THUYẾT TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ
VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
VÀ MIỀN NÚI TRONG NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1993
(Do ông Y Ngông Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá IX, ngày 07-12-1993)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Sau khi nghe Chính phủ báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1993 và định hướng kinh tế - xã hội năm 1994, cùng với kết quả giám sát ở các địa phương, Hội đồng dân tộc xin thuyết trình trước Quốc hội về một số vấn đề cần quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1994 như sau:
Năm 1993, là năm thực sự có những chuyển biến về kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác định canh, định cư làm cho nhiều vùng đồng bào được ổn định, một số vùng chuyên canh được hình thành, sản xuất hàng hóa đã bắt đầu xuất hiện và phát triển ở một số nơi. Vùng sâu, vùng xa cũng đã có các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện nhỏ, nước sinh hoạt … Nhiều địa phương đã được phủ sóng truyền hình, đưa thông tin về đến làng, bản, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, an ninh chính trị được bảo đảm, Chính phủ đã mở Hội nghị kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Quyết định 72/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 525/TTg về một số chủ trương, biện pháp tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đó là sự cố gắng lớn của Chính phủ, mong rằng các chủ trương đó sớm trở thành hiện thực.
Hội đồng dân tộc tán thành báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, của các ngành, các cấp đối với dân tộc và miền núi.
Song cũng cần nghiêm túc thấy rằng: bên cạnh những chuyển biến tiến bộ của năm 1993, thì vẫn còn nhiều vùng nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào Khơme, đời sống của đồng bào còn rất vất vả, khó khăn, trong đó có một số vấn đề cần được quan tâm trong nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1994:
1. Về hậu quả đầu tư:
Năm 1993, là năm Chính phủ có nhiều quan tâm đến các vùng dân tộc thiểu số bằng các chương trình kinh tế lớn: chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc; chương trình phát triển kinh tế vùng cao; chương trình thay cây trồng vật nuôi để phá bỏ cây thuốc phiện… Nguồn kinh phí tăng hơn so với các năm trước đây. Các chương trình đã bắt đầu phát huy được hiệu quả, làm cho đồng bào nhiều vùng đã có cuộc sống thay đổi. Nhưng nhìn chung thì hiệu quả vốn đầu tư đạt còn thấp, chưa tương ứng với mục đích yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do quản lý vốn dàn trải, phân tán, một số chương trình khi thực hiện chưa đúng đối tượng. Ngành nào, địa phương nào cũng muốn tranh thủ vốn nhưng sử dụng lại sai mục đích, nhiều đầu mối chia nhau quản lý. Nhiều địa phương, nhiều cơ quan quản lý trung gian tự định ra tỷ lệ trích vốn để sử dụng vào mục đích khác. Có nơi lấy vốn trồng rừng để làm đường thị xã, có cơ sở quốc doanh lâm nghiệp sử dụng cả vốn trồng rừng để sửa nhà làm việc và làm đường tải điện ở công sở. Có địa phương cho các hội vay vốn làm quỹ đời sống, cho nhiều cơ quan tham gia sử dụng vốn, trong khi các cơ quan ấy không có liên quan gì đến chuyên môn đến đối tượng vốn đầu tư. Các ngành ở Trung ương cũng tìm cách để được quản lý vốn, làm cho các nguồn vốn bị thất thoát qua các khâu trung gian. Một số địa phương nghiệm thu công trình, ước vốn đến cơ sở đạt khoảng 40%. Tình trạng vòng vo thủ tục vẫn chưa được chấm dứt, tiêu cực tham nhũng phát sinh ở khâu thủ tục và dự án, nhiều địa phương đòi hỏi phải có nhiều chương trình, nhiều vốn đầu tư, nhưng đi lại xa, đòi làm dự án và xét duyệt dự án phiền hà nên vốn duyệt đạt quá thấp. Như vốn đầu tư cho phủ xanh đất trống đồi trọc. Quảng Ninh chỉ đạt 34,7% số dự án, Bắc Thái 40%, Cao Bằng 41%, Gia Lai 59%, Lào Cai 38%, trong khi đó, nhiều tỉnh đồng bằng được duyệt 100%. Thủ tục cho dân vay vốn vẫn chưa được cải tiến, đòi hỏi thế chấp nên xảy ra nghịch lý người cần vay vốn để sản xuất, xóa đói, giảm nghèo thì không vay được, người giàu lại thừa điều kiện vay vốn để tiếp tục giàu.
Năm 1994, đề nghị Chính phủ có biện pháp tích cực quản lý vốn đầu tư cho các vùng dân tộc, bảo đảm vốn đầu tư đến đúng địa chỉ, đúng mục đích và ưu tiên đặc biệt cho các lĩnh vực: giao thông; nước sinh hoạt, điện, thông tin, giáo dục, sức khỏe và đào tạo cán bộ dân tộc. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo công khai hóa vốn đầu tư về, địa chỉ đầu tư để dân biết, dân làm, dân kiểm tra và những dự án đầu tư cho dân tộc khó khăn phải chính do dân tộc đó bàn bạc xây dựng lên. Tránh tình trạng tranh thủ vốn, địa phương trình dự án nhưng dân tộc đó lại không biết.
2. Tình hình di dịch cư tự do:
Mấy năm gần đây Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, giải quyết vấn đề di dịch cư tự do (Thông báo 68/TB ngày 13-4-1991, Thông báo 39/TB ngày 09-5-1992). Nhưng quá trình thực hiện ở các ngành có liên quan và các địa phương vẫn thiếu những biện pháp cụ thể, một số vụ việc chưa được tập trung giải quyết dứt điểm nên tình trạng không ổn định vẫn kéo dài. Nguyên nhân của tình hình vẫn chưa được nhận thức đúng đắn, chính do từ yêu cầu bức xúc về kinh tế và đời sống mà đồng bào phải di cư. Cuộc sống quá thiếu thốn, thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt, môi trường cạn kiệt, rừng không còn cây…, cuộc sống bấp bênh hàng ngày. Trong khi đó, về mặt chủ quan, việc tổ chức cuộc sống mới cho đồng bào, Nhà nước lo chưa kịp. Vì thế, đồng bào phải tìm nơi định cư mới, để mong có cuộc sống bảo đảm hơn. Đồng bào di dịch cư tự do chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Một bộ phận đồng bào vùng cao, vùng sâu muốn di cư xuống vùng thấp, còn số đông đồng bào muốn di cư vào các tỉnh phía Nam, đến năm 1993, có 3 vạn hộ với gần 20 vạn dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã di cư tự do vào các tỉnh phía Nam, trong khi đó cuộc sống nơi đồng bào di cư đến chưa được quan tâm tổ chức lại, quy định quản lý hộ tịch, hộ khẩu có nhiều ràng buộc nên đồng bào thường có tâm lý là người lén lút, tự do. Tình trạng ấy đã để lại nhiều hậu quả xấu, tranh chấp đất đai giữa đồng bào mới đến và đồng bào sở tại ngày càng gay gắt. Một số nơi đã gây ảnh hưởng xấu cả đến đoàn kết nội bộ giữa các dân tộc. Gần đây, nhiều địa phương có dân đến đã chủ động giải quyết một số vấn đề, nhưng nhìn chung tình hình không ổn định, đời sống khó khăn bấp bênh của đồng bào vẫn kéo dài. 70% số đồng bào di dịch cư tự do sống trong hoàn cảnh thiếu ăn, không ổn định. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có biện pháp giải quyết tích cực trong năm 1994.
3. Một số vấn đề về xã hội:
Trong lĩnh vực xã hội, ở các vùng dân tộc hiện nay đang nổi lên hai vấn đề bức xúc đó là: việc thực hiện chủ trương phá bỏ cây thuốc phiện và hiện tượng lợi dụng mê tín dị đoan.
Về chủ trương phá bỏ cây thuốc phiện là hoàn toàn đúng đắn. Vì thế các địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện, có những chủ trương, biện pháp kịp thời để chuyển hướng sản xuất cho đồng bào. Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo và đã dành khoản ngân sách 25 tỷ cho chương trình chống ma túy, song vẫn thiếu sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời, nên quá trình triển khai thực hiện ở từng tỉnh, ở từng ngành có liên quan cũng có một số quan niệm thiếu thống nhất, thiếu nhất quán cả về chế độ hỗ trợ, ở một số nơi do có vốn đầu tư hỗ trợ cho việc phá bỏ cây thuốc phiện, nên diện tích trồng ít lại khai tăng lên nhiều, có nơi không trồng nay khai báo lại có, do đó, mỗi nơi xử lý một cách. Một số nơi, đồng bào đã thắc mắc vì sao một Chính phủ mà mỗi nơi bị làm một cách khác nhau. Biện pháp giải quyết ở số địa phương coi nhẹ biện pháp tuyên truyền giáo dục, thiếu biện pháp mềm dẻo làm cho đồng bào phản ứng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có chủ trương và biện pháp cụ thể, chỉ đạo chặt chẽ và thống nhất.
Về hiện tượng lợi dụng mê tín của tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: mấy năm gần đây ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mê tín có xu hướng phát triển không bình thường. Ở vùng đồng bào Mông, xuất hiện thêm hiện tượng “vàng chứ”. Cũng cần nhận thức rằng: bắt nguồn từ cuộc sống khó khăn đồng bào mong muốn có cuộc sống cao hơn, nhưng lại bất lực nên họ đã mong ở một đấng thần linh, mê tín mong thoát khỏi cảnh nghèo nàn, khổ cực. Nhưng lợi dụng vào hoàn cảnh đó một số phần tử xấu đã lừa bịp đồng bào theo đạo, theo “vàng chứ”. Gần đây ở Sơn La, do lợi dụng mê tín, mê hoặc đã xảy ra vụ “tự sát” chết 53 người trong một đêm, để lại hậu quả đáng tiếc chưa từng có, mất nhiều tính mạng và tài sản của nhân dân. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm, kiểm điểm nghiêm túc, rút ra bài học kinh nghiệm để thấy rằng: dân tộc luôn luôn là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, phải thường xuyên quan tâm, giải quyết không nên để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
4. Việc công nhận xã, huyện, tỉnh là miền núi vùng cao:
Ủy ban dân tộc và miền núi đã giúp Chính phủ quyết định danh mục công nhận các xã, huyện, tỉnh là miền núi vùng cao, để xác định địa bàn thực hiện chính sách miền núi, đã quy định tại Quyết định 72/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ ). Sau khi công bố quyết định, một số địa phương có so sánh xã gần núi lại không được công nhận, trong khi đó, xã miền biển lại được công nhận là miền núi. Vùng cao của địa phương này chỉ bằng hoặc thấp hơn vùng miền núi của nơi khác, nếu không sớm khắc phục vấn đề trên sẽ làm cho việc thực hiện chính sách thêm phức tạp. Đề nghị Chính phủ xem xét và chỉ đạo chặt chẽ, không đơn giản vì có quan hệ đến thực hiện chế độ chính sách.
5. Về đào tạo và chính sách cán bộ:
Vừa qua, ngành Giáo dục và các địa phương đã xây dựng hệ thống trường nội trú và đã từng bước được hoàn thiện từ tỉnh xuống huyện. Nhưng trang thiết bị của các cơ sở trường còn rất thiếu thốn cần sớm được trang bị phục vụ cho công tác giảng dạy và cần có chính sách phù hợp, thỏa đáng đối với cả thầy và trò. Hiện nay, với chính sách đã có, chưa đủ mạnh để khuyến khích cán bộ, giáo viên, thầy thuốc lên miền núi. Chính sách, chế độ đối với cán bộ cơ sở chưa thỏa đáng trong khi đó cấp cơ sở là cấp có nhiều việc trực tiếp với dân. Mong rằng Chính phủ sớm có biện pháp.
6. Về bảo vệ sức khỏe cho đồng bào:
Đáng mừng là bệnh sốt rét và bệnh bướu cổ đã giảm dần, song không vì thế mà chủ quan để xảy ra dịch. Nhiều địa phương cho biết còn thiếu thuốc sốt rét, thiếu muối iốt. Bệnh phong (cùi) ở Tây Nguyên và một số nơi khác, số người mắc bệnh còn nhiều, có nơi tỷ lệ so với dân số còn rất cao (30%). Đề nghị Chính phủ nên có chương trình cho phòng và chống bệnh phong.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là một số vấn đề Hội đồng dân tộc thuyết trình trước Quốc hội, đề nghị Quốc hội xem xét.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội