VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

 

LỜI GIẢI THÍCH VỀ CÁC Ý KIẾN THẢO LUẬN TỔ
VỀ DỰ LUẬT TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP
(Do ông Trương Tấn Phát trình bày tại kỳ họp thứ 5,
Quốc hội khoá II, ngày 26-10-1962)

Trong khi các tổ thảo luận có rất nhiều ý kiến. Sau khi đọc lại báo cáo trình bày một số ý kiến, sau khi các tổ thảo luận, chúng tôi đã tập họp tất cả các ý kiến ở các tổ và phản ánh lại với đại biểu Chính phủ và chúng tôi đã thảo luận với nhau và trình bày với các đồng chí về các điểm của các đồng chí đã nêu ra trong các cuộc thảo luận ở tổ, chúng tôi xin nhắc là chúng tôi theo thứ tự trong bản dự thảo, không theo thứ tự điểm nào quan trọng ít quan trọng nhiều, mà theo thứ tự trong bản dự thảo.

Điều 1 có nói về vấn đề phân định các đơn vị hành chính trong nước. Có ý kiến nêu về cách viết, có ý kiến nói nên chữa lại hai điều hoặc để lên hoặc để xuống, chúng tôi xin báo cáo rằng trong khi nghiên cứu dự Luật thì có nghiên cứu nhiều, đến lúc mà làm Luật này cũng nghiên cứu lại cách viết, nhưng có mắc chỗ này thì không mắc chỗ khác, cách này hay cách khác, làm thế nào, cho nên chúng tôi để thứ tự như vậy, còn về khu tự trị thì sẽ nói rõ hơn, còn đối với khu phố cũng sẽ cụ thể hơn. Cho nên, chúng tôi đề nghị các đồng chí giữ cách viết như thế này theo cách viết trong Hiến pháp.

Có ý kiến đề nghị quy định cho Vĩnh Linh và khu Hồng Quảng ý kiến này tôi thấy là đúng, nhưng không ghi vào trong luật được. Sẽ có cách giải quyết khác, nhưng chúng tôi cũng thấy nếu cho vào Điều 1 thì có hai cái mắc: Điều 1 là nói cách phân định các đơn vị hành chính cả nước, cái mắc thứ hai là nếu ghi vào đây thì là nguyên tắc căn bản, nếu ghi vào đây thì có tính chất đặc biệt thì không ổn: Vĩnh Linh và Hồng Quảng sau này có thay đổi thì Quốc hội lại phải sửa đổi cái này. Tôi đề nghị là sẽ báo cáo sau.

Có ý kiến hỏi thôn có nên đưa vào là đơn vị hành chính không, thị xã có để vào đơn vị hành chính, khu phố không, tôi thấy là nếu ghi là đơn vị hành chính thì có nghĩa là có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính, kế đó các cấp tương đương thì không lấy, có nhiều ý kiến cho rằng là cấp tương đương với cấp kia, như vậy là liên quan đến việc sắp xếp cán bộ như thế nào, cán bộ thành phố đưa xuống khu phố thì bị tụt lương, nên coi khu phố tương đương với cấp huyện. Trong tờ trình Chính phủ có nói chữ tương đương, ý kiến trình bày trong tờ trình Chính phủ có chữ "tương đương" có nghĩa như thế này cũng như trong Điều 1, muốn nói Trung ương, dưới Trung ương thì có cái gì, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu tự trị dưới tỉnh có cái gì, cái đó là tương đương, tương đương không có tính chất về mặt kinh tế, chính trị, tương đương trong việc phân định cấp hành chính, cho nên vấn đề này chúng tôi thấy ý kiến của các đồng chí lo ngại đến việc sắp xếp cán bộ, tôi thấy vấn đề này không ảnh hưởng gì đến việc sắp xếp cán bộ.

Có ý kiến nêu lên có nên đổi tên "Châu" mà gọi là "Huyện" không, trong khi thảo luận đa số các đồng chí nói nên sửa đổi, ý kiến nói là chưa nên đổi thì cho là đó là một đơn vị hành chính của các dân tộc cứ giữ như vậy, có ý kiến cho biết chữ "Châu" trước đây bọn thống trị dùng để phân biệt giữa các dân tộc, gốc của nó là như vậy. Cho nên, bây giờ đây có nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân không muốn có chữ Châu, không thích thú lắm. Chữ Châu không phải là tiếng của địa phương Việt Bắc cho nên bây giờ đổi lại là Huyện cho thống nhất cả nước trong khu tự trị tôi thấy là nên làm.

Về Điều 4, có ý kiến hỏi là tại sao không nói đến nhiệm kỳ của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, chúng tôi xin trả lời, đúng lý ra là Luật tổ chức Tòa án nếu có điều kiện thì đưa ra, nhưng vì luật này lại ra trước. Nếu hai luật này ra một lúc thì thật rõ, và hơn nữa cái này cũng đã có pháp lệnh.

Trong hai ý kiến nên quy định nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân các cấp là 3 năm, nhất loạt là 3 năm, vấn đề này cần phải nghiên cứu. Hiến pháp quy định rồi.

Có ý kiến đề nghị Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ thì Uỷ ban hành chính có thể triệu tập Hội đồng nhân dân trong khi Hội đồng nhân dân chưa bàn mà Hội đồng nhân dân cũ đã hết nhiệm kỳ. Hay là khi Hội đồng nhân dân bị giải tán thì ghi Uỷ ban hành chính có thường trực để giải quyết những vấn đề không quan trọng. Khi Hội đồng nhân dân bị giải tán vì là Uỷ ban hành chính nó ở trong Hội đồng nhân dân.

Tôi xin nói là Uỷ ban hành chính có hai phần, một phần là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, một phần là cơ quan hành chính của Nhà nước, nếu nó không còn của Hội đồng nhân dân thì nó còn là cơ quan hành chính, nhưng mà có biện pháp để giữ chặt Uỷ ban ở đây không cần phải giải tán nó đi để nó làm việc một cách miễn cưỡng, nếu để giải quyết những vấn đề không quan trọng, ở đây Uỷ ban hành chính có hệ thống từ trên xuống dưới đã có quy định thích đáng bảo đảm chất của Uỷ ban hành chính.

Ý kiến đề nghị nói: làm thế nào để cho Hội đồng nhân dân biết và sửa đổi kịp thời các quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành chính, ở đây chúng tôi thấy rằng là các quy định của Hiến pháp cũng như quy định của dự luận này là đủ, tức là nếu Uỷ ban hành chính cấp dưới mà có những quy định không thích đáng thì có Uỷ ban hành chính cấp trên, nó sử dụng quyền giám sát của nó. Nhưng nói Hội đồng nhân dân không họp thì làm thế nào mà sửa đổi, như vậy có thể là người ta không biết, người dân khiếu nại tố cáo đối với cơ quan nhà nước. Riêng Uỷ ban hành chính có thể khiếu nại Uỷ ban hành chính cấp trên để sửa đổi bãi bỏ nghị quyết không thích đáng đó.

Có ý kiến đề nghị Hội đồng nhân dân là có thể bãi bỏ nghị quyết không thích đáng của cấp dưới, của bất cứ cấp Hội đồng nhân dân cấp dưới nào, chúng tôi báo cáo là Hiến pháp quy định là cấp dưới chỉ có thể bãi bỏ nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, nếu không có thứ tự như vậy trong lề lối làm việc trong thủ tục làm việc sẽ có lộn xộn, Hội đồng nhân dân tỉnh xóa bỏ nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân xã, huyện không biết gì cả thì rất là lộn xộn… Nếu Hội đồng nhân dân xã không biết, huyện không biết, mà Hội đồng nhân dân tỉnh biết.

Đối với Điều 9 Hội đồng nhân dân bảo đảm sự tôn trọng hành pháp của địa phương, duy trì trật tự an ninh, có ý kiến đề nghị ghi thêm một điểm về bảo hộ an toàn lao động, tôi thấy nên nghiên cứu thêm có nên ghi thêm một điểm về an toàn lao động. Chúng tôi thấy là không cần phải có một điểm về an toàn lao động.

Đối với Điều 12 Hội đồng nhân dân bảo đảm quyền bình đẳng các dân tộc tăng cường đoàn kết các dân tộc, có ý kiến đề nghị ghi thêm là bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ, ở Điều 11 có nói Hội đồng nhân dân bảo đảm quyền lợi công dân, trong đó đã có vấn đề bình đẳng nam nữ rồi, nếu ghi vào đây thì tất nhiên còn có nhiều quyền lợi khác của các tầng lớp khác cũng phải ghi vào.

Điều 14 Hội đồng nhân dân bầu ra Uỷ ban hành chính và Tòa án nhân dân cấp mình và có quyền bãi miễn các cơ quan và những thành viên các cơ quan ấy, có ý kiến đề nghị chỉ nên ghi "có quyền bãi miễn các thành viên các cơ quan ấy". Chúng tôi thấy ý kiến là thích đáng và đề nghị bỏ chữ "các cơ quan ấy" không cần thiết phải nói bãi miễn cả cơ quan ấy.

Điều 15 về nhiệm vụ và quyền hạn Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tại sao không nói nhiệm vụ quyền hạn chính trị của Hội đồng nhân dân tỉnh mà chỉ nói đến kinh tế và văn hóa, ở đây nhiệm vụ chính trị của các Hội đồng nhân dân có ghi rõ trong các Điều 9, 10, 11, 12 rồi. Điều này chủ yếu nhằm ghi nhiệm vụ quyền hạn trong các vấn đề phát triển kinh tế văn hóa khi nói đến nhiệm vụ cụ thể không nói lại nhiệm vụ quyền hạn về chính trị.

Điều 16 là một điều thảo luận nhiều, chúng tôi xin phép không báo cáo lại nữa, bây giờ chúng tôi chỉ xin phép báo cáo tình hình trong khi thảo luận đa số các vị đại biểu tán thành, các ý kiến mới bàn chúng tôi đã họp đại biểu các tổ. Bây giờ chúng tôi xin Quốc hội nghị quyết.

Điều 16 mới như sau:

Hội đồng nhân dân huyện có quyền hạn nhiệm vụ như sau.

(Xem trong bản sửa đổi về tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp).

Sau khi thảo luận với đại diện Chính phủ, như vậy chúng tôi thấy nói chung các ý kiến mới là đúng.

Điều 20 cũng là điều mà đã thảo luận nhiều, chúng tôi không báo cáo lại mà lý do đưa ra chỉ báo cáo tình hình thảo luận sáng nay thì các tổ thảo luận nói chung đa số cho rằng như vậy là sát thực tế và đồng ý với ý kiến mới, còn một số ít cũng đồng ý nhưng về mặt pháp lý nào đó chưa thỏa mãn lắm, đồng ý về căn bản.

Bây giờ chúng tôi xin đọc lại cả Điều 20.

(Xem trong bản sửa đổi về tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp).

Căn cứ vào ý kiến của chúng tôi báo cáo tổng quát nhận xét, căn cứ vào ý kiến của đại biểu, chúng tôi đã chỉnh lý lại nhiều, có một số ý kiến của các đồng chí chúng tôi chưa tổng hợp được trong bản dự luật này, có một số ý kiến đề nghị ghi thêm hoặc chỗ này chỗ khác chúng tôi đề nghị không ghi vào vì phải sửa chỗ này chỗ khác, có ý kiến tốt chúng tôi lưu ý, có một loại ý kiến gợi ý có nhiều mặt đáng chú ý, vấn đề đó đang nghiên cứu hoặc sẽ nghiên cứu, chúng tôi đề nghị chưa ghi vào.

Nói tóm lại, theo các ý kiến các đại biểu, chúng tôi đã có nhiều ý kiến để sửa đổi về sau, chúng tôi đọc lại toàn bộ bản dự thảo sẽ thấy rõ hơn.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.