VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


BÁO CÁO CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ HOẠT ĐỘNG NĂM 1993
VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 1994 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

(Do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh trình bày
tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá IX, ngày 06-12-1993)

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

 Trong năm 1993, Ủy ban thường vụ Quốc hội với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Quốc hội, đã hướng trọng tâm hoạt động của mình vào việc góp phần thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 2 về nhiệm vụ năm 1993 và về chương trình xây dựng pháp luật năm 1993, đồng thời từng bước cải tiến phương pháp và lề lối làm việc nhằm vươn lên làm tròn nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới mọi mặt của đất nước.

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi xin báo cáo với Quốc hội về những hoạt động chính trong năm 1993 và phương hướng hoạt động năm 1994 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

PHẦN THỨ NHẤT

HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NĂM 1993

I- VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 của Quốc hội đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, đạt kết quả tương đối tốt. Nếu tính cả các dự án luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này thì Quốc hội đã thông qua 11 luật và 4 quy chế, đạt 72% chương trình xây dựng các dự án luật, quy chế; Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 14 pháp lệnh, đạt 82% chương trình xây dựng các dự án pháp lệnh. Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành một số văn bản nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật trong năm. Mặc dù có một số dự án luật phải chuyển sang năm 1994 do còn phải tiếp tục nghiên cứu, còn phải tổng kết hoạt động thực tiễn hoặc phải tiếp tục xem xét và chuẩn bị tốt hơn, nhìn chung, tất cả các dự án luật, pháp lệnh trong chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 đều đã được chuẩn bị công phu, bảo đảm đúng quy trình, trong đó có những văn bản đã được xem xét và chỉnh lý nhiều lần.

Với chức năng và thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, trong năm 1993, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã triển khai nhiều việc nhằm tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và coi đây là một trong những trọng tâm công tác của mình. Căn cứ vào quyết định của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã triển khai sớm việc phân công cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và định tiến độ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh có trong chương trình xây dựng pháp luật năm 1993; thông qua Nghị quyết quy định danh mục các dự án luật, pháp lệnh soạn thảo trong năm 1993; quyết định thành lập Ban soạn thảo gồm một số ngành hữu quan để xây dựng dự án một số bộ luật; tổ chức và chủ trì ba hội nghị về công tác xây dựng pháp luật với các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để bàn biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng các dự án theo kế hoạch do Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đề ra. Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh bổ sung chương trình xây dựng pháp luật trong 6 tháng cuối năm; Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần điều chỉnh chương trình công tác và chương trình các phiên họp của mình cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu của công tác lập pháp. Theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Chính phủ như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, v.v. và với Văn phòng Chủ tịch nước nhằm thống nhất kế hoạch công tác, lịch trình cho ý kiến, xem xét, thông qua, công bố các văn bản; theo dõi chặt chẽ quá trình xây dựng các văn bản dự thảo, phát hiện các khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp kịp thời xử lý. Các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm được tổ chức dài ngày hơn.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật đất đai (sửa đổi) và Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp; chỉ đạo các Ủy ban hữu quan của Quốc hội và cơ quan soạn thảo các dự án luật tập hợp, nghiên cứu, tiếp thụ ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp trong việc chỉnh lý các dự án luật này.

Các văn bản luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua đã góp phần thể chế hóa Nghị quyết đại hội lần thứ VI và lần thứ VII của Đảng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Công tác lập pháp đã hướng vào trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phục vụ cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, củng cố quốc phòng, an ninh; cải cách bộ máy nhà nước theo tinh thần của Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân. Nhiều văn bản rất quan trọng như Luật đất đai, Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật xuất bản, Luật dầu khí, v.v. được chuẩn bị xây dựng từ nhiều năm nay đã được Quốc hội thông qua, có tác dụng thiết thực trong cuộc sống.

Có được kết quả nêu trên, trước hết là nhờ sự cố gắng nỗ lực chung, sự cải tiến về cách thức làm việc của tất cả các cơ quan có trách nhiệm trong quá trình lập pháp: từ cơ quan soạn thảo, thẩm tra đến cơ quan xem xét, thông qua. Đó còn là kết quả tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, của đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công trong việc thẩm tra các Dự án Luật, pháp lệnh. Có được thành công đó còn do sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác.

Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chú ý đến một số vấn đề mà Quốc hội thường quan tâm là đề nghị Chính phủ dự thảo các văn bản dưới luật kèm theo khi trình dự án luật, pháp lệnh để khi luật, pháp lệnh được thông qua có điều kiện thi hành.

Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng pháp luật năm vừa qua cho thấy: trong việc chuẩn bị chương trình chúng ta chưa lường hết được khả năng thực tế; chưa xem xét toàn diện giữa nhu cầu của từng lĩnh vực và khả năng thực tế để cân nhắc trước khi ghi một dự án vào chương trình xây dựng pháp luật. Hơn nữa, còn lúng túng về xây dựng nội dung dự án và cách làm ở nhiều khâu từ soạn thảo, thẩm tra đến thông qua một số Dự án Luật, pháp lệnh, có trường hợp còn chưa tuân thủ đúng quy trình. Một số văn bản chưa huy động được đầy đủ trí tuệ tập thể trong quá trình soạn thảo, phải sửa chữa nhiều lần. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân còn cập rập, còn quá ít thời gian để có thể tiến hành lấy ý kiến và tập hợp, tiếp thụ một cách sâu sắc… tiến độ xây dựng hầu hết các dự án còn chậm, kể cả việc gửi văn bản dự thảo đến Ủy ban thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi, nhiều vấn đề thuộc về chủ trương, chính sách còn đang trong quá trình hình thành, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên việc thể chế thành pháp luật là vấn đề hết sức khó khăn. Vì vậy, có văn bản tuy đã được thông qua nhưng vẫn còn có ý kiến băn khoăn về chất lượng một số chương, điều và tính khả thi trong cuộc sống. Việc giải thích Hiến pháp, các luật, pháp lệnh mới ban hành tuy có đặt ra nhưng chưa được thực hiện bao nhiêu. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, nhưng pháp luật vẫn chậm đi vào cuộc sống, chưa phát huy được đầy đủ tác dụng điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội. Điều đáng chú ý là qua một năm xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, chúng ta có thể nhận thấy rằng: hệ thống pháp luật của ta còn chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, việc đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật là vấn đề hết sức khó khăn, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp và giáo dục ý thức sống, "làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" trong toàn thể nhân dân.

Từ thực tiễn công tác xây dựng pháp luật trong năm qua, có thể sơ bộ rút ra một vài kinh nghiệm sau đây:

1. Sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ, quan hệ phối hợp và làm việc theo chức năng của các cơ quan có trách nhiệm là nhân tố quyết định trong việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đã đề ra. Trong quá trình này, cần phải nghiên cứu, làm rõ quan điểm, phải tổng kết được thực tiễn về một số vấn đề cơ bản làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn chỉnh các dự án.

2. Sự triển khai kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả của tất cả các cơ quan có trách nhiệm trong quá trình lập pháp là vấn đề rất quan trọng trong việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật. Thực tế cho thấy, để làm được điều này cần phải phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể việc soạn thảo, thẩm tra; định rõ tiến độ; kịp thời sơ kết, rút kinh nghiệm từng công đoạn trong quá trình xây dựng văn bản và có biện pháp để bảo đảm thực hiện một cách nghiêm chỉnh tiến độ đã đề ra.

3. Thực hiện đúng quy trình xây dựng pháp luật là yếu tố bảo đảm chất lượng thông qua các văn bản pháp luật và hiệu quả việc thực hiện đầy đủ chương trình xây dựng pháp luật. Trong quy trình này, việc đầu tiên là Ủy ban thường vụ Quốc hội phải dự kiến và trình Quốc hội thông qua chương trình xây dựng pháp luật hợp lý, đáp ứng yêu cầu cuộc sống nhưng phải phù hợp với khả năng thực tế. Đồng thời, phải coi trọng việc lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp, của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân đóng góp ý kiến tham gia xây dựng pháp luật. Bảo đảm đúng quy trình lập pháp cũng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có thời gian và điều kiện để đóng góp trí tuệ cho việc nâng cao chất lượng về hiệu quả của các văn bản pháp luật.

4. Từng bước chỉ đạo việc nghiên cứu nhằm cải tiến cách xây dựng và thông qua một dự án pháp luật là rất quan trọng. Cách xem xét và thông qua luật tại kỳ họp Quốc hội, thông qua pháp lệnh tại các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, xem xét, thẩm tra các văn bản này tại các cuộc họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cách nghiên cứu góp ý kiến xây dựng dự án luật của đại biểu Quốc hội phải bảo đảm yêu cầu nhanh, gọn, đạt hiệu quả cao.

5. Ngoài ra, cần phải quan tâm chỉ đạo việc bảo đảm các điều kiện cho công tác xây dựng pháp luật như đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, trang bị phương tiện làm việc, cấp kinh phí bổ trợ kịp thời cho công tác này.

II- VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn băn khoăn về hiệu quả của công tác giám sát của Quốc hội nói chung, của Ủy ban thường vụ Quốc hội nói riêng và cho rằng, so với công tác xây dựng pháp luật thì công tác giám sát chưa làm được nhiều, kết quả chưa được bao nhiêu. Những băn khoăn đó cũng chính là trăn trở của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Với tinh thần quyết tâm nâng cao một bước hiệu quả của công tác này, trong năm qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã sớm xây dựng chương trình giám sát và tích cực triển khai các hoạt động của mình; đã cụ thể hóa công tác cả năm của mình bằng chương trình hằng tháng, hằng quý, đồng thời có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng và đề ra các biện pháp thiết thực để bảo đảm thực hiện chương trình.

Để có được những kiến nghị, những đề xuất có chất lượng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã sớm kết hợp việc nghe báo cáo với việc cử đoàn đi kiểm tra xem xét tình hình tại các địa phương. Trong năm qua, đã có bốn đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các địa phương. Ngoài ra, đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng đã đi thăm và làm việc tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về nội dung giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hướng trọng tâm vào việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới được ban hành và tình hình thi hành pháp luật, nhất là đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu và các vấn đề bức bách khác.

Tăng cường giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1993 và Nghị quyết về ngân sách nhà nước là công việc thường xuyên của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, liên quan đến quốc kế dân sinh được Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm xem xét như cải cách chế độ tiền lương, phân bổ thu chi ngân sách nhà nước, giá cả thị trường, kinh tế đối ngoại; quốc phòng, an ninh gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng biên giới, hải đảo; tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc và miền núi; tình hình xây dựng các công trình trọng điểm. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã giao cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát một số vấn đề và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về Hội đồng nhân dân lần thứ 5 để tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp thời gian vừa qua, bàn phương hướng nhiệm vụ, biện pháp tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân; cùng với Chính phủ giám sát, hướng dẫn và từng bước tạo điều kiện cho Hội đồng nhân dân thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Qua hoạt động giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có những kiến nghị thiết thực với các cơ quan hữu quan về những việc cần phải giải quyết. Nhiều vấn đề đã được các cơ quan, các cấp, các ngành nghiên cứu, tiếp thu và thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả bước đầu, công tác giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc giám sát đối với các văn bản do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành chưa làm được nhiều… Nguyên nhân của tồn tại trên có nhiều, nhưng đáng chú ý là cơ chế giám sát chưa được làm rõ. Mặt khác, vì thường bị cuốn hút nhiều vào công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa dành thời gian thích đáng để nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm nhằm có được những biện pháp giám sát hữu hiệu; trong quá trình tổ chức thực hiện còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội. Do Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa làm tốt công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nên dẫn đến việc chồng chéo và trùng lắp trong công tác giám sát.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là chế độ cung cấp thông tin phục vụ công tác giám sát còn thiếu và yếu; các điều kiện khác còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giám sát.

III- MỘT SỐ CÔNG TÁC KHÁC

1. Công tác dân nguyện

Năm 1993, có thể được đánh giá là năm có sự chuyển biến bước đầu trong công tác dân nguyện của Quốc hội. Trước thực trạng đơn thư khiếu tố ngày càng tăng, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống như tranh chấp nhà cửa, đất đai; tố cáo việc vi phạm pháp luật trong bắt, giam, khám xét và truy tố, xét xử… Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tìm biện pháp để nâng cao một bước hiệu quả giám sát việc giải quyết vấn đề này. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã mỗi quý một lần nghe báo cáo và thảo luận về biện pháp để thực hiện tốt hơn công tác dân nguyện; đã đề nghị Chính phủ tiến hành sơ kết tình hình hai năm thực hiện Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân; tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác dân nguyện với sự tham dự của các cơ quan hữu quan để trao đổi kinh nghiệm; đồng thời, đã cử các đoàn trực tiếp về một số địa phương, cơ sở để kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; đôn đốc các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội các cấp, các ngành quan tâm kiểm tra, đôn đốc xử lý những tồn đọng đơn thư khiếu tố của công dân.

Với sự cố gắng nói trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã góp phần khắc phục một bước tình trạng đơn thư tồn đọng nhiều hoặc chuyển từ cơ quan này đến cơ quan khác; sự phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm chặt chẽ hơn; một số vụ việc khiếu tố kéo dài đã được giải quyết. Tuy nhiên, đây cũng mới là chuyển biến bước đầu trong công tác dân nguyện. Thời gian tới cần có các biện pháp tích cực hơn để tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

2. Thực hiện công tác đối ngoại

Trong năm qua, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã có chuyển biến tích cực. Quan hệ đối ngoại và hợp tác giữa Quốc hội nước ta với Liên minh nghị viện, các tổ chức nghị sĩ quốc tế và Quốc hội các nước được tăng cường. Trong năm 1993, đã có 14 Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đi thăm và làm việc ở nước ngoài, 23 Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội nước ngoài vào nước ta. Các chuyến thăm hữu nghị chính thức của Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta tại Cộng hòa Philíppin, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Phần Lan, Vương Quốc Thụy Điển, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen; chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc, Cộng hòa Slôvakia và Cộng hòa Hunggari của đoàn Ủy ban đối ngoại Quốc hội, chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Đoàn Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội, tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn Hội đồng dân tộc; chuyến thăm hữu nghị chính thức nước ta của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và việc Ủy ban về các vấn đề xã hội đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 9 các nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển tại Hà Nội đã thể hiện sự tăng cường và mở rộng hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của Nhà nước ta là phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đồng thời mở ra những triển vọng mới trong quan hệ hợp tác giữa Quốc hội nước ta với Quốc hội các nước và các tổ chức quốc tế, tăng cường sự hiểu biết nhau và thông cảm lẫn nhau, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới của ta, tìm hiểu thêm kinh nghiệm trong việc đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu và tổ chức các hoạt động đối ngoại của Quốc hội ta trong bối cảnh quốc tế mới như thế nào để đạt hiệu quả cao hơn, sâu rộng hơn chưa làm được nhiều. Công tác thông tin đối ngoại của Nhà nước ta nói chung và thông tin đối ngoại của Quốc hội nói riêng còn hạn chế. Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới hơn nữa các hoạt động đối ngoại của Quốc hội với tinh thần tích cực, chủ động, chú trọng đến hiệu quả.

3. Về tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội

Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ý thức được điều đó, trong năm qua, để chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian để chỉ đạo công tác chuẩn bị, bao gồm từ dự kiến chương trình đến xem xét, cho ý kiến chỉnh lý các dự án luật, các báo cáo trình Quốc hội. Để làm tốt nhiệm vụ này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan, trong đó có Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, huy động sự đóng góp tích cực của nhân dân, của các ngành, các cấp cùng với sự đóng góp của đại biểu Quốc hội và các cơ quan tham mưu phục vụ như Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ… So với trước đây, kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội đã được chuẩn bị chu đáo hơn. Nhiều dự án luật, quy chế đã được gửi sớm đến đại biểu Quốc hội, trong đó có dự án luật trình Quốc hội đã được gửi kèm theo dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành như các Dự án Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường… Các báo cáo của Chính phủ (kể cả các báo cáo bổ sung); các báo cáo thẩm tra, thuyết trình của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các báo cáo khác đã được chuẩn bị tương đối công phu, sát hợp với thực tế, nêu được những giải pháp thiết thực để giải quyết những vấn đề nóng bỏng liên quan đến quốc kế - dân sinh mà nhân dân cả nước đang hết sức mong đợi quyết định chính xác của Quốc hội.

Trong việc chủ trì các kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cố gắng bố trí chương trình phù hợp; điều hành bảo đảm dân chủ và tập trung được trí tuệ tập thể đại biểu Quốc hội. Trong việc tổ chức thực hiện chương trình, đã bảo đảm thực hiện nội quy kỳ họp Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả kỳ họp. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã duy trì chế độ làm việc tập thể, kết hợp với cá nhân phụ trách, chỉ đạo sát sao công tác tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý văn bản, hội ý thường xuyên để đi đến thống nhất về những vấn đề quan trọng trình Quốc hội xem xét, quyết định. Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn luôn quan tâm, duy trì mối quan hệ mật thiết, sự cộng tác chặt chẽ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong suốt quá trình từ chuẩn bị, tiến hành đến kết thúc kỳ họp. Chính sự quan hệ chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm này đã góp phần đáng kể vào thành công của các kỳ họp Quốc hội.

Tuy nhiên, trong việc tổ chức, chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội cũng còn một số nhược điểm cần sớm được khắc phục, đó là: chưa kiên quyết chỉ đạo để bảo đảm đúng tiến độ, đúng quy trình, việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp. Tuy đã có cố gắng, nhưng nhìn chung văn bản gửi đến đại biểu còn cận ngày họp; thông tin về mọi mặt cho đại biểu, nhất là thông tin chuyên đề, chuyên ngành còn yếu và thiếu. Trong việc sắp xếp chương trình, có lúc còn bị động, lúng túng. Trong việc điều khiển các phiên họp toàn thể tại hội trường có lúc chưa hướng đại biểu thảo luận tập trung vào những vấn đề trọng tâm mà ý kiến còn khác nhau; chưa kịp thời cho tiến hành biểu quyết dứt điểm một số nội dung đã được thảo luận, bàn bạc tương đối thống nhất về mặt quan điểm.

IV- NHẬN XÉT CHUNG

Qua một năm hoạt động, đối chiếu với nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định, đánh giá một cách nghiêm túc những mặt đã làm được và chưa làm được của mình, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng: trước yêu cầu đổi mới mọi mặt của đất nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cố gắng để nâng cao hiệu quả trên tất cả các mặt hoạt động, từ xây dựng pháp luật, giám sát đến thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội… Điểm nổi bật là công tác xây dựng pháp luật đã được đẩy mạnh theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Các luật, pháp lệnh đã ban hành có chất lượng tốt hơn, thiết thực hơn và một số văn bản đã bước đầu phát huy hiệu lực trong cuộc sống. Công tác giám sát đã từng bước khắc phục tính hình thức, ngày càng đi vào hướng thiết thực, có hiệu quả; công tác đối ngoại được mở rộng và đã có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của Nhà nước, mở ra triển vọng mới trong quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước và giữa Quốc hội nước ta và Quốc hội các nước và các tổ chức quốc tế… Điều đáng mừng là trong năm qua, các cơ quan của Quốc hội hoạt động đều tay hơn, có chất lượng hơn; Hội đồng dân tộc và các Ủy ban đã có những đóng góp tích cực đối với hoạt động chung của Quốc hội. Kết quả đó, có sự góp phần của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo, điều hòa và phối hợp hoạt động của các cơ quan này.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn luôn tuân thủ nguyên tắc: dân chủ thảo luận, tranh luận để đi đến quyết định theo đa số; quan tâm đến việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm và cụ thể hóa bằng các hoạt động hằng tuần, hằng tháng, hằng quý; duy trì thường xuyên mối quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; từng bước cải tiến cách tiến hành các phiên họp, đề cao trách nhiệm và phân công cụ thể từng thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, chương trình xây dựng pháp luật chưa thực hiện được như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra; tình hình thi hành pháp luật chưa nghiêm; tham ô, lãng phí nhiều; tệ nạn trong xã hội chưa được xử lý nghiêm minh, trong đó có phần trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác như giám sát việc ban hành các văn bản của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban …, tuy Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có cố gắng nhưng chưa làm được nhiều. Đó là những tồn tại cơ bản trong hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội cần được nghiên cứu để khắc phục trong thời gian tới.

PHẦN THỨ HAI

PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 1994
CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Bước sang năm 1994, Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng đứng trước những thử thách hết sức gay gắt. Bên cạnh những thành tựu về mọi mặt do kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 1993 mang lại, nổi bật là đã khắc phục được một bước rất quan trọng tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, giữ vững và củng cố sự ổn định chính trị, mở rộng quan hệ đối ngoại, tích lũy được những kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý đất nước; nền kinh tế chúng ta còn có nhiều khó khăn yếu kém; chủ yếu vẫn mang tính chất nông nghiệp lạc hậu; cơ bản chưa có tích luỹ; công nghiệp vẫn còn non yếu; hạ tầng kinh tế và xã hội chưa được cải thiện, có mặt còn xuống cấp. Lĩnh vực chính trị tuy đã từng bước được đổi mới nhưng còn chậm so với đổi mới trên lĩnh vực kinh tế. Trong khi đó, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, những lực lượng chống phá ta đang âm mưu dùng “Chiến lược diễn biến hòa bình” để chống phá ta về nhiều mặt, gây khó khăn trong việc phát triển kinh tế và ổn định chính trị…

Thực trạng nói trên đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề đối với đất nước ta đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực vượt bậc với tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, mở rộng hợp tác quốc tế, cần kiệm xây dựng đất nước, phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, đất nước văn minh.

Để góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong năm tới, phương hướng hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung vào những nội dung chính sau đây :

1. Tăng cường sự chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 4 về chương trình xây dựng pháp luật năm 1994; đẩy mạnh việc xem xét, thông qua các dự án pháp lệnh. Xem xét, cho ý kiến về các dự án luật, bộ luật góp phần thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật

Đây là nội dung trọng tâm đối với hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm 1994 nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, ngay sau khi kỳ họp thứ 4 của Quốc hội kết thúc, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật: phân công cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các dự án pháp luật có trong chương trình; quy định tiến độ xây dựng các dự án và các biện pháp bảo đảm khác. Trong quá trình xây dựng sẽ thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm, cho ý kiến chỉnh lý nhiều lần các dự án luật nhằm bảo đảm trình ra Quốc hội những văn bản dự thảo có chất lượng để Quốc hội xem xét, thông qua. Phấn đấu để năm 1994 đẩy công tác xây dựng pháp luật lên một bước kể cả về số lượng văn bản được thông qua và chất lượng của từng văn bản, tập trung xây dựng cho được bộ luật, các dự án luật bức xúc nhất.

2. Tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác giám sát

Trước hết, tập trung xem xét tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1994, chủ yếu là về xây dựng kết cấu hạ tầng, thu chi ngân sách, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, sử dụng vốn đầu tư; tình hình phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ địa cách mạng và các lĩnh vực cấp bách khác.

Song song với việc giám sát tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát tình hình triển khai các văn bản pháp luật đã được ban hành và tình hình thi hành pháp luật; trong đó có quan tâm thích đáng đến tình hình thực hành tiết kiệm để xây dựng và phát triển đất nước; đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu; chống tham ô, lãng phí, lập lại trật tự, kỷ cương xã hội.

3. Tiếp tục thực hiện việc mở rộng hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội nước ta với Quốc hội các nước nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế và giữa các cơ quan của Quốc hội nước ta với các cơ quan của Quốc hội các nước, thiết thực góp phần tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới mọi mặt của đất nước.

4. Làm tốt công tác dân nguyện, công tác giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp

Về công tác dân nguyện, từng bước góp phần khắc phục tình trạng để tồn đọng đơn thư hoặc chuyển đơn thư chạy vòng quanh các cơ quan nhà nước. Yêu cầu các cấp, các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố, các ngành nghiên cứu góp ý kiến kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân; kiên quyết sửa chữa những việc mà chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm đã làm sai trái để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân; định kỳ xem xét tình hình giải quyết đơn, thư khiếu tố của công dân nhằm thực hiện đúng pháp luật, tăng cường dân chủ, góp phần củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước…

Về Hội đồng nhân dân, cùng với Chính phủ, các ngành, các cấp tiến hành tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, trên cơ sở đó góp phần xây dựng đề án tổng thể về cải cách bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở và chuẩn bị Luật tổ chức Hội đồng nhân dân (sửa đổi) để trình Quốc hội. Đẩy mạnh việc hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; cùng với Chính phủ tạo điều kiện cần thiết để Hội đồng nhân dân làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình theo luật định, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

5. Đổi mới hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu và các đại biểu Quốc hội từng bước vươn lên thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong năm 1994, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phấn đấu hơn nữa trong việc tự đổi mới chính mình. Thường xuyên nghiên cứu cải tiến lề lối làm việc, coi trọng đổi mới nội dung, chương trình các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tăng cường việc chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và quan hệ công tác với các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, phấn đấu để năm 1994 có bước chuyển biến mới trong hoạt động của Quốc hội, nhất là việc kiện toàn các Ủy ban theo hướng tăng cường chuyên trách, đẩy mạnh hoạt động, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

 Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn luôn nhận thức rằng, mỗi kết quả Ủy ban thường vụ Quốc hội đạt được trong năm qua gắn liền với hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan hữu quan với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, cùng phấn đấu vì sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước. Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi xin cảm ơn sự cộng tác chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí trong thời gian qua và mong rằng sự cộng tác đó sẽ được tiếp tục và tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.

Xin cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội.

 

 

PHỤ LỤC
BÁO CÁO VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA NĂM 1993
VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 1994
CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
(SỐ 94/UBTVQH9 NGÀY 05-12-1993)

A- CÔNG TÁC LẬP PHÁP

I- Thông qua các pháp lệnh và các nghị quyết kèm theo pháp lệnh:

1. Pháp lệnh thú y (2-1993);

2. Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật (2-1993);

3. Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão (3-1993);

4. Pháp lệnh thi hành án phạt tù (3-1993);

5. Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự (4-1993);

6. Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự (4-1993);

7. Pháp lệnh thi hành án dân sự (4-1993);

8. Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam các bản án và quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (4-1993);

9. Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân (5-1993);

 - Nghị quyết về việc thi hành Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân (5-1993);

10. Pháp lệnh về Kiểm sát viên (5-1993);

 - Nghị quyết về trang phục đối với ngành Kiểm sát và giấy chứng minh Kiểm sát viên (5-1993);

11. Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ đối với các Cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam (8-1993);

12. Pháp lệnh về hành nghề y, dược tư nhân (9-1993);

13. Pháp lệnh về Cơ quan đại diện Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài (12-1993);

14. Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (12-1993).

II- Cho ý kiến các dự án:

1. Luật đất đai (sửa đổi) (3 lần);

2. Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp (3 lần);

3. Luật xuất bản (3 lần);

4. Luật dầu khí (2 lần);

5. Luật sửa đổi, bổ sung các luật, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế doanh thu, thuế lợi tức và tiêu thụ đặc biệt;

6. Luật về thẩm quyền và trình tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (3 lần);

7. Luật doanh nghiệp nhà nước (3 lần);

8. Luật phá sản doanh nghiệp (3 lần);

9. Luật bảo vệ môi trường;

10. Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án nhân dân;

11. Bộ luật lao động;

12. Luật ngân sách nhà nước;

13. Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội;

14. Quy chế hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội;

15. Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

16. Quy chế hoạt động Hội đồng dân tộc;

17. Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội;

18. Một số vấn đề của Dự án Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

19. Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài.

III- Nghị quyết:

1. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khung thuế suất một số nhóm mặt hàng trong thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (3-1993);

2. Nghị quyết về việc bổ sung Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (3-1993);

3. Nghị quyết về việc ban hành quy chế phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức (9 + 10 - 1993);

4. Nghị quyết quy định danh mục các dự án luật, pháp lệnh soạn thảo trong năm 1993 và phân công soạn thảo và thẩm tra các dự án này;

5. Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung chương trình công tác năm 1993 trong 6 tháng cuối năm (8-1993).

B- CÔNG TÁC GIÁM SÁT

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về các vấn đề sau đây:

 - Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội
(1 + 2 -1993);

- Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (8 + 9-1993);

- Việc triển khai cải cách chế độ tiền lương mới (4 lần);

- Việc phân bổ thu, chi ngân sách nhà nước năm 1993 (1 + 2 và 4-1993); tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và tình hình giá cả thị trường quý I năm 1993 và về dự kiến thực hiện ngân sách nhà nước quý II năm 1993 (4-1993);

- Vấn đề hóa giá nhà ở các thành phố và đô thị (3-1993);

- Một số chủ trương về giải quyết nhà sắp tới (9 + 10-1993);

- Tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1993 trong 6 tháng đầu năm (5-1993);

- Tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1993 và phương hướng, nhiệm vụ năm 1994 (11-1993);

- Tình hình thu, chi, phân bổ ngân sách nhà nước năm 1993; tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1992 và dự toán ngân sách nhà nước năm 1994 (11-1993);

- Tình hình chi ngân sách năm 1993 và dự toán ngân sách năm 1994 của Quốc hội (11-1993);

- Tình hình quốc phòng, an ninh (9 + 10-1993);

- Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc và miền núi (11-1993);

- Các công trình trọng điểm của Nhà nước năm 1993 và dự kiến các công trình lớn trong năm 1994 (11-1993);

- Tình hình đấu tranh chống tham nhũng, việc giải quyết các vụ án trọng điểm và các chủ trương, biện pháp lớn để tiếp tục giải quyết vấn đề này (8-1993);

- Công tác đối ngoại của Nhà nước ta (9 + 10-1993);

- Việc thực hiện quyền dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở nước ta (11-1993);

- Tình hình lũ, lụt tại một số tỉnh miền Trung và việc khắc phục hậu quả của lũ, lụt (11-1993);

- Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội và biện pháp giải quyết (4-1993 và tháng 11-1993);

- Tình hình khiếu nại của công dân gửi Quốc hội về nhà cải tạo, chủ yếu là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (9 + 10-1993);

- Việc chuyển công tác thi hành án từ Tòa án sang Chính phủ (3-1993);

- Vấn đề tranh chấp Vũng Rô và biện pháp giải quyết (6-1993);

- Các hoạt động đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ.

2. Cử đoàn đi giám sát:

- Đoàn đại biểu Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy dẫn đầu đi thăm và làm việc tại Trường Sa;

- Đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu đi nắm tình hình về việc tranh chấp khu vực Vũng Rô và việc bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa;

- Đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy dẫn đầu đi kiểm tra việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội có gắn với tình hình an ninh - quốc phòng, chống tham nhũng, buôn lậu ở hai tỉnh Kiên Giang, Minh Hải;

- Đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu dẫn đầu đi kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, tình hình chống tham nhũng, chống buôn lậu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh và một số ngành;

- Các đoàn của các đồng chí Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội gắn với công tác được phân công thực hiện chương trình giám sát một số mặt công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội