BÁO CÁO CÔNG TÁC
CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
(Do ông Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký
Uỷ ban thường vụ Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá II, ngày 23-10-1962)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi xin báo cáo với các đồng chí về công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ kỳ họp lần thứ 4 của Quốc hội đến nay.
Trước hết tôi xin báo cáo về việc phổ biến các nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp trước và về hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong thời gian vừa qua.
Sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa II, hầu hết các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đã báo cáo về nội dung và kết quả của kỳ họp với cử tri. Trên 200 cuộc họp mặt đã được tổ chức để đại biểu tiếp xúc với nhân dân. Các đại biểu Quốc hội đã kết hợp báo cáo của mình với các cuộc vận động quan trọng đương tiến hành ở địa phương để động viên nhân dân hoàn thành những nhiệm vụ trước mắt. Nơi nào đang có những cuộc hội nghị cán bộ hoặc hội nghị khác thì các đại biểu tranh thủ đến phổ biến nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài việc đi báo cáo với cử tri nói trên, một số đoàn đại biểu Quốc hội địa phương và nhiều đại biểu Quốc hội đã tăng cường sự liên hệ thường xuyên với cử tri. Các đại biểu đã tìm hiểu ý kiến của cử tri ở cơ sở đối với việc thi hành các chính sách, đã cùng với cử tri thảo luận kế hoạch thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Mặt khác, có nhiều cử tri đã tìm đến các đại biểu của mình phát biểu ý kiến về việc thi hành các chính sách ở địa phương, như chính sách thu mua nông sản và cung cấp hàng tiêu dùng, phát triển và củng cố hợp tác xã, v.v..
Trong thời gian vừa qua, các đoàn đại biểu Quốc hội Nam bộ và miền Nam Trung bộ đã họp nhiều lần để nhận định về tình hình miền Nam và đề ra những công tác phải làm để góp phần của mình vào việc đấu tranh chống những âm mưu mới của Mỹ - Diệm ở miền Nam, như ra tuyên bố phản đối sự xâm lược ngày càng trắng trợn của đế quốc Mỹ vào miền Nam, gửi thư thăm hỏi đồng bào miền Nam, v.v..
Hai nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp trước về kế hoạch và về ngân sách nhà nước năm 1962 đều có lưu ý Hội đồng Chính phủ về những ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trong kỳ họp Quốc hội. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chuyển đến Thủ tướng Chính phủ những ý kiến và đề nghị của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trong kỳ họp. Những vấn đề nêu lên đã được Hội đồng Chính phủ nghiên cứu giải quyết hoặc chuyển đến các Bộ và cơ quan hữu quan giải quyết. Nhiều Bộ và cơ quan hữu quan của Chính phủ trên tinh thần coi trọng các ý kiến và đề nghị của các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu bổ sung chương trình, kế hoạch công tác của ngành mình.
Qua các cuộc tiếp xúc với nhân dân, các đại biểu Quốc hội đã phản ánh với Ủy ban thường vụ Quốc hội tình hình chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước ở địa phương, tình hình hoạt động của một số nhà máy, hầm mỏ, nông trường, hợp tác xã, kèm theo những nhận xét và đề nghị cụ thể của mình.
Những thư của các đại biểu Quốc hội phản ánh tình hình và nêu các đề nghị đều được Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu và chuyển đến các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết. Về việc này trong nhiều trường hợp đã được các cơ quan hữu quan chú ý giải quyết tốt, nhưng cũng còn một số trường hợp chưa được các cơ quan hữu quan quan tâm đúng mức và nghiên cứu để giải quyết kịp thời. Ủy ban thường vụ Quốc hội mong rằng trong thời gian tới tình hình đó sẽ được khắc phục.
Ngày 20-8-1962, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cử một đoàn đại biểu gồm 5 đại biểu Quốc hội đi thăm đồng bào và một số cơ sở khai hoang ở khu tự trị Thái - Mèo. Đoàn gồm có ông Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông Tôn Quang Phiệt, Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch và ngân sách, ông Lại Duy Tiến, đại biểu Thái Bình, ông Cao Thắng, đại biểu Hưng Yên và bà Phùng Thị Vinh, đại biểu khu vực tự trị Thái - Mèo. Đoàn đã đi thăm một số hợp tác xã của đồng bào ở các châu Mường La, Mai Sơn, Mộc Châu, đi thăm một số nông trường và hợp tác xã của đồng bào các tỉnh ở miền xuôi lên khai hoang ở Tây Bắc. Tại các nơi đó, đoàn đã tìm hiểu điều kiện lao động và sinh hoạt, nguyện vọng của cán bộ và xã viên. Đoàn cũng đã góp ý kiến với chính quyền địa phương, với Bộ Nông trường về một số vấn đề cần giải quyết để đẩy công tác khai hoang mạnh hơn nữa.
Mới đây, nhân một số tỉnh bị nạn bão lụt, các đoàn đại biểu Quốc hội đã về thăm hỏi, úy lạo đồng bào và cùng với các cơ quan chính quyền địa phương nghiên cứu phương pháp giúp đỡ đồng bào giải quyết các khó khăn còn tồn tại.
*
* *
Từ kỳ họp Quốc hội lần trước đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp 10 phiên, đã thông qua 2 pháp lệnh và 21 nghị quyết. Sau đây, tôi xin báo cáo các mặt công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
1. Về công tác luật pháp
Để tăng cường lực lượng giữ gìn trật tự trị an của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, xác định trách nhiệm và vinh dự của ngành Cảnh sát nhân dân, nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật của cán bộ và chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, ngày 16-7-1962 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định nhiệm vụ và quyền hạn của ngành Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 17 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 30-8-1962, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định đặc xá những phạm nhân đã ở tù một thời gian và đã tỏ ra thật sự cải tạo trong quá trình được Nhà nước giáo dục.
Trong thời gian qua, để chuẩn bị tốt cho kỳ họp này, bộ phận chuyên môn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tham gia nghiên cứu với các cơ quan hữu quan của Chính phủ dự Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp. Sau khi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã hoàn thành về căn bản, quan hệ sản xuất mới đã được hình thành, một yêu cầu trước mắt được đặt ra là phát huy hơn nữa vai trò và tác dụng của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dự Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính đưa trình Quốc hội để thay thế Luật ngày 31-5-1958 nhằm làm cho tổ chức của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính theo đúng tinh thần và những quy định của Hiến pháp mới, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn hiện tại. Trong quá trình xây dựng dự Luật này, Ủy ban dự án pháp luật của Quốc hội, với nhiệm vụ thẩm tra của mình, đã tích cực góp ý kiến với các cơ quan của Nhà nước để xây dựng các dự luật.
2. Về các vấn đề kinh tế, tài chính
Trong phiên họp ngày 23-5-1962, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo về tình hình thu thuế nông nghiệp và về những đề nghị sửa đổi biện pháp thu thuế nông nghiệp cho phù hợp với quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tán thành những đề nghị của Hội đồng Chính phủ và đã quyết định:
- Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là đơn vị tính thuế, nộp thuế và miễn giảm thuế. Hợp tác xã chịu trách nhiệm nộp cho Nhà nước thuế nông nghiệp về toàn bộ sản lượng thường niên trên diện tích ruộng đất do hợp tác xã kinh doanh và về phần hoa lợi trên diện tích để lại cho xã viên làm riêng. Thuế suất năm 1962 tính bằng thuế suất bình quân năm 1961.
- Các nông hộ chưa vào hợp tác xã chịu trách nhiệm nộp thuế cho Nhà nước căn cứ vào sản lượng thường niên trên diện tích ruộng đất cầy cấy năm 1962. Việc tính thuế dựa theo thuế suất năm 1961 của các nông hộ đó.
Trong phiên họp ngày 9-8-1962, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước 6 tháng đầu năm 1962 và phương hướng phấn đấu để hoàn thành kế hoạch Nhà nước trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động và Chính phủ, nhờ tinh thần quyết tâm phấn đấu của toàn dân, nhờ phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu rộng, việc thực hiện kế hoạch trong 6 tháng đầu năm đã có những tiến bộ mới.
Nhưng trong 6 tháng đầu năm cũng còn một số thiếu sót về chỉ đạo thực hiện và tác phong công tác. Do trước mắt còn có những khó khăn chưa thể khắc phục được trong một thời gian ngắn, và để tính toán các mặt cân đối trong 6 tháng cuối năm 1962 cũng như để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu của kế hoạch: những chỉ tiêu xét trong 6 tháng cuối năm không thể thực hiện được thì cần điều chỉnh xuống và những chỉ tiêu xét trong 6 tháng cuối năm có thể thực hiện được vượt mức thì cần điều chỉnh lên.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tán thành việc điều chỉnh theo phương hướng tích cực một số chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1962 theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ. Đồng thời Ủy ban thường vụ Quốc hội đã lưu ý Chính phủ tăng cường công tác điều tra nghiên cứu để giúp cho các ngành trong việc định mức chỉ tiêu kế hoạch được sát hơn; tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc và giáo dục động viên cán bộ và nhân dân trong việc thực hiện kế họach, nhằm làm cho việc thực hiện kế hoạch nhà nước được tốt.
Trong phiên họp ngày 17-10-1962, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 1962 và những đề nghị điều chỉnh ngân sách nhà nước 1962 để ăn khớp với việc điều chỉnh những chỉ tiêu của kế hoạch đã nói ở trên. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc điều chỉnh ngân sách nhà nước năm 1962 và lưu ý Chính phủ về việc phát huy mọi lực lượng tiềm tàng, khai thác mọi nhân tố tích cực trong công tác, ra sức phấn đấu bảo đảm hoàn thành kế hoạch sản xuất, tăng cường kỷ luật thu nộp và thanh toán tài chính để bảo đảm thực hiện dự toán điều chỉnh; hết sức tiết kiệm chi, sử dụng tốt tài chính của Nhà nước, nhất là trong mấy tháng cuối năm.
Trong công tác thẩm tra các đề án của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch và ngân sách, Ủy ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội đã làm sáng tỏ được nhiều vấn đề, giúp cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận và quyết định được tốt các vấn đề đó.
Trong phiên họp ngày 17-10-1962, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo về Hiệp ước thương mại và hàng hải đã được ký kết giữa các đoàn đại biểu của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Nhân dân Anbani. Sau khi thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp ước thương mại và hàng hải nói trên.
3. Về việc bổ nhiệm các nhân viên cao cấp và việc tổ chức bộ máy Nhà nước
a) Về Ủy ban thường vụ Quốc hội
Trong phiên họp ngày 26-6-1962 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban thường vụ Quốc hội, xin được miễn kiêm nhiệm chức Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội vì bận nhiều công việc. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chấp nhận lời yêu cầu của ông Hoàng Văn Hoan và cử ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức Tổng thư ký Ủy ban thường vụ Quốc hội.
b) Về Hội đồng Chính phủ
Trong các phiên họp ngày 25-5-1962 và ngày 9-8-1962 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn quyết định của Hội đồng Chính phủ về việc:
- Đặt Việt Nam Thông tấn xã trước đây trực thuộc Phủ Thủ tướng thành cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
- Tách Cục quản lý xây dựng cơ bản ra khỏi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và đặt thành một cơ quan ngang Bộ, lấy tên là Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước.
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Nhân dân Rumani, nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari, nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, nước Cộng hòa Mali và Vương quốc Lào.
4. Về quan hệ giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Trong phiên họp ngày 25-9-1962, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về công tác trong 6 tháng đầu năm 1962 và phương hướng công tác trong 6 tháng cuối năm của hai ngành Tòa án và Kiểm sát. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng các Tòa án nhân dân và các Viện kiểm sát nhân dân đã cố gắng thực hiện các mặt công tác của mình nhằm phục vụ công tác trọng tâm trước mắt của Đảng và Nhà nước, đã có nhiều tiến bộ trong công tác đấu tranh chống phạm pháp và hạn chế phạm pháp, giữ vững pháp chế xã hội chủ nghĩa.
5. Về những thư từ của nhân dân gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được 350 thư từ của nhân dân, trong ấy có 45 trường hợp nhân dân trực tiếp đến gặp Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình bày ý kiến.
Văn phòng Ủy ban thường vụ Quốc hội đã liên hệ chặt chẽ với Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để đôn đốc và nhắc nhở các cơ quan giải quyết kịp thời các thư từ của nhân dân. Một số cơ quan, một số địa phương, do nhận thức đúng đắn về trách nhiệm giải quyết các nguyện vọng của nhân dân, đã quan tâm hơn trước đến vấn đề này. Tuy vậy, hiện nay còn có một số cơ quan ở Trung ương và địa phương chưa nhận thức đúng mức ý nghĩa của công tác này, nên việc giải quyết thư từ của nhân dân hiện nay còn bị chậm trễ. Ủy ban thường vụ Quốc hội mong rằng các cơ quan có trách nhiệm cần thấu suốt tinh thần và những điều khoản của Hiến pháp quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước và nhân viên cơ quan nhà nước trước nhân dân mà quan tâm hơn nữa đến việc giải quyết đúng đắn các thư từ và nguyện vọng của nhân dân.
6. Về việc tặng thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự của Nhà nước
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xét những đề nghị của Hội đồng Chính phủ về việc tặng thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự của Nhà nước và đã có những quyết định như sau:
- Về tiếp tục khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 5.208 Huân chương Kháng chiến cho cán bộ, công nhân, viên chức đã có công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc;
- Về khen thưởng thành tích thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1961, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 1.243 Huân chương Lao động và 89 Huân chương Chiến công cho những đơn vị và cá nhân có thành tích thi đua trong năm 1961, và tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 45 cá nhân đã liên tục lập nhiều thành tích, nhân dịp Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3.
- Trong thời gian vừa qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tặng thưởng Huân chương Lao động cho 36 đồng chí chuyên gia các nước anh em đã có công giúp nhân dân ta phát triển kinh tế và văn hóa, xây dựng nước nhà.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định tặng thưởng danh hiệu vinh dự Anh hùng Lao động của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho hai phi công vũ trụ Liên Xô Nicôlaép và Papôvích đã thành công trong cuộc bay đôi kéo dài chung quanh quả đất và đánh dấu một bước tiến quan trọng của loài người trong sự nghiệp chinh phục vũ trụ.
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho bà Háctini Xucácnô, vợ Tổng thống nước Cộng hòa Inđônêxia, nhân dịp bà sang thăm hữu nghị nước ta, để tỏ lòng hoan nghênh của nhân dân ta đối với nhân dân Inđônêxia đã đồng tình và ủng hộ nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập dân tộc và hòa bình thống nhất Tổ quốc.
7. Về công tác đối ngoại
Ngày 16-7-1962, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi thư cho Quốc hội Triều Tiên, hưởng ứng bức thư ngày 21-6-1962 của Quốc hội Triều Tiên gửi Quốc hội các nước trên thế giới kêu gọi ủng hộ nhân dân Triều Tiên đòi đế quốc Mỹ rút quân khỏi Nam Triều Tiên. Bức thư của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nói lên sự thông cảm sâu sắc, sự đồng tình và ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân ta đối với nguyện vọng của nhân dân Triều Tiên anh em đòi thống nhất đất nước của mình. Thư của Quốc hội Triều Tiên gửi Quốc hội các nước và thư của Ủy ban thường vụ Quốc hội ta gửi Quốc hội Triều Tiên đều đã sao chuyển đến các đại biểu Quốc hội.
Cuối tháng 7-1962, Ủy ban thường vụ Quốc hội lại nhận được thư của Ủy ban pháp luật của Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức kêu gọi Quốc hội các nước phản đối việc chính quyền Tây Đức đã cử luật gia quốc xã Uôngăng Phơrăngken (Wolgang Frankel) đã phạm nhiều tội ác dưới thời Hítle giữ chức vụ Tổng chưởng lý liên bang Tây Đức.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban dự án pháp luật của Quốc hội trả lời thư kêu gọi của Ủy ban pháp luật của Quốc hội nước anh em, phản đối hành động phi pháp này của chính quyền Tây Đức.
Gần đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội lại nhận được giác thư của Chủ tịch đoàn Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức về những âm mưu của Chính phủ liên bang Tây Đức đương tích cực trang bị vũ khí hạt nhân cho quân đội Tây Đức để thực hiện những âm mưu xâm lược và phục thù của bọn quân phiệt Tây Đức. Trong kỳ họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội nghiên cứu bức giác thư này và có thái độ thích đáng.
Ngày 26-6-1962, Ủy ban thường vụ Quốc hội có gửi thư cho đồng chí Chủ tịch Viện liên bang và đồng chí Chủ tịch Viện dân tộc của Xô viết tối cao Liên Xô mời một đoàn đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô sang thăm hữu nghị nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng ngày ấy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi thư cho Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, mời một đoàn đại biểu Quốc hội Trung Quốc sang thăm hữu nghị nước ta.
Xôviết tối cao Liên Xô và Quốc hội Trung Quốc đã nhận lời mời của Ủy ban thường vụ Quốc hội ta.
Ngày 30-9-1962, một đoàn đại biểu Quốc hội Trung Quốc gồm 9 đại biểu Quốc hội do đồng chí Bành Chân, Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, làm trưởng đoàn đã sang thăm nước ta. Trong thời gian ở nước ta, đoàn đã hội đàm với Ủy ban thường vụ Quốc hội, đến thăm Hồ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn đã đi thăm một số cơ sở công nghiệp, nông nghiệp và văn hóa ở Hà Nội và ở các địa phương như Việt Trì, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hồng Quảng, Quảng Bình và tiếp xúc với Ủy ban hành chính, cán bộ và nhân dân ở các địa phương đó. Ở khắp nơi đoàn đến thăm, đoàn đã được nhân dân ta đón tiếp nhiệt liệt, biểu lộ mối tình hữu nghị anh em và lòng biết ơn đối với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã và đang giúp đỡ nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Cuộc đi thăm nước ta của đoàn đại biểu Quốc hội Trung Quốc lần này đã thắt chặt thêm tình hữu nghị vốn có từ lâu giữa nhân dân ta và nhân dân Trung Quốc.
Trong thời gian tới, Quốc hội ta sẽ được vinh hạnh đón tiếp đoàn đại biểu Xôviết tối cao Liên Xô sang thăm hữu nghị nước ta.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trên đây là những công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ kỳ họp trước đến kỳ họp này. Chúng tôi xin báo cáo để các đồng chí đại biểu Quốc hội xét và cho ý kiến.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.