VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995


BÁO CÁO CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH
CỦA QUỐC HỘI VỀ BỔ SUNG TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH NĂM 1994; VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
NHIỆM VỤ KINH TẾ VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1995

(Do ông Lý Tài Luận, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá IX, ngày 28-3-1995)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Từ sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá IX, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã tổ chức theo dõi tình hình giao và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế và thu, chi ngân sách của các Bộ, ngành và địa phương. Ngày 20 và 21 tháng 02 năm 1995, Thường trực Ủy ban đã họp mở rộng tại Hà Nội và từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 3 năm 1995, đã họp toàn thể Ủy ban tại Thành phố Hồ Chí Minh, có mời đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội để nghe đại diện Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và một số ngành liên quan trình bày báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế và ngân sách nhà nước năm 1994 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế và dự toán ngân sách nhà nước năm 1995.

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Ủy ban kinh tế và ngân sách xin trình Quốc hội một số ý kiến như sau:

I- VỀ KINH TẾ

Ủy ban chúng tôi cơ bản nhất trí với báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 1994 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1995.

Hầu hết các mục tiêu và chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt mức nhiệm vụ đề ra năm 1994 như Chính phủ đã ước tính báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm 1994) và đến nay tình hình được bổ sung như trong báo cáo của Chính phủ.

Qua báo cáo bổ sung của Chính phủ, Ủy ban chúng tôi đề nghị cần quan tâm xử lý có hiệu quả hơn một số vấn đề sau:

- Việc kiềm chế lạm phát và giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, qua thực hiện cả năm, sau khi đánh giá lại mục tiêu này năm 1994 không đạt được như Nghị quyết của Quốc hội và cao hơn mức dự kiến báo cáo hồi tháng 10 năm 1994. Chỉ số giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 1994 so với tháng 12 năm 1993 tăng 14,4%, trong đó giá lương thực tăng 39%.

- Ủy ban chúng tôi cơ bản nhất trí với đánh giá, phân tích trong báo cáo bổ sung của Chính phủ và xin lưu ý một số vấn đề về yếu tố chủ quan trong điều hành:

+ Chỉ số giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong năm 1994 tăng nhiều vào hai tháng đầu năm và ba tháng cuối năm, chủ yếu là giá lương thực - thực phẩm, đặc biệt là giá lương thực tăng khá cao (39%). Nhưng cần thấy, giá lương thực mấy năm trước, nhất là năm 1992 - 1993 giảm hoặc chỉ tăng chút ít, không tương ứng với mặt bằng giá chung xã hội. Tuy nhiên trong năm 1994, việc điều hành cung - cầu chưa chặt chẽ, thiếu nhạy bén; lực lượng dự trữ, nhất là dự trữ lưu thông mỏng, không đủ sức can thiệp vào thị trường khi cần thiết; việc điều hành xuất, nhập khẩu thiếu tính toán chặt chẽ, để nhập siêu đến 1,4 tỷ USD; việc nhập khẩu một số vật tư hàng hóa thiếu chủ động, không đáp ứng kịp thời; việc điều hành xuất khẩu gạo, nhất là xuất khẩu “tiểu ngạch” qua biên giới đất liền, đường biển và việc điều hòa lương thực giải quyết mất cân đối cục bộ ở từng vùng làm chậm, thiếu chặt chẽ, kiên quyết nên kết quả còn bị hạn chế.

+ Do nhu cầu thanh toán trong xã hội tăng lên nhiều, Chính phủ - Tài chính - Ngân hàng đã có nhiều giải pháp, biện pháp tích cực đáp ứng nhu cầu thanh toán, tăng quỹ điều hòa ngoại tệ của Nhà nước, góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, có vấn đề là tổng phương tiện thanh toán năm 1994 của tổng thể nền kinh tế tăng khá cao so với tốc độ tăng GDP theo giá hiện hành cũng là hiện tượng không bình thường, trong đó có phần đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng lên khá lớn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, kể cả vốn trong nước và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài nhưng năng lực sản xuất sản phẩm tăng thêm trong năm chưa được nhiều; các biện pháp thu hút tiền nhàn rỗi trong dân còn hạn chế; kế hoạch vay trong nước, vay nước ngoài để đáp ứng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp nên phải sử dụng quỹ điều hòa ngoại tệ của ngân hàng để bổ sung nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và bù đắp thiếu hụt ngân sách.

Đối với vấn đề lạm phát và giá cả hiện nay, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP 10-12%/năm thì lạm phát cũng còn phải ở mức 10-15% năm là hợp lý. Nhiều ý kiến còn băn khoăn trong tình hình thực tế hiện nay, nhất là mới bước vào ba tháng đầu năm mà chỉ số giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng so với tháng 12 năm 1994 đã tăng 7,5% (ba tháng đầu năm 1994 chỉ tăng 5,9%), như vậy cả năm 1995 khó giữ được ở mức 10%.

- Ủy ban chúng tôi cho rằng, trong điều kiện nước ta hiện nay, việc kiềm chế lạm phát, giữ cho tình hình giá cả tương đối ổn định là một yêu cầu khách quan để tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội và tâm lý xã hội.

Xuất phát từ quan điểm trên, Ủy ban chúng tôi đề nghị Chính phủ:

+ Cần có các biện pháp kiên quyết trong chỉ đạo điều hành nhằm điều hòa kịp thời cung - cầu lương thực trong phạm vi cả nước gắn với việc điều hành xuất khẩu gạo, tăng cường lực lượng dự trữ lưu thông để bảo đảm hình thành giá lương thực, thực phẩm hợp lý và tương đối ổn định, có tác dụng khuyến khích nông dân phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

+ Chú trọng điều hành xuất, nhập khẩu chặt chẽ hơn; đồng thời đối với một số vật tư mà Nhà nước cần tiếp tục điều chỉnh giá với mức cần thiết nhất định nhằm tiến tới hình thành hệ thống giá hợp lý hơn, thì cũng cần tính toán hết sức thận trọng về thời điểm và bước thực hiện để không gây nên biến động về giá những mặt hàng khác, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

+ Trong chỉ đạo điều hành năm 1995 cần có các biện pháp tích cực tiết kiệm chi tiêu, không nhập siêu để tiêu dùng, tập trung sức đẩy mạnh chống thất thu, tạo và bồi dưỡng nguồn thu, phấn đấu tăng thu ngân sách, tăng mức huy động vốn cho tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý, tăng nhanh hơn vòng quay của đồng tiền, v.v, để kiên quyết khắc phục việc phát hành tiền bù đắp thiếu hụt ngân sách và bổ sung nguồn vốn tín dụng dưới bất kỳ hình thức nào.

- Về đầu tư xây dựng cơ bản: vốn tích lũy dành cho đầu tư còn rất hạn chế, tuyệt đại bộ phận nguồn vốn từ ngân sách cũng như nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm 1994 chủ yếu dựa vào vay trong nước và vay nước ngoài nhưng thực hiện được quá chậm và không bảo đảm được như dự kiến nên vốn đầu tư luôn luôn bị căng thẳng, bị động. Đến hết năm 1994, khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp phát vẫn còn nợ chuyển sang năm sau tới 1.360 tỷ đồng, gây nhiều khó khăn cho các đơn vị thi công và là gánh nặng cho cân đối ngân sách năm 1995. Vốn tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản cho mãi đến tháng 8 mới xác định được nguồn và mới phân bổ được kế hoạch cho vay 3.200 tỷ đồng so với dự kiến đầu năm 9.300 tỷ đồng (kể cả yêu cầu của ngành Điện). Vì vậy, chỉ giải quyết được cho một số công trình ngành điện, xi măng, gạch tuymen, v.v. có yêu cầu thanh toán cấp bách.

Trong tình hình nguồn vốn đầu tư có hạn và căng thẳng, việc bố trí danh mục công trình đầu tư lại dàn trải, phân tán, nhất là các công trình do các Bộ và địa phương tự bố trí và các công trình tín dụng đầu tư nên đã gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, thi công kéo dài, nợ nần phát sinh phổ biến và lãng phí lớn. Mặt khác, những bất hợp lý, sơ hở trong cơ chế quản lý điều hành xây dựng cơ bản vẫn chưa được khắc phục một cách cơ bản, như báo cáo của Thanh tra Nhà nước năm 1994 cho thấy, đã và đang gây tình trạng lạm dụng, tham ô, tiêu cực, thất thoát lớn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, chậm đưa các công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả, hạn chế việc góp phần tăng trưởng của nền kinh tế.

Năm 1995, vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách là 14.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 1994, chưa kể khối lượng hoàn thành của năm 1994 còn phải chuyển sang năm sau thanh toán. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng và khó khăn vì nguồn cấp phát còn phụ thuộc vào khả năng và tiến độ thu ngân sách và nguồn vay trong và ngoài nước. Vì vậy, nếu không có những biện pháp đồng bộ và kiên quyết, thì việc lặp lại những khó khăn và kém hiệu quả trong lĩnh vực này là điều khó tránh khỏi. Vốn tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản năm 1995 theo nhu cầu của các doanh nghiệp tới 21.000 tỷ đồng, nhưng cho đến nay cũng mới dự kiến được khoảng 11.000 tỷ đồng (kể cả 2.500 tỷ đồng vốn khấu hao cơ bản, 500 tỷ đồng thu hồi nợ), chủ yếu bằng các hình thức huy động vốn trong nước và vay nước ngoài cũng chưa được bảo đảm chắc chắn.

Trước tình hình trên, Ủy ban chúng tôi đề nghị:

- Tiếp tục tiến hành rà soát, đánh giá lại các công trình xây dựng cơ bản năm 1995 để có thể quyết định đình chỉ hoặc tạm hoãn một số công trình chưa thật cấp thiết, nhất là của các cơ quan hành chính để tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, các công trình có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm, đẩy tiến độ thi công, sớm phát huy hiệu quả trong nền kinh tế.

- Cùng với việc bổ sung hoàn chỉnh cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, trước hết khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn đồng bộ, rà soát lại và sớm sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tế, bảo đảm thực hiện chặt chẽ; cần tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ các khâu để ngăn chặn kịp thời mọi sơ hở, bảo đảm chất lượng công trình, xoá bỏ các khâu trung gian không cần thiết, khắc phục sớm tình trạng trích các khoản chi phí không thực tế (như chi phí quản lý, lán trại, thiết kế, lãi định mức, v.v.) gây thất thoát lớn trong lĩnh vực này. Kiên quyết chấp hành đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; thanh quyết toán công trình theo đúng dự toán đã được duyệt, không thanh toán vượt giá đã nhận thầu đối với những công trình đã đấu thầu,…

- Bằng các biện pháp tích cực nhất, cố gắng dành nguồn vốn cần thiết bảo đảm cấp phát kịp thời đáp ứng tiến độ thi công các công trình thuộc vốn ngân sách. Cần có các biện pháp và hình thức thích hợp để huy động cho được các nguồn vốn trong nước và nước ngoài, trước mắt sớm xác định các nguồn vốn đã có chắc chắn để phân bổ kế hoạch cho các công trình thuộc tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước, tập trung ưu tiên cho các công trình trọng điểm, then chốt của nền kinh tế, nhất là các công trình đang thi công dở dang để sớm phát huy hiệu quả ngay trong năm 1995. Cần tiếp tục đổi mới cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn khấu hao cơ bản, huy động được thêm vốn để tăng khả năng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

II- VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

1. Tháng 10-1994, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ đã trình Quốc hội với số ước thực hiện ngân sách nhà nước năm 1994:

- Tổng số thu ngân sách nhà nước: 42.830 tỷ đồng

- Tổng số chi ngân sách nhà nước: 44.830 tỷ đồng (không kể trả nợ gốc).

- Số thiếu hụt ngân sách nhà nước: 2.000 tỷ đồng (không kể trả nợ gốc).

Đến nay, Chính phủ đánh giá lại kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 1994 với:

- Tổng số thu ngân sách nhà nước: 41.090 tỷ đồng

- Tổng số chi ngân sách nhà nước: 44.770 tỷ đồng (không kể trả nợ gốc).

- Số thiếu hụt ngân sách nhà nước: 3.680 tỷ đồng (không kể trả nợ gốc).

Như vậy, tổng số thu bị hụt 1.740 tỷ đồng, tổng số chi giảm được 60 tỷ đồng so với mức dự kiến báo cáo Quốc hội hồi tháng 10 năm 1994, dẫn đến mức thiếu hụt ngân sách nhà nước tăng thêm 1.680 tỷ đồng, đưa tổng số thiếu hụt ngân sách nhà nước năm 1994 lên tới 3.680 tỷ đồng (nếu kể cả trả nợ gốc bằng nguồn vay trong và ngoài nước thì thực tế số thiếu hụt ngân sách lên đến 7.733 tỷ đồng, bằng 4,54% GDP).

Ủy ban chúng tôi có một số ý kiến như sau:

- Đến nay theo số báo cáo thực tế thu không đạt được mức dự kiến, chi thường xuyên không giảm được, vay dân trong nước và vay nước ngoài cũng không tăng thêm được bao nhiêu nên số thiếu hụt ngân sách nhà nước (chưa kể khoản vay trả nợ gốc) tăng lên gần gấp đôi so với số dự kiến và nguồn bù đắp số tăng thêm đó phải vay tạm ngân hàng và kho bạc nhà nước 1.680 tỷ đồng mà chưa trả lại được trong năm; ngoài ra còn nợ lại khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành trong năm 1994 chưa được thanh toán tới gần 1.360 tỷ đồng, đã để lại hậu quả bất lợi, nặng nề cho năm 1995.

- Thu thuế ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh không đạt mức dự kiến (hụt 371 tỷ đồng); có địa phương không đạt được nhiệm vụ thu thuế nhà nước giao trong khi khu vực kinh tế này liên tục phát triển với tốc độ cao. Qua khảo sát tìm hiểu thực tế một số nơi ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn…, cho thấy, tình trạng thất thu còn lớn, kể cả về hộ và doanh thu nộp thuế. Còn bỏ sót số hộ thực tế có sản xuất - kinh doanh nhưng chưa quản lý thu thuế tới 20-30%, thậm chí một số phường ở thành phố lớn thất thu tới 40%. Cách thu chủ yếu vẫn là hiệp thương doanh thu, khoán và điều chỉnh mức thuế nhưng việc điều chỉnh thường không kịp thời, thiếu sự điều tra, khảo sát thường xuyên nên mức thu phổ biến còn thấp khá xa so với thực tế kinh doanh, thậm chí mức khoán thu có trường hợp chỉ đạt khoảng 20-30% so với thực tế kinh doanh (như các khách sạn, nhà hàng kinh doanh ăn uống đặc sản, v.v..). Còn đối với một số hộ lớn nộp thuế theo kê khai nhưng chưa có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nên cũng còn thất thu nhiều. Thất thu thuế trong khâu lưu thông và thuế sát sinh vẫn nghiêm trọng.

- Thu thuế xuất - nhập khẩu tuy vượt 12,8% so với kế hoạch đầu năm nhưng hụt 1.000 tỷ đồng so với mức dự kiến trình Quốc hội (tháng 10 năm 1994). Trong những tháng cuối năm, ngành Hải quan đã có nhiều biện pháp tích cực chống thất thu, phát hiện và kịp thời khắc phục các sơ hở về tổ chức quản lý, về nghiệp vụ tính giá và thu thuế… nên số thu hàng tháng đã tăng lên rõ rệt như Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày đã tăng thu được 500-600 triệu đồng. Tuy nhiên, qua báo cáo của Tổng cục Hải quan và khảo sát tìm hiểu một số nơi ở Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh,… Ủy ban chúng tôi thấy thất thu thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, còn nhiều hiện tượng lợi dụng những sơ hở trong chính sách, cơ chế quản lý để trốn thuế, nhất là giá tính thuế không sát với giá trị thật của hàng hóa; khâu kiểm hóa còn bỏ sót số lượng, sai chủng loại, chất lượng; buôn lậu qua biên giới đất liền, đường biển vẫn ngày càng gia tăng.

- Chi thường xuyên bằng 102,1% dự toán Quốc hội thông qua đầu năm, tăng 510 tỷ đồng so với số dự kiến tháng 10 năm 1994, trong đó, chi quản lý hành chính bằng 122,6% dự toán đầu năm và tăng thêm tới 647 tỷ đồng. Hiện tượng này thường lặp lại qua các năm mà vẫn không khắc phục được ngay cả từ khâu dự toán, tổ chức thực hiện đến khi quyết toán (dự toán thấp, ước thực hiện đã tăng, khi quyết toán càng tăng nhiều). Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm trong điều hành thời gian tới.

- Nguồn vay trong và ngoài nước để bù đắp thiếu hụt ngân sách theo kế hoạch năm 1994 là 7.850 tỷ đồng, mà chủ yếu sử dụng cho đầu tư xây dựng cơ bản luôn gặp khó khăn, căng thẳng, lúng túng. Vay trong nước bằng các hình thức tín phiếu kho bạc chỉ đạt 44,8% mức dự kiến đầu năm; vay nước ngoài (trừ phần vay trả nợ gốc) càng khó khăn hơn, chỉ đạt 16,5% mức dự kiến đầu năm. Như vậy, nguồn vay trong nước và ngoài nước bị hụt tới 5.850 tỷ đồng. Do vậy, để bảo đảm nhiệm vụ chi phải tạm vay ngân hàng và Kho bạc nhà nước 1.680 tỷ đồng mà vẫn còn nợ thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản năm 1994 tới 1.360 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ nếu không thực thi được các giải pháp đặc biệt như đã thể hiện trong báo cáo bổ sung của Chính phủ thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch năm 1995, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển và kiềm chế lạm phát.

2. Ngay sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ (trực tiếp là Bộ Tài chính, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) đã cùng với Thường trực Ủy ban kinh tế và ngân sách khẩn trương tiến hành lập phương án phân bổ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước cho từng Bộ, ngành Trung ương và từng địa phương. Phương án phân bổ ngân sách đã được Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua vào trung tuần tháng 12 năm 1994. Cuối tháng 12 năm 1994, Chính phủ đã giao chính thức nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 1995 cho các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chính phủ cũng đã họp với lãnh đạo các địa phương để bàn biện pháp triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, qua tình hình thực hiện hai tháng đầu năm, số thu, chi ngân sách nhà nước đều đạt quá thấp: thu mới đạt 9,6% kế hoạch cả năm, chi cũng chỉ đạt 9,7% dự toán cả năm.

Ủy ban chúng tôi về cơ bản tán thành với các biện pháp đã được nêu trong báo cáo bổ sung của Chính phủ và xin lưu ý một số vấn đề sau:

- Nhiệm vụ thu năm 1995 rất nặng. Việc phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu ngân sách nhà nước là một yêu cầu cấp bách, khẩn trương ngay từ những tháng đầu năm. Vì vậy, cần thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, quyết liệt trong công tác chống thất thu, chống buôn lậu; phấn đấu tăng thu trên cơ sở mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; mọi khoản thu đều phải được quản lý chặt chẽ qua ngân sách nhà nước; có cơ chế khuyến khích phát triển nguồn thu, tạo và bồi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách. Đồng thời, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế và tiến hành từng bước cải cách hệ thống chính sách thuế hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm khuyến khích sản xuất phát triển, bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm nguồn thu ngày càng tăng cho ngân sách nhà nước.

+ Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thu thuế xuất - nhập khẩu được giao năm 1995 là 16.250 tỷ đồng - cũng phải có các biện pháp quyết liệt ngay từ đầu năm, có chính sách xuất - nhập khẩu ổn định, chấn chỉnh cơ chế quản lý theo hướng khuyến khích sản xuất trong nước phát triển, tạo khả năng cạnh tranh trên thị trường, khắc phục mọi kẽ hở lạm dụng trốn lậu thuế, nhất là khâu xác định giá tính thuế sao cho sát với giá trị thật của hàng hóa nhập khẩu; ngăn chặn các hiện tượng nhập nhằng về số lượng, chủng loại, chất lượng hàng hóa nhập khẩu, về các hình thức nhập khẩu để được miễn, giảm thuế,… Đồng thời, cần tăng cường quản lý, kiểm tra kiểm soát, kiểm hóa hàng nhập khẩu chặt chẽ, chống buôn lậu, chống trốn thuế, lậu thuế. Cần tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các lực lượng cùng với cơ quan hải quan trong công tác chống buôn lậu, nhất là trên biên giới đất liền, trên biển,… Đồng thời cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các lực lượng tham gia chống buôn lậu và giải quyết hài hòa lợi ích giữa Trung ương và địa phương, phần thu vượt kế hoạch dành lại cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là ở vùng biên giới, hải đảo.

+ Nhiệm vụ thu đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh phải được chuyển biến mạnh mẽ trong năm 1995. Do vậy, cần tập trung sức chỉ đạo sát sao trong công tác quản lý, chống thất thu thuế trong khu vực này; mở rộng diện thực hiện chế độ kế toán tư nhân, tiến tới buộc các hộ kinh doanh lớn và vừa phải sử dụng chứng từ khi mua bán hàng, từng bước giảm dần hình thức thu thuế “khoán”; tăng cường thu thuế trực tiếp qua hệ thống Kho bạc. Cần tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp cơ sở, sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cơ quan pháp luật, các đoàn thể,… trên từng địa bàn trong công tác quản lý thu thuế; coi trọng giáo dục nghĩa vụ nộp thuế của mọi tổ chức, công dân, đấu tranh chống mọi hành vi buôn lậu, trốn lậu thuế. Chỉ có như vậy mới bảo đảm khả năng hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu thuế năm 1995 đã được giao 5.900 tỷ đồng trong lĩnh vực này.

+ Nguồn thu từ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước là một nguồn thu lớn nhưng đang bị thất thoát nghiêm trọng và chứa đựng nhiều tiêu cực. Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thu về bán nhà ở, cấp quyền sử dụng đất năm 1995: 1.750 tỷ đồng - nguồn thu quan trọng, để xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, theo chúng tôi, một mặt, cần khẩn trương ban hành tiếp và rà soát lại các văn bản hướng dẫn đã ban hành nhằm vừa bảo đảm tổ chức thực hiện đồng bộ theo Luật đất đai, vừa xử lý hợp lý các trường hợp tồn tại về đất đai hiện nay; mặt khác, cần tiến hành một đợt tổng kiểm tra, điều tra đất đai, trước hết ở các đô thị, để kết hợp việc đăng ký, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất với việc thu tiền sử dụng đất, buộc mọi cá nhân, tổ chức thực hiện đúng luật. Toàn bộ tiền thu về đất, về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải nộp vào ngân sách nhà nước để cấp cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Trong tình hình nền kinh tế mới bước đầu phát triển, nền tài chính còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách còn hạn chế, nhiệm vụ chi ngân sách còn eo hẹp, vấn đề đặt ra là cần sắp xếp bố trí chi tiêu hết sức tiết kiệm, đúng mục đích, đúng chế độ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện lãng phí, thất thoát.

+ Chi đầu tư phát triển cần phải được ưu tiên trong quá trình điều hành ngân sách, bảo đảm vốn cấp phát kịp thời theo tiến độ thi công và dự toán được duyệt, tránh tình trạng để dồn vào cuối năm. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh trình tự, thủ tục xây dựng cơ bản; ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu cực ở các khâu; thực hiện nghiêm ngặt chế độ đấu thầu và quản lý theo dự án; kiên quyết cắt giảm đối với những công trình không đăng ký, kém hiệu quả, kiên quyết không cấp vốn thanh toán cho khối lượng vượt dự toán được duyệt; loại trừ những chi phí trích không hợp lý, sai chế độ.

+ Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, cần xác định thật rõ trách nhiệm của cơ quan duyệt dự án và quản lý dự án, tránh qua nhiều tầng nấc, làm chậm tiến độ thực hiện dự án; đồng thời, cần có cơ chế quản lý, kiểm tra giám sát chặt chẽ để bảo đảm vốn đầu tư thật sự đến với từng dự án, từng công việc, đến với dân; kiên quyết khắc phục tình trạng vốn bị thất thoát qua nhiều khâu.

+ Chi thường xuyên, nhất là chi quản lý hành chính, cần phải tiết kiệm triệt để trong từng khoản mục chi tiêu, nhất là các khoản chi không định mức. Bảo đảm mức ăn theo định lượng cho chiến sĩ. Kiên quyết ngăn chặn các khoản chi tiêu lãng phí, phô trương hình thức, kém hiệu quả, dù đã được ghi trong dự toán. Tăng cường kiểm soát chi tiêu, đề nghị giao trách nhiệm cho kho bạc nhà nước quyền kiểm soát chi khi xuất quỹ ngân sách theo đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức quy định trong phạm vi dự toán đã được duyệt. Trường hợp phấn đấu tăng được thu hoặc tìm thêm được nguồn vay ODA thì kiên quyết tập trung cho đầu tư phát triển để góp phần đẩy tiến độ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện từng bước hình thành quỹ dự trữ tài chính.

 

*

*          *

 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là một số ý kiến bổ sung của Ủy ban chúng tôi về tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách năm 1994; việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước năm 1995; kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội