TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN
LUẬT THUẾ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
(Do ông Hồ Tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính
đọc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX, ngày 26-5-1994)
Kính thưa Quốc hội,
Ngày 14 tháng 7 năm 1993, Quốc hội đã ban hành Luật đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 1993. Trong đó, Điều 73 quy định: Người sử dụng đất có quyền được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; và Điều 79 quy định: Người sử dụng đất có nghĩa vụ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất.
Việc ban hành Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất để thi hành đồng bộ với Luật đất đai nhằm góp phần tăng cường quản lý nhà nước về đất đai và động viên vào ngân sách nhà nước một phần thu nhập của người sử dụng đất do hoạt động chuyển quyền sử dụng đất đem lại. Nhưng do chưa ban hành Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất cho nên Nhà nước chưa thu được thuế và chưa góp phần vào việc quản lý các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất đang diễn ra trong cả nước.
Căn cứ vào chương trình của Quốc hội về việc xây dựng các dự án luật trong năm 1994, Chính phủ đã Dự thảo Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho công bố lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân trong cả nước, trước khi trình Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân; căn cứ vào ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp thứ 20 ngày 16 tháng 5 năm 1994 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉnh lý lại bản Dự thảo lần thứ 8 Dự luật Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất để trình ra kỳ họp này của Quốc hội.
Dưới đây, Chính phủ xin trình Quốc hội nội dung Dự thảo Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất và những tiếp thu ý kiến đóng góp vào Dự thảo của Luật này.
I- PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT
Đối với đất, hiện nay Nhà nước đã có những loại thu và thuế sau:
- Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp thu hằng năm vào người sử dụng đất nông nghiệp (đất nông nghiệp không phải chịu thuế nhà đất).
- Pháp lệnh thuế nhà đất thu hằng năm vào người sử dụng đất ở, đất xây dựng công trình (đất ở, đất xây dựng công trình không phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp).
- Lệ phí trước bạ thu một lần đối với người nhận quyền sử dụng đất.
- Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất phải nộp tiền sử dụng đất và lệ phí địa chính theo quy định tại Điều 79 của Luật đất đai. Không thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất để sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
- Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất trình Quốc hội lần này chỉ thu vào việc chuyển quyền sử dụng đất; Luật này không nhằm giải quyết những việc về quản lý đất đai như: thay đổi mục đích sử dụng đất, nhận đất, cấp đất, cho thuê đất.
Thuế chuyển quyền sử dụng đất thu vào hoạt động chuyển quyền sử dụng các loại đất: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị, đất chuyên dùng. Tuy nhiên, có 6 trường hợp đề nghị không phải nộp thuế này là:
- Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật, vì người giao đất là Nhà nước.
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao trả đất cho Nhà nước, hoặc Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
- Chuyển quyền sử dụng đất cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.
- Trong cùng một hộ gia đình cha, mẹ chuyển quyền sử dụng đất cho con và anh, chị, em chuyển quyền sử dụng đất cho nhau khi tách hộ; vợ, chồng chuyển quyền sử dụng đất cho nhau khi ly hôn. Tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, Chính phủ đã bổ sung thêm khoản này vào Điều 2 của Dự luật.
- Tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà đất (làm nhà hoặc mua nhà để bán), hiện đang nộp thuế doanh thu 8% trên doanh thu theo quy định của Luật thuế doanh thu và nộp thuế lợi tức 45% trên lợi tức chịu thuế theo quy định của Luật thuế lợi tức. Vì vậy, không thuộc đối tượng nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất.
- Tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng đất nhưng cho tổ chức, cá nhân khác thuê đất hiện đang nộp thuế doanh thu 10% trên tiền cho thuê và thuế lợi tức 45% trên lợi tức chịu thuế.
Như vậy, đối tượng nộp thuế theo Luật này là: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh nhà đất, khi được pháp luật cho phép chuyển quyền sử dụng đất của mình cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác.
1. Về đối tượng nộp thuế
Căn cứ Điều 3 của Luật đất đai đã quy định: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Còn quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất và cho thuê đất do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định. Cho nên, Điều 1 của Dự thảo Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất quy định đối tượng nộp thuế là "hộ gia đình, cá nhân".
Rất nhiều ý kiến đề nghị cần đưa thêm các "tổ chức" vào đối tượng nộp thuế, để bảo đảm công bằng, hợp lý và trong thực tế các tổ chức mới có nhiều đất và hiện đang chuyển quyền sử dụng đất một cách phổ biến.
Có ý kiến cho rằng, đưa thêm "tổ chức" vào đối tượng nộp thuế là đúng, nhưng hai Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc sử dụng đất, chưa được Nhà nước ban hành, cho nên chưa biết tổ chức nào sẽ được phép "chuyển quyền sử dụng đất" để ghi vào Luật này cho phù hợp.
Chính phủ xin đề nghị đưa thêm "tổ chức" vào đối tượng nộp thuế, nhưng ghi rõ là khi được pháp luật cho phép chuyển quyền sử dụng đất thì phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất, như vậy vừa chặt chẽ, vừa phù hợp với trường hợp các tổ chức được phép hoặc không được phép chuyển quyền sử dụng đất.
2. Về đối tượng chịu thuế:
Điều 1 của Dự thảo quy định đối tượng chịu thuế là "đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chuyên dùng, đất khu dân cư nông thôn và đất đô thị, bao gồm cả đất có nhà và vật kiến trúc trên đó".
Có một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm: đất quốc phòng và an ninh, đất của các tôn giáo, nếu được phép chuyển nhượng, chuyển đổi cũng phải chịu thuế chuyển quyền sử dụng đất; như vậy mới không bỏ sót và cũng phù hợp với Luật đất đai.
Chính phủ đề nghị ghi chung là "có quyền sử dụng đất" như vậy vừa đầy đủ vừa dễ hiểu.
Từ hai ý kiến tiếp thu như trên, đề nghị viết lại Điều 1 như sau:
"Điều 1
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất, bao gồm cả đất có nhà và vật kiến trúc trên đó, khi được pháp luật cho phép chuyển quyền sử dụng đất, đều phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất, trừ những trường hợp quy định tại Điều 2 của Luật này".
3. Về giải thích từ ngữ
Điều 3 của Dự thảo quy định:
"Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Chuyển quyền sử dụng đất" là chuyển đổi, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất của mình cho người khác được pháp luật cho phép hoặc công nhận.
Trường hợp chuyển đổi đất cho nhau mà có chênh lệch giá thì phần chênh lệch giá cũng coi là chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
2. "Đối tượng nộp thuế" là hộ gia đình, cá nhân chuyển quyền sử dụng đất cho tổ chức hộ gia đình, cá nhân khác’.
- Có ý kiến đề nghị thay chữ "từ ngữ" bằng chữ "thuật ngữ". Chính phủ đề nghị nên để chữ "từ ngữ" là dễ hiểu và phổ thông hơn.
- Có ý kiến đề nghị: Nội dung Điều 3 là giải thích từ ngữ vì vậy không nên đưa phần "chuyển đổi đất cho nhau mà có chênh lệch giá cũng coi là chuyển nhượng quyền sử dụng đất" vào Điều 3.
Tiếp thu ý kiến trên và do đã sửa lại Điều 1 nên đề nghị viết lại Điều 3 như sau:
"Điều 3
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Chuyển quyền sử dụng đất" là chuyển đổi, chuyển nhượng, chuyển cho người khác quyền sử dụng đất của mình, được pháp luật cho phép hoặc công nhận.
2. "Đối tượng nộp thuế" là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được pháp luật cho phép chuyển quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác".
II- CĂN CỨ TÍNH THUẾ
Dự thảo quy định: "Căn cứ tính thuế chuyển quyền sử dụng đất là diện tích đất, giá tính thuế đất và thuế suất".
Ý kiến đóng góp đề nghị bổ sung thêm một số câu chữ và viết lại cho rõ ràng và chính xác hơn là: "Căn cứ tính thuế chuyển quyền sử dụng đất là diện tích đất chuyển quyền sử dụng, giá tính thuế chuyển quyền sử dụng đất và thuế suất". Xin tiếp thu ý kiến này và đã sửa lại Điều 5 của Dự thảo Luật.
1. Về giá tính thuế:
Điều 6: Đề nghị giữ nguyên như Dự thảo, nhưng bỏ chữ " chuẩn" để khỏi hiểu lầm là ngoài giá do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định, còn có giá khác.
2. Về thuế suất:
Điều 7 của Dự thảo quy định có 4 thuế suất là 5%, 10%, 20% và 30% dựa trên 4 căn cứ phân biệt dưới đây:
a) Phân biệt giữa trường hợp chuyển quyền sử dụng đất nhưng không thay đổi mục đích sử dụng với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất nhưng có thay đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất xây dựng công trình.
b) Phân biệt giữa đất đô thị với đất vùng nông thôn.
c) Phân biệt giữa trường hợp khi giao đất Nhà nước không thu tiền sử dụng đất với trường hợp khi giao đất Nhà nước có thu tiền sử dụng đất.
d) Phân biệt giữa trường hợp khi giao đất Nhà nước có thu tiền trước khi có Luật đất đai mới với trường hợp khi giao đất Nhà nước có thu tiền sử dụng đất khi có Luật đất đai mới.
Ý kiến đóng góp như sau:
- Nhiều ý kiến đề nghị thuế suất 20% - 30% là quá cao, thuế suất cao nhất cũng không nên quá 20%. Không nên quy định nhiều thuế suất, phức tạp không cần thiết.
- Nhiều ý kiến đề nghị không nên phân biệt giữa chuyển quyền sử dụng đất nhưng không thay đổi mục đích sử dụng với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất nhưng có thay đổi mục đích sử dụng.
- Nhiều ý kiến đề nghị thuế suất không nên phân biệt giữa đất đô thị với đất vùng nông thôn vì đã có sự phân biệt trong quy định giá tính thuế như vậy là hợp lý rồi.
- Nhiều ý kiến đề nghị thuế suất nên phân biệt giữa trường hợp khi giao đất Nhà nước đã thu tiền sử dụng đất và trường hợp khi giao đất Nhà nước chưa thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Nhưng không cần phân biệt giữa thu tiền trước khi có Luật đất đai với thu tiền khi có Luật đất đai.
- Nhiều ý kiến đề nghị đối với trường hợp giao đất Nhà nước không thu tiền sử dụng đất, cần có phân biệt đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối với các loại đất khác.
Tiếp thu những ý kiến nêu trên, Chính phủ đề nghị chỉ nên quy định 3 thuế suất là 20%, 15% và 5%, phân biệt giữa trường hợp khi giao đất Nhà nước chưa thu tiền sử dụng đất với trường hợp khi giao đất Nhà nước đã thu tiền sử dụng đất theo Luật đất đai; trường hợp khi giao đất Nhà nước chưa thu tiền sử dụng đất thì: đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, thuế suất là 10%; đất ở, đất xây dựng công trình và các loại đất phi nông nghiệp, thuế suất là 20%.
- Để đáp ứng kịp thời những thay đổi trong thực tế và cũng phù hợp với những điều đã quy định trong các Luật thuế khác, đề nghị được bổ sung vào cuối Điều 7 một đoạn quy định sau đây: "Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể quyết định sửa đổi, bổ sung thuế suất quy định tại Điều này và phải báo cáo để Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất".
Từ những ý kiến tiếp thu và đề nghị như trên, đề nghị viết lại Điều 7 như sau:
"Điều 7
Thuế suất thuế chuyển quyền sử dụng đất quy định như sau:
1. Trường hợp giao đất Nhà nước chưa thu tiền sử dụng đất theo Luật đất đai, khi được phép chuyển quyền sử dụng đất:
a) Đối với đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, thuế suất là 10%;
b) Đối với đất ở, đất xây dựng công trình và các loại đất phi nông nghiệp, thuế suất là 20%.
2. Trường hợp giao đất Nhà nước đã thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai và các loại đất chuyển quyền sử dụng từ lần thứ hai trở đi mà lần trước đã nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 của Điều này, khi được phép chuyển quyền sử dụng đất, thuế suất là 5%.
3. Trường hợp chuyển đổi đất cho nhau mà có chênh lệch về trị giá do khác nhau về diện tích đất, vị trí đất hoặc hạng đất, thuế suất là 5% trên phần chênh lệch về trị giá.
Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể quyết định sửa đổi, bổ sung thuế suất quy định tại Điều này và phải báo cáo để Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất".
III- KÊ KHAI, NỘP THUẾ, MIỄN THUẾ
1. Về việc nộp thuế:
Đề nghị Điều 9 vẫn giữ nội dung như trong Dự thảo, nhưng bổ sung thêm một số câu chữ và viết lại cho chính xác hơn là:
"Điều 9
Thuế chuyển quyền sử dụng đất nộp một lần cùng với việc làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận quyền sử dụng đất khi đã nộp đủ thuế chuyển quyền sử dụng đất".
2. Về trách nhiệm của đối tượng nộp thuế:
Điều 10, khoản 2 của Dự thảo quy định "Hộ gia đình, cá nhân nhận quyền sử dụng đất phải có trách nhiệm liên đới trong việc nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất".
- Có ý kiến đề nghị giữ lại khoản 2 của Điều 10 và viết cho rõ thêm là: nếu người chuyển quyền sử dụng đất chưa nộp thuế thì người nhận quyền sử dụng đất phải nộp thay. Có như vậy mới hạn chế được trốn lậu thuế. Mặt khác, có trường hợp người chuyển quyền sử dụng đất không còn ở địa phương; trong khi đó người nhận quyền sử dụng đất do muốn được hợp pháp hóa giấy tờ về quyền sử dụng đất của mình nên tự nguyện nộp thuế thay. Do vậy, nếu bỏ khoản 2 Điều 10 sẽ trở ngại cho việc giải quyết trong thực tế phát sinh.
- Có ý kiến đề nghị bỏ khoản 2 Điều 10 vì quy định như vậy cũng chưa ràng buộc được chặt chẽ và chưa có cơ sở pháp lý chắc chắn. Mặt khác, Dự thảo Luật đã quy định người chuyển quyền sử dụng đất là người nộp thuế chứ không phải do người nhận quyền sử dụng đất nộp; nếu quy định: "người chuyển quyền sử dụng đất chưa nộp thuế thì người nhận quyền sử dụng đất phải nộp thay" lại càng không rõ ràng trách nhiệm ai là người phải nộp thuế.
Từ những ý kiến trên, Chính phủ đề nghị bỏ khoản 2 và viết lại Điều 10 như sau:
"Điều 10
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển quyền sử dụng đất có trách nhiệm:
1. Kê khai với cơ quan thuế về diện tích, vị trí, trị giá đất chuyển quyền sử dụng; thời hạn kê khai chậm nhất là 30 ngày (ba mươi ngày) kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sử dụng đất;
2. Cung cấp tài liệu cần thiết có liên quan đến việc tính thuế, theo yêu cầu của cơ quan thuế;
3. Nộp đủ thuế, đúng thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế".
3. Về miễn thuế:
Điều 12, khoản 2 của Dự thảo quy định miễn thuế cho trường hợp: "hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi đất cho nhau về đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối để thuận lợi cho sản xuất, nhưng không thay đổi mục đích sử dụng đất và không phát sinh chênh lệch về giá trị".
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ khoản 2 của Điều 12 này vì đã quy định rõ tại khoản 3 của Điều 7 là: "Trường hợp chuyển đất cho nhau mà có chênh lệch về trị giá do khác nhau về diện tích đất, vị trí đất hoặc hạng đất, thuế suất là 5% trên phần chênh lệch về trị giá".
Chính phủ đề nghị bỏ khoản 2 Điều 12 là hợp lý.
Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm một số quy định giảm thuế đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, cán bộ chuyển chỗ ở đến nơi ở mới...
Nhiều ý kiến tán thành với Dự thảo Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất là không nên đưa chính sách xã hội vào sẽ thêm phức tạp, không công bằng, khó phân biệt dễ dẫn đến tùy tiện trong thực hiện và không đạt được hiệu quả theo đúng yêu cầu đề ra.
Chính phủ đề nghị không nên quy định quá nhiều trường hợp miễn giảm về thuế này, vì thuế chỉ thu khi phát sinh việc chuyển quyền sử dụng đất và ở Điều 2 đã loại trừ 6 trường hợp không phải nộp thuế rồi. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế, cần bổ sung thêm việc giảm thuế cho thương binh đời sống còn nghèo khó, gia đình liệt sĩ, người tàn tật, người chưa đến tuổi thành niên, người già cô đơn đời sống còn nghèo khó. Vì vậy, đề nghị viết lại Điều 12 như sau:
"Điều 12
Quy định về miễn, giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất như sau:
1. Miễn thuế chuyển quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân chuyển quyền sử dụng đất để di chuyển đến công tác hoặc định cư, tại các vùng kinh tế mới, miền núi, hải đảo, theo quyết định của Nhà nước.
2. Giảm 50% thuế chuyển quyền sử dụng đất cho những trường hợp dưới đây, có đời sống nghèo khó:
a) Cá nhân, thương binh loại 1/4, loại 2/4;
b) Gia đình liệt sĩ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước quy định;
c) Những người không nơi nương tựa như: người tàn tật, người chưa đến tuổi thành niên, người già cô đơn.
Mỗi đối tượng nói tại Điều này chỉ được xét miễn hoặc giảm thuế cho một lần chuyển quyền sử dụng đất.
Thẩm quyền quyết định và thủ tục xét miễn thuế, giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất, do Chính phủ quy định".
IV- XỬ LÝ VI PHẠM, KHEN THƯỞNG,
KHIẾU NẠI VÀ THỜI HIỆU
Có ý kiến đề nghị sửa mức phạt bằng tiền thành mức phạt theo tỷ lệ.
Có ý kiến đề nghị chỉ nên phạt đến hai lần số thuế gian lậu, không nên quy định như trong Dự thảo.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ thế nào là "vi phạm trong các trường hợp nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".
Chính phủ xin đề nghị:
1. Điều 169 của Bộ luật hình sự đã quy định xử phạt về tội trốn thuế như sau:
"1. Người nào trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trốn thuế với số lượng rất lớn hoặc đã bị kết án nhưng chưa được phá án về tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định ở các điều 96a, 97, 165, 166, 167, 168, 173 và 183 hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".
2. Những điều quy định trong Dự thảo của Luật này được ghi như các điều khoản của các Luật thuế khác, cho nên cần giữ như Dự thảo để bảo đảm thi hành đồng bộ giữa các luật thuế; nhưng cuối khoản 4, Điều 13 thay đoạn "bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật" bằng đoạn mới là "bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật hình sự".
V- HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 25:
- Có ý kiến đề nghị Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực từ ngày công bố, bảo đảm đúng pháp chế. Mặt khác, nếu hồi tố sẽ rất phức tạp và khó có thể thu được.
- Có ý kiến đề nghị Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực từ ngày 15-10-1993 cùng với ngày có hiệu lực của Luật đất đai để bảo đảm thi hành đúng và đồng bộ với Luật đất đai.
Chính phủ đề nghị Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực từ ngày 15-10-1993 vì ngoài những ý kiến nêu trên, trước đây Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã có ý kiến là: Trong khi chưa ban hành Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất, mọi trường hợp chuyển quyền sử dụng đất chỉ cấp giấy chứng nhận tạm thời; khi Nhà nước ban hành Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất và nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất mới cấp giấy chứng nhận chính thức.
Ở một số điều khác của Dự thảo Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất, ý kiến đóng góp là cần sửa một số câu, chữ cho phù hợp, rõ ràng và chính xác hơn.
Chính phủ đã tiếp thu và sửa lại ở từng điều trong Dự luật.
Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất gồm có 6 chương, 26 điều:
Chương I: Những quy định chung: Có 4 điều (từ Điều 1 đến Điều 4).
Chương II: Căn cứ tính thuế: Có 3 điều (từ Điều 5 đến Điều 7).
Chương III: Kê khai, nộp thuế, miễn thuế: Có 5 điều (từ Điều 8 đến Điều 12).
Chương IV: Xử lý vi phạm, khen thưởng: Có 5 điều (từ Điều 13 đến Điều 17).
Chương V: Khiếu nại, và thời hiệu: Có 4 điều (từ Điều 18 đến Điều 21).
Chương VI: Điều khoản thi hành: Có 5 điều (từ Điều 22 đến Điều 26).
Qua nhiều lần thảo luận, tiếp thu ý kiến của Ủy ban kinh tế và ngân sách, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong các kỳ họp trước, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ngành, các cấp và nhân dân, đây là bản Dự thảo đã được chỉnh lý lần cuối, xin trình Quốc hội xem xét và quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội