BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI
VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH VÀ CÔNG TÁC ĐẤU TRANH
CHỐNG THAM NHŨNG, CHỐNG BUÔN LẬU NĂM 1993; CÁC
CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN NĂM 1994
(Do ông Hà Mạnh Trí, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá IX, ngày 07-12-1993)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong các ngày 01 và 02 tháng 12 năm 1993, Ủy ban pháp luật đã họp phiên toàn thể tại Hà Nội để thẩm tra báo cáo của Chính phủ trình
Quốc hội (ngày 18-11-1993) về tình hình và công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu năm 1993; chủ trương, biện pháp tiếp tục thực hiện trong năm 1994. Tham dự phiên họp có đại diện của các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Thanh tra Nhà nước, Trọng tài Kinh tế Nhà nước, Ban Quản lý thị trường Trung ương, Tổng cục Hải quan. Tại phiên họp, sau khi nghe đại diện Chính phủ trình bày báo cáo, đại diện các cơ quan phát biểu ý kiến, các thành viên Ủy ban đã thảo luận và nêu nhiều ý kiến về đánh giá tình hình tham nhũng, buôn lậu, về kết quả đấu tranh chống các tệ nạn này trong năm 1993 cũng như về những chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã đề ra nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh này trong năm 1994. Thay mặt Ủy ban pháp luật, chúng tôi xin báo cáo trước Quốc hội ý kiến của Ủy ban về báo cáo của Chính phủ như sau:
I- VỀ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH THAM NHŨNG,
BUÔN LẬU NĂM 1993
Về cơ bản, Ủy ban pháp luật nhất trí với đánh giá của Chính phủ nêu trong báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp này cho rằng, trong năm 1993, tình hình tham nhũng, buôn lậu đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Trong nhiều lĩnh vực, nạn tham nhũng xảy ra nghiêm trọng và tinh vi hơn trước đây, khiến dư luận nhân dân có nhiều bất bình; đáng chú ý là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, nhà cửa, cấp phát vốn, thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu, kể cả trong các lĩnh vực liên doanh, liên kết kinh tế với nước ngoài. Đáng lo ngại là tệ nạn này còn xảy ra ngay cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu.
Bên cạnh những vụ tham nhũng gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và của nhân dân, thì tệ nạn sách nhiễu, phiền hà cũng diễn ra rất phổ biến. Xét về giá trị kinh tế trong từng vụ việc có thể không lớn nhưng lại diễn ra thường xuyên và nhất là lại liên quan trực tiếp đến đời sống thường ngày của người dân, do vậy tệ nạn này cũng gây ra những hậu quả rất xấu về nhiều mặt.
Tình hình buôn lậu vẫn diễn ra rất phổ biến trên các địa bàn, với nhiều thủ đoạn tinh vi, nóng bỏng là các tuyến biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và trên biển. Đáng chú ý là các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, chất nổ xảy ra nhiều và rất nghiêm trọng, trong đó đã xuất hiện một số đường dây buôn lậu ma túy quốc tế, dùng địa bàn Việt Nam làm nơi trung chuyển. Tình hình buôn lậu thuốc lá ngoại trên tuyến biên giới Tây Nam vẫn tăng lên và các hoạt động này lại công khai hơn. Tình trạng lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất ôtô để buôn lậu là rất nghiêm trọng. Đi đôi với việc buôn lậu, tình trạng trốn lậu thuế cũng diễn ra khá phổ biến ở các đơn vị sản xuất - kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, ở hầu hết các cửa khẩu. Tình trạng phổ biến hiện nay là các phương tiện vận tải của Nhà nước đã bị bọn buôn lậu sử dụng vào việc vận chuyển hàng lậu; nhiều cơ quan, tổ chức còn để cho tư thương núp bóng, lợi dụng danh nghĩa để tiến hành các hoạt động buôn lậu.
II- VỀ KẾT QUẢ ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG, CHỐNG BUÔN LẬU TRONG NĂM 1993
Qua báo cáo của Chính phủ và qua thảo luận, Ủy ban chúng tôi nhận thấy, quán triệt Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 2, Chính phủ đã có kế hoạch hướng dẫn và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp nghe và chỉ đạo giải quyết đối với những vấn đề và những vụ việc quan trọng. Ban chỉ đạo chống tham nhũng, chống buôn lậu của Chính phủ đã được củng cố và hoạt động thường xuyên hơn; ở nhiều ngành và địa phương, các ban này cũng đã được kiện toàn một bước. Nhìn chung, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu trong năm 1993 đã có tiến bộ hơn so với những năm trước đây. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều cố gắng và đã có sự phối hợp tốt hơn trong việc phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc tham nhũng, buôn lậu, số lượng các vụ tham nhũng, buôn lậu đã được phát hiện nhiều hơn. Đáng chú ý là trong năm 1993 đã phát hiện được một số vụ án lớn, trong đó đã kiên quyết đưa ra xử lý trước pháp luật cả những đối tượng là người có chức vụ cao trong bộ máy nhà nước. Một số vụ án tham nhũng và buôn lậu đã được đưa ra xét xử tương đối kịp thời và đã tuyên phạt các bị cáo với những mức án khá nghiêm khắc, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong quá trình xử lý các vụ tham nhũng, buôn lậu, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã chú trọng hơn đến việc thu hồi những tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị thất thoát. Ở một số địa phương, đơn vị, đã có những biện pháp tích cực xử lý đối với những cán bộ có vi phạm. Đây là chuyển biến bước đầu trong việc thực hiện một trong những yêu cầu quan trọng mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra là kiên quyết đưa ra khỏi các cơ quan nhà nước những phần tử thoái hóa, biến chất nhằm góp phần bảo đảm cho các cơ quan này trong sạch, lành mạnh. Đồng thời, có ngành, địa phương đã xúc tiến những biện pháp cụ thể như ban hành quy chế làm việc của cán bộ nhân viên với những quy định tương đối chặt chẽ nhằm góp phần phòng ngừa và hạn chế những tiêu cực trong quá trình thi hành công vụ.
Các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương đã có những hoạt động tích cực trong việc giám sát nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu.
Tuy nhiên, những cố gắng, tiến bộ như đã nêu trên chưa đều khắp ở các ngành, các cấp và nhìn chung mới chỉ là bước đầu. Đối chiếu với tình hình tham nhũng, buôn lậu xảy ra trong thực tế và nhất là đối chiếu với các yêu cầu của việc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu mà Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 2, Quyết định 114/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra thì kết quả đạt được còn thấp; chưa tạo được những chuyển biến quan trọng trong việc ngăn chặn một cách có hiệu quả tệ tham nhũng, buôn lậu. Công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu còn nhiều tồn tại, yếu kém, vì vậy, chưa gây được niềm tin của nhân dân vào kết quả mong muốn của cuộc đấu tranh này.
Ủy ban chúng tôi cho rằng, tình hình trên đây là do một số nguyên nhân chính như sau:
1. Nền kinh tế nước ta đang chuyển từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong điều kiện đó, việc quản lý của các cơ quan nhà nước các cấp còn có tình trạng lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước với quản lý sản xuất - kinh doanh; nhiều văn bản pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế chưa được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới đó và vì vậy, còn nhiều sơ hở, thiếu sót mà bọn tham nhũng, buôn lậu đã tìm mọi cách lợi dụng. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là việc tình trạng chấp hành pháp luật không nghiêm, thậm chí, ngay cả trong cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang.
2. Trong đội ngũ viên chức nhà nước, bên cạnh những người trung thực, liêm khiết, gương mẫu, cũng còn một bộ phận không nhỏ bị thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, buôn lậu hoặc tiếp tay, bao che cho kẻ khác tham nhũng, buôn lậu.
3. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu có nhiều lực lượng được huy động, nhưng hoạt động của các lực lượng này còn phân tán, trách nhiệm chưa thật rõ ràng và thiếu sự chỉ huy thống nhất, cho nên chưa tạo được sức mạnh đồng bộ. Ở nhiều ngành, địa phương, những người có trách nhiệm chưa coi cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách như Quyết định của Chính phủ đã đề ra, do đó chưa thực hiện một cách nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước về đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu. Một số ngành và địa phương tuy có triển khai việc thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị của cấp trên như thành lập các ban chống tham nhũng, chống buôn lậu, đề ra biện pháp nhưng lại thiếu chương trình hoạt động cụ thể và nhất là thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Do đó, nhiều chủ trương, biện pháp thường mới chỉ dừng ở việc ra thông tư, chỉ thị và nghị quyết mà chưa được biến thành hành động cụ thể. Thực tiễn cho thấy, các vụ tham nhũng, buôn lậu xảy ra trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang không phải do chính người đứng đầu các cơ quan, đơn vị này tự phát hiện, mà thường do các cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc quần chúng nhân dân phát hiện và yêu cầu xử lý. Đối với những ngành và địa phương để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, buôn lậu thì trách nhiệm của người đứng đầu chưa được xem xét làm rõ và xử lý theo đúng Quyết định số 114/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
4. Việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng, buôn lậu của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhìn chung chưa được kịp thời và nghiêm minh, còn để lọt nhiều vi phạm và tội phạm. Trong hàng ngàn vụ việc vi phạm thuộc tham nhũng, buôn lậu đã được phát hiện thì số vụ đưa ra truy tố, xét xử còn rất ít; có những vụ việc tham nhũng đáng ra phải được chuyển đến các Cơ quan điều tra, truy tố xem xét để xử lý hình sự nhưng đã giữ lại để xử lý kỷ luật nội bộ; hầu hết các vụ buôn lậu đều được xử lý bằng biện pháp hành chính. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát đối với việc xử lý hành chính này lại không được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầy đủ. Có những lĩnh vực mà công luận và dư luận phản ánh có nhiều tiêu cực thì số vụ việc vi phạm phát hiện được còn ít. Cho đến nay, dư luận xã hội vẫn còn băn khoăn là các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa phát hiện và xử lý được một cách đích đáng bọn đầu sỏ buôn lậu cũng như tổ chức buôn lậu lớn.
III- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ CHỦ TRƯƠNG,
BIỆN PHÁP NHẰM TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC
ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG, CHỐNG BUÔN LẬU TRONG NĂM 1994
Ủy ban pháp luật nhận thấy, do tính chất nghiêm trọng và phức tạp của tệ tham nhũng, buôn lậu đã và đang diễn ra, đòi hỏi phải xác định rõ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước và nhân dân ta.
Chúng tôi nhất trí với những chủ trương, biện pháp lớn mà Chính phủ đã đề ra nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu trong năm 1994. Đồng thời, Ủy ban chúng tôi cũng xin kiến nghị với Quốc hội một số vấn đề sau đây:
Đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ chỉ đạo sát sao các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện cho được những chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã đề ra. Trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với chính sách đổi mới về kinh tế, một mặt cần nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua; mặt khác, cần đặc biệt quan tâm đến việc rà soát các văn bản pháp luật đã được ban hành, nhất là đối với các văn bản dưới luật; trong đó tập trung vào những văn bản thuộc các ngành, lĩnh vực thường có nhiều sơ hở dẫn đến tham nhũng, buôn lậu. Để bảo đảm thực hiện một cách có hiệu quả công tác này, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan của Chính phủ về từng lĩnh vực; đồng thời, đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch trong từng thời gian và thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch này. Đây là những việc làm mà từng thời gian cần được kiểm điểm cụ thể và báo cáo kết quả rõ ràng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện công tác này, cần quan tâm đúng mức đến những kiến nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương và địa phương đối với các văn bản có sơ hở, thiếu sót mà qua thực tế nghiên cứu, thi hành các cơ quan, tổ chức này đã phát hiện và yêu cầu khắc phục, nhất là đối với những kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những cán bộ có trách nhiệm nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc các quyết định mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu; kiện toàn các ban chống tham nhũng, chống buôn lậu từ Trung ương đến cơ sở bao gồm những người có đủ năng lực và phẩm chất, trong đó có một số cán bộ chuyên trách; kiên quyết xử lý và đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, nhân viên thoái hóa biến chất nhằm làm trong sạch bộ máy nhà nước.
Đề nghị Quốc hội lưu ý các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp hữu hiệu và phối hợp chặt chẽ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ tham nhũng, buôn lậu, chú trọng những lĩnh vực và địa bàn có nhiều vi phạm mà dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, có những biện pháp cụ thể, kiên quyết nhằm tiếp tục làm trong sạch nội bộ và để củng cố lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan này. Để các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đề nghị Quốc hội lưu ý các cơ quan có trách nhiệm tạo điều kiện cần thiết để các cơ quan này được tăng cường và củng cố mọi mặt về tổ chức, biên chế, kinh phí, phương tiện và điều kiện làm việc.
Ủy ban chúng tôi cho rằng, đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu là một nhiệm vụ cấp bách và hết sức khó khăn, phức tạp. Cuộc đấu tranh này chỉ có thể đạt được kết quả mong muốn khi có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ và các cơ quan hữu quan có biện pháp thích hợp để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng trong cuộc đấu tranh này.
Ủy ban chúng tôi đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát việc tuân theo pháp luật và nhất là đối với công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu; đồng thời, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh này.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là ý kiến của Ủy ban pháp luật đối với báo cáo của Chính phủ về tình hình và công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu năm 1993; các chủ trương, biện pháp tiếp tục thực hiện trong năm 1994, xin trình Quốc hội xem xét và quyết định.
Xin cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội