VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

 

BÁO CÁO CỦA UỶ BAN DỰ ÁN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI
VỀ DỰ LUẬT SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG LUẬT NGÀY 15-4-1960 VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
(Do ông Trương Tấn Phát, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dự án pháp luật của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá II, ngày 26-10-1962)

Thưa Chủ tịch Đoàn,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Thay mặt Uỷ ban dự án pháp luật của Quốc hội, chúng tôi xin báo cáo về kết quả thẩm tra dự luật sửa đổi và bổ sung Luật ngày 15-4-1960 về nghĩa vụ quân sự.

Luật nghĩa vụ quân sự do Quốc hội khóa I thông qua ngày 15-4-1960 đã được nhân dân, nhất là thanh niên ta ở thành thị và nông thôn miền Bắc nhiệt liệt hoan nghênh và tích cực thực hiện.

Việc thi hành Luật nghĩa vụ quân sự từ hơn hai năm nay, như Chính phủ đã trình bầy trước Quốc hội, đã có tác dụng to lớn đối với việc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng của nhân dân ta. Đông đảo thanh niên “trẻ, khỏe, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có khả năng hấp thụ cái mới rất nhanh” đã nhiệt liệt hưởng ứng chế độ nghĩa vụ quân sự và đã hăng hái tham gia quân đội thường trực hoặc dân quân, tự vệ.

Những binh sĩ nhập ngũ theo chế độ mới được Đảng giáo dục theo khoa học Mác - Lênin, được các chiến sĩ đàn anh dầy dạn trong chiến đấu giúp đỡ và rèn luyện, được nhân dân yêu mến và ủng hộ tận tình, đã có những tiến bộ vượt bậc về mọi mặt.

Nhưng nhiệm vụ tăng cường củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội tiến lên chính quy và hiện đại đòi hỏi ngày càng nhiều ở quân đội ta, ở quân đội thường trực và ở quân nhân dự bị. Quân đội cách mạng ta ngày càng phải giỏi về quân sự, văn hóa và khoa học, kỹ thuật và phải vững về chính trị, về lập trường, tư tưởng.

Việc thi hành Luật nghĩa vụ quân sự từ hơn hai năm nay đã đem lại những kinh nghiệm quý báu để bồi bổ cho chế độ nghĩa vụ quân sự, đáp ứng đầy đủ hơn nữa yêu cầu xây dựng quân đội, tăng cường củng cố quốc phòng của nhân dân ta hiện nay.

Uỷ ban dự án pháp luật hoàn toàn đồng ý với Chính phủ về sự cần thiết phải dựa trên những kinh nghiệm đã thu thập được để sửa đổi và bổ sung Luật ngày 15-4-1960 về nghĩa vụ quân sự.

Sau đây, chúng tôi xin trình bày ý kiến của Uỷ ban dự án
pháp luật về những vấn đề chủ yếu trong nội dung dự luật của Chính phủ:

1. Về thời hạn phục vụ tại ngũ

Phương châm xây dựng quân đội của Nhà nước ta là: kết hợp nhiệm vụ củng cố quốc phòng với nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Chúng ta chủ trương giữ một quân đội thường trực không đông lắm nhưng tinh nhuệ, để tập trung sức người, sức của vào việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của nhân dân ta hiện nay, đồng thời vẫn bảo đảm quốc phòng.

Để bảo đảm cho quân đội thường trực có đầy đủ chất lượng chiến đấu, có đủ phẩm chất và tài năng của một quân đội cách mạng chính quy và hiện đại, thì thời hạn phục vụ tại ngũ 3, 4, 5 năm tùy theo binh chủng, quân chủng, như Chính phủ đề nghị, là cần thiết, nhất là hiện nay, trước khi vào bộ đội, thanh niên ta mà phần lớn là thanh niên nông dân, còn kém về các mặt văn hóa, chính trị và chưa được rèn luyện về các môn thể thao quốc phòng.

2. Về thời gian huấn luyện quân nhân dự bị

Để bảo đảm sức chiến đấu của quân đội, đi đôi với việc xây dựng quân đội thường trực tinh nhuệ, cần tăng cường lực lượng hậu bị về số lượng và nhất là về chất lượng để có một lực lượng dự trữ sẵn sàng bổ sung và mở rộng hàng ngũ quân đội thường trực, khi cần thiết.

Để đạt mục đích đó, dự luật đã quy định một số sửa đổi về thời gian huấn luyện quân sự hàng năm cho quân nhân dự bị. Theo quy định cũ, thời gian này là 25 ngày đối với sĩ quan dự bị và 15 ngày đối với tất cả hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị. Dự luật đã quy định thời gian huấn luyện quân sự hàng năm cho sĩ quan dự bị, hạ sĩ quan kỹ thuật dự bị, binh sĩ kỹ thuật dự bị và những người được chọn để đào tạo thành sĩ quan dự bị là 25 ngày. Một số binh chủng, quân chủng có yêu cầu về kỹ thuật cao. Do đó đối với một số quân nhân dự bị của các binh chủng, quân chủng ấy, dự luật đã quy định: “trong trường hợp thật cần thiết Hội đồng Chính phủ có thể quyết định việc tổ chức huấn luyện quân sự tập trung cho quân nhân dự bị hạng 2 trong một thời gian không quá 8 tháng”. Theo báo cáo của Hội đồng Chính phủ thì việc huấn luyện tập trung này chỉ thi hành tạm thời trong những năm trước mắt, số lượng tập trung huấn luyện hàng năm không nhiều lắm và chia làm nhiều đợt ở nhiều địa điểm khác nhau.

Uỷ ban dự án pháp luật tán thành những quy định của dự luật vì nó rất cần thiết để tăng cường chất lượng của quân đội và bảo đảm củng cố quốc phòng.

3. Về các điểm sửa đổi và bổ sung khác

Dự luật đã quy định những điểm bổ sung về công tác tuyển binh, công tác đ ộng viên thời chiến và công tác thực tập động viên.

Những quy định về công tác tuyển binh vạch rõ nhiệm vụ của các Uỷ ban hành chính, các thủ trưởng cơ quan, trường học, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các tổ chức khác, trong việc tuyển binh hàng năm, để các cấp, các ngành nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng quân đội, đồng thời để tạo điều kiện cho việc kết hợp đúng đắn yêu cầu củng cố quốc phòng với nhiệm vụ thực hiện kế hoạch sản xuất.

Những quy định về động viên thời chiến vạch rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc động viên và giao cho Chủ tịch Uỷ ban hành chính một số cấp việc ra lệnh, theo mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ quốc phòng, gọi quân nhân dự bị ra phục vụ tại ngũ, để công tác động viên thời chiến tiến hành được nhanh chóng.

Những quy định về thực tập động viên giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau khi có quyết định của Hội đồng Chính phủ, tổ chức thực tập động viên trong thời bình để chuẩn bị cho việc động viên thời chiến tiến hành một cách thành thục và nhanh chóng.

Uỷ ban dự án pháp luật nhận thấy những quy định bổ sung trên đây rất cần thiết.

Thưa Chủ tịch Đoàn,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Luật nghĩa vụ quân sự năm 1960 đã phát huy thắng lợi của chế độ tình nguyện tòng quân trước kia. Những đề nghị sửa đổi và bổ sung của Chính phủ sẽ phát huy hơn nữa tác dụng của chế độ nghĩa vụ quân sự.

Những điểm sửa đổi và bổ sung đối với Luật nghĩa vụ quân sự, mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, chắc chắn sẽ được nhân dân, nhất là thanh niên ta, vốn có truyền thống yêu nước, yêu quân đội, hoan nghênh và tích cực thực hiện, bảo đảm cho quân đội cách mạng ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy và hiện đại xứng đáng là “lực lượng trụ cột của Nhà nước để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ở miền Bắc, đồng thời là hậu thuẫn vững chắc của cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”, như Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ ba đã chỉ rõ.

Uỷ ban dự án pháp luật đề nghị Quốc hội thông qua dự luật của Chính phủ.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.