NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA IX,
NGÀY 30-12-1993 VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1994
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Sau khi xem xét Báo cáo của Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước năm 1994; thuyết trình của Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
I- Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 1994 với:
- Tổng số thu là: 38.660 tỷ đồng trong đó thu về thuế và phí ít nhất đạt 23,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
- Tổng số chi là: 46.510 tỷ đồng.
- Mức thiếu hụt ngân sách nhà nước: 7.850 tỷ đồng, bằng 5,23% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Tổng số thu, tổng số chi phân bổ cho các lĩnh vực và cân đối ngân sách nhà nước có các Phụ lục 1, 2, 3 kèm theo.
II- Để thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 1994, Quốc hội nhấn mạnh các vấn đề sau:
1. Giao Chính phủ khẩn trương phân bổ ngân sách nhà nước năm 1994 cho các Bộ, ngành, các địa phương; giao Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội thẩm tra và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp gần nhất và thông báo đến các Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương.
2. Phấn đấu tăng thu bằng các biện pháp đã trình Quốc hội, chú trọng các việc sau:
- Phải quán triệt yêu cầu thu để bảo đảm chi, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ít nhất 5% tổng số chi để giảm mức thiếu hụt ngân sách.
- Giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định sửa đổi một số khung thuế suất trong Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong trường hợp cần thiết; sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thuế nhà đất, Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Giao Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất; điều chỉnh thuế suất cụ thể trong Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo sát tình hình thị trường; điều chỉnh giá xăng dầu để tái đầu tư phát triển giao thông vận tải và điều tiết tiêu dùng; sớm ban hành chế độ thu về giao quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, tổng kết việc thực hiện thí điểm thu thế trị giá gia tăng để sớm xây dựng Dự án Luật thuế này; quy định việc thực hiện tính đúng, tính đủ giá trị tài sản cố định, sửa đổi quy định về khấu hao cơ bản để các doanh nghiệp có điều kiện đổi mới nhanh thiết bị, công nghệ, đồng thời bảo đảm cho Nhà nước thu hồi được vốn để trả nợ.
- Chính phủ có cơ chế khuyến khích các tỉnh, thành phố thu vượt mức các khoản thu có điều tiết cho ngân sách địa phương đã phân bổ thì được để lại 60% số thu tăng thêm đó cho địa phương để đầu tư phát triển, chủ yếu cho xây dựng trường học, xây dựng các trạm y tế, làm cầu đường nông thôn; 40 % còn lại điều về Trung ương để giảm số thiếu hụt ngân sách nhà nước.
- Củng cố hệ thống thu thuế, hải quan nhằm chống thất thu thuế và phí, tập trung kịp thời các nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
3. Các khoản chi ngân sách phải được quản lý chặt chẽ, chi đúng mục tiêu, đúng đối tượng, có hiệu quả theo đúng dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua; khẩn trương rà soát sửa đổi các chế độ chi tiêu không còn phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời, thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham ô, lạm dụng công quỹ. Phải xóa bao cấp qua bù lỗ giá điện, nước, cước phí vận tải...
Trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước năm 1994 phải tập trung ưu tiên cho việc đầu tư phát triển, chú trọng đầu tư xây dựng cơ bản các công trình kết cấu hạ tầng, trọng điểm; đồng thời bảo đảm thích đáng một số yêu cầu cấp thiết trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1994.
4. Việc điều hành ngân sách nhà nước phải theo sát dự toán đã được Quốc hội thông qua. Thiếu hụt ngân sách nhà nước phải được xử lý bằng các biện pháp vay trong nước và vay ngoài nước, chủ yếu dưới hình thức vay dài hạn, vay lãi nhẹ, bảo đảm hiệu quả và khả năng trả nợ. Không phát hành tiền đề bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước.
5. Giao Chính phủ hoàn chỉnh Dự án Luật ngân sách nhà nước để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới.
6. Chính phủ chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện ngay từ đầu năm dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua; tăng cường và thường xuyên kiểm tra, thanh tra tài chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về tài chính quốc gia.
III- Giao Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 1994, Hội đồng dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước trên các lĩnh vực và phạm vi thuộc trách nhiệm của mình.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 30 tháng 12 năm 1993.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
NÔNG ĐỨC MẠNH
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội