VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


BÀI PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT
TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA IX, NGÀY 18-12-1993

 

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Mấy ngày qua, cán bộ và nhân dân cả nước đã chăm chú theo dõi cuộc thảo luận của Quốc hội về đánh giá tình hình năm 1993 và nhiệm vụ năm 1994. Các thành viên Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ý kiến của các đại biểu phát biểu tại Hội trường cùng với những thư, biên bản ý kiến thảo luận tổ đều thể hiện rất rõ sự quan tâm của Quốc hội đến những vấn đề rất trọng yếu của đất nước.

Quốc hội đã dành trọn ba buổi họp để các thành viên Chính phủ trả lời các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu ra tại kỳ họp này. Các Bộ trưởng và Chủ nhiệm Ủy ban đã trả lời chất vấn của các vị đại biểu. Một số Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban có thư trả lời tới từng đoàn hoặc từng vị đại biểu Quốc hội.

Thay mặt Chính phủ, tôi xin cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm tới công việc chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào báo cáo của Chính phủ trình ra Quốc hội kỳ này.

Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã biểu thị sự đồng tình và nhất trí với nhận định và đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1993 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1994. Các vị đại biểu Quốc hội cũng đã nêu ra nhiều vấn đề mà trong báo cáo chưa đề cập hoặc đề cập chưa được sâu sắc, đầy đủ.

Nhiều vị đại biểu đã phân tích rõ nguyên nhân của những thành quả đã đạt được, khẳng định quá trình đổi mới nền kinh tế của nước ta vừa qua là hợp lòng dân, có bước đi thích hợp, huy động được nhiều nguồn lực phát triển. Các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể với Chính phủ trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, kinh tế đối ngoại, giải quyết việc làm và tiền lương, công tác dân tộc và miền núi, mặt trận văn hóa - xã hội.

Đặc biệt, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã lưu ý Chính phủ về tệ quan liêu, cửa quyền, tham ô, tiêu xài lãng phí còn phổ biến trong các cơ quan nhà nước hiện nay. Quốc hội cũng đã nhấn mạnh tới yêu cầu đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có thái độ và biện pháp có hiệu lực hơn nữa trong cuộc đấu tranh này.

Chính phủ xin trân trọng ghi nhận các ý kiến đóng góp đó của Quốc hội, nhất là với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã đề xuất với Chính phủ nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, yếu kém trong chỉ đạo điều hành. Một số vị đại biểu đã nhấn mạnh rất đúng là việc khắc phục khó khăn không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ, mà cũng là trách nhiệm của mọi người, trong đó có trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội và của cử tri. Chính phủ sẽ cụ thể hóa các nội dung của Quốc hội đã góp ý kiến thành những chủ trương, biện pháp đưa vào chương trình hành động của Chính phủ.

Trong ý kiến phát biểu của một số vị đại biểu Quốc hội, do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do thiếu thông tin, có vị chưa rõ một số mặt hoạt động của Chính phủ trong năm 1993 và các năm trước. Trong phần trả lời của các Bộ trưởng, một số mặt công tác của Chính phủ trong năm qua đã được trình bày thêm với Quốc hội. Ở đây, tôi không trình bày lại các vấn đề kinh tế đã được báo cáo và trình bày thêm, tôi xin tập trung nói một số vấn đề cụ thể về tệ nạn xã hội, về chống tham nhũng, chống buôn lậu, chống lãng phí, cũng chính là đòi hỏi của cử tri cả nước đối với kỳ họp này và đang hằng ngày theo dõi thái độ giải quyết của Quốc hội.

Tệ tham nhũng xảy ra trong bộ máy nhà nước, ở một bộ phận cán bộ đảng viên có chức, có quyền. Số này lợi dụng bộ máy nhà nước để tham ô, hối lộ, trắng trợn ăn cắp của công, nhũng nhiễu nhân dân. Bọn chúng lại bao che cho buôn lậu, có một số trực tiếp buôn lậu. Tệ nạn này thật sự đang đục ruỗng bộ máy nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước.

Các tệ nạn xã hội (mại dâm, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, sinh hoạt đồi trụy, v.v.) đang có chiều hướng phát triển, thật sự là mối quan tâm lớn, là sự lo lắng hàng ngày của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Đặc biệt, nạn mại dâm là tệ nạn không những trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức của dân ta, mà còn là một nguyên nhân gây ra hiểm họa nhiễm HIV/SIDA ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai nòi giống. Tệ nạn mại dâm chưa được ngăn chặn, vẫn đang có chiều hướng phát triển rất đáng lo ngại, nhất là ở các thành phố lớn.

Hai loại tệ nạn nói trên đang là những thách thức lớn đối với công cuộc đổi mới đất nước, nhất thiết phải được đẩy lùi một bước đáng kể, trước mắt là trong hai năm 1994 - 1995, bảo đảm bước phát triển mới, lành mạnh của kinh tế - xã hội.

1. Về chống tham nhũng:

Tham nhũng được thể hiện qua nhiều tội danh đã được xác định trong Bộ luật hình sự, chủ yếu là những hành vi lợi dụng chức quyền nhằm trục lợi bất chính, xâm phạm tài sản nhà nước, bằng nhiều hình thức tham ô, nhận hối lộ; là lạm dụng quyền hành để nhũng nhiễu, hạch sách, chiếm đoạt tài sản của dân.

Từ cuối năm 1992, đầu năm 1993, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, đề ra nhiều chủ trương và biện pháp để trừng trị các hành vi tham nhũng, thế nhưng tình hình chuyển biến chậm.

Tình hình và tác hại của tham nhũng đã rõ, tôi không nhắc lại, mà chỉ xin đề nghị thêm một số biện pháp đặc biệt, nhất là về tổ chức chỉ đạo, thật đồng bộ, đủ quyền lực và hiệu lực, đúng tầm với nhiệm vụ cực kỳ nghiêm trọng và phức tạp này.

Ở từng cơ quan, đơn vị, nếu như đã có đủ chứng cứ, cán bộ phụ trách ở mỗi cấp được quyền đình chỉ công tác, cách chức người cán bộ dưới quyền mình, đề nghị cấp ủy Đảng xử lý về mặt Đảng, nếu là nghiêm trọng thì chuyển cho cơ quan pháp luật truy tố. Đương nhiên, nếu cán bộ phụ trách xử lý sai (do thông tin không đủ chính xác hoặc do cố ý trù dập, v.v.) thì phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình. Nếu có đủ chứng cứ mà bao che, không xử lý đúng mức, thì cán bộ phụ trách phải chịu trách nhiệm về việc làm đó trước cấp trên.

Về mặt hình phạt, cùng với xử phạt về hành chính, pháp luật, phải phạt nặng về kinh tế: tài sản do ăn cắp của Nhà nước hoặc chiếm đoạt của dân mà có thì dù đã chuyển dịch đến đâu, do người nào trong hộ đứng tên, cũng phải tịch thu cho đủ số mà kẻ tham nhũng đã chiếm đoạt. Trong Bộ luật hình sự, Điều 229 đã có nói đến việc phạt tiền hoặc tịch thu tài sản, nhưng thiếu cụ thể và mức độ chưa triệt để, trong khi bọn này đang có nhiều hình thức tẩu tán của cải; cần cụ thể hóa thêm điều này để có căn cứ xử lý thích đáng.

2. Về chống buôn lậu:

Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản đề ra nhiều chủ trương, biện pháp; cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp ở các vùng, nhiều cuộc kiểm tra. Nay đã đến lúc phải hành động một cách quyết liệt hơn, xử lý nghiêm khắc hơn. Tôi xin nhấn mạnh lại trách nhiệm của các ngành, các cấp quản lý nhà nước.

Trước hết là trách nhiệm của các địa phương: việc phát hiện và xử lý các vụ buôn lậu phải được Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện ngay tại địa phương một cách kịp thời và kiên quyết nhất.

Ủy ban nhân dân các địa phương, trước hết là tỉnh, thành phố có trách nhiệm và đủ quyền hạn huy động mọi lực lượng tham gia trên nhiều hướng (ở biên giới đất liền, trên biển, ở các bến cảng, sân bay, v.v.) và kiểm tra tất cả các đơn vị, các tổ chức trong địa phương, kể cả các cơ quan chức năng do cấp trên quản lý đặt trên địa bàn (như hải quan, thuế vụ, quản lý cảng, v.v.). Nếu đủ chứng cứ là buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu thì Ủy ban nhân dân địa phương phải thực hiện ngay các biện pháp giải quyết theo đúng thẩm quyền của mình đối với tất cả các đơn vị đó.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu ở cơ quan, đơn vị đó xảy ra buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu, kể cả dùng phương tiện vận tải và kho tàng vào việc buôn lậu. Cán bộ phụ trách cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về tình trạng buôn lậu của cấp dưới thuộc quyền quản lý của mình.

Chấm dứt việc buông lỏng, dung túng cho cơ quan đi buôn lậu để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Thủ trưởng trực tiếp của cơ quan làm việc này phải chịu kỷ luật về hành chính và phải bị truy tố trước pháp luật (có kỷ luật thích đáng nếu là đảng viên).

Về các biện pháp xử lý, luật hình sự và các văn bản của Chính phủ đã xác định rõ; nay cần soát xét lại và bổ sung thêm cho sát với tính chất đặc biệt này.

Đối với những hàng lậu đã lọt vào nội địa, phải tịch thu hết các hàng đó, không thể chỉ thu thuế hoặc phạt rồi vẫn cho họ tiếp tục kinh doanh. Rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh của những doanh nghiệp buôn bán hàng lậu; công bố công khai tên doanh nghiệp và tên chủ doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và truy tố trước pháp luật. Đồng thời, phải xử lý mạnh hơn nữa về kinh tế đối với bọn buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu.

Các cơ quan chức năng chống buôn lậu phải bảo đảm làm trong sạch đội ngũ của mình; xử lý nghiêm khắc về kỷ luật hành chính (kỷ luật đảng nếu cán bộ là đảng viên) và truy tố trước pháp luật.

3. Về chống lãng phí:

Trong lúc đất nước ta phải tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, đưa nước ta sớm thoát khỏi cảnh nước nghèo, kém phát triển, thì tình trạng lãng phí của công trong cơ quan nhà nước cũng như chi tiêu phô trương, xa hoa trong các dịp cưới xin, ma chay, giỗ tết, v.v. trong nhân dân không chỉ là điều đáng chê trách, mà hơn nữa, phải được lên án.

Đáng phê phán nghiêm khắc là các cơ quan nhà nước ở các ngành, các cấp đang có xu hướng chi tiêu phô trương, lãng phí, như mua sắm trang trí cơ quan, chi tiêu trong các hội nghị, liên hoan, tổng kết, kỷ niệm năm chẵn, v.v..

Theo số liệu của Bộ Tài chính (chắc là chưa đầy đủ), riêng năm 1993, phần chi của ngân sách nhà nước cho các cuộc đại hội, tổng kết, kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, v.v.. đã lên tới 155 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức cấp dưới và các doanh nghiệp cũng nộp cho các cuộc đó không ít hơn phần ngân sách nhà nước cấp.

Về mặt xử lý, cần thực hiện đầy đủ Chỉ thị 06 ngày 05-01-1993 của Thủ tướng về thực hành tiết kiệm công quỹ và Chỉ thị 132 ngày 27-3-1993 về quản lý thu chi trong doanh nghiệp nhà nước; nếu vi phạm, không những chỉ xử phạt về hành chính, luật pháp, mà còn cần phải xử phạt về kỷ luật Đảng.

Bộ Tài chính quy định cụ thể về chi tiêu hành chính sự nghiệp trong các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với tình hình mới, bảo đảm đủ mức cần thiết, nhưng phải hết sức tiết kiệm. Nghiêm cấm việc quà cáp, biếu xén, bằng tiền công quỹ, việc doanh nghiệp trích nộp quỹ cho Cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Chấm dứt hình thức đưa đón rườm rà, ăn uống lãng phí khi cấp trên về làm việc ở địa phương. Bộ Nội vụ quy định lại việc đưa đón, bảo vệ cán bộ cấp trên khi về công tác địa phương bằng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp, bảo đảm an toàn, nhưng tránh hình thức, tốn kém, kể cả gây phiền hà đối với việc đi lại của dân.

Đề nghị Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng, động viên một cuộc vận động rộng rãi trong nhân dân chống lãng phí; thực hành tiết kiệm theo truyền thống của dân ta ngay từ dịp Tết này, khuyến khích mọi người dành dụm để giải quyết những nhu cầu thật cần thiết trong mỗi gia đình và góp vốn cho phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, đồng thời phê phán lãng phí, phô trương.

4. Về bài trừ các tệ nạn xã hội:

Các tệ nạn xã hội tôi muốn nhấn mạnh ở đây gồm các loại: mại dâm, nghiện hút, cờ bạc, v.v. trong đó, đặc biệt nguy hại là nạn mại dâm gắn với nguy cơ nhiễm HIV/SIDA.

Ngay từ đầu năm 1993, Chính phủ đã có các quyết định về bài trừ tệ nạn mại dâm, tệ nghiện hút. Tiếp theo, cũng đã có nhiều chủ trương và biện pháp bổ sung. Nay đến lúc toàn xã hội phải lên tiếng báo động, từ mỗi người, mỗi gia đình, đến mỗi xã, phường, mỗi tổ dân phố.

Đối với bọn chủ chứa, phải có những hình phạt nghiêm khắc và truy tố trước pháp luật. Nếu họ đang mở những cơ sở kinh doanh thì cũng phải rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh. Đối với bọn dắt mối, bọn lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ làm nghề mại dâm, cũng phải tùy mức độ mà xử lý theo pháp luật. Nếu cơ sở quốc doanh (khách sạn, nhà hàng, nhà khách, v.v.) tổ chức chứa chấp gái mại dâm thì phải xử lý kỷ luật hành chính ngay lập tức người phụ trách: đuổi ra khỏi cơ quan, buộc thôi việc và truy tố trước pháp luật (đề nghị xem xét về kỷ luật Đảng nếu là đảng viên).

Đối với những phụ nữ mại dâm chuyên nghiệp, phải đưa vào các trung tâm để điều trị, dạy nghề và tạo việc làm ổn định. Đối với những người không chuyên nghiệp thì đưa về địa phương quản lý, giao cho gia đình giáo dục.

Xử lý người mua dâm: nếu là công chức thì buộc thôi việc, đuổi ra khỏi cơ quan, bất kỳ là cán bộ cấp nào; đề nghị khai trừ Đảng (nếu là đảng viên) và đưa tên công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Về tổ chức chỉ đạo:

Để thực hiện các biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn nói trên, phải xác định đầy đủ trách nhiệm của Cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp và đại biểu Quốc hội ở mỗi địa phương, kể cả trách nhiệm của tổ chức Đảng. Đến lúc không chỉ có nói, phát hiện tình hình và lên án, mà tất cả đều phải vào cuộc, phải bắt tay làm thật sự, với trách nhiệm cao. Trong kỳ họp này, một số vị đại biểu đã phát biểu rất đúng về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; Chính phủ rất hoan nghênh ý kiến đó.

a) Trước hết, xin kiến nghị trách nhiệm cụ thể của cấp Trung ương:

Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng, chống buôn lậu, chống lãng phí của Chính phủ và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án trong việc này.

Đề nghị trong kỳ họp này, Quốc hội ra nghị quyết riêng về chống tham nhũng, chống buôn lậu, đồng thời như ý kiến của một số vị đại biểu, giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét sự cần thiết nghiên cứu để ban hành Luật chống tham nhũng, chống buôn lậu; trong khi chưa có luật, có thể nghiên cứu ban hành Pháp lệnh chống tham nhũng, chống buôn lậu trong thời gian sớm nhất.

Đề nghị xác định rõ trách nhiệm của mỗi vị đại biểu Quốc hội trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, với những quyền hạn do luật định, không chỉ làm nhiệm vụ giám sát, mà hơn nữa, cùng tham gia thực hiện theo chức trách của mình (nhất là làm rõ trách nhiệm của các vị vừa là đại biểu Quốc hội, vừa giữ cương vị phụ trách Đảng, chính quyền, đoàn thể).

Đối với các cơ quan tư pháp, cần xác định rõ trách nhiệm hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, thực hiện quy chế về phối hợp hành động trong xử lý các vụ, việc tham nhũng, buôn lậu.

Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát các cơ quan Kiểm sát, Tòa án trong chức năng kiểm sát và xét xử.

Về phần Chính phủ, trong việc chống tham nhũng, chống buôn lậu, chúng tôi xin chịu trách nhiệm đầy đủ trước Quốc hội về phần nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo Luật tổ chức Chính phủ đã quy định cho Chính phủ, cho các Bộ trưởng và riêng cho Thủ tướng.

Chính phủ nghiên cứu thực hiện từng bước việc xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản, Sở chủ quản, v.v. đối với các doanh nghiệp; ban hành chế độ công vụ, quy chế công chức, v.v. coi đây là những biện pháp có tác dụng quan trọng góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu nhân dân, ăn cắp của công.

Chính phủ sẽ tổ chức lại cơ quan giúp việc về chống tham nhũng và chống buôn lậu. Bộ phận này cần được kiện toàn, do một Bộ trưởng phụ trách trực tiếp giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ.

Các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm về chống tham nhũng, chống buôn lậu trong ngành. Các đồng chí Phó Thủ tướng cũng chịu trách nhiệm về chống tham nhũng, chống buôn lậu trong khối mình phụ trách.

Nếu trong Bộ hoặc ngành có đa số đơn vị và nhiều cá nhân phạm tội tham nhũng, buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu mà Bộ trưởng hoặc người đứng đầu ngành đó không ngăn chặn và đẩy lùi được thì trước hết, cần xem xét lại trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành đó.

Nếu chính Bộ trưởng hoặc người đứng đầu ngành đó lại trực tiếp dính líu hoặc bao che cho tham nhũng, buôn lậu, thì cũng phải bị xử lý hành chính, kể cả theo pháp luật. Cũng đề nghị cần xem xét trách nhiệm của Ban cán sự Đảng ở Bộ đó hoặc ngành đó.

Và cũng như vậy, Quốc hội cần xem xét trách nhiệm của Chính phủ và của người đứng đầu Chính phủ, nếu ở các Bộ, ngành, các địa phương, vẫn tiếp tục phổ biến tình trạng tham nhũng, buôn lậu và các tệ nạn xã hội mà không được ngăn chặn và đẩy lùi.

Những kiến nghị này của tôi chính là nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan hành pháp ở các ngành, các cấp, coi đây là một yêu cầu hàng đầu trong cuộc đấu tranh này.

b) Cuối cùng, để ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, buôn lậu như trên đã trình bày, phải tổ chức điều hành một cách tập trung, thống nhất, đủ quyền lực và hiệu lực.

Xin đề nghị có quy chế tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới sự chủ trì của ủy ban thường vụ Quốc hội. Định kỳ mỗi tháng một lần, ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với lãnh đạo các cơ quan đó, nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo thống nhất việc tiếp tục triển khai chống tham nhũng, chống buôn lậu.

Cũng cần có một cơ chế bảo đảm rõ quyền hạn và trách nhiệm trong việc xử lý cán bộ. Đối với cán bộ trong bộ máy hành chính, bất kể cán bộ đó giữ cương vị gì, ở cấp nào, nếu đủ chứng cứ là vi phạm tham nhũng, buôn lậu, thì cấp trên trực tiếp quản lý cán bộ đó có đủ quyền xử lý hành chính; cơ quan bảo vệ pháp luật có đủ quyền đưa ra xử theo luật pháp. Đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, thì đưa ra xem xét tại các cuộc sinh hoạt thường kỳ của Ủy ban thường vụ Quốc hội với Chính phủ và Viện kiểm sát, Tòa án, và cán bộ vi phạm cũng phải bị xử lý theo đúng luật pháp. Chỉ có như vậy, công việc xử lý mới được nhanh, gọn, bảo đảm đủ hiệu lực và đem lại lòng tin trong nhân dân.

Trên đây là một số kiến nghị của chúng tôi. Xin nhấn mạnh rằng những kiến nghị đó không làm giảm nhẹ trách nhiệm của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ. Tôi thay mặt Chính phủ xin hứa với Quốc hội là sẽ làm hết sức mình trong cuộc đấu tranh chống các tệ nạn đó, nhất là chống tham nhũng, buôn lậu, đang là yêu cầu bức xúc của toàn dân ta.

Xin cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội