TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC
BAN HÀNH BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
(Do ông Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
đọc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX, ngày 23-12-1993)
I- SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
1. Từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và coi trọng vấn đề lao động. Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 29/SL quy định chế độ lao động trong cả nước đối với người làm công ăn lương (về thực chất là một đạo Luật lao động tương đối toàn diện), năm 1950, ký Sắc lệnh 76/SL ban hành quy chế công chức và Sắc lệnh 77/SL quy định chế độ lao động trong các doanh nghiệp nhà nước. Những văn bản này có ý nghĩa rất quan trọng, đặt nền móng cho Luật lao động nước ta; nhưng do chiến tranh kéo dài và trong cơ chế tập trung bao cấp nên đã không có điều kiện để thực thi.
2. Từ sau năm 1954, đặc biệt trong những năm 1960, Nhà nước đã ban hành hàng nghìn văn bản về lao động phục vụ cho quản lý kinh tế - sản xuất, quản lý lao động ở miền Bắc. Những văn bản này tuyệt đại đa số là dưới luật, nội dung theo cơ chế hành chính tập trung, bao cấp. Từ sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, Bộ Lao động đã chủ động khởi thảo Bộ luật lao động và đến tháng 3 năm 1981, Chính phủ đã lập ra Ban Dự thảo Bộ luật lao động lần I; tháng 7 năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định thành lập Ban dự thảo Bộ luật lao động lần II, đồng thời đã chỉ đạo việc triển khai xây dựng các văn bản mới về pháp luật lao động bằng cách: vừa kịp thời ra các văn bản đơn hành dưới hình thức pháp lệnh hoặc các văn bản của Chính phủ, vừa từng bước thử nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, khẩn trương pháp điển hóa thành Bộ luật lao động.
Hơn 3 năm qua, dưới ánh sáng của Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ VI và lần thứ VII, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Hiến pháp năm 1992, tình hình mọi mặt của đất nước đã có những tiền đề và điều kiện chín muồi cho việc ban hành Bộ luật lao động:
- Lao động và các mối quan hệ lao động xã hội đã chuyển sang quỹ đạo của cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc sử dụng lao động có trả công và mối quan hệ lao động làm công ăn lương (xem Điều 56 và Điều 63 Hiến pháp năm 1992) đã trở thành xu thế chủ yếu trong mọi thành phần kinh tế, đặc biệt phát triển nhanh trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân (kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); cơ chế quản lý sản xuất - kinh doanh và lao động - xã hội đã có một bước đổi mới quan trọng.
- Việc ban hành Bộ luật lao động đã trở thành một yêu cầu phổ biến và cấp bách của đông đảo quần chúng lao động và người sử dụng lao động ở nước ta và nước ngoài trên đất nước ta.
- Nhiều văn bản pháp luật đơn hành đã được ban hành như: Luật công đoàn; Pháp lệnh hợp đồng lao động; Pháp lệnh bảo hộ lao động; các văn bản của Chính phủ về giải quyết lao động dôi ra trong các doanh nghiệp nhà nước, về giải quyết việc làm, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, bảo hiểm xã hội và cả về quy chế lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài..., đã điều chỉnh các quan hệ xã hội trong quản lý lao động - xã hội, làm cơ sở cho các chế định của Bộ luật lao động.
Để Bộ luật lao động gắn với cuộc sống, yêu cầu và nguyện vọng của người lao động, trong khi tiến hành soạn thảo Bộ luật phải đồng thời quan tâm đặc biệt đến việc ban hành hệ thống các văn bản dưới luật về lao động.
3. Dự thảo Bộ luật lao động đã qua hơn 30 lần biên soạn, chỉnh lý đã lấy ý kiến của hàng nghìn lượt người trong cả nước gồm các giới lao động, sử dụng lao động trong và ngoài quốc doanh, các chuyên gia pháp luật, kinh tế, xã hội và các ngành Khoa học khác, các nhà quản lý, cán bộ cách mạng lão thành, Tổng Liên đoàn Lao động, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Luật gia..., và đã hai lần có ý kiến tham gia chính thức của các Bộ, ngành ở Trung ương. Dự thảo còn có ý kiến đóng góp của các cố vấn, chuyên gia của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Văn phòng lao động quốc tế tại Giơnevơ (Bị vong lục ký ngày 07-5-1992 gửi Chính phủ ta). Dự thảo đã được các chuyên viên của Ban dự thảo Bộ luật lao động cùng các chuyên viên của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội chỉnh lý cuối cùng theo ý kiến của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, của Chính phủ, của ba Ủy ban của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội và được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nay Chính phủ trình để Quốc hội xem xét.
II- NHỮNG TƯ TƯỞNG, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
VIỆC SOẠN THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
VÀ NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU
CỦA DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
A- NHỮNG TƯ TƯỞNG, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
VIỆC SOẠN THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
1. Bộ luật lao động thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng được xác định trong các nghị quyết của Đại hội lần thứ VI, VII và cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 trong lĩnh vực lao động, sử dụng và quản lý lao động. Bộ luật lao động nhằm những mục tiêu sau đây:
- Với tư tưởng chiến lược "vì con người và phát huy nhân tố con người", pháp luật lao động góp phần giải phóng và phát triển nguồn nhân lực dồi dào của đất nước, khuyến khích việc sử dụng tiềm năng lao động xã hội, tạo điều kiện và môi trường để mọi người lao động có việc làm, tự do lao động, phát huy tính thông minh và sáng tạo trong lao động, từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của người lao động nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ổn định tình hình kinh tế - xã hội phục vụ cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh.
- Cải cách cơ chế quản lý lao động - xã hội, nhất là trong các doanh nghiệp, thực hiện và khuyến khích thực hiện việc quản lý lao động - sản xuất trên cơ sở mọi người lao động từng bước trở thành người có tư liệu sản xuất (thông qua chủ trương người lao động được chia một phần lợi nhuận và mua cổ phần của doanh nghiệp...), tạo điều kiện để người lao động thực sự làm chủ trong các doanh nghiệp, tạo ra động lực mới cho lao động sản xuất, thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ lao động mới giữa người lao động và người sử dụng lao động, cùng nhau thương lượng, thỏa thuận và cộng tác vì sự phát triển của doanh nghiệp và sự phồn vinh của đất nước.
- Góp phần phát huy trí sáng tạo và tài năng của người lao động chân tay và trí óc, của người sử dụng lao động, nhằm đặt năng suất, chất lượng và tiến bộ xã hội trong lao động sản xuất, hiệu quả trong sử dụng và quản lý lao động; đồng thời, từng bước hoàn thiện cơ chế phân phối trên cơ sở hiệu quả lao động; những người làm giỏi, có nhiều phát minh, sáng tạo phải được hưởng cao; những người làm tồi, chây lười lao động chỉ được hưởng tương xứng với lao động của họ.
- Các quy định về lao động - xã hội phù hợp với cơ chế thị trường có sự tăng cường quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được mở rộng và phát triển.
2. Dự thảo Bộ luật lao động đã quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau đây:
- Bảo vệ người lao động: trước hết, việc bảo vệ người lao động là thể hiện quan điểm "vì con người, do con người, trước hết là người lao động". Đây là đặc trưng của Luật lao động của bất kỳ nước nào có cơ chế thị trường, bởi lẽ người làm công ăn lương luôn ở thế yếu so với người sử dụng lao động. Ở nước ta, Bộ luật lao động càng phải quy định cho người lao động có địa vị pháp lý bình đẳng với người sử dụng lao động, đồng thời, thể hiện ý chí của Nhà nước quy định những bảo đảm cơ bản tối thiểu về việc làm, trả công lao động, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động và vệ sinh lao động, về chính sách cho người lao động nói chung và một số loại lao động nói riêng, nhất là về bảo hiểm xã hội, chính sách đối với lao động nữ và một số loại lao động đặc thù khác. Đặc biệt, cần quan tâm giải quyết chính sách khi người lao động bị mất việc làm. Người lao động chẳng những được quyền giao kết hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, mà tập thể lao động còn có quyền thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Ngoài ra người lao động còn có quyền được đình công, là phương tiện cuối cùng để bảo vệ mình khi cần thiết, trong khuôn khổ pháp luật.
- Cùng với việc bảo vệ người lao động, cũng cần phải tính đến bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động: Người sử dụng lao động dù là tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước đều có quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu tài sản, vốn, tư liệu sản xuất đã được Hiến pháp năm 1992 thừa nhận. Nhà nước khuyến khích việc đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, có lợi cho nền kinh tế của đất nước, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm. Do vậy, trong khi bảo vệ người lao động không thể không tính tới quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động. Đặc biệt, "trong các doanh nghiệp tư bản, tư nhân, pháp luật phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người lao động và bảo hộ lợi ích hợp pháp của người chủ". Người lao động có quyền lựa chọn việc làm thì người sử dụng lao động, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, cũng có quyền tuyển chọn lao động, có quyền tăng giảm lao động theo nhu cầu sản xuất - kinh doanh theo quy định của pháp luật. Song song với việc giao kết hợp đồng lao động và ký kết thỏa ước lao động tập thể, người sử dụng lao động vẫn có quyền riêng về điều hành lao động, ban hành nội quy lao động, khen thưởng, xử phạt, v.v. và người lao động vẫn phải tuân theo kỷ luật lao động và sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động. Những người sử dụng lao động cũng có quyền cử ra đại diện để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, bàn bạc, cộng tác với công đoàn, và được Nhà nước tạo điều kiện tham gia ý kiến với các cơ quan nhà nước về các vấn đề quản lý và sử dụng lao động. Dĩ nhiên, người sử dụng lao động phải thực thi những quyền đó trong khuôn khổ pháp luật, vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội.
- Kết hợp hài hòa chính sách kinh tế với chính sách xã hội: Nhà nước không những cần tính đến sự phát triển kinh tế, mà theo kinh nghiệm lịch sử, còn cần tính toán kỹ các vấn đề xã hội, mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội. Tách chính sách xã hội ra khỏi chính sách kinh tế là không phù hợp, phải coi trọng chính sách xã hội là động lực phát triển kinh tế, nhưng đồng thời lại phải "coi trọng phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội". Do đó, việc đưa ra những bảo đảm cho người lao động, nhất là về chính sách xã hội là điều hết sức cần thiết, nhưng phải cân nhắc mức độ thích đáng trong từng thời kỳ để nâng dần lên từng bước, có tính đến các khả năng kinh tế - tài chính chung của đất nước và cả khả năng chi trả của người sử dụng lao động, cần xét tới phạm vi, hình thức, biện pháp, bước đi, nếu không sẽ có thể gây thiệt hại cho chính bản thân người lao động, trước hết là về việc làm, và rút cục không đạt mục tiêu của chính sách, không bảo vệ được người lao động trên thực tế.
- Dựa trên tình hình thực tế của đất nước kế thừa di sản tốt đẹp của dân tộc, coi trọng truyền thống lịch sử và tâm lý xã hội của nhân dân, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa trí tuệ của nhân loại trong lĩnh vực lao động, quản lý lao động, pháp luật lao động. Đây là điều đặc biệt cần thiết trong tình hình nước ta hiện nay đang chuyển đổi cơ chế, từng bước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế, đồng thời, mở rộng hợp tác và hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Về mặt này, việc soạn thảo Bộ luật lao động vừa kế thừa những quy định hợp lý đã có, đặc biệt là Sắc lệnh 29/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1947 và những văn bản ban hành trong vài ba năm trở lại đây, để tạo khung pháp luật mới đồng bộ, hoàn chỉnh hơn, có tính nguyên tắc, bám sát tình hình thực tế, tránh quy định cứng nhắc, vượt quá khả năng cho phép, và tránh cầu toàn. Bộ luật lao động là sự pháp điển hóa dựa trên tổng kết kinh nghiệm lịch sử lao động và quản lý lao động của đất nước, có tham khảo rộng rãi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đồng thời, cố gắng tìm ra mô hình của mối quan hệ lao động mới, mang đặc tính Việt Nam, dựa trên tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ, đoàn kết hòa hợp dân tộc, "Vì lợi ích tối cao của dân tộc lúc này là dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh". Quán triệt những quan điểm trên, Dự thảo Bộ luật lao động đã dành hai chương về việc làm và học nghề nhằm giải quyết vấn đề bức xúc nhất của đất nước hiện nay là vấn đề việc làm, mà hầu hết các văn bản luật lao động cổ điển của các nước thường không có hai chương này. Mặt khác, xuất phát từ thực tế của đất nước, theo đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngoài những điểm đã quy định tại các chương khác, Dự thảo đã dành một chương riêng với 10 điều quy định về những đặc thù riêng có của lao động nữ. Ngoài ra, những quy định về quyền lợi của người lao động khi bị mất việc làm (Điều 42) và Chương "Những quy định riêng đối với lao động chưa thành viên và một số lao động khác". Chương "Bảo hiểm xã hội", Chương "Công đoàn", ban đại diện người lao động cũng là những chương thể hiện rõ tính đặc thù về chính sách xã hội của Việt Nam.
- Tiếp tục tăng cường và đổi mới quản lý nhà nước về lao động cũng là một yêu cầu cấp bách. Trong tiến trình đổi mới, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quyền tự do lựa chọn việc làm của công dân và quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng có trách nhiệm ngày càng lớn trong chức năng quản lý của mình. Một mặt, Nhà nước phải tăng cường quản lý nguồn nhân lực ở tầm vĩ mô thông qua các chính sách phát triển nguồn nhân lực, dạy nghề gắn với tạo việc làm, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế mới, khuyến khích các hình thức thu hút lao động việc làm mới, tăng chất lượng lao động (quỹ quốc gia xúc tiến việc làm, phát triển mạnh hệ thống trung tâm xúc tiến việc làm và dạy nghề, đầu tư xây dựng các vùng kinh tế mới...). Mặt khác, bằng chính sách và pháp luật, tạo ra những chuẩn mực, đường biên, hành lang pháp luật hợp lý và mềm dẻo để cả người lao động và người sử dụng lao động đều có thể chấp nhận được và dễ dàng cùng nhau thương lượng, cùng nhau thỏa thuận không những không trái với pháp luật mà còn có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động so với các quy định của pháp luật lao động. Đồng thời, Nhà nước chủ động điều giải hai bên, thường xuyên hướng dẫn cho hai bên xây dựng mối quan hệ lao động mới, hài hòa và ổn định, vì sự phát triển của doanh nghiệp và sự phồn vinh của đất nước. Tất cả những cố gắng đó của Nhà nước nhằm tạo ra bước chuyển biến mới về phát triển và phát huy nguồn nhân lực dồi dào của đất nước, về tăng năng suất lao động và hiệu quả trong sử dụng lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế với tốc độ cao vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
B- NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ THẢO
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
Dự thảo Bộ luật lao động gồm 17 chương, 191 điều:
1. Những quy định có tính chất chung (Lời nói đầu, các Chương I, XVII): bao gồm những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, đối tượng, phạm vi áp dụng, hai bên chủ thể của quan hệ lao động, quyền và nghĩa vụ của hai bên, các quy định có tính nguyên tắc chi phối toàn bộ Bộ luật lao động và một số quy định chung khác về hiệu lực và thi hành.
2. Những quy định tạo tiền đề cho việc thiết lập và tiến hành quan hệ lao động (các Chương II, III): bao gồm các quy định về việc làm (định nghĩa, cơ chế tạo việc làm và giải quyết việc làm, cơ chế giải quyết và trợ cấp mất việc làm, các tổ chức dịch vụ việc làm), về học nghề (phạm vi học nghề, dạy nghề để giải quyết việc làm; cơ chế dạy nghề, học nghề bao gồm các cơ sở dạy nghề; quyền và nghĩa vụ hai bên; việc dạy nghề, học nghề, tập nghề trong doanh nghiệp; hợp đồng học nghề).
3. Những quy định về điều kiện lao động và sử dụng lao động (các Chương VI, VII, IX, X, XII): bao gồm các quy định về tiền lương, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất an toàn lao động và vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội và những quy định riêng cho lao động nữ và một số loại lao động có đặc điểm riêng.
4. Những quy định về quan hệ lao động (các Chương IV, V, XII, XIII): bao gồm các quy định về nguyên tắc, điều kiện để thiết lập và tiến hành mối quan hệ pháp luật về lao động giữa hai bên chủ thể (và các tổ chức đại diện của họ) qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, với tổ chức đại diện bảo vệ cho người lao động là công đoàn (và Ban đại diện người lao động trong doanh nghiệp), và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động (tranh chấp lao động cá nhân và tập thể, bao gồm cả quyền đình công của tập thể lao động).
5. Những quy định về quản lý nhà nước về lao động (các Chương XV, XVI): bao gồm các quy định về quản lý nhà nước về lao động nói chung, về Thanh tra Nhà nước về lao động và xử phạt vi phạm pháp luật lao động.
II- MỘT VÀI VẤN ĐỀ ĐỀ NGHỊ CÂN NHẮC THÊM
Qua quá trình soạn thảo và nhiều lần góp ý, hầu hết các vấn đề trong Dự thảo Bộ luật lao động đã được thực tiễn chứng minh, được các văn kiện của Đảng ghi nhận, tạo nên sự nhất trí khá cao trên nhiều vấn đề thuộc tư tưởng, quan điểm, nội dung và các quy định cụ thể của Dự thảo.
Tuy nhiên, tới nay còn một số vấn đề cần cân nhắc thêm, xin trình để Quốc hội cho ý kiến:
1. Vấn đề đình công: tình hình thực tế ở nước ta là trong hơn 2 năm qua đã xảy ra tới gần 70 vụ đình công và phản ứng tập thể của người lao động, vụ đông nhất tới 650 công nhân, dài nhất tới 13 ngày. Xét thấy đình công là một quyền cơ bản, lâu đời của giai cấp công nhân (đã được ghi trong Sắc lệnh 29/SL, trong Công ước quốc tế mà nước ta đã tham gia) và là phương tiện cuối cùng mà người lao động buộc phải sử dụng để tự bảo vệ mình khi cần thiết trong điều kiện của cơ chế thị trường, đặc biệt là trong các doanh nghiệp tư bản tư nhân. Nếu Bộ luật lao động không quy định vấn đề đình công thì trên thực tế các cuộc đình công vẫn xảy ra, Nhà nước sẽ phải bị động đối phó, mà người lao động cực chẳng đã phải ngừng việc sẽ bị doanh nghiệp đuổi việc, thậm chí bị quy kết là phá rối trật tự trị an và gây mất ổn định. Căn cứ vào kết quả nhiều lần thảo luận, Dự thảo đã quy định quyền này trong 4 điều 171, 172, 173, 174 trong Chương XIV (Giải quyết tranh chấp lao động) với mục đích là thừa nhận quyền đình công về nguyên tắc; quy định chặt chẽ tính chất, phạm vi, điều kiện, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành và vạch rõ ranh giới với đình công bất hợp pháp (Điều 173) nhằm đưa việc sử dụng quyền này vào khuôn khổ pháp luật; đồng thời, Nhà nước quy định những loại doanh nghiệp không được đình công và được can thiệp trong những trường hợp nhất định (Điều 172). Ngoài ra, trong Chương XIV còn quy định tỷ mỷ trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể chủ yếu bằng hòa giải và trọng tài. Như vậy, vấn đề đình công được quy định một cách rất chặt chẽ, vừa bảo đảm được quyền của người lao động, vừa có trật tự pháp luật, lại vừa có thể phòng ngừa, ngăn chặn được những hành vi lợi dụng. Nhà nước ở thế chủ động, có đủ khả năng để kiểm soát và ứng phó với tình hình theo pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến lo ngại rằng trong tình hình dân trí nước ta còn thấp, quần chúng có thể đình công bừa bãi, nhất là trong các doanh nghiệp nhà nước thì đình công dễ trở thành chống đối chế độ, và có thể bị các lực lượng thù địch lợi dụng vào nội dung chính trị.
2. Về vai trò, vị trí của Công đoàn: nhận rõ vai trò quan trọng của Công đoàn trong cơ chế thị trường. Dự thảo quy định vai trò, vị trí của Công đoàn trong một mục riêng tại Chương XIII và tại 16 điều ở các chương khác, quy định Công đoàn có quyền khởi xướng việc đình công (Điều 171), tham gia việc quản lý nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật (Điều 176), nhất là về an toàn lao động, vệ sinh lao động (Điều 94), bảo hiểm xã hội (Điều 148). Tuy nhiên, trong tình hình mới, trong nhiều doanh nghiệp còn chưa có tổ chức công đoàn. Dự thảo quy định việc lập ra Ban đại diện người lao động trong doanh nghiệp (Mục II, Chương XIII), ở nơi số đoàn viên Công đoàn chưa chiếm quá nửa tập thể lao động, nếu người lao động thấy cần thiết và có yêu cầu, thì Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức bầu thêm đại diện của người lao động (Điều 150); khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động, thì "phải trao đổi ý kiến với Ban Chấp hành Công đoàn" (Điều 38), dù là trong doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư bản tư nhân
Đối với vấn đề này có hai loại ý kiến. Một loại ý kiến không tán thành như dự thảo đã nêu, cho rằng thậm chí số đoàn viên Công đoàn chiếm tới 2/3 tập thể lao động, nếu người lao động có yêu cầu thì vẫn nên để cho người lao động ngoài Công đoàn bầu thêm đại diện của mình. Một loại ý kiến khác lại cho rằng, khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp nhà nước thì phải "thảo luận nhất trí" với Ban Chấp hành Công đoàn, như Điều 12 của Luật công đoàn đã quy định.
3. Vấn đề nghỉ thai sản: nhận rõ vai trò to lớn của lao động nữ trong xã hội nước ta, theo đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau khi có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Dự thảo đã dành riêng một chương (Chương X) tập trung đề cập các vấn đề của lao động nữ gồm 10 điều, và ngoài ra còn ở 4 điều tại các chương khác. Về nội dung có hai vấn đề cần lưu ý là vấn đề tỷ lệ lao động nữ mà các doanh nghiệp phải nhận vào làm việc và vấn đề nghỉ thai sản. Qua nghiên cứu về mọi mặt, thấy chỉ nên "quy định một số nghề, công việc thích hợp với lao động nữ và có chế độ ưu đãi đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ" (Điều 109); nghỉ thai sản nói chung chỉ nên "từ 4 đến 6 tháng do Chính phủ quy định" (Điều 113).
Hiện nay, về vấn đề nghỉ thai sản vẫn có các ý kiến khác nhau: một loại ý kiến yêu cầu vẫn giữ 6 tháng như cũ (thật ra chỉ là cho nữ viên chức), thậm chí, có ý kiến còn đề nghị nâng lên tới 2 năm; một loại ý khác cho rằng xét về mọi mặt nghỉ thai sản 4 tháng vẫn là cao, chỉ nên 3 tháng như Công ước lao động quốc tế đã ghi nhận (các nước trên thế giới đại đa số chỉ quy định 2 - 3 tháng, khi có điều kiện thì có trợ cấp thêm cho 2 - 3 tháng đó). Có ý kiến vẫn yêu cầu quy định tỷ lệ để buộc các doanh nghiệp phải nhận lao động nữ vào làm việc. Có những ý kiến khác cho rằng quy định như Dự thảo nhìn chung là quá nhiều, khó lòng thực thi nổi (kể cả vấn đề con ốm bố nghỉ ở Điều 116), hậu quả thực tế sẽ rất bất lợi cho lao động nữ.
4. Vấn đề vai trò của giới sử dụng lao động: như đã nói trong Mục A, Phần II, người sử dụng lao động) kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân), là một trong hai bên chủ thể của quan hệ lao động, và giới sử dụng lao động nói chung có vai trò không thể thiếu được trong các vấn đề lao động, sử dụng lao động hiện nay, bao gồm vấn đề tạo việc làm, giải quyết việc làm còn tồn tại rất lâu dài ở nước ta. Tình hình thực tế ở nước ta đã tồn tại Hiệp hội công kỹ nghệ gia và nhiều hội nghề nghiệp theo ngành sản xuất, để phản ánh nhu cầu thực tế khách quan hiện nay trong việc quản lý nhà nước về lao động sản xuất, một vài chỗ trong Dự thảo đã có đề cập việc tham khảo ý kiến các đại diện những người sử dụng lao động (kể cả trong doanh nghiệp nhà nước), và quy định "tạo điều kiện cho những người sử dụng lao động được tham gia ý kiến với cơ quan nhà nước về các vấn đề quản lý và sử dụng lao động" (Điều 175).
Nhưng có ý kiến cho rằng, việc cho phép lập tổ chức nghề nghiệp của giới sử dụng lao động (như các nước trên thế giới, kể cả Trung Quốc đã làm) cần sớm được quy định trong Pháp lệnh hoặc Luật về lập hội sắp tới để có thể động viên tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc của giới sử dụng lao động nhằm huy động được tốt hơn tính tích cực của họ trong cơ chế quản lý mới về lao động.
5. Vấn đề lương tối thiểu: kế thừa những nguyên tắc và nội dung về lương tối thiểu được quy định tại Sắc lệnh 29/SL do Hồ Chủ tịch ký, trong Chương tiền lương, Điều 56 quy định: Chính phủ quyết định và công bố lương tối thiểu (chung, ngành nghề hoặc khu vực) cho từng thời kỳ sau khi tham khảo ý kiến các đại diện hữu quan của người lao động và của người sử dụng lao động. Mức lương tối thiểu là mức trả công lao động được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường đủ sinh sống, và được dùng làm căn cứ để người sử dụng lao động tính các mức lương cho các loại lao động. Để bảo vệ người lao động, Điều 55 còn quy định: mức tiền lương (tiền công) trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Một số ý kiến còn băn khoăn với quy định tại Điều 55, với lý do về lâu dài thì quy định như vậy là đúng, nhưng trước mắt còn hàng ngàn doanh nghiệp chưa thể trả lương bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Vì vậy, Điều 55 cần bổ sung thêm là trường hợp doanh nghiệp trả thấp hơn lương tối thiểu do Nhà nước quy định sẽ được Chính phủ quyết định cụ thể trong từng loại lương tối thiểu khi công bố.
6. Vấn đề hình thức văn bản (Bộ luật hay Luật lao động): Theo các nghị quyết của Quốc hội và ý kiến chính thức của Chính phủ, hình thức văn bản hiện nay trình Quốc hội là Bộ luật lao động, vì đây là một văn bản pháp điển hóa toàn diện, bao gồm toàn bộ các chế định của ngành Luật lao động bao quát mọi khâu thiết yếu trong một lĩnh vực quan hệ xã hội rộng lớn, trong lĩnh vực quản lý lao động kiểu hiện đại. Bộ luật lao động nước ta trong hoàn cảnh, điều kiện hiện nay, chỉ nên quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, không thể quá chi tiết và cầu toàn, nhưng cũng có điều kiện thuận lợi là có hàng chục văn bản cụ thể đã ban hành trong mấy năm gần đây.
Cho tới nay, qua hơn 30 lần biên soạn, chỉnh lý, Dự thảo Bộ luật lao động gồm 17 chương, 191 điều, như vậy cũng không phải ít so với hoàn cảnh cụ thể và tình hình dân trí nước ta, so với Bộ luật lao động Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Nga) do Lênin ký năm 1922 (khi chuyển sang chính sách kinh tế mới, NEP từ mùa xuân năm 1921) gồm 17 chương, 192 điều: Bộ luật lao động của Liên Xô trước đây cũng chỉ có 18 chương, 257 điều. Trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, Bộ luật lao động gồm 17 chương, 191 điều là phù hợp.
Trên đây là toàn bộ quá trình nghiên cứu, xây dựng và soạn thảo Bộ luật lao động, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội