VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHOÁ II

(Do ông Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch,
kiêm Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình bày,
ngày 18-4-1962)

 

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo với các vị về công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội từ kỳ họp trước đến nay.
Trong kỳ họp trước, Quốc hội đã giao cho Uỷ ban thường vụ chuyển đến Quốc hội các nước “Lời kêu gọi của Quốc hội ta gửi Quốc hội các nước” để tố cáo những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Lời kêu gọi đó sau khi chuyển đi đã có một tiếng vang rất lớn trên thế giới.

Bằng những kiến nghị, quyết nghị, thông điệp đầy nhiệt tình, Quốc hội nhiều nước, vì sự nghiệp hòa bình, vì công lý và hữu nghị giữa các dân tộc, đã nghiêm khắc lên án đế quốc Mỹ và nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa nhằm hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Tất cả Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa đều đã lên tiếng cảnh cáo hành động đầy tội ác của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, buộc chúng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình cực kỳ nguy hiểm ở miền Nam và đòi chúng phải ngừng ngay những hành động xâm lược, phải rút tất cả nhân viên quân sự, vũ khí của chúng ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Trong thư gửi Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội ta, các đồng chí Chủ tịch Viện Liên bang và Chủ tịch Viện dân tộc Xô viết tối cao Liên Xô đã nói rõ: “Trung thành với chính sách ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc giành tự do và độc lập, Liên Xô không thể làm ngơ trước những hành động xâm lược của giới quân phiệt Mỹ ở miền Nam Việt Nam, lên tiếng phản đối cùng với tất cả các nước yêu chuộng hòa bình…”.

Thư của đồng chí Uỷ viên trưởng Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cũng nói rõ: “Nhân dân Trung Quốc nghiêm khắc lên án hành động của Mỹ vũ trang xâm lược miền Nam Việt Nam, kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ, giành hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Cùng một cảnh ngộ đất nước bị chia cắt, nhân dân Triều Tiên và nhân dân Đức càng thông cảm và đồng tình sâu sắc với nhân dân ta. Đồng chí Chủ tịch Chủ tịch đoàn tối cao Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên nói rõ: “Nhân dân Triều Tiên sẽ luôn luôn cùng với nhân dân Việt Nam chiến đấu chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc một cách hòa bình, vì sự nghiệp hòa bình và chủ nghĩa xã hội”. Ở nước Cộng hòa Dân chủ Đức, tất cả mười đoàn đại biểu của các chính đảng và các đoàn thể trong Quốc hội đều nhất trí nhấn mạnh: “Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức phản đối sự xâm nhập của Mỹ vào miền Nam Việt Nam và chính sách phản dân chủ của chế độ Ngô Đình Diệm, tin tưởng rằng cuộc đấu tranh của những lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam sẽ toàn thắng”.

Quốc hội các nước anh em khác như Anbani, Ba Lan, Bungari, Hunggari, Mông Cổ, Rumani, Tiệp Khắc đều hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi của Quốc hội ta, để tỏ lòng căm phẫn đối với đế quốc Mỹ, đều coi cuộc đấu tranh của nhân dân ta như cuộc đấu tranh của chính bản thân mình, và đều tỏ ý chí cương quyết đứng về phía nhân dân Việt Nam chống kẻ thù chung.

Sự đồng tình, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa không những chỉ xuất phát từ chỗ vì hòa bình, vì công lý, vì hữu nghị, mà còn xuất phát từ tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Quốc hội nhiều nước ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc mặc dầu có những nước chưa có quan hệ về phương diện nhà nước với ta, cũng đã biểu thị thái độ quan tâm đến cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Thư của Tổng thống nước cộng hòa Cuba, một nước xã hội chủ nghĩa ở châu Mỹ La tinh, gửi Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội ta, đã nói: “Chúng tôi lên án những hành động xâm lược của bọn đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đương ngăn cản nhân dân miền Nam Việt Nam dùng quyền tự quyết của mình và đe dọa hòa bình thế giới”.

Sự đồng tình, ủng hộ của Quốc hội các nước là sự đồng tình, ủng hộ của hàng trăm triệu nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Đó là một đòn giáng nặng vào đầu bọn hiếu chiến xâm lược Mỹ, giáng nặng vào đầu bọn tay sai bán nước Ngô Đình Diệm, một bọn côn đồ hung ác và thối nát đến tận xương tủy.

Chúng ta đánh giá rất cao sự đồng tình, ủng hộ đó. Chúng ta cảm ơm sâu sắc Quốc hội các nước đã dành cho chúng ta sự đồng tình, ủng hộ đó.

Chúng ta không cô độc! đồng bào miền Nam anh dũng không cô độc! nhân dân toàn thế giới đứng về phía chúng ta, đứng về phía đồng bào miền Nam yêu quý của chúng ta. Cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm của nhân dân ta nhất định thắng lợi! Sự nghiệp thống nhất đất nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi!

Thưa các vị đại biểu,

Sau kỳ họp thứ ba, các vị đại biểu Quốc hội đã đi các địa phương báo cáo với nhân dân. 24 đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức hơn 200 cuộc nói chuyện cho trên 10 vạn người nghe thuộc đủ các tầng lớp nhân dân ở thành thị và nông thôn.

Qua việc báo cáo của đại biểu, nhân dân ta rất phấn khởi nhận thấy rằng: công tác ngoại giao của Chính phủ ta trong năm qua đã thu được nhiều thắng lợi, tình đoàn kết keo sơn giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng thêm bền chặt, chúng ta có thêm nhiều bạn bè trên thế giới, công cuộc đấu tranh của chúng ta được thêm nhiều người đồng tình và ủng hộ. Cũng qua việc báo cáo, nhân dân ta đã biểu lộ mối căm thù sâu sắc trước âm mưu xâm lược ngày càng nghiêm trọng của đế quốc Mỹ vào miền Nam với những tội ác đẫm máu của Mỹ - Diệm. Hưởng ứng lời tuyên bố của Quốc hội, nhân dân ta ở miền Bắc đã tiến hành nhiều đợt đấu tranh sôi nổi lên án tội ác của Mỹ - Diệm và ủng hộ cuộc đấu tranh đầy gian khổ, nhưng đầy tương lai tươi sáng của đồng bào miền Nam.

Trong dịp đi báo cáo này, các đại biểu Quốc hội cũng đã động viên nhân dân đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh việc hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1961. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đi đến tận cơ sở để tìm hiểu thêm tình hình nhân dân, tình hình chấp hành các chủ trương chính sách của Nhà nước, và đã đề nghị với Chính phủ, với Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhiều ý kiến có tính chất xây dựng.

Về công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, trong thời gian 06 tháng qua, Uỷ ban đã triệu tập 11 phiên họp, mỗi phiên họp đều có đại biểu Chính phủ đến báo cáo công tác, đại biểu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và của Tòa án nhân dân tối cao đến hoặc để báo cáo công tác, hoặc để tham dự hội nghị. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 20 nghị quyết về các vấn đề pháp luật, tổ chức nhà nước, tặng thưởng huân chương và về những vấn đề khác thuộc quyền hạn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Dưới đây, chúng tôi xin báo cáo cụ thể:

1. Về công tác pháp luật

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc Hội đồng Chính phủ quy định và ban bố Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân và viên chức nhà nước, phê chuẩn việc Hội đồng Chính phủ thỏa thuận với Tổng Công đoàn Việt Nam để Tổng Công đoàn Việt Nam nhận việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội của Nhà nước và quản lý các sự nghiệp bảo hiểm xã hội.

Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội do Hội đồng Chính phủ ban bố thay thế cho các văn bản ban hành trước đây về bảo hiểm xã hội. Điều lệ tạm thời này bước đầu thực hiện Điều 32 của Hiến pháp đã ghi rõ là người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động. Nó nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần cho toàn thể công nhân, viên chức nhà nước, trong trường hợp tạm thời hay vĩnh viễn mất sức lao động. Các chế độ đãi ngộ chủ yếu dựa vào nguyên tắc phân phối theo lao động để khuyến khích mọi người tăng cường kỷ luật lao động, đẩy mạnh sản xuất.

Điều lệ tạm thời này phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, chính trị và xã hội hiện nay của nước ta, không những có tác dụng làm cho công nhân, viên chức và nhân dân lao động ở miền Bắc phấn khởi, ra sức sản xuất và công tác, đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà còn làm cho công nhân, viên chức và nhân dân lao động miền Nam thấy rõ tính chất hơn hẳn của chế độ ta ở miền Bắc, do đó càng tăng thêm tin tưởng, ra sức đoàn kết, đấu tranh đòi quyền sinh sống hàng ngày, tiến tới thực hiện nhiệm vụ lịch sử thiêng liêng của dân tộc ta là thống nhất đất nước.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Pháp lệnh này đã căn cứ theo Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân do Quốc hội thông qua ngày 15-7-1960 mà quy định cụ thể tổ chức của Viện, chú trọng đến các vấn đề về vị trí và nhiệm vụ của Viện trưởng, vị trí và nhiệm vụ của Uỷ ban kiểm sát, quan hệ công tác giữa Viện trưởng với Uỷ ban kiểm sát, nhằm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác và trong hệ thống kiểm sát của Nhà nước ta.

2. Về việc bổ nhiệm nhân viên cao cấp nhà nước và việc tổ chức bộ máy nhà nước

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có những quyết định như sau:

Về Uỷ ban thường vụ Quốc hội
- Cử ông Nguyễn Văn Chi, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, làm nhiệm vụ Thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
- Định nhiệm vụ và tổ chức của Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội, để kiện toàn thêm bộ máy giúp việc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Về Hội đồng Chính phủ
Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định phê chuẩn nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc:
- Đặt Đài tiếng nói Việt Nam thành một cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ;
- Đổi tên Tổng cục Bưu điện thành Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.

3. Về việc bầu cử bổ sung hai đại biểu Quốc hội

Trong thời gian qua, ông Lâm Trọng Thư, đại biểu Quốc hội Lạng Sơn, ông Hoàng Đức Sản, đại biểu Quốc hội Vĩnh Linh, đã từ trần. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định bầu cử bổ sung trong dịp Lạng Sơn và Vĩnh Linh bầu cử Hội đồng nhân dân, và đã cử một Hội đồng bầu cử, Chủ tịch là ông Xuân Thủy, Phó chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội, để giám sát việc bầu cử.

Ngày 25 tháng 3 vừa qua, việc bầu cử đã xong, kết quả là ông Phùng Lê Chương, dân tộc Nùng, trúng cử ở Lạng Sơn, ông Hoàng Văn Đáo, dân tộc Kinh, trúng cử ở Vĩnh Linh.

Tình hình bầu cử bổ sung và tư cách đại biểu của hai đại biểu mới được bầu cử bổ sung sẽ do Hội đồng bầu cử và Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu báo cáo trước Quốc hội.

4. Về việc tặng thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự nhà nước

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiếp tục xét đề nghị của Chính phủ về việc khen thưởng quân công, việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, việc khen thưởng thành tích thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1960 và năm 1961.

- Về việc khen thưởng quân công, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 2 huân chương Quân công và 760 huân chương Chiến công, Chiến thắng cho các đơn vị, địa phương, các sĩ quan và chiến sĩ trong quân đội.
- Về khen thưởng thành tích kháng chiến, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 46.893 Huân chương Kháng chiến cho các cá nhân, đơn vị và địa phương.
- Về khen thưởng thành tích thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1960 và năm 1961, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng: 1.063 Huân chương Lao động về thành tích thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1960 nói riêng và thành tích thực hiện kế hoạch nhà nước ba năm 1958 - 1960 nói chung: 133 Huân chương Lao động về thành tích thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1961.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định tặng thưởng huân chương lao động cho một số chuyên gia các nước anh em đã có công lao giúp nhân dân ta trong công cuộc xây dựng đất nước, cho các đoàn nghệ thuật các nước anh em sang thăm và biểu diễn hữu nghị ở nước ta. Trong dịp khen thưởng này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tặng hai nhà du hành vũ trụ đầu tiên của loài người, hai công dân Liên Xô vinh quang là Thiếu tá Iuri Gagarin và Thiếu tá Ghecman Titốp danh hiệu Anh hùng Lao động của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

5. Về những thư từ của nhân dân gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhận được gần 400 thư từ của nhân dân. Trong số đó có những thư phát hiện về sự vi phạm pháp luật, những đơn khiếu nại về việc xét xử của Toà án, những đơn tố cáo sự quan liêu của cán bộ, những đơn khiếu nại về việc thi hành kỷ luật của các cơ quan, những đơn khiếu nại về quyền lợi của xã viên trong hợp tác xã nông nghiệp.

Một số thư đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội trực tiếp giải quyết, còn phần lớn đều đã được chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm, để giải quyết.

Đối với những thư từ của nhân dân, các cơ quan các cấp nói chung có chú ý điều tra và giải quyết tốt, kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, một số địa phương chưa quan tâm thích đáng đến vấn đề đó, cho nên đối với những đơn từ của nhân dân do Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuyển đến, một số địa phương và cơ quan giải quyết chậm, hoặc có khi không giải quyết. Các cơ quan này đã không thực hiện đúng đắn Điều 29 của Hiến pháp đã ghi rõ: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền khiếu nại và tố cáo với bất cứ cơ quan nhà nước nào về những hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan nhà nước. Những việc khiếu nại và tố cáo phải được giải quyết nhanh chóng”. Ở chế độ ta, bất kể một nhân viên hay một cơ quan nhà nước nào cũng đều phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật, đều phải lắng nghe ý kiến và tôn trọng quyền lợi của nhân dân. Thái độ dây dưa hay trốn tránh không giải quyết thư từ khiếu nại của nhân dân là một thái độ không phù hợp với chế độ dân chủ, không phù hợp với tinh thần cách mạng. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhắc những cơ quan và những địa phương có trách nhiệm nên hết sức chú ý hiện tượng này và nên hết sức tìm cách khắc phục.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp trước đến nay.

Trong quá trình công tác, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có sự quan hệ chặt chẽ với Hội đồng Chính phủ, với Tòa án nhân dân tối cao và với Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã được sự cộng tác cần thiết của Uỷ ban dự án pháp luật, của Uỷ ban kế hoạch và ngân sách, của Uỷ ban dân tộc của Quốc hội, và của nhiều vị đại biểu Quốc hội. Nhân đây, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin cảm ơn Hội đồng Chính phủ, cảm ơn Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao, cảm ơn các Uỷ ban của Quốc hội, cảm ơn các đại biểu Quốc hội.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.