viên nhân dân thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thay mặt đoàn hoặc có thể ủy nhiệm đại biểu Quốc hội trong đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện nơi bầu ra đại biểu”.
e) Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với các kiến nghị khiếu nại, tố cáo của công dân:
Thực tế hoạt động trong những năm vừa qua cho thấy, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực này nhìn chung chưa cao. Để khắc phục tình hình này, Điều 15 của Dự án Quy chế quy định: khi nhận được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, chuyển đến các cơ quan, tổ chức hữu quan và đôn đốc, theo dõi việc giải quyết. Đối với trường hợp việc kiến nghị, khiếu nại, tố cáo xảy ra ngoài tỉnh, thành phố nơi đại biểu Quốc hội được bầu, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm chuyển kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đó đến các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời thông báo đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi xảy ra vụ việc để phối hợp đôn đốc, theo dõi việc giải quyết.
2. Về vị trí, vai trò và nội dung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội:
Việc xác định vị trí, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội là một vấn đề quan trọng, làm cơ sở cho việc quy định các nội dung hoạt động của Đoàn.
Trong những năm vừa qua, thực tế cho thấy Đoàn đại biểu Quốc hội đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động của Quốc hội và đã tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Từ thực tế này và để phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội trong giai đoạn hiện nay, Dự án Quy chế đã cố gắng thể hiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội ở một mức độ nhất định để một mặt, không biến Đoàn đại biểu Quốc hội thành một cấp, mặt khác tạo điều kiện cho Đoàn hoạt động có nền nếp và hiệu quả hơn.
a) Về việc tham gia hoạt động lập pháp của Đoàn đại biểu Quốc hội:
Hoạt động lập pháp của Quốc hội gồm nhiều công đoạn và phần việc cụ thể. Mỗi công đoạn đều có vai trò quan trọng và đều góp phần vào hiệu quả cuối cùng là việc thông qua các văn bản pháp luật. Trong tình hình hiện nay, phần lớn các đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, việc tạo điều kiện để các đại biểu có sự nghiên cứu, chuẩn bị tốt để tham gia thảo luận và quyết định các dự án pháp luật tại kỳ họp Quốc hội có chất lượng là rất quan trọng. Điều 22 của Dự án Quy chế đã cố gắng cụ thể hóa một số công việc của Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động này như sau:
“Giữa hai kỳ họp Quốc hội, khi nhận được các Dự án Luật, các dự án và báo cáo do Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi lấy ý kiến, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức họp Đoàn để các đại biểu Quốc hội trong đoàn thảo luận, đóng góp ý kiến.
Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp và báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trong thời hạn theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đối với Dự án luật, các dự án và báo cáo khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi đến để nghiên cứu, chuẩn bị cho việc thông qua tại kỳ họp Quốc hội, thì đại biểu Quốc hội có trách nhiệm chuẩn bị ý kiến phát biểu về các dự án và báo cáo đó”.
b) Về việc tham gia hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội:
Giám sát là chức năng quan trọng của Quốc hội. Trong những năm vừa qua, vai trò giám sát của Quốc hội thể hiện chủ yếu tại kỳ họp Quốc hội, ở chừng mực nhất định qua hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Vai trò của các đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động này vẫn chưa rõ.
Để khắc phục hạn chế này Điều 23 và Điều 24 của Dự án Quy chế quy định nội dung việc tham gia hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội: “Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức các hoạt động khảo sát, kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các quyết định, chỉ thị của Chính phủ ở địa phương.
Theo chương trình hoạt động, Đoàn tổ chức việc khảo sát ở địa phương hoặc cơ sở để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, nắm tình hình, thu thập tài liệu giúp cho việc thảo luận và tham gia quyết định các vấn đề tại kỳ họp Quốc hội, hoặc tìm hiểu tình hình thi hành chính sách, pháp luật ở địa phương” (Điều 23).
“Khi cần thiết, Đoàn đại biểu Quốc hội yêu cầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang ở địa phương; cung cấp tài liệu về những vấn đề mà đoàn quan tâm; xem xét và giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc thi hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, hoặc những vấn đề khác liên quan đến đời sống, kinh tế - xã hội của nhân dân địa phương.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm, trong phạm vi chức năng của mình, giải quyết các yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội”.
c) Về mối quan hệ và chế độ công tác của Đoàn đại biểu Quốc hội:
Trong hoạt động, Đoàn đại biểu Quốc hội thông qua Trưởng Đoàn, thường xuyên giữ mối quan hệ với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; thực hiện chế độ báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội. Để thể hiện nội dung này, Điều 29 của Dự án Quy chế quy định mỗi năm hai lần, vào giữa năm và cuối năm Đoàn đại biểu Quốc hội gửi lên Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng hoặc cả năm của Đoàn.
Để tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Điều 30 của Dự án Quy chế quy định: Đoàn đại biểu Quốc hội cử đại biểu trong đoàn tham gia đoàn công tác của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội khi đoàn công tác về địa phương khảo sát, tìm hiểu tình hình thực tế hoặc làm nhiệm vụ kiểm tra giám sát”.
Mối quan hệ của Đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở địa phương, được quy định tại Điều 31 của Dự án Quy chế như sau: “Đoàn đại biểu Quốc hội quan hệ chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở địa phương; dự kỳ họp Hội đồng nhân dân; khi cần thiết trao đổi, góp ý kiến về việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân ở địa phương.
Khi nhận được các yêu cầu, kiến nghị của Hội đồng nhân dân liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc các vấn đề thuộc địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan nghiên cứu, xem xét và có biện pháp giải quyết”.
Về quan hệ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Điều 32 của Dự án Quy chế quy định: Đoàn đại biểu Quốc hội quan hệ chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở địa phương; về phía Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn, phản ánh những yêu cầu, kiến nghị của nhân dân địa phương với Đoàn đại biểu Quốc hội; đồng thời quy định: khi cần thiết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có thể yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo tình hình hoạt động của đoàn, hoặc của các đại biểu trong Đoàn với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hoặc với cử tri. Mỗi năm hai lần, vào giữa năm và cuối năm, Đoàn đại biểu Quốc hội gửi báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng hoặc cả năm của Đoàn tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh ở địa phương.
Trong điều kiện nước ta hiện nay, các đại biểu Quốc hội hầu hết đều hoạt động kiêm nhiệm, sống và làm việc tại các địa bàn cách xa nhau, nhất là ở các tỉnh miền núi; trong nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội, vừa có đại biểu công tác ở địa phương, vừa có đại biểu công tác ở Trung ương. Đây là đặc điểm trong tổ chức của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đòi hỏi những quy định phù hợp. Điều 33 của Dự án Quy chế quy định trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức họp Đoàn để kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của từng đại biểu và của Đoàn trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, bàn chương trình hoạt động của Đoàn cho thời gian tiếp theo; nghe đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương 6 tháng hoặc cả năm; tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn nghiên cứu tài liệu của kỳ họp Quốc hội; bàn những công việc liên quan đến chương trình, nội dung kỳ họp Quốc hội.
Ngoài việc quy định họp Đoàn hai lần trong năm trước mỗi kỳ họp Quốc hội; điều này còn quy định Đoàn đại biểu Quốc hội có thể họp bất thường khi có công việc cần thiết.
3. Về việc bãi nhiệm, mất quyền đại biểu Quốc hội, việc đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu:
Đây là một chương mới với những quy định về trình tự, thủ tục bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, việc mất quyền đại biểu Quốc hội và việc đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
Để phù hợp với Điều 49 của Luật tổ chức Quốc hội, Điều 34 của Dự án Quy chế quy định hai hình thức bãi nhiệm đối với đại biểu Quốc hội, đó là: Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm đối với những đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Dự án quy chế bổ sung vấn đề mới về việc tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Để tránh tùy tiện trong việc thực hiện, Điều 35 của Dự án Quy chế quy định đối với những đại biểu Quốc hội bị khởi tố, thì trước khi ra quyết định khởi tố, cơ quan có thẩm quyền phải báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội; đồng thời, cũng quy định đại biểu Quốc hội bị khởi tố có thể bị Ủy ban thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu.
4. Về những bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội:
a) Một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội là việc cung cấp thông tin và các điều kiện vật chất cũng như thời gian dành cho đại biểu Quốc hội. Dự án quy định các điều kiện này tại các điều 37, 38, 40, 41, 42, đó là: đại biểu Quốc hội được cấp giấy chứng nhận và huy hiệu đại biểu để sử dụng khi làm nhiệm vụ; có chế độ cung cấp thông tin, tài liệu; được cấp hoạt động phí hàng tháng; các bảo đảm cần thiết khác khi làm nhiệm vụ.
Để cụ thể hóa quy định tại Điều 37 của Luật tổ chức Quốc hội về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Điều 43 của Dự án Quy chế quy định đại biểu Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách được bố trí nơi làm việc và các điều kiện cần thiết khác, được hưởng lương và các khoản phụ cấp theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội; thời gian đại biểu Quốc hội làm việc chuyên trách được tính vào thời gian công tác liên tục; cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nơi đại biểu làm việc trước khi hoạt động chuyên trách, có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho đại biểu Quốc hội sau khi hết nhiệm kỳ.
Đối với đại biểu Quốc hội làm việc theo chế độ không chuyên trách, Dự án Quy chế quy định được dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để làm nhiệm vụ đại biểu.
b) Về văn phòng giúp việc và kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội:
Trong những năm vừa qua, hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân của tình hình này là điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội như nơi làm việc, bộ phận giúp việc và kinh phí hoạt động chưa được quy định cụ thể. Đến nay, về vấn đề này còn nhiều ý kiến, để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, Điều 48 của Dự án Quy chế quy định: “Đoàn đại biểu Quốc hội có nơi làm việc; có bộ phận giúp việc nằm trong văn phòng Ủy ban nhân dân hoặc Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ở những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội phục vụ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Đoàn đại biểu Quốc hội”.
Về kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Điều 51 của Dự án Quy chế quy định “Đoàn đại biểu Quốc hội có kinh phí hoạt động riêng. Kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương thuộc ngân sách của Quốc hội, là một khoản riêng được ghi vào ngân sách của địa phương”.
Trên đây là những nội dung chủ yếu của Dự án Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, và Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội