THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI
VỀ TÌNH HÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM,
CÁC TỆ NẠN XÃ HỘI, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
(Do bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội
của
Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 4,
Quốc hội khóa IX, ngày 07-12-1993)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Sau
một năm hoạt động, Ủy ban về các vấn đề xã hội chúng tôi đã có báo cáo tổng
kết gửi đến các quý vị đại biểu về tham gia hoạt động lập pháp và giám sát
trên các lĩnh vực được phân công như vấn đề dân số, y tế, tôn giáo, chính
sách xã hội..., Ủy ban chúng tôi thấy rằng các vấn đề xã hội còn rất nặng
nề, đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách, biện pháp phù hợp với cơ chế
mới thì mới hy vọng giải quyết được. Trong thời gian có hạn, Ủy ban chúng
tôi xin phép đề cập hai vấn đề lớn trong phạm vi hoạt động giám sát của mình
đó là tình hình giải quyết việc làm và các tệ nạn xã hội, hy vọng rằng bản
báo cáo này sẽ cung cấp một số thông tin và giải pháp cần thiết để các đại
biểu tham khảo trong việc quyết định phương hướng và phát triển kinh tế - xã
hội và kế hoạch ngân sách trong thời gian tới. Bản thuyết trình này bao gồm
hai phần:
I-
THỰC HIỆN QUỸ QUỐC GIA GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
Giải
quyết việc làm là vấn đề phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới, là vấn
đề rất khó khăn ở các nước có tỷ lệ tăng dân số cao như nước ta, trong khi
nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống bảo hiểm xã hội chưa phát
triển, tỷ lệ người bước vào tuổi lao động tăng dần. Đây là một vấn đề có
liên quan đến rất nhiều khía cạnh chính trị kinh tế và xã hội.
Số
lượng người chưa có việc làm và thiếu việc làm ở nước ta tăng dần trong
những năm qua. Chỉ riêng trong năm 1993, có trên 2,7 triệu người hoàn toàn
chưa có việc làm, phần đông tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội: có
khoảng 10 vạn, Thành phố Hồ Chí Minh: có 27 vạn, Hải Phòng: 7 vạn, Đà Nẵng:
7 vạn... Nhìn chung tỷ lệ người chưa có việc làm ở thành phố từ 9 - 12%.
Theo các nhà kinh tế, thì đây đã là mức báo động số 2 (bởi vì, mức báo động
số 1 là khi tỷ lệ này 7%), từ vấn đề kinh tế sẽ chuyển thành vấn đề chính
trị phức tạp.
Trong khu vực nông thôn vấn đề thiếu việc làm rất nghiêm trọng, thứ nhất là
do thời gian nông nhàn chiếm 1/3 quỹ thời gian lao động, do đó, nếu chỉ độc
canh cây lúa thì thời gian nhàn rỗi khá nhiều (mà phần lớn các vùng nông
thôn hiện nay còn ở tình trạng độc canh), thứ hai là tỷ lệ hộ nông dân thiếu
và không có đất canh tác rất lớn. Trong một ấp ở đồng bằng sông Cửu Long có
đến 25% số hộ nông dân không có đất canh tác, có những huyện có 5% số hộ
không có đất và các tư liệu sản xuất khác. Các chợ lao động ở Hà Nội đã cho
ta thấy phần nào tình trạng thất nghiệp ở nông thôn.
Nhu
cầu việc làm lại càng tăng lên khi sắp xếp lại sản xuất trong các doanh
nghiệp cũng như các cơ sở hành chính sự nghiệp, bên cạnh đó là số học sinh
mới ra trường, bộ đội xuất ngũ, số đối tượng đã hoàn thành cải tạo giáo
dục...
Vấn đề việc làm hết sức phức tạp, nó vừa là quyền lợi của người lao động vừa
là nhu cầu cấp bách để phát triển và ổn định xã hội. Thực tế cũng như lý
luận cho thấy rằng, con người chỉ cảm thấy có ích khi họ có việc làm để tự
bảo đảm cho cuộc sống của họ cũng như gia đình và làm nghĩa vụ đóng góp cho
xã hội. Thiếu việc làm là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các tệ nạn xã
hội (chúng tôi xin đề cập vấn đề này ở phần sau) và mất ổn định xã hội.
Vì
thời gian có hạn chúng tôi chỉ đề cập một phạm vi rất hạn hẹp của vấn đề
giải quyết việc làm, đó là hoạt động của quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
Trước tình trạng trên, trong hai năm 1992 - 1993, Quốc hội đã dành một khoản ngân sách cho quỹ giải quyết việc làm quốc gia, Chính phủ và các địa phương
đã tiến hành các biện pháp cần thiết và đạt được một số kết quả đáng khích
lệ, trong năm 1993, có 1,2 triệu người tạo được việc làm, nhiều người đã
được đào tạo dạy nghề.
Trong khu vực nông thôn, với chủ trương đa dạng hóa việc làm, đa dạng hóa
nguồn thu nhập, thay đổi cơ cấu cây con trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt
nhờ cơ chế mở cửa và tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, từ độc
canh cây lúa sang trồng các cây công nghiệp, cây ăn trái, nuôi trồng các
loại đặc sản và phát triển các ngành nghề phụ ở nông thôn, vì vậy, mặc dù tỷ
lệ hộ nghèo còn cao song đã có rất nhiều hộ nông dân giàu lên với mức thu
nhập vài chục triệu đồng hằng năm đã xuất hiện nhiều. Thực tế cho thấy, nếu
chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ độc canh cây lúa sang các loại cây công
nghiệp hay cây ăn trái khác thì mức độ thu hút lao động sẽ tăng gấp 3 lần,
và giá trị thu nhập có thể tăng gấp 5 lần (có nơi gấp 10 lần).
Chúng tôi thấy rằng, đây là hướng giải quyết việc làm đúng đắn, phù hợp với
Nghị quyết 5 về xây dựng và phát triển nông thôn của Ban Chấp hành Trung
ương, đó là bước đi cơ bản nhằm tạo việc làm ở nông thôn và góp phần xóa bỏ
sự ngăn cách giữa nông thôn và thành phố, từng bước làm thay đổi bộ mặt của
nông thôn Việt Nam.
Năm
1993, ngân sách nhà nước đã dành 200 tỷ cho quỹ giải quyết việc làm quốc
gia. Do quỹ này mới hình thành một hai năm nay, vì vậy, nên chưa có nhiều
kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện, mặt khác, do ảnh hưởng của đổ vỡ tín dụng
những năm trước, vì vậy, năm 1992, thủ tục xét duyệt cho vay còn phức tạp,
phải qua nhiều khâu, nhiều bước. Sang năm 1993, việc xét duyệt cho vay đã
phân cấp cho các địa phương, cơ chế tín chấp đã được áp dụng hợp lý hơn,
đồng thời diện đối tượng cho vay được mở rộng đến các cơ sở sản xuất của
thương binh, người tàn tật, thanh niên xung phong, đối tượng xã hội sau khi
đã được cải tạo giáo dục, v.v. đồng thời, lãi suất cho vay đã giảm hơn so
với năm trước. Chính vì các yếu tố đó mà dự án đã được thực thi nhanh hơn.
Mặc
dù đến tháng 5-1993, mới có quyết định của Chính phủ về khoản tiền 200 tỷ,
nhưng do rút kinh nghiệm của năm trước, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng
triển khai. Tính đến tháng 11-1993, đã có 98% số tiền được chuyển đến các
địa phương, hơn 5.000 dự án, thu hút thêm 270 vạn lao động và dạy nghề cho
trên 33 ngàn người.
Việc
Quốc hội ấn định một khoản ngân sách cho quỹ giải quyết việc làm là hoàn
toàn đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Nhiều bà con nông dân
đã cám ơn Nhà nước và cho rằng Nhà nước đã không quên họ, điều đó góp phần
làm tăng niềm tin của bà con với Nhà nước.
Tuy
nhiên, hoạt động của quỹ giải quyết việc làm cũng còn một số vấn đề cần phải
xem xét để tiếp tục giải quyết tốt hơn:
Một là,
cơ chế kinh tế thị trường với nhiều kết quả tốt đẹp song cũng có hậu quả kèm
theo, đó là sự phân hóa xã hội. Số hộ nghèo và thiếu vốn còn chiếm 25- 30%
tổng số hộ trong cả nước. Có những huyện tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến trên 40%,
đồng thời, diện đối tượng cho vay để giải quyết việc làm đang ngày càng mở
rộng, trong khi đó quỹ lại giảm hơn so với năm trước (năm 1992, là 250 tỷ,
năm 1993, là 200 tỷ). Chính vì những lẽ đó mà quỹ này chỉ đáp ứng được 10%
nhu cầu vay vốn của các đối tượng. Nếu chúng ta xác định giải quyết việc làm
có tác dụng nhiều mặt đến kinh tế, chính trị và ổn định xã hội thì cần sớm
giải quyết mâu thuẫn này.
Hai là,
việc giải quyết việc làm ở khu vực thành thị qua các dự án công nghiệp nhỏ,
tiểu thủ công nghiệp có phần đúng, nhưng trên thực tế, nhiều dự án được vay
tối đa 200 triệu nhưng chỉ thu hút trên dưới 10 lao động, ngược lại ở khu
vực nông thôn mỗi người chỉ cần vay bốn năm trăm ngàn đã có thể tạo ra 1-2
chỗ làm việc tạm thời, nếu được vay 5-7 triệu chắc chắn sẽ tạo việc làm lâu
dài. Như vậy, một vấn đề đặt ra ở đây là các địa phương cần xem xét các dự
án của doanh nghiệp tư nhân có mức vay tối đa, nếu đó chỉ là đầu tư chiều
sâu để phát triển kinh tế thì nên chuyển sang vay vốn ngân hàng.
Ba là,
theo quy định của quỹ giải quyết việc làm thì chỉ có các đối tượng đang sản
xuất - kinh doanh mà thiếu vốn thì mới được vay hỗ trợ. Trong khi đó, các hộ
nông dân nghèo thì chưa có điều kiện sản xuất - kinh doanh, muốn tạo ra việc
làm gần như vốn vay là chủ yếu, nhưng ở một số địa phương có hiện tượng ngần
ngại trong việc cho nông dân nghèo ở diện này vay vốn.
Như
vậy, cần có nguyên tắc chỉ đạo chung là: những người thiếu vốn nhất cần phải
được vay trước.
Bốn là,
cho đến nay, vấn đề ách tắc nhất, vẫn là các thủ tục ở các kho bạc quận,
huyện, hoặc là cho vay bằng ngân phiếu, hoặc chờ đợi thẩm tra lại dự án rất
lâu mới được lĩnh tiền (cho dù đã có quyết định của tỉnh hay thành phố).
Năm là,
mặc dù đã phân cấp xét duyệt dự án cho cấp tỉnh nhưng nhìn chung việc xét
duyệt ở các cấp trong tỉnh, thành phố vẫn mất nhiều thời gian và không tránh
khỏi phải chi phí cho "công lên việc xuống"...
Ngoài ra, từ vài năm gần đây ở các địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở
các nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Thái Bình, Hải Phòng,
v.v. đang có phong trào xóa đói, giảm nghèo, hiệu quả của phong trào này đã
góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo, giảm dần sự khác
biệt giàu nghèo, phong trào đó cũng rất phù hợp với xu hướng chung của các
nước đang phát triển, đó cũng là một trong những nội dung của Nghị quyết 5
của Ban Chấp hành Trung ương. Vì vậy, cùng với quỹ giải quyết việc làm,
chúng ta cần có một quỹ và chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, quỹ
này sẽ giúp đỡ người nghèo chưa biết cách sản xuất - kinh doanh, có cơ hội
được vay vốn và được hướng dẫn giúp đỡ cách làm ăn để từng bước đi lên.
II-
TÌNH HÌNH THỰC TRẠNG TỆ NẠN XÃ HỘI
VÀ CÁC GIẢI PHÁP
Tệ
nạn xã hội bao gồm rất nhiều vấn đề như mại dâm, nghiện chích ma túy, tình
hình lây nhiễm HIV và hiểm họa SIDA, lang thang cơ nhỡ và bụi đời, cờ bạc,
trộm cắp... Với thời gian giới hạn ở đây, chúng tôi chỉ xin phép trình bày
đến ba vấn đề chính là mại dâm, nghiện hút và hậu quả nghiêm trọng nhất của
nó hiện nay là tình trạng nhiễn HIV và SIDA.
Thưa các vị đại biểu, kể từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX đến nay, chúng
tôi đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong việc giải quyết các tệ nạn xã
hội. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề thuộc lĩnh vực
xã hội, Nghị quyết 05 và 06 của Chính phủ quy định về công tác phòng, chống
ma túy và mại dâm, các chương trình tổng thể vùng cao phía Bắc, trong đó có
chương trình chuyển hướng sản xuất thay trồng cây thuốc phiện kết hợp với
cai nghiện thuốc phiện, chương trình quốc gia về phòng, chống và kiểm soát
ma túy đã được hình thành và đã có một khoản kinh phí 50 tỷ đồng. Việc xây
dựng các chương trình quốc gia và bước đầu có một khoản kinh phí nhất định
(tuy còn rất ít) đã thể hiện sự quan tâm và cố gắng lớn của Nhà nước ta.
Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, các địa phương đã thành lập cơ quan
phòng, chống tệ nạn xã hội và có nhiều hoạt động có kết quả. Theo báo cáo
của Ủy ban Dân tộc và Miền núi, các tỉnh miền núi phía Bắc, đã vận động nhân
dân ở địa phương nhổ bỏ 60% trong tổng số 15.000 ha thuốc phiện đã trồng.
Các địa phương cũng tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy, đã bắt
giữ rất nhiều đối tượng trong và ngoài nước buôn bán và tàng trữ ma túy và
xử phạt thích đáng kể cả tử hình.Với sự chỉ đạo tích cực của Bộ Nội vụ, các
địa phương đã triệt phá nhiều ổ chích hút ma túy, bắt giữ 1.730 kg thuốc
phiện, riêng thành phố Hà Nội đã truy tố 46 chủ chứa, điều tra cơ bản và xử
lý đưa đi cải tạo và cai nghiện một số lớn các đối tượng. Tính đến nay, cả
nước đã thành lập và đưa vào hoạt động 16 trung tâm cai nghiện và 18 trung
tâm bảo trợ xã hội trong toàn quốc. Ngoài ra ở các địa phương, đã tổ chức
được rất nhiều các trung tâm nhỏ và các lớp cai nghiện ngắn ngày tại huyện
cũng như xã, phường, bước đầu, một số nơi đã tiến hành cai nghiện tại xã,
phường đạt nhiều kết quả như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái, Hải
Phòng...
Về
công tác chống mại dâm, các địa phương đã tiến hành khảo sát để nắm chắc số
lượng và các tụ điểm hành nghề, đã kiểm tra tổng số 15.333 lượt các khách
sạn, quán trọ, nhà hàng và phạt tiền hơn 2.000 cơ sở hàng trăm triệu đồng,
rút giấy phép hoạt động của 153 cơ sở và giải tán nhiều tụ điểm hành nghề.
Như các đại biểu đã biết, do tình trạng nhiễm HIV và SIDA là hậu quả trực
tiếp của các tệ nạn mại dâm và ma túy, vì vậy, sự tăng cường các hoạt động
phòng, chống mại dâm và ma túy trong thời gian qua cũng là những bước đi
tích cực cho công tác phòng, chống nhiễm HIV/SIDA. Bên cạnh đó, Nhà nước đã
cấp một số kinh phí cho việc nâng cấp thiết bị, kỹ thuật phát hiện các
trường hợp nhiễm HIV (tuy kinh phí được cấp chỉ có 10 tỷ so với nhu cầu là
200 tỷ là quá thấp). Các chương trình truyền thông, thông tin tuyên truyền
về nhiễm HIV/SIDA nhất là trong thời gian gần đây, được nâng cao chất lượng
và có hiệu quả khá hơn. Nhìn chung, việc phòng, chống tệ nạn xã hội tuy mới
được bắt đầu trong một thời gian ngắn, nhưng chúng ta đã có những bước đi cơ
bản, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm xóa bỏ các tệ nạn này, nhân dân và toàn
xã hội đồng tình mong muốn Nhà nước sớm có biện pháp giải quyết.
Tuy
nhiên, thực trạng về tệ nạn xã hội hiện nay so với mong muốn của chúng ta
còn cách nhau khá xa, những cố gắng của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh, rất nhiều
cử tri đang băn khoăn lo lắng vì tình hình tệ nạn xã hội hiện nay. Chúng tôi
xin phép trình bày một số tình hình và đề xuất một số biện pháp để giải
quyết các tệ nạn xã hội như sau:
Mại
dâm là một tệ nạn đã tồn tại từ lâu đời qua các hình thái xã hội, chỉ khác
nhau về cường độ hoạt động tùy theo quan điểm và quy định của mỗi xã hội về
vấn đề này. Số lượng gái mại dâm đang hành nghề ở nước ta hiện nay ước chừng
200.000 người. Có một điều chúng ta cần thấy rõ rằng hiện nay, chúng ta chỉ
phát hiện theo dõi được số mại dâm trực tiếp hoạt động ở các tụ điểm, khách
sạn, nhà hàng, vườn hoa, v.v. còn một số lượng rất lớn hoạt động gián tiếp
bằng nhiều hình thức khác nhau, kín đáo, chính số đó mới gây băng hoại xã
hội và lây truyền SIDA ghê gớm mà chúng ta không lường hết được. Đặc biệt,
ta cũng cần lưu ý đến nhận xét rất mỉa mai của các chuyên gia quốc tế là:
gái mại dâm ở Việt Nam rất trắng trợn hơn bất kỳ một nước nào, và đã "đánh
bạt" gái mại dâm Thái Lan trên thị trường Campuchia. Tỷ lệ mại dâm ở tuổi vị
thành niên ngày càng tăng, ở Hà Nội là 20%, và Nha Trang, là 32%... Cũng
giống như ở các vùng nông thôn Thái Lan, lác đác ở nước ta cũng có hiện
tượng vì chạy theo lợi ích kinh tế mà đem bán con cho các nhà chứa. Tệ nạn
mại dâm đã thâm nhập vào cả giáo viên, học sinh, sinh viên. Thực tế đã cho
ta thấy rằng, trong một số trường đại học cũng có nữ sinh viên hoạt động mại
dâm. Do lợi ích thu được từ kinh doanh hoạt động mại dâm cao và nhanh hơn
bất cứ một ngành nghề nào khác, vì vậy, số chủ chứa đã tăng lên không ngừng,
riêng thành phố Hải Phòng, số chủ chứa năm 1993 đã tăng gấp đôi số chủ chứa
năm 1992, cùng với tăng về số lượng các chủ chứa cũng có nhiều hành động
chống đối dữ dội. Ví dụ, ở Hà Nội, đã có 27 trường hợp chủ chứa đến cướp lại
gái mại dâm đang bị đưa vào giáo dục trong trung tâm bảo trợ xã hội. Mặc dù
rất nhiều chủ chứa cùng với gái mại dâm đã lần lượt bị xử lý, song lại có
một số lớn các cô gái trẻ đẹp từ các vùng nông thôn bị lừa đảo hay do các
nguyên nhân kinh tế - xã hội lên thay thế họ. Số liệu cho thấy rằng, ở Thành
phố Hồ Chí Minh, có 40% số mại dâm là từ các tỉnh lân cận đến hành nghề, còn
ở Hà Nội, số này là 60%. Tại Thành phố Hồ
Chí Minh, ước chừng có khoảng 50 ngàn gái mại dâm, song khả năng của thành
phố mỗi năm chỉ có thể thu gom đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội khoảng
2.000, như vậy, số thu gom vừa bằng số tăng mới hằng năm.
Về
tệ nạn nghiện hút, tính đến năm 1993, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội cả nước ta có chừng 75.000 người nghiện chích ma túy được
phát hiện, phần lớn tập trung ở các thành phố lớn và một số tỉnh miền núi,
trong đó 88% là thất nghiệp, và hầu hết các đối tượng này đều có dính dáng
đến trộm cắp và có tỷ lệ phạm tội khá cao, hầu hết những con nghiện nữ đều
làm nghề bán dâm. Mỗi người nghiện hút hằng ngày trung bình tiêu cho chích
hút khoảng 30 đến 50.000 đồng, có những đối tượng chi hàng trăm ngàn đồng
một vài ngày, như vậy, riêng về chích hút đã mất vài tỷ trong mỗi ngày, như
vậy, hậu quả của nghiện hút trên tất cả các khía cạnh chính trị kinh tế - xã
hội.
Chúng ta đã đều biết sự liên quan chặt chẽ giữa mại dâm, ma túy và SIDA. Đối
với nước ta trong gần ba năm qua, số nhiễm HIV đã lên đến hơn 1.000 người.
Nếu theo cách tính của thế giới thì số thực bị nhiễm ở nước ta sẽ vào khoảng
100.000 người, sự lây nhiễm SIDA ở nước ta 88% qua con đường tiêm chích ma
túy. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới đến năm 2000, nước ta sẽ có chừng
350.000 nhiễm HIV, 24.000 người sẽ bị nhiễm qua đường sinh dục, 60.000 phụ
nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị nhiễm HIV và 20.000 trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ...
Đó là những con số không những làm băng hoại xã hội mà còn gây thiệt hại to
lớn về kinh tế... Như trên chúng tôi đã trình bày, với các biện pháp giải
quyết như hiện nay để xóa bỏ cơ bản các tệ nạn ma túy và mại dâm cũng phải
mất một thời gian dài, trong thời gian ấy, căn bệnh SIDA đã đủ giết cả dân
tộc ta, chúng ta đừng nghĩ rằng nhiễm HIV và SIDA là những vấn đề của người
khác, của các nước khác. Theo đánh giá của thế giới thì hiện nay, nước ta
đang ở vào giai đoạn yên lặng, nếu không có các biện pháp hữu hiệu thì đến
giai đoạn tới chúng ta sẽ không chống đỡ kịp.
Qua
phân tích tình hình trên, Ủy ban chúng tôi nhận thấy tình hình đã đến mức
báo động, cái đó không còn đơn thuần là tệ nạn xã hội đến với cá nhân và
từng gia đình, những cái đó đã làm xói mòn đạo đức lối sống của dân tộc và
đang có xu hướng phát triển thương mại hóa, bằng mọi thủ đoạn ranh ma lừa
đảo của chủ chứa hòng buôn bán phụ nữ nhằm kiếm lời cao, những cái đó đang
dần dần làm biến dạng bản chất xã hội ta.
Ủy
ban chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp như sau:
1.
Vấn đề trước tiên là chúng ta phải xác định một quan điểm thống nhất trên cả
nước đó là nhất trí dần dần xóa bỏ cơ bản các tệ nạn này. Đối với nạn nghiện
chích ma túy, tất cả chúng ta đã thống nhất là hạn chế và xóa bỏ càng sớm
càng tốt, song đối với nạn mại dâm tuy Chính phủ đã có nghị quyết song chưa
phải đã được thống nhất thực hiện ở các địa phương cũng như các ngành. Có
tỉnh thực hiện ráo riết, triệt để nhằm hạn chế mại dâm. Song có ngành và địa
phương chỉ tiến hành các biện pháp cầm chừng và còn sợ nếu làm mạnh công tác
chống mại dâm sẽ mất nguồn thu từ khách du lịch. Chính vì những quan điểm
như vậy mà số gái mại dâm hành nghề trong các khách sạn nhà nước chiếm tỷ lệ
khá cao, ví dụ, ở Hải Phòng: 54% số gái mại dâm hoạt động trong các khách
sạn (phần lớn là khách sạn nhà nước). Trong vụ án Sextour 1 (quán cà phê Bam
Bi, quận 3) ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, có hơn 50 số người bị truy tố
là nhân viên các khách sạn và hướng dẫn viên du lịch, chỉ một quán bán cà
phê mà cung cấp gái mại dâm cho hơn 20 khách sạn ở Thành phố Hồ Chí Minh...
Chúng ta nên thống nhất một quan điểm là đừng nên quá dễ dãi và cho rằng cứ
chuyển sang nền kinh tế thị trường là có ănchơi và đĩ điếm. Thực tế, một tài
liệu cho ta thấy rằng, chỉ có 15% khách du lịch nước ngoài là có nhu cầu
tình dục, phần lớn khách đi mua dâm là người Việt Nam và 70 đến 80% trong số
đó là công chức nhà nước.
Ở đây, chúng tôi xin nêu trường hợp của Thái Lan, đất nước có nguồn thu 5-6
tỷ đô la từ nguồn thu du lịch, song do khuyến khích du lịch tình dục mà cho
đến nay, với số lượng vài trăm ngàn người nhiễm HIV và mỗi năm sinh ra hơn
1.000 trẻ nhiễm HIV và đúng như các nhà nghiên cứu SIDA của Tổ chức Y tế thế
giới đánh giá là ảnh hưởng của SIDA sẽ như một làn sóng thủy triều quét sạch
những thành tựu về kinh tế - xã hội mà Thái Lan đã phấn đấu tích cực để đạt
được trong những năm vừa qua. Do đó, muốn chống tệ nạn này, trước hết phải
làm trong sạch các khách sạn nhà nước và có biện pháp xử lý nghiêm với những
công chức nhà nước vi phạm để làm gương, mới hy vọng nhân dân và xã hội đồng
tình, có như vậy họ mới cộng tác với Nhà nước trong việc phòng, chống tệ nạn
này.
2.
Một vấn đề rất quan trọng là cần tuyên truyền rộng rãi để nhân dân tự nguyện
thực hiện, việc giải quyết các tện nạn xã hội là trách nhiệm của Nhà nước và
mọi người dân, của các đoàn thể xã hội, tôn giáo. Cần tạo ra những chương
trình hoạt động đồng bộ và một dư luận xã hội rộng lớn nhằm chống lại các tệ
nạn xã hội như các năm trước đây, muốn như vậy thì Chính phủ cần có kinh phí
thích hợp để các hoạt động này có hiệu quả hơn.
Giống như các nước khác trong khu vực châu Á, chúng ta cũng bị ảnh hưởng của
phim ảnh, băng hình có nội dung xấu và lối sống phương tây, chính những cái
đó đã góp phần làm tăng tệ nạn xã hội. Vì vậy, cùng với việc tăng cường giáo
dục truyền thống dân tộc và gia đình, tôn giáo, v.v. cần quản lý chặt chẽ
phim ảnh và băng hình.
3.
Về vấn đề luật pháp và xử lý các vi phạm. Các quy định về luật pháp đã có
đầy đủ, nội dung các điều 96, 202, 203 của Bộ luật hình sự, nghị quyết của
Đảng, Quốc hội và Chính phủ và các quy định hướng dẫn thi hành của các Bộ,
ngoài ra, ở mỗi địa phương còn có những quy định chi tiết hơn. Trong năm
qua, việc xử lý các đối tượng hầu hết còn nhẹ do châm chước hoàn cảnh hay do
các yếu tố khác mà rất nhiều các chủ chứa mặc dù bị bắt quả tang nhưng chỉ
bị phạt hành chính rồi cho về. Thực tế, ở một số nước như Trung Quốc và
Xingapo, thực hiện xử lý các đối tượng liên quan đến ma túy và mại dâm khá
nghiêm túc. Năm 1992, tại Trung Quốc, đã có 277 người buôn lậu ma túy bị tử
hình. Do kinh doanh nghề này thu được rất nhiều lợi nhuận, mặt khác, ta lại
xử lý quá nhẹ, do đó, các chủ chứa càng coi thường pháp luật, tiếp tục hoạt
động và lừa đảo nhiều cô gái vào vòng tội lỗi. Như vậy, trước hết chúng ta
phải thực hiện nghiêm túc những quy định pháp luật đã có.
Đối
với các nhà hàng, khách sạn bất kể là thuộc về Nhà nước hay tư nhân nếu bị
phát hiện có chứa chấp hoạt động mại dâm đều phải được xử lý theo pháp luật
và kèm theo phạt tiền thật nặng, nếu tái phạm sẽ bị đóng cửa.
Một
vấn đề nữa đặt ra ở đây là, một số quy định trong Bộ luật hình sự với khung
hình phạt còn quá nhẹ, cần nâng cao mức xử phạt đối với các tội chứa, môi
giới mãi dâm và đồng thời nên quy định các hành vi mua dâm, bán dâm và môi
giới mại dâm đều là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Giải pháp
tốt nhất về mặt pháp lý là chúng ta nên ban hành các luật hoặc pháp lệnh về
phòng, chống ma túy, mại dâm và SIDA. Tuy nhiên, trước mắt ta nên gấp rút
sửa đổi ngay trong năm 1994 một số điều quy định có liên quan trong Bộ luật
hình sự.
Đối
với những người nghiện hút và hành nghề mại dâm phải được xử lý trên cơ sở
phân loại. Với những đối tượng đã giáo dục nhiều lần mà vẫn tiếp tục thì cần
phải đưa vào các trung tâm để xử lý, còn các đối tượng do khó khăn trong
cuộc sống thì có những biện pháp giáo dục thuyết phục, đào tạo dạy nghề,
giúp đỡ tạo việc làm, cho vay vốn, tổ chức cai nghiện và chữa bệnh cho họ
tại cơ sở phường xã. Đồng thời, cần tạo ra môi trường trong lành, gần gũi
giúp đỡ họ đủ khả năng từ bỏ con đường cũ và hòa nhập với cộng đồng. Qua số
liệu điều tra cho thấy rằng: 88% số nghiện hút ở Hải Phòng là không có việc
làm, 85% số gái hành nghề mại dâm ở Thành phố Hồ Chí Minh là do sinh kế bản
thân và gia đình, 70% số họ xuất phát từ các hộ gia đình nghèo không đủ
sống. Trong khi cuộc sống ở nông thôn có nhiều khó khăn vất vả thì cuộc sống
xa hoa dễ kiếm tiền trong các nhà hàng khách sạn, v.v. là lực hấp dẫn đối
với họ. Chúng ta cũng không nên quá nặng lời đối với một cô gái nông thôn
nghèo đói và không có việc làm phải bán thân đi để kiếm sống trong khi thực
tế có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng vẫn chưa kiếm được việc làm.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia phòng,
chống SIDA, nạn mại dâm đã nhiễm vào cả giáo viên, học sinh, sinh viên và
đều có một nguyên nhân chung nhất đó là do sinh kế. Có đến 80% đối tượng sau
khi đã cai nghiện hoặc hoàn thành giáo dục cải tạo lại tiếp tục con đường
mại dâm, nghiện hút trở lại vì không có việc làm. Do đó, giải pháp tạo việc
làm cùng với các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội rất quan
trọng để góp phần giải quyết tệ nạn xã hội.
Đối
với người mua dâm, những người tạo ra thị trường bán dâm cũng cần phải xử lý
thích đáng. Chúng tôi nghĩ cũng giống như vấn đề kế hoạch hóa gia đình đó
không chỉ là vấn đề riêng của phụ nữ, đó là trách nhiệm của cả hai phía nam
và nữ. Do đó, chúng tôi đề nghị cần có biện pháp xử lý người mua dâm như nếu
bắt được quả tang sẽ thông báo về cơ quan, địa phương nơi cư trú. Đặc biệt,
cần phải xử lý thật nặng các cán bộ công chức nhà nước dùng tiền công quỹ
tiêu xài vào hoạt động ăn chơi, mại dâm. Cũng cần quy định rõ tiêu chuẩn này
trong Pháp lệnh công chức nhà nước sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Riêng trường hợp có quan hệ với gái mại dâm ở tuổi vị thành niên cần phải xử
theo đúng quy định trong Bộ luật hình sự.
4.
Giải pháp tình thế
Ma
túy và mại dâm đã tồn tại từ nhiều đời nay cùng với sự phát triển của nhân
loại. Cho đến hiện nay, chưa có quốc gia nào hoàn toàn xóa bỏ được tệ nạn
này. Mặc dù, bản chất của xã hội và truyền thống của người Việt Nam không
chấp nhận hiện tượng mại dâm và nghiện hút, tuy nhiên, chúng ta buộc phải
chấp nhận những giải pháp tình thế song song với các biện pháp hạn chế và
xóa bỏ cơ bản tệ nạn này. Những giải pháp tình thế này bao gồm các chương
trình giáo dục tuyên truyền cho các nhóm đối tượng nhằm thay đổi hành vi, sử
dụng bao cao su để bảo đảm tình dục an toàn, sử dụng kim tiêm sạch, bởi vì
trong thực tế 85% lây lan HIV ở nước ta là do tiêm chích, 8% số nghiện hút
dùng chung bơm tiêm, 79% chủ chứa chỉ sát trùng bơm tiêm qua loa... Kinh
nghiệm thực tế ở các nước cho thấy rằng, trong giai đoạn im lặng hiện nay
của SIDA các giải pháp tình thế như vậy sẽ có tác dụng rất lớn để hạn chế
nhiễm HIV.
5.
Một giải pháp quan trọng cơ bản, lâu dài, đó là giải pháp về dân số. Sự gia
tăng dân số cao hiện nay, sự tăng luồng nhập cư nông thôn ra thành phố, tỷ
lệ thất nghiệp cao hiện nay đó là kết quả của quá trình thực hiện các chương
trình dân số trong 10 - 15 năm qua. Chúng tôi đã nêu ở trên là tỷ lệ thất
nghiệp cao đã là một nguyên nhân chính gây tăng các tệ nạn xã hội và tỷ lệ
tăng dân số là một nguyên nhân cơ bản gây tăng tỷ lệ thất nghiệp. Như vậy,
giải quyết vấn đề dân số từ bây giờ sẽ là biện pháp cơ bản để góp phần hạn
chế tệ nạn xã hội cho mai sau.
Trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư khá nhiều công sức, vật chất để giải
quyết vấn đề dân số, gần đây nhất là nghị quyết của Hội nghị Trung ương,
chiến lược dân số đến năm 2000, kinh phí đã được tăng dần (mặc dù chưa đáp
ứng nhu cầu) nhưng cái đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, song
mức độ tăng dân số vẫn còn khá cao. Như vậy, cần phải quan tâm hơn nữa về
các mặt cho công tác tuyên truyền cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ các
biện pháp tránh thai, sự quan tâm phải được thể hiện trước hết ở các vị lãnh
đạo, những nhà lập kế hoạch và xây dựng chính sách và các đại biểu Quốc hội.
Qua số liệu khảo sát tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IX cho thấy,
27,3% đại biểu có trình độ phổ thông cơ sở, 25% đại biểu có trình độ phổ
thông trung học và 13,8% đại biểu có trình độ đại học mong muốn có từ 3 đến
4 con. Khảo sát của Ủy ban chúng tôi tại Hà Tĩnh cho thấy, 75% đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh có từ 3 - 5 con. Như vậy, một yêu cầu đối với các đại
biểu dân cử nói chung và đại biểu Quốc hội nói riêng là phải nâng cao nhận
thức, chú trọng đến công tác dân số, gương mẫu thực hiện. Quốc hội cần ban
hành một chính sách dân số của nước ta đầy đủ với các khía cạnh của nó như
vấn đề chăm sóc người già, bảo vệ phụ nữ, chính sách điều động dân cư chứ
không phải chỉ có vấn đề kế hoạch hóa gia đình.
7.
Một giải pháp rất quan trọng để các biện pháp được thực thi có hiệu quả đó
là sự quan tâm của Nhà nước cũng cần được thể hiện trong kế hoạch ngân sách
hằng năm cho công tác này, phải coi đây là công việc thường xuyên chứ không
phải là bố trí theo chiến dịch.
Kính thưa Quốc hội,
Cơ
chế thị trường đã đem lại cho chúng ta nhiều kết quả tốt đẹp, tuy nhiên, nó
cũng làm phát sinh không ít những hậu quả về mặt xã hội; các vấn đề xã hội
có liên quan chặt chẽ với tình hình chính trị cũng như kinh tế, vì vậy, song
song với các biện pháp phát triển kinh tế cần tiến hành đồng thời các biện
pháp giải quyết các vấn đề xã hội, có như vậy mới tạo ra sự phát triển vững
chắc và lâu dài. Quốc hội chúng ta đã qua 9 khóa nhưng chúng ta chưa có lần
nào dành thời gian để thảo luận các vấn đề xã hội, vì vậy, Ủy ban chúng tôi
thiết tha kính mong Quốc hội trong năm 1994 hãy dành chút ít thời gian để
xem xét về các vấn đề này.
Xin
chân thành cảm ơn các vị đại biểu.
Lưu tại
Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội