VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


BÁO CÁO CỦA ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
CỦA QUỐC HỘI  VỀ DỰ ÁN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG

(Do ông Bùi Ngọc Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
 về các vấn đề xã hội đọc tại kỳ họp thứ 4,
Quốc hội khóa IX, ngày 23-12-1993)

Kính thưa Quốc hội,

Tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (tháng 8-1993) Ủy ban về các vấn đề xã hội được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm định Dự án Bộ luật lao động. Trong 3 tháng qua, Ủy ban chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban pháp luật, Ủy ban kinh tế và ngân sách, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Bộ luật này. Tham dự các cuộc họp lấy ý kiến gồm các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các luật gia, các giám đốc một số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và đại diện các tổ chức công đoàn hoặc đại diện của người lao động ở một số cơ sở sản xuất - kinh doanh. Ủy ban chúng tôi cũng đã phối hợp với Chi hội Luật gia của Văn phòng Quốc hội trao đổi nghiên cứu về Dự án Bộ luật. Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ ngày 08-11-1993 và sau khi tập hợp các ý kiến đóng góp, Ủy ban chúng tôi đã tổ chức phiên họp toàn thể ngày 04-12-1993 và nhất trí trình Quốc hội một số vấn đề về quan điểm và nội dung quan trọng như sau:

I- MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ VIỆC CHUẨN BỊ DỰ ÁN

Dự án Bộ luật lao động đã được chuẩn bị, nghiên cứu xây dựng từ năm 1976, qua hai giai đoạn với hai cơ chế cũ và mới khác nhau. Dự thảo Bộ luật trình Quốc hội lần này đã trải qua hơn 30 lần biên soạn, được sửa đổi căn bản, đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp. Dự thảo được chuẩn bị công phu, chu đáo, có sáng tạo, đã thể hiện được các quan điểm đổi mới, định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực lao động theo tinh thần các nghị quyết đại hội VI và VII, Nghị quyết Trung ương 2 của Đảng, đặc biệt là những vấn đề hệ trọng nhất mà Bộ Chính trị đã có ý kiến. Dự thảo Bộ luật cũng đã bám sát nội dung Hiến pháp năm 1992 và kế thừa tư tưởng của Bác Hồ thể hiện qua Sắc lệnh số 29 ngày 12-3-1947. Dự thảo Bộ luật đã chuẩn bị tốt về nội dung, thể hiện khá đầy đủ và toàn diện các chế định về lĩnh vực lao động; đã tập hợp và nâng cao các văn bản đơn hành được Nhà nước ta ban hành áp dụng trong thực tiễn; đã tham khảo có chọn lọc các Bộ luật lao động của nhiều nước trên thế giới.

Ủy ban chúng tôi nhất trí tán thành với đông đảo các ý kiến đóng góp trong các cuộc thảo luận là Quốc hội cần xem xét để sớm ban hành Bộ luật lao động vì nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng nhất là từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung chuyển sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thì cơ chế và phương pháp quản lý lao động đã thay đổi về căn bản. Nhiều quan hệ lao động mới xuất hiện, đặc biệt là quan hệ lao động làm công ăn lương đang phát triển mạnh và sẽ trở thành quan hệ chủ yếu trong sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, phải có Bộ luật lao động với nội dung phù hợp để điều chỉnh các vấn đề lao động trong cơ chế mới.

Qua nghiên cứu Dự thảo Bộ luật lao động và thông qua các cuộc lấy ý kiến, Ủy ban chúng tôi nhất trí với nhiều nội dung Dự thảo của Bộ luật mà Tờ trình của Chính phủ đã nói rõ. Những vấn đề cần phải hoàn thiện và những ý kiến còn khác nhau sẽ được trình bày dưới đây.

II- NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Về hình thức văn bản và phạm vi điều chỉnh:

Đây là vấn đề cho đến nay vẫn còn có ý kiến khác nhau.

a) Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí xây dựng Bộ luật lao động với lập luận như sau:

- Việc xây dựng Bộ luật đã được xác định trong chương trình xây dựng pháp luật của Hội đồng Nhà nước trước đây (năm 1991 và 1992) và trong Chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 Quốc hội cũng khẳng định như vậy.

- Dự thảo Bộ luật gồm 17 chương, 191 điều, bao gồm toàn bộ các chế định pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ trong cả quá trình lao động và sử dụng sức lao động là một lĩnh vực quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội là vấn đề rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

- Về lý luận, Bộ luật là văn bản pháp điển hóa các quy định điều chỉnh quan hệ lao động, trong đó có sự kế thừa và phát triển pháp luật lao động của Nhà nước ta từ trước đến nay thông qua việc nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc nâng cao, bổ sung và hệ thống hóa một khối lượng đồ sộ các văn bản đơn hành về lĩnh vực này.

- Về tính chất của vấn đề cần điều chỉnh, như Lời nói đầu của Dự thảo đã nêu, lao động là "hoạt động quan trọng nhất của con người", vì vậy, pháp luật lao động có vị trí đặc biệt trong đời sống xã hội và cần được thể hiện bằng một văn bản pháp luật có hiệu lực cao và điều chỉnh toàn bộ các mối quan hệ lao động.

- Qua nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài thì hầu hết các nước đều ban hành Bộ luật lao động với phạm vi điều chỉnh tương tự như Dự thảo Bộ luật này.

b) Loại ý kiến thứ hai đề nghị xây dựng Luật lao động với lập luận như sau:

- Hiện nay đang trong quá trình đổi mới, các chế định pháp luật đã được ban hành cần phải được thử thách trong cuộc sống, rồi mới tập hợp nâng lên thành Bộ luật.

- Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật chỉ bao gồm những người trong quan hệ làm công ăn lương (còn một số đối tượng quy định ở Điều 4) Dự thảo Bộ luật này chưa điều chỉnh.

- Bộ luật là một văn bản pháp điển hóa, cần hội tụ đủ các yếu tố: bao quát toàn bộ các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động; là tập hợp các văn bản luật đơn hành đã được nâng cao; phải cụ thể, chi tiết và có thể thi hành ngay mà không cần văn bản dưới luật hướng dẫn, v.v..

Hiện nay, cả lý luận và thực tiễn về lập pháp, việc xây dựng Bộ luật hay luật về một lĩnh vực nào đó còn có nhiều ý kiến tranh luận. Nhưng từ kinh nghiệm của Quốc hội về xây dựng Bộ luật hàng hải và một số Bộ luật khác, vấn đề là điều chỉnh các mối quan hệ chứ không chỉ số lượng người được điều chỉnh nhiều hay ít và xét về tính chất, nội dung, và phạm vi điều chỉnh của Dự án này, chúng tôi thống nhất đề nghị xây dựng Bộ luật với những lý lẽ trình bày ở điểm a.

Tuy Dự thảo Bộ luật không bao quát toàn bộ lao động xã hội nhưng đã tập trung vào điểm "nóng nhất" của mối quan hệ này, đó là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Vì vậy, về đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động, chúng tôi tán thành quy định của Dự thảo (tại Điều 2 và Điều 3). Còn các đối tượng khác (lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, công chức, xã viên nói ở Điều 4) thuộc phạm vi áp dụng của các văn bản pháp luật khác.

2. Về bố cục một số chương của dự án:

a) Hai chương "việc làm" và "học nghề" có hai loại ý kiến sau:

- Phần đông các ý kiến cho rằng đưa hai chương này vào Bộ luật là một sáng kiến và rất cần thiết trong điều kiện của ta hiện nay. Việc làm và học nghề tuy mới là tiền quan hệ lao động (chưa phải thực sự là quan hệ lao động) nhưng ở nước ta việc làm gắn bó chặt chẽ với quan hệ lao động như hình với bóng và trong hàng thập kỷ nữa việc làm - một vấn đề kinh tế - xã hội vẫn là vấn đề nóng bỏng, sôi động như Nghị quyết đại hội VII của Đảng ta đã chỉ rõ.

- Loại ý kiến khác (không nhiều) cho rằng, việc làm và học nghề không nằm trong phạm vi điều chỉnh của quan hệ lao động. Nếu xét theo phạm vi điều chỉnh được quy định ở Điều 1 của Dự thảo thì hai chương này không nhất thiết phải đưa vào Bộ luật.

Ủy ban chúng tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay việc đưa hai chương này vào Bộ luật lao động là rất cần thiết và đây cũng chính là tính đặc thù của Bộ luật lao động Việt Nam.

b) Về Chương lao động nữ và Chương lao động đặc thù (Chương X và XI) cũng có 2 loại ý kiến: loại ý kiến nhất trí với Dự thảo thì cho rằng, lao động nữ chiếm hơn 50% nguồn lao động xã hội và có vai trò hết sức quan trọng, do đó, phải có một chương riêng để thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với lao động nữ. Loại ý kiến khác đề nghị ghép Chương lao động nữ với chương lao động đặc thù với tên Chương là "Những quy định riêng đối với lao động nữ và một số loại lao động đặc thù", vì Bộ luật không giải quyết hết các vấn đề về lao động nữ mà chỉ điều chỉnh các quan hệ lao động, trong đó có lao động nữ tham gia...

Xét về số lượng, về tính chất và tầm quan trọng của lao động nữ, Ủy ban chúng tôi nhất trí tách riêng thành một chương như Dự thảo là hợp lý.

c) Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài: nên chăng Bộ luật có một số điều, khoản quy định riêng. Các quy định này sẽ không mâu thuẫn với sự bình đẳng giữa các loại doanh nghiệp, mà là nhằm giải quyết những vấn đề đặc thù. Ví dụ:

- Không nhất thiết các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam phải làm việc 6 ngày trong tuần và 8 giờ trong ngày (thực tế ở nước họ chỉ làm 5 ngày và 6 đến 7 giờ).

- Chế độ bảo hiểm xã hội của các nước phát triển thường cao hơn ta, thì không nhất thiết họ phải thực hiện thấp xuống.

- Việc tuyển dụng lao động của họ cũng có khác và chúng ta cũng cần họ phải ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam.

- Chủ doanh nghiệp là người nước ngoài (các nước tư bản) họ sẽ không tuân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ta phải có cách xử lý hài hòa...

Điều 9 của Dự thảo Bộ luật có nói chung cho tất cả các doanh nghiệp là, khuyến khích thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động. E rằng, nói như vậy chưa đủ "nhấn đậm" đối với doanh nghiệp nước ngoài.

III- MỘT VÀI QUAN ĐIỂM LỚN KHI XÂY DỰNG BỘ LUẬT

1. Trong Bộ luật có quy định phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác hay không?

Tờ trình của Chính phủ không nói rõ đây là một quan điểm, nhưng quá trình thảo luận ở tất cả các cuộc lấy ý kiến đều đụng đến vấn đề này. Nhiều ý kiến đồng tình là mọi doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế đều phải được xử lý trên cùng một mặt bằng pháp luật, bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều loại doanh nghiệp có chế độ sở hữu khác nhau: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp công tư hợp doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, v.v..

Vì khác nhau như thế nên một số ý kiến cho rằng có những điều khoản của Bộ luật áp dụng chung được nhưng cũng có những điều khoản không thể áp dụng chung. Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, vậy thì Bộ luật có thể hiện vai trò này không.

Chúng tôi cho rằng, mọi doanh nghiệp đều được xử lý trên cùng một mặt bằng pháp luật, bình đẳng như nhau là đúng. Sự khác nhau về sở hữu không chỉ riêng Bộ luật lao động mà giải quyết được. Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước có thể phải thể hiện ở các văn bản khác như Luật doanh nghiệp nhà nước, các chính sách cụ thể của Chính phủ..., vì vậy, không nên quy định phân biệt có tính luật pháp trong Bộ luật lao động.

2. Về quan điểm bảo vệ người lao động:

Đây là vấn đề đã được thảo luận khá kỹ ở nhiều cuộc lấy ý kiến. Dự thảo đã thể hiện rất rõ quan điểm này. Tuy nhiên, cần phải đề cập những ý kiến đáng lưu ý là:

- Tư tưởng xuyên suốt trong các chương, điều của Dự thảo Bộ luật thể hiện quan điểm bảo vệ người lao động là đúng hướng, phù hợp với bản chất của chế độ ta. Mặt khác, trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động thì người lao động thường ở thế yếu hơn. Vì thế, Bộ luật phải có những quy định đúng tầm về việc bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, việc bảo vệ người lao động phải đặt trong bối cảnh chúng ta đang chủ trương phát triển nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế, khuyến khích mọi người đầu tư vào sản xuất - kinh doanh. Do đó, bảo vệ người lao động trước hết là tạo điều kiện cho họ có việc làm và được trả công tương xứng với hao phí sức lao động.

- Nếu quy định mọi điều khoản có lợi tuyệt đối cho người lao động, thì người sử dụng lao động (chủ sở hữu) sẽ khó chấp nhận, khi đó, mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động không thể thực hiện được, mong muốn bảo vệ người lao động không trở thành hiện thực (khi không còn việc làm thì cũng không còn có quyền lợi như mong muốn). Bảo vệ người lao động phải tính đến khả năng của người sử dụng lao động và cũng phải bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của họ, khuyến khích việc đầu tư, bỏ vốn vào sản xuất, tạo thêm việc làm, thu hút thêm lao động và có điều kiện bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Nghĩa là, Bộ luật phải thể hiện được quan hệ hợp tác, bình đẳng, bảo vệ được quyền và lợi ích của mỗi bên trên cơ sở luật pháp...

IV- VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Về lương tối thiểu (quy định tại các Điều 7, 55, 56 và 57):

Do các vùng có mức thu nhập và chỉ số giá sinh hoạt khác nhau nên các ý kiến cũng rất khác nhau, có thể gom lại hai loại sau:

- Loại ý kiến nặng về thu hút lao động, giải quyết việc làm thì đề nghị không quy định lương tối thiểu mà nên để cho người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận. Vì thực tế, nhiều người lao động hiện nay chấp nhận mức lương dưới mức lương tối thiểu, miễn là có việc làm.

- Loại ý kiến nặng về bảo vệ người lao động đang có việc làm thì yêu cầu phải quy định lương tối thiểu và tùy từng thời kỳ phải nâng mức lương tối thiểu lên.

Chúng tôi cho rằng, cần phải có mức lương tối thiểu như Dự thảo đã thể hiện. Song song với lương tối thiểu chung, phải quy định lương tối thiểu vùng, nghề, có như vậy mới giải quyết được cung - cầu lao động và mới yêu cầu chủ doanh nghiệp ở mỗi vùng trả lương cho người lao động tương xứng với hao phí sức lao động của họ. Dự thảo Bộ luật cũng đã quy định thêm việc điều chỉnh lương trong những trường hợp chỉ số giá sinh hoạt tăng nhanh, tiền lương thực tế bị giảm sút đáng kể. Điều đó là hoàn toàn hợp lý.

2. Về vấn đề chấm dứt hợp đồng và chế độ xử lý (quy định tại các điều 16, 34, và 42):

Đây là vấn đề vừa là quan điểm vừa là xử lý cụ thể. Thông qua thảo luận, các ý kiến đề cập tương đối rộng, không chỉ nói đến chấm dứt, mà còn bàn cả đến vấn đề thất nghiệp với 3 mức độ khác nhau:

- Một là công nhận tất cả những ai chưa có việc, mất việc, hết việc đều là thất nghiệp và phải có chế độ bảo hiểm thất nghiệp thỏa đáng;

- Hai là chỉ những người có nghề nghiệp đã có việc làm mà sau đó bị mất việc thì mới coi là thất nghiệp và xử lý theo chế độ quy định;

- Ba là không thừa nhận thất nghiệp và đương nhiên cũng không có chế độ kèm theo.

Chúng tôi cho rằng, loại ý kiến thứ nhất và thứ ba là không thực tế. Nếu cứ bước vào tuổi lao động chưa học nghề, chưa có việc mà coi là thất nghiệp và được trợ cấp thì không đúng. Nhà nước cũng không thể giải quyết thất nghiệp theo kiểu đó. Hiện nay, ở gần 40 nước có chế độ trợ cấp thất nghiệp thì quỹ thất nghiệp là do người lao động đang làm việc đóng góp (không phải là trích từ ngân sách nhà nước). Còn loại ý kiến cho rằng ở chế độ ta, hoàn toàn không chấp nhận thất nghiệp thì cũng không đúng, bởi vì, đã là cơ chế thị trường (cho dù Nhà nước có điều tiết tốt), với sự tiến bộ của công nghệ và quy trình sản xuất thì thất nghiệp cơ cấu, thất nghiệp công nghệ là việc khó tránh khỏi.

Việc xử lý như trong Dự thảo là thuộc các loại ý kiến thứ hai và như thế là tương đối hợp lý (thừa nhận sự thất nghiệp đối với những người mất việc khi phải chấm dứt hợp đồng lao động). Tuy nhiên, chế độ trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều 16 và các khoản 1, 2 Điều 42 chỉ hợp lý khi chế độ tiền lương mới hoàn toàn được áp dụng. Vì vậy, Chính phủ phải xử lý cụ thể trong bước quá độ khi Bộ luật được ban hành mà chính sách tiền lương mới còn đang ở các bước một, hai.

Việc chấm dứt hợp đồng lao động, cho thôi việc còn một khía cạnh quan trọng nữa phải xem xét là tại Điều 12 Luật công đoàn (ban hành tháng 6-1990) có quy định: trước khi quyết định... buộc người lao động thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì Giám đốc xí nghiệp quốc doanh, Thủ trưởng cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp phải thảo luận, nhất trí với Ban Chấp hành Công đoàn". Đến nay quy định này ít có hiệu lực. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đương nhiên không phải thực hiện quy định này; ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn càng không có căn cứ để thực hiện. Nếu chúng ta thống nhất mọi doanh nghiệp đều bình đẳng thì phải sửa một số điều, mà trước hết là Điều 12 Luật công đoàn.

Chúng tôi đồng tình như Dự thảo Bộ luật lao động, nghĩa là chấp nhận đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các điều kiện khách quan mà người lao động không thể tiếp tục làm việc và người sử dụng lao động không thể tiếp tục sử dụng người lao động.

3. Vấn đề trích thưởng cho người lao động từ lợi nhuận của doanh nghiệp (quy định tại Điều 64):

Có ý kiến cho rằng, lợi nhuận của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh) là thuộc quyền của chủ doanh nghiệp, do vậy không nên có quy định này, chủ doanh nghiệp muốn giữ được lao động gắn bó với mình thì phải tự thực hiện.

Sau khi cân nhắc, chúng tôi thấy cần thiết phải quy định thành một điều, bởi lẽ, nguồn gốc quan trọng của lợi nhuận là có yếu tố sức lao động của công nhân. Trích chia một phần lợi nhuận cho người lao động cũng là một khía cạnh của định hướng xã hội chủ nghĩa ngay từ xí nghiệp. Người sử dụng lao động phải luôn luôn nhớ phần công sức của người lao động kết tinh trong lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với đặc điểm của các doanh nghiệp nước ta phần lớn là mới ra đời (doanh nghiệp nhà nước thì đang thành lập lại theo Quyết định 388) các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (đã có) mới ra đời vài năm nay và nhiều doanh nghiệp còn tiếp tục hình thành, họ đang phải gắng sức trụ được trong cơ chế thị trường, lợi nhuận chưa nhiều, do đó, Chính phủ phải quy định mềm dẻo, khuyến khích để có thể thực hiện được.

4. Về lao động nữ và thời gian nghỉ thai sản (quy định tại Chương X):

Phần lớn các ý kiến nhất trí cần có những quy định riêng đối với lao động nữ và cơ bản đồng tình với những nội dung được trình bày trong Dự thảo. Song trong điều kiện cơ chế thị trường, việc bảo vệ lao động nữ cũng như bảo vệ người lao động nói chung, trước hết là phải bảo đảm cho phụ nữ có việc làm thường xuyên và lâu dài. Nếu đặt ra quá nhiều ưu tiên cho lao động nữ và chuyển cả các quyền lợi được quy định trong thời bao cấp không còn phù hợp vào Bộ luật này thì người sử dụng lao động sẽ e ngại tuyển dụng lao động nữ và vô tình chúng ta muốn bảo vệ phụ nữ nhưng lại không bảo vệ được, lao động nữ thất nghiệp sẽ tăng lên.

Về thời gian nghỉ đẻ, Dự thảo quy định từ 4 đến 6 tháng và giao cho Chính phủ quy định cụ thể phù hợp với tính chất các ngành nghề là đúng đắn.

Riêng Điều 115 quy định, việc xây dựng nhà trẻ trong các doanh nghiệp, nên xem lại xem có phù hợp với tình hình hiện nay không?

5. Về mô hình giải quyết tranh chấp lao động tập thể và quyền đình công (quy định từ Điều 167 đến Điều 174):

Nhìn chung, mô hình đi từ hòa giải đến trọng tài và không giải quyết được mới đưa ra Tòa án, cuối cùng mới được sử dụng quyền đình công là hợp đạo lý. Giải quyết tranh chấp lao động phải có một quá trình hòa giải để cho các bên cân nhắc, giải quyết trên tinh thần thỏa thuận, hợp tác khi bất đồng về quyền lợi.

Trong các cuộc thảo luận tuy có đến hai phần ba các ý kiến đồng ý ghi quyền này vào Bộ luật nhưng chúng tôi thấy cần thiết phải trình bày cả hai loại ý kiến để Quốc hội xem xét:

a) Loại ý kiến đề nghị không quy định quyền đình công trong Bộ luật với lập luận:

- Điều 69 Hiến pháp năm 1992 chỉ cho phép biểu tình, không nói đến quyền đình công;

- Trong các doanh nghiệp quốc doanh có cả các tổ chức Đảng, công đoàn, thanh niên, phụ nữ và được quyền hoạt động công khai, Đảng và các tổ chức đoàn thể hoàn toàn có thể giải quyết những bất hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hai bên đều là chủ cả thì sử dụng quyền đình công để làm gì?

- Nếu cho phép sửa đổi quyền đình công thì các thế lực chống đối sẽ lợi dụng và từ đình công kinh tế chuyển thành đình công chính trị, v.v..

Trong loại ý kiến này thì mức độ cũng có khác nhau. Một số ý kiến thì nói vĩnh viễn không có quyền này, bộ phận khác thì cho rằng trước mắt chưa nên ghi, nhưng tương lai có thể có quyền đình công.

b) Loại ý kiến nói phải ghi quyền đình công vào Bộ luật với lập luận:

Về cơ bản đồng ý như giải trình của Chính phủ và cần nói thêm một số chi tiết sau:

- Nói có quyền đình công, nhưng không phải cứ có mâu thuẫn là nổ ra đình công ngay. Từ khi đưa yêu sách đến lúc tuyên bố đình công là cả thời gian hơn một tháng rưỡi, hai bên đã có đủ thời gian xem xét, cân nhắc, thỏa thuận với nhau về những bất đồng;

- Nói là kẻ địch lợi dụng thì dù có quy định hay không thì chúng vẫn lợi dụng, chỉ có phương thức lợi dụng trong hai điều kiện là khác nhau;

- Trong phạm vi số lượng người lao động mà Bộ luật điều chỉnh thì doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 25%, Nhà nước có thể có đủ chính sách công với Luật doanh nghiệp nhà nước (sẽ ban hành) để xử lý về quyền đình công. Phần lớn các doanh nghiệp không được sử dụng quyền đình công như quy định của Bộ luật sẽ là doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ được quyền ra lệnh ngừng đình công;

- Quy định quyền đình công và có cơ chế điều chỉnh, kiểm soát nó để không xảy ra là điều tốt, nếu có xảy ra thì sẽ chủ động xử lý (các cuộc đình công vừa qua nhiều tổ chức công đoàn phối hợp với các cơ quan lao động, cùng chính quyền giải quyết tương đối tốt. Nếu đã có quy định quyền này thì có thể nhiều cuộc đình công đã không xảy ra, vì kết quả giải quyết vừa qua phần lớn đạt được ở bước thương lượng)...

Ngoài hai loại ý kiến trên, lẻ tẻ còn một số người cho rằng, quy định như Dự thảo Bộ luật tiếng là cho quyền đình công nhưng sẽ khó thực hiện vì thủ tục quá chặt chẽ (họp lấy ý kiến, bỏ phiếu tán thành, đưa yêu sách, thông báo thời gian đình công, số lượng người tham gia...).

Với những nhìn nhận, nghiên cứu, xem xét, bước đầu ủy ban chúng tôi cũng tán thành với loại ý kiến đề nghị ghi quyền này vào Bộ luật.

Riêng về quyền yêu cầu ngừng đình công, đề nghị giao cho Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vì bất kỳ cuộc đình công nào cũng xảy ra ở một địa phương nhất định.

Về tổ chức Tòa án: trong Tòa án nhân dân, bên cạnh các Tòa hình, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, phải có Tòa lao động. Bởi vì khác với các vi phạm hình sự và các tranh chấp khác, tranh chấp lao động (việc làm, tiền lương...) là những vấn đề cuộc sống hằng ngày đòi hỏi phải giải quyết rất nhanh.

6. Về việc xử lý vi phạm pháp luật lao động

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, việc vi phạm pháp luật lao động phải được xử lý là đúng đắn và cần thiết. Chúng tôi đề nghị Chương XVI "Thanh tra nhà nước về lao động, xử lý vi phạm pháp luật lao động" phải đề ra được một số nguyên tắc và trên cơ sở đó mới giao cho Chính phủ ban hành quy chế (Điều lệ) xử phạt vi phạm pháp luật lao động, đồng thời phải có những chế tài để thực hiện nhiều vấn đề đã quy định trong Bộ luật.

Tuy còn những tồn tại phải xử lý tiếp, nhưng như phần thứ nhất chúng tôi đã trình bày, Bộ luật được chuẩn bị dày công, toàn diện và tương đối đầy đủ các vấn đề. Đề nghị Quốc hội cho ý kiến để hoàn chỉnh và có thể đưa ra Quốc hội thảo luận, xem xét và thông qua tại kỳ họp tới.

Trên đây là những ý kiến của Ủy ban về các vấn đề xã hội, trình Quốc hội xem xét và quyết định.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội