BÁO CÁO BỔ SUNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 1994
VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TRONG CHỈ ĐẠO
THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1995
(Do Phó Thủ tướng Phan Văn Khải trình bày
tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá IX, ngày 18-4-1995)
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Quốc hội đã dành hai ngày để thảo luận các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 1994 và một số vấn đề lớn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1995 theo Nghị quyết Quốc hội kỳ họp thứ 6.
Nhìn chung, Quốc hội đã biểu thị sự nhất trí cao với những nhận định lớn về tình hình kinh tế - xã hội và những chủ trương, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành mà Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội.
Thay mặt Chính phủ, tôi chân thành cảm ơn và hoan nghênh những ý kiến đóng góp thẳng thắn, với trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội và mong rằng, Chính phủ cũng như chính quyền các cấp sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ, có hiệu quả của các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu cũng như của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ rất nặng nề trong năm 1995.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Như nhiều ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu đều nhất trí nhận định, bên cạnh những cố gắng và thành tựu rất quan trọng mà chúng ta đã giành được, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đang còn nhiều khó khăn, chứa đựng những nhân tố chưa thật vững chắc; công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp có những mặt chưa theo kịp tiến trình đổi mới và phát triển, còn có lúc thiếu nhạy bén trong đánh giá tình hình, trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô để quản lý nền kinh tế thị trường; nhiều tiêu cực trong bộ máy nhà nước và trong xã hội chưa được ngăn chặn có hiệu quả, có mặt đang có nhiều hướng phát triển. Đây là những vấn đề lớn, tác động trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ lớn trong năm 1995 và những năm tiếp theo, cần phải được tập trung sức để khắc phục.
Quốc hội đã nghe các đồng chí Bộ trưởng Hồ Tế, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn, Bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Trần Xuân Giá trình bày một số vấn đề cụ thể mà các đại biểu Quốc hội chất vấn. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành liên quan trả lời bằng văn bản những ý kiến khác của đại biểu Quốc hội.
Trong các ý kiến đã phát biểu của các đại biểu Quốc hội, có những vấn đề lớn, cần phải có thời gian nghiên cứu và đề ra giải pháp xử lý đồng bộ, có hiệu quả hơn mà tại kỳ họp này, các Bộ chưa thể trình bày với Quốc hội một cách cụ thể. Chính phủ hoan nghênh và tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đó và sẽ có kế hoạch chỉ đạo các ngành hữu quan khẩn trương nghiên cứu để báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp sau.
Theo ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, tôi xin phát biểu thêm một số ý kiến về những vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
1. Về bảo đảm an toàn lương thực quốc gia và ổn định giá cả
a) Vấn đề bảo vệ diện tích lúa:
Là một nước nông nghiệp với số dân đông, sản xuất lương thực đối với nước ta là vấn đề có ý nghĩa sống còn để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, không chỉ hôm nay mà cả mai sau. Đây không chỉ là vấn đề riêng của nước ta mà là vấn đề lớn của nhiều khu vực trên thế giới. Chúng ta không thể làm giàu bằng sản xuất lương thực, nhưng nếu không bảo đảm được an toàn lương thực cho khoảng 80 triệu dân vào cuối thế kỷ này và trên 100 triệu dân vào thế kỷ XXI thì không thể có sự ổn định để phát triển.
Vì trách nhiệm đối với hiện tại và tương lai của đất nước, Chính phủ cho rằng, việc bảo vệ cho được diện tích lúa hiện có của nước ta là một quốc sách. Xin đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc ngăn chặn tình trạng giảm đất trồng lúa nước với tốc độ đáng báo động trong những năm gần đây.
Đặt vấn đề như vậy không có nghĩa là bó chặt nền nông nghiệp trong cơ cấu cũ và sản xuất lương thực với bất cứ giá nào. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đối với đất lúa nước phải có quy hoạch không thể tự do tùy tiện. Để bảo vệ được diện tích lúa nước, Chính phủ sẽ có chính sách và biện pháp để bảo đảm lợi ích cho những người trồng lúa.
Nước ta đang ở vào thời kỳ bắt đầu công nghiệp hóa và đô thị hóa nên nhu cầu đất đai cho xây dựng cơ bản rất lớn. Nhiều khu công nghiệp mới, khu dân cư mới ra đời; nhiều công trình kết cấu hạ tầng phải xây dựng mới hoặc mở rộng; đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước sẽ tăng nhanh…; tất cả đều đòi hỏi phải có nhiều đất xây dựng. Vấn đề đặt ra là đất nào? Nước ta có trên 70% là đồi núi, trong đó 5-6 triệu ha là đất đồi núi thấp và bãi cát. Chúng ta phải hướng các khu công nghiệp, các công trình xây dựng lớn vào vùng đất này là chủ yếu. Nhà nước đã và sẽ có chính sách khuyến khích mạnh các nhà đầu tư sử dụng vùng đất này, nhưng như thế chưa đủ. Nếu chỉ chiều theo nguyện vọng của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài thì ai cũng muốn đầu tư ở vùng giáp đô thị, ven trục giao thông lớn, thậm chí đã có những dự án sử dụng hàng ngàn ha lúa nước ở ngoại thành Hà Nội để xây dựng, trong khi việc mở khu công nghiệp mới Sóc Sơn rất chậm trễ. Xuất phát từ tình hình thực tế đó. Thủ tướng Chính phủ có những biện pháp kinh tế - hành chính mạnh để thực hiện định hướng chiến lược trên đây. Những công trình không thể tránh việc sử dụng đất lúa phải được Thủ tướng Chính phủ xét duyệt một cách chặt chẽ.
b) Vấn đề điều hòa lương thực nội địa và giá cả thị trường gạo:
Đối với nước ta, giá lương thực, thực phẩm là một nhân tố quan trọng đối với việc ổn định giá cả và đời sống, vì chi phí về ăn chiếm khoảng 60% tiêu dùng của dân cư. Trong các năm 1992-1993, giá lương thực, thực phẩm tăng chậm hơn nhiều so với hàng công nghiệp, dịch vụ, gây thiệt thòi cho nông dân. Tới đầu năm 1994, do được mùa lớn cả hai miền nên giá lương thực tiếp tục giảm. Vào thời điểm đó, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp như tăng mức dự trữ quốc gia; giao nhiệm vụ và chi trên 50 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các công ty lương thực mua lúa đưa vào dự trữ xuất khẩu…, để khống chế giá lúa đồng bằng sông Cửu Long, không xuống dưới 1.100đ/kg. Sau đó, giá gạo trên thị trường thế giới tăng nên giá mua lúa trong nước cũng nhích lên.
Đến cuối năm 1994, cả ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Bắc đều mất mùa nặng, cung cầu về gạo trên địa bàn các tỉnh phía Bắc căng thẳng không chỉ về số lượng mà cả về cơ cấu tiêu dùng do mất trên một triệu tấn lúa thuộc giống 203 là loại gạo quen dùng trong nhân dân. Trước tình hình này, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp điều hòa cung cầu thị trường gạo như xuất dự trữ quốc gia; tăng cường việc điều chuyển gạo từ miền Nam ra miền Bắc; hạn chế xuất khẩu gạo chính ngạch; nghiêm cấm xuất khẩu gạo tiểu ngạch và xuất lậu gạo ra nước ngoài; miễn thuế buôn chuyến và giải tỏa mọi ách tắc trong lưu thông lúa gạo, thực phẩm…
Mặc dù những biện pháp này đã mang lại kết quả là kìm được sự tăng giá lương thực vào thời điểm trước và sau tết Nguyên Đán. Nhưng việc để giá lương thực tăng 39% trong năm 1994 và tiếp tục tăng trong quý I-1995 là một khuyết điểm lớn mà trách nhiệm trước hết thuộc về Chính phủ. Một vấn đề lớn cần phải được chấn chỉnh, đó là tổ chức hệ thống lương thực quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu lưu thông, điều hòa lương thực ngay cả trong những năm thời tiết bình thường. Việc cân đối lương thực ở các tỉnh miền Bắc, ngay những năm không có thiên tai, chúng ta đã phải điều từ miền Nam ra khoảng 10-20 vạn tấn gạo, những năm mất mùa như năm 1991 điều ra Bắc 50 vạn tấn và năm nay trên 50 vạn tấn. Trong khi đó, các công ty lương thực nhà nước kể cả Trung ương và địa phương lại tập trung chủ yếu vào kinh doanh xuất khẩu lương thực, hầu như không quan tâm đến kinh doanh lương thực trên thị trường nội địa. Trong thời gian tới, cần phải tổ chức lại mạng lưới kinh doanh lương thực, từ Tổng công ty lương thực Trung ương đến công ty các tỉnh, thành phố thành hệ thống mạnh, hoạt động có hiệu quả, trước hết là ở các tỉnh phía Bắc, giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các công ty lương thực, bảo đảm phương tiện và giá cước vận tải theo quy định của Chính phủ để chủ động điều hòa cung cầu lương thực trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, trong vấn đề lương thực năm nay, cũng cần làm rõ hơn trách nhiệm của các cấp chính quyền. Với lượng gạo đã điều chuyển từ Nam ra Bắc trên 50 vạn tấn, mức cao nhất từ trước tới nay, nếu được điều chuyển đúng địa chỉ như kế hoạch đã đề ra, thì không có lý do gì miền Bắc thiếu gạo và giá gạo tăng lên như vậy. Nhưng một số địa phương đã không coi việc điều hòa lương thực là trách nhiệm của chính mình, không chỉ đạo đến nơi đến chốn việc mua và vận chuyển gạo từ chân hàng mà Trung ương đã đưa ra, gây nên tình trạng rất không bình thường là ngay khi nơi tiêu dùng đang rất cần lương thực thì gạo ở kho cảng có lúc lại bị ứ đọng.
Một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là tình trạng bất chấp mệnh lệnh của Chính phủ trong việc cấm xuất khẩu gạo và lợn qua đường tiểu ngạch và xuất lậu ra nước ngoài. Trong khi Chính phủ tập trung sự chỉ đạo điều gạo từ miền Nam ra Bắc thì một số tổ chức kinh tế của Nhà nước, thậm chí cả cơ quan nhà nước đã lợi dụng chở gạo bán ra nước ngoài trái pháp luật và trái cả đạo lý. ở một số địa phương, tình trạng xuất lậu gạo, lợn thịt và lợn sữa qua biên gới vẫn chưa được ngăn chặn, thậm chí có chiều hướng tăng do giá xuất khẩu tăng; nếu không kiên quyết ngăn chặn thì cân đối lương thực và thực phẩm ngay trong năm nay, dù không mất mùa cũng sẽ rất căng thẳng. Trong thời gian qua, rất nhiều đơn vị vào mua gạo ở miền Nam, nhiều tàu xuống tận đồng bằng sông Cửu Long sử dụng thương lái mua gom gây tình hình rất lộn xộn và tiếp tục đẩy giá lên. Số gạo này không phải hoàn toàn mua để đem ra miềm Bắc. Chỉ tính riêng số tàu được cấp phép chở gạo và đăng ký cập cảng Hải Phòng trong ba tháng đầu năm 1995, là 121 chiếc thì có 22 tàu đến nay vẫn chưa vào cảng. Vừa qua, các cơ quan có trách nhiệm bắt giữ 10 tàu chở gạo có dấu hiệu vi phạm pháp luật để điều tra, thì ba tàu là của công ty tư nhân, bảy tàu là chủ hàng mang danh nghĩa nhà nước gồm các công ty của địa phương và cả của một số đơn vị kinh tế của quân đội. Chúng ta chưa nắm được một cách chính xác số lượng xuất khẩu gạo trái phép ra nước ngoài, nhưng có số liệu ước tính trong quý I-1995 trên dưới 100.000 tấn kể cả qua đường biển và qua biên giới trên đất liền. Đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào; trong quý I và 15 ngày đầu tháng 4-1995, số gạo xuất chính ngạch sang Trung Quốc là 204.000 tấn, chiếm gần 30% lượng gạo xuất khẩu trong thời gian này. Vấn đề ở đây là tình trạng vi phạm pháp luật, bất chấp kỷ cương phép nước, dù bán cho ai cũng phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Tôi hoàn toàn đồng tình với kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội là đối với hàng xuất lậu, nhập lậu phải bị tịch thu, chủ hàng và chủ phương tiện chuyên chở hàng đó phải bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật. Đề nghị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng cường chỉ đạo và kiểm tra, không được giao gạo cho những tàu hàng không có giấy phép xuất khẩu hoặc giấy phép chở gạo ra Bắc.
Việc tổ chức đưa gạo từ miền Nam ra bắc phải quy định rõ địa chỉ đi và đến, có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Lực lượng quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, Hải quan và các địa phương biên giới, ven biển phải thực hiện nghiêm những quy định của Thủ tướng Chính phủ, phát hiện và xử lý kịp thời mọi vi phạm, bất kể đó là tổ chức nào. Những cán bộ, và công chức có trách nhiệm trong các cơ quan nhà nước mà thông đồng, tiếp tay cho bọn buôn lậu càng phải xử lý nghiêm hơn.
c) Cùng với việc điều hòa lương thực và ổn định giá gạo, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp kiểm soát lạm phát như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội ngày 28 tháng 3 năm 1995. Tôi xin nói rõ thêm việc sử dụng nguồn ngoại tệ đưa vào nước ta từ nhiều kênh: ngoài ngoại tệ thu được qua xuất khẩu và dịch vụ với bên ngoài, còn có nguồn tài trợ phát triển, đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về. Các nguồn ngoại tệ này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Để nâng dần khả năng quản lý và kiểm soát ngoại tệ, đồng thời tránh sự lên giá không hợp lý của đồng tiền Việt Nam trong quan hệ tỷ giá, Ngân hàng nhà nước phải tăng khối lượng tiền Việt Nam đưa ra mua và thu đổi ngoại tệ. Điều đó sẽ làm gay gắt thêm tình trạng mất cân đối tiền-hàng trên thị trường trong nước, tăng thêm sức ép đối với mặt bằng giá. Một giải pháp quan trọng để cân đối tiền-hàng, ổn định giá cả là chuyển được số ngoại tệ đó thành hàng với cơ cấu nhập khẩu hợp lý, chú trọng nhập khẩu phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu để tạo khả năng trả nợ, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp dân cư với chính sách thuế điều tiết tùy theo loại hàng.
Theo tinh thần đó, Chính phủ chủ trương áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để khuyến khích mạnh việc nhập vật tư, thiết bị mở rộng sản xuất của các thành phần kinh tế. Như vậy, chưa thể loại trừ được chênh lệch lãi suất tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ, nhưng có thể có biện pháp ngăn chặn việc lợi dụng chênh lệch này để kiếm lời bất chính. Đối với những vật tư và hàng tiêu dùng thông dụng mà trong nước chưa sản xuất đủ, như xi măng, đường, giấy,... phải có kế hoạch nhập khẩu chủ động, kịp thời, không để xảy ra những cơn sốt không đáng có. Đối với hàng tiêu dùng đắt tiền, lâu bền như ô tô con, xe máy, thiết bị nội thất,... cần phải tính đến nhu cầu ngày càng tăng của xã hội để đáp ứng đi đôi với chính sách điều tiết qua thuế.
2. Về thực hiện kế hoạch thu, chi ngân sách năm 1995, đồng chí Hồ Tế đã báo cáo với Quốc hội, tôi xin nói rõ thêm hai vấn đề.
a) Việc phân bổ kế hoạch thu chi ngân sách:
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua việc phân bổ kế hoạch thu, chi ngân sách cho các ngành, các địa phương. Nhưng từ đầu năm đến nay đã có nhiều địa phương xin điều chỉnh tăng chi, giảm thu so với kế hoạch đã phân bổ. Vấn đề này cần được giải quyết dứt khoát, nếu không sẽ khó bảo đảm thực hiện kế hoạch, dẫn tới tình trạng bị động và làm gay gắt thêm tình trạng mất cân đối ngân sách.
Có ý kiến cho rằng, một số địa phương không đồng tình với việc phân bổ kế hoạch thu, chi ngân sách năm 1995. Đây là vấn đề rất phức tạp nên hằng năm, Thường trực Chính phủ và Chính phủ đã phải dành rất nhiều thời gian để thảo luận, xử lý như thế nào cho công bằng, hợp lý, tạo điều kiện cho các ngành, các địa phương có thêm điều kiện phát triển. Nhưng do ngân sách còn hạn hẹp nên dù cố gắng đến đâu cũng không phải mọi vấn đề đã được giải quyết trọn vẹn.
Tôi xin báo cáo thêm một số số liệu cụ thể để Quốc hội rõ hơn tình hình thu, chi ngân sách hiện nay.
Nguồn thu ngân sách năm 1995 tập trung tới 75% ở sáu tỉnh và thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 50%. Tỷ lệ đó phản ánh trình độ phát triển kinh tế của các địa phương này do lợi thế về điều kiện kinh tế - xã hội và vị trí địa lý, đồng thời do kết quả đầu tư nhiều năm của cả nước thông qua ngân sách Trung ương và địa phương, của các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng cần thấy rằng, trong nguồn thu ở các địa phương này, một tỷ trọng lớn là thuế gián thu do người tiêu dùng trong cả nước đóng góp. Chi ngân sách của sáu tỉnh, thành phố này chiếm 31% tổng số chi của các địa phương, tuy thấp hơn tỷ trọng thu, nhưng nếu so với tỷ trọng dân số là 17,9% thì mức chi tính theo đầu người cao hơn các địa phương khác. Điều đó là hợp lý vì các địa phương này một mặt phải có phần đóng góp cho ngân sách Trung ương để đáp ứng những nhu cầu chung của cả nước và hỗ trợ cho các địa phương có nhiều khó khăn, mặt khác, các tỉnh thành phố này cần có mức chi cho phép khai thác các lợi thế phát triển thì mới tăng nhanh được nguồn thu cho cả nước.
So với cả nước, 15 tỉnh miền núi và Tây Nguyên chiếm 15,2% dân số, nhưng thu ngân sách trên địa bàn chỉ bằng 4,1%. Ngân sách Trung ương phải bổ sung cho các địa phương này để tạo điều kiện khắc phục khó khăn, từng bước đi lên, nên số chi của các tỉnh này chiếm 19,5% tổng số chi ngân sách của các địa phương; riêng số vốn của các chương trình quốc gia được dành 35% cho các tỉnh này; các định mức chi về giáo dục, y tế, văn hóa đối với miền núi cũng cao hơn các vùng khác. Tuy mức đáp ứng nhu cầu còn hạn chế, nhưng những con số nêu trên cho thấy rõ việc phân bổ ngân sách của Chính phủ luôn quán triệt và tổ chức thực hiện tốt nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc.
Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, sự phân bổ kế hoạch thu, chi ngân sách năm 1995 đã cố gắng thể hiện tinh thần công bằng, hợp lý. Vì vậy, đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương của Chính phủ dứt khoát không đặt vấn đề điều chỉnh kế hoạch đã phân bổ. Các ngành và các địa phương phải nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu, chi đã được giao. Nếu không đạt kế hoạch thu thì phải giảm chi tương ứng. Nếu thu vượt kế hoạch thì được dành phần lớn cho nhu cầu đầu tư phát triển của địa phương.
Chính phủ đang chỉ đạo việc xây dựng chính sách tài chính quốc gia và hoàn chỉnh luật về ngân sách để trình Quốc hội, trong đó sẽ giải quyết một cách căn bản hơn vấn đề phân cấp ngân sách đối với các địa phương theo tinh thần ổn định nguồn thu và nhiệm vụ chi để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương.
Chính sách thuế của nước ta còn có những vấn đề phải nghiên cứu và đổi mới một cách triệt để hơn như báo cáo của Chính phủ đã nêu; Chính phủ có trách nhiệm xúc tiến khẩn trương để trình Quốc hội. Nhưng tình hình thất thu thuế thì không thể chỉ giải quyết ở cấp Trung ương mà chủ yếu phải là ở các địa phương. Địa phương nào chỉ đạo sát sao, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành, nhiều lực lượng thì kết quả thu đạt cao. Nếu khoán trắng cho ngành Thuế thì sẽ khó khăn hơn mà cũng nhiều tiêu cực hơn. Sự tùy tiện sẽ tăng lên ngay trong cơ quan và những công chức có trách nhiệm trực tiếp làm nhiệm vụ thu thuế. Xin đề nghị các đoàn đại biểu tăng cường sự kiểm tra giám sát các ngành, các tỉnh thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội để làm rõ nguyên nhân, đề ra những giải pháp cụ thể, có hiệu lực nhằm khắc phục tình hình thất thu thuế nghiêm trọng ở các ngành và địa phương như nhiều vị đại biểu đã nêu.
b) Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách:
Quốc hội đã ra nghị quyết, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định và gần đây Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng có chỉ thị cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, Đảng, đoàn thể. Vấn đề bây giờ là tổ chức, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra việc chấp hành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để tạo chuyển biến rõ nét phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó xin đề nghị tập trung giải quyết một số điểm cụ thể sau đây:
Một là, quy định rõ quyền quyết định triệu tập hội nghị và siết chặt chế độ chi tiêu, cắt hẳn những khoản bồi dưỡng vô lối, tặng cặp, sổ sách không cần thiết. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chi phí hội nghị và lễ hội ở Trung ương và địa phương trong năm 1994, chỉ tính riêng phần ngân sách đài thọ, chưa kể các hình thức quyên góp ngoài ngân sách, lên tới 500 tỷ đồng, gấp rưỡi kinh phí dành cho chương trình 327. Nếu không ngăn chặn tình trạng này, thì năm 1995 là năm có nhiều ngày lễ lớn, ngân sách sẽ phải chi nhiều hơn nữa. Vì vậy, trong kế hoạch tiết kiệm của từng ngành, từng đoàn thể, từng địa phương, phải đặt rõ mức giảm khoản chi này.
Hai là, trong năm nay, tạm đình chỉ cấp kinh phí xây dựng trụ sở, mua ô tô con bằng tiền ngân sách. Các ngành, các địa phương tự điều chỉnh trong nội bộ để giải quyết nhu cầu. Ngành và địa phương nào xin Chính phủ cấp kinh phí cho khoản chi này coi như không chấp hành nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ sẽ không giải quyết. Các trường hợp tự tiện chi từ nguồn ngân sách sẽ bị xử lý và không được thanh toán.
Ba là, thực hiện nghiêm chỉnh quy chế mới ban hành về đầu tư và xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách, từ việc lập, thẩm định và xét duyệt dự án đến việc đấu thầu, thi công, nghiệm thu và thanh toán, ngăn chặn lãng phí và tiêu cực trong từng khâu. Đây là trách nhiệm trực tiếp của các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Đề nghị các đại biểu Quốc hội coi việc giám sát cơ quan chính quyền thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một khâu quan trọng trong việc thực hiện chức năng của mình.
3. Vấn đề trật tự kỷ cương trong bộ máy nhà nước và trong xã hội
Đây là vấn đề lớn và rất phức tạp gồm nhiều nội dung, tôi chỉ xin trình bày mấy yêu cầu bức xúc cần tập trung giải quyết trong thời gian trước mắt.
a) Về trật tự, kỷ luật trong bộ máy nhà nước:
Trong tình hình hiện nay, để sớm lập lại kỷ cương xã hội, Chính phủ cho rằng, trước hết và quan trọng nhất là phải chấn chỉnh trật tự kỷ luật ngay trong bộ máy nhà nước. Đây là một yêu cầu quan trọng của công cuộc cải cách một bước nền hành chính nhà nước.
Chúng tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, là việc thực hiện các chủ trương chính sách kinh tế - xã hội còn nhiều biểu hiện tùy tiện và đó là mảnh đất tốt cho nhiều tiêu cực phát triển. Trong quá trình đổi mới nền kinh tế, đúng là chúng ta chưa tạo lập được một hệ thống pháp luật và chính sách kinh tế - xã hội đầy đủ và đồng bộ. Điều đó gây không ít khó khăn, lúng túng cho quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, chúng ta đã có nhiều tiến bộ trên lĩnh vực này, nhưng tình hình tổ chức thực hiện lại không bảo đảm được sự chặt chẽ và tiến bộ tương ứng. Trong những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu ra với Chính phủ, có những vấn đề thuộc chủ trương, chính sách quản lý vĩ mô mà Chính phủ phải giải quyết, song nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Một số chính sách cũng như chương trình quốc gia đã được Thủ tướng giao trọn quyền cũng như trách nhiệm cho các địa phương, nhưng vẫn bị sử dụng tùy tiện sai mục đích. Trách nhiệm này chủ yếu và trước hết thuộc về các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh. Chính phủ phải khắc phục những mặt yếu kém trong tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra thực hiện, không nể nang, bao che những hiện tượng vi phạm pháp luật, làm trái chủ trương, chính sách. Song việc xử lý những hiện tượng đó cần phải dựa trên những căn cứ cụ thể. Xin đề nghị các vị đại biểu, các đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có kế hoạch và biện pháp tăng cường chức năng giám sát của mình trong lĩnh vực thi hành pháp luật của cơ quan chính quyền các cấp. Nếu phát hiện có sự vi phạm hoặc tiêu cực của cán bộ chính quyền các cấp, đề nghị các đoàn đại biểu hoặc cá nhân đại biểu Quốc hội, các tổ chức kiến nghị kịp thời với Thủ tướng Chính phủ hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để có sự thanh tra và xử lý kịp thời những vi phạm đó.
Chúng tôi cho rằng, việc thiết lập kỷ cương trong bộ máy nhà nước, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những công chức sai phạm để từng bước làm trong sạch bộ máy là một nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với bước tiến của sự nghiệp đổi mới và phát triển trong thời gian tới. Đây là một mục tiêu quan trọng của Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 về cải cách một bước nền hành chính nhà nước.
b) Vấn đề trật tự an toàn giao thông, trước hết là giao thông đô thị và giao thông đường bộ:
Cùng với đà phát triển kinh tế, những năm gần đây, các phương tiện giao thông đã tăng lên với tốc độ rất cao. Năm 1994, tăng thêm 30.000 ô tô, 430.000 xe máy và hàng chục ngàn xe cơ giới tự tạo, hàng triệu xe thô sơ các loại, trong khi việc cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông còn nhiều khó khăn, vừa gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vừa gây tai nạn ngày càng nhiều và hết sức nguy hiểm. Riêng năm 1994, cả nước xảy ra 13.760 vụ tai nạn giao thông làm 4.897 người chết và 14.174 người bị thương. So với năm 1993, số vụ tai nạn tăng 12,4%, trong đó số vụ nghiêm trọng tăng 1,5 lần và số người chết tăng 8,4%, người bị thương tăng 10,3%. Đáng chú ý là trong số vụ tai nạn của năm 1994, chỉ có 10% do rủi ro bất ngờ, gần 60% là do phóng nhanh vượt ẩu, 12% do lái xe say rượu. Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng và rất bức xúc. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phải tập trung giải quyết một bước trong năm 1995. Có những vấn đề chưa thể khắc phục ngay một lúc như chất lượng đường, cầu, các phương tiện báo hiệu và kiểm soát giao thông, phương tiện vận tải công cộng ở đô thị, nhưng nhiều nội dung về quản lý nhà nước có thể chấn chỉnh ngay để từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngay trong năm 1995, cần bổ sung các văn bản pháp luật về lĩnh vực này và làm thật tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để tạo cho được phong trào quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tập trung sức của các ngành, các địa phương tạo cho được bước chuyển biến rõ rệt trên hai khâu trọng tâm là giao thông đô thị và giao thông đường bộ.
Về giao thông đô thị, vấn đề lớn là giải tỏa việc lấn chiếm lòng lề đường đang bị biến thành nơi họp chợ, để xe, mua bán hàng hóa, thậm chí cơi nới nhà cửa và xây dựng các công trình khác. Đối với những nút giao thông quan trọng cần thực hiện ngay việc giải tỏa và mở rộng đường theo quy hoạch; phân luồng hợp lý, tăng cường đầu tư các thiết bị đèn đường, biển báo và tổ chức tốt việc điều hành giao thông ở những nơi chưa có đèn hiệu. Giải quyết hợp lý việc thu tiền phạt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bất kể loại phương tiện nào và chủ phương tiện là ai, tránh tình trạng chỉ xử phạt xe cơ giới còn các phương tiện thô sơ được đi lại tự do tùy tiện. Áp dụng nhiều biện pháp có hiệu quả để chấm dứt ngay tình trạng đua xe bất hợp pháp, đi xe đánh võng, lạng lách, kéo đẩy nhau, gây nguy hiểm. Cùng với những biện pháp này, cần khẩn trương xúc tiến việc quy hoạch mạng lưới giao thông đô thị gắn với quy hoạch và tổ chức hợp lý những nơi mua bán thuận tiện cho nhân dân; tăng cường đầu tư và có chính sách hỗ trợ tài chính thỏa đáng để khuyến khích việc đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng, từng bước thay thế các phương tiện giao thông của cá nhân. Ngay trong năm 1995, cần tập trung chỉ đạo để tạo cho được bước chuyển biến tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về giao thông đường bộ, vấn đề trước hết là chấn chỉnh ngay công tác quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Sửa đổi và thống nhất việc thực hiện quy chế đăng ký xe, cấp giấy phép lái xe, kiểm tra thiết bị an toàn các loại phương tiện cơ giới đường bộ, không được cho phép lưu hành các phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và những người sử dụng phương tiện không có tay nghề theo quy định. Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng thống nhất công tác quản lý nhà nước đối với các phương tiện giao thông dân sự và quân sự để bảo đảm nghiêm chỉnh việc tuân thủ pháp luật. Bộ Quốc phòng cần có kế hoạch thường xuyên giáo dục, kiểm tra các chiến sĩ điều khiển phương tiện giao thông gương mẫu tuân thủ pháp luật, không được quyền có bất kỳ ngoại lệ nào.
Các địa phương cần chỉ đạo sát sao, kiên quyết việc giải tỏa các chợ, các tụ điểm mua bán, ăn uống cũng như việc sử dụng đường giao thông làm sân phơi gây cản trở giao thông, trước hết là các trục đường có nhiều phương tiện giao thông qua lại.
Nếu có sự chỉ đạo sát sao của các ngành, các địa phương và các cơ quan chức năng thì với số lượng và chất lượng đường giao thông như hiện nay, chúng ta vẫn có thể khắc phục được tình trạng ách tắc giao thông, hạn chế sự thiệt hại về người và của cho nhân dân.
c) Về trật tự kỷ cương quản lý đô thị:
Trong 5 năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy liên quan đến công tác quản lý đô thị. Đến nay, hầu hết các thành phố và thị xã đều đã có quy hoạch tổng thể được duyệt. Thủ tướng Chính phủ cũng đã xem xét việc xây dựng quy hoạch của một số địa bàn trọng điểm như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu; Huế - Đà Nẵng- Dung Quất và nhiều khu công nghiệp tập trung khác. Tuy nhiên, tình hình quản lý đô thị hiện nay, kể cả các thành phố và khu công nhiệp lớn còn nhiều yếu kém, tình trạng vi phạm và tùy tiện trong công tác quản lý đô thị diễn ra khá phổ biến; kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình ngầm không được xây dựng hoặc xây dựng thiếu đồng bộ; vệ sinh môi trường không được bảo đảm; bộ mặt kiến trúc thiếu thẩm mỹ..., mà muốn khắc phục được hậu quả phải mất nhiều thời gian và tiền bạc, trong đó phức tạp nhất là lĩnh vực quản lý nhà - đất đô thị. Tình trạng lấn chiếm đất đai, mua bán đất đai nhà cửa ở các đô thị ngày càng diễn ra rất sôi động, phức tạp mà chính quyền các cấp không kiểm soát được.
Thủ tướng chính phủ đã và đang chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý đô thị nói chung và quản lý đất đai đô thị nói riêng. Tuy nhiên, có những vấn đề cần có văn bản pháp luật phù hợp với tình hình thực tế mới, tạo cơ sở cho việc thiết lập trật tự về đất đai đô thị. Chúng tôi cho rằng, đất đô thị có những đặc điểm rất riêng và do đó cần thiết có luật hoặc pháp lệnh riêng về đất đô thị mới đề ra được chính sách nhất quán, rõ ràng. Do thiếu cơ sở pháp luật phù hợp nên hàng loạt các quy định về đất đô thị như cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, thuế đất, đền bù đất, lệ phí trước bạ... đang được vận dụng hết sức tùy tiện vừa gây lãng phí nghiêm trọng đất đai, thất thu lớn cho ngân sách, vừa tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước. Mặt khác, khi có tranh chấp, rất khó xử lý. Có thể khẳng định rằng, đối với nước ta, tiết kiệm đất đai phải được đặt thành quốc sách hàng đầu và do đó việc sử dụng đất đai đô thị vào xây dựng cơ bản phải được pháp luật điều chỉnh một cách chặt chẽ, phù hợp với quy luật của nền kinh tế hàng hóa vận động theo cơ chế thị trường, đang trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa.
4. Về một số vấn đề lớn khác mà các đại biểu Quốc hội đặt ra cần giải quyết, tuy Chính phủ đã có sự chuẩn bị nhưng chưa đủ chín, như vấn đề “chính sách đối với một số loại đối tượng đã chiến đấu ở chiến trường miền Nam”, vấn đề nhà và tài sản thuộc diện cải tạo trước đây, vấn đề thanh toán những khoản vay mượn dân trong hai cuộc kháng chiến, vấn đề đất đai đô thị... Đây là những vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều chính sách khác, nếu giải quyết riêng rẽ sẽ làm nảy sinh những vấn đề mới, khó xử lý hơn; có những vấn đề thuộc về chính sách đãi ngộ trong thời kỳ đã qua, phải đặt trong điều kiện lịch sử, không thể giải quyết nhất loạt mà chỉ có thể xem xét những trường hợp đang gặp khó khăn về đời sống; có những vấn đề cần phải phân loại các trường hợp để có chủ trương, chính sách rõ ràng làm cơ sở cho việc xử lý các khiếu kiện, tranh chấp. Đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ chuẩn bị thêm và báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp sau.
Riêng về chính sách đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, trưởng thôn, trưởng bản, đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ đã có văn bản giải trình để trả lời chất vấn của các đại biểu. Tuy đã có sự chuẩn bị để triển khai, nhưng với một khoản tiền lớn trên 315 tỷ đồng, trong khi cân đối thu chi ngân sách đầu năm rất khó khăn như đã báo cáo trước Quốc hội và chỉ số giá cả đang lên cao trong những tháng cuối năm 1994 và đầu năm 1995, nên Chính phủ chưa áp dụng trợ cấp mới như đã quyết định. Vấn đề này sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Tinh thần của Chính phủ trong việc giải trình những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội yêu cầu, là nói rõ tình hình và khả năng thực tế, thẳng thắn nhận trách nhiệm thuộc chức năng của Chính phủ, đồng thời phân tích cụ thể những vấn đề thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức và đơn vị kinh tế thuộc các ngành. Thông qua đó, đề nghị Quốc hội, các đoàn và các đại biểu Quốc hội, tùy theo cương vị của mình ở các địa phương, các ngành, các đoàn thể, có phương hướng và kế hoạch tăng cường chức năng giám sát và hỗ trợ các cơ quan hành pháp trong việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1995.
Xin cám ơn các vị đại biểu Quốc hội và các bạn có mặt trong phiên họp này.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội