TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN
(Do ông Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đọc
tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX, ngày 18-12-1993)
I- SỰ CẦN THIẾT TỔ CHỨC TÒA ÁN KINH TẾ
Sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã và đang làm phát sinh nhiều quan hệ mới giữa các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cùng với các tranh chấp hợp đồng kinh tế, trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần còn có các tranh chấp mới phát sinh như: tranh chấp liên quan đến giải thể, phá sản; tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; giữa các thành viên của công ty với nhau trong việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty; tranh chấp liên quan đến cổ phiếu, trái phiếu; tranh chấp liên quan đến quảng cáo, cạnh tranh...
Đây là loại tranh chấp rất mới mẻ gắn liền với nền kinh tế thị trường mà chưa Tòa án nào giải quyết.
Trọng tài Kinh tế hiện nay là cơ quan thuộc Chính phủ, tuy đã được giao nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp kinh tế nhưng chỉ bó hẹp trong phạm vi tranh chấp hợp đồng kinh tế. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường như hiện nay, khi các tranh chấp xảy ra ngày càng nhiều về số lượng và gay gắt về tính chất, đa dạng về loại hình tranh chấp và chủ thể tranh chấp thì trọng tài kinh tế với cơ chế giải quyết tranh chấp như hiện nay cũng không đáp ứng được yêu cầu.
Đồng thời, để bảo đảm môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đối với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và lâm vào tình trạng phá sản thì việc tuyên bố phá sản và giải quyết hậu quả của các doanh nghiệp này là hết sức cần thiết, đòi hỏi cần phải có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này, nhưng cho đến nay, chưa có cơ quan nào đứng ra giải quyết. Chính vì vậy, việc thành lập Tòa án kinh tế không chỉ đơn thuần để giải quyết tranh chấp kinh tế mà còn đảm nhận cả việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề đã được đặt ra và trao đổi trong suốt quá trình nghiên cứu, soạn thảo Dự án Luật phá sản.
Để giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp kinh tế, phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh và bảo hộ lợi ích chính đáng của các nhà doanh nghiệp, bảo đảm sự phát triển năng động của nền kinh tế đòi hỏi phải có một cơ quan tài phán mới là Tòa án kinh tế.
II- QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ DỰ ÁN TỔ CHỨC
TÒA ÁN KINH TẾ
Việc nghiên cứu và xây dựng đề án tổ chức Tòa án kinh tế được đặt ra ngay từ khi có sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế. Trong quá trình thảo luận để thông qua Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 (tháng 12 năm 1990) đã đặt vấn đề cần sớm thành lập Tòa án kinh tế để thực hiện nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp kinh tế, đăng ký kinh doanh và tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
Trong chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 của Quốc hội đã ghi Dự án Luật tổ chức Tòa án kinh tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao Bộ Tư pháp chủ trì cùng Tòa án nhân dân tối cao và Trọng tài Kinh tế Nhà nước nghiên cứu soạn thảo Dự án Luật này.
Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Dự thảo Luật tổ chức Tòa án kinh tế đã được thành lập gồm đại diện Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Trọng tài Kinh tế Nhà nước. Ban dự thảo đã tiến hành tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, các cán bộ khoa học pháp lý và cán bộ khoa học quản lý để thảo luận và lấy ý kiến về các vấn đề liên quan đến nguyên tắc tổ chức, mô hình cũng như thủ tục tố tụng áp dụng trong Tòa án kinh tế.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm 30 năm hoạt động giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế của Trọng tài Kinh tế nước ta; kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán trong kinh doanh ở một số nước có nền kinh tế thị trường phát triển; ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, Ban dự thảo đã nhiều lần chỉnh lý, hoàn thiện Dự án để trình xin ý kiến Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp tháng 8 năm 1993, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tán thành tổ chức Tòa án kinh tế nằm trong hệ thống Tòa án nhân dân. Theo ý kiến kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội và sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban dự thảo đã khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo các Dự án về tổ chức và hoạt động của Tòa án kinh tế, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân có liên quan đến Tòa án kinh tế.
Tại phiên họp tháng 11 năm 1993, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân và cho ý kiến đồng ý để Chính phủ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân ra xem xét tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX.
III- NHỮNG PHƯƠNG HƯỚNG CHỦ YẾU VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TÒA ÁN KINH TẾ
1. Việc tổ chức Tòa án kinh tế phải xuất phát từ tính chất, đặc trưng và yêu cầu giải quyết các tranh chấp kinh tế
Trong hoạt động kinh doanh, các nhà doanh nghiệp có yêu cầu là lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ phải được bảo vệ và có môi trường thích hợp để hoạt động kinh doanh của họ được tiến hành thuận lợi; khi tranh chấp kinh tế phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ, thì được giải quyết đúng đắn, kịp thời.
Giải quyết đúng đắn, kịp thời các tranh chấp kinh tế theo trình tự, thủ tục phù hợp với đặc trưng của hoạt động kinh doanh thương mại là mối quan tâm hàng đầu của các nhà doanh nghiệp. Nếu giải quyết dù đúng nhưng thủ tục phức tạp, kéo dài, đồng vốn không thể quay vòng, không sinh lợi mà còn thâm hụt, thì rất khó có thể được các nhà kinh doanh chấp nhận. Đây không chỉ là yêu cầu của từng cá nhân, từng nhà doanh nghiệp mà còn là yêu cầu chung của nền kinh tế thị trường có nhu cầu luôn luôn đòi hỏi sự phát triển năng động.
Việc tổ chức một cơ quan tài phán hợp lý, thích ứng với hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhằm giải quyết đúng đắn, kịp thời các tranh chấp kinh tế, tuyên bố phá sản sẽ thúc đẩy kinh doanh phát triển lành mạnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư, tạo yếu tố ổn định, trật tự phát triển nền kinh tế.
2. Việc tổ chức Tòa án kinh tế cần tính đến thực tế phát triển của nền kinh tế hiện nay và trong những năm tới
Việc lựa chọn mô hình tổ chức Tòa án kinh tế ở nước ta còn phải tính đến thực tế của nền kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa hiện nay - đó là sự phát triển rất không đều; trong lúc ở các trung tâm kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, sự phát triển tuy mới bắt đầu, nhưng đã khá sôi động, thì ở nhiều địa phương, không chỉ miền núi, vùng cao, vùng sâu, trung du mà ngay cả ở một số vùng đồng bằng, sản xuất hàng hóa, nền kinh tế thị trường vẫn còn yếu. Triển vọng của 5 - 10 năm tới tính chất không đều này chắc cũng chưa khắc phục được. Do đó, nên cân nhắc tổ chức Tòa án kinh tế ở những cấp nào là thích hợp.
3. Việc tổ chức Tòa án kinh tế cần xuất phát từ chức năng, thẩm quyền của Tòa án kinh tế
Việc lựa chọn mô hình Tòa án kinh tế cũng cần phải tính đến chức năng, thẩm quyền mà Quốc hội dự định trao cho Tòa án kinh tế. Yêu cầu lập Tòa án kinh tế được đặt ra gắn liền với việc Quốc hội xem xét Dự án Luật phá sản. Tòa án kinh tế sẽ là cơ quan tuyên bố phá sản, Quốc hội khóa VIII khi xem xét thông qua Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân cũng đã đặt vấn đề thành lập Tòa án kinh tế để thực hiện đăng ký kinh doanh.
Như vậy, Tòa án kinh tế sẽ làm hai chức năng: tài phán (xét xử) các tranh chấp kinh tế, đồng thời làm một số chức năng hành chính, tư pháp như đăng ký kinh doanh, tuyên bố phá sản.
Xét về mặt chức năng, nhiệm vụ đây là một điểm khác biệt giữa Tòa án kinh tế với các Tòa án nhân dân hiện nay.
4. Việc thành lập Tòa án kinh tế cần quán triệt quan điểm đổi mới các cơ quan tài phán, chủ trương cải cách tư pháp, cải cách bộ máy nhà nước, đồng thời, bảo đảm sự ổn định tránh gây xáo trộn lớn về tổ chức và nhân sự, kế thừa những thành quả và kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp kinh tế trong những năm qua.
IV- PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC TÒA ÁN KINH TẾ
Trong quá trình nghiên cứu, trao đổi đã nêu ra nhiều phương án về tổ chức Tòa án kinh tế. Sau khi cân nhắc, Chính phủ xin trình Quốc hội phương án thành lập các Tòa án kinh tế chuyên trách nằm trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao, để bảo đảm thống nhất tổ chức cơ quan xét xử, tránh thêm đầu mối, không gây tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án.
Theo phương án này thì Tòa kinh tế nằm trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh các Tòa án dân sự, hình sự, có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hoặc sơ thẩm đồng thời chung thẩm các vụ án kinh tế, thực hiện tuyên bố phá sản và đăng ký kinh doanh.
Tại các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có các Thẩm phán kinh tế chuyên trách để xét xử phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị kháng cáo, kháng nghị.
Tòa kinh tế thuộc Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi bị kháng nghị.
Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm những vụ án kinh tế do các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm.
V- VỀ HÌNH THỨC VĂN BẢN
Đã có cơ sở thành lập Tòa án kinh tế là các Tòa chuyên trách của các Tòa án nhân dân, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân đã được Quốc hội thông qua năm 1992.
Tiếp đó, cần phải ban hành Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, để quy định cụ thể các điểm đặc trưng của việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, Chính phủ xin gửi đến các đại biểu Quốc hội Dự án Pháp lệnh này.
VI- NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT TỔ CHỨC
TÒA ÁN NHÂN DÂN
Luật tổ chức Tòa án nhân dân được sửa đổi, bổ sung một số điều sau đây:
- Điều 1 bổ sung thẩm quyền của Tòa án nhân dân xét xử vụ án kinh tế và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật;
- Điều 7 và Điều 8 bổ sung nguyên tắc giữ bí mật kinh doanh khi xét xử, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật;
- Điều 17 bổ sung quy định Tòa kinh tế là Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao;
- Điều 21, Điều 24, Điều 26, và các khoản 2, 3 Điều 28 được bổ sung đoạn "Theo quy định của pháp luật tố tụng" để tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành các quy định của pháp luật tố tụng phù hợp với đặc thù của việc giải quyết các vụ án kinh tế;
- Tại các điều 22, 25, 29 và 31 cụm từ "Báo cáo công tác xét xử" được sửa thành "Báo cáo công tác" để bao hàm cả những công tác khác trong đó có báo cáo về tuyên bố phá sản doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh...;
- Điều 23 bổ sung quy định về Tòa kinh tế là Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao, và thẩm quyền của Tòa kinh tế đó;
- Điều 27 bổ sung quy định về Tòa kinh tế trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và việc thành lập Tòa chuyên trách khác, trong trường hợp cần thiết;
- Điều 28 bổ sung khoản 4 quy định Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương "giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật" cho phù hợp với việc bổ sung thẩm quyền tuyên bố phá sản, đăng ký kinh doanh;
- Điều 30, bổ sung quy định Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn: "sơ thẩm hoặc sơ thẩm đồng thời chung thẩm những vụ án kinh tế theo quy định của pháp luật tố tụng; đăng ký kinh doanh; tuyên bố phá sản theo quy định của Luật phá sản".
VII- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU
1. Về lựa chọn phương án tổ chức Tòa án kinh tế
Ngoài phương án tổ chức Tòa án kinh tế đã trình trên đây, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, nên chăng thành lập Tòa án kinh tế sơ thẩm cấp tỉnh không nằm trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay.
Ý kiến ủng hộ phương án này cho rằng, tổ chức Tòa án kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương độc lập là phù hợp với điều kiện trước mắt, kế thừa cơ sở vật chất và cán bộ hiện có của các cơ quan Trọng tài Kinh tế hiện nay, bảo đảm sự ổn định về tổ chức và tạo điều kiện cho Tòa án kinh tế có thể sớm đi vào hoạt động và cũng phù hợp với đặc thù của Tòa án kinh tế. Vì tuy cũng là Tòa án cấp tỉnh nhưng Tòa án kinh tế xét về mặt chức năng, thẩm quyền có nhiều điểm khác biệt so với Tòa án nhân dân; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay không chỉ làm nhiệm vụ sơ thẩm, mà còn phúc thẩm, giám đốc thẩm các vụ án đã được xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân cấp huyện; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có chức năng xét xử, còn Tòa án kinh tế, ngoài chức năng giải quyết các tranh chấp kinh tế còn thực hiện một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là tuyên bố phá sản, theo trình tự thủ tục khác biệt so với thủ tục tố tụng của Tòa án nhân dân hiện nay.
2. Về thành phần Hội đồng xét xử
Có ý kiến đề nghị không nên có Hội thẩm trong Hội đồng xét xử vụ án kinh tế. Cũng có ý kiến đề nghị, đối với các tranh chấp nhỏ tình tiết đơn giản thì do một Thẩm phán giải quyết mà không cần thành lập Hội đồng xét xử.
Về vấn đề này, Điều 129 của Hiến pháp đã quy định việc xét xử của Tòa án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia, Điều 131 của Hiến pháp quy định Tòa án xét xử tập thể. Tòa án kinh tế là các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân, do đó, cũng phải tuân theo các quy định này. Tuy nhiên, Ban dự thảo đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án kinh tế gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm. Còn đối với vụ án có giá trị tranh chấp nhỏ, tình tiết đơn giản thì có thể quy định thủ tục xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm, nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc xét xử tập thể.
Trên đây là một số vấn đề chủ yếu về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Chính phủ xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội