VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH CỦA
QUỐC HỘI VỀ CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRONG NĂM 1994


(Do ông Trịnh Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX, ngày 07-12-1993)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trong năm 1993, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban quốc phòng và an ninh đã tích cực hoạt động, hoàn thành chương trình đã đề ra; Ủy ban đã tập trung nắm tình hình và giám sát việc củng cố quốc phòng và an ninh ở biển, đảo, biên giới và một số vùng trọng điểm; vấn đề phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; đồng thời đã dành nhiều thời gian làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và một số Bộ, ngành hữu quan để xem xét việc thực hiện ngân sách quốc phòng và an ninh năm 1993, việc xây dựng dự toán ngân sách quốc phòng và an ninh năm 1994.

Trên cơ sở đó, qua nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh và về ngân sách nhà nước, Ủy ban chúng tôi xin có một số ý kiến và kiến nghị trình Quốc hội như sau:

I- VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 1993

Ủy ban chúng tôi cơ bản nội dung báo cáo của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ về đánh giá tình hình củng cố quốc phòng - an ninh trong năm 1993.

Ủy ban chúng tôi cho rằng: nhờ có đường lối đổi mới của Nhà nước và những cố gắng của nhân dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và đã khắc phục được một bước quan trọng tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Những chuyển biến tích cực đó cùng với chính sách đối ngoại đúng đắn của Nhà nước ta và khối đoàn kết dân tộc được củng cố và những nỗ lực hoạt động trực tiếp trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh đã bảo đảm cho chủ quyền lãnh thổ,biên giới, vùng biển của Tổ quốc ta được giữ vững. Các lực lượng vũ trang với sự giúp đỡ của nhân dân đã tích cực chấp hành nhiệm vụ; phát hiện, ngăn chặn và đối phó có hiệu quả với âm mưu và hành động diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trên một số địa bàn trọng yếu, đồng thời nâng cao thêm một bước chất lượng các mặt, sẵn sàng chiến đấu cao, đẩy mạnh xây dựng chính quy, tăng cường công tác bảo đảm kỹ thuật, tích cực tăng gia sản xuất, bảo đảm ổn định và cải thiện một phần đời sống vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên Ủy ban chúng tôi thấy cần đề nghị Quốc hội, Chính phủ lưu ý một số vấn đề sau đây:

1.   Trong thời gian qua, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã đẩy mạnh việc chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, phá hoại công cuộc xây dựng hòa bình của chúng ta, tăng cường chiến lược "diễn biến hòa bình" một cách toàn diện với quy mô, cường độ ngày càng tăng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, tư tưởng, văn hóa... kết hợp với âm mưu gây bạo loạn lật đổ. Trong khi đó, nhiều cán bộ, nhân dân ta chưa thấy rõ hoặc còn biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác với các âm mưu, hành động rất nguy hiểm này của chúng. Công tác phổ biến, giáo dục làm cho cán bộ và nhân dân ta hiểu biết về âm mưu này của địch còn thiếu sót. Kế hoạch đối phó với âm mưu và hoạt động của địch chưa đúng tầm, đúng mức, còn bị động, lúng túng trong xử lý một số sự việc xảy ra.

2.   Tuy chúng ta đã có những nghị quyết của Đảng và Nhà nước về củng cố quốc phòng và an ninh, nhưng trong thực tế sự liên kết, gắn bó giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng và an ninh vẫn chưa được chặt chẽ. Trong các cấp, các ngành và trong nhân dân, với mức độ khác nhau còn những nhận thức về tình hình của đất nước, về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh chưa thật sự quán triệt quan điểm quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Do đó, có ngành, có địa phương, khi xây dựng cũng như điều hành kế hoạch đã tách rời kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh. Các Bộ, các địa phương chưa quan tâm đúng mức xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo loạn. Ở một số địa phương còn những điểm nóng chưa được xử lý kịp thời. Hơn nữa, còn có những hiện tượng lỏng lẻo, sơ hở, mất cảnh giác trong công tác quản lý, trong quan hệ làm ăn, buôn bán với nước ngoài.

3.   Vấn đề đáng lưu ý: bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới, vùng biển, hải đảo, quần đảo, lãnh hải và thềm lục địa trên biển đang diễn ra rất phức tạp. Chúng ta đã có những chủ trương biện pháp để giữ vững chủ quyền kết hợp với chủ trương đối ngoại hòa bình; nhưng khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với an ninh - quốc phòng, biên giới, biển, đảo chưa thành một chiến lược chủ động thống nhất; tình hình vi phạm kỷ cương, luật pháp và các tệ nạn xã hội chưa có chiều hướng giảm. Do đó, cuộc đấu tranh chống các bọn tội phạm, buôn lậu, tham nhũng, nhất là chống bọn buôn lậu qua biên giới, trên biển đang là vấn đề nóng bỏng.

4. Một vấn đề khác mà chúng tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đó là: trong năm qua, các lực lượng vũ trang tuy đã được nâng cao chất lượng thêm một bước, giữ vững bản chất cách mạng, tích cực chấp hành các nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho nhưng vẫn còn một số vấn đề quan trọng cần được giải quyết, nhằm nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Trong thuyết trình của Ủy ban quốc phòng và an ninh tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, chúng tôi đã nhấn mạnh đến hai vấn đề: "Cần giải quyết một bước về trang bị cho các lực lượng quốc phòng và an ninh, tăng cường chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ", thì sau một năm thực hiện chức năng giám sát của mình, chúng tôi càng nhận thức rõ và đầy đủ hơn đây là hai vấn đề tồn tại lớn và cũng là những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của nước ta, cần được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm, tập trung giải quyết. Thực tế cho thấy, muốn bảo đảm cho nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được vững mạnh thì điều quan trọng là phải tăng cường và củng cố lực lượng vũ trang có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình, chú trọng tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật cải tiến trang, thiết bị.

Tóm lại, trong năm 1993, tuy quốc phòng - an ninh được giữ vững, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đối chiếu với ý đồ và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch,... thì vẫn còn những tồn tại, những mặt yếu kém cần phải tích cực khắc phục.

II- KIẾN NGHỊ CỦA ỦY BAN VỀ NHIỆM VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ
NHỮNG BIỆN PHÁP CẦN THIẾT ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA TÌNH HÌNH TRONG NĂM 1994

Ủy ban chúng tôi nhất trí về cơ bản với các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh mà Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội. Tuy nhiên, chúng tôi thấy có một số vấn đề sau đây cần được Quốc hội và Chính phủ xem xét.

1. Về nhiệm vụ: tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống âm mưu và các hoạt động "diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch:

Năm 1994, trước âm mưu của các thế lực thù địch ráo riết tăng cường hoạt động chống phá công cuộc đổi mới của ta, chúng tôi đề nghị phải xác định rõ hơn nữa cho toàn quân, toàn dân ta, đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của nước ta.

Cần phải tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức làm cho cán bộ, nhân dân thấy rõ được những âm mưu, thủ đoạn và các hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Phải tiến hành công tác này sâu rộng trong nhân dân, trước hết là trong cán bộ các cấp, các ngành, các trường học, các đoàn thể, v.v. huy động các ngành, các cấp, các cơ quan và phương tiện thông tin, xuất bản, báo chí vạch rõ những âm mưu và hành động của các thế lực thù địch; động viên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tạo thành phong trào mạnh mẽ của quần chúng chống lại các âm mưu thâm độc.

Cần có chiến lược cũng như kế hoạch và cơ chế tổ chức đồng bộ trong việc này. Hết sức coi trọng công tác phòng ngừa tích cực và chủ động. Cần rút kinh nghiệm giải quyết các vụ việc phức tạp trong thời gian qua, để bổ sung trong thời gian tới. Chấn chỉnh việc nắm tình hình và giải quyết kịp thời những âm mưu và hành động chống phá cách mạng. Thực hiện đúng chính sách tôn giáo và chính sách dân tộc, kiên quyết chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, chia rẽ tôn giáo, dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại công cuộc đổi mới. Cần có biện pháp, kế hoạch tiến hành cụ thể đối với từng vùng, từng địa phương. Cần có sự chỉ đạo và có kế hoạch giải quyết thỏa đáng, kịp thời những điểm nóng.

Cần tăng cường bảo vệ và xây dựng nội bộ vững mạnh về mọi mặt, rà soát và bổ sung những nội quy, quy chế chặt chẽ về việc quản lý nội bộ, cũng như trong việc quan hệ giao dịch với người nước ngoài, đặc biệt trong việc bảo vệ bí mật quốc gia, kiên quyết khắc phục những sơ hở lỏng lẻo.

Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu vì đây cũng là một lĩnh vực đang sơ hở mà địch dễ lợi dụng để làm suy yếu ta và diễn biến hòa bình. Trong những biện pháp chung mà Quốc hội đã đề cập, chúng tôi thấy cần xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc phòng ngừa đấu tranh chống tham nhũng đồng thời củng cố lại tổ chức, xây dựng Quy chế đấu tranh chống tham nhũng để công tác này thực hiện có hiệu quả hơn. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn nghiện hút xì ke ma túy; thành lập và củng cố các trung tâm cai nghiện; trừng trị nghiêm khắc bọn buôn bán ma túy.

2. Về nhiệm vụ tăng cường bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân - an ninh nhân dân; xây dựng các khu vực phòng thủ, các cơ sở vững mạnh, Ủy ban chúng tôi xin kiến nghị:

Qua thực tế diễn biến lâu nay ở biên giới, ở các vùng biển, đảo nước ta và qua khảo sát thực tế của Ủy ban chúng tôi tại một số tỉnh biên giới phía Bắc, phía Nam và Tây Nguyên, trên một số đảo và quần đảo ở các vùng biển của nước ta, chúng tôi thấy đây là những vị trí hết sức quan trọng trong thế chung của cả nước về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, cần xác định tăng cường bảo vệ vùng biển đảo của ta là một nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách vừa lâu dài, phải làm tích cực, khẩn trương đi vào chiều sâu và thiết thực hơn nữa.

Trong năm qua, tuy các cấp ủy và chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng huy động nhân vật lực, kết hợp một phần đầu tư của Trung ương cùng với lực lượng vũ trang củng cố quốc phòng - an ninh ở biên giới, hải đảo, nhưng so với yêu cầu bảo vệ vững chắc biên giới, bờ biển, các đảo, quần đảo, chủ quyền quốc gia ở biển thì chưa đạt, do đó, trong năm 1994, cần được giải quyết tập trung hơn năm 1993.

Ủy ban chúng tôi đề nghị:

- Vấn đề cơ bản là phải củng cố thế ta làm chủ ngày càng vững chắc các vùng biển, đảo, nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao khả năng tự bảo vệ vùng biển đảo và quần đảo thuộc ta quản lý. Để có thể làm việc này đề nghị trên cơ sở lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ cần có sự thống nhất ngay từ đầu việc xây dựng và lập kế hoạch cũng như quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh (sản xuất đi đôi với bảo vệ sản xuất) đối với từng vùng biển đảo, đối với các địa phương, do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì có sự tham gia của các ngành: Bộ Tài chính, Bộ Thủy sản, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, v.v. thực hiện một kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.

Nhà nước có chính sách và tạo điều kiện từng bước đưa dân ra làm ăn, sinh cơ lập nghiệp trên các đảo, quần đảo, nhất là các đảo xa, đưa hoạt động của các ngành Giao thông vận tải, Thủy sản, Xây dựng, thăm dò dầu khí, nghiên cứu khoa học ra biển, đảo nhằm làm chủ một cách toàn diện vùng biển, đảo, khu vực thăm dò, khai thác dầu khí.

Cần có sự đầu tư cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử để có những công trình nghiên cứu làm rõ chủ quyền của nước ta trên biển, các đảo và quần đảo.

Kết hợp với việc phát triển kinh tế - xã hội, cần phải tổ chức sắp xếp lại các lực lượng bảo vệ vùng biển, tạo ra được một sự chỉ huy thống nhất giữa các lực lượng của Hải quân, Biên phòng, quân khu và các lực lượng vũ trang, bán vũ trang của tỉnh, tại các vùng biển, đảo của ta.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng của biển đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Phát động phong trào các địa phương đỡ đầu các đảo, quần đảo, nhất là các đảo xa.

Song song với các vấn đề về biển cần triển khai nhanh chóng các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh biên giới. Đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành bảo đảm đồng bộ cho các tỉnh các điều kiện xúc tiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh ở biên giới. Vấn đề này cần xây dựng hoàn chỉnh thành các đề án cụ thể trong năm nay và những năm tới về các mặt.

Cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho dân sinh và quốc phòng - an ninh, nhất là việc củng cố nâng cấp các tuyến đường giao thông đã có và mở thêm các tuyến đường giao thông tới các làng bản. Có kế hoạch tích cực giải quyết nước, ánh sáng cho biên giới, chăm lo bảo vệ và xây dựng các khu rừng kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh.

Cần tăng cường củng cố Bộ đội biên phòng và dân quân, tự vệ các vùng biên giới, kết hợp việc đưa dân và các trạm biên phòng ra biên giới, với việc xây dựng các "làng xã biên phòng", để vừa là điểm dân cư, vừa là "điểm chốt" về quốc phòng và an ninh trên tuyến biên giới.

3. Về nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang:

Ủy ban chúng tôi nhất trí đề nghị phải đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng lực lượng vũ trang mạnh về chính trị, có trình độ chiến đấu cao và nghiệp vụ thành thạo, được bảo đảm về trang bị và đời sống, có nền nếp chính quy và kỷ luật chặt chẽ để có khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Về trang bị kỹ thuật, Ủy ban chúng tôi thấy tình hình đang ngày càng xuống cấp như hiện nay đã có ảnh hưởng nhiều tới khả năng thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch tăng cường ngân sách đầu tư cho việc bảo quản, giữ gìn chống xuống cấp trang bị vũ khí, khí tài hiện có, trong việc cải tiến và mua sắm một số trang bị tối cần thiết và đầu tư cho công nghiệp quốc phòng và hải quân.

Về đời sống của lực lượng vũ trang, cần đầu tư tập trung vào việc củng cố nhà ở, trang thiết bị doanh trại và vấn đề mặc bảo đảm đủ, bền, thống nhất, từng bước nâng cao mức ăn của chiến sĩ và hạ sĩ quan. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; tăng cường chất lượng gọi thanh niên nhập ngũ, kiên quyết khắc phục tệ nạn đảo ngũ.

Cần đầu tư thích đáng để củng cố trọng điểm một số trường của quốc phòng - an ninh và công tác nghiên cứu khoa học về quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.

Ngoài việc bảo đảm đầu tư ngân sách tập trung cho hai Bộ Quốc phòng và Nội vụ, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có quy định về ngân sách quốc phòng - an ninh cho các địa phương. ủy ban chúng tôi vẫn thấy rằng cần phải xác định phần chi cho quốc phòng - an ninh ở địa phương là một bộ phận quan trọng trong ngân sách địa phương. Thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ và khả năng của địa phương, nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm cho công tác xây dựng và hoạt động của dân quân, tự vệ và lực lượng an ninh cơ sở.

Một vấn đề quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của các lực lượng vũ trang là bản thân các lực lượng vũ trang phải tích cực khắc phục những tiêu cực, vi phạm pháp luật do một số cá nhân và đơn vị gây ra. Tăng cường quản lý nội bộ, phòng, chống "diễn biến hòa bình" vào nội bộ; đồng thời tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

4. Xây dựng và từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh

Trong nhiều năm qua, trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, chúng ta xây dựng được một số ít luật và pháp lệnh, thường là những vấn đề cần thiết trước mắt nên đã thiếu, không đồng bộ lại có vấn đề nội dung không còn phù hợp với cơ chế mới.

Do đó, Ủy ban chúng tôi thống nhất với ý kiến của Chính phủ là cần tăng cường công tác pháp luật về quốc phòng - an ninh trong thời gian tới; nhưng để thực hiện được vấn đề này, chúng tôi đề nghị:

- Cần sớm dự kiến hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh về quốc phòng - an ninh trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, bổ sung.

- Sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp lý và cơ quan pháp chế trong ngành Quốc phòng và An ninh để có thể triển khai một cách có chất lượng và kịp thời chương trình đề ra, cũng như kiểm tra đôn đốc việc chấp hành pháp luật trong các lực lượng vũ trang.

- Đồng thời, đề nghị có kế hoạch nghiên cứu về tổ chức bộ máy, lề lối làm việc của các Bộ, các ngành để thực hiện được tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là những ý kiến, kiến nghị của Ủy ban quốc phòng và an ninh trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Kính chúc các vị đại biểu Quốc hội mạnh khỏe và kỳ họp thứ 4 của Quốc hội thành công tốt đẹp.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội