VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
CỦA QUỐC HỘI VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 1993, PHƯƠNG HƯỚNG CỦA NĂM 1994,
GÓP PHẦN THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT KỲ HỌP THỨ 4 CỦA QUỐC HỘI

 (Do ông Phan Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX, ngày 07-12-1993)

 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tán thành những điểm chủ yếu trong báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 1993 và dự kiến kế hoạch năm 1994. Tuy nhiên, Ủy ban chúng tôi thấy cần phải trình bày thêm với Quốc hội về "Tình hình phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường năm 1993, phương hướng của năm 1994, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Kính thưa Quốc hội,

Cho phép tôi được trình bày:

PHẦN I

MỘT VÀI NÉT VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN
TRONG NĂM QUA

 1. Công tác lập pháp

Ủy ban đã hoàn thành việc báo cáo thẩm tra và trình bày Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua ba pháp lệnh:

1. Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

2. Pháp lệnh thú y;

3. Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão.

Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố các pháp lệnh trên.

Tháng 10-1993, sau khi Chính phủ có Tờ trình Quốc hội số 5336/CP ngày 22-10-1993 về Dự án Luật bảo vệ môi trường, Ủy ban đã tổ chức các cuộc họp thẩm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại kỳ họp Quốc hội này, Ủy ban chúng tôi trình Quốc hội báo cáo thẩm tra để Quốc hội xem xét, thông qua.

2. Công tác giám sát

Mặc dầu việc tổ chức các đoàn đi giám sát địa phương là khó khăn vì đại đa số thành viên Ủy ban hoạt động không chuyên trách, tuy vậy, trong năm 1993 Ủy ban đã tổ chức được các đoàn đi giám sát tại 15 địa phương.

Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề:

- Tình hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đặc biệt là việc đưa giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất tạo hàng hóa xuất khẩu tại các địa phương; canh tác theo vùng sinh thái...

- Tình hình môi trường và việc phòng, chống ô nhiễm môi trường tại cơ sở sản xuất thuộc ngành Vật liệu xây dựng, ngành Năng lượng tại vườn quốc gia Cúc Phương; tình hình môi trường tại khu vực khai thác mỏ như mỏ thiếc Quỳ Hợp, mỏ đá quý Quỳ Châu; tình hình cung cấp nước cho sản xuất và đời sống tại vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Khơme Nam bộ và một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái, Lào Cai; tình hình phủ xanh đất trống đồi núi trọc hoặc trồng cây chắn sóng, chống cát bay ven biển, xem xét hiện tượng nứt đất tại Thừa Thiên - Huế và ở một số địa phương khác.

- Tình hình thi hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường tại các địa phương, đặc biệt là việc thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng, Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản, Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

- Đối với các cơ quan của Chính phủ, trong năm qua, Ủy ban chúng tôi đã giám sát và kiến nghị biện pháp giải quyết một số việc thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, ví dụ như việc xây dựng sân gôn tại Khu lâm viên Thủ Đức; việc di chuyển Nhà máy sàng tuyển than Hòn Gai ra khỏi thị xã Hòn Gai, cải tạo Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình...

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban và toàn thể Ủy ban đã làm việc với nhiều cơ quan Bộ, ngành của Chính phủ về những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường (đã có báo cáo gửi tới các vị đại biểu).

PHẦN II

TÌNH HÌNH VỀ CÔNG TÁC KHOA HỌC,
CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
CÁC NGÀNH, CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG NĂM QUA

Năm 1993 là năm quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả kế hoạch năm năm 1991 - 1995 nhằm vào 3 mục tiêu lớn:

Một là, xây dựng hệ thống luận cứ khoa học cho việc ban hành những chính sách, chủ trương, quyết định lớn của Đảng và Nhà nước, những cơ chế quản lý kinh tế - xã hội cũng như quản lý khoa học và công nghệ;

Hai là, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học công nghệ, tập trung xây dựng một số hướng khoa học, công nghệ ưu tiên nhằm đáp ứng những nhu cầu trước mắt và lâu dài của đất nước. Phát huy rõ vai trò động lực của khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội;

Ba là, xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia để đủ sức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội trong giai đoạn 1991 - 1995 và những năm tiếp theo, trong đó, đặc biệt chú ý tới phát triển đội ngũ các cán bộ khoa học, công nghệ và sắp xếp bố trí hợp lý mạng lưới các cơ quan khoa học - công nghệ.

Hướng vào 3 mục tiêu trên, năm 1993, đã có 31 chương trình khoa học, công nghệ cấp Nhà nước, trong đó đã có không ít đề tài là thuộc về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Ngoài ra, còn nhiều chương trình đề tài thuộc các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố nhằm giải quyết những nhiệm vụ khoa học, công nghệ cụ thể của ngành và địa phương. Nhìn tổng quát có thể nói, hoạt động khoa học và công nghệ năm vừa qua có nhiều tiến bộ tích cực đáng ghi nhận, khoa học và công nghệ đã từng bước tự khẳng định là động lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gắn nghiên cứu với nhu cầu xã hội. Nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng trong nông nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu... đã có giá trị thực tiễn và đưa lại hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao trình độ công nghệ và làm chủ một số công nghệ nhập từ nước ngoài. Lần đầu tiên, có các chương trình cấp Nhà nước về khoa học xã hội và nhân văn, được triển khai khẩn trương và bước đầu đóng góp căn cứ cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

1. Đánh giá những mặt đã làm được:

a) Khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất và quốc phòng - an ninh:

Khoa học và công nghệ đã góp phần tích cực đem lại thành quả về kinh tế - xã hội năm qua và đã có bước trưởng thành trong cơ chế kinh tế mới.

Trong sản xuất nông nghiệp:

Năm 1993, nước ta đạt hơn 24,5 triệu tấn lương thực quy thóc, mặc dầu có nhiều thiên tai ở miền Trung. Kết quả trên, ngoài các yếu tố thuận lợi về thời tiết, các yếu tố về quản lý và điều hành của Chính phủ, sự cần cù và sáng tạo của nông dân, cần thấy rõ tác dụng của sự áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới về nông nghiệp, qua công tác khuyến nông, trong đó nổi bật là việc phổ biến dùng các loại giống mới cao sản, nhiều nơi đã tiếp thu và áp dụng công nghệ giống lúa lai cao sản cũng như các loại giống cây con thuộc thế hệ mới nhờ áp dụng công nghệ tế bào và công nghệ di truyền. Mặt khác, nhờ kết quả của nhiều năm nghiên cứu đã hình thành các bộ giống cây lương thực thích hợp cho từng vùng sinh thái. Nhiều địa phương áp dụng thành công biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM), góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Trong sản xuất công nghiệp:

Năm 1993, nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nhờ đổi mới công nghệ và cải tiến công tác quản lý kinh tế, quản lý khoa học và công nghệ nên đã có một số cơ sở không những trụ vững mà còn phát triển khá. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cơ sở sản xuất thua lỗ, công nhân không có việc làm vì hàng hóa sản xuất ra chất lượng kém, giá thành cao, không tiêu thụ được. Ở đây, chúng tôi cho rằng, cần phải có những biện pháp quản lý vĩ mô kiên quyết hơn, nhưng đồng thời phải có chính sách đổi mới công nghệ đồng bộ với chính sách tài chính, tín dụng đúng đắn thì không những làm cho sản xuất công nghiệp được phát triển mạnh hơn mà còn tạo được thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Trong năm qua, việc quản lý chất lượng thiết kế và thi công đối với các công trình xây dựng của Nhà nước (gồm của Trung ương và của địa phương) nhìn chung có tiến bộ hơn trước. Hầu hết các công trình trọng điểm nhà nước như đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam (ĐZ 500), Nhà máy thủy điện Yaly, hệ thống chương trình thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ - Thủ Đức, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, cầu Việt Trì, đường băng hạ cất cánh 25 RC sân bay Tân Sơn Nhất, các công trình xây dựng ở các thành phố, đô thị lớn... Các công trình thủy nông, các công trình xây dựng khác đã được thẩm định thiết kế và giám sát chặt chẽ thi công theo quy định.

Trong thi công các công trình xây dựng, nhiều tiến bộ kỹ thuật và công nghệ đã được áp dụng. Công trình thủy điện Thác Mơ, đường băng sân bay Tân Sơn Nhất đã sử dụng phụ gia của hãng Sika (Thụy Sĩ) để nâng cao chất lượng thiết bị thi công cọc nhồi hiện đại, có tác dụng đẩy nhanh tiến độ thi công và bảo đảm chất lượng bê tông của trụ cầu...

Tuy vậy, vẫn còn nhiều công trình công tác thẩm định bị buông lỏng, thậm chí thông qua công tác thẩm định của cơ quan chuyên ngành; trong thi công không được giám sát chặt chẽ cho nên công trình phải gia cố thêm, làm lại hoặc đã xảy ra sự cố.

Về công trình hệ thống đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam (ĐZ500), công tác quản lý chất lượng công trình được các cấp từ Trung ương đến Bộ ngành, cơ sở quan tâm đặc biệt. Riêng Bộ Năng lượng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn ngành để quản lý kỹ thuật, đồng thời tổ chức hệ thống giám sát chất lượng công trình. Trong thi công móng, chế tạo cột, dựng cột, căng dây, thiết kế hệ thống, ngoài các cơ quan chức năng, Nhà nước còn thuê hợp đồng cơ quan tư vấn PPI/SECVI (Ôxtrâylia) tham gia làm thẩm định thiết kế và giám sát chất lượng thi công. Theo báo cáo của các cơ quan giám sát có thẩm quyền cũng như của tổ chức tư vấn nước ngoài, những nơi được kiểm tra thấy chất lượng nói chung được bảo đảm.

Tuy nhiên, còn thiếu một số việc phải làm tiếp như thí nghiệm về chế độ thẳng đứng của cột, độ lệch của xà, độ bền vững của kết cấu cột..., theo báo cáo thấy vẫn còn một số bu lông vặn chưa hết cỡ, một số cột do Ucraina chế tạo bị gỉ, điện trở nối đất tại một số cột cao hơn quy định... Các sai sót này phải khắc phục xong trước khi đưa công trình vào hoạt động.

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh:

Các cơ quan khoa học quân sự và an ninh cũng đã nghiên cứu các luận cứ khoa học để xây dựng chiến lược quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, những vấn đề về kết hợp kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế, về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Công tác khoa học - kỹ thuật quân sự cũng đã đóng góp tích cực cho việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị và phát triển công nghiệp quốc phòng. Các viện nghiên cứu khoa học, các xí nghiệp quốc phòng trong Quân đội và Công an cũng đã tham gia phục vụ kinh tế, khai thác các thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất những hàng hóa có chất lượng cho tiêu dùng xã hội. Năm 1994, Ủy ban chúng tôi kiến nghị cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan khoa học dân sự với cơ quan khoa học của ngành Quốc phòng và An ninh để tiết kiệm nguồn lực, đồng thời nâng cao hiệu quả phục vụ quốc phòng và an ninh.

b) Khoa học xã hội và khoa học quản lý:

Nhiều ngành Khoa học xã hội đã tiến hành nghiên cứu những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách về kinh tế - xã hội, về văn hóa tư tưởng, đã đóng góp với Đảng và Nhà nước luận cứ khoa học trong việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, các chính sách và giải pháp cho những vấn đề kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài, đồng thời, cũng đã góp phần thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đã có nhiều đề tài nghiên cứu để làm rõ những vấn đề lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần đổi mới công tác quản lý kinh tế, nhất là ở cấp vĩ mô đối với hoạt động của các thành phần kinh tế. Từng bước hoàn chỉnh cơ chế quản lý đối với các công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước, quản lý tiền tệ tài chính, quản lý xuất nhập khẩu... Đặc biệt, đã có bước tiến rõ nét về việc nghiên cứu, phát hiện, tổng hợp những đặc điểm và truyền thống văn hóa, các vốn quý của các dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước.

c) Về vấn đề môi trường:

Trong năm qua, Chính phủ đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt là công tác trồng rừng nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban chúng tôi cũng như Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua Dự án Luật bảo vệ môi trường tại kỳ họp này đã nói lên hiện trạng môi trường của nước ta hiện nay. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, đưa mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh vào kỷ cương, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái... Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua Luật bảo vệ môi trường tại kỳ họp này.

2. Những vấn đề còn tồn tại

Một là, trong năm 1993 vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn nghiêm trọng làm rối loạn môi trường kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đời sống của nhân dân và người sản xuất trong cả công nghiệp lẫn nông nghiệp. Nhiều hàng hóa lưu thông trên thị trường đều có loại thật, loại giả lẫn lộn, nguy hiểm nhất cho người tiêu dùng là mua phải thuốc chữa bệnh giả, sử dụng phải một số mặt hàng thực phẩm tiêu dùng, nước giải khát giả đã gây ngộ độc hoặc chết người. Mặc dầu Pháp lệnh đo lường và Pháp lệnh chất lượng hàng hóa đã ban hành, nhưng các văn bản pháp quy dưới Pháp lệnh và công tác tổ chức thực hiện còn chưa đủ và đồng bộ, chưa được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân; các chi cục thuộc các ban khoa học - kỹ thuật ở địa phương là Cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này có cơ sở vật chất quá thiếu thốn, nghèo nàn không đủ điều kiện, thiết bị, nhất là ở các tỉnh mới được tách ra. Mặt khác, lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật rất thiếu và không đồng đều, do đó, khó có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và bảo vệ môi trường.

Hai là, việc đầu tư công nghệ mới, chỉ có một số ít là hiệu quả còn khá nhiều công nghệ và thiết bị cũ còn tồn tại hoặc do trình độ công nghệ của cán bộ quản lý chưa cao, nên đã để lọt lưới nhập những công nghệ thiết bị lạc hậu, thậm chí có thiết bị quá lạc hậu. Điều đó đã dẫn tới không ít xí nghiệp làm ăn thua lỗ vì không cạnh tranh nổi và giành được thị trường. Ví dụ: phần lớn công nghệ nhập cho ngành Công nghiệp dệt trong những năm vừa qua là không còn mới hoặc đã lạc hậu; công nghệ của hơn 700 dự án đầu tư hoặc liên doanh với nước ngoài phần lớn đã ở mức quá 15 năm hoặc nhiều máy móc đã nhập của một cơ sở thì phần lớn là máy cũ, có máy sản xuất từ trước Đại chiến thế giới thứ II, thậm chí, có máy sản xuất từ năm 1905. Năm 1994, cần nghiêm túc khắc phục yếu kém này.

Ba là, một số luật pháp và lệnh có liên quan tới khoa học, công nghệ và môi trường như Luật bảo vệ và phát triển rừng, Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản, Pháp lệnh đo lường, Pháp lệnh chất lượng hàng hóa, Nghị định chống hàng giả, v.v. chưa được chấp hành nghiêm. Hiện tượng đánh, bắt cá bằng mìn và lưới "diệt chủng" không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên ở nhiều địa phương.

Bốn là, việc sắp xếp, ổn định tổ chức của hai trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia theo Nghị định 23/CP và 24/CP của Chính phủ còn chậm, do đó, chưa tập trung hết được trí tuệ và sức mạnh của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học. Mặt khác, Ủy ban chúng tôi cũng hết sức lo ngại về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, bồi dưỡng nhân tài của nước ta trong 10, 20 năm tới hoặc lâu hơn nữa.

Năm là, đầu tư cho khoa học và công nghệ có tăng hơn trước, nhưng mới chỉ chiếm dưới 1% ngân sách, tuy vậy, còn dàn trải nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn; còn thiếu các biện pháp và cơ chế để huy động các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này.

PHẦN III

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Xuất phát từ tình hình và kinh nghiệm năm qua, để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, thực hiện thắng lợi Nghị quyết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh và dân chủ, ủy ban chúng tôi xin kiến nghị những điểm sau đây:

Một là, tiếp tục đổi mới công tác khoa học, công nghệ và môi trường theo cơ chế mới, khoa học - kỹ thuật là một bộ phận hữu cơ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, của ngành, của địa phương, của cơ sở. Cần nhanh chóng xây dựng luật về hoạt động khoa học và phát triển công nghệ và chính sách thích hợp để động viên nhiều hơn nữa khoa học giải quyết những vấn đề mà công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho khoa học nhằm nâng cao trình độ công nghệ hiện có. Năm 1994 là năm khởi đầu cho khoa học, công nghệ chuẩn bị điều kiện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, chú trọng các lĩnh vực điện tử, tin học, sinh học, vật liệu mới. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học nhân văn, khẩn trương đi sâu vào những đề tài đã và đang nghiên cứu làm rõ căn cứ khoa học cho những vấn đề đang đặt ra trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, con người mới, nền văn hóa mới ở nước ta, góp phần bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở đất nước ta trong sự nghiệp đổi mới.

Hai là, hiện đại hóa những công nghệ truyền thống và tiếp thu công nghệ mới một cách thích hợp, mạnh dạn loại bỏ các dây chuyền công nghệ đã quá cũ và lạc hậu không bảo đảm sản xuất có hiệu quả. Có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất để đổi mới kỹ thuật và công nghệ, gắn khoa học với sản xuất, khoa học với đào tạo, khoa học đào tạo và sản xuất. Khoa học và công nghệ phải tham gia vào việc xem xét, thẩm định các dự án đầu tư ở địa phương cũng như ở Trung ương, trong việc đầu tư công nghệ mới cũng như khai thác công nghệ đang dùng nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Ba là, tiếp tục tổ chức lại hệ thống khoa học của đất nước, phát huy sức mạnh của tổ chức mới, đội ngũ cán bộ khoa học vì sự nghiệp chung của đất nước. Xây dựng các trung tâm khoa học lớn thành nòng cốt cho công tác khoa học và công nghệ của cả nước. Phối hợp với các hoạt động khoa học của các ngành và các địa phương, huy động mạnh mẽ đội ngũ cán bộ khoa học trong cả nước nhất là ở các thành phố lớn, có nhiều cán bộ khoa học đóng góp ngày một nhiều hơn trong nghiên cứu khoa học phục vụ đất nước, tham gia các đề tài cấp Nhà nước. Khẩn trương xây dựng phương án thành lập các khu công nghệ cao, mà trước mắt làm thử ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bốn là, tăng cường công tác giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện những chủ trương khoa học và công nghiệp của Nhà nước về bảo vệ môi trường, về chấp hành các luật và pháp lệnh thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường ở các địa phương và cấp Trung ương, ở các ngành và các cấp, nhất là bắt đầu giai đoạn có nhiều dự án đầu tư mới vào nước ta.

Năm là, bảo đảm ngân sách cho khoa học, công nghệ và quan tâm đầu tư cho các cơ sở nòng cốt và các địa phương để đủ sức thực hiện chức năng quản lý nhà nước của ngành. Củng cố hệ thống quản lý ngành Khoa học và Công nghệ chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, hướng về cơ sở, địa phương để phát huy tích cực và có hiệu quả hơn.

Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng như Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam... để động viên toàn dân tham gia vào phong trào phát huy sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, lao động có kỹ thuật và năng suất, nâng cao trình độ dân trí để bảo vệ môi trường sống được trong sạch hơn, toàn dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Kính thưa Quốc hội,

 Trên đây chúng tôi đã trình bày một số vấn đề lớn về "tình hình phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường năm 1993, phương hướng của năm 1994, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội" kính mong Quốc hội xem xét và quyết định.

Kính chúc các đại biểu mạnh khỏe,

Kính chúc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa IX thành công tốt đẹp,

Xin cảm ơn Quốc hội.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội