BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT
CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN
(Do ông Nguyễn Văn Yểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
pháp luật của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 4,
Quốc hội khóa IX, ngày 18-12-1993)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1993, ngày 06 và 10 tháng 8 năm 1993, Ủy ban pháp luật đã họp tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để thẩm tra đề án tổ chức Tòa án kinh tế do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ngày 06 tháng 11 năm 1993, Thường trực Ủy ban pháp luật đã họp mở rộng bao gồm các đồng chí trong Thường trực và một số thành viên của Ủy ban pháp luật tại Hà Nội và các tỉnh lân cận để xem xét, bước đầu thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội mà nội dung chủ yếu là quy định về tổ chức Tòa án kinh tế.
Tiếp theo hai phiên họp trên, ngày 01 tháng 12 năm 1993, Ủy ban pháp luật đã họp phiên tòan thể tại Hà Nội để thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai tổ chức Tòa án kinh tế. Tham dự phiên họp có đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu và đại diện các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trọng tài Kinh tế Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp được sự Ủy nhiệm của Chính phủ trình bày Dự án Luật, ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan, các thành viên của Ủy ban pháp luật đã thảo luận về việc cần thiết tổ chức Tòa án kinh tế và đi đôi với vấn đề này là việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, cũng như nội dung của Dự án Luật. Thay mặt Ủy ban pháp luật, chúng tôi xin trình Quốc hội ý kiến của Ủy ban về Dự án Luật này như sau:
1. Về sự cần thiết phải tổ chức Tòa án kinh tế
Nhà nước ta đang xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, trong quá trình này, việc phát sinh các tranh chấp kinh tế ngày càng phức tạp và đa dạng là một tất yếu khách quan. Trong khi đó, Trọng tài Kinh tế với cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ theo quy định hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu của việc giải quyết các tranh chấp kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế. Mặt khác, việc xét xử các tranh chấp kinh tế cần phải được giao cho các Tòa án đảm nhiệm mà không nên để cho Trọng tài Kinh tế thuộc cơ quan hành chính nhà nước giải quyết như hiện nay. Hơn nữa, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, thông qua Dự án Luật phá sản doanh nghiệp, trong đó có quy định việc tuyên bố phá sản các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Tòa án. Do đó, để góp phần bảo đảm môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từng bước xây dựng và kiện toàn các cơ quan tài phán ở nước ta, Ủy ban pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sớm tổ chức Tòa án kinh tế.
2. Về mô hình tổ chức Tòa án kinh tế và việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân
Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị Tòa án kinh tế được tổ chức thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao, đồng thời cũng đã nêu một số ý kiến khác đề nghị Tòa án kinh tế nên tổ chức theo mô hình: Tòa án kinh tế ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương độc lập với Tòa án nhân dân, còn ở Tòa án nhân dân tối cao vẫn được tổ chức như các Tòa chuyên trách khác. Ủy ban pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ là Tòa án kinh tế được tổ chức thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao vì cho rằng, phương án này sẽ khắc phục được tình trạng kéo dài việc giải quyết các vụ án kinh tế khi có tranh chấp về thẩm quyền giữa Tòa kinh tế và Tòa dân sự. Đây là một vấn đề mà trên thực tế đã có xảy ra giữa Tòa án nhân dân và Trọng tài Kinh tế vì không ít trường hợp, giữa tranh chấp kinh tế và tranh chấp dân sự khó có sự phân biệt rạch ròi. Do đó, nếu Tòa kinh tế và Tòa dân sự kể cả ở cấp tỉnh đều được tổ chức trong Tòa án nhân dân thì việc giải quyết đối với những trường hợp vướng mắc về thẩm quyền xét xử giữa hai Tòa này sẽ có nhiều thuận lợi, góp phần bảo đảm được yêu cầu đặt ra đối với việc giải quyết các tranh chấp kinh tế là không những phải đúng pháp luật, mà còn phải kịp thời và nhanh chóng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, việc tổ chức Tòa án kinh tế thành Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân là phù hợp với yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy nhà nước bảo đảm tinh giản, gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài chúng tôi thấy hầu hết các nước đều không tổ chức các Tòa kinh tế (Tòa thương mại) độc lập với Tòa án nhân dân (Tòa án thường ở tất cả các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Ở một vài nước có tổ chức Tòa án cấp sơ thẩm độc lập với Tòa án thường, thì qua thực tế hoạt động đã phát sinh nhiều vướng mắc về thẩm quyền xét xử giữa hai Tòa án này, vì vậy, đã phải lập ra một Tòa án chuyên làm chức năng phân định thẩm quyền.
Như trên chúng tôi đã trình bày về sự cần thiết phải sớm tổ chức Tòa án kinh tế và về việc tổ chức các Tòa án kinh tế thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao. Do đó, chúng tôi thấy không cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật riêng để quy định về tổ chức Tòa án kinh tế mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân như đề nghị của Chính phủ.
3. Về nội dung của Dự án Luật
Trong quá trình chuẩn bị đề án tổ chức Tòa án kinh tế và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Ủy ban pháp luật đã đóng góp nhiều ý kiến và được cơ quan soạn thảo tiếp thu. Do đó, về cơ bản, Ủy ban chúng tôi tán thành với nội dung các quy định của Dự án Luật. Dưới đây, chúng tôi xin báo cáo rõ thêm về một số vấn đề như sau:
a) Về nhiệm vụ của Tòa án kinh tế:
Ủy ban pháp luật tán thành với quy định của Dự án Luật giao cho Tòa án kinh tế các nhiệm vụ xét xử các vụ án kinh tế, tuyên bố phá sản doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh. Trong quá trình thẩm tra Dự án Luật, cũng có ý kiến còn băn khoăn có nên giao nhiệm vụ đăng ký kinh doanh cho Tòa án kinh tế hay giao nhiệm vụ này cho cơ quan quản lý nhà nước? Sau khi thảo luận, Ủy ban pháp luật nhất trí cho rằng, việc giao cho Tòa án kinh tế nhiệm vụ đăng ký kinh doanh là hợp lý và cần thiết nhằm bảo hộ về mặt pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ này, Tòa án kinh tế sẽ có nhiều thuận lợi để xem xét, giải quyết các tranh chấp kinh tế hoặc tuyên bố phá sản đối với các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh tại Tòa án.
Để xác định nhiệm vụ của Tòa án kinh tế đối với việc đăng ký kinh doanh và tuyên bố phá sản doanh nghiệp, tại Điều 28 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân đã bổ sung khoản 4 quy định Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương "giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật" và tại Điều 30 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân cũng đã bổ sung khoản 3 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó có nhiệm vụ đăng ký kinh doanh và tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Ủy ban pháp luật nhất trí với các quy định bổ sung này. Tuy nhiên, chúng tôi thấy, tại Điều 19 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao cũng được bổ sung khoản 4 với nội dung tương tự với khoản 4 của Điều 28 là "giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật"; nhưng "những việc khác" ở đây là những việc gì và giao cho ai thực hiện thì chưa thấy được quy định cụ thể? Phải chăng đó cũng là những việc liên quan đến vấn đề đăng ký kinh doanh và tuyên bố phá sản doanh nghiệp? Ủy ban chúng tôi đề nghị cần được quy định rõ hơn trong Dự án Luật này.
b) Về thẩm quyền xét xử của Tòa án kinh tế:
- Hầu hết ý kiến của Ủy ban pháp luật đều nhất trí với quy định của Dự án Luật là chỉ giao thẩm quyền xét xử các vụ án kinh tế cho Tòa kinh tế thuộc Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng, để tránh dồn việc giải quyết những vụ án kinh tế cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao, thì nên giao cho Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết một số vụ tranh chấp kinh tế có giá trị nhỏ, tình tiết đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy, việc giải quyết các tranh chấp kinh tế tuyên bố phá sản doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh là những nhiệm vụ mới của Tòa án nhân dân, trong khi đội ngũ Thẩm phán và cán bộ thực hiện nhiệm vụ này nhất là ở Tòa án cấp huyện còn hạn chế về nhiều mặt, kể cả số lượng và chất lượng, đáng lưu ý là chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm giải quyết các loại việc này. Mặt khác, do nền kinh tế hàng hóa ở nước ta hiện nay và một vài năm tiếp theo sự phát triển còn chưa được đồng đều giữa các địa phương. Do vậy, số vụ tranh chấp kinh tế chưa phải đã xảy ra phổ biến ở tất cả các nơi như các tranh chấp về dân sự. Tình hình này đã được phản ánh qua số liệu do Tòa án nhân dân tối cao và Trọng tài Kinh tế Nhà nước cung cấp, cụ thể là trong 9 tháng năm 1993, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 21.337 vụ kiện về dân sự và 27.202 vụ kiện về hôn nhân và gia đình, trong khi đó, năm 1993 chỉ có khoảng 1.465 vụ tranh chấp kinh tế được thụ lý và giải quyết ở Trọng tài Kinh tế các cấp.
Với sự trình bày trên đây, chúng tôi đề nghị không nên giao nhiệm vụ xét xử các vụ án kinh tế cho Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Theo quy định được bổ sung vào khoản 1, Điều 28 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân thì Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm những vụ án kinh tế theo quy định của pháp luật tố tụng. Đa số thành viên của Ủy ban pháp luật cho rằng, để bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các tranh chấp kinh tế thì nên giao cho Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm những tranh chấp kinh tế có giá trị nhỏ, tình tiết đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Về vấn đề này, có một số ý kiến còn băn khoăn cho rằng, trong điều kiện Tòa án kinh tế mới được thành lập, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán chưa được chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và kinh nghiệm xét xử các tranh chấp kinh tế, do đó, nếu chỉ xét xử một lần và có hiệu lực thi hành ngay thì khó có thể bảo đảm tính chính xác của các bản án, dẫn tới những khó khăn trong việc thi hành án. Vả lại, việc xét xử một lần sẽ không bảo đảm quyền kháng cáo của các đương sự. Vì vậy, để tránh tình trạng lạm dụng thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm, chúng tôi đề nghị trong văn bản về thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế cần phải quy định cụ thể, chặt chẽ những trường hợp được xét xử sơ thẩm, đồng thời chung thẩm.
- Trong quá trình thảo luận tại Ủy ban pháp luật cũng có ý kiến đề nghị nên giao cho Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm những vụ án kinh tế theo quy định của pháp luật tố tụng, vì cho rằng, cũng như việc xét xử các vụ án hình sự, dân sự, việc xét xử các vụ án kinh tế cũng có trường hợp cần thiết giao cho Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Song đa số ý kiến của Ủy ban pháp luật cho rằng, việc xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm chỉ đặt ra đối với các vụ án kinh tế có giá trị tranh chấp nhỏ, tình tiết đơn giản, chứng cứ rõ ràng và như vậy đối với những trường hợp này không thể và không cần thiết phải giao cho Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo trình tự sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Hơn nữa, đối với những vụ án kinh tế có giá trị lớn, tình tiết phức tạp thì nhất thiết phải được xét xử hai cấp để bảo đảm quyền kháng cáo của các đương sự. Do đó, việc không giao cho Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm các vụ án kinh tế là hợp lý.
- Đối với việc xét xử theo trình tự tái thẩm: trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân, tại các điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán, Ủy ban Thẩm phán, Tòa hình sự, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đều quy định về việc xét xử theo trình tự tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật tố tụng. Nhưng tại khoản 3, Điều 23 mới được bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao thì chưa đề cập vấn đề này. Ủy ban pháp luật cho rằng, đối với việc xét xử các vụ án kinh tế trên thực tế cũng có thể xảy ra những trường hợp cần phải được kháng nghị và xét xử theo trình tự tái thẩm tương tự như việc xét xử các vụ án hình sự, dân sự, do đó, cũng cần bổ sung thẩm quyền xét xử tái thẩm của Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao.
c) Về thành phần của Hội đồng xét xử:
Ủy ban pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ đã được nêu trong Tờ trình là đối với việc giải quyết các tranh chấp kinh tế thì thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm bao gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân. Quy định như vậy, một mặt phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về nguyên tắc xét xử của Tòa án nhân dân là xét xử tập thể và có Hội thẩm nhân dân tham gia; mặt khác cũng phù hợp với tình hình thực tế đội ngũ cán bộ xét xử của nước ta hiện nay.
4. Về một số kiến nghị
Cùng với việc sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân, xem xét, thông qua Luật phá sản doanh nghiệp, Ủy ban chúng tôi xin kiến nghị với Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, đồng thời lưu ý các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương chuẩn bị Dự án Luật doanh nghiệp nhà nước, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan như Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, v.v. để trình Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm cho Tòa án kinh tế sớm đi vào hoạt động và thực hiện đầy đủ các chức năng nhiệm vụ đã được quy định trong Luật này là xét xử các tranh chấp kinh tế, đăng ký kinh doanh và tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
Việc thành lập các Tòa án kinh tế là một vấn đề còn rất mới và khá phức tạp đối với chúng ta, do đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm cho hoạt động của Tòa án kinh tế, nhất là việc tổ chức lựa chọn và bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm của các Tòa án này.
Sau khi Tòa án kinh tế được thành lập, các Tòa án này sẽ thay thế Trọng tài Kinh tế Nhà nước và Trọng tài Kinh tế các địa phương trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, tuyên bố phá sản doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; Ủy ban pháp luật xin kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ sớm nghiên cứu, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội Quốc hội quyết định về tổ chức của Trọng tài Kinh tế ở nước ta.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là ý kiến của Ủy ban pháp luật về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, chúng tôi xin trình Quốc hội xem xét và quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội