BÁO CÁO CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ HOẠT ĐỘNG TỪ KỲ HỌP THỨ 6 ĐẾN NAY VÀ
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TỪ NAY ĐẾN KỲ HỌP THỨ 8
Kính gửi, các vị đại biểu Quốc hội,
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo với Quốc hội về những hoạt động chính của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ kỳ họp thứ 6 (tháng 10-1994) đến nay và phương hướng hoạt động từ nay đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
PHẦN THỨ NHẤT
HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TỪ KỲ HỌP THỨ 6 ĐẾN NAY
I- VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Ngay sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung vào việc tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1994 và khẩn trương chuẩn bị các dự án luật, bộ luật thuộc dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7. Với tinh thần cố gắng, trong gần 6 tháng qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 pháp lệnh, cho ý kiến về 5 dự án luật, bộ luật và 6 dự án pháp lệnh. Tuy số lượng văn bản được thông qua hoặc cho ý kiến không nhiều, nhưng đều được chuẩn bị công phu cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản, nhất là đối với các dự án chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Dự án Bộ luật dân sự, Dự án Luật doanh nghiệp nhà nước… Các Dự án đều đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội và các Ủy ban hữu quan của Quốc hội xem xét kỹ; được Chính phủ chuẩn bị dự thảo văn bản dưới luật kèm theo. Riêng Dự án Bộ luật dân sự đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều lần; tổ chức có kết quả hội nghị tại hai miền để triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn chỉnh Dự án Bộ luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiêm túc tổng hợp bước đầu ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự án Bộ luật này để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Tuy nhiên, trong công tác xây dựng pháp luật cũng còn nhiều tồn tại và có những vấn đề cần được rút kinh nghiệm cho thời gian tới. Về các dự án pháp lệnh thuộc chương trình xây dựng pháp luật năm 1994 chưa được thông qua, có nguyên nhân khách quan là những dự án này có nội dung phức tạp, cần có quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận công phu như các dự án Pháp lệnh công chức, Pháp lệnh nhà vắng chủ, Pháp lệnh phí và lệ phí, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, v.v., nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là việc chuẩn bị còn bị chậm, chưa đúng tiến độ quy định. Một số dự án chưa bảo đảm yêu cầu về chất lượng nội dung và kỹ thuật văn bản. Quy trình xây dựng các dự án còn có những vấn đề cần được nghiên cứu, bổ sung, trước hết là việc xử lý các nội dung thuộc về quan điểm, có tính chất định hướng chiến lược cho lĩnh vực, ngành có nhu cầu ban hành văn bản. Bên cạnh nhiều báo cáo thẩm tra, phát biểu của các Ủy ban về các dự án luật được chuẩn bị tốt, còn một số văn bản chất lượng chưa cao, chưa nêu được những vấn đề cần tập trung làm rõ và kiến nghị hướng xử lý. Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh chậm được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới. Việc chỉ đạo và tổ chức phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác xây dựng pháp luật vẫn còn có lúc bị động, chưa thành nền nếp. Việc tuyên truyền, giải thích các văn bản pháp luật còn chậm, chưa thường xuyên, hiệu quả giáo dục còn hạn chế.
II- VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT
Từ kỳ họp thứ 6 Quốc hội đến nay, cùng với việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp tục thực hiện chương trình giám sát năm 1994; thông qua và triển khai một bước chương trình hoạt động giám sát năm 1995, góp phần tìm ra những giải pháp cần thiết trong chỉ đạo, điều hành và đôn đốc các cơ quan hữu quan thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung xem xét việc phân bổ thu, chi ngân sách nhà nước năm 1995, tình hình sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; đồng thời xem xét báo cáo bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1994, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1995 để chuẩn bị trình Quốc hội; các biện pháp xử lý vấn đề giá cả tăng đột biến, kiềm chế lạm phát. Đã nghe và cho ý kiến về tình hình trật tự, an toàn xã hội năm 1994 và phương hướng, giải pháp trong năm 1995 về vấn đề này.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hướng việc chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội vào nhiều lĩnh vực quan trọng như: việc quản lý sử dụng ngân sách, sử dụng vốn đầu tư, vốn tín dụng trong xây dựng cơ bản; tình hình thất thu thuế trong kinh tế ngoài quốc doanh và trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tình hình thực hiện chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, giải quyết việc làm ở một số địa phương; vấn đề triển khai chương trình 327, định canh định cư, xây dựng các khu kinh tế mới; việc bỏ cây thuốc phiện, xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và chất lượng giáo dục; tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở một số tỉnh vùng biên giới, hải đảo, bờ biển…
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã giám sát hoạt động của một số cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội đã thường xuyên làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lãnh đạo một số cơ quan hữu quan để xem xét tình hình thực hiện Nghị quyết, thống nhất chủ trương xử lý các vụ tham nhũng, buôn lậu còn tồn đọng từ các năm trước và tình hình vi phạm Pháp lệnh bảo vệ đê điều ở Hà Nội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bước đầu giám sát việc thi hành Luật đất đai - một vấn đề rất nhạy cảm đang được dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội hết sức chú ý; cho ý kiến về những vấn đề cần quan tâm chỉ đạo trong việc thi hành các văn bản pháp luật, góp phần khắc phục chiều hướng phát triển phức tạp của tình hình mua bán, tích tụ đất, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong việc quản lý và sử dụng đất đai.
Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng nói trên, hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội vẫn còn là khâu yếu. Hiệu quả giám sát chưa cao, nhiều vấn đề lớn chưa được quan tâm đúng mức như: tình hình thực hiện thu, chi ngân sách, nhất là các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi, kiềm chế lạm phát; về tình hình xây dựng cơ bản, chi tiêu hành chính của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành v.v.. Việc giám sát nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản dưới luật chưa được tiến hành thường xuyên. Vấn đề giám sát hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là công tác điều tra, truy tố, xét xử và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa làm được nhiều, hiệu quả còn hạn chế; giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống buôn lậu chưa đáp ứng lòng mong muốn của nhân dân và Quốc hội.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung giám sát việc chuẩn bị và tiến hành bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1994-1999, bảo đảm để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật. Đã tổ chức các đoàn kiểm tra, có sự phối hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan hữu quan ở 45 tỉnh, thành phố; kịp thời nghe báo cáo kết quả kiểm tra và công tác chỉ đạo bầu cử; trên cơ sở đó ra các văn bản, hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan để hướng dẫn, uốn nắn những vấn đề phát sinh trong bầu cử; chỉ đạo kịp thời việc bầu thêm, bầu lại và cho chủ trương xử lý một số vi phạm pháp luật về bầu cử tại các địa phương. Đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Ban bầu cử ở các địa phương trong quá trình chỉ đạo tổ chức và tiến hành bầu cử, góp phần tích cực làm cho cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.
Sau khi bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kịp thời ra các văn bản hướng dẫn việc tổ chức và tiến hành kỳ họp thứ nhất; phê chuẩn kết quả bầu cử Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Tuy vậy, đến nay vẫn chưa ban hành được Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp và Pháp lệnh về giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn kiểm tra của Chính phủ đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân là một thiếu sót, cần được sớm khắc phục trong thời gian trước mắt để tạo thêm cơ sở pháp lý cho hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
3. Giám sát công tác dân nguyện
Số đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội vẫn tiếp tục tăng lên. Nội dung tập trung vào lĩnh vực nhà, đất và khiếu nại về các bản án dân sự, hình sự, việc bắt giam giữ, tịch thu tài sản, v.v.. không đúng pháp luật; về bị kỷ luật lao động oan, xếp lương không thỏa đáng… Nguyên nhân của tình hình này có nhiều nhưng đáng chú ý là, cùng với sự phát triển của xã hội, tốc độ đô thị hóa ở thành thị, việc giao đất, giao rừng, cạnh tranh thương trường, v.v. làm cho mối quan hệ giữa công dân với nhau, giữa công dân với cơ quan nhà nước ngày càng đa dạng, phức tạp. Trong việc xử lý đơn thư, một số vấn đề có tính chất lịch sử, chưa có chủ trương chính sách cụ thể, việc giải quyết lại thiếu nhất quán, thiếu dứt điểm giữa các địa phương, v.v. nên đơn, thư gửi vượt cấp ngày một nhiều, gây tình trạng ùn tắc ở cơ quan trung ương.
Trước tình hình đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tích cực đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Tỷ lệ đơn, thư được trả lời tăng đáng kể. Các cơ quan chức năng đã cố gắng tập trung giải quyết một số việc nổi cộm kéo dài; chất lượng giải quyết các vụ việc được nâng lên một bước; việc giải quyết về cơ bản bảo đảm đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, bước đầu xử lý những biểu hiện tiêu cực, giảm được sự né tránh trách nhiệm, đùn đẩy đơn, thư chạy vòng quanh. Tuy vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, hiệu quả giải quyết còn thấp; các Bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng đúng mức đến công tác dân nguyện, nhất là việc giải quyết từ cơ sở. Để có cơ chế giải quyết có hiệu quả các khiếu kiện của dân, cần sớm tổ chức Tòa án hành chính ở nước ta.
III- VỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI
Trong 6 tháng qua, cùng với những kết quả hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ta tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và thu được một số kết quả tốt. Việc cử các đoàn của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đi thăm và làm việc với Quốc hội các nước và đón các đoàn của Quốc hội các nước vào thăm nước ta trong thời gian vừa qua, trong đó có Đoàn do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu thăm chính thức Nghị viện châu Âu, Vương quốc Bỉ, Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlôvakia; Đoàn do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hà Phan dẫn đầu thăm một số nước Bắc Phi (Libi, Tuynidi và Ai Cập); Đoàn đại biểu Quốc hội Hunggari do bà Tiến sĩ Maria Côrôđi, Phó Chủ tịch thứ nhất của Quốc hội dẫn đầu thăm nước ta, v.v. đã góp phần tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quốc hội và nhân dân ta với các nước. Ta đã chủ động tham gia và đóng góp tích cực, có hiệu quả vào các hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương (APPF), xác lập quan hệ với Nghị viện châu Âu… Tổ chức Nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước vừa được thành lập đã và đang triển khai các mặt hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của ta, đồng thời tranh thủ kinh nghiệm của Quốc hội các nước trong lĩnh vực này. Một điều đáng ghi nhận là thông qua các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, chúng ta đã thực sự bắt đầu hòa nhập vào nền ngoại giao Nghị viện thế giới, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Công tác thông tin đối ngoại có nhiều cố gắng, song chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Do chưa xây dựng được quy chế về việc cử đoàn ra, đón đoàn vào, nên chưa tạo ra được nền nếp trong công tác đối ngoại, trong một số việc còn bị động, nên hiệu quả không cao; chưa có kế hoạch để thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
IV- VỀ MỘT SỐ CÔNG TÁC KHÁC
1. Về điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội
Hiệu quả hoạt động của ủy ban thường vụ Quốc hội gắn liền với sự đóng góp tích cực của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thường xuyên quan tâm đến việc phân công cụ thể đối với các cơ quan này trong việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh và giám sát một số vấn đề trong chương trình giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chú ý kết hợp xem xét hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban.
Tuy vậy, trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này, Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn còn chưa cụ thể hóa được nội dung chỉ đạo, điều hòa… để bảo đảm tính hợp lý, khoa học, tránh trùng lắp, chồng chéo trong chương trình hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban, nhằm phát huy được kết quả tổng hợp của mối quan hệ công tác giữa các cơ quan của Quốc hội.
2. Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa IX
Ngay sau kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, căn cứ vào tiến độ triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tình hình thực tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức, chỉ đạo việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7. Đã dành nhiều thời gian để xem xét nội dung, tiến độ chuẩn bị các dự án luật, các báo cáo; đồng thời, quan tâm đến việc chuẩn bị cho kỳ họp của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội, từ góp ý về dự kiến chương trình, tiếp xúc cử tri đến việc nghiên cứu góp ý kiến về các dự án luật, các báo cáo, v.v.. Tuy nhiên, do khó khăn cả về khách quan và chủ quan, tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội còn chậm, gần ngày họp, nên đại biểu không có nhiều thời gian nghiên cứu trước.
Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn coi trọng việc cải tiến lề lối làm việc để ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động: chương trình công tác được xây dựng sớm, hợp lý, có khả năng thực thi, quy định rõ tiến độ và có các biện pháp triển khai đồng bộ. Đã duy trì chế độ giao ban định kỳ giữa Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội để xem xét, xử lý công việc. Cải tiến cách xem xét, cho ý kiến đối với các dự án, báo cáo tại các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, tập trung thảo luận các vấn đề thuộc về quan điểm, chủ trương; trên cơ sở đó, có hướng xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Từng thành viên có nhiều cố gắng trong việc đóng góp vào kết quả chung của tập thể Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp tục tăng cường các mối quan hệ công tác với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác; đẩy mạnh việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, phát huy sự đóng góp trí tuệ của tập thể các cơ quan này vào hoạt động chung của Quốc hội.
Tuy vậy, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn còn bị động, phụ thuộc nhiều vào việc chuẩn bị của các cơ quan có báo cáo, dự án, nhất là việc thường xuyên nhận được văn bản quá chậm; ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình, thời gian nghiên cứu và chất lượng chuẩn bị các ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.
PHẦN THỨ HAI
CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC CỦA
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TỪ NAY
ĐẾN KỲ HỌP THỨ 8 CỦA QUỐC HỘI
I- MỘT SỐ CÔNG TÁC CHÍNH
Nghị quyết về nhiệm vụ năm 1995, về chương trình xây dựng pháp luật năm 1995 và các nghị quyết quan trọng khác được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã đề ra các biện pháp lớn, thiết thực, nhằm huy động nhân dân cả nước tham gia công cuộc xây dựng đất nước; đồng thời quy định trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, đại biểu Quốc hội và mọi công dân trong việc thực hiện các nghị quyết này.
Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, chương trình công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tăng cường chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật năm 1995:
a) Tập trung chỉ đạo bảo đảm thực hiện tốt chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua, chú ý các luật, pháp lệnh còn có nhiều ý kiến khác nhau.
b) Chỉ đạo việc chuẩn bị chương trình xây dựng pháp luật đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX để trình Quốc hội và tổng kết Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh được Hội đồng Nhà nước ban hành năm 1988 để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết về quy trình xây dựng văn bản luật, pháp lệnh; xác định phạm vi, nội dung, thủ tục, thẩm quyền đối với từng loại văn bản, khắc phục tình trạng chồng chéo.
Trong việc chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng pháp luật năm 1995 cần chú ý bảo đảm thực hiện được các yêu cầu sau đây:
- Về nội dung xây dựng pháp luật:
Tập trung xây dựng các dự án pháp luật thể chế hóa các vấn đề chủ yếu thuộc về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tốt chất lượng cả về nội dung, kỹ thuật văn bản và tính khả thi. Đồng thời, khắc phục tình trạng một số văn bản luật, pháp lệnh còn để lại nhiều vấn đề quan trọng cho các văn bản dưới luật quy định. Trong quá trình xây dựng pháp luật, nghiên cứu để có thể kết hợp chặt chẽ giữa việc tổng kết thực tiễn Việt Nam với việc nghiên cứu, vận dụng có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài.
- Về quy trình và tiến độ thực hiện:
+ Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cố gắng để có thể bảo đảm sự phân công hợp lý các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; chỉ đạo việc phối hợp chặt chẽ và đóng góp cụ thể giữa các cơ quan hữu quan trong quá trình chuẩn bị văn bản, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp để chỉnh lý dự án.
+ Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngoài Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách chung về công tác xây dựng pháp luật, phân công cụ thể các thành viên phụ trách từng dự án để có điều kiện đi sâu nghiên cứu, đề xuất được những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét.
+ Tuân thủ quy trình xây dựng pháp luật, chú trọng việc công bố lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo. Kiên quyết khắc phục tính hình thức trong việc lấy ý kiến; có biện pháp hữu hiệu để huy động sự đóng góp trí tuệ của nhân dân vào việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật.
+ Bảo đảm tiến độ thực hiện, nhất là việc gửi tài liệu đúng thời gian quy định đến các Ủy ban thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; nếu dự án nào chưa được chuẩn bị tốt, thời gian quá cập rập, sẽ rút khỏi chương trình.
+ Bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác xây dựng pháp luật như cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình thực tế, các kết quả nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, phương tiện làm việc, kinh phí v.v..
Ngoài việc chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1995, sẽ chỉ đạo triển khai nghiên cứu việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống và bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Đẩy mạnh và hướng trọng tâm công tác giám sát vào việc xem xét tình hình thực hiện Nghị quyết của các kỳ họp thứ 6, thứ 7 của Quốc hội, tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau đây:
a) Xem xét việc triển khai và thi hành các văn bản pháp luật được thông qua trong hai năm gần đây, trong đó nổi lên những vấn đề lớn liên quan đến các luật, pháp lệnh về đất đai, nhà ở, lao động, bảo vệ môi trường…, nhằm đưa ra được những kết luận xác đáng yêu cầu các cơ quan hữu quan xử lý.
b) Giám sát tình hình giao và tổ chức thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước; các biện pháp tăng thu và nuôi dưỡng nguồn thu; việc bảo đảm vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm của Nhà nước, các biện pháp tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách, kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả.
c) Giám sát việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu, kết hợp với tiến trình thực hiện cải cách hành chính và nâng cao hoạt động của các cơ quan tư pháp.
d) Giám sát một số nhiệm vụ trọng tâm khác được đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1995 như: xem xét về hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước trong việc phổ cập giáo dục tiểu học và nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng công tác văn hóa, thông tin; về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; chính sách tôn giáo, dân tộc; về vấn đề chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi sinh; về phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; vấn đề quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, gắn hoạt động đối ngoại với mở rộng kinh tế đối ngoại.
e) Giám sát công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao, công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từng thời gian, tập trung vào những vấn đề trọng tâm như: công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm về tham nhũng, buôn lậu, các vụ án dân sự về nhà, đất…, về những vụ án mà công luận quan tâm. Làm rõ cơ chế giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với một số vấn đề quan trọng của các cơ quan này.
g) Xem xét việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thông qua đó, hình thành những chủ trương, biện pháp để xây dựng, ban hành những văn bản pháp luật cần thiết, nhằm từng bước giải quyết có hiệu quả vấn đề này.
h) Tiến hành sơ kết, đánh giá công tác giám sát trong thời gian vừa qua để trên cơ sở đó tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng để sớm ban hành Quy chế giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này.
Để thực hiện tốt chương trình giám sát với hiệu quả và hiệu lực cao hơn, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành các công việc sau đây:
- Kết hợp chặt chẽ việc nghe báo cáo với việc cử các đoàn đi giám sát tại các Bộ, ngành Trung ương và ở các địa phương, cơ sở; nghiên cứu cải tiến việc nghe báo cáo, nâng cao chất lượng, kết quả thực hiện các kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các kiến nghị của đoàn kiểm tra, v.v..
- Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung giám sát những vấn đề quan trọng nhất và giao cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét và báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số vấn đề quan trọng khác thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng và các Ủy ban.
- Có kế hoạch hướng dẫn hoạt động giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và kịp thời tập hợp, tổng hợp các hoạt động giám sát đó.
3. Về hoạt động đối ngoại:
Tiếp tục tăng cường việc trao đổi các đoàn thăm hữu nghị và nghiên cứu giữa Quốc hội nước ta và Nghị viện các nước. Khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để Quốc hội ta gia nhập AIPO, đồng thời đổi mới và tăng cường hoạt động của Quốc hội ta tại các diễn đàn, tổ chức liên Nghị viện. Tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin, tư liệu, đoàn nghiên cứu, đào tạo cán bộ, trước hết là với IPU, Quốc hội các nước Lào, Pháp, Canađa, Nhật Bản…, mà ta đang có chương trình hợp tác; và mở rộng thêm diện hợp tác này với các nước khác.
Để hoạt động đối ngoại đạt kết quả tốt, bảo đảm yêu cầu, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quan tâm đến các vấn đề sau:
- Chú trọng tính hiệu quả của việc trao đổi các đoàn thăm hữu nghị và nghiên cứu. Chuẩn bị kỹ nội dung hoạt động của các đoàn để có đối sách thích hợp với từng đối tượng, từng vấn đề. Quan tâm đến công tác chuẩn bị đón tiếp đoàn vào một cách chu đáo cả về nội dung và lễ tân.
- Có kế hoạch cụ thể về chương trình hợp tác giữa Quốc hội ta với tổ chức Quốc hội các nước và thế giới; quản lý chặt chẽ chương trình hợp tác này, nhất là nội dung dự án, nhân sự và có quy định về việc thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo.
- Cùng với các cơ quan hữu quan, xây dựng và ban hành sớm cơ chế quản lý thống nhất về hoạt động đối ngoại, nhằm khắc phục những sơ hở về việc quản lý; đồng thời chỉ đạo xây dựng Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Chỉ đạo việc tổng hợp, báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động của các đoàn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đi thăm và làm việc tại các nước.
- Tăng cường đội ngũ cán bộ hoạt động đối ngoại của Quốc hội cả về số lượng và chất lượng.
4. Về giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp:
Phối hợp với Chính phủ trong việc chỉ đạo rút kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1989-1994; xây dựng, ban hành và sau đó là giám sát việc triển khai thực hiện Pháp lệnh về giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn, kiểm tra của Chính phủ đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân và Dự án Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp. Từng bước nâng cao hiệu quả việc hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, chú ý các kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho hoạt động của Hội đồng nhân dân, trong đó chú ý đến việc bồi dưỡng đại biểu.
5. Cải tiến việc chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội:
Tăng cường hơn nữa quan hệ phối hợp giữa Hội đồng dân tộc và các Ủy ban với nhau và với Văn phòng Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ chung. Duy trì đều đặn chế độ làm việc giữa Chủ tịch với Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban để cho ý kiến chỉ đạo và điều hòa phối hợp hoạt động.
6. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong mấy năm qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận các đề án "Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quốc hội" và "Cải cách tư pháp". Đồng thời, có kế hoạch tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, chuẩn bị một bước cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cải cách một bước nền hành chính Nhà nước”.
7. Quan tâm chỉ đạo chặt chẽ việc sử dụng ngân sách hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, bảo đảm việc phân bổ, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm.
II- TIẾP TỤC CẢI TIẾN LỀ LỐI LÀM VIỆC
VÀ TĂNG CƯỜNG MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
1. Cụ thể hóa chương trình công tác từ nay đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội bằng các hoạt động hàng tháng, hàng quý, nhằm đưa công tác này vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Căn cứ vào chương trình công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quyết định sự phân công đối với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; xác định tiến độ và các biện pháp thực hiện chương trình.
2. Cải tiến các hoạt động chủ yếu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các phiên họp, đề cao trách nhiệm và phân công đối với các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Về các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, cần tập trung cải tiến các khâu chủ yếu như: việc dự kiến chương trình; công tác chuẩn bị của các cơ quan trình dự án, báo cáo; công tác thẩm tra, phát biểu ý kiến của Hội đồng dân tộc, các ủy ban; quy trình xem xét, thông qua các dự án, báo cáo tại phiên họp; công tác phục vụ của Văn phòng Quốc hội; việc triển khai tổ chức thực hiện các quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp, v.v..
Tiếp tục nghiên cứu để có sự phân công và phối hợp công tác giữa các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; tạo điều kiện để từng thành viên đi sâu nghiên cứu và chỉ đạo công việc mình phụ trách, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trong giải quyết công việc, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội duy trì đều đặn chế độ hội ý, cho ý kiến chỉ đạo về các mặt công tác, bảo đảm để công việc được tiến hành có hiệu quả.
3. Duy trì thường xuyên mối quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời, bảo đảm thông tin hai chiều giữa Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với các cơ quan này.
4. Tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động có hiệu quả: ngoài việc cung cấp tài liệu của các kỳ họp theo luật định, cần cung cấp thông tin về một số lĩnh vực và tiến hành các biện pháp bảo đảm khác; sớm ban hành Quy chế đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở các Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.
5. Tăng cường chỉ đạo việc củng cố xây dựng bộ máy Văn phòng Quốc hội về các mặt tổ chức, nhân sự, lề lối làm việc, trang thiết bị kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên gia có trình độ, phẩm chất, nâng cao khả năng phục vụ công tác.
Chỉ đạo việc tăng cường mối quan hệ công tác giữa Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội với Văn phòng Quốc hội. Giao trách nhiệm cho Văn phòng Quốc hội xây dựng Quy chế phục vụ hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quy chế công tác của Văn phòng Quốc hội để đưa công tác phục vụ ngày càng đi vào nền nếp và đạt hiệu quả cao hơn.
Trên đây là một số hoạt động chính của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đến nay và chương trình công tác từ nay đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo với Quốc hội.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Chủ tịch
NÔNG ĐỨC MẠNH
PHỤ LỤC
A- CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
I. Thông qua các pháp lệnh
1. Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông;
2. Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả;
3. Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn.
II. Cho ý kiến các dự án:
1. Bộ luật dân sự;
2. Luật doanh nghiệp nhà nước;
3. Luật tổ chức Tòa án hành chính (3 lần);
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam;
5. Luật khoáng sản;
6. Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
7. Pháp lệnh phòng, chống AIDS/HIV;
8. Pháp lệnh phí và lệ phí;
9. Pháp lệnh hàm, cấp ngoại giao;
10. Pháp lệnh công chức;
11. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
B- CÔNG TÁC GIÁM SÁT
Nghe báo cáo tại các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội:
- Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1994-1999 và báo cáo tổng hợp hoạt động giám sát của các đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với cuộc bầu cử (11-1994);
- Báo cáo của Chính phủ: dự kiến phân bổ ngân sách nhà nước năm 1995, dự kiến phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước năm 1995, dự kiến kế hoạch triển khai chương trình xây dựng pháp luật năm 1995, nhằm thực hiện các quyết định của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11 và 12-1994).
- Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1994, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1995; tình hình thi hành pháp luật về đất đai; tình hình trật tự, an toàn xã hội năm 1994 và phương hướng, giải pháp trong năm 1995 (3-1995).
Cử các đoàn đi giám sát:
- 15 đoàn đi giám sát bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1994-1999 tại các địa phương (tháng 11-1994).
- Một đoàn đi giám sát việc giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Lâm trường Sông Chò, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) với vợ chồng ông bà Trần Trình - Phan Thị Lan.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội