BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH
NHÀ NƯỚC 1961
(Do ông Hoàng Anh, Bộ trưởng Bộ Tài chính
trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá II, ngày 23-10-1962)
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Tôi xin thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước năm 1961.
Trong kỳ họp Quốc hội tháng 4 năm 1962, Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội những nét chính về tình hình chấp hành ngân sách nhà nước năm 1961. Đến nay, các Bộ các ngành và các địa phương đã làm xong quyết toán thu chi ngân sách. Nói chung thì tình hình về căn bản giống như báo cáo của Chính phủ đã trình bày với Quốc hội tháng 4 năm 1962.
Dưới đây chúng tôi xin trình bản quyết toán chính thức của ngân sách nhà nước năm 1961.
Về thu: kế hoạch đầu năm dự trù 1.690.021.000 đ, quyết toán: 1.583.352.097 đ29, so với năm 1960 bằng 106,9%.
Về chi: kế hoạch đầu năm dự trù 1.690.021.000 đ, quyết toán: 1.563.589.836 đ70, so với năm 1960 bằng 106,2%.
Số thu nhiều hơn chi 19.762.260 đ59 gồm kết dư của ngân sách trung ương: 1.434.663 đ05 và kết dư của ngân sách địa phương: 18.327.597 đ54.
So sánh số liệu quyết toán chính thức với số ước tính thực hiện trước đây, có sự thay đổi như sau:
THU: quyết toán là: 1.583.352.097 đ, 29
Tháng 4 ước tính: 1.578.056.700 đ ,00
Tăng: 5.295.397 đ,29
Do tăng thêm:
Về thu xí nghiệp và sự nghiệp 5.710.027 đ,62
Về thu thuế 20.779 đ,72
Và giảm bớt:
Về thu khác 435.410 đ,05
Những số thu này đến khi quyết toán mới có báo cáo cụ thể.
CHI: quyết toán là: 1.563.589.836 đ,70
Tháng 4 ước tính: 1.559.150.500 đ,00
Tăng: 4.439.336 đ,70
PHẦN THU
Tổng số thu ngân sách năm 1961 quyết toán là 1.583.352.097 đ,29. Phần thu trong nước (không kể kết dư) là 1.300.024.401 đ,75, chiếm tỷ trọng 82,11% tổng số thu ngân sách (năm 1960 là 80,1%). Phần thu về viện trợ và vay quyết toán là 274.126.304 đ,09, chiếm tỷ trọng 17,31% tổng số thu ngân sách.
Thu trong nước:
Năm 1961, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước, nhưng nhờ phong trào thi đua sôi nổi của quần chúng, nhờ sự cố gắng của các cấp, các ngành nên nhiều chỉ tiêu kinh tế đã tăng hơn so với năm 1960: tổng sản lượng nông nghiệp tăng 8,8%, tổng sản lượng công nghiệp tăng 12,1%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa xã hội tăng 8,1%.
Thu nhập quốc dân năm 1961 tăng 9,5% so với năm 1960.
Số thu trong nước của ngân sách nhà nước năm 1961 tăng 9,6% so với 1960.
I. THU XÍ NGHIỆP VÀ SỰ NGHIỆP
Thu về xí nghiệp và sự nghiệp quyết toán là 895.334.527 đ62 tăng 11,5% so với năm 1960.
Từ đầu năm 1961, trong các phong trào thi đua với Duyên Hải, Đại Phong, Ba Nhất các xí nghiệp quốc doanh đã phát huy được nhiều khả năng cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động và hạ giá thành nên đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng 21,6%, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 5,8%, doanh số thương nghiệp quốc doanh tăng 25,9%, doanh số xuất nhập khẩu tăng 7,8%. Công tác quản lý kinh tế tài chính cũng có tiến bộ, năng suất lao động trong ngành công nghiệp quốc doanh tăng hơn năm 1960: 9,7%, giá thành và phí lưu thông hạ hơn trước. Công tác quản lý tài vụ và kế toán ở các ngành và các xí nghiệp được các thủ trưởng và cán bộ chuyên trách đưa dần vào các nguyên tắc chế độ và kỷ luật nên cũng đã góp phần tăng thêm thu nhập và tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước.
Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm cho số thu xí nghiệp tăng hơn năm 1960.
Tuy nhiên nhìn chung, thì thấy khả năng tiềm tàng của các xí nghiệp, các ngành kinh tế còn nhiều, nhưng chưa được khai thác đầy đủ và kịp thời.
Chế độ thu nộp cho ngân sách nhà nước, ở nhiều ngành nhiều xí nghiệp, chưa được tôn trọng và chấp hành đầy đủ. Tình trạng nộp chậm, nộp thiếu, chiếm dụng vốn của Nhà nước còn phổ biến.
Công việc thanh toán trong nền kinh tế làm còn chưa tốt, nhiều khâu giải quyết chậm hoặc chưa đi vào nền nếp, vào kỷ luật, cho nên tình trạng nợ nần dây dưa kéo dài.
Qua tình hình phân tích trên đây, rõ ràng là có nhiều khả năng thực tế để thực hiện tốt hơn kế hoạch kinh tế và ngân sách nhà nước 1961 nếu công tác quản lý kinh tế tài chính của chúng ta chặt chẽ hơn thì còn có khả năng thu cho ngân sách nhiều hơn nữa.
II. THU VỀ THUẾ
Số thu về thuế quyết toán là 376.333.779 đ, 72 so với năm 1960, tăng 7,5%.
1. Thuế công thương nghiệp thực hiện 276tr579, so với năm 1960 tăng 12,5%.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thuế, một số địa phương đã bắt đầu chú ý đến hoạt động kinh tế của các xí nghiệp quốc doanh, giúp đỡ các xí nghiệp thúc đẩy sản xuất phát triển và làm đúng nhiệm vụ tích lũy, nhờ đó mà phát hiện được những khoản thuế chưa nộp đủ.
Trong công tác quản lý thu thuế đối với thị trường tự do, từ giữa năm về sau, nhiều địa phương đã chú ý khuyến khích việc lưu thông nông sản, thực phẩm phụ giữa thành thị và nông thôn; một số địa phương đã khéo kết hợp việc vận động giáo dục nhiệm vụ bán nông sản với động viên thực hiện nghĩa vụ đóng thuế nên đã bảo đảm việc thu thuế và thu mua tốt.
Tuy nhiên, công tác thuế trong năm 1961 cũng có nhiều khuyết điểm và nhược điểm về mặt chấp hành nhiệm vụ thu và thực hiện chính sách thuế của Nhà nước:
- Về chấp hành nhiệm vụ thu, thì còn để thất thu nhiều, nhất là ở khu vực kinh tế cá thể và hợp tác.
- Về chấp hành chính sách và biện pháp thu còn nhiều thiếu sót:
Đối với xí nghiệp quốc doanh địa phương, xí nghiệp công tư hợp doanh và hợp tác xã, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quản lý từng đơn vị cơ sở. Có địa phương để cho xí nghiệp nộp được đến đâu hay đến đó, cho nên một mặt thì để thất thu, mặt khác thì không dựa được vào việc quản lý thu thuế mà giám đốc các hoạt động kinh tế của xí nghiệp, của hợp tác xã và theo dõi, giúp đỡ họ.
Đối với thị trường tự do thì chiều hướng buông lỏng là phổ biến, một trong những nguyên nhân quan trọng là do có nhiều nơi số lượng cán bộ của ngành thuế không đủ để bảo đảm việc quản lý thu thuế ở thị trường tự do, kết hợp với quản lý thị trường, ổn định vật giá, củng cố tiền tệ; việc quản lý các hộ tiểu thương thiếu chặt chẽ.
2. Thuế nông nghiệp : thực hiện 499.000 tấn đạt 96% kế hoạch, nhưng tính ra tiền thì số thu so với dự toán đầu năm tăng 2%, vì ngành lương thực thanh toán số thóc thuế theo giá mới, cao hơn đầu năm.
Sử dụng viện trợ và vay:
Số thu về viện trợ và vay quyết toán là 274.126.304 đ09 so với năm 1960 bằng 109,8%.
PHẦN CHI
Tổng số chi năm 1961 quyết toán là 1.563.589.836 đ70, so với năm 1960 tăng 6,2%.
Loại chi |
Số thực hiện |
Tỷ trọng |
Tỷ lệ so với 1960 |
Tổng số
Chi kiến thiết kinh tế
Chi văn giáo, y tế, xã hội
Chi quốc phòng và hành chính
Chi về trả nợ
Chi phí khác |
1.563.589.836,70
994.894.809,56
177.535.938,57
330.699.645,09
15.572.643,00
44.886.800,48 |
100%
63,63%
11,35%
21,14%
1,01%
2,87% |
106,2%
110,2%
110,4%
98,
88,7%
85,4% |
Dưới đây xin báo cáo một số vấn đề cụ thể về chi:
1. Vốn kiến thiết cơ bản:
Vốn kiến thiết cơ bản của ngân sách nhà nước đầu năm dự trù 844tr300 nay thực chi 824tr028 chiếm 52,7% tổng số chi của ngân sách, so với năm 1960 tăng 3,4%.
Công tác quản lý kiến thiết cơ bản nói chung và riêng các công tác thăm dò, thiết kế, tổ chức thi công đều có tiến bộ so với trước. Trong năm 1961, đại bộ phận các công trình trên hạn ngạch đều tiến hành cấp phát theo khối lượng công trình.
Tuy nhiên, việc quản lý vốn kiến thiết cơ bản năm 1961 còn nhiều được điểm và khuyết điểm:
Còn nhiều ngành, nhiều đơn vị làm kiến thiết cơ bản ngoài kế hoạch.
Một số ngành vẫn chưa tôn trọng đầy đủ trình tự kiến thiết cơ bản nên thi công kéo dài; việc quản lý thi công thì không có kế hoạch toàn diện, nên lãng phí còn nhiều.
Thời gian thi công kéo dài, việc lắp đặt không ăn khớp với việc xây dựng, với việc nhập thiết bị; thời gian chuyển vào sản xuất không bảo đảm được đúng kế hoạch, do đó mà vốn đầu tư phát huy tác dụng chậm.
Giá thành xây dựng còn tương đối cao, kế hoạch cũng như biện pháp phấn đấu hạ giá thành xây dựng chưa được các cấp, các ngành chú ý đúng mức.
Đối với các công trình kiến thiết cơ bản ở địa phương thì việc quản lý kế hoạch, quản lý thi công lại càng yếu hơn nữa.
2. Vốn lưu động và dự trữ vật tư:
Việc quản lý vốn lưu động của các ngành trong năm 1961 có tiến bộ so với trước, nhưng tiến bộ chậm. Vòng quay vốn lưu động của một số ngành có nhanh hơn so với năm 1960 nhưng vẫn chưa đạt mức kế hoạch đề ra đầu năm, một phần là vì thiếu nguyên liệu, phụ tùng nên số sản phẩm dở dang tăng lên, sản lượng thương phẩm giảm xuống và có những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm; mặt khác, vì dự trữ vật tư nhập khẩu của các ngành còn vượt định mức nhiều. Vòng quay vốn lưu động tăng chậm cũng do việc quản lý vốn lưu động và quản lý vật tư còn thiếu chặt chẽ, vật tư bị ứ đọng nhiều.
Vật tư và vốn bị ứ đọng làm cho Nhà nước thêm nhiều khó khăn .
3. Vốn cho vay dài hạn:
Trong năm 1961, để giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp, nghề cá, nghề muối và thủ công nghiệp phát triển sản xuất, cải tiến kỹ thuật, Nhà nước đã mở rộng cho vay đối với kinh tế tập thể: số vốn cho vay dài hạn mà ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Nhà nước trong năm 1961 là 47 triệu, vượt kế hoạch đầu năm 88%, tăng 4,5 lần so với năm 1960.
Việc Nhà nước mở rộng cho vay đối với hợp tác xã đã giúp cho hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh khai hoang, tăng vụ làm thủy lợi, sắm thêm nông cụ cải tiến, trâu bò. Số thuyền, lưới đánh cá bể cũng tăng lên. Sự giúp đỡ về vốn của Nhà nước đối với hợp tác xã đã có tác dụng lớn trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của xã viên và của hợp tác xã, góp phần củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn.
Tuy nhiên, công tác cho vay vốn dài hạn trong năm 1961 chưa kết hợp chặt chẽ với việc khuyến khích tiết kiệm và sử dụng tốt vốn tích lũy của hợp tác xã, chưa đi đôi với việc giải quyết vật tư và việc thu hồi nợ đến hạn.
4. Chi sự nghiệp văn hóa xã hội (không kể kiến thiết cơ bản) tăng 15,3% so với năm 1960.
So học sinh đào tạo ở ngành Đại học tăng lên được 31% so với năm 1960 (riêng ở ngành Sư phạm 41% …); số chỉ tiêu bình quân theo đầu học sinh giảm xuống ít nhiều. Số giường bệnh tăng lên, và chi tiêu bình quân theo giường bệnh cũng giảm được độ 5%. Tuy nhiên, việc quản lý tài sản, quản lý định mức và việc chấp hành chế độ và kỷ luật tài chính trong các ngành văn xã còn lỏng lẻo.
Số chi về văn xã so với số chi của ngân sách chiếm một tỷ trọng lớn và không ngừng tăng lên. Nếu tính cả những chi phí về đào tạo cán bộ ở các ngành kinh tế và những khoản chi có tính chất văn hóa - xã hội ở các ngành khác thì số chi về văn xã so với số thu trong nước là rất lớn: năm 1959 chiếm 20,4%, năm 1960: 25%; năm 1961: 24%.
5. Chi về hành chính và quốc phòng:
Số chi về hành chính thực hiện 98,5%, so với dự toán, chiếm tỷ trọng 5,6% trong tổng số chi ngân sách và giảm 18,7% so với năm 1960.
Chi hành chính ở Trung ương đạt 92,6% dự toán: sau khi ban hành Điều lệ quản lý kinh phí hành chính, nhờ các thủ trưởng cơ quan đã quan tâm hơn đến việc quản lý kinh phí hành chính nên công tác quản lý có tiến bộ hơn, việc chi tiêu mua sắm, hội họp, v.v., có giảm bớt. Nhưng chi tiêu về hành chính ở địa phương thì tăng chủ yếu là do có nhiều địa phương đã vượt chỉ tiêu biên chế của
kế hoạch.
NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Tổng số thu, chi của ngân sách địa phương đầu năm dự trù là 284.265.000 đ (kể cả thu kết dư), nay quyết toán: thu là 276.573.341 đ05 (kể cả kết dư) so với năm 1960 bằng 115%; chi quyết toán là 258.245.743 đ51, so với 1960 bằng 113,5%.
Tổng số thu của ngân sách địa phương tăng 15% so với năm 1960 là tăng nhanh hơn tổng số thu của ngân sách nhà nước; thu của ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng số thu của ngân sách Nhà nước: năm 1959 tổng số thu của ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng 18,9% tổng số thu trong nước của ngân sách nhà nước; năm 1960: 20%; năm 1961: 20,5%.
Trong tổng số thu của địa phương, phần thu xí nghiệp và sự nghiệp cũng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn: năm 1960 là 29,4%, năm 1961 là 30,9%.
Về chi thì phần chi kiến thiết kinh tế và văn hóa - xã hội của địa phương cũng ngày càng tăng về con số tuyệt đối cũng như về tỷ trọng trong ngân sách. Năm 1959 số chi về kiến thiết kinh tế và văn hóa xã hội là 111tr5 bằng 61,6%, năm 1960 là 159tr6 bằng 65,6%, năm 1961 là 191tr9 bằng 74,3% tổng số chi ngân sách. Những con số trên đây chứng tỏ hoạt động kinh tế và văn hóa ở địa phương phát triển không ngừng.
Ngân sách địa phương trước đây là một ngân sách dựa vào thu thuế và chỉ đủ để bảo đảm cho chi tiêu của bộ máy Nhà nước. Càng về sau, số thu về xí nghiệp và sự nghiệp chiếm tỷ trọng càng lớn và đại bộ phận số chi là chi vào phát triển kinh tế và văn hóa.
Ngân sách địa phương 1961 bội thu được 18tr327. Số bội thu này đã góp phần giảm bớt những khó khăn về vật tư, tiền tệ và tài chính trong những tháng cuối năm.
Trong năm 1961, nhiều địa phương đã tích cực giúp hợp tác xã nông nghiệp đào tạo cán bộ tài vụ và kế toán, góp phần vào việc củng cố quản lý của hợp tác xã.
Tuy nhiên, trong năm 1961 việc quản lý tài chính ở địa phương còn có những thiếu sót như :
- Chưa chú ý đi sâu vào hoạt động kinh tế của các ngành, các đơn vị xí nghiệp và sự nghiệp để thúc đẩy sản xuất và tiết kiệm.
- Việc thu nộp đối với các xí nghiệp quốc doanh còn thiếu chặt chẽ; thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp còn để thất thu.
- Về chi thì khuyết điểm chính là ít chú ý đi sâu vào kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn định mức, đặc biệt là đối với các khoản chi về hành chính, về biên chế và tiền lương, cho nên ngân sách địa phương đã chi vượt mức dự toán 1,5% về kinh phí quản lý hành chính, trong lúc tổng số chi của địa phương chỉ thực hiện 90,8% dự toán. Chi về kiến thiết cơ bản do địa phương quản lý cũng còn lỏng lẻo.
*
* *
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Như Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp đầu năm nay, ngân sách nhà nước năm 1961 thực hiện trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn. Đã thế trong công tác quản lý kinh tế và tài chính lại còn nhiều sơ hở và về nhiều mặt còn có khuyết điểm: ý thức tiết kiệm chưa được quán triệt trong các ngành các cấp; kỷ luật tài chính chưa được chấp hành nghiêm chỉnh. Vì vậy mà chưa khai thác được đầy đủ những khả năng tiềm tàng trong ngành kinh tế quốc dân để tăng thu và tiết kiệm chi cho ngân sách.
Tuy nhiên nhờ có phong trào quần chúng thi đua sôi nổi để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch nhà nước nên kế hoạch thu chi năm 1961 căn bản giữ được thăng bằng và cuối năm ngân sách nhà nước có bội thu một ít để làm dự trữ cho về sau. Số bội thu này, phần thuộc ngân sách trung ương là 1.434.663 đ05 đã được chuyển cho Ngân hàng Nhà nước để tăng thêm nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng; phần thuộc về ngân sách địa phương là 18.327.597 đ54 được để lại cho các địa phương sử dụng trong năm 1962, sau khi đã điều hòa từ các thành phố thừa nhiều cho các tỉnh gặp khó khăn trong việc thăng bằng thu chi ngân sách năm 1962.
Việc thẩm tra và phân tích các báo cáo quyết toán đã xác minh những nhận định trong báo cáo của Chính phủ và trong Nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước năm 1961 trong kỳ họp tháng 4 năm 1962 là hoàn toàn chính xác.
Chúng tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội xét và phê chuẩn bản quyết toán ngân sách nhà nước năm 1961 đính kèm.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.