VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


PHÁP LỆNH VỀ THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM TOÀ ÁN NHÂN DÂN

Căn cứ vào Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Căn cứ vào Luật tổ chức Tòa án nhân dân;

Pháp lệnh này quy định về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

1. Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án.

2. Hội thẩm là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Điều 2

Việc xét xử của Tòa án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia; việc xét xử của Tòa án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật tố tụng. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

Điều 3

Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Điều 4

Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất, đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán, được bầu hoặc cử làm Hội thẩm.

Điều 5

Thẩm phán, Hội thẩm chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm và hậu quả mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 6

Thẩm phán, Hội thẩm phải giữ bí mật công tác theo quy định của pháp luật.

Điều 7

Thẩm phán, Hội thẩm được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xét xử.

Chánh án Tòa án các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm.

Điều 8

Thẩm phán, Hội thẩm phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thẩm phán, Hội thẩm dựa vào cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình các tổ chức, cá nhân này có trách nhiệm tạo điều kiện để Thẩm phán, Hội thẩm làm nhiệm vụ.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở Thẩm phán, Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ.

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THẨM PHÁN
CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THẨM PHÁN

Điều 9

Thẩm phán làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án.

Điều 10

Thẩm phán có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi hành những quyết định có liên quan đến việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng.

Điều 11

Thẩm phán không được tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 12

Thẩm phán phải từ chối nhiệm vụ hoặc bị thay đổi nếu có căn cứ cho thấy có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ đó.

Điều 13

Thẩm phán hưởng lương, phụ cấp và các quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước.

Điều 14

Thẩm phán được cấp trang phục, giấy chứng minh Thẩm phán để làm nhiệm vụ.

Mẫu trang phục, chế độ cấp phát và sử dụng trang phục, giấy chứng minh Thẩm phán do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Điều 15

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thuyên chuyển Thẩm phán từ Tòa án nhân dân địa phương này đến Tòa án nhân dân địa phương khác cùng cấp.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thuyên chuyển Thẩm phán từ Tòa án quân sự này đến Tòa án quân sự khác cùng cấp.

CHƯƠNG III

TIÊU CHUẨN THẨM PHÁN, THỦ TỤC TUYỂN CHỌN,
 BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, CÁCH CHỨC THẨM PHÁN

Điều 16

Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh này, có trình độ cao đẳng Tòa án hoặc đại học luật, có thời gian làm công tác pháp luật từ tám năm trở lên, có năng lực xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật tố tụng, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ và có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều này thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương.

Điều 17

Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh này, có trình độ cao đẳng Tòa án hoặc đại học luật, có thời gian làm công tác pháp luật từ sáu năm trở lên, có năng lực xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương theo quy định của pháp luật tố tụng, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ và có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều này thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương.

Điều 18

Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh này, có trình độ cao đẳng Tòa án hoặc đại học luật, có thời gian làm công tác pháp luật từ bốn năm trở lên, có năng lực xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tòa án quân sự khu vực theo quy định của pháp luật tố tụng, thì có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ và có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều này thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực.

Điều 19

Nhiệm kỳ của Thẩm phán các Tòa án các cấp là năm năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Điều 20

1. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán có nhiệm vụ tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán và trình Chủ tịch nước bổ nhiệm; xem xét những trường hợp Thẩm phán vi phạm kỷ luật không còn đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán và trình Chủ tịch nước cách chức.

2. Để tuyển chọn Thẩm phán, thành lập các Hội đồng sau đây:

- Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương;

- Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực;

- Các Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

3. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán làm việc theo chế độ tập thể. Quyết định của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

Điều 21

1. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương gồm có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Chủ tịch, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam là ủy viên.

Danh sách các ủy viên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

2. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và trình Chủ tịch nước bổ nhiệm.

b) Xem xét những trường hợp Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương vi phạm kỷ luật không còn đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và trình Chủ tịch nước cách chức.

Điều 22

1. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực gồm có Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam là ủy viên.

Danh sách các ủy viên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trình Chủ tịch nước bổ nhiệm.

b) Xem xét những trường hợp Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực vi phạm kỷ luật không còn đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trình Chủ tịch nước cách chức.

Điều 23

1. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gồm có Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch, đại diện Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành Hội Luật gia tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là ủy viên.

Danh sách các ủy viên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp để Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm.

b) Xem xét những trường hợp Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh vi phạm kỷ luật không còn đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp để Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước cách chức.

Điều 24

1. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương do Chủ tịch nước bổ nhiệm trong số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Chủ tịch nước miễn nhiệm, cách chức các chức vụ này theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Chủ tịch nước bổ nhiệm trong số Thẩm phán Tòa án nhân dân cùng cấp theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Chủ tịch nước miễn nhiệm, cách chức các chức vụ này theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

3. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực do Chủ tịch nước bổ nhiệm trong số Thẩm phán Tòa án quân sự cùng cấp theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chủ tịch nước miễn nhiệm, cách chức các chức vụ này theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

4. Trước khi đề nghị Chủ tịch nước cách chức các chức vụ Chánh án, Phó Chánh án theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này phải có ý kiến của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán có thẩm quyền tuyển chọn Thẩm phán đó.

5. Nhiệm kỳ của Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự là năm năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

CHƯƠNG IV

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI THẨM
CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI HỘI THẨM
TIÊU CHUẨN HỘI THẨM. THỦ TỤC BẦU, CỬ,
MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM HỘI THẨM

Điều 25

Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án.

Chánh án có nhiệm vụ giữ mối quan hệ với Hội thẩm.

Điều 26

Hội thẩm được bồi dưỡng về nghiệp vụ, tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án.

Nếu Hội thẩm là cán bộ, viên chức nhà nước, quân nhân, công nhân, nhân viên quốc phòng thì thời gian làm nhiệm vụ Hội thẩm được tính vào thời gian làm việc ở cơ quan, đơn vị.

Điều 27

Hội thẩm được cấp giấy chứng minh Hội thẩm, được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử theo quy định của Nhà nước.

Điều 28

1. Hội thẩm có thể được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác.

2. Hội thẩm bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất, đạo đức, hành vi vi phạm pháp luật không còn xứng đáng làm Hội thẩm.

Điều 29

Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh này, có uy tín với nhân dân nơi mình cư trú, công tác, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thì có thể được cử làm Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tối cao hoặc được bầu làm Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân địa phương; nếu là quân nhân, công nhân, nhân viên quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội và có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều này thì có thể được cử làm Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự.

Điều 30

1. Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và do Ủy ban thường vụ Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự trung ương do Ủy ban thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và do Ủy ban thường vụ Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu theo sự giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và do Hội đồng nhân dân cùng cấp miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.

4. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu và tương đương do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử theo sự giới thiệu của Cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương và do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương sau khi thống nhất với cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương.

5. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chủ nhiệm chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương và do Chủ nhiệm chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự khu vực sau khi thống nhất với cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương.

Điều 31

Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tối cao và Hội thẩm quân nhân là năm năm, kể từ ngày được cử.

Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân địa phương theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Điều 32

Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội có người được bầu hoặc cử làm Hội thẩm có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội thẩm làm nhiệm vụ.

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 33

Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 1993.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

 

Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 1993
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Chủ tịch

NÔNG ĐỨC MẠNH

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội