BÁO CÁO CỦA ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
VỀ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1961 VÀ
DỰ ÁN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
(Do Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
trình bày trước Quốc hội khoá II, kỳ họp thứ 4, ngày 18-4-1962)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi xin nhiệt liệt chào mừng Quốc hội, chào mừng các đồng chí đại biểu, các vị khách và xin chúc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa II thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Năm 1961, năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, trên miền Bắc nước ta đã diễn ra nhiều chuyển biến quan trọng; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được củng cố bước đầu, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển ngày càng sâu rộng; các ngành kinh tế và văn hoá đều có một sức phát triển mới.
Trong đà phấn khởi của phong trào thi đua yêu nước, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1962, tạo cơ sở cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm.
Dưới đây, tôi xin trình Quốc hội bản báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1961 và đề án của kế hoạch nhà nước năm 1962.
PHẦN THỨ NHẤT
NĂM 1961 ĐÃ MỞ ĐẦU THẮNG LỢI KẾ HOẠCH
5 NĂM LẦN THỨ NHẤT
Sức phát triển mới của các ngành sản xuất và xây dựng
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Ở miền Bắc nước ta, việc xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đã thu được nhiều thành tích mới. Trong năm 1961, các ngành sản xuất và xây dựng tiếp tục phát triển khá và có nhiều tiến bộ.
Về nông nghiệp
Giá trị sản lượng năm 1961 tăng 8,9% so với năm 1960. Vụ đông xuân được mùa, vụ thu được đặt thành một vụ sản xuất chính, diện tích tăng hơn gấp rưỡi năm 1960; vụ mùa tuy bị hạn, bị sâu lúc đầu và bị mưa gió nhiều vào lúc cuối vụ, nhưng cũng đã đạt được kết quả tương đối tốt. Sản lượng lương thực cả năm đạt khoảng 5 triệu 53 vạn tấn, tăng 384.000 tấn so với sản lượng trung bình hàng năm của thời kỳ kế hoạch ba năm 1958 – 1960. Bình quân đầu người đạt 332 kg lương thực, tăng 25 kg so với năm 1960. Các loại cây công nghiệp cũng tăng khá như: bông hạt tăng 33,5%, lạc tăng 27,8%, mía tăng 15,1%, thầu dầu tăng 36,8%, thuốc lá tăng 94,7%.
Trong năm 1961, điểm nổi bật là diện tích trồng trọt được mở rộng, phong trào tăng vụ và vỡ hoang có nhiều tiến bộ mới: diện tích tăng vụ tăng thêm trên 3 vạn hécta, diện tích vỡ hoang (chủ yếu là vỡ hoang nhỏ) đạt được 72.000 hécta. Như vậy là trong một năm, diện tích vỡ hoang đã gấp gần hai lần diện tích vỡ hoang trong cả ba năm 1958 – 1960. Phong trào làm thủy lợi phát triển khá, diện tích được tưới nước của cả ba vụ lên tới 2.256.000 hécta, tăng 232.200 hécta so với năm 1960.
Sản xuất lương thực đạt kết quả khá, đã tạo điều kiện khôi phục và phát triển chăn nuôi gia súc nhỏ. Theo thống kê ngày 01-10-1961, đàn lợn tăng 15,1% so với tháng 4-1961 là thời kỳ sụt nhiều nhất; đồng thời việc chăn nuôi tập thể đã bắt đầu phát triển.
Đáng chú ý là phong trào nuôi cá phát triển mạnh, sản lượng cá ao, hồ, ruộng tăng 42% so với năm 1960, góp phần tăng thêm khối lượng thực phẩm cung cấp cho nhân dân thành phố và các khu công nghiệp.
Trong các nông trường quốc doanh, toàn bộ diện tích gieo trồng năm 1961 đã tăng gấp hai lần so với năm 1960, sản lượng một số cây công nghiệp tăng nhanh, như lạc tăng 83,5%, thuốc lá tăng 32,4%, cói tăng 53,9%, mía tăng 18,1%, cà phê tăng 159%… Chăn nuôi được đẩy mạnh: đàn trâu, bò, ngựa tăng 79,4% so với năm 1960; việc chăn nuôi các gia súc do Mông Cổ và Trung Quốc giúp ta đã đạt kết quả tốt.
Về sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp
Giá trị sản lượng năm 1961 tăng 12,9% so với năm 1960, trong đó công nghiệp quốc doanh tăng 22,9%, riêng công nghiệp quốc doanh Trung ương tăng 26,5%. Trong công nghiệp và thủ công nghiệp, nhóm A tăng 14,7%, nhóm B tăng 11,9%. Nhiều ngành quan trọng tăng nhanh như cơ khí tăng 18,6%; hóa chất, phân bón, cao su tăng 72,6%; khai thác và chế biến gỗ tăng 21,8%; đồ dùng bằng sành sứ, thủy tinh tăng 28,8%.
Năm 1961, ngành cơ khí đã có những tiến bộ rõ rệt, tăng 18,6% so với năm 1960, tỷ trọng của nó đã từ 11% lên tới 12,5%. Do bước đầu được sắp xếp lại và thực hiện phân công và hợp tác sản xuất, ngành cơ khí đã sản xuất được một số loại máy móc với trình độ kỹ thuật cao hơn trước cấp cho nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế khác một số sản phẩm cơ khí mà trước đây phải nhập của nước ngoài, như mô tơ, phụ tùng xe hơi, que hàn. Để phục vụ nông nghiệp, các xưởng cơ khí địa phương bước đầu được mở rộng ở các tỉnh, huyện, và nhiều hợp tác xã đã có các tổ sản xuất nông cụ. Sản xuất nông cụ cải tiến tăng 33% so với năm 1960. Sản xuất máy bơm nước (từ 8 ngựa đến 28 ngựa) tăng gấp 7 lần rưỡi, máy móc nông nghiệp theo sau máy kéo tăng 5 lần rưỡi. Ở nhiều địa phương sản xuất các loại phân bón và thuốc trừ sâu đang phát triển.
Về sản xuất hàng tiêu dùng, nhiều xí nghiệp đã nghiên cứu thành công một số loại mặt hàng mới, dùng nguyên liệu trong nước thay cho các nguyên liệu trước phải mua của nước ngoài; nhiều cơ sở thủ công nghiệp chế biến khoai, bột sắn, làm miến, sản xuất đường … đang phát triển, cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của địa phương. So với năm 1960, sản xuất vải đạt 55 triệu thước, tăng 10,8%; áo dệt kim các loại 2,6 triệu cái, tăng 32,1%; xà phòng giặt 5.200 tấn, tăng 110,2%; giấy các loại 4.100 tấn, tăng 65,3%; đồ nhôm 219.000 cái, tăng 53%.
Để thực hiện từng bước nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, năm vừa qua, vốn đầu tư của Nhà nước vào việc đẩy mạnh xây dựng các công trình kinh tế và văn hóa, tăng 10,2% so với năm 1960, trong đó, đầu tư vào các ngành sản xuất vật chất chiếm 82,3%; tăng 14,1%. Đầu tư vào công nghiệp chiếm 44,9%, tăng 35,5%; đầu tư vào nông nghiệp chiếm 16,4%, tăng 68,8% và bằng hai phần ba tổng số vốn bỏ vào nông nghiệp trong ba năm 1958 – 1960 cộng lại; trong đó, riêng phần đầu tư xây dựng thủy lợi, chiếm 7% tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản, tăng 77% so với năm 1960.
Trong năm 1961, chúng ta đã xây dựng mới và mở rộng xong 21 công trình công nghiệp trên hạn ngạch, trong đó có những công trình quan trọng như nhà máy suyppephốtphát Lâm Thao, đường Vạn Điểm, thủy tinh Hải Phòng, mỏ than Hòn Gai - Cẩm Phả mở rộng, nhà máy dệt Nam Định mở rộng… Tốc độ thi công của một số công trình quan trọng khác như khu liên hợp gang thép Thái Nguyên, các nhà máy điện Uông Bí, Thái Nguyên, Thác Bà… đang được đẩy mạnh. Nhiều trường học, bệnh viện, và hàng vạn thước vuông nhà ở được xây dựng thêm.
Công tác quản lý xây dựng cơ bản cũng có nhiều tiến bộ so với những năm trước, tập trung hơn vào các công trình trọng điểm và công trình trên hạn ngạch. Việc lập kế hoạch xây dựng cơ bản đã đi dần vào nề nếp, theo trình tự công tác xây lắp ở một số công trường đã đạt những tiến bộ mới về năng suất.
Để phục vụ các ngành sản xuất và xây dựng, công tác của ngành giao thông vận tải và bưu điện ngày càng được mở rộng. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tính theo tấn đã tăng 14,1% so với năm 1960, vận chuyển hành khách tăng 36,6%. Ngành nội thương đã có nhiều cố gắng trong việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, vật liệu cho xây dựng cơ bản, và nhất là cung cấp tư liệu sản xuất cho nông nghiệp. Khối lượng cung cấp phân bón, nông cụ, trâu, bò đều tăng nhiều so với năm trước: nông cụ các loại tăng 185,8%, trâu bò cày tăng 38%. Ngoại thương đã đẩy mạnh xuất khẩu, dành 90,2% kim ngạch nhập khẩu để nhập các máy móc, thiết bị, phụ tùng và nguyên liệu, vật liệu, tăng 13% so với năm 1960, bảo đảm yêu cầu của các ngành sản xuất trong nước.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trong năm 1961, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến việc cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao từng bước mức sống vật chất và văn hóa của các tầng lớp nhân dân lao động.
Do việc mở thêm nhiều xí nghiệp, công trường xây dựng cơ bản và các ngành kinh tế quốc dân, trong năm qua thêm nhiều người đến tuổi lao động được giải quyết công việc làm nhờ đó thu nhập của nhiều gia đình công nhân viên chức, cán bộ được nâng cao thêm. Quỹ tiền lương của Nhà nước trả cho công nhân, nhân viên tăng 21,3% so với năm 1960. Phúc lợi xã hội cũng được mở rộng thêm.
Ở nông thôn, Nhà nước đã tăng thêm vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho nông nghiệp, nhất là xây dựng về thủy lợi, tăng thêm mức cung cấp và bán chịu phân bón, nông cụ, tăng thêm cho vay vốn sản xuất, ứng trước để mua nông sản… Dựa vào sự cố gắng của bản thân, cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã bước đầu phát triển nhiều ngành nghề, tăng thêm số ngày công lao động. Số ngày công làm cho tập thể đã tăng lên khoảng 130-140 ngày (năm 1960 có 103 ngày), đã có khoảng 26% số hợp tác xã đạt được bình quân mỗi lao động làm trên 150 ngày và 15% số hợp tác xã đã đạt được giá trị ngày công từ một đồng trở lên. Thu nhập của nông dân, từ sau vụ Đông Xuân năm 1960 – 1961 đã được cải thiện rõ rệt so với năm 1960. Một số hợp tác xã đã đạt thu nhập khá cao như: ở hợp tác xã Đồng Tâm (Phú Thọ), thu nhập của mỗi xã viên bằng 1.487 kg thóc, hợp tác xã Ninh Giang (Hưng Yên) đạt 1.290 kg; hợp tác xã Thượng Lôi (Nam Định) đạt 1.242 kg…
Các tầng lớp thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ đã vào hợp tác xã, mặc dù có lúc, có nơi còn gặp khó khăn, nhưng nói chung được bảo đảm cung cấp nguyên liệu, vật liệu và hàng hóa cho nên đời sống của họ cũng được cải thiện thêm một bước.
Do thu nhập của các tầng lớp công nhân, nông dân và nhân dân lao động khác có tăng lên cho nên mức tiêu dùng hàng hóa đã tăng nhanh. Khối lượng bán ra về những thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu tăng nhiều hơn năm 1960 như: cá tươi tăng 46,8%, muối tăng 38,8%, chè hương tăng 46,3%, các loại vải tăng 15,9%, áo rét sợi tăng 26,7%, chăn sợi tăng 40,6%, xà phòng giặt tăng 20,1%, giấy và vở viết tăng 39,5%…
Cùng với việc cải thiện về vật chất, các sự nghiệp giáo dục, văn hóa và bảo vệ sức khỏe đều được tiếp tục phát triển. Năm học 1961 – 1962, số sinh viên đại học đã tăng thêm 6.600 người, tăng 49% so với năm học trước. Ngoài ra, có 4.000 sinh viên đại học và trên 10.000 học sinh trung cấp theo học lớp bổ túc ban đêm và các lớp học theo lối hàm thụ. Trong năm 1961, chúng ta đã mở thêm 255 trường phổ thông, tăng thêm 366.000 học sinh tức 20% so với năm 1960 – 1961. Đã có 882.000 em theo học các lớp vỡ lòng và hơn 78.000 em nhỏ theo các lớp mẫu giáo. Phong trào bổ túc văn hóa tiếp tục được mở rộng, thu hút gần một triệu rưỡi người đi học. Hiện nay ở miền Bắc đã có trên 3,8 triệu người đi học, trung bình cứ bốn người dân có một người đi học; đó là một tiến bộ đáng kể của nhân dân ta.
Trong năm 1961, các sự nghiệp văn hóa: phát hành sách báo, truyền thanh, điện ảnh, nghệ thuật… tiếp tục phát triển, đi sâu phục vụ đông đảo nhân dân lao động. Sách xuất bản lên tới 27,5 triệu cuốn, báo và tạp chí phát hành lên tới 49,6 triệu tờ. Số lượt người đi xem chiếu bóng lên tới 67,2 triệu lượt, trung bình một người dân từ 7 tuổi trở lên đã xem 6,2 lần chiếu bóng và biểu diễn nghệ thuật.
Việc bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của nhân dân được tăng cường thêm một bước. Về thể dục thể thao và thể thao quốc phòng, phong trào đã bước đầu được đẩy mạnh trong công nhân và một phần trong nông dân, có tác dụng thiết thực phục vụ sản xuất; lực lượng phụ nữ tham gia đông hơn trước. Một số môn thể thao dân tộc cũng được khôi phục và phát triển.
Công tác vệ sinh phòng bệnh cũng đạt kết quả tốt: kịp thời dập tắt được các dịch bệnh; số cơ sở điều trị tăng thêm 71 bệnh viện, bệnh xá và 2.754 giường bệnh; 80% số xã đã có trạm y tế dân lập, 1.800 xã đã có cơ sở chống bệnh đau mắt hột.
Đời sống của nhân dân lao động ở nông thôn và thành thị được nâng cao, là thành tích to lớn của chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng không quên rằng hiện nay, do sản xuất vẫn còn thấp cho nên đời sống của nhân dân ta vẫn còn có nhiều khó khăn; chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế và văn hóa để không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân.
Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa mở rộng và đang được củng cố; các phong trào thi đua Duyên Hải, Đại Phong... phát triển ngày càng sâu rộng
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Những thành tích về phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân trong năm 1961 là kết quả của những chuyển biến mới trong phong trào thi đua yêu nước của quần chúng, của những tiến bộ mới trong sự lãnh đạo và chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, và sự cố gắng của các ngành, các cấp.
Phong trào thi đua yêu nước, với những hình thức phong phú, với tính chất quần chúng rộng rãi, đã phát triển mạnh mẽ trong các xí nghiệp, trong các đơn vị quân đội và công an nhân dân vũ trang, công trường, hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, trong các trường học, bệnh viện… Tính chất tập thể của phong trào thi đua cũng đã được nâng cao lên một bước. Qua phong trào thi đua, trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần làm chủ, tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, trình độ văn hoá và kỹ thuật của công nhân viên chức, cán bộ, của nông dân và của quân nhân cũng được nâng cao.
Điểm nổi bật của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trong năm 1961 là quy mô hợp tác xã được mở rộng, có tác dụng tốt thúc đẩy sản xuất phát triển. Quy mô hợp tác xã đã từ 58 lên 78 hộ, số hợp tác xã quy mô thôn ở đồng bằng và trung du đã chiếm 70% số thôn. Đến cuối năm 1961, toàn miền Bắc đã có 31.934 hợp tác xã, chiếm 88,96% tổng số hộ nông dân lao động và khoảng 77% diện tích ruộng đất. Hợp tác xã bậc cao có 8.043 cái, chiếm 30,12% số hộ nông dân lao động. Trên cơ sở đó, phong trào quần chúng rộng rãi và ngày càng đi dần vào bề sâu, nhằm thực hiện những mục tiêu cụ thể: cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất; mở rộng diện tích bằng tăng vụ và vỡ hoang; phát triển kinh doanh nhiều ngành, nhiều nghề; cải tiến và nâng cao công tác quản lý hợp tác xã; tăng cường công tác chính trị và tư tưởng trong hợp tác xã. Phong trào đó đã tạo ra một khí thế cách mạng mạnh mẽ trong nông thôn miền Bắc, đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của sản xuất, và củng cố hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Trong các xí nghiệp, công trường, hàng vạn công nhân đã sôi nổi tham gia phong trào thi đua Duyên Hải, một cuộc vận động cách mạng trong sản xuất của công nhân, với tính chất thi đua xã hội chủ nghĩa rõ rệt và nội dung chủ yếu là hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật. Phong trào ấy đã thu được những thắng lợi lớn cả về chính trị, tư tưởng và kinh tế, kỹ thuật. Biến chuyển rõ rệt nhất trong phong trào là số đông quần chúng công nhân bước đầu bỏ được tư tưởng rụt rè, tự ti, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, có quyết tâm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc. Qua phong trào, đã và đang xuất hiện những con người mới, với tư tưởng phong cách mới, tạo nên nhiều năng suất mới ở khắp các xí nghiệp, công trường, đưa sản lượng qua một số nhà máy tăng lên nhiều lần so với năm 1960: cơ khí Duyên Hải tăng gấp ba lần, cơ khí Trần Hưng Đạo gấp hai lần, xe đạp Thống Nhất gấp năm lần, nông cụ Hà Đông gấp mười lần… Phong trào cũng đang nâng trình độ quản lý của cán bộ và công nhân lên một bước.
Cùng với đà chuyển biến chung, phong trào thi đua Thành Công đã thúc đẩy ngành thủ công nghiệp tiến lên một bước mới. Nhiều hợp tác xã có sáng kiến tự cải tiến trang bị, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, dùng nguyên liệu trong nước, nguyên liệu bị loại ra và hàng hỏng để làm ra những mặt hàng mới. Trước khó khăn về nguyên liệu, nhiều hợp tác xã thủ công đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà, khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất và đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Việc củng cố hợp tác xã cũng có nhiều tiến bộ: với tinh thần tự chủ, tự lực, nhiều hợp tác xã đã tăng tích lũy gấp hai, gấp ba lần so với năm 1960.
Tóm lại, phong trào Đại Phong trong nông nghiệp, phong trào Duyên Hải, Thành Công trong công nghiệp và thủ công nghiệp và những phong trào thi đua khác của quần chúng đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1961. Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh anh chị em lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua, những con người mới xuất hiện trong phong trào thi đua yêu nước, những người đã đem trí óc và bàn tay lao động của mình sáng tạo nên nhiều thành tích vẻ vang, đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc tiến lên những bước mới.
Để đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch nhà nước, cùng với việc chú trọng bồi dưỡng và phát huy những khả năng to lớn của phong trào quần chúng năm vừa qua, Đảng và Chính phủ đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng về chính sách cụ thể và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Những chính sách cụ thể về thu mua và quản lý thị trường nông sản, điều chỉnh giá mua một số loại nông sản và giá bán lẻ một số loại hàng công nghiệp, cho vay phục vụ nông nghiệp, cải tiến quan hệ giữa Nhà nước và hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp… đã có tác dụng tốt thúc đẩy sản xuất phát triển.
Về chỉ đạo thực hiện, Chính phủ đã chú trọng nắm sát tình hình từng tháng, từng quý, kịp thời phát hiện, uốn nắn những khuyết điểm và giải quyết những khó khăn trong công tác của các ngành, các cấp. Sự chỉ đạo của các địa phương cũng chặt chẽ hơn trước. Chúng ta cũng đã tiến hành những cuộc điều tra thống kê, tập trung được nhiều số liệu về tình hình cơ bản có tác dụng tốt đối với việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch.
*
* *
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Những thành tích mới, trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1961 chứng tỏ lực lượng sáng tạo vô cùng to lớn của nhân dân lao động miền Bắc nước ta. Chúng ta đã mở rộng thêm diện tích trồng trọt, tiến một bước đầu tiên trên con đường “phá xiềng ba sào”, đồng thời đã chú trọng làm thủy lợi và áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác để tăng năng suất. Những thắng lợi về mở rộng diện tích, đưa vụ thu lên thành một trong những vụ sản xuất chính thành tích về sản xuất lương thực trong năm 1961 là kết quả bước đầu tốt đẹp của phương hướng nhiệm vụ củng cố hợp tác xã phát triển sản xuất nông nghiệp mà Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng đã xác định. Trong năm qua, nhịp độ tăng nhanh và tỷ trọng ngày càng lớn của ngành cơ khí với những tiến bộ mới về chế tạo và sửa chữa máy móc là thành tích quan trọng của chúng ta trong việc xây dựng và phát triển công nghiệp. Đồng thời, các ngành điện lực, gang thép, phân bón và hóa chất… cũng đang được đẩy mạnh xây dựng. Những cố gắng ấy sẽ tăng thêm từng bước khả năng tự giải quyết các nguyên liệu chủ yếu và trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế quốc dân, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Những thành tích đó đã đạt được trong lúc có những khó khăn do sản xuất nông nghiệp năm 1960 sút kém để lại, trong lúc chúng ta phải điều chỉnh dần từng bước những mặt mất cân đối vốn sẵn có của nền kinh tế nông nghiệp còn lạc hậu. Những thành tích đó chứng minh rõ rệt đường lối đúng đắn của Đảng, biểu hiện sự cố gắng của các ngành, các cấp, tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng Tổ quốc của nhân dân ta, kết hợp với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác trong phe xã hội chủ nghĩa. Những thành tích đó cổ vũ nhân dân miền Bắc trong cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Tóm lại, trong năm 1961, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, dựa vào quan hệ sản xuất mới, trong lúc phải giải quyết những khó khăn do sản xuất nông nghiệp năm 1960 để lại, chúng ta đã đạt được những tiến bộ mới trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước. Phong trào quần chúng đang phát triển ngày càng rộng và sâu hơn, toàn diện hơn, đem lại những kết quả thực tế trong việc phát triển sản xuất và cải thiện đời sống, nhất là ở nông thôn. Phong trào quần chúng và lực lượng sản xuất đang có một sức phát triển mới; những nhân tố mới xuất hiện ngày càng nhiều, tạo nên những cơ sở vững chắc bảo đảm đưa nền kinh tế quốc dân tiếp tục phát triển cân đối hơn, và tiếp tục tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh những thành tích và tiến bộ căn bản nói trên, việc thực hiện kế hoạch năm 1961 cũng có những mặt chưa tốt. Nhiều bộ phận của kế hoạch thực hiện với tỷ lệ thấp, trong nền kinh tế quốc dân còn có những mặt thiếu cân đối: lương thực và thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và cải thiện đời sống nhân dân. Nguồn cung cấp hàng hóa chưa đáp ứng kịp yêu cầu về tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân. Số người trong biên chế nhà nước và số người không sản xuất nông nghiệp tăng quá mức cần thiết.
Vì sao có những thiếu sót, khó khăn nói trên?
Nguyên nhân sâu xa là do nền kinh tế của ta vốn thiếu cân đối, cơ sở vật chất và kỹ thuật còn yếu, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển sức sản xuất. Nông nghiệp, cơ sở để phát triển công nghiệp, còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Sản xuất nông nghiệp năm 1960 mất mùa đã trực tiếp làm cho tình hình mất cân đối tăng thêm.
Mặt khác, công tác quản lý kinh tế của ta còn có những thiếu sót, khuyết điểm. Cần nhấn mạnh khuyết điểm chung trong việc chỉ đạo thực hiện là các ngành, các cấp chưa quán triệt đầy đủ nhiệm vụ thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, chưa chú ý thường xuyên tập trung lực lượng đúng mức để thực hiện một cách tích cực nhiệm vụ ấy. Điều đó thể hiện ở chỗ:
- Chưa chú trọng đầy đủ giúp đỡ hợp tác xã, phát huy khả năng tiềm tàng to lớn của quan hệ sản xuất mới.
- Ý thức tự lực cánh sinh chưa được đề cao, các cơ quan chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp chưa hết sức cố gắng bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất, vật liệu cho xây dựng và vật tư cho xuất khẩu; ngành công nghiệp chưa tích cực cố gắng tự giải quyết một số nguyên liệu và phụ tùng trong nước có thể sản xuất được, chưa cố gắng vươn lên trong công tác thiết kế trong phạm vi có thể tự giải quyết được.
- Trong chỉ đạo của các địa phương, nhiều nơi chưa gắn chặt sản xuất nông nghiệp với việc thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Việc giáo dục tư tưởng cho cán bộ bên dưới, nhất là cán bộ cơ sở và cho nông dân làm còn kém. Ở nhiều nơi, việc chấp hành nhiệm vụ thu mua nông sản chưa được nghiêm chỉnh.
- Tổ chức và tác phong làm việc chưa phù hợp với yêu cầu lãnh đạo và chỉ đạo trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.
*
* *
PHẦN THỨ HAI
TIẾN LÊN HOÀN THÀNH TOÀN DIỆN VÀ
VƯỢT MỨC KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
A- PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CHUNG
CỦA KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Với những kết quả thực hiện kế hoạch năm 1961, lực lượng sản xuất được tiếp tục phát triển, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được củng cố thêm một bước, sự nhất trí về chính trị và tinh thần giữa các tầng lớp nhân dân được tăng cường. Đó là cơ sở thuận lợi để bước vào thực hiện kế hoạch năm 1962.
Các phong trào thi đua của quần chúng đang có một sức phát triển mới, sẽ càng được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Phong trào hợp tác hóa sẽ tiếp tục phát triển và được củng cố thêm một bước, quy mô hợp tác xã được mở rộng và liên hợp lên toàn thôn, công tác quản lý sẽ được tăng cường thêm, lực lượng sản xuất ở nông thôn sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa. Đường lối, phương hướng và các chính sách của Đảng và Chính phủ sẽ có ảnh hưởng sâu sắc hơn nữa trong quần chúng, tiếp tục thúc đẩy sản xuất ở cơ sở.
Mặt khác, chúng ta vẫn cần phải chú ý đầy đủ các khó khăn cụ thể. Trong nền kinh tế, một số bộ phận vẫn còn thiếu cân đối. Việc chỉ đạo thực hiện và trình độ quản lý kinh tế còn yếu, tiến bộ chậm so với sức phát triển của phong trào quần chúng.
Chúng ta phải hết sức phát huy các nhân tố thuận lợi, đẩy mạnh các mặt công tác, dựa trên đà phát triển của phong trào quần chúng mà khắc phục các khó khăn trên bước đường tiến lên.
Căn cứ vào kết quả thực hiện kế hoạch năm 1961 và những nhận định tình hình trên đây, phương hướng chung của kế hoạch năm 1962 là:
Phải nắm vững thuận lợi căn bản, chú ý đầy đủ các khó khăn cụ thể, quán triệt nhiệm vụ thực hiện bước đầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng từng bước cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đẩy mạnh củng cố và phát triển quan hệ sản xuất mới, tập trung sức phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, điều chỉnh một cách có hiệu quả các mặt cân đối, bảo đảm tiếp tục phát triển kinh tế và văn hóa theo phương châm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Theo phương hướng ấy, kế hoạch năm 1962 có những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Phải tập trung lãnh đạo và chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng cơ bản, phát huy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước của quần chúng. Tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, chú trọng xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của hợp tác xã, tăng cường sự giúp đỡ của Nhà nước đối với các hợp tác xã và nâng cao trình độ quản lý hợp tác xã. Quán triệt quan điểm coi việc đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ bản là nhiệm vụ hàng đầu; các mặt hoạt động khác phải góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ ấy.
2. Tăng cường chỉ đạo các công tác tài chính - thương nghiệp, nhất là nội thương và ngoại thương, tập trung đúng mức và phân phối tốt các loại vật tư bao gồm lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, vật liệu và hàng tiêu dùng; tích cực giải quyết sự cân đối giữa vật tư và tiền tệ nhằm phục vụ đẩy mạnh sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân.
3. Nắm vững công tác quản lý lao động; tích cực phấn đấu nâng cao năng suất và hạ giá thành. Tinh giản bộ máy hành chính, tăng cường quản lý biên chế của Nhà nước. Triệt để thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh cuộc vận động chống tham ô lãng phí, quan liêu.
4. Tích cực đẩy mạnh đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề; tích cực phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa và y tế.
5. Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, giữ vững trật tự trị an; đề cao ý thức bảo vệ sản xuất, bảo vệ bí mật của Nhà nước.
Trong việc chấp hành phương hướng chung và những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch năm 1962, cần phải thấu suốt mấy vấn đề về tư tưởng chỉ đạo như sau:
Mặt căn bản của tình hình là phong trào quần chúng và lực lượng sản xuất đang có một sức phát triển mới. Những bộ phận mất cân đối đang xảy ra là biểu hiện của mâu thuẫn giữa cơ sở vật chất và kỹ thuật còn nhỏ yếu với yêu cầu to lớn phải tiến lên xây dựng kinh tế tự chủ. Trong quá trình tiến lên, những nhân tố mới sẽ phát huy tác dụng ngày càng mạnh mẽ; đồng thời các khó khăn với mức độ nhất định sẽ còn xảy ra, chúng ta phải tích cực vươn lên, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm trên mọi mặt, ra sức chủ động giải quyết các khó khăn ấy.
- Phải tập trung sức thực hiện bước đầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, qua mỗi năm không ngừng tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Phải ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh phát triển điện lực, gang thép, cơ khí, nhằm tăng cường trang bị kỹ thuật cho nền kinh tế quốc dân. Đối với nông nghiệp, phải coi đó là một khâu rất quan trọng, chỉ đạo phải bám sát cơ sở, thường xuyên tập trung chú ý nhằm đẩy mạnh sản xuất phát triển toàn diện. Về công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp, phải tận dụng mọi khả năng nguyên liệu trong nước, hết sức phát triển sản xuất thêm nhiều hàng tiêu dùng.
- Phải gắn chặt việc phát triển sản xuất công nghiệp và nông nghiệp và tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và nông dân, giữa kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể: công nghiệp phải hết sức phục vụ nông nghiệp; Nhà nước phải hết sức giúp đỡ hợp tác xã về các mặt cung cấp vật tư, đào tạo cán bộ, cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, phải kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách cụ thể. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp phải phục vụ đắc lực hơn nữa việc phát triển công nghiệp, chú trọng bảo đảm lương thực cho thành thị, khu công nghiệp và các ngành sản xuất khác, bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và vật tư cho xuất khẩu. Các Ủy ban hành chính địa phương phải thấu suốt trách nhiệm của mình, phải nhìn cả nông nghiệp và công nghiệp, phải nắm vững cả hai khâu sản xuất và phân phối, và phải giáo dục cho quần chúng quán triệt chính sách, thực hiện đúng nghĩa vụ bán nông sản, trả nợ và nộp thuế cho Nhà nước, giải quyết thống nhất lợi ích của mỗi người, của hợp tác xã và lợi ích của Nhà nước, của toàn dân.
- Phải đề cao hơn nữa ý thức tự lực cánh sinh, tích cực và chủ động vươn lên giải quyết từng bước những nhu cầu của sản xuất mà trong nước có thể tự giải quyết được; đồng thời rất coi trọng và phải cố gắng hơn nữa sử dụng tốt sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác tăng cường sự hợp tác quốc tế.
- Phải triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất, xây dựng và tiêu dùng, tích cực chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
- Phải sử dụng một cách tập trung các nguồn vốn, vật tư và nhân lực để bảo đảm yêu cầu phát triển sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm; tạm thời hoãn, giảm những nhu cầu chưa cấp bách, không trực tiếp phục vụ sản xuất. Phải cố gắng phát huy khả năng của các cơ sở sản xuất hiện đại, quy mô lớn và vừa; đồng thời phải chú ý phát triển và sử dụng tốt các cơ sở sản xuất nhỏ.
- Trong việc lãnh đạo và chỉ đạo, phải chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và tổ chức; tập trung lực lượng và sự chú ý thường xuyên vào những khâu quan trọng, làm gọn làm tốt những công tác lớn, chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp. Phải tích cực vươn lên, kết hợp sự nỗ lực chủ quan với việc vận dụng đúng các quy luật kinh tế, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1962, tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện tốt kế hoạch 5 năm.
Căn cứ vào phương hướng nhiệm vụ trình bày trên đây, xin đề nghị Quốc hội thông qua những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1962 như sau:
1. Về công nghiệp, giá trị tổng sản lượng phải tới 2.226 triệu đồng (tính theo giá cố định năm 1956), tăng 23,0% so với năm 1961.
Trong ngành sản xuất tư liệu sản xuất, những sản phẩm chủ yếu phải đạt tới là: điện phát ra 347 triệu kw/giờ, than sạch 3.180.000 tấn, quặng cơ-rôm 32.000 tấn, máy cắt gọt kim loại 1.160 cái/ 1.264 tấn, bơm cho thủy lợi 1.100 cái/ 20.000 mã lực, máy chế biến nông sản 100 cái, nông cụ cải tiến 5 triệu cái, quặng a-pa-tít 750.000 tấn, phân bón các loại 103.200 tấn, thuốc trừ sâu các loại 1.875 tấn, xi măng 552.000 tấn, gỗ khai thác 1.030.000 m 3.
Trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng, những sản phẩm chủ yếu phải đạt tới là: bột sắn và khoai 11.400 tấn, đường các loại 30.500 tấn, muối 160.000 tấn, cá 140.000 tấn, vải các loại 90,5 triệu mét, chiếu cói 3.200.000 đôi, giấy các loại 19.150 tấn, chè 2.850 tấn, thuốc lá 90 triệu bao, xà phòng giặt 7.200 tấn, xe đạp 36.000 cái.
2. Vềnông nghiệp, giá trị tổng sản lượng phải đạt tới 2.600 triệu đồng (tính theo giá cố định năm 1956), tăng 11% so với năm 1961.
Sản xuất lương thực phải đạt tới 6.264.900 tấn (kể cả thóc và các loại hoa mầu quy ra thóc).
Đàn gia súc tính đến cuối kỳ kế hoạch phải đạt tới như sau: trâu bò 2.300.000 con, lợn 4.280.000 con. Sản lượng cá nuôi đạt 114.900 tấn.
Về các cây công nghiệp, sản lượng bông phải đạt tới 7.100 tấn, đay 17.700 tấn, lạc 42.300 tấn, mía 711.000 tấn, thuốc lá 4.700 tấn, chè 3.500 tấn, cói 20.400 tấn.
Diện tích vỡ hoang cả năm là 125.000 ha (nhân dân 10 vạn ha, nông trường 25.000 ha). Diện tích được tưới nước suốt vụ là 2.302.000 ha. Diện tích trồng rừng phải đạt được 43.500 ha.
Khối lượng nông sản do Nhà nước mua và thu thuế phải đạt tới (kể cả nông trường nộp): thóc 947.000 tấn, ngô 43.000 tấn, khoai 17.500 tấn, sắn (tươi) 119.000 tấn, bông (hạt) 5.000 tấn, mía 134.000 tấn, đay (bẹ) 16.000 tấn, lạc (vỏ) 23.357 tấn, thuốc lá 3.100 tấn, chè 3.200 tấn, thịt lợn 65.000 tấn.
3. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước vào các ngành kinh tế và văn hóa là 789 triệu đồng, trong đó đầu tư vào các công trình có tính chất sản xuất là 674 triệu đồng. Đầu tư vào công nghiệp là 386,7 triệu đồng, đầu tư vào nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi là 166 triệu đồng. Đầu tư vào các ngành không có tính chất sản xuất là 114,9 triệu đồng, trong đó đầu tư vào xây dựng nhà ở là 42,5 triệu đồng; về sự nghiệp giáo dục và văn hóa là 27,2 triệu đồng; về bảo vệ sức khỏe là 12,9 triệu đồng.
4. Khối lượng vận tải hàng hóa trong nước phải đạt tới 1.232 triệu tấn/ cây số khối lượng nghiệp vụ bưu điện là 19 triệu đồng.
5. Về nội thương, khối lượng hàng hóa bán lẻ trong toàn xã hội phải đạt tới 1.826 triệu đồng (tính theo giá hiện hành), tăng 6,8% so với năm 1961. Những hàng hóa bán lẻ chủ yếu: thịt (trâu, bò, lợn) 44.500 tấn, đường và mật 22.100 tấn, nước mắm 38 triệu lít, thuốc lá 1.750 tấn, các loại vải và lụa 79 triệu mét, xe đạp 40.000 chiếc, giấy viết 5.000 tấn.
6. Về ngoại thương, khối lượng hàng hóa xuất khẩu sẽ tăng 36,2%; hàng hóa nhập khẩu tăng 22,9%.
7. Số nhân viên công tác trong biên chế các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước sẽ là 652.000 người, trong đó khu vực sản xuất là 496.000 người. Quỹ tiền lương là 419,1 triệu đồng, tăng 11%. Năm 1962, phải đào tạo 45.400 công nhân lành nghề, tăng 71% so với năm 1961; số học sinh trung cấp đầu năm học 1962 - 1963 là 68.300 người, tăng 34,6%; số sinh viên đại học là 33.810 người, tăng 36,6%.
8. Năng suất lao động của các ngành kinh tế quốc doanh phải đạt tới như sau: công nghiệp quốc doanh trung ương tăng 9,5%, nông trường tăng 20%, xây dựng cơ bản tăng 7%. Tỷ lệ giảm giá thành của một số ngành chủ yếu phải đạt tới công nghiệp quốc doanh trung ương giảm 4,6% phí tổn xây lắp giảm 2,9% (trên cơ sở định mức và đơn giá mới), vận tải đường sắt giảm 5%. Tỷ lệ giảm phí tổn lưu thông của thương nghiệp quốc doanh là 6,3%.
9. Về các sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế, các chỉ tiêu phải đạt tới như sau: số học sinh phổ thông đầu năm học 2.695.000 người, tăng 18,1% so với năm 1961; số sách xuất bản 29,5 triệu cuốn, tăng 3,5%, số báo và tạp chí xuất bản 66,3% triệu bản, tăng 21,6%; số bệnh viện là 83 cái, tăng 22%, số bệnh xá 277 cái, tăng 13,5%, tổng số giường bệnh là 25.900 giường, tăng 7,9%.
B- PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC NGÀNH
KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
1. Công nghiệp và thủ công nghiệp
Công nghiệp phải phát huy thêm một bước vai trò chủ đạo, giải quyết tốt hơn nữa yêu cầu trang bị kỹ thuật của các ngành, trước hết là của nông nghiệp và phải tích cực đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng cho nhân dân, nhất là cho nông thôn. Phải cố gắng tăng thêm vật tư dự trữ nhà nước, tăng thêm khối lượng và mặt hàng xuất khẩu. Để làm được những nhiệm vụ đó, phải vừa đẩy mạnh sản xuất của công nghiệp trung ương, vừa ra sức phát triển và tận dụng lực lượng công nghiệp địa phương, nhất là phải có một bước phát triển mới, mạnh mẽ của thủ công nghiệp. Khâu quan trọng bậc nhất là phải tích cực giải quyết vấn đề nguyên liệu: đi đôi với việc bảo đảm các nguyên liệu phụ tùng nhập khẩu, phải hết sức đẩy mạnh sản xuất, khai thác các nguồn nguyên liệu trong nước. Phải phấn đấu tăng số lượng thu mua nông sản để cung cấp cho nhà máy, nhất là các nhà máy đường, chè, thuốc lá. Đối với những nhà máy có công suất lớn, yêu cầu nguyên liệu nhiều và tập trung, như nhà máy đường Vạn Điểm, cần tổ chức cho nông trường quốc doanh sản xuất thêm để bảo đảm dùng tốt năng lực sản xuất của nhà máy. Đối với một số loại nguyên liệu nông sản quý, có giá trị xuất khẩu cao, như lạc, đay… phải hết sức chú ý dành số lượng cần thiết cho xuất khẩu. Phải tăng cường việc khai thác các nguồn nguyên liệu khác như lâm sản, thổ sản, hải sản, sản phẩm chăn nuôi; tổ chức sản xuất những loại nguyên liệu mà công nghiệp có điều kiện sản xuất trong nước. Các xí nghiệp, các Bộ, các địa phương phải phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học, tích cực tìm nguyên liệu thay thế, sử dụng hợp lý các nguyên liệu bị loại ra và các sản phẩm hỏng. Mặt khác, phải giáo dục công nhân triệt để tiết kiệm nguyên liệu, coi đó là một yêu cầu quan trọng trong phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. Phải quy định những tiêu chuẩn tiên tiến về dùng nguyên liệu, quản lý chặt chẽ việc giao nguyên liệu và nộp sản phẩm, ngăn ngừa mọi lãng phí.
Năm 1962, phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ưu tiên phát triển sản xuất tư liệu sản xuất, đồng thời hết sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng.
Về tư liệu sản xuất, phải hết sức đẩy mạnh các ngành: điện, cơ khí, ximăng, gỗ, phân bón, khai khoáng và làm cho các ngành kết hợp chặt chẽ với nhau và giúp đỡ lẫn nhau phát triển một cách thuận lợi.
Ngành cơ khí phải cố gắng thỏa mãn yêu cầu của nông nghiệp về nông cụ cải tiến, phương tiện vận tải cải tiến, dụng cụ làm đất cho thủy lợi, máy bơm và các loại máy chế biến nông sản; tăng thêm các phương tiện cho nghề cá và nghề khai thác gỗ; tích cực phát triển sản xuất các loại thiết bị, máy và phụ tùng có thể làm được để cung cấp cho công nghiệp và vận tải. Đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất, phải bảo đảm việc sửa chữa. Đối với các cơ sở quan trọng về chế tạo cơ khí của quốc doanh và công tư hợp doanh, phải xúc tiến việc phân công và phối hợp, thực hiện tiêu chuẩn hóa sản xuất, giao nhiệm vụ cho mỗi cơ sở sản xuất hàng loạt nhiều hơn, tập trung vào một số mặt hàng nhất định; do đó bảo đảm nâng cao kỹ thuật, tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Đối với các cơ sở thủ công nghiệp phải đi sát giao nhiệm vụ thích hợp với khả năng thiết bị và trình độ kỹ thuật của công nhân, chú trọng giúp đỡ và kiểm tra chu đáo về kỹ thuật. Ở các địa phương, cần tiếp tục phát triển một cách vững chắc mạng lưới cơ khí xuống huyện, xã, tận dụng các cơ sở ấy để phục vụ cho nông nghiệp.
Phải chú trọng hơn nữa việc sản xuất các loại nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu. Các ngành sản xuất than, ximăng, gỗ phải phấn đấu thực hiện và thực hiện vượt mức kế hoạch để bảo đảm các nhu cầu sản xuất, xây dựng cơ bản của Nhà nước và của hợp tác xã, và tăng thêm khối lượng xuất khẩu. Phải sử dụng tốt các cơ sở sản xuất phân bón, hóa chất và tích cực phát triển các cơ sở nhỏ sản xuất các nguyên liệu trong nước có thể tự giải quyết được. Trước mắt, phải hoàn thành gấp việc mở rộng nhà máy xi măng Hải Phòng và khôi phục bốn lò đứng để đẩy mạnh sản xuất
xi măng. Đặc biệt chú trọng bảo đảm kế hoạch khai thác và vận chuyển gỗ, trước mắt là phải tập trung sức giải quyết việc vận chuyển số gỗ đã khai thác còn đọng lại ở các bãi, các bến. Phải quy định chính sách và tổ chức hợp lý việc sử dụng lao động trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở các miền rừng núi để động viên lực lượng sơn trang vào việc khai thác gỗ, tre, nứa. Sắp xếp các khu vực khai thác gỗ tương đối gần các công trường dùng nhiều gỗ để giảm bớt vận chuyển.
Năm 1962 phải tăng nhanh sản xuất của công nghiệp quốc doanh trung ương, đồng thời phải nhanh chóng phát triển thủ công nghiệp, có chuyển hướng mạnh mẽ trong việc chế biến nông sản và sản xuất hàng tiêu dùng. Cần củng cố và phát triển các ngành hiện có, mở thêm những ngành mới trên cơ sở khai thác triệt để các nguồn nguyên liệu địa phương để sản xuất hàng tiêu dùng cung cấp cho địa phương; khôi phục những ngành xưa kia đã có và hiện bị phân tán mà hiện nay và sau này còn thích hợp với nhu cầu. Hết sức chú trọng phát triển các ngành công nghiệp thực phẩm: sản xuất các loại bột, đường, cá, nước mắm, muối…
Tích cực phát triển chế biến khoai, sắn, chủ yếu bằng cách đưa vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; chú trọng giúp đỡ về vốn, về kỹ thuật…
Tích cực phát triển nghề cá biển theo phương châm: cải tiến nghề nông, phát triển nghề khơi, tích cực giúp đỡ dân chài lưới sắm và sửa chữa kịp thời thuyền, lưới. Đi đôi với mở rộng đánh cá biển, cá sông, nuôi cá ao hồ, ruộng, phải tăng cường chế biến, tích cực tổ chức chế biến cá ao, hồ, ruộng.
Tích cực đẩy mạnh sản xuất muối, tận dụng hết diện tích hiện có, giúp đỡ làm đê, cống, khôi phục đồng muối cũ và mở thêm đồng muối mới.
Về đường, ngoài việc tăng nhanh sản xuất của quốc doanh trung ương, mở thêm một số xưởng đường nhỏ ở những nơi trồng nhiều mía; kết hợp dùng bã mía và rỉ đường làm bột giấy, giấy và rượu.
Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng tiêu dùng khác cho nông thôn và thành thị: đồ dùng bằng gỗ, mây, tre (như bàn, ghế, giường, v.v.), giấy, đồ dùng gia đình (chum, vại, chậu, sành, gốm, ấm chén…); các loại vải bằng tơ sợi trong nước như bông nhân tạo và các loại bách hóa linh tinh khác. Phải đẩy mạnh sản xuất của các cơ sở hiện có, đồng thời phát triển cơ sở thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương đối với những ngành còn thiếu; tận dụng khả năng kỹ thuật và thiết bị còn huy động được qua các cơ sở cơ khí để sản xuất thêm các mặt hàng bách hóa như: kim, cặp tóc, khuy bấm…
2. Nông nghiệp
Phải quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng, đồng thời nắm vững tình hình cụ thể mà có chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhằm bước đầu xây dựng một lực lượng sản xuất mới ở nông thôn, trước mắt là ra sức củng cố các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp về mọi mặt, sắp xếp sự phân công lao động mới để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện và cải thiện đời sống nhân dân. Yêu cầu cụ thể của năm 1962 là phải tập trung sức giải quyết tốt hơn nữa vấn đề lương thực và thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp và vật tư cho xuất khẩu.
Phương hướng phát triển nông nghiệp năm 1962 vẫn là lấy sản xuất lương thực làm trọng tâm, đồng thời phải có sự chuyển biến mới và mạnh trong việc khôi phục và phát triển chăn nuôi và phát triển cây công nghiệp; phải mở rộng việc trồng cây gây rừng, nuôi cá và chú ý đúng mức phát triển các nghề phụ. Phải sử dụng tốt lực lượng lao động tập thể là chính, đồng thời phải tận dụng lao động gia đình của xã viên; chú trọng phát triển kinh tế của hợp tác xã là chủ yếu, đồng thời chú ý thích đáng đến kinh tế phụ gia đình xã viên; chú trọng kinh tế của hợp tác xã là chính, đồng thời chú ý đến kinh tế cá thể của những hộ chưa được tổ chức lại.
Về sản xuất lương thực, phải đẩy mạnh phát triển một cách toàn diện (ra sức phát triển lúa, đồng thời phát triển mạnh hoa mầu và các loại cây khác có chất bột), nhằm giải quyết tốt hơn nữa lương thực cho người và thức ăn cho gia súc và tăng thêm lương thực dự trữ.
Phải có chuyển biến mạnh về phát triển cây công nghiệp, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp, tăng thêm vật tư xuất khẩu và thực phẩm tiêu dùng trong nước.
Phải bảo đảm vững chắc nguyên liệu cho các nhà máy đường, chè, và thuốc lá; xúc tiến việc thay giống tốt cho các vùng mía cung cấp cho các nhà máy đường; đẩy mạnh chăm sóc, bồi dưỡng chè Phú Thọ, tích cực khai thác chè Hà Giang và các địa phương khác ở miền núi; phát triển mạnh bông, đay, gai; cố gắng xây dựng vùng bông Thanh Hóa để rút kinh nghiệm; mở rộng diện tích trồng bông ở những vùng tương đối tập trung, phát triển giống bông dài sợi, cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chuẩn bị điều kiện để phát triển trồng bông mạnh hơn nữa trong những năm tới. Đẩy mạnh lạc, vừng, đỗ tương và các loại cây có giá trị xuất khẩu lớn (đay, gai, cói, thầu dầu); chú trọng trồng các loại cây làm thuốc, cây lấy dầu, một số loại cây ôn đới (lúa mì, đại mạch, thí nghiệm trồng hubơlông, lanh).
Phải phát triển dần cây công nghiệp lên đồi, lên trung du và miền núi, ở các vùng mới vỡ hoang; phát triển một số cây ở miền biển (như gai, dừa).
Phải tích cực xây dựng dần những vùng trồng tương đối tập trung một số cây công nghiệp có sản lượng hàng hóa cao; đồng thời, để thực hiện kế hoạch sản xuất cây công nghiệp, cần phải giải quyết tốt các vấn đề cung cấp lương thực, cung cấp phân bón, giống tốt, nông cụ cải tiến, điều chỉnh giá mua một số loại, nghiên cứu quy cách thu mua thích hợp, cho vay vốn sản xuất …
Đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, cải tạo và tu bổ rừng, khai thác ; bảo đảm khai thác gỗ đến đâu, cải tạo và tu bổ rừng đến đó; chú trọng bảo vệ cây trồng; chú trọng tre, nứa, lá. Kết hợp đưa người đi vỡ hoang và làm lâm nghiệp.
Về chăn nuôi, phải ra sức khôi phục và phát triển đàn trâu, bò, ngựa; phát triển mạnh chăn nuôi các loại gia súc lớn và các loại gia súc khác như gà, vịt đàn, thỏ, dê… Phải lấy chăn nuôi sinh sản làm chính, cố gắng tăng nhanh đàn gia súc, đồng thời chú ý nâng dần chất lượng lên (hiệu suất cày kéo, trọng lượng thịt, sữa, trứng, tỷ lệ đẻ và nuôi được…), đi đôi với việc rất chú ý bảo vệ gia súc. Phải tổ chức một cách vững chắc việc chăn nuôi tập thể của hợp tác xã, đồng thời khuyến khích và giúp đỡ chăn nuôi riêng của xã viên, chủ yếu là gia súc nhỏ. Cùng với việc mở rộng chăn nuôi lợn, phải chú trọng đặc biệt chăn nuôi trâu bò; phải tích cực bảo vệ trâu, bò, chú trọng chăm sóc bê nghé. Rất chú trọng việc lấy đực cho gia súc cái, khuyến khích việc chọn lọc và nuôi bò đực giống địa phương, khắc phục tình trạng nhiều vùng rất nhiều đực giống.
Khuyến khích việc nuôi gà mái, vịt đàn và các loại gia súc nhỏ khác… Phổ biến rộng nghề tơ tằm và nuôi tằm ăn lá thầu dầu, lá sắn. Khuyến khích nuôi ong mật.
Để thực hiện những nhiệm vụ kể trên, phải hết sức chú trọng các biện pháp kỹ thuật.
Về công tác thủy lợi, phải phấn đấu tăng nhanh diện tích gieo trồng được bảo đảm tưới nước suốt vụ: tưới cho lúa là chính, đồng thời mở rộng diện tích tưới và giữ độ ẩm cho hoa mầu và cây công nghiệp. Kết hợp phát triển thủy lợi với việc thực hiện dần từng bước công tác cải tạo đất. Chú trọng công tác thủy lợi ở miền núi.
Năm 1962, phấn đấu bảo đảm đủ nước tưới suốt năm cho 2.302.000 hécta lúa, mầu và cây công nghiệp, tăng 354.000 hécta tức là tăng 12,1% so với năm 1961; và giải quyết úng trong vụ mùa cho 22.000 hécta. Ra sức đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi loại lớn và vừa, đồng thời phát động phong trào nhân dân làm thủy lợi; hết sức coi trọng việc quản lý tốt các công trình và phương tiện hiện có. Đi đôi với việc xây dựng các công trình, cần phát triển mạnh việc dùng xi-phông ở các vùng có ruộng ven đê và dùng máy bơm ở các vùng ruộng cao.
Phải bảo đảm nhân lực cho việc xây dựng các công trình thủy lợi. Hết sức phát huy sáng kiến của quần chúng, cải tiến kỹ thuật và cải tiến công cụ và tổ chức lao động để tăng năng suất và giảm nhẹ cường độ lao động, tiết kiệm nhân lực trong việc làm đất.
Về phân bón, cần lợi dụng tất cả các nguồn phân để bón bình quân 8 tấn cho một hécta trồng cây lương thực, 10 tấn cho một hécta trồng cây công nghiệp. Đẩy mạnh việc làm chuồng lợn hai bậc, tận dụng nguồn phân chuồng; thực hiện rộng rãi việc làm phân đất (ủ đống và ủ tại ruộng); mở rộng diện tích thả bèo hoa dâu, phát triển các loại phân xanh. Tích cực dùng phù sa, đất bùn để bón ruộng… Về phân khoáng và phân hóa học, ngoài việc nhập phân đạm, cần đẩy mạnh các loại phân phốt phát, súppephốtphát, apatít nghiền, phân lân thủy tinh.
Đẩy mạnh phát triển lò vôi, thực hiện rộng rãi việc bón vôi cho các chân ruộng chua, mặn. Ra sức phấn đấu để cải tạo đất, kết hợp chặt chẽ việc tưới nước, bón ruộng và cày sâu thêm mỗi vụ một ít. Đi đôi với việc đẩy mạnh tăng vụ, phải thực hiện rộng rãi việc luân canh.
Xúc tiến việc chọn giống, gây giống cho trồng trọt và chăn nuôi. Có kế hoạch mở rộng dần diện tích trồng cây với các loại giống tốt; trước mắt cố gắng giải quyết đủ giống tốt cho vụ thu; và thi hành mọi biện pháp để giải quyết các giống lúa ngắn ngày. Xây dựng những cơ sở gây giống gia súc tốt.
Để bảo đảm sức kéo, cần phải hết sức chú trọng tăng cường bồi dưỡng, bảo vệ và sử dụng tốt trâu bò cày. Đẩy mạnh dùng nông cụ cải tiến, có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu và dùng nông cụ mới. Máy móc nông nghiệp cần được sử dụng tập trung, nhằm một số vùng trọng điểm, một số cây chính. Củng cố nhanh các đội máy kéo, bố trí địa bàn hoạt động tập trung hơn nữa.
Ngoài các biện pháp kể trên, cần phải rất khẩn trương trong việc phòng và trừ sâu bệnh, xây dựng chế độ kiểm dịch thực vật, cố gắng giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra; chú trọng hơn nữa cầy sâu bừa kỹ, cấy dày vừa phải, làm cỏ sục bùn nhiều lần, tranh thủ làm đúng thời vụ, chống lãng phí trong thu hoạch.
Về chỉ đạo, trong năm 1962, phải tập trung lực lượng thực hiện tốt 3 nhiệm vụ lớn về kỹ thuật nông nghiệp: chỉ đạo tốt phong trào tiêu chuẩn hóa kỹ thuật nông nghiệp và lập tổ khoa học - kỹ thuật ở hợp tác xã; xây dựng, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến về kỹ thuật; giúp các hợp tác xã thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở kỹ thuật, lực lượng kỹ thuật và quản lý kỹ thuật. Phải đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật, bảo đảm tăng năng suất cây trồng; chống khuynh hướng bảo thủ, ngại khó, chỉ chú trọng mở rộng diện tích. Bộ nông nghiệp cần tăng cường chỉ đạo kỹ thuật thích hợp với các vùng đồng bằng, trung du, miền núi, vùng mới vỡ hoang và từng loại cây trồng, xây dựng từng bước những tập quán canh tác tiến bộ. Trong lãnh đạo thi đua, chú ý hơn nữa đến nội dung cải tiến kỹ thuật canh tác.
Tiếp tục đẩy mạnh tăng vụ và vỡ hoang . Năm 1962, chú trọng đặc biệt mở rộng diện tích trồng cây vụ thu, tăng vụ cả các loại hoa mầu có chất bột và cây công nghiệp. Đẩy mạnh việc trồng xen, gối vụ… Các hợp tác xã sẽ vỡ hoang thêm 10 vạn hécta và nông trường quốc doanh 25.000 hécta. Vỡ hoang phải có phương hướng rõ rệt và lâu dài; phải sử dụng đất đai hợp lý, chú ý bảo vệ và bồi dưỡng đất đồi. Đối với những nơi đã vỡ hoang rồi, phải có kế hoạch tiếp tục canh tác và chăn nuôi hợp lý.
Năm 1962, cần thực hiện việc sơ bộ quy vùng sản xuất một số cây công nghiệp, dựa trên những vùng có tập quán trồng nhiều và có năng suất tốt: xúc tiến quy vùng mía, chè, bông, đay, lạc, thầu dầu…; xây dựng những vùng cung cấp thực phẩm xung quanh các thành thị.
Đi đôi với việc mở rộng diện tích cà phê, chè, cao su, hồ tiêu và cây ăn quả, các nông trường quốc doanh phải chú trọng hơn nữa việc phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày: bông, lạc, thuốc lá và bắt đầu trồng đay, gai, chuẩn bị phát triển mạnh trong các năm sau. Đồng thời, nông trường quốc doanh trung ương cố gắng sản xuất tự cung cấp 50% lương thực.
Đẩy mạnh chăn nuôi bò, bò sữa, trâu sữa, cừu, vịt, để cung cấp thịt, sữa và giống tốt theo yêu cầu của Nhà nước và để giúp đỡ hợp tác xã.
Ra sức phát triển nông nghiệp miền núi : đẩy mạnh sản xuất lương thực, nhất là ở những vùng còn thiếu, nhằm tự cung cấp lương thực tại chỗ. Đồng thời, hết sức lợi dụng mọi khả năng thuận lợi, đẩy mạnh phát triển trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, mở rộng trồng rừng và khai thác lâm sản, thổ sản một cách có kế hoạch hơn. Chú trọng hơn nữa công tác thủy lợi và cung cấp tư liệu sản xuất, hướng dẫn nhân dân chế biến nông sản và lâm sản; phát triển giao thông miền núi; tổ chức tốt việc lưu thông hàng hóa để tiêu thụ sản phẩm miền núi và cung cấp hàng tiêu dùng phù hợp với yêu cầu của nhân dân miền núi.
Tăng cường hơn nữa lãnh đạo sản xuất nông nghiệp.
Trước hết, cần ra sức củng cố các hợp tác xã nông nghiệp về mọi mặt: chủ yếu là củng cố và tăng cường các hợp tác xã quy mô thôn đã có, đồng thời tiếp tục tiến hành hợp nhất các hợp tác xã còn quá nhỏ lên quy mô thích hợp ở những nơi có đủ điều kiện; không tổ chức thêm hợp tác xã quy mô toàn xã. Việc
đưa hợp tác xã lên cấp cao phải theo đúng những điều kiện đã quy định.
Cải tiến và nâng cao công tác quản lý hợp tác xã là khâu quan trọng bậc nhất hiện nay để phát triển sản xuất. Cần hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã xác định đúng phương hướng kinh doanh, lập kế hoạch, mở rộng kinh doanh tập thể, quy định các tiêu chuẩn về kỹ thuật. Mở rộng công tác khoán, căn bản thanh toán lối bình công chấm điểm. Chấn chỉnh và củng cố các đội sản xuất. Ở những nơi cần phải thực hiện chuyên môn hóa sản xuất, có thể sử dụng lao động hợp lý và đạt hiệu quả kinh tế cao, cần lập các đội chuyên trách. Kiểm tra và thanh toán gọn những vấn đề tồn tại chủ yếu về tài chính, xây dựng các chế độ, thực hiện tài chính công khai, thanh toán và quyết toán đúng thời hạn.
Các cơ quan, các ngành đều có nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là tích cực và chủ động tạo mọi điều kiện thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp. Cần nghiên cứu cải tiến phương pháp làm kế hoạch nông nghiệp cho thích hợp với tình hình mới. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực hiện kế hoạch nông nghiệp, có kiểm tra đôn đốc chặt chẽ đối với các địa phương và các ngành. Các tỉnh phải nắm vững đặc điểm từng vùng của địa phương, có kế hoạch chỉ đạo sản xuất nông nghiệp một cách cụ thể, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho sát hợp.
3. Xây dựng cơ bản
Nhiệm vụ xây dựng cơ bản năm 1962 là: quán triệt hơn nữa nhiệm vụ thực hiện bước đầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đi đôi với việc đẩy mạnh xây dựng cơ bản của Nhà nước, phải tăng cường giúp đỡ việc xây dựng cơ bản của các hợp tác xã.
Trong lúc khả năng có hạn, cần phải tập trung vốn, vật tư và lao động cho các ngành sản xuất vật chất, nhất là công nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải, tập trung vào những công trình quan trọng đang làm dở, kiên quyết khắc phục tình trạng phân tán vốn, kéo dài thời gian xây dựng. Đồng thời chú trọng thích đáng các công trình nhỏ, đầu tư ít, xây dựng nhanh, mau đưa vào sản xuất. Phải hoàn thành đúng thời hạn những công trình dự định đưa vào sản xuất trong năm 1962 để bảo đảm kế hoạch sản xuất. Về các ngành không trực tiếp sản xuất, chỉ xây dựng những công trình thật cần thiết, theo tiêu chuẩn thật tiết kiệm, đồng thời điều chỉnh việc sử dụng cho hợp lý hơn.
Về công nghiệp , vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các công trình: gang thép Thái Nguyên, phân đạm Bắc Giang, xi măng Hải Phòng, các nhà máy điện, đường dây dẫn điện và một số công trình công nghiệp nhẹ quan trọng như Nhà máy dệt 8-3. Trong các công trình công nghiệp, vốn đầu tư lại tập trung vào những hạng mục trực tiếp sản xuất để có thể huy động sớm.
Đi đôi với những cơ sở lớn và hiện đại, cần chú trọng tăng cường các xưởng cơ khí địa phương, xây dựng một số cơ sở nhỏ sản xuất hàng tiêu dùng, một số nguyên liệu hóa chất và vật liệu xây dựng (xi măng) theo nguyên tắc bỏ vốn ít, huy động nhanh và có chú ý đến hiệu quả kinh tế.
Để tăng nhanh sản xuất hàng tiêu dùng, phải tích cực xây dựng công nghiệp địa phương, nhất là tích cực sử dụng lực lượng của hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp, đặc biệt chú trọng ngành công nghiệp thực phẩm, như: bột, đường, muối, cá, v.v..
Vềnông nghiệp, trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng thủy lợi; số vốn dành cho ngành này tăng 79% so với năm 1961, nhằm xúc tiến xây dựng các công trình thủy lợi do Trung ương quản lý, và tăng thêm vốn cho các địa phương, đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi loại vừa và loại nhỏ. Riêng phần thủy nông của Bộ Thủy lợi tăng gấp đôi năm 1961.
Đối với các nông trường quốc doanh, vốn đầu tư chiếm 42% vốn đầu tư của ngành nông nghiệp. Các nông trường phải tích cực tăng thêm diện tích, chú ý trồng thêm các cây công nghiệp ngắn ngày để cung cấp cho công nghiệp trong nước và vật tư cho xuất khẩu; tập trung sức củng cố quản lý tốt các nông trường hiện có.
Về giao thông vận tải , vốn xây dựng cơ bản tập trung nhiều vào đường bộ, kể cả các đường do địa phương quản lý, nhất là đường miền núi, các đường phục vụ kinh tế, trước mắt là phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển gỗ. Về đường sắt, chủ yếu là củng cố; ngoài việc củng cố các đường cũ, cần xúc tiến khôi phục đường Thanh Hóa - Vinh.
Về các ngành không sản xuất , chủ yếu là xây dựng những công trình rất cần kíp như các trường đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật, nhà thương, một số công trình lợi ích công cộng, nhà ở v.v., với tiêu chuẩn tiết kiệm; kiên quyết hoãn những công trình có thể hoãn.
Để thực hiện tốt kế hoạch xây dựng cơ bản, phải chú trọng hơn nữa các mặt cân đối về thiết kế, vật tư và nhân lực; tăng cường công tác quản lý thi công.
Phải chấp hành nghiêm chỉnh trình tự xây dựng cơ bản trong công tác lập kế hoạch và xét duyệt kế hoạch; cải tiến công tác lập kế hoạch và quản lý kế hoạch xây dựng cơ bản. Tập trung lực lượng cần thiết để giải quyết kịp thời việc lập nhiệm vụ thiết kế, thiết kế sơ bộ và khai toán, thiết kế kỹ thuật và dự toán cho các công trình hiện nay còn thiếu; chú trọng hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn thiết kế cho hợp với điều kiện kinh tế của ta; nâng cao chất lượng xét duyệt thiết kế. Bảo đảm cung cấp kịp thời các tài liệu cơ sở cho việc thiết kế các công trình do các nước anh em giúp đỡ xây dựng. Trong thi công, phải đặc biệt chú trọng áp dụng những định mức mới về năng suất lao động và tiêu chuẩn xây dựng do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã ban hành, triệt để chống mọi lãng phí, không ngừng phấn đấu giảm giá thành xây dựng. Phải định rõ trách nhiệm của các bộ phận có liên quan đến việc lập kế hoạch và thi công của mỗi công trình và có xử lý thích đáng đối với những việc gây ra lãng phí đáng kể.
4. Thương nghiệp
Nội thương
Ngành thương nghiệp cần tập trung sức thực hiện tốt công tác thu mua, phục vụ đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và vật tư cho xuất khẩu. Cần cải tiến công tác kinh doanh, nắm vững việc quản lý thị trường, phấn đấu ổn định giá cả.
Phải tăng cường công tác giáo dục tư tưởng và chính sách đến tận cơ sở và tập trung mọi khả năng tổ chức thực hiện, bảo đảm việc thu mua lương thực, thực phẩm và các nông sản chủ yếu, tăng thêm nguồn hàng nông sản trong tay Nhà nước. Phải tổ chức tốt việc trao đổi hàng hóa giữa Nhà nước với nông dân, cung cấp cho hợp tác xã các tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng, tăng cường việc lưu thông hàng hóa giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn.
Cần phải dựa vào các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mà tổ chức tốt việc thu mua, lấy hợp tác xã làm đơn vị tập thể thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, đồng thời chú trọng thu mua của các hộ cá thể và tích cực thu mua ngoài nghĩa vụ theo giá khuyến khích.
Về mặt cung cấp hàng hóa, phải ra sức tăng cường thu mua, nắm nguồn hàng để tăng thêm khối lượng hàng hóa đưa vào lưu thông, và cố gắng tăng dần mức dự trữ hàng hóa, đồng thời phải giữ vững cân đối giữa hàng hóa và tiền tệ, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và tích cực vận động đẩy mạnh việc gửi tiền tiết kiệm và quản lý quỹ tiền lương chặt chẽ hơn nữa. Phải tăng cường chỉ đạo việc phân phối hàng hóa, có phân biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa từng loại lao động. Dành lương thực, thực phẩm cho thành thị, khu công nghiệp và vùng trồng cây công nghiệp, đặc biệt là đối với vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung như chè, lạc, mía, thuốc lá, đay, cói, v.v.. Đối với nông thôn phải đẩy mạnh vận động dùng ngô, khoai, sắn thay một phần gạo; đối với thành phố, phải tăng thêm tỷ lệ ăn mầu. Tăng thêm mức cung cấp hàng công nghiệp cho nông thôn, miền núi, chú trọng tư liệu sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng cần thiết.
Tăng cường quản lý hàng hóa, thực hiện tốt phân công quản lý giữa Trung ương và địa phương, giữa các Bộ, các ngành. Tăng cường quản lý thị trường, thực hiện quản lý chặt chẽ các mặt hàng do Nhà nước thống nhất phân phối, đồng thời hướng dẫn tốt việc khai thác thêm những mặt hàng không phải chủ yếu.
Ngoại thương
Trong năm 1962, phải hết sức đẩy mạnh xuất khẩu là khâu trung tâm của ngoại thương để bảo đảm nhập hàng cần thiết.
Về hàng công nghiệp, chú ý tăng xuất nhiều về khoáng sản, hàng thủ công nghiệp và mỹ nghệ; về gỗ và xi măng, cần dành một tỷ lệ thích đáng để xuất khẩu. Đặc biệt phải cố gắng rất nhiều để tăng xuất nông sản và lâm sản, thổ sản, nhất là đay, lạc, vừng, thầu dầu, chè, sắn, khoai.
Cần phải ban hành gấp chính sách cụ thể về tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đối với một số loại nông sản để làm căn cứ cho việc phân phối hàng hóa.
Cần phải cố gắng giải quyết những vật tư có khả năng sản xuất trong nước, hết sức hạn chế nhập, để tập trung giải quyết những nhu cầu cấp bách, nhất là nhập nguyên liệu cho sản xuất, một số hàng tiêu dùng cần thiết cho đời sống, đẩy mạnh sản xuất thiết bị trong nước, giảm bớt dần việc nhập thiết bị lẻ.
Cần phải xét kỹ việc nhập hàng theo tinh thần hết sức tiết kiệm, quản lý chặt chẽ dùng nguyên liệu hơn nữa; giữ vững nguyên tắc không được nhập quá kim ngạch đã được Chính phủ duyệt. Tăng cường quản lý ngoại hối.
5. Giao thông và bưu điện
Nhiệm vụ vận tải năm 1962 là phải tích cực phát triển và cải tạo mạng lưới vận tải nhằm thỏa mãn yêu cầu vận tải cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, lưu thông hàng hóa,… và phục vụ sự đi lại của nhân dân.
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, phải kết hợp chặt chẽ các loại phương tiện trong mạng lưới vận tải, sử dụng hợp lý thực hiện chở nhiều, chở nhanh, an toàn, cước phí hạ. Tăng thêm một số toa xe lửa chuyên dụng, và một số phương tiện chở khách. Trước mắt, phải tập trung lực lượng giải quyết tốt việc chở gỗ; tăng cường phương tiện vận chuyển đường sông.
Đi đôi với việc phát triển vận tải cơ giới, phải đẩy mạnh phát triển các phương tiện vận tải thô sơ, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển vận tải bằng thuyền kết hợp với thủy lợi, tăng cường cung cấp các vật liệu để sửa thuyền cũ và đóng thuyền mới, phát triển vận tải thô sơ ở nông thôn và miền núi.
Cần cải tiến công tác quản lý và điều động phương tiện tăng cường thiết bị và cải tiến khâu xếp dỡ , nhất là cảng Hải Phòng, chú trọng bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện vận tải, nhất là đầu máy xe lửa và ô tô. Giải quyết tốt các phụ tùng sửa chữa cho vận tải ô tô, trước mắt là săm lốp.
Về bưu điện, phải tăng cường chất lượng bưu điện đường dài từ Trung ương đến tỉnh, và các đường liên tỉnh chủ yếu, củng cố nội hạt phục vụ yêu cầu chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời và an toàn hơn nữa.
Chú trọng tăng cường công tác bưu chính, mở rộng điện phục vụ, củng cố các trạm bưu chính xã, đường thư từ huyện về xã và từ xã đến thôn, và phấn đấu hạ giá cước. Về công tác phát hành báo chí, mở rộng việc đưa báo xuống hợp tác xã.
6. Tài chính, tiền tệ
Để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và văn hoá năm 1962, góp phần tích cực giải quyết cân đối giữa tiền và hàng, cần thực hiện thăng bằng thu chi một cách tích cực, tăng cường quản lý lưu thông tiền tệ, triệt để thực hành tiết kiệm và nâng cao kỷ luật tài chính.
Về thu, kiện toàn chế độ hạch toán kinh tế, chế độ tài vụ ở các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, giúp đỡ các hợp tác xã cải tiến chế độ kế toán, tài vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị, các ngành đối với nhiệm vụ thu nộp cho Nhà nước. Thi hành tốt chế độ thuế công doanh và thuế nông nghiệp mới, chú ý các khoản thu thuế công thương, hết sức tránh để thất thu.
Về chi, ra sức tiết kiệm chi, cương quyết giảm những khoản chi chưa cần thiết, tập trung vốn vào các công việc trọng điểm. Cải tiến công tác cấp phát vốn xây dựng cơ bản, bảo đảm cấp phát theo khối lượng công trình, hết sức tránh cấp phát thừa, làm ứ đọng vốn. Phải quản lý hết sức chặt chẽ kinh phí sự nghiệp kinh tế, văn xã, hành chính. Phải dành một số vốn thích đáng giúp đỡ khu vực hợp tác xã.
Tăng cường công tác quản lý và kỷ luật tài chính , đẩy mạnh hơn nữa việc chống lãng phí, tham ô; hết sức tiết kiệm chi tiêu.
Cần phải quản lý chặt chẽ quỹ tiền lương và các quỹ tiền mặt của cơ quan, xí nghiệp . Mở rộng chi tiêu bằng chuyển khoản. Nghiên cứu sửa lại việc thưởng hoàn thành nhiệm vụ đối với các xí nghiệp quốc doanh cho hợp lý hơn, chú trọng khen thưởng các sáng kiến tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, cải tiến kỹ thuật. Cần tính toán chặt chẽ nhu cầu của các xí nghiệp về vốn lưu động; có kế hoạch tích cực dùng những vật tư ứ đọng vào sản xuất.
Về mặt tín dụng , tăng cường quản lý vốn cho vay, bảo đảm cân đối với vật tư, hạn chế triệt để việc cho vay bằng tiền mặt, phát triển cho vay bằng chuyển khoản. Đi đôi với cho vay, phải chú trọng công tác thu nợ. Khuyến khích các hợp tác xã tăng vốn tích lũy, không ỷ lại vốn cho vay của Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động của các hợp tác xã vay mượn ở nông thôn. Tăng cường công tác vận động gửi tiền tiết kiệm, mở rộng các thể thức tiết kiệm dài hạn; tổ chức xổ số kiến thiết ở các địa phương, sử dụng số tiền thu được vào việc xây dựng những công trình đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
7. Lao động, biên chế, tiền lương
Năm 1962, phải hết sức chú ý quản lý tốt lao động, quản lý tốt nhân khẩu nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhân khẩu thành thị, quản lý tốt biên chế nhà nước và quỹ lương.
Về lao động, cần tiếp tục điều chỉnh giữa nơi thừa và nơi thiếu, giữa đồng bằng, trung du và miền núi, đưa thêm người lên trung du và miền núi mở rộng khai hoang, phát triển nghề rừng và các nghề thủ công. Phải chú trọng cân đối nhân lực từng địa phương, bảo đảm nhân lực cho cả sản xuất nông nghiệp và các ngành thủy lợi, khai thác gỗ, xây dựng cơ bản, nghề cá… quản lý chặt chẽ hơn nữa nhân khẩu không sản xuất nông nghiệp, tích cực hạn chế việc chuyển người ở nông thôn vào thành thị.
Trong tình hình biên chế có khuynh hướng tăng nhiều cần phải đặc biệt chú trọng quản lý chặt chẽ biên chế nhà nước, tích cực hạn chế tăng biên chế, các ngành, các xí nghiệp mới và các xí nghiệp mở rộng thì chỉ lấy người vào biên chế với mức tối cần thiết; đồng thời kiên quyết chuyển kịp thời người từ nơi thừa đến nơi thiếu, từ ngành thừa đến ngành thiếu.
Theo nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế và sự nghiệp, số nhân viên công tác năm 1962 tăng chủ yếu là cho số xí nghiệp công nghiệp, nông trường, lâm trường và một phần rất cần thiết cho các ngành văn hóa, giáo dục, y tế; các ngành khác như xây dựng cơ bản, thương nghiệp, hành chính thì cần giảm bớt hoặc không tăng biên chế.
Để có điều kiện giữ vững biên chế ở một mức hợp lý, cần xúc tiến nghiên cứu toàn diện vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước cho gọn nhẹ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện cấp quản lý đúng mức.
Phải đặc biệt quản lý chặt chẽ quỹ lương . Các cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định về giám đốc và quản lý quỹ lương đã ban hành. Mở rộng diện thực hiện lương trả theo sản phẩm một cách có chuẩn bị về các mặt đơn giá, tiêu chuẩn, định mức.
Chỉ đạo chặt chẽ và tăng cường hơn nữa việc bảo hộ lao động, đề cao kỷ luật về bảo đảm an toàn lao động. Thực hiện tốt điều lệ bảo hiểm xã hội.
8. Năng suất lao động, giá thành và phí lưu thông
Cố gắng làm tốt hơn nữa công tác quản lý xí nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trong các ngành sản xuất, xây dựng.
Nâng cao trách nhiệm của các xí nghiệp, các Bộ, các ngành về việc hoàn thành kế hoạch một cách toàn diện, chú trọng các chỉ tiêu về sản lượng sản phẩm chủ yếu, về năng suất lao động, giá thành và phí lưu thông, đi đôi với việc nộp thuế và nộp lãi, chống xu hướng đơn thuần chạy theo giá trị sản lượng.
Trong năm 1962, phong trào thi đua chuyển dần vào bề sâu, cần phát huy mọi lực lượng tiềm tàng của xí nghiệp, công trường, nông trường, cửa hàng,… ra sức nâng cao năng suất lao động và tích cực phấn đấu hạ giá thành, nhằm tăng tích lũy cho Nhà nước và tạo điều kiện cải thiện đời sống nhân dân.
Phải xây dựng các định mức về dùng nguyên liệu, thời gian lao động, dùng thiết bị và các định mức về chi phí khác để làm hướng phấn đấu tăng năng suất lao động, hạ giá thành. Mở rộng hạch toán kinh tế đến các phân xưởng, tổ sản xuất, cửa hàng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giúp đỡ xí nghiệp thực hiện hạch toán cho tốt. Tăng cường cải tiến quản lý sản xuất, ra sức phấn đấu tăng năng suất lao động bình quân của các đơn vị.
Dần dần mở rộng công tác kế hoạch giá thành trong các xí nghiệp công tư hợp doanh và quốc doanh địa phương: hướng dẫn các hợp tác xã thủ công nghiệp bước đầu thực hiện hạch toán kinh tế để có cơ sở tính giá thành.
9. Đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật
Trọng tâm đào tạo cán bộ của năm 1962 là đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật cho các ngành trực tiếp xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội (công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi, xây dựng cơ bản, cán bộ nghiên cứu khoa học), chú trọng ngành sư phạm và các ngành quản lý kinh tế. Nghiên cứu lại tỷ lệ đào tạo giữa các ngành đại học, tăng cường thích đáng cho các ngành công nghiệp như cơ khí, điện, luyện kim, hóa chất… Chú trọng hơn nữa việc đào tạo cán bộ trung cấp bằng mọi hình thức: chuyển hướng mạnh hơn nữa trong việc bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cho hợp tác xã.
Chú trọng đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ quản lý kinh tế kế hoạch, thống kê, kế toán, tài vụ… Phát triển mạnh việc đào tạo cán bộ quản lý và kỹ thuật cho hợp tác xã, chú trọng tuyển các xã viên ưu tú, có kinh nghiệm trong sản xuất, do hợp tác xã cử đi học để trở về phục vụ hợp tác xã.
Năm 1962 cần cố gắng đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo công nhân kỹ thuật, khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc đào tạo công nhân hiện nay. Đi đôi với việc bồi dưỡng công nhân kỹ thuật tại chức, tại các lớp bên cạnh xí nghiệp, và bổ túc ngắn hạn, cần chú trọng hơn nữa hình thức đào tạo tại trường.
10. Giáo dục, văn hóa, bảo vệ sức khỏe
Nhiệm vụ kế hoạch giáo dục năm 1962 là tận dụng khả năng mọi mặt của nhân dân và của Nhà nước, tiếp tục ra sức đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục bình dân và giáo dục phổ thông, lấy việc bổ túc văn hóa cho công nhân, cán bộ, thanh niên hợp tác xã làm trọng tâm. Đi đôi với việc phát triển về số lượng, lấy việc nâng cao chất lượng làm chủ yếu. Tích cực chuẩn bị việc cải cách giáo dục; chú trọng hơn nữa đến giáo dục ở miền núi.
Năm 1962, phải đẩy mạnh việc thanh toán nạn mù chữ cho xã viên hợp tác xã từ 40 tuổi trở xuống ở đồng bằng; cho cán bộ và thanh niên ở miền núi (vùng cao). Đẩy mạnh bổ túc văn hóa. Phát triển rộng rãi các lớp mẫu giáo ở cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường… Các lớp vỡ lòng thu nhận hết các em 6 tuổi vào học, bắt đầu thực hiện phổ cập cấp I.
Để bảo đảm kế hoạch giáo dục, vấn đề quan trọng nhất là mở rộng việc đào tạo giáo viên, đồng thời chú trọng tăng thêm các dụng cụ giảng dạy và xuất bản sách giáo khoa. Mở rộng hệ thống các trường sư phạm, phân cấp quản lý trường sư phạm cấp I và trường đào tạo giáo viên mẫu giáo cho cấp huyện. Về trường sở, cần dựa vào nhân dân để xây dựng, tu bổ và bảo vệ giải quyết thích đáng chế độ đãi ngộ đối với giáo viên dân lập. Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các trường phổ thông có học nghề.
Về văn hóa, năm 1962 sẽ chú trọng xuất bản các loại sách giáo khoa, sách phổ biến kỹ thuật, lý luận phổ thông, sách cho thiếu nhi, cho miền núi. Nâng cao chất lượng sách và thực hiện thống nhất quản lý việc xuất bản, nghiên cứu giảm bớt một số nội san, tập san. Công tác phát hành sách báo cần được quản lý chặt chẽ, đưa sách báo đến tận tay người đọc, phục vụ đúng trọng tâm và kịp thời; tích cực hạn chế số sách tồn kho.
Về điện ảnh, chú trọng phim tài liệu, phim khoa học - kỹ thuật, phim giáo dục thiếu nhi. Về phim truyện, cần nâng cao chất lượng. Cố gắng hạ giá thành sản xuất phim. Cần mở rộng lưới chiếu bóng, thực hiện mỗi huyện có một đội chiếu bóng, tăng cường phục vụ miền núi.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thanh, tăng cường dây, máy, phát triển việc nghe đài; cần nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật, chú trọng đẩy mạnh hoạt động văn hóa quần chúng; phát triển công tác câu lạc bộ, thư viện, bảo tồn bảo tàng…
Công tác y tế , trong năm 1962, phải nhằm vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây: tiếp tục đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh, phòng và chống dịch, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, phát triển việc chống các bệnh xã hội trên những vùng lớn; cải tiến công tác chữa bệnh; tăng cường phối hợp đông y và tây y, phát triển sản xuất thuốc men dụng cụ với nguyên liệu trong nước; xúc tiến tích cực việc đào tạo cán bộ, tăng cường công tác quản lý về mọi mặt.
Theo phương hướng đó, chúng ta sẽ củng cố và phát triển tổ chức y tế cơ sở, tiếp tục thực hiện vệ sinh, giải quyết các vấn đề phân, nước, rác; chú ý đặc biệt vệ sinh công cộng và vệ sinh ăn uống. Bảo đảm tiêm phòng các bệnh chủ yếu: đậu mùa, tả, thương hàn, bại liệt, bạch hầu, ho gà, lao, uốn ván. Tích cực hạ hơn nữa tỷ lệ ốm đau và ngày nghỉ vì ốm của công nhân. Mở rộng việc đăng ký người có thai và khám thai; tích cực hạn chế việc đỡ đẻ của các bà mụ vườn và nạn sài uốn ván sơ sinh. Bước đầu chống bệnh sốt rét toàn diện trên toàn miền Bắc. Mở rộng công tác chống mắt hột và chống lao, phát triển việc chữa các bệnh hoa liễu, bướu cổ và giun sán. Cải tiến công tác chữa bệnh trên cơ sở tận dụng các cơ quan chữa bệnh, tăng cường phối hợp đông y và tây y, không ngừng nâng cao tinh thần phục vụ bệnh nhân.
Phát triển việc sản xuất thuốc men, nhất là bằng nguyên liệu trong nước; đưa nhiều thuốc nam hơn nữa vào sử dụng ở các cơ quan chữa bệnh và trong nhân dân, thay cho thuốc bắc. Xúc tiến tích cực hơn nữa việc đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ trung cấp; chú ý cán bộ vườn trẻ, cán bộ quản lý. Chú trọng hơn nữa công tác phổ biến y học thường thức và phát triển nghiên cứu khoa học.
Đẩy mạnh tập luyện thể dục, mở rộng việc tập thể dục giữa giờ (tập buổi sáng vẫn là chủ yếu). Phong trào thể dục thể thao phải chú trọng gắn liền với sản xuất, dần dần đi sâu vào nông thôn. Nâng cao chất lượng những môn bóng đá, bóng chuyền, bơi lội và bắn súng.
11. Cải thiện đời sống nhân dân
Với những cố gắng đầy đủ về các mặt sản xuất, quản lý thị trường, quản lý vật giá, quản lý tiền tệ, tình hình đời sống của các tầng lớp nhân dân trong năm 1962 sẽ được cải thiện hơn so với năm 1961. Nhưng do tốc độ tăng sản xuất có hạn, cho nên cần phải tiếp tục đẩy mạnh giáo dục tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà, cần kiệm trong sản xuất, trong đời sống hàng ngày. Phải lãnh đạo việc tiêu dùng của nông thôn và thành thị cho thích hợp với điều kiện kinh tế của nước ta, theo tinh thần hết sức tiết kiệm để vừa bảo đảm nâng cao đời sống, vừa bảo đảm tích lũy để phát triển sản xuất.
Đối với công nhân viên chức cần chú trọng thực hiện tốt chế độ bảo hiểm xã hội, các mặt phúc lợi công cộng; tăng cường bảo hộ lao động. Cố gắng xây dựng thêm nhà ở, nhất là cho các khu công nghiệp, mặc dù vốn đầu tư vào phí sản xuất phải giảm bớt, vẫn dành 5,4% tổng mức đầu tư vào việc xây dựng nhà ở. Trong việc cung cấp hàng hóa, cần chú trọng tăng cường quản lý giá cả thị trường, nhất là về các loại thực phẩm; về một số loại hàng công nghiệp, công nhân, viên chức cần tiết kiệm tiêu dùng để có thể tăng thêm cung cấp cho nông thôn.
Tiếp tục mở rộng và quản lý tốt các mặt phúc lợi công cộng hiện có, nâng cao chất lượng phục vụ, nhất là ở các nhà ăn, nhà trẻ, v.v.. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động; tích cực chuyển các công nhân già yếu hết sức lao động về hưu và đi an dưỡng.
Đối với nông thôn, chủ yếu là tăng cường cung cấp tư liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng. Mặt khác, phải đẩy mạnh vận động tiết kiệm lương thực, chống lạm sát trâu bò, lợn, chống lãng phí các loại thực phẩm có giá trị công nghiệp và xuất khẩu.
*
* *
PHẦN THỨ BA
ĐẨY MẠNH THI ĐUA YÊU NƯỚC, PHÁT HUY MẠNH MẼ LỰC LƯỢNG TO LỚN CỦA
QUẦN CHÚNG, TĂNG CƯỜNG VÀ CẢI TIẾN CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN,
HOÀN THÀNH TOÀN DIỆN VÀ VƯỢT MỨC KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Kế hoạch nhà nước năm 1962 đã được xây dựng với những chỉ tiêu tích cực và vững chắc, nhằm quán triệt nhiệm vụ xây dựng từng bước cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện bước đầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, coi trọng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp, đồng thời tăng cường củng cố hợp tác xã và đẩy mạnh nông nghiệp phát triển toàn diện, tích cực và chủ động vươn lên khắc phục các khó khăn, điều chỉnh các mặt mất cân đối, đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc tiến lên mạnh mẽ và vững chắc.
Phải hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1962 để phát huy những thành tích của năm 1961, thúc đẩy tình hình kinh tế chuyển biến tốt hơn và nhanh hơn nữa, trên cơ sở đó, cải thiện từng bước đời sống nhân dân.
Phải hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch năm 1962 để tạo đà thuận lợi, bồi dưỡng thêm cơ sở và lực lượng dự trữ về mọi mặt, tạo ra một nền nếp mới trong công tác của các cơ quan chỉ đạo, và một khí thế mới cao hơn trong phong trào thi đua của quần chúng nhân dân, tiến lên hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Phải hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch năm 1962 để tăng cường lực lượng miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.
Phải hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch năm 1962 để làm cho nước ta ngày càng có thêm nhiều sức lực, tiến một bước trong việc xây dựng nền kinh tế tự chủ; do đó mà đóng góp một cách tích cực vào sự nghiệp chung đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Muốn vậy, việc quan trọng trước mắt là phải đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy mạnh mẽ lực lượng to lớn của quần chúng, tăng cường và cải tiến công tác chỉ đạo thực hiện của các ngành, các cấp.
Nâng cao nhận thức, tập trung lực lượng thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa:
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ ở miền Bắc nước ta là thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, mà mấu chốt là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Phải thực hiện ưu tiên phát triển công nghiệp: điện lực, luyện kim, cơ khí, hóa chất, nhiên liệu, vật liệu xây dựng… thì mới đủ sức làm nhiệm vụ trọng đại là sản xuất nhiều thiết bị, máy móc, công cụ, dụng cụ và các tư liệu sản xuất khác để trang bị cho các ngành kinh tế quốc dân, trước hết là nông nghiệp. Phải làm như vậy thì mới có thể thanh toán tình trạng thấp kém hiện nay của lực lượng sản xuất, đẩy mạnh nền kinh tế phát triển với nhịp độ nhanh, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi triệt để và hoàn toàn ở miền Bắc và xây dựng một đời sống no ấm, tươi vui cho nhân dân lao động.
Sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta, đòi hỏi toàn dân ta phải có cố gắng to lớn, có quyết tâm bền bỉ và tập trung để thực hiện. Phải tập trung lực lượng về mọi mặt: nhân lực, vật lực, tài lực, tập trung lãnh đạo và chỉ đạo. Kế hoạch nhà nước thể hiện sự tập trung ấy, đồng thời thể hiện sự phát triển nhịp nhàng cân đối giữa các ngành kinh tế quốc dân. Các ngành, các cấp đều phải hướng mọi hoạt động của mình để phục vụ nhiệm vụ trung tâm ấy.
Để bảo đảm sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phải kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với nông nghiệp. Đó là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện sự cân đối của nền kinh tế quốc dân, để củng cố khối liên minh công nông, cơ sở của Mặt trận dân tộc thống nhất. Công nghiệp phải ra sức thúc đẩy và phục vụ nông nghiệp phát triển, đồng thời nông nghiệp phải phục vụ cho nhu cầu phát triển của công nghiệp và thúc đẩy công nghiệp phát triển. Các ngành công nghiệp nặng có nhiệm vụ thực hiện từng bước việc trang bị kỹ thuật đối với nông nghiệp. Ngành chế tạo cơ khí cung cấp cho nông nghiệp các nông cụ cải tiến, nông cụ nửa cơ giới, máy bơm nước và tiến lên cung cấp máy kéo và máy móc nông nghiệp khác. Công nghiệp hóa chất cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu… Các ngành công nghiệp nhẹ dựa vào nguồn lương thực và nguyên liệu do nông nghiệp sản xuất mà phát triển chế biến lương thực và thực phẩm, phục vụ cho đời sống nhân dân và cho xuất khẩu, đồng thời khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất.
Nông nghiệp phải ra sức phục vụ cho công nghiệp phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng đã vạch rõ, nhiệm vụ của nông nghiệp là phải bảo đảm bốn yêu cầu chủ yếu: cung cấp đủ lương thực và thực phẩm cho toàn dân, cải thiện đời sống của nông dân, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp trong nước và sản phẩm xuất khẩu để đổi lấy những nguyên liệu và thiết bị cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp mà ta chưa có hoặc thiếu; bảo đảm sức lao động thường xuyên cho công nghiệp; làm cho nông thôn trở thành thị trường tiêu thụ rộng lớn của công nghiệp.
Đó là những nhiệm vụ vẻ vang mà nông nghiệp phải thực hiện. Đó cũng là nghĩa vụ của nông dân lao động nước ta đóng góp vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội để đem lại ấm no hạnh phúc cho mình. Nông dân lao động nước ta có truyền thống yêu nước và cách mạng cao, một khi đã nhận rõ đường lối của Đảng và Chính phủ, sẽ rất phấn khởi và hăng hái đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, làm tròn nhiệm vụ bán lương thực và nông sản cho Nhà nước. Các cấp, các ngành phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ cho nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc, ra sức phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nông dân, đồng thời không ngừng củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, tiến lên từng bước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn, phát triển nền kinh tế mới, xây dựng đời sống mới ở nông thôn. Công tác quan trọng bậc nhất là phải tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền giải thích, làm cho nông dân nhận rõ ý nghĩa và nội dung công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tự giác làm trọn nghĩa vụ của mình.
Trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, sự giúp đỡ của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa là một điều cần thiết không thể thiếu được, là một nhân tố rất quan trọng. Các nước anh em giúp đỡ ta là nhằm tạo điều kiện cho chúng ta chủ động tiến lên; vì thế kết hợp với sự giúp đỡ quý báu ấy, toàn thể nhân dân ta phải đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà, phát huy cao độ lao động sáng tạo của mình để khắc phục khó khăn, xây dựng từng bước nền kinh tế tự chủ của nước ta. Tinh thần ấy phải được thể hiện thành hành động cụ thể trong các việc như tiết kiệm vật tư, tìm vật tư thay thế, tiết kiệm tiêu dùng, tăng thêm nguồn vật tư xuất khẩu… Mặt khác, phải có kế hoạch sử dụng tốt sự giúp đỡ của các nước anh em, và góp phần tích cực vào sự hợp tác quốc tế, tăng cường lực lượng của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Đẩy mạnh thi đua yêu nước, phát huy mạnh mẽ lực lượng to lớn của quần chúng trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Vấn đề mấu chốt để bảo đảm thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1962 là phải động viên mạnh mẽ lực lượng lao động sáng tạo to lớn của quần chúng, phát huy cao độ tinh thần tự lực cánh sinh và mọi khả năng tiềm tàng của quần chúng. Vì thế, cần phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước, lấy đó làm đòn bẩy động viên lực lượng của quần chúng thực hiện kế hoạch.
Nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước phải gắn liền với nhiệm vụ cách mạng của nhân dân ta. Do đó, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta phải là "không ngừng nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất phát triển, bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước" nhằm "làm cho dân giàu, nước mạnh, đời sống nhân dân ngày thêm ấm no, hạnh phúc".
Phương châm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta là "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc". Phương châm phát triển sản xuất của ta là: "nhiều, nhanh, tốt, rẻ". Phong trào thi đua yêu nước của ta là phải quán triệt đầy đủ các phương châm đó.
Trong khi đẩy mạnh thi đua, cần phải kết hợp chặt chẽ việc phát triển sản xuất với việc xây dựng con người lao động xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sản xuất có tính chất tập thể, người lao động xã hội chủ nghĩa là người lao động tập thể, được tập thể bồi dưỡng, xây dựng, từ tập thể mà ra, cho nên thi đua của ta phải là thi đua tập thể.
Thi đua xã hội chủ nghĩa là sự hợp tác thân ái giữa những người lao động, là sự chung sức của quần chúng lao động phấn đấu phát triển sản xuất xã hội. Do đó, trong thi đua, phải không ngừng phát triển tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, người tiên tiến thân ái giúp đỡ người chậm tiến, dìu dắt nhau cùng tiến bộ.
Chúng ta đề cao thi đua tập thể, phát huy mạnh mẽ trí tuệ tập thể, đồng thời cần động viên tính tích cực sáng tạo của cá nhân người lao động; kết hợp đúng đắn lợi ích tập thể với lợi ích cá nhân; kết hợp việc nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa với sự quan tâm đến lợi ích vật chất của quần chúng lao động.
Trong năm 1962, trong công nghiệp, thủ công nghiệp, phương hướng chung vẫn tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật nhằm không ngừng đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và giao thông vận tải phát triển mạnh mẽ. Trong công nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua với Duyên Hải. Trong thủ công nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua với hợp tác xã Thành Công.
Nội dung hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật có nhiều mặt. Hợp lý hóa sản xuất bao gồm: hợp lý hóa tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, hợp lý hóa thao tác. Cải tiến kỹ thuật bao gồm: cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, cải tiến và sáng chế công cụ, thiết bị, máy móc, thực hiện bán cơ giới hóa và cơ giới hoá sản xuất. Đi đôi với vận động thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật cần phải tích cực vận động thi đua tiết kiệm và đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu, vật liệu, tận dụng nguyên liệu vật liệu vụn, nguyên liệu và sản phẩm loại ra. Phải chú trọng tiến hành quản lý sản xuất và xây dựng. Thông qua cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, không ngừng nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, công nhân, viên chức.
Trong hợp tác xã nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua với Đại Phong. Trong nông trường quốc doanh, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua với Đông Hiếu. Nội dung chủ yếu của phong trào thi đua trong nông nghiệp là: "cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất". Cải tiến quản lý hợp tác xã bao gồm: quản lý sản xuất, quản lý lao động, quản lý tài vụ. Cải tiến kỹ thuật bao gồm: cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, làm phân bón, cải tiến và sáng chế công cụ sản xuất. Nói rộng ra, nội dung thi đua trong nông nghiệp là "tăng năng suất ruộng đất, tăng vụ và khai hoang, phát triển nhiều nghề, cải tiến công tác quản lý, tăng cường công tác chính trị và tư tưởng".
Nội dung thi đua của ngành thương nghiệp là "tích cực phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng công tác mua và phục vụ khách hàng, tích cực phấn đấu hạ phí tổn lưu thông, bảo quản tốt hàng hóa".
Nội dung thi đua của ngành giáo dục là "giảng dạy tốt, học tập tốt" nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, thực hiện phương châm kết hợp học tập với lao động sản xuất, kết hợp học tập với thực hành.
Nội dung thi đua của ngành văn hóa và nghệ thuật là "Không ngừng nâng cao trình độ văn hóa và nghệ thuật, phản ánh đúng hiện thực xã hội chủ nghĩa, phục vụ tốt sản xuất và đời sống quần chúng".
Nội dung thi đua của ngành y tế là "cải tiến kỹ thuật, cải tiến công tác, cải tiến tổ chức" nhằm không ngừng nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và phục vụ tốt công tác phòng bệnh cho nhân dân.
Nội dung thi đua của ngành khoa học là thi đua áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nghiên cứu các đề tài kỹ thuật và khoa học mới phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất và xây dựng trước mắt và lâu dài.
Nội dung thi đua trong các cơ quan sự nghiệp, hành chính là "cải tiến công tác, cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc" nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ tốt cho sản xuất và
xây dựng.
Nội dung của phong trào thi đua trong quân đội là "rèn luyện và cải tiến kỹ thuật, chấp hành điều lệ, điều lệnh, chế độ, tiêu chuẩn và rèn luyện tác phong; lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, phòng gian giữ bí mật" nhằm thực hiện cuộc vận động xây dựng quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy và hiện đại.
Trong phong trào thi đua ở mọi ngành, mọi nơi, cần chú trọng phát huy cao độ tinh thần tự lực cánh sinh, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn, vươn lên mạnh mẽ, thực hành cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, tích cực chống lãng phí, tham ô, quan liêu.
Về hình thức tổ chức thi đua , trong mọi ngành cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua tập thể, nhằm bồi dưỡng cho công nhân viên chức, xã viên, cán bộ ý thức thi đua tập thể, tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa.
Trong ngành công nghiệp, thông qua cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, và trên cơ sở phát triển tổ, đội lao động tiên tiến mà đẩy mạnh phong trào phấn đấu trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa. Hình thức tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa là sự phát triển của hình thức tổ, đội lao động tiên tiến, với những tiêu chuẩn cao và toàn diện hơn.
Trong ngành thủ công nghiệp, đẩy mạnh phong trào thi đua trở thành tổ, đội lao động tiên tiến, hợp tác xã tiên tiến, tiến tới xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa.
Trong ngành nông nghiệp, thông qua cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất mà xây dựng đội sản xuất tiên tiến, hợp tác xã tiên tiến, tiến tới xây dựng các đội lao động xã hội chủ nghĩa.
Chính phủ sẽ ấn định tiêu chuẩn cụ thể thống nhất cho các tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa; tổ đội lao động tiên tiến, tổ, đội sản xuất tiên tiến, hợp tác xã tiên tiến và tiêu chuẩn của anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và quy định thể lệ ghi tên và xét duyệt tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa.
Trong dịp lễ Quốc tế lao động năm nay, Chính phủ sẽ mở Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3, để tổng kết phong trào thi đua trong mấy năm vừa qua và để biểu dương các anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, các đơn vị tiên tiến, các tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa và tổ, đội lao động tiên tiến, nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển thêm mạnh mẽ và rộng rãi, động viên đông đảo quần chúng quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1962. Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 sẽ là nơi họp mặt của những người con ưu tú của Tổ quốc, những người công nhân, nông dân, trí thức, chiến sĩ quân đội nhân dân đã trưởng thành trong lao động sản xuất, trong đấu tranh cách mạng, thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa và có nhiều cống hiến trong sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội sẽ là một dịp động viên chính trị và giáo dục tư tưởng to lớn, thúc đẩy nhân dân ta nêu cao hơn nữa tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà, phấn đấu đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Tăng cường và cải tiến chỉ đạo thực hiện kế hoạch từ Trung ương, qua các địa phương, đến cơ sở.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Để bảo đảm thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1962, chúng ta phải có một chuyển biến mạnh hơn nữa trong việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Trung tuần tháng một năm nay, Hội đồng Chính phủ đã họp bàn các biện pháp để tăng cường và cải tiến việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch; đó là một bước tiến bộ mới của Nhà nước trong công tác chỉ đạo và quản lý kinh tế.
Chúng ta nhấn mạnh rằng công tác tư tưởng là linh hồn của toàn bộ công tác chỉ đạo thực hiện. Phải tăng cường công tác giáo dục và lãnh đạo tư tưởng, gắn chặt công tác tư tưởng với việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch, chỉ đạo sản xuất, làm cho toàn dân ta thấu suốt hơn nữa ý nghĩa và nội dung của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, thấu suốt hơn nữa nghĩa vụ của mọi người trong sự nghiệp vĩ đại ấy; làm cho sự chuyển biến cách mạng to lớn đang diễn ra trên miền Bắc nước ta ngày nay phản ánh sâu sắc vào ý nghĩ, tình cảm của mỗi người, tạo nên một chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhiệt tình cách mạng và quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước.
Đồng thời, chúng ta rất chú trọng tăng cường việc tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Phải đi sâu nắm chắc hơn nữa tình hình cụ thể của từng ngành, từng mặt công tác, kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề chính sách và biện pháp cụ thể. Phải sửa chữa, bổ sung các chính sách cụ thể sẵn có, xây dựng thêm và ban hành kịp thời những chính sách mới, theo yêu cầu phát triển mới của lực lượng sản xuất và của việc hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, trước hết là đối với thành phần kinh tế tập thể. Quan trọng nhất là những chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp (như chính sách đối với cây công nghiệp, chăn nuôi, khai hoang…, chính sách thu mua lương thực và các nông sản khác, quản lý thị trường nông sản…; các chính sách đối với thủ công nghiệp như chính sách thuế, cho vay vốn, trang bị kỹ thuật, bán nguyên liệu, mua sản phẩm…); các chính sách và chế độ lao động và tiền lương trong các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, những quy định cụ thể về thực hiện điều lệ bảo hiểm xã hội; chính sách cụ thể về sử dụng nguyên liệu, vật liệu dùng nguyên liệu thay thế và nguyên liệu loại ra; chính sách tiêu dùng…
Năm 1962, chúng ta phải tích cực kiện toànbộ máy các cơ quan nhà nước, chủ yếu là các cơ quan chỉ đạo kinh tế và ra sức cải tiến lề lối làm việc. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường chế độ trách nhiệm và kỷ luật nhà nước. Phải chú trọng sắp xếp làm cho các tổ chức được gọn nhẹ, tránh nhiều tầng, nhiều lớp, biên chế cồng kềnh; phải làm cho việc tổ chức thực hiện có hiệu lực hơn, tăng cường liên hệ mật thiết với quần chúng, một mặt phản ánh kịp thời và trung thực cho cơ quan lãnh đạo tình hình ở cơ sở, mặt khác động viên mạnh mẽ quần chúng thi đua thực hiện kế hoạch nhà nước. Đặc biệt coi trọng việc xúc tiến thực hiện phân cấp quản lý, củng cố và nâng cao trình độ quản lý các xí nghiệp quốc doanh, các công trường, các cơ quan sự nghiệp, các hợp tác xã, chú trọng quản lý lao động, tài vụ, kỹ thuật. Phải nâng cao tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các ngành, các cấp; thực hiện nghiêm chỉnh chế độ trách nhhiệm, chế độ thưởng và phạt. Đi đôi với cải tiến tổ chức quản lý, phải cải tiến tác phong và lề lối làm việc. Phải tăng cường đi sát cơ sở, thực hiện sự liên hệ mật thiết với quần chúng, với cơ sở, với đời sống; chống quan liêu giấy tờ. Phải đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra theo dõi việc thực hiện kế hoạch, chấp hành đúng đắn kỷ luật báo cáo thống kê định kỳ, cũng như báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch, tăng cường chất lượng báo cáo nhằm kịp thời phản ánh tình hình và phát triển các mặt mất cân đối để có biện pháp khắc phục. Phải tăng cường công tác kế hoạch và thống kê, tiến hành lập các kế hoạch hàng quý. Phải kết hợp chặt chẽ hoạt động của các đoàn thể nhân dân với hoạt động của các cơ quan nhà nước, lấy việc thực hiện toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước làm mục tiêu phấn đấu chủ yếu trong hoạt động của các đoàn thể; phát huy mạnh mẽ tác dụng của công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước.
Phải coi trọng hơn nữa và đẩy mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; chú trọng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật , trước hết là các ngành kinh tế tài chính, các xí nghiệp, công trường, nông trường, các hợp tác xã. Phải tận dụng mọi hình thức đào tạo tại trường và tại chức, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đào tạo, đồng thời chú trọng cả chất lượng và số lượng. Phải mạnh dạn hơn nữa trong việc đề bạt cán bộ trẻ và cán bộ phụ nữ, luôn luôn bổ sung những lực lượng mới, làm cho đội ngũ cán bộ không ngừng lớn mạnh, tiến kịp với sự phát triển của phong trào và yêu cầu của các nhiệm vụ cách mạng.
*
* *
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Nhằm mục tiêu tiếp tục xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế và văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân, kế hoạch nhà nước năm 1962 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1962 sẽ tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện tốt kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Năm 1962 đã bắt đầu với những thắng lợi mới. Việc thực hiện kế hoạch quý I ở một số ngành tiến bộ khá so với cùng thời gian năm ngoái. Vụ chiêm năm nay, diện tích lúa được thực hiện vượt mức kế hoạch, diện tích một số cây công nghiệp chủ yếu có tăng so với năm ngoái, trong sản xuất công nghiệp, một số ngành có tiến bộ rõ rệt, khắc phục nhiều khó khăn về nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng… và phát triển với nhịp độ khá. Tốc độ xây dựng cơ bản đã đạt được cũng cao hơn so với quý I năm trước. Những thành tích đó đang hứa hẹn những bước tiến mới trong việc thực hiện kế hoạch năm nay. Trước mắt, nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh việc chăm bón vụ đông xuân, tiếp tục đẩy mạnh việc trồng hoa màu, lương thực và các cây công nghiệp còn thời vụ; quyết tâm mở rộng vụ thu, giành thắng lợi lớn hơn năm ngoái, và chuẩn bị tốt cho vụ mùa. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, chúng ta quyết tâm thực hiện tốt việc thu mua lương thực và các loại nông sản khác, bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và vật tư cho xuất khẩu. Chúng ta tranh thủ mùa khô đẩy mạnh tốc độ xây dựng cơ bản, tập trung vào những công trình trọng điểm. Chúng ta tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nặng (chú trọng than, ximăng, gỗ…) đồng thời phát huy lực lượng của các ngành công nghiệp nhẹ và lực lượng to lớn của thủ công nghiệp, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng (trước mắt là các loại bột, nước mắm, muối, đồ dùng gia đình…). Đồng thời, chúng ta phải thực hiện tốt kế hoạch xuất nhập khẩu; có kế hoạch phân phối tốt hàng hóa, thực hiện sự cân đối giữa vật tư và tiền tệ; và tích cực thực hiện chấn chỉnh tổ chức, thực hiện tốt cuộc vận động, "nâng cao ý thức trách nhiệm; tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống lãng phí tham ô, quan liêu" để làm cho việc tổ chức chỉ đạo kế hoạch được sâu sát và kịp thời.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Mấu chốt để hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1962 là động viên và phát huy lực lượng của nhân dân lao động, đẩy mạnh và nâng cao các phong trào thi đua yêu nước, bảo đảm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch ở địa phương, ở cơ sở. Với đà chuyển biến mạnh mẽ của phong trào quần chúng hiện nay, nhất là sau cuộc Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba sắp họp, toàn dân ta hãy nâng cao hơn nữa giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh, ra sức đẩy mạnh sản xuất, triệt để thực hành tiết kiệm, tiến lên hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1962, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.