VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


TỜ TRÌNH CỦA ĐOÀN THƯ KÝ KỲ HỌP VỀ VIỆC TIẾP THỤ Ý KIẾN
CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ DỰ KIẾN CHỈNH LÝ DỰ THẢO QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

(Do bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, thay mặt Đoàn thư ký
đọc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IX, ngày 07-7-1993)

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu về Dự án Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và Dự án Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn thư ký xin báo cáo Quốc hội việc dự kiến chỉnh lý các Dự thảo Quy chế này để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

I- CÁC VẤN ĐỀ CHUNG

1. Về vấn đề nên ban hành hai hay một quy chế:

Qua thảo luận, đa số tổ nhất trí đề nghị ban hành hai quy chế riêng với những lý do đã được nêu lên trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhất là về tính chất chính trị, vị trí và vai trò của Hội đồng dân tộc có những nét đặc thù riêng. Do đó, xin đề nghị Quốc hội cho ban hành hai Quy chế: Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội.

2. Về vấn đề có nên giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế này không?

Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành hai Quy chế này. Đoàn thư ký xin báo cáo vấn đề này như sau: Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường trực của Quốc hội đã được Quốc hội khóa VIII thông qua. Về mặt pháp lý, muốn các văn bản này hết hiệu lực, cần có các văn bản khác do Quốc hội thông qua thay thế; nếu văn bản này do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành sẽ không thay thế được văn bản của Quốc hội khóa VIII. Mặt khác, trong quá trình chuẩn bị, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu thảo luận và cho nhiều ý kiến, hơn nữa Quy chế Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng sẽ được Quốc hội thông qua. Vì vậy, xin đề nghị Quốc hội thông qua Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và Quy chế hoạt động của các Ủy ban tại kỳ họp này.

II- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ

1. Về nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số (Điều 3 của Dự thảo): còn nhiều loại ý kiến khác nhau như đã ghi trong bản tổng hợp ý kiến thảo luận. Sau khi phân tích, căn cứ vào ý kiến đa số, Đoàn thư ký đề nghị giữ nguyên như Dự thảo để bảo đảm tính nhất quán trong nguyên tắc làm việc của các cơ quan của Quốc hội. Trong thực tế, cần có sự vận dụng linh hoạt để bảo đảm yêu cầu công tác của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban.

Về một số ý kiến đề nghị bỏ đoạn 2, Điều 3, Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc “Khi Hội đồng dân tộc quyết định một số vấn đề thuộc về một dân tộc mà đại biểu dân tộc đó không tán thành thì Hội đồng báo cáo xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội xem xét, quyết định”. Đoàn thư ký đề nghị vẫn giữ nguyên như Dự thảo để thể hiện sự quan tâm của Quốc hội trong chính sách đối với các dân tộc thiểu số.

2. Về vấn đề thường trực Hội đồng dân tộc và thường trực các Ủy ban (Điều 7): đa số ý kiến nhất trí trong tình hình hiện nay hình thành bộ phận thường trực của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban là cần thiết, nhưng nhấn mạnh thêm không nên coi đây là một cấp. Riêng về thành phần thường trực, ý kiến vẫn còn khác nhau. Hiện nay, một số Ủy ban đã thành lập thường trực Ủy ban với thành phần như Dự thảo đã nêu. Để phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với nhiều ý kiến đại biểu về vấn đề tăng cường hiệu lực hoạt động của bộ phận thường trực, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.

3. Về việc xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân (Điều 25): Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong mối quan hệ của đại biểu Quốc hội với cử tri, việc xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân là nhiệm vụ quan trọng của mỗi đại biểu. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban là các cơ quan của Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát lĩnh vực Hội đồng hoặc Ủy ban phụ trách, nên việc xem xét ý kiến nhân dân gửi đến Hội đồng và các Ủy ban là cần thiết. Do đó, xin được ghi như Dự thảo.

4. Về việc phối hợp, hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với một số cơ quan ở địa phương, tiếp thụ ý kiến của đại biểu Quốc hội, xin đề nghị sửa đổi một số điểm như sau:

- Tại Điều 32 cũ (nay là Điều 33), đưa nội dung "giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước, viên chức nhà nước” lên trước nội dung “động viên nhân dân thực hiện Hiến pháp, pháp luật…”.

- Tại Điều 33 cũ (nay là Điều 34), kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban cho thấy khi tiến hành các hoạt động tại địa phương, Hội đồng và các Ủy ban chỉ cần thông báo cho Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương là đủ, nên xin được ghi như Điều 34 mới.

5. Về bộ máy giúp việc của Hội đồng dân tộc (các Ủy ban) tiếp thụ ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị sửa đổi như sau:

1. Hội đồng dân tộc (mỗi Ủy ban) của Quốc hội có một vụ chuyên môn phục vụ hoạt động của Hội đồng (Ủy ban). Chủ tịch Hội đồng dân tộc (Chủ nhiệm Ủy ban) chỉ đạo về công tác chuyên môn nghiệp vụ và phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo các mặt công tác khác.

Nhiệm vụ của Vụ là:

- Nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Hội đồng (Ủy ban);

- Giúp Chủ tịch Hội đồng dân tộc (Chủ nhiệm Ủy ban) giữ mối liên hệ với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các cơ quan có liên quan;

- Phối hợp với các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội để tổ chức phục vụ hoạt động của Hội đồng dân tộc (các Ủy ban).

2. Các đơn vị khác của Văn phòng Quốc hội phục vụ hoạt động của Hội đồng dân tộc (các Ủy ban) theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

6. Ngoài ra, tiếp thụ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đề nghị sửa đổi một số điểm như sau:

- Tại đoạn 2, Điều 6 bỏ cụm từ “theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội” cho phù hợp với Điều 73 của Luật tổ chức Quốc hội. Quy trình bầu cụ thể đã được Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định;

- Tại đoạn 2, Điều 7 bỏ quy định trách nhiệm của Thường trực Hội đồng (Ủy ban) về dự kiến chương trình hoạt động “cả nhiệm kỳ” của Hội đồng (Ủy ban);

- Tại Điều 10:

+ Đoạn 1, bỏ đoạn “gửi báo cáo thường kỳ, báo cáo chuyên đề cho Thường trực Hội đồng (Ủy ban)” và thêm cụm từ “và gửi báo cáo” vào sau cụm từ “tham gia góp ý”;

+ Đoạn 2 thêm từ “Thường trực” vào đầu câu;

- Tại Điều 27 bỏ cụm từ “nhưng không tham gia biểu quyết” ở cả hai đoạn:

- Tại đoạn 1, Điều 28 cũ (Điều 29 mới) bỏ từ “có thể”;

- Tại Điều 33 cũ (Điều 34 mới); thay đoạn “Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương” bằng đoạn “Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”;

- Tại Điều 34 cũ bỏ cụm từ "những tin tức về" và chuyển Điều này lên cuối chương II thành Điều 28 mới.

7. Về một số ý kiến khác của đại biểu Quốc hội, xin trình bày như sau :

- Về việc có ý kiến đề nghị nhập một số điều (Điều 5, 15 và 18 hoặc Điều 14 đến Điều 17) thành một điều; Đoàn thư ký thấy rằng tuy có những điểm giống nhau trong các điều này, nhưng mỗi điều điều chỉnh một mối quan hệ riêng nên xin cho giữ như Dự thảo.

- Tại Điều 14:

+ Về vấn đề trình tự thẩm tra: việc quy định trình tự của Hội đồng dân tộc (Ủy ban) là cần thiết nên xin được ghi như Dự thảo.

+ Về vấn đề thẩm tra pháp lệnh: có ý kiến đề nghị giao cho Thường trực Hội đồng dân tộc (Ủy ban) làm nhiệm vụ thẩm tra các dự án pháp lệnh. Việc này sẽ tùy thuộc tình hình cụ thể, tầm, mức, phạm vi của vấn đề và điều kiện tiến hành. Vì vậy, đề nghị không ghi quy định này vào quy chế.

- Điều 19: có ý kiến đề nghị thêm việc các cơ quan nhận được kiến nghị của Hội đồng (Ủy ban) phải trả lời kết quả xem xét, giải quyết trong một thời hạn nhất định. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 31 nên không cần thiết phải ghi vào Điều này.

- Điều 26: có ý kiến đề nghị quy định các hình thức họp Hội đồng (Ủy ban). Nếu quy định như vậy sẽ rất gò bó. Việc họp theo vùng, hàng quý, hay khi cần thiết là do Hội đồng (Ủy ban) quyết định, không nên ghi cụ thể vào quy chế.

- Có ý kiến đề nghị thêm vấn đề Hội đồng dân tộc (Ủy ban) bồi dưỡng, hướng dẫn, giúp đỡ các ban tương ứng của Hội đồng nhân dân cấp dưới. Luật không quy định các cơ quan dân cử là một hệ thống, nên xin không ghi vấn đề này.

Trên đây là một số vấn đề dự kiến tiếp thụ ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hai Dự án Quy chế. Xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 


Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội

Về trang mục lục

Trở về đầu trang