BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH CỦA
QUỐC HỘI VỀ TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1992
(Do ông Mai Thúc Lân, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá IX, ngày 07-12-1993)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 1992 như sau:
- Tổng số thu: 17.686 tỷ đồng
- Tổng số chi: 20.360 tỷ đồng
- Thiếu hụt: 2.674 tỷ đồng, bằng 15,6% so với tổng số thu trong nước và chiếm 13,1% so với tổng số chi ngân sách nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX (tháng 12-1992), Chính phủ báo cáo tình hình ước thực hiện ngân sách nhà nước năm 1992 với:
- Tổng số thu: ước 21.215 tỷ đồng, bằng 113,1% (tăng 1.284 tỷ) so với dự toán đầu năm Quốc hội thông qua.
- Tổng số chi: ước 22.815 tỷ đồng, bằng 112,1% (vượt 2.455 tỷ đồng) so với dự toán đầu năm Quốc hội thông qua.
- Thiếu hụt: ước 1.600 tỷ đồng.
Nhưng thực chất, nếu loại ra khỏi phần thu ngân sách nhà nước các khoản vay dân, viện trợ cho tích lũy và vay nước ngoài (đây chỉ là các nguồn bù đắp thiếu hụt ngân sách) và tổng hợp khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản các công trình điện (ngoài kế hoạch đầu năm) vào tổng số chi ngân sách nhà nước năm 1992, thì kết quả được Quốc hội ghi nhận như sau:
- Tổng số thu: ước 18.970 tỷ đồng, bằng 107,3% (tăng 1.284 tỷ đồng) so với dự toán Quốc hội thông qua.
- Tổng số chi: ước 22.815 tỷ đồng, bằng 112,1% (tăng 2.455 tỷ đồng) so với dự toán Quốc hội thông qua.
- Số thiếu hụt ngân sách nhà nước: ước 3.845 tỷ đồng) bằng 20,26% tổng số thu trong nước và chiếm 16,85% tổng số chi ngân sách nhà nước.
Đến nay, trên cơ sở tổng hợp báo cáo quyết toán của các Bộ, các ngành và các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1992 như sau:
- Tổng số thu: 21.023 tỷ 521 triệu đồng, bằng 118,8% số dự toán thu năm 1992.
- Tổng số chi: 23.710 tỷ 711 triệu đồng, bằng 116,4% số dự toán chi năm 1992.
- Số thiếu hụt ngân sách nhà nước là: 2.687 tỷ 190 triệu đồng, bằng 13,3% tổng số thu trong nước và bằng 11,3% tổng số chi ngân sách nhà nước.
Ủy ban kinh tế và ngân sách xin trình Quốc hội một số ý kiến như sau:
Ủy ban chúng tôi ghi nhận những tiến bộ và kết quả đạt được trong việc điều hành tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước năm 1992 của Chính phủ, cụ thể là :
1. Về thu ngân sách, nhờ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm 1992 tăng khá (8,2%) so với năm 1991 và có triển khai tích cực hơn công tác quản lý thu và chống thất thu, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 1992 vượt 18,8% dự toán đầu năm và tăng 120,14% so với tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 1991. Các khoản thu quan trọng đều vượt kế hoạch khá, nhất là thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp tích cực nhằm khai thác nguồn thu để tăng thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời áp dụng các hình thức vay thích hợp để bảo đảm các khoản chi cần thiết cho các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1992.
Tuy nhiên, thất thu vẫn còn nhiều, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, chưa kiểm soát được chi phí đối với các xí nghiệp quốc doanh; nhiều xí nghiệp tính giá thành không hợp lý, việc tính và trích khấu hao cơ bản còn thấp do giá trị tài sản cố định chưa được tính đủ, làm cho lợi nhuận xí nghiệp phản ánh không đúng thực chất. Còn để thất thu thuế nhiều ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, nhất là lĩnh vực thương nghiệp dịch vụ, trước hết việc xác định doanh thu tính thuế đối với hộ lớn, hộ vừa còn thấp xa so với thực tế sản xuất - kinh doanh; quản lý số hộ chịu thuế chưa chặt chẽ và kịp thời, vẫn còn tình trạng nhiều hộ chưa được đưa vào diện quản lý thu thuế. Việc quản lý xuất nhập khẩu qua biên giới còn lỏng lẻo, sơ hở tệ nạn buôn lậu trốn lậu thuế nghiêm trọng. Một số địa phương có cửa khẩu biên giới còn lợi dụng sơ hở về xuất nhập khẩu tiểu ngạch để thu tùy tiện cho địa phương. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan thu thuế chưa chặt chẽ…
Nếu làm tốt hơn các mặt trên thì khả năng thu ngân sách nhà nước năm 1992 còn có thể tăng hơn nữa, kể cả thu đối với các đơn vị quốc doanh và nhất là đối với khu vực ngoài quốc doanh và thuế xuất nhập khẩu.
2. Về chi ngân sách, quản lý chi năm 1992 có chặt chẽ hơn và đã bám sát dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê chuẩn. Số chi tuy có tăng so với kế hoạch do có tăng được thu nhưng có chú ý bổ sung vốn cho những công trình xây dựng cơ bản trọng điểm để nhanh chóng đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực sản xuất mới; tăng thêm vốn lưu động cho một số cơ sở sản xuất; bảo đảm được các khoản chi thiết yếu, thực hiện các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về giáo dục, văn hóa cho miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tuy nhiên, nhiều khoản chi có tính chất tiêu dùng chưa tiết kiệm, còn nhiều lãng phí, còn nhiều bất hợp lý; điều đặc biệt chú ý là trong khi chi quản lý hành chính tăng 120,5% so với dự toán đầu năm, các khoản chi về sắp xếp lao động, giải quyết việc làm lại đạt quá thấp (đạt 71,6% kế hoạch) trong lúc số người thiếu hoặc không có việc làm ngày càng tăng; chi về sự nghiệp giáo dục trong ngân sách địa phương nhiều nơi không bảo đảm được mức kế hoạch giao … Đây là vấn đề cần quan tâm chỉ đạo chặt chẽ hơn trong điều hành ngân sách nhà nước trong những năm tới. Việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn phân tán, nhất là ở các ngành, các cấp và địa phương. Quản lý vốn đầu tư thiếu chặt chẽ, có nhiều địa phương thực chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản vượt gấp nhiều lần (200 - 500%) so với kế hoạch giao đầu năm. Ý thức tiết kiệm chưa được quán triệt ở các cấp, các ngành; tình trạng xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện văn phòng, ô tô đắt tiền, tiệc tùng liên hoan quá khả năng cho phép còn xảy ra ở nhiều nơi.
3. Về cân đối ngân sách nhà nước năm 1992
So sánh giữa số tổng quyết toán với số dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua thấy, tăng thu được 3.337 tỷ đồng, thì lại tăng chi 3.350 tỷ đồng. Như vậy, số thiếu hụt ngân sách nhà nước không những giảm được mà còn tăng chút ít so với số dự toán đầu năm đã được Quốc hội phê duyệt. Nhưng số tổng quyết toán này nếu so sánh với số ước thực hiện ngân sách nhà nước năm 1992 theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX thì tổng số thu tăng thêm 2.053 tỷ đồng, tổng số chi cũng tăng thêm 895 tỷ đồng và số thiếu hụt ngân sách năm 1992 giảm được 1.158 tỷ đồng (theo báo cáo trước đây ước 3.845 tỷ đồng, nay theo tổng quyết toán còn 2.687 tỷ 190 triệu đồng). Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm trong việc quản lý, tổ chức thông tin, nắm và đánh giá tình hình thực hiện sao cho sát thực tế trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước.
Trên đây là một số ý kiến của Ủy ban chúng tôi trình Quốc hội xem xét thông qua tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1992.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội