VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995


Ý KIẾN CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT
CỦA QUỐC HỘI VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI

(Do ông Hà Mạnh Trí, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá IX, ngày 01-4-1995)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Ngày 11 tháng 3 năm 1995, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã họp để thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật đất đai. Tham dự phiên họp có đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Xây dựng, Văn phòng Quốc hội và một số cơ quan hữu quan. Sau khi nghe đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính báo cáo, đại diện các cơ quan hữu quan phát biểu, các thành viên Ủy ban pháp luật đã thảo luận và nêu nhiều ý kiến. Chúng tôi xin báo cáo Quốc hội ý kiến của Ủy ban pháp luật như sau:

Qua thảo luận, Ủy ban pháp luật nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã nêu được nhiều vấn đề quan trọng về tình hình thi hành Luật đất đai, như việc ban hành các văn bản pháp luật, việc xây dựng hồ sơ tài liệu để quản lý đất đai, việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, v.v.. Báo cáo cũng đã phản ánh được những cố gắng của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trong việc thực hiện pháp luật đất đai; đồng thời, Báo cáo đã đề cập một số vấn đề còn tồn tại, những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật đất đai đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu để xử lý. Vì vậy, về cơ bản Ủy ban pháp luật tán thành với nhiều nội dung đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy Báo cáo này cũng còn có những vấn đề mới chỉ đề cập tình hình chung mà chưa đi sâu phân tích, đánh giá một cách cụ thể về thực trạng thi hành Luật đất đai trong phạm vi toàn quốc, đúng như báo cáo của Chính phủ đã nêu: “Chính phủ mới chỉ nêu tổng quát bước đầu về tình hình tổ chức thi hành Luật và phương hướng hoạt động sắp tới mà chưa thể đánh giá thật đầy đủ, cụ thể về hiệu quả và tác dụng của đạo luật”. Đồng thời, còn một số vấn đề quan trọng khác mà Luật đất đai đã quy định nhưng chưa được đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ trong Báo cáo như: trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc bảo đảm, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đất do Nhà nước giao cho các tổ chức trực thuộc Bộ, ngành mình, nhất là đối với các Bộ được giao quản lý nhiều đất đai; việc xác định giá đất để tính giá trị tài sản khi giao đất; việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam; những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về đất đai v.v.. Theo chúng tôi, đây là những vấn đề cần được quan tâm trong quá trình tổ chức và thực hiện Luật đất đai trong thời gian tới.

I- VỀ TÌNH HÌNH THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI

1. Những kết quả đã làm được

Theo quy định của Luật đất đai thì để thi hành Luật này, có tới trên 30 vấn đề cần phải được ban hành văn bản pháp luật. Cho đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích; Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam; Nghị quyết quy định khung thuế suất chuyển quyền sử dụng đất trong trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Chính phủ cũng đã ban hành 20 nghị định và một số văn bản khác để cụ thể hóa và hướng dẫn việc thi hành Luật đất đai.

Căn cứ vào các quy định của Luật đất đai và các văn bản nói trên, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức.

Cho đến nay, theo Báo cáo của Chính phủ, các địa phương đã giao được 4,19 triệu ha đất nông nghiệp cho 7,3 triệu hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài, 35% số hộ nông dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích bằng 30% so với tổng số diện tích đất nông nghiệp; giao được 7,1% đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình.

Đối với đất ở, Chính phủ đang tiến hành làm thử việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền với giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại một số thành phố; đối với đất an ninh, quốc phòng đã hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho 30% đất thuộc các đơn vị an ninh, gần 40% cơ sở doanh trại quân đội.

Đối với các đất khác như: đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa, bãi bồi ven sông, ven biển và đất có mặt nước ở các vùng đồng bằng, Chính phủ bước đầu cũng đã có một số chính sách cụ thể khuyến khích việc sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, v.v..

Việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài đã tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là nông dân yên tâm, phấn khởi, thúc đẩy sản xuất phát triển và sử dụng đất có hiệu quả hơn so với trước khi ban hành Luật đất đai năm 1993.

Việc ban hành và triển khai thực hiện Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất, các pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức sử dụng đất đã bước đầu góp phần hạn chế được sự chuyển quyền sử dụng đất tùy tiện, nhất là việc chuyển nhượng đất đai trái pháp luật diễn ra trong đời sống xã hội.

Cùng với việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác thanh tra, giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp đất đai cũng đã có những cố gắng và đạt được những kết quả nhất định. Số lượng các vụ tranh chấp đất đai đã giảm nhiều. Đặc biệt là các vụ tranh chấp có nhiều người tham gia dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại đến sức khỏe, đến tính mạng, tài sản của công dân như trước đây đã giảm hẳn. Chính phủ cũng đã có một số biện pháp để bảo vệ đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp có rừng, nhất là đối với đất trồng lúa nước; bước đầu xây dựng chính sách tài chính trong quan hệ đất đai. Tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về đất đai đã được kiện toàn một bước; công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá và phân hạng đất, lập bản đồ địa chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang được triển khai ở nhiều địa phương.

2. Những tồn tại, thiếu sót trong việc quản lý nhà nước về đất đai

Bên cạnh một số kết quả đạt được như đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ, qua thảo luận chúng tôi thấy còn một số vấn đề tồn tại cần được đánh giá đúng mức để từ đó đề ra được những biện pháp nhằm tổ chức thực hiện pháp luật đất đai tốt hơn, nhất là đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai. Theo Báo cáo của Chính phủ và qua hoạt động giám sát của Ủy ban, chúng tôi nhận thấy, trong quá trình tổ chức thực hiện, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã bộc lộ một số tồn tại thiếu sót như sau:

Luật đất đai được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 7 năm 1993 và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 1993. Việc Quốc hội quyết định hiệu lực thi hành của Luật sau 3 tháng kể từ ngày thông qua là nhằm mục đích để dành một thời gian cần thiết cho các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành các văn bản pháp luật để thi hành Luật đất đai. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, đất đai ở nước ta là một lĩnh vực rất phức tạp, đồng thời là một vấn đề rất nhạy cảm trong đời sống xã hội, nhiều vấn đề Luật quy định là rất mới và chúng ta còn có ít kinh nghiệm trong thực tiễn quản lý, đòi hỏi cần phải được nghiên cứu rất thận trọng trong quá trình chuẩn bị và ban hành các văn bản. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuy đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung việc ban hành các văn bản để thi hành Luật đất đai còn chậm và có những vấn đề còn chưa cụ thể. Nhìn chung, chỉ có một số ít văn bản được ban hành kịp thời, còn lại phần lớn các văn bản đều được ban hành sau khi Luật đất đai đã có hiệu lực từ 9 tháng trở lên như Nghị định 87/CP về “Khung giá các loại đất” ban hành ngày 17-8-1994, Nghị định 60/CP về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, ban hành ngày 05-7-1994, Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14-10-1994, v.v..

Tính đến nay, Quốc hội thông qua Luật đất đai được 20 tháng, một số vấn đề Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thi hành nhưng vẫn chưa quy định được như về việc giao đất, về chế độ quản lý và sử dụng đối với các loại đất khác, trừ đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp; về chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh, chế độ sử dụng đối với quỹ đất 5%, chế độ quản lý và sử dụng đất có mặt nước, v.v..

Theo Báo cáo của Chính phủ thì việc giao đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp còn chậm, nhất là đất lâm nghiệp; cho đến nay, mới giao cho hộ gia đình được 7,1% tổng diện tích đất lâm nghiệp, có những địa phương đạt tỷ lệ rất thấp (từ 1,7 đến 2,6%). Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình cũng chậm. Số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp được 35%, thực chất bao gồm cả giấy tạm thời của địa phương và giấy chính thức của cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương. Có những khu vực, tỷ lệ số hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp so với tổng số hộ đạt rất thấp như vùng đồng bằng sông Hồng đạt 18,25%, vùng duyên hải miền Trung chỉ đạt 12,44%.

Đối với đất khu dân cư nông thôn, đất ở tại các đô thị và các loại đất khác nhìn chung là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa đáng kể. Một số địa phương mới đang làm thí điểm nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định tính hợp pháp đối với những thửa đất đang có người sử dụng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nhiều Ủy ban nhân dân các cấp chưa nắm chắc được quỹ đất do địa phương quản lý, chưa lập được bản đồ địa chính nên hàng năm không xây dựng được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật đất đai còn yếu kém, nhìn chung là chưa đáp ứng được yêu cầu mà Luật đất đai đã quy định.

Điều 23 Luật đất đai đã quy định về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc thông qua kế hoạch hàng năm của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng để sử dụng vào mục đích khác; thẩm quyền của Chính phủ trong việc xét duyệt kế hoạch hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giao đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng để sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, cho đến nay, những quy định này của Luật đất đai đều chưa được thực hiện. Trong khi đó, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn ra quyết định giao đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng để sử dụng vào mục đích khác không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Nhiều nơi xảy ra tình trạng khá phổ biến là người sử dụng đất tự tiện chuyển đất nông nghiệp sang mục đích khác. Vì vậy, đã dẫn đến tình trạng làm giảm sút diện tích đất nông nghiệp, nhất là đối với đất trồng lúa và Nhà nước cũng không quản lý được diện tích bị giảm sút này. Trước tình hình đó, ngày 03-3-1995, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ngành liên quan để uốn nắn lệch lạc trong việc quyết định sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa vào mục đích khác. Chúng tôi cho rằng đây là biện pháp kịp thời và cần thiết.

Những tồn tại, thiếu sót trong việc quản lý đất đai như chúng tôi vừa nêu trên làm cho nhiều quy định của Luật đất đai chậm đi vào cuộc sống hoặc không được thực hiện nghiêm chỉnh và có thể nói cho đến nay, sau gần hai năm thi hành Luật đất đai, các cơ quan có trách nhiệm tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa nắm được một cách đầy đủ thực trạng việc quản lý, sử dụng đất đai và những biến động về đất đai trong toàn quốc; chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đất đai mà Luật đất đai quy định.

3. Những vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai

Nhìn chung, trong công tác quản lý nhà nước về đất đai cũng như trong việc sử dụng đất đai trong thời gian qua đã có những vi phạm chủ yếu sau đây:

- Tình trạng cấp đất, chuyển nhượng đất trái thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích còn xảy ra ở tất cả các cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã;

- Nhiều địa phương tùy tiện miễn, giảm hoặc không thu đúng, thu đủ tiền sử dụng đất theo quy định, đã làm giảm thu ngân sách nhà nước; có địa phương không trích nộp đúng, nộp đủ 30% số tiền thu về sử dụng đất vào ngân sách trung ương mà để lại địa phương sử dụng vào các mục đích khác như cho vay, gửi tiết kiệm lấy lãi, v.v.; ở một số địa phương đã xảy ra việc Ủy ban nhân dân xã, phường bán đất, trong đó có cả đất nông nghiệp ở ven đô thị, ven các đường giao thông chính để chuyển thành đất xây dựng nhà ở. Năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành kiểm sát việc thi hành Luật đất đai ở một thành phố và một tỉnh đã cho thấy: hàng triệu m2 đất đã được giao trước khi có quy hoạch tổng thể được Chính phủ phê duyệt; gần 4 triệu m2 đất bị giao vượt thẩm quyền, có công trình đã giao tới 20 ha; hơn nửa triệu m2 đất đã được giao cho các cơ quan, đơn vị xây nhà ở để phân cho các hộ không đúng trình tự, điều kiện theo quy định của Luật đất đai; hơn 9 tỷ đồng thu từ tiền sử dụng đất đã bị sử dụng cho vay, mua sắm các thiết bị kỹ thuật, vận tải, v.v.. Nghiêm trọng hơn như ở Hà Nội, do công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều yếu kém đã để cho một số gia đình xây nhà ngay trong hành lang bảo vệ đê, vi phạm Pháp lệnh bảo vệ đê điều.

- Có tình hình hộ gia đình được giao đất trồng lúa nhưng đã tùy tiện chuyển mục đích sử dụng sang làm vườn hoặc xây nhà ở nhưng không xin phép cơ quan có thẩm quyền. Nghiêm trọng hơn, đối với đất trồng lúa ở ven đường giao thông, ven đô thị, đã bị tùy tiện chuyển sang làm nhà ở, nhà hàng không theo quy hoạch.

- Nhiều hộ gia đình, cá nhân đã chuyển đổi, chuyển nhượng đất không theo quy định của pháp luật về đất đai mà thường chuyển cho nhau dưới dạng giấy viết tay giữa hai bên và Nhà nước hầu như không quản lý được. Đáng lo ngại là do việc quản lý và sử dụng đất đai như vậy nên đã dẫn đến tình trạng người làm nông nghiệp không có hoặc có quá ít đất để sản xuất đang xảy ra ở nhiều tỉnh, nhất là ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

- Có hiện tượng nhiều hộ nông dân đang sử dụng diện tích đất vượt hạn mức nhưng không muốn nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không kê khai chính xác phần diện tích đất sử dụng để trốn, lậu thuế phụ thu.

- Nhiều cơ quan, tổ chức xin đất với mục đích xây dựng trụ sở cơ quan, nhà ở cho cán bộ nhưng khi được giao đất đã tùy tiện thay đổi mục đích sử dụng.

Ủy ban pháp luật cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật đất đai hiện nay là nghiêm trọng, nếu không sớm có biện pháp khắc phục hữu hiệu thì tình hình sẽ ngày càng trầm trọng hơn, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương, phép nước và gây bất bình trong nhân dân.

II- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

Qua thảo luận Báo cáo của Chính phủ và tiến hành giám sát tình hình thi hành pháp luật đất đai ở một số địa phương, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề trước mắt, cụ thể là:

1. Vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một biện pháp quan trọng và cần thiết của công tác quản lý nhà nước về đất đai và cũng đáp ứng sự mong đợi thiết tha của nhân dân, nhất là đối với nông dân nhằm khẳng định quyền sử dụng của họ đối với đất được Nhà nước giao. Nhưng theo Báo cáo của Chính phủ thì đây là một công việc phức tạp và phải tiếp tục tiến hành trong nhiều năm nữa. Trong khi đó nhu cầu của nhân dân về việc sử dụng các quyền của người sử dụng đất hết sức cấp thiết và chính vì vậy, việc chuyển quyền sử dụng đất vẫn diễn ra trên thực tế, ngoài sự quản lý của Nhà nước, dẫn đến tình trạng không tránh khỏi tiêu cực và Nhà nước bị thất thu một khoản thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có biện pháp tăng cường đội ngũ cán bộ địa chính, nhất là ở cấp cơ sở và cơ sở vật chất - kỹ thuật cho công tác địa chính, cải tiến phương pháp, thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, trong khi chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cần có biện pháp cụ thể để có thể quản lý cho được tình hình biến động về đất đai trong lĩnh vực chuyển quyền sử dụng đất.

2. Vấn đề bảo vệ đất nông nghiệp

Theo Báo cáo của Chính phủ thì diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa bị giảm đi ngày càng nhiều do quá trình công nghiệp hóa đất nước cũng như bị giảm do những yếu kém trong công tác quản lý đất đai. Trong khi một số quy định tại Điều 23 Luật đất đai chưa thực hiện được như chúng tôi đã trình bày ở trên, trước mắt đề nghị Chính phủ cần áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa vào mục đích khác; có chính sách thích hợp nhằm khuyến khích khai hoang, phục hóa để bù đắp lại diện tích nông nghiệp đã chuyển sang sử dụng vào mục đích khác và có chính sách khuyến khích đối với người trồng lúa nhằm bảo đảm an toàn lương thực trong điều kiện nước ta có quỹ đất nông nghiệp tính theo đầu người rất thấp. Đối với những công trình trọng điểm quốc gia, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng mà cần phải sử dụng nhiều diện tích đất thì cần phải có sự chỉ đạo, kiểm tra một cách sát sao đối với các luận chứng kinh tế - kỹ thuật để hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng quỹ đất trồng lúa vào những công trình này.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát thi hành pháp luật đất đai

Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt và là tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Để bảo vệ, quản lý sử dụng đất đai tiết kiệm, có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm trong công tác quản lý, các ngành, các cấp, các tổ chức và mọi công dân phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật về đất đai. Chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý các cơ quan hữu quan một số điểm cụ thể sau đây:

- Chính phủ tăng cường chỉ đạo các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình hình sử dụng đất đai và việc chuyển quyền sử dụng đất.

- Viện kiểm sát nhân dân các cấp với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật cần có kế hoạch kiểm sát việc thi hành pháp luật đất đai. Khi phát hiện những vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất cần kháng nghị kịp thời và yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình cần tăng cường công tác giám sát việc thi hành pháp luật đất đai của cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là đối với các Bộ, ngành được giao quản lý và sử dụng nhiều diện tích như Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, v.v..

4. Về việc tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai

Như trên chúng tôi đã trình bày, để bảo đảm cho Luật đất đai thực sự đi vào cuộc sống thì còn nhiều vấn đề cần phải được sớm ban hành văn bản pháp luật để cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, đối với các văn bản đã ban hành, qua thực hiện có những vấn đề còn có ý kiến khác nhau như trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu. Trước tình hình nêu trên, chúng tôi đề nghị Quốc hội giao cho các cơ quan hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cần khẩn trương tổ chức nghiên cứu, soạn thảo các văn bản để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, đồng thời tổ chức việc rà soát văn bản, khảo sát nắm tình hình thực tế và có biện pháp xử lý kịp thời.

5. Vấn đề giải thích luật và pháp luật

Luật đất đai năm 1993 đã thể chế hóa một số quan điểm đổi mới của Đảng ta trong lĩnh vực đất đai. Nhiều quy định trong Luật rất mới mẻ. Để thi hành được Luật đất đai, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành một số văn bản luật, pháp lệnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, đã có một số cơ quan đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích một số điểm trong các quy định của luật, pháp lệnh. Về vấn đề này, chúng tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, khảo sát thực tiễn để chuẩn bị văn bản giải thích trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện pháp luật về đất đai không chỉ đơn thuần là thực hiện các quy định pháp luật đã có. Chúng tôi cho rằng, để quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả, chúng ta cần phải có thời gian tiếp tục nghiên cứu, đề ra và thực hiện nhiều chính sách về kinh tế - xã hội; tiếp tục ban hành các văn bản pháp luật về những vấn đề mới phát sinh trong công tác quản lý và sử dụng đất đai; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai trong nhân dân và có những biện pháp thiết thực khác đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho mọi người thấy rõ việc bảo vệ đất đai - một loại tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt. Bảo vệ và sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả chính là bảo vệ lợi ích quốc gia, trong đó có lợi ích của mỗi gia đình, mỗi người dân.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là ý kiến của Ủy ban pháp luật về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật đất đai, xin trình Quốc hội xem xét và quyết định.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội