VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI
VỀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA NHÀ NƯỚC TA NĂM 1993
VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC NĂM 1994

(Do ông Hoàng Bích Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX, ngày 07-12-1993)

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tại Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 1993, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã họp phiên tòan thể để nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về công tác đối ngoại năm 1993 và phương hướng công tác năm 1994 của Nhà nước ta. Ủy ban đối ngoại đã góp nhiều ý kiến và đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã tiếp thu, chỉnh lý báo cáo. Vì vậy, Ủy ban đối ngoại cơ bản nhất trí với nội dung của báo cáo mà đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã trình bày trước Quốc hội.

Tuy nhiên, Ủy ban đối ngoại thấy cần phải nhấn mạnh thêm một số điểm dưới đây:

1.   Vấn đề thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại đã được đề cập từ kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Hiện nay, hoạt động đối ngoại của nước ta ngày càng mở rộng, riêng năm 1993, bằng nhiều năm trước đây. Trong các năm tới, hoạt động đối ngoại càng mở rộng hơn nhiều. Vì vậy, vấn đề thống nhất, quản lý hoạt động đối ngoại cần được cố gắng thực hiện nhằm bảo đảm hoạt động có hiệu quả cao, đồng thời, tránh được những tác hại có thể xảy ra. Chúng tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ cần ban hành Quy chế và có biện pháp cụ thể nhằm thực hiện sự thống nhất quản lý hoạt động từ Trung ương đến các địa phương, từ trong nước đến ngoài nước.

2.   Để tăng cường và đẩy mạnh hoạt động đối ngoại theo chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chúng ta phải có một đội ngũ cán bộ đối ngoại đủ mạnh, có lập trường quan điểm vững vàng, có năng lực hoạt động và kiến thức trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, khoa học công nghệ và luật pháp. Vì vậy, cần phải có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ đối ngoại, không chỉ riêng cho Bộ Ngoại giao mà cho tất cả cán bộ đối ngoại của các ngành, các địa phương trong cả nước.

3.   Quan hệ ngoại giao của nước ta ngày càng mở rộng, các cơ quan đại diện nước ta ở nước ngoài cần được củng cố về các mặt để có thể xứng đáng là cơ quan đại diện của một nước có vai trò và uy tín trên trường quốc tế. Pháp lệnh về "Cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài" vừa mới được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua là cơ sở pháp lý để tăng cường và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại ở nước ngoài. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản Pháp quy nhằm thực hiện Pháp lệnh này có kết quả tốt.

4.   Hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng thì việc giám sát của Quốc hội đối với hoạt động đối ngoại cần được quan tâm hơn nữa. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội có kế hoạch giám sát các ngành và các cơ quan có hoạt động đối ngoại về chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật và văn hóa - thông tin, v.v. từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước đến ngoài nước. Đây là vấn đề rất quan trọng, rất cần thiết, nhưng lại là vấn đề rất mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nên cần phải có kế hoạch chu đáo và được tiến hành từng bước để có thể đạt hiệu quả thiết thực.

5.   Tại kỳ họp cuối năm ngoái, ủy ban đối ngoại chúng tôi đã lưu ý về sự yếu kém của công tác thông tin đối ngoại. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/TW về "Đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại" chưa làm được bao nhiêu. Tình hình thế giới đang diễn biến hết sức nhanh chóng và phức tạp, song cuộc đổi mới toàn diện đã thu được những thành tích bước đầu rất quan trọng. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ đường lối, chủ trương và bước đi đổi mới của ta, chú trọng làm rõ đổi mới trên lĩnh vực chính trị và chính sách đối ngoại của Nhà nước ta để tranh thủ dư luận thế giới và tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước ta cần dành khoản chi phí thích đáng cho công tác quan trọng này.

Xin cảm ơn các vị đại biểu.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội