THUYẾT TRÌNH CỦA UỶ BAN KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ "TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1961
VÀ DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962"
(Do ông Tôn Quang Phiệt, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch và ngân sách
của Quốc hội trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá II, ngày 23-4-1962)
Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Ủy ban chúng tôi đã nghiên cứu bản báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1961 và dự án ngân sách nhà nước năm 1962 và đã kết hợp với việc nghiên cứu bản báo cáo của Chính phủ về kế hoạch nhà nước. Ủy ban chúng tôi đã được Bộ Tài chính, Ủy ban kế hoạch nhà nước và một số Bộ và Tổng cục cho biết rõ thêm các vấn đề cần thiết.
Chúng tôi lại cũng đã có nghiên cứu những ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề ngân sách nhà nước. Sau đây, tôi xin thay mặt Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội trình bày những ý kiến nhận xét và kiến nghị của Ủy ban để Quốc hội xem xét và quyết nghị.
PHẦN THỨ I
VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
NĂM 1961
Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 1961 như sau:
Tổng số thu ước thực hiện là 1.578tr. bằng 93,3% kế hoạch; Tổng số chi ước thực hiện là 1.559tr. bằng 92,3% kế hoạch.
Thu hơn chi ước tính là 18,9tr.
Phần thu trong nước ước thực hiện được 1.294tr. bằng 93,8% kế hoạch, tăng 10,3% so với năm 1960. Riêng số thu về xí nghiệp và sự nghiệp tăng được 10,8% so với năm 1960.
Tổng số chi ước thực hiện tăng 5,9% so với năm 1960, trong đó chi về kiến thiết kinh tế tăng 7,2%, chi về văn hóa xã hội tăng 9,1% so với năm 1960. Riêng số chi về kiến thiết cơ bản đã tăng 5,6% so với năm 1960.
Ủy ban chúng tôi nhất trí với Chính phủ nhận định rằng trong những điều kiện của năm 1961, nền kinh tế có khó khăn, Chính phủ đã thăng bằng được ngân sách nhà nước năm 1961 và còn thu nhiều hơn chi được gần 19tr. là nhờ vào sự cố gắng của các ngành, các cấp, nhờ vào nhiệt tình yêu nước, nhiệt tình lao động của toàn dân. Điều đó cũng chứng tỏ rằng việc quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước đã có nhiều tiến bộ.
Về thu , nhiều ngành và nhiều địa phương đã cố gắng đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm để bảo đảm nhiệm vụ tài chính, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Số thu của các ngành công nghiệp nặng đã tăng 49,7%, công nghiệp nhẹ 53%, điện lực 67,7%, kiến trúc 96%, giao thông bưu điện 22%, lâm nghiệp 18,4%… so với năm 1960.
Về chi , trong năm 1961, Chính phủ một mặt vẫn có cố gắng tập trung vốn cho nhu cầu xây dựng công nghiệp (vốn xây dựng cơ bản về công nghiệp tăng 22,2% so với năm 1960 số chi về công nghiệp nặng đã vượt mức kế hoạch 13%), mặt khác Chính phủ đã quan tâm giúp đỡ nông nghiệp và các hợp tác xã nhiều hơn trước: số chi về nông nghiệp, nông trường, thủy lợi, thủy sản v.v. đã tăng 45,2% so với năm 1960, số vốn ngân sách nhà nước bỏ ra cho các hợp tác xã nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp v.v. vay dài hạn đã vượt kế hoạch 88% và tăng 4 lần 5 so với năm 1960. Trong năm 1961 Chính phủ đã điều chỉnh nâng giá cả thu mua nhiều loại nông sản phẩm và điều chỉnh giá bán một số hàng công nghệ phẩm, làm tăng thu nhập của nhân dân, trước hết là nông dân, một số tiền ước độ 15 triệu.
Trong điều kiện số thu tài chính năm 1961 bị hạn chế, những chính sách trên đây chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp và đối với phong trào hợp tác hóa và đã có tác dụng tốt đối với sản xuất và đời sống của nhân dân.
Về quản lý kinh tế tài chính , dựa vào phong trào thi đua của quần chúng, Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ và việc áp dụng các chế độ đó đã bước đầu có hiệu quả tăng cường quản lý kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, hạn chế lãng phí tham ô, thúc đẩy sản xuất và tiết kiệm.
Bên cạnh những thành tích và tiến bộ như trên, trong việc quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước năm 1961, chúng ta còn có một số khuyết điểm và khó khăn.
Ngay trong điều kiện năm 1961, khả năng tăng thu tài chính và tiết kiệm chi vẫn chưa được khai thác đầy đủ. Nhiều ngành không bảo đảm chỉ tiêu hạ giá thành sản phẩm, hạ chi phí lưu thông của Nhà nước đã quy định, chế độ thu nộp cho nhà nước vẫn còn chưa được tôn trọng, kỷ luật biên chế và quản lý quỹ lương còn lỏng lẻo, việc cải tiến quản lý kiến thiết cơ bản còn chậm, vốn lưu động còn ứ đọng nhiều, chỉ tiêu hành chính và sự nghiệp cũng chưa được quản lý chặt chẽ.
Việc thu thuế ở nhiều địa phương cả thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp chưa được chú ý đúng mức, vừa gây thất thu cho nhà nước, vừa buông lỏng việc quản lý thị trường.
Việc thăng bằng thu chi tài chính năm 1961 đã được thực hiện trong những điều kiện khó khăn, thu chi ngân sách thăng bằng, nhưng tiền tệ và vật tư trong xã hội không cân đối, xuất nhập khẩu không cân đối v.v.. Công tác tín dụng trong năm 1961 có những tiến bộ, nhưng việc cho vay chưa kết hợp chặt chẽ với việc khuyến khích tiết kiệm, việc sử dụng tốt vốn tích lũy của hợp tác xã, việc thu hồi nợ đến hạn và việc cung cấp vật tư.
Đây là những khuyết điểm và khó khăn mà trong năm 1962 chúng ta cần phải ra sức khắc phục để góp phần thúc đẩy việc mở rộng sản xuất và lưu thông hàng hóa và góp phần nâng cao mức sống của nhân dân.
PHẦN THỨ II
VỀ DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
Năm 1962, năm thứ hai của kế hoạch 5 năm, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa thêm một bước, ra sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, củng cố và tăng cường các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Ngân sách nhà nước năm 1962 dựa trên cơ sở công nông nghiệp phát triển, lưu thông hàng hóa mở rộng, phải bảo đảm tích lũy đủ vốn để giải đáp yêu cầu của các nhiệm vụ trên đây và yêu cầu của các nhiệm vụ khác của Nhà nước.
Nền kinh tế quốc doanh phát triển thêm một bước, nền kinh tế tập thể được củng cố thêm và tiếp tục phát triển, là cơ sở chắc chắn để tăng thu nhập cho tài chính nhà nước. Nhưng những khó khăn về vật tư và tiền tệ của năm 1961 để lại cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng thu nhập tài chính của năm 1962. Ủy ban chúng tôi nhất trí với Chính phủ về nhiệm vụ tài chính năm 1962 "là phải ra sức khai thác mọi yếu tố tích cực để tăng thu, mặt khác phải hết sức tiết kiệm chi để có thể thỏa mãn những yêu cầu nói trên, bảo đảm nhiệm vụ chính trị và kinh tế của Nhà nước".
Dự án ngân sách nhà nước năm 1962 đã được xây dựng như sau:
Tổng số thu ngân sách năm 1962 là 1.725tr.152 tăng 9,3% so với năm 1961, trong đó số thu trong nước là 1.404tr.187 tăng 8,2% so với năm 1961.
Tổng số chi ngân sách năm 1962 là 1.725tr152, tăng 10,6% so với năm 1961. Số vốn để dự bị trong ngân sách (kể cả phần dự bị cho kiến thiết cơ bản) là 44tr.926 bằng 2,4% ngân sách.
Uỷ ban chúng tôi nhận định rằng dựa trên sản lượng công nông nghiệp tăng 16,2% so với năm 1961 - trong đó sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng 30% so với năm 1961, thì tốc độ tăng thu nhập tài chính (phần trong nước) có 8,2% so với năm 1961 là tương đối thấp so với những năm trước đây.
Số thu tài chính của các ngành công nghiệp vẫn tiếp tục tăng với tốc độ xấp xỉ tốc độ tăng sản lượng và tốc độ hạ giá thành:
Thu của ngành công nghiệp nặng tăng 28,7% so với năm 1961.
Thu của ngành công nghiệp nhẹ thực chất tăng 15,1% so với năm 1961.
Thu của ngành điện lực tăng 34,5% so với năm 1961,
Thu của ngành lâm nghiệp tăng 21,8% so với năm 1961, nhưng thu của ngành kiến trúc chỉ xấp xỉ năm 1961, thu của ngành thương nghiệp nội địa chỉ tăng có 5,7%, thu của ngành ngoại thương xấp xỉ mức 1961.
Thu thuế công thương nghiệp tăng 11,6% so với năm 1961, nhưng thu thuế nông nghiệp chỉ bằng 97,5% so với năm 1961.
Năm 1962, Nhà nước tiếp tục điều chỉnh chính sách giá cả thu mua nông sản, tiếp tục thi hành chính sách thuế nông nghiệp hiện nay mặc dầu sản lượng nông nghiệp có tăng lên… nhằm mục đích khuyến khích hơn nữa sản xuất nông nghiệp, giúp đỡ các hợp tác xã tăng cường tích lũy tập thể và nâng mức thu nhập của xã viên.
Trong điều kiện hiện nay, Ủy ban chúng tôi nhận xét rằng những chủ trương và chính sách đó là hợp lý và cần thiết.
Mặt khác, vì phải bảo đảm cân đối kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 1962, và tăng cường dự trữ nhà nước trong năm 1962, nên số thu nhập tài chính của năm 1962 cũng bị ảnh hưởng một phần.
Nhưng đứng trước nhu cầu phải tăng cường tích lũy vốn để đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đặc biệt quan tâm bảo đảm một tốc độ tăng thu tài chính hàng năm tương đối cao.
Hơn 80% số thu nhập tài chính nhà nước là dựa vào nền kinh tế quốc doanh, cho nên cần ra sức tăng cường quản lý kinh tế quốc doanh, ra sức đẩy mạnh sản xuất và kiến thiết nhiều, nhanh, tốt, rẻ, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, tiết kiệm mọi mặt trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng sản phẩm và an toàn lao động, để hạ giá thành và chi phí lưu thông. Đó là nguồn tăng tích lũy vốn chủ yếu của tài chính nhà nước.
Nhìn vào tình hình năm 1962, chúng tôi nhận thấy rằng các ngành kinh tế quốc doanh còn nhiều khả năng tiềm tàng có thể khai thác được để tăng sản lượng, hạ giá thành vượt mức kế hoạch đã định để tăng thu nhập cho tài chính nhà nước.
Dựa vào phong trào thi đua của quần chúng đang phát triển rộng rãi và mạnh mẽ, các ngành quản lý kinh tế của Nhà nước, các xí nghiệp, công trường, nông trường, cửa hàng v.v. cần cải tiến việc quản lý kinh tế tài chính của mình để sử dụng công suất thiết bị tốt hơn, tăng năng suất lao động, sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm hơn, giảm bớt mọi chi phí quản lý, do đó các ngành hoàn toàn có khả năng hoàn thành vượt mức nhiệm vụ tài chính đã ghi vào ngân sách nhà nước năm 1962.
Lấy ví dụ ngành kiến trúc thì chỉ tiêu khối lượng bao thầu năm 1962 còn đang thấp hơn mức năm 1961 và thấp hơn khả năng thi công của các công ty kiến trúc, số thiết bị thi công không sử dụng còn nhiều, hoặc sử dụng với công suất thấp v.v. trong khi khối lượng xây lắp của Nhà nước năm 1962 tăng hơn năm 1961 3%, trong khi các ngành có kiến thiết cơ bản tự mình làm lấy đang thiếu nhân công và thiết bị thi công v.v..
Chúng tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu biện pháp cần thiết để tận dụng được khả năng của ngành kiến trúc.
Lại lấy ví dụ: các xí nghiệp công nghiệp của các ngành như giao thông, kiến trúc, thủy sản, lâm nghiệp, nội, ngoại thương, văn hóa, y tế v.v. và ngay của các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và điện lực, cũng như các xí nghiệp công nghiệp địa phương thì còn nhiều khả năng thiết bị chưa dùng hết, còn nhiều khả năng tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm. Chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu và giải quyết vấn đề nguyên liệu theo tinh thần hết sức tích cực khai thác khả năng trong nước, nhưng mặt khác, cần đặc biệt chú ý cải tiến quản lý các xí nghiệp đó.
Các xí nghiệp vận tải cũng còn nhiều khả năng phương tiện vận tải chưa sử dụng hết.
Các xí nghiệp thương nghiệp còn nhiều khả năng tăng nguồn hàng, bảo đảm nhiệm vụ cung cấp và giảm chi phí lưu thông.
Việc quản lý các xí nghiệp địa phương nói chung cũng như các xí nghiệp công tư hợp doanh còn rất nhiều mặt chưa đưa vào nền nếp, việc quản lý theo kế hoạch toàn diện còn rất yếu, cho nên khả năng tăng thu của các cơ sở này còn chưa được khai thác đầy đủ.
Uỷ ban chúng tôi tán thành chủ trương của Chính phủ mở rộng chế độ thu quốc doanh đối với các xí nghiệp nhà nước, để vừa thúc đẩy sản xuất, tăng cường hạch toán kinh tế, vừa bảo đảm thu nhập tài chính nhà nước được ổn định và kịp thời.
Đây là một cải cách lớn của chế độ thu nhà nước cần được
các ngành, các cấp, các xí nghiệp góp phần xây dựng và chấp hành cho tốt.
Đối với khu vực kinh tế tập thể (hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã ngư nghiệp và hợp tác xã thủ công nghiệp, v.v.) thì các cơ quan nhà nước cần giúp đỡ tăng cường quản lý kinh tế tài chính. Các ngành có trách nhiệm của Nhà nước và các địa phương cần tiếp tục giúp đỡ đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cho các hợp tác xã, giúp đỡ xây dựng và hoàn thiện các chế độ quản lý về kinh tế, kỹ thuật và tài chính kế toán, thống kế, kế hoạch và hướng dẫn chấp hành cho tốt để củng cố các cơ sở hợp tác xã. Mặt khác, Chính phủ cần nghiên cứu cải tiến các quan hệ giữa tài chính hợp tác xã và tài chính nhà nước, trên nguyên tắc vừa bảo đảm lợi ích của Nhà nước, vừa bảo đảm lợi ích của tập thể, vừa bảo đảm lợi ích của các xã viên.
Chúng tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu chính sách đóng góp thích hợp với quan hệ sản xuất mới để có thể áp dụng cho những năm sắp tới.
Trong năm 1962, trên cơ sở các chính sách thuế hiện hành, cần đặc biệt quan tâm việc áp dụng cho đúng chính sách, phát huy chức năng của thuế khóa giám đốc và thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển và góp phần vào quản lý thị trường, ra sức chống thất thu đối với các loại thuế nông nghiệp, công thương nghiệp, nhất là thuế sát sinh, thuế rượu, thuế hàng hóa, thuế buôn chuyến v.v. đồng thời không được bỏ sót các nguồn thu khác.
Trong điều kiện số thu tài chính nhà nước năm 1962 tăng 9,3% so với năm 1961 (phần thu trong nước tăng 8,2%), thì việc bảo đảm cho các nhu cầu to lớn của Nhà nước đối với các nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tăng cường giúp đỡ cho các hợp tác xã và giúp đỡ cho nông nghiệp phát triển, đẩy mạnh công việc đào tạo cán bộ và sự nghiệp văn hóa, xã hội, cũng như đối với các nhiệm vụ chính trị khác của Nhà nước là rất khó khăn. Uỷ ban chúng tôi tán thành các phương hướng phân phối vốn của ngân sách nhà nước năm 1962.
Vẫn tiếp tục tập trung vốn để công nghiệp hóa, nhưng vẫn chú trọng giúp đỡ cho nông nghiệp và các hợp tác xã, đồng thời bảo đảm các nhiệm vụ chính trị, văn hóa xã hội và các nhiệm vụ khác của Nhà nước.
Tổng số chi của ngân sách nhà nước năm 1962 tăng 10,6% so với năm 1961, phần vốn của ngân sách nhà nước dành để tích lũy chỉ tăng có hơn 2% so với năm 1961 - tỷ trọng của phần vốn dùng cho tích lũy chiếm 56,6% của tổng số chi ngân sách.
Riêng số chi về kiến thiết cơ bản chiếm 49,3% ngân sách nhà nước và tăng hơn năm 1961 3%.
Vốn kiến thiết cơ bản công nghiệp chiếm 44,2% tổng số đầu tư về kiến thiết cơ bản của Nhà nước. Số vốn kiến thiết cơ bản về nông nghiệp - nông trường và thủy lợi chiếm 20% tổng số vốn đầu tư kiến thiết cơ bản.
Số chi về nông nghiệp nông trường tăng 27,7% so với năm 1961, về thủy lợi tăng 38,8% so với năm 1961. Riêng phần vốn kiến thiết cơ bản thủy nông tăng gấp hai lần năm 1961.
Trong năm 1962 ngân sách nhà nước tiếp tục dành ra để cho vay dài hạn giúp đỡ các hợp tác xã nông nghiệp, nghề cá, nghề muối và hợp tác xã thủ công nghiệp lên đến 35 tr. Và nếu kể cả số thu nợ về bán chịu phân bón thì là 40tr., như vậy càng thấy rõ sự quan tâm của Nhà nước đối với nông nghiệp và hợp tác xã.
Trong khi phải tập trung vốn cho sản xuất như vậy, ngân sách nhà nước dành 11,2% cho các hoạt động của các ngành văn xã - tăng 9,8% so với năm 1961. Nếu kể cả các khoản chi về đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học… của các ngành khác thì số chi về văn xã chiếm 25,6% của số chi ngân sách năm 1962. Các ngành hoạt động về sự nghiệp văn xã cần nâng cao chất lượng công tác để phát huy hiệu lực số vốn lớn mà ngân sách dành cho các hoạt động văn xã. Trên đây là chưa kể quỹ bảo hiểm xã hội của Nhà nước, một quỹ mà nhà nước thành lập kể từ đầu năm 1962 để bảo đảm giải quyết các nhu cầu về bảo hiểm xã hội của công nhân viên chức nhà nước. Và cũng chưa kể số chi về xã
hội của các cơ quan xí nghiệp dành cho đời sống của công nhân viên chức.
Các chỉ tiêu của Nhà nước về hành chính, quốc phòng và các chỉ tiêu khác đều được bảo đảm - với tinh thần tiết kiệm.
Uỷ ban chúng tôi có một số nhận xét sau đây đối với việc phân phối chi tiêu của ngân sách nhà nước năm 1962.
1. Số chi về kiến thiết cơ bản chiếm đến 49,3% ngân sách nhà nước - và tăng 3% so với năm 1961, bảo đảm mức tăng 7,45% về khối lượng kiến thiết cơ bản. Mức tăng như vậy là thỏa đáng trong tình hình hiện nay, nhưng chưa giải đáp được hết yêu cầu về xây dựng cơ bản của các ngành và các địa phương. Năm 1962 Chính phủ đã cho ban hành các định mức mới về lao động và vật liệu sử dụng trong kiến thiết cơ bản, và các tiêu chuẩn kiến thiết mới đối với các công trình dân dụng. Mặt khác, mấy năm nay các ngành xây dựng cơ bản đã hạ được giá thành xây lắp, cho nên về thực chất với số khối lượng đầu tư tăng 7,45%, số chi kiến thiết cơ bản tăng 3%, các ngành có thể bảo đảm làm thêm một khối lượng kiến thiết cơ bản lớn hơn mức tăng 7,45% ghi trong kế hoạch nhà nước. Uỷ ban chúng tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ cố gắng hạ giá dự toán thiếtkế đối với các công trình kiến thiết cơ bản xét ra có điều kiện hạ được để dành thêm vốn bảo đảm thực hiện khối lượng ghi trong kế hoạch và có thể cho làm thêm một số công trình có điều kiện thi công trong năm 1962.
Ngoài ra, Ủy ban chúng tôi tán thành chủ trương của Chính phủ dành một số vốn dự bị về kiến thiết cơ bản để cho làm thêm những công trình cần thiết nhất là các công trình loại vừa, loại nhỏ, bỏ vốn ít mà sản xuất nhanh.
Gần một nửa ngân sách nhà nước là dành cho kiến thiết cơ bản. Cho nên việc quản lý kiến thiết cơ bản cần được tăng cường mới có thể bảo đảm hoàn thành kế hoạch khối lượng, bảo đảm dựa vào sản xuất đúng thời gian đã định, bảo đảm chất lượng công trình và giá thành công trình. Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ đặc biệt quan tâm cải tiến quản lý kiến thiết cơ bản và coi việc chống lãng phí trong ngành kiến thiết cơ bản là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước.
2. Số chi về vốn lưu động - Năm 1962 ngân sách nhà nước dành đến 78,5tr. để cấp phát thêm vốn lưu động cho các ngành, tăng 19,6% so với năm 1961.
Tình hình vốn lưu động ứ đọng còn nghiêm trọng, tình hình sử dụng vốn lưu động không chặt chẽ còn nhiều, công tác thanh toán làm còn chậm, Ủy ban chúng tôi kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ tìm biện pháp huy động số vật tư ứ đọng để đem ra sử dụng và giải phóng số vốn nhà nước, đồng thời cải tiến việc quản lý vốn lưu động trong các ngành, đặt chỉ tiêu, tăng vòng quay vốn là một chỉ tiêu quan trọng trong các kế hoạch và có biện pháp tăng số vòng quay vốn lưu động trong các ngành, các xí nghiệp.
Nếu giải phóng được vốn ứ đọng, cải tiến được công tác thanh toán, tăng được vòng quay vốn, thì còn có thể tiết kiệm hơn nữa số vốn lưu động phải cấp phát thêm cho các ngành trong năm 1962.
3. Số chi về cho vay dài hạn ngày càng lớn, Ngân hàng nhà nước cần quản lý tốt hơn, phát huy đầy đủ hiệu lực của tiền vốn nhà nước, phát huy khả năng tích lũy của các tổ chức tập thể, phân phối vốn cho vay cho trúng các nhu cầu của các hợp tác xã, tổ chức cấp phát và giám đốc việc sử dụng vốn cho chặt chẽ, kết hợp chặt chẽ kế hoạch tín dụng với kế hoạch vật tư và việc quản lý tiền mặt.
4. Số chi về hành chính trong các cơ quan cũng như trong các công trường, xí nghiệp… cần phải hết sức tiết kiệm.
Việc biên chế nhân viên hành chính hiện nay của chúng ta quá nhiều, bộ máy tổ chức cồng kềnh đẻ ra bệnh quan liêu giấy tờ, gây lãng phí nhiều cho nhà nước.
Ủy ban chúng tôi nhận thấy rằng cần chấn chỉnh tổ chức làm cho bộ máy nhà nước và bộ máy quản lý kinh tế được gọn hơn, có hiệu suất cao hơn, trên cơ sở đó mà tinh giản biên chế hành chính, tăng cường thêm người cho mặt trận sản xuất.
Mặt khác chúng tôi nhấn mạnh việc quản lý biên chế và quản lý quỹ lương cần phải nghiêm túc và chặt chẽ hơn.
PHẦN THỨ 3
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ BIỆN PHÁP PHẤN ĐẤU ĐỂ
BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
Dự án ngân sách nhà nước năm 1962 đã được xây dựng căn cứ vào các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước. Lực lượng dự bị của Nhà nước về tài chính ghi trong ngân sách được 44,9tr., bằng 2,4% ngân sách là tương đối mỏng. Trong năm 1962, lại phải phấn đấu thực hiện ngân sách có bội thu để làm lực lượng dự trữ tài chính cho năm 1962 và những năm sau. Cho nên, để bảo đảm thỏa mãn nhu cầu vốn cho việc thực hiện kế hoạch nhà nước, phương hướng phấn đấu tích cực nhất là trong quá trình thực hiện kế hoạch và ngân sách năm 1962, phải ra sức đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm để có thể tăng thu hơn nữa, tiết kiệm chi hơn nữa, trên cơ sở đó mà có thêm vốn làm thêm các công việc cần làm, và tăng dự trữ tài chính của Nhà nước.
Ủy ban chúng tôi nhất trí với Chính phủ về các biện pháp chính để bảo đảm thực hiện ngân sách nhà nước năm 1962 đã được nêu lên trong bản báo cáo của Chính phủ:
1. Phải ra sức bảo đảm những chỉ tiêu về sản xuất và thu mua, nắm nguồn hàng trong tay nhà nước, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch xuất nhập khẩu.
2. Tăng cường công tác thống kê kế toán và quản lý tài chính trong các ngành kinh tế quốc dân và cơ quan nhà nước.
3. Tích cực bảo đảm kế hoạch thu nộp tài chính nhà nước và quản lý chặt chẽ chi.
4. Tăng cường công tác quản lý tài chính ở các địa phương.
5. Ra sức thực hiện tốt cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí và quan liêu".
Ủy ban chúng tôi nhấn mạnh đến một số điểm sau đây:
1. Trong việc quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước trong năm 1962 - để bảo đảm thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước được tốt, cần chú trọng đặc biệt bảo đảm thăng bằng thu chi ngân sách kết hợp với thăng bằng tín dụng và thăng bằng vật tư trong xã hội.
Tình hình mất cân đối giữa vật tư và tiền tệ trong năm 1961, cũng như tình hình mất cân đối giữa quỹ hàng hóa và quỹ mua của xã hội, đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp tích cực, ra sức đẩy mạnh sản xuất công nông nghiệp - phải phát huy khả năng tiềm tàng của các ngành thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương, cũng như phải phát huy đúng mức kinh tế phụ gia đình của các xã viên hợp tác xã, để có thêm vật tư và hàng hóa cung cấp cho xã hội.
Phải đặc biệt làm tốt công tác thu mua nắm nguồn hàng trong tay nhà nước, tổ chức phân phối có kế hoạch, khuyến khích tiết kiệm tiêu dùng, quản lý thị trường, đề phòng đầu cơ.
Phải đặc biệt quan tâm bảo đảm kế hoạch xuất khẩu và hoàn thành tốt kế hoạch nhập khẩu để có vật tư và hàng hóa bảo đảm nhu cầu cho sản xuất, kiến thiết và đời sống của nhân dân.
Mặt khác phải đẩy mạnh các biện pháp thu hút tiền mặt, mở rộng hoạt động của các quỹ tiết kiệm phục vụ nhân dân lao động, mở rộng hoạt động của Ngân hàng nhà nước phục vụ các hợp tác xã về các mặt gửi tiền nhàn rỗi, cho vay ngắn hạn và thanh toán, đặc biệt chú trọng tổ chức tốt việc thu hồi các khoản nợ của Nhà nước (tiền ứng trước thu mua, tiền cho vay dài hạn và ngắn hạn đến hạn nợ, tiền bán chịu phân bón v.v.). Các hoạt động phục vụ công cộng thu hút tiền mà không cần hàng hóa cần phải được đẩy mạnh.
Ngoài các hình thức xổ số, tiết kiệm dài hạn mà Chính phủ đã cho tiến hành, Ủy ban chúng tôi kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu việc phát hành công trái kiến thiết để tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân góp một phần vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa nước nhà.
2. Để thúc đẩy sản xuất và tiết kiệm, cần phát huy hơn nữa chức năng giám đốc các hoạt động kinh tế của cả hệ thống tài chính và ngân hàng từ Trung ương đến các địa phương.
Các cơ quan tài chính từ Trung ương đến các địa phương qua các quan hệ tài chính với các xí nghiệp, các ngành, cũng như các cơ quan Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng kiến thiết, qua công tác thanh toán, tín dụng và cấp phát… phải đi sâu vào hoạt động kinh tế của các ngành, các xí nghiệp, tìm hiểu tình hình kinh tế, cùng các ngành, các xí nghiệp phân tích các hoạt động kinh tế, phát hiện các khả năng tiềm tàng và đề ra biện pháp khai thác các khả năng đó để đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm, tăng cường hạch toán kinh tế và kỷ luật tài chính, tăng cường tích lũy cho nhà nước.
Trên vị trí tổng hợp của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tài chính - ngân hàng phải trở thành công cụ có hiệu lực của Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương để giám đốc sản xuất và phân phối sản phẩm trong xã hội.
Trong lúc chúng ta phải ra sức quán triệt chế độ tiết kiệm trong mọi hoạt động của xã hội, để đẩy mạnh tích lũy vốn bảo đảm công cuộc công nghiệp hóa, thì việc tăng cường vai trò của hệ thống tài chính, ngân hàng từ Trung ương đến các địa phương có một ý nghĩa quan trọng,
Chính quyền các cấp, thủ trưởng các ngành các đơn vị phải làm đầy đủ trách nhiệm của mình đối với việc quản lý tài chính nhà nước, và nâng cao hiệu lực của hệ thống tài chính, ngân hàng phục vụ sự lãnh đạo toàn diện của Đảng của Nhà nước cũng như của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị.
Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Ủy ban chúng tôi nhận định rằng dự án ngân sách nhà nước năm 1962 đã được xây dựng trên cơ sở của kế hoạch nhà nước năm 1962. Các căn cứ của các khoản thu nhà nước cũng như phương hướng phân phối vốn đều hợp lý.
Dựa trên các phân tích, nhận xét và kiến nghị đã trình bày trong bản thuyết trình này, Ủy ban chúng tôi trân trọng đề nghị Quốc hội phê chuẩn bản dự án ngân sách nhà nước năm 1962 mà Chính phủ đã trình bầy.
Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội giao trách nhiệm cho Chính phủ nghiên cứu những kiến nghị của Ủy ban chúng tôi và của các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1962.