TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
(Do ông Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
đọc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX, ngày 03-6-1994)
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự được ban hành đầu năm 1991, nhìn chung, nhân dân, thanh niên, cán bộ, chiến sĩ quân đội phấn khởi vì phù hợp với nguyện vọng: giảm thời hạn phục vụ tại ngũ đã tạo điều kiện cho thanh niên sớm đi vào nghề nghiệp, xây dựng cuộc sống gia đình, một số quyền lợi mới được bổ sung đã giảm được phần nào khó khăn trong đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ hiện nay.
Các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã đã nghiên cứu, quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung, đã đề cao trách nhiệm nên công tác tuyển quân cũng có tiến bộ hơn những năm trước.
Các cấp chỉ huy trong Quân đội đã có chuyển biến về nhận thức, đã về tận xã, phường để cùng tuyển chọn thanh niên nhập ngũ, đề cao trách nhiệm trong việc quản lý đơn vị, có tiến bộ trong việc chăm lo tới đời sống cán bộ và chiến sĩ, nhiều đơn vị quân đội đã tổ chức tiễn đưa quân nhân xuất ngũ về địa phương bàn giao nên đã gây ấn tượng tốt trong nhân dân và thanh niên.
Đến nay, trước tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra trước toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta nhiệm vụ sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ một cách bức thiết. Từ đó, nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân nói chung, nâng cao chất lượng Quân đội nói riêng càng có ý nghĩa cấp thiết. Về mặt pháp luật, cần nghiên cứu một cách toàn diện để tiến tới xây dựng Luật quốc phòng để vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vừa phù hợp với tình hình đã và đang đổi mới toàn diện của xã hội. Tuy nhiên, để xây dựng được một đạo luật lớn như vậy đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị, phải kết hợp chặt chẽ với các đạo luật có liên quan khác đã và đang chuẩn bị ban hành mới bảo đảm tính khả thi của pháp luật; hơn nữa trên thực tế xã hội cũng đang vận động thay đổi nên cần tiếp tục theo dõi để có cơ chế chính xác xây dựng Luật cơ bản, toàn diện.
Trong khi đó, do sự đổi mới của xã hội, có những điều bức xúc đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số điều cấp thiết nhất có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự như:
- Những năm gần đây, với nền kinh tế nhiều thành phần, có thêm nhiều tổ chức kinh tế tập thể và tư nhân và xu thế ngày càng nhiều lên. Luật hiện hành chưa quy định trách nhiệm của các tổ chức này đối với việc bảo đảm cho công dân làm việc ở cơ sở mình thực hiện nghĩa vụ quân sự (mới quy định trách nhiệm cho cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các tổ chức kinh tế quốc doanh).
- Một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ không còn phù hợp so với tình hình xã hội hiện nay nên khó động viên được công dân hăng hái thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hiện nay, số lượng thanh niên trong tuổi nhập ngũ có nhiều nhưng tuyển quân hằng năm ít, mặc dầu tuyển ít nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do chính sách chưa có sự thu hút, người vào Quân đội có nghĩa vụ nặng nề nhưng chịu nhiều thiệt thòi, nhiều gia đình mất đi sức lao động chính nên đời sống khó khăn, trong khi đó, người không vào Quân đội có điều kiện thuận lợi hơn trong làm ăn sinh sống.
Sửa đổi, bổ sung Luật lần này nhằm góp phần nâng cao chất lượng của Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội đã và đang đổi mới.
Chấp hành Nghị quyết số 18/NQ-UBTVQH9 ngày 04 tháng 02 năm 1993 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc quy định danh mục các dự án luật, pháp lệnh soạn thảo trong năm 1993 để trình Quốc hội thông qua vào năm 1994, trong đó có soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự; Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng thành lập Tiểu ban soạn thảo (có mời hai đồng chí Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính tham gia) để nghiên cứu soạn thảo Dự án Luật.
Trong quá trình soạn thảo, Tiểu ban Dự thảo Luật của Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các cơ quan pháp luật của Quốc hội và Chính phủ tổ chức các cuộc hội thảo với các ngành, các tổ chức xã hội ở Trung ương, với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các Bộ tư lệnh quân khu, với đại biểu của một số tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; đã tổ chức khảo sát thực tế ở 4 đơn vị quân đội (cả thường trực và dự bị) đại diện cho các quân, binh chủng, 6 doanh nghiệp quốc doanh, tập thể và tư nhân; 9 xã, phường; 8 huyện, quận; 7 tỉnh và thành phố đại diện các vùng đồng bằng, trung du, miền núi, miền Nam, miền Bắc.
Thường trực và Ủy ban quốc phòng - an ninh có sự tham gia của Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã 5 lần nghe đại diện Bộ Quốc phòng báo cáo kết quả triển khai và đã tham gia ý kiến chỉ đạo.
Ngày 30 tháng 3 năm 1994, Chính phủ đã thông qua Dự án Luật do Bộ Quốc phòng soạn thảo và trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp ngày 14 tháng 4 năm 1994, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo, đã cho ý kiến chỉ đạo và đã quyết định tổ chức lấy ý kiến một số ban, ngành ở Trung ương và các địa phương.
Tại phiên họp ngày 18 tháng 5 năm 1994, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả về thu thập ý kiến, dự kiến chỉnh lý Dự án Luật và đã cho ý kiến trở lại; nay Chính phủ trình lên Quốc hội Dự án Luật gồm 18 điều trong tổng số 71 điều của Luật hiện hành, tập trung vào những vấn đề chính là:
1. Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức kinh tế.
2. Xác định rõ thêm trách nhiệm của chính quyền và Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp.
3. Bổ sung thêm một số chế độ, chính sách cho phù hợp với tình hình để tăng cường xây dựng Quân đội.
Cụ thể như sau:
A- Bổ sung vào các điều 10, 11, 19, 23, 56, 61 về trách nhiệm các tổ chức kinh tế, xác định rõ thêm trách nhiệm của chính quyền và khen thưởng.
1. Điều 10 Luật hiện hành quy định:
"Các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, các tổ chức xã hội khác, nhà trường và gia đình, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ động viên, giáo dục, tổ chức và tạo điều kiện cho công dân làm tròn nghĩa vụ quân sự".
Trong Điều này chưa quy định trách nhiệm đối với các tổ chức kinh tế.
Đến nay tên một số tổ chức xã hội đã thay đổi như Tổng Công đoàn Việt Nam, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, lại có thêm tổ chức xã hội khác như Hội Cựu chiến binh Việt Nam nên trong Điều 10 không cần nêu tên từng tổ chức xã hội.
Có ý kiến đề nghị ghi thêm trách nhiệm của các tổ chức quần chúng, đoàn thể nhân dân, Chính phủ thấy chỉ cần ghi "Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, các tổ chức xã hội khác" là đủ.
Đề nghị sửa lại Điều 10 như sau:
"Điều 10
Các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác, các tổ chức kinh tế, nhà trường và gia đình trong phạm vi chức năng của mình, có trách nhiệm động viên, giáo dục và tạo điều kiện cho công dân làm tròn nghĩa vụ quân sự".
2. Điều 11 Luật hiện hành quy định:
"Địa phương, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, gia đình hoặc cá nhân có nhiều thành tích trong việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự quy định trong Luật này thì được Nhà nước khen thưởng".
Điều này chưa quy định khen thưởng đối với tổ chức kinh tế và nhà trường có thành tích trong việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự.
Đề nghị sửa lại Điều 11 như sau:
"Điều 11
Địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình và cá nhân có thành tích trong việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước".
3. Điều 19 Luật hiện hành quy định:
"Khu vực chuẩn bị cho thanh niên phục vụ tại ngũ và gọi công dân nhập ngũ là huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tháng 1 hằng năm, Hiệu trưởng các trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học, thủ trưởng các cơ quan xí nghiệp và và các đơn vị cơ sở khác phải báo cáo danh sách công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm đó cho Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình đóng".
Cụm từ "khu vực" không thể hiện rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, điều này cũng chưa quy định trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức kinh tế trong việc "báo cáo danh sách công dân nam giới đủ 17 tuổi...".
Đề nghị sửa lại Điều 19 như sau:
"Điều 19
Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị cho công dân phục vụ tại ngũ và gọi công dân nhập ngũ.
Tháng 1 hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Hiệu trưởng các trường dạy nghề, các trường trung học, Thủ trưởng các cơ quan, người phụ trách các tổ chức kinh tế và các đơn vị cơ sở khác phải báo cáo danh sách công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm đó cho Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
4. Điều 23 Luật hiện hành quy định:
"Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng Cơ quan, xí nghiệp và các đơn vị cơ sở khác có trách nhiệm:
1- Tổ chức tiễn đưa và tạo điều kiện cho người nhập ngũ của cơ sở mình có mặt đúng thời gian và địa điểm quy định.
2- Thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân".
Điều này chưa quy định trách nhiệm của các tổ chức kinh tế. Lẻ tẻ có ý kiến cần quy định trách nhiệm của các tổ chức kinh tế giống như trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã. Chính phủ cho rằng, quy định các tổ chức kinh tế có trách nhiệm "tổ chức tiễn đưa và bảo đảm cho người nhập ngũ của cơ sở mình có mặt đúng thời gian và địa điểm quy định" là hợp lý, còn việc thực hiện chế độ chính sách đối với gia đình quân nhân là trách nhiệm của chính quyền các cấp.
Đề nghị sửa lại Điều 23 như sau:
"Điều 23
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế có trách nhiệm tổ chức tiễn đưa và bảo đảm cho người nhập ngũ của cơ sở mình có mặt đúng thời gian và địa điểm quy định.
Chính quyền nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân".
5. Điểm 2 Điều 56 Luật hiện hành quy định:
"Hạ sĩ quan và binh sĩ trước lúc nhập ngũ đã làm ở cơ sở nào thì khi xuất ngũ được về làm việc ở cơ sở đó.
Nếu cơ sở cũ giải thể thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm tiếp nhận".
Điểm này chưa quy định trách nhiệm của các tổ chức kinh tế và quốc doanh, ý kiến chung thống nhất đề nghị Luật cần quy định trách nhiệm của các tổ chức đó trong việc tiếp nhận lại, nhưng còn có số ít ý kiến đề nghị như sau:
Có ý kiến đề nghị buộc tổ chức kinh tế phải trợ cấp một khoản tiền bằng 6 tháng cho người lao động nếu không tiếp nhận lại được;
Có ý kiến không đồng ý quy định "tiếp nhận lại" vì cho rằng, trong tình hình phải quản lý biên chế chặt chẽ thì khó tiếp nhận lại được;
Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm cho địa phương trong trường hợp quân nhân xuất ngũ không được tiếp nhận lại làm việc;
Có ý kiến đề nghị trong trường hợp cơ sở cũ không tiếp nhận lại thì Cơ quan lao động - thương binh và xã hội chịu trách nhiệm sắp xếp việc làm hoặc tổ chức đào tạo tay nghề và giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ.
Căn cứ vào pháp luật về lao động hiện hành, Chính phủ thấy rằng việc quy định "tiếp nhận lại" là hợp lý, việc không tiếp nhận lại chỉ được thực hiện trong trường hợp cơ quan, cơ sở cũ đã giải thể, bị đóng cửa hoặc phá sản nhưng phải giải quyết chế độ chính sách và giải quyết việc làm theo quy định của pháp luật về lao động và các lĩnh vực khác có liên quan.
Đề nghị sửa lại điểm 2 Điều 56 như sau:
"Điểm 2, Điều 56:
Hạ sĩ quan và binh sĩ trước lúc nhập ngũ làm việc ở cơ quan, cơ sở kinh tế nào thì khi họ xuất ngũ, các cơ quan, các cơ sở kinh tế đó có trách nhiệm tiếp nhận lại, hoặc đào tạo lại nghề và sắp xếp việc làm cho họ.
Trường hợp không tiếp nhận lại được do cơ quan, cơ sở cũ đã giải thể, bị đóng cửa hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách và giải quyết việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ nói trên được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động về các lĩnh vực khác có liên quan".
6. Điều 61 Luật hiện hành quy định:
"Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác của cấp trên đóng ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải thống kê quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ của cơ sở mình và gửi đến Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng".
Điều này chưa quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức kinh tế và nhà trường trong việc thống kê, báo cáo quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ.
Đề nghị sửa lại Điều 61 như sau:
"Điều 61
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, hiệu trưởng các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học, Thủ trưởng Cơ quan, người phụ trách các tổ chức kinh tế và các đơn vị cơ sở khác phải thống kê quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ của cơ sở mình để báo cáo với Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng".
7. Điều 17 Luật hiện hành quy định:
"Thanh niên nam giới, trước khi đến tuổi nhập ngũ và trước khi nhập ngũ, phải được huấn luyện theo chương trình quân sự phổ thông, bao gồm giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật và rèn luyện về thể lực.
Việc huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh ở trưởng phổ thông trung học, trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng và trường đại học thuộc chương trình chính khóa.
Đối với thanh niên không học ở các trường thì được huấn luyện quân sự phổ thông ở các lớp huấn luyện tổ chức tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp và các đơn vị cơ sở khác.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, hiệu trưởng các trường, thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp và các đơn vị cơ sở khác có trách nhiệm tổ chức huấn luyện quân sự phổ thông cho thanh niên thuộc cơ sở mình.
Nội dung huấn luyện quân sự phổ thông do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định".
Điều này chưa quy định rõ trách nhiệm chỉ đạo, điều hành công tác huấn luyện quân sự phổ thông của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; chưa quy định trách nhiệm của các tổ chức kinh tế.
Có ý kiến đề nghị các tổ chức kinh tế cũng phải có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức huấn luyện quân sự phổ thông cho thanh niên thuộc cơ sở mình. Chính phủ thấy không nên quy định trách nhiệm này cho các tổ chức kinh tế, mà chỉ quy định trách nhiệm tạo điều kiện cho thanh niên làm việc ở cơ sở mình tham gia huấn luyện quân sự phổ thông.
Đề nghị sửa lại Điều 17 như sau:
"Điều 17
Thanh niên nam giới, trước khi đến tuổi nhập ngũ và trước khi nhập ngũ, phải được huấn luyện theo chương trình quân sự phổ thông, bao gồm giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật và rèn luyện về thể lực.
Việc huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh ở các trường thuộc chương trình chính khóa; nội dung huấn luyện do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Việc huấn luyện quân sự phổ thông cho thanh niên không học ở các trường thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng Cơ quan nhà nước tổ chức; nội dung huấn luyện do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng với người đứng đầu các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội có liên quan chỉ đạo việc huấn luyện quân sự phổ thông.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong phạm vi chức năng của mình, chỉ đạo việc huấn luyện quân sự phổ thông cho thanh niên thuộc địa phương mình; các tổ chức kinh tế có trách nhiệm tạo điều kiện cho thanh niên làm việc ở cơ sở mình tham gia huấn luyện quân sự phổ thông".
C- Bổ sung vào các điều 24, 25, 26 về thành phần, nhiệm vụ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự.
8. Điều 24 Luật hiện hành quy định:
"Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Hội đồng nghĩa vụ quân sự ở cấp mình để giúp Ủy ban thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự ở địa phương.
Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp gồm có Chủ tịch là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch là Chỉ huy trưởng quân sự, các ủy viên là người phụ trách chính các ngành Kế hoạch, Lao động, Công an, Y tế, Văn hóa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Liên hiệp Nông dân tập thể.
Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp làm việc theo nguyên tắc tập thể; nghị quyết của Hội đồng phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành".
Trên thực tế những năm vừa qua, Hội Cựu chiến binh đã phát huy nhiều tác dụng trong việc giáo dục, vận động công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự ở địa phương, đề nghị bổ sung thêm Hội Cựu chiến binh vào Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp. Trong quá trình thu thập ý kiến các cơ quan, các địa phương, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thêm đại diện Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan tư pháp vào Hội đồng nghĩa vụ quân sự, Chính phủ thấy rằng Hội đồng nghĩa vụ quân sự là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tổ chức và vận động công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự chứ không phải là cơ quan xử lý các vi phạm luật, nên không cần thiết phải thêm các thành phần nói trên vào Hội đồng nghĩa vụ quân sự, nếu bổ sung vào thì về mặt tâm lý xã hội sẽ nặng nề.
Có một vài ý kiến bổ sung thêm các thành phần: Giáo dục và đào tạo, Tuyên giáo, Tài chính vào Hội đồng nghĩa vụ quân sự. Có ý kiến đề nghị thêm một Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện Công an, Chính phủ thấy không cần thiết và cồng kềnh thêm.
Có ý kiến đề nghị Hội đồng nghĩa vụ quân sự không cần ra nghị quyết. Chính phủ thấy vẫn cần ra nghị quyết để bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể, dân chủ của Hội đồng và việc tổ chức thực hiện mới được chặt chẽ.
Đến nay, tên một số tổ chức xã hội đã thay đổi nên cũng cần sửa đổi cho phù hợp.
Đề nghị sửa lại Điều 24 như sau:
"Điều 24:
"Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Hội đồng nghĩa vụ quân sự ở cấp mình để giúp Ủy ban nhân dân thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự ở địa phương.
Hội đồng nghĩa vụ quân sự gồm có Chủ tịch là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch là Chỉ huy trưởng quân sự, các ủy viên là người phụ trách các ngành Kế hoạch, Lao động, Công an, Y tế, Văn hóa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh.
Hội đồng nghĩa vụ quân sự làm việc theo nguyên tắc tập thể, nghị quyết của Hội đồng phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành".
9. Điều 25 Luật hiện hành quy định:
"Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân:
1. Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân nghiêm chỉnh thi hành nghĩa vụ quân sự;
2. Đôn đốc công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự;
3. Đề nghị danh sách công dân được gọi nhập ngũ, hoãn gọi nhập ngũ, và miễn làm nghĩa vụ quân sự;
4. Đôn đốc công dân thực hiện lệnh gọi nhập ngũ;
5. Đôn đốc các cơ quan và tổ chức hữu quan chấp hành chính sách hậu phương quân đội ở địa phương".
Để phù hợp với yêu cầu xây dựng lực lượng thường trực và lực lượng dự bị hiện nay, cần bổ sung thêm những nhiệm vụ sau đây của Hội đồng nghĩa vụ quân sự:
- Đôn đốc công dân kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe, chấp hành lệnh tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu.
- Đôn đốc các cơ quan và tổ chức hữu quan quản lý công dân trong diện làm nghĩa vụ quân sự.
- Có ý kiến đề nghị cụ thể về biện pháp đăng ký, quản lý công dân trong tuổi làm nghĩa vụ quân sự. Chính phủ thấy vấn đề này để văn bản dưới luật quy định thì phù hợp hơn.
- Có ý kiến đề nghị thêm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ..., Chính phủ thấy không cần thiết vì chính công việc tuyển chọn công dân nhập ngũ là nhiệm vụ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự.
Đề nghị sửa lại Điều 25 như sau:
"Điều 25
Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân:
1. Tổ chức việc tuyên truyền giáo dục nhân dân nghiêm chỉnh thi hành nghĩa vụ quân sự;
2. Đôn đốc công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự, kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe;
3. Đề nghị danh sách công dân được gọi nhập ngũ, tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, miễn làm nghĩa vụ quân sự;
4. Đôn đốc công dân thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, lệnh tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;
5. Đôn đốc các cơ quan và tổ chức hữu quan chấp hành chính sách hậu phương quân đội ở địa phương; quản lý công dân trong diện làm nghĩa vụ quân sự".
10. Điểm 2, 3 Điều 26 Luật hiện hành quy định:
"2. Lập danh sách công dân được gọi nhập ngũ, hoãn gọi nhập ngũ, và miễn làm nghĩa vụ quân sự;
3. Đôn đốc các cơ quan và tổ chức hữu quan chấp hành chính sách hậu phương quân đội ở địa phương".
Có ý kiến đề nghị thay cụm từ "Lập danh sách" bằng cụm từ "Quyết định danh sách...". Chính phủ cho rằng để cụm từ "Lập danh sách" là chính xác, Ủy ban nhân dân mới là cơ quan quyết định danh sách đó.
Để phù hợp với đề nghị sửa đổi tại Điều 25, đề nghị sửa điểm 2 và 3 Điều 26 như sau:
"2. Lập danh sách công dân được gọi nhập ngũ, tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, miễn làm nghĩa vụ quân sự;
3. Đôn đốc các cơ quan và tổ chức hữu quan chấp hành chính sách hậu phương quân đội ở địa phương; quản lý công dân trong diện làm nghĩa vụ quân sự".
D- Bổ sung vào Điều 29 về đối tượng tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình.
11. Điều 29 Luật hiện hành quy định:
"Trong thời bình, những người sau đây được hoãn gọi nhập ngũ:
1. Người chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;
2. Con của liệt sĩ;
3. Anh hoặc em trai còn lại duy nhất của liệt sĩ;
4. Một con trai của thương binh hạng một, hạng hai và bệnh binh hạng một;
5. Người là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động;
6. Người có anh, chị hoặc em ruột trong cùng một hộ gia đình là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ;
7. Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở một số vùng xa xôi hẻo lánh do Hội đồng Bộ trưởng quy định;
8. Người đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận;
9. Người đang học ở các trường phổ thông; đang học ở các trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học thuộc hệ tập trung dài hạn do Nhà nước quản lý.
Hằng năm, những người nói ở các điểm 1, 5, 6, 7, 8 và 9 của Điều này phải được kiểm tra, nếu không còn lý do hoãn thì được gọi nhập ngũ, hết 27 tuổi mà vẫn không được gọi nhập ngũ thì được chuyển sang ngạch dự bị".
Trong chín đối tượng trên, thì ba đối tượng 2,3 và 4 hằng năm không phải kiểm tra xem xét lại việc tạm hoãn thì đương nhiên là được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình; sáu đối tượng còn lại hằng năm phải được kiểm tra xem xét lại, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ. Do vậy, Luật nên quy định thành hai loại: được tạm hoãn và được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình.
Ngoài chín đối tượng trên, để bảo đảm quyền học tập và nâng cao kiến thức, trình độ cho công dân, đề nghị tạm hoãn cho số học sinh đang học ở các trường công và tư, tuy nhiên, đối với các trường tư thục có rất nhiều dạng và còn đang phát triển, vì vậy, đề nghị trong Luật ghi là: "do Chính phủ quy định"; để khuyến khích thanh niên hăng hái tham gia xây dựng đất nước ở các vùng xa xôi, gian khổ, đề nghị trong thời bình miễn gọi nhập ngũ cho thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước, cán bộ các tổ chức chính trị, xã hội đã phục vụ từ 24 tháng trở lên ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi, tạm hoãn gọi nhập ngũ cho cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước, cán bộ Đảng, đoàn thể ở địa phương khác đang làm việc ở những vùng nói trên, và tạm hoãn gọi nhập ngũ cho những người đi xây dựng vùng kinh tế mới trong 3 năm đầu.
Trong quá trình thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình cho các chủ doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ thấy vấn đề này cần phải được nghiên cứu kỹ thêm vì quy mô tổ chức, hình thức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân khác nhau và đang ở trong quá trình vận động. Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị tạm hoãn những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất, những công nhân có tay nghề giỏi đang làm việc ở công trình trọng điểm cấp nhà nước mà không có người thay thế, những tài năng trẻ; Chính phủ thấy những ý kiến này cũng hợp lý và sẽ lưu ý trong chỉ đạo tổ chức thực hiện cho phù hợp.
Có ý kiến đề nghị tạm hoãn cho giáo viên, nhân viên y tế; Chính phủ cho rằng chỉ nên tạm hoãn cho giáo viên, nhân viên y tế đang công tác ở các vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo xa xôi.
Có ý kiến đề nghị chỉ hoãn cho học sinh, sinh viên đang học năm cuối tại các trường, Chính phủ thấy nên hoãn cho học sinh ở tất cả các lớp.
Có ý kiến đề nghị chỉ miễn gọi nhập ngũ cho một con của thương binh, bệnh binh hạng một có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng.
Có ý kiến đề nghị không nên phân chia trong hạng một lại có loại thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng.
Chính phủ đề nghị: trong chính sách miễn gọi nhập ngũ cần ưu tiên cho thương binh, bệnh binh có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng.
Có ý kiến đề nghị miễn cho giáo viên nói chung, Chính phủ thấy quy định như vậy thì quá rộng rãi.
Có ý kiến đề nghị chỉ miễn cho thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân viên nhà nước và các đối tượng nói ở điểm d, khoản 2 đã phục vụ 36 tháng trở lên ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi. Chính phủ cho rằng quy định đã phục vụ từ 24 tháng trở lên là hợp lý.
Để đáp ứng nguyện vọng phục vụ tại ngũ trong thời bình của những người trong diện tạm hoãn, miễn, đề nghị quy định bổ sung việc tuyển chọn, gọi nhập ngũ những người tình nguyện trong diện nói trên.
Đề nghị sửa lại Điều 29 như sau:
"Điều 29
1. Những người sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình:
a) Người chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;
b) Người là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động;
c) Người có anh, chị hoặc em ruột trong cùng một hộ gia đình là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ;
d) Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi do Chính phủ quy định; cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước khác, cán bộ các tổ chức chính trị xã hội được điều động đến làm việc ở những vùng nói trên;
e) Người đang nghiên cứu công trình khoa học cấp nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận;
f) Người đang học ở các trường phổ thông; đang học ở các trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định;
g) Người đi xây dựng vùng kinh tế mới trong 3 năm đầu.
Hằng năm, những người nói trên đây phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ, hết 27 tuổi mà vẫn không được gọi nhập ngũ thì được chuyển sang ngạch dự bị.
2. Những người sau đây được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình:
a) Con của liệt sĩ, con của thương binh, bệnh binh hạng một có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng;
b) Một người anh hoặc em trai của liệt sĩ;
c) Một con trai của thương binh hạng một, hạng hai và bệnh binh hạng một;
d) Thanh niên xung phong, cán bộ công nhân, viên chức nhà nước, cán bộ các tổ chức chính trị, xã hội đã phục vụ từ 24 tháng trở lên ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi.
Trường hợp những người nói ở các khoản 1, 2 trên đây tình nguyện thì có thể được tuyển chọn, gọi nhập ngũ".
E- Sửa lại các điều 40, 42 về việc huấn luyện quân nhân dự bị:
12. Điều 40 Luật hiện hành quy định:
"Việc huấn luyện cho quân nhân dự bị quy định như sau:
1. Trong thời gian ở nhóm A, quân nhân dự bị hạng một được huấn luyện nhiều nhất là bốn lần, mỗi lần từ hai tháng đến ba tháng, quân nhân dự bị hạng hai được huấn luyện nhiều nhất là năm lần, mỗi làn từ hai đến ba tháng.
2. Trong thời gian ở nhóm B, quân nhân dự bị hạng một và hạng hai được huấn luyện từ một đến hai lần, mỗi lần từ một đến hai tháng".
Quy định như trên chưa được hợp lý vì:
- Thời gian mỗi lần tập trung huấn luyện từ hai đến ba tháng là quá dài, không thực tế.
- Tổng số thời gian huấn luyện của quân nhân dự bị hạng một nhiều nhất là 16 tháng cũng quá dài.
Có ý kiến đề nghị, hằng năm, Bộ Quốc phòng cần quy định cụ thể về đối tượng, thời gian huấn luyện để các cơ quan, địa phương chủ động bố trí, sắp xếp công việc cho quân dự bị đi huấn luyện. Ý kiến này hợp lý, hằng năm Bộ Quốc phòng sẽ có văn bản hướng dẫn.
- Hiện nay, tổ chức các đơn vị dự bị động viên chủ yếu là huy động quân nhân dự bị hạng một, chưa huy động quân nhân dự bị hạng hai, nên cũng chưa huấn luyện cho đối tượng này. Do vậy, đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ quy định thời gian huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai để thực hiện khi có nhu cầu.
Đề nghị sửa lại Điều 40 như sau:
"Điều 40
Việc huấn luyện cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian ở ngạch dự bị quy định như sau:
1. Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một phải tham gia huấn luyện tổng số thời gian nhiều nhất là mười hai tháng.
Số lần huấn luyện và thời gian huấn luyện của mỗi lần do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
2. Việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai do Chính phủ quy định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng".
13. Điều 42 Luật hiện hành quy định:
"Việc gọi quân nhân dự bị để tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo thời hạn nói ở Điều 40 và Điều 41 của Luật này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định. Khi cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyền giữ quân nhân dự bị ở lại lớp huấn luyện thêm một thời gian không quá hai tháng hoặc tăng số lần huấn luyện của quân nhân dự bị ở nhóm A và nhóm B, nhưng tổng số thời gian của các lần huấn luyện không vượt quá thời gian đã quy định ở Điều 40 và Điều 41 của Luật này".
Do Điều 40 đã giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về số lần huấn luyện và thời gian huấn luyện của mỗi lần nên đoạn "hoặc tăng số lần huấn luyện của quân nhân dự bị ở nhóm A và nhóm B" không cần thiết nữa.
Đề nghị sửa lại Điều 42 như sau:
"Điều 42
Việc gọi quân nhân dự bị tập trung để huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo thời hạn nói ở Điều 40 và Điều 41 của Luật này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
Khi cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyền giữ quân nhân dự bị ở lại lớp huấn luyện thêm một thời gian không quá hai tháng, nhưng tổng số thời gian của các lần huấn luyện không vượt quá thời gian đã quy định ở Điều 40 của Luật này".
F) Bổ sung vào các điều 51, 52, 55 và điểm 3 Điều 53 về chế độ chính sách đối với quân nhân:
14. Điều 51 Luật hiện hành quy định:
"Trong thời gian tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp hưởng chế độ lương, hạ sĩ quan và binh sĩ hưởng chế độ cung cấp theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng".
Như vậy, Luật hiện hành chưa quy định các chế độ chính sách khác đối với quân nhân chuyên nghiệp như phụ cấp thâm niên, chế độ điều trị khi ốm đau, chế độ bồi dưỡng, an dưỡng, v.v..
Khoản 1 Điều 53 đã quy định về chế độ cung cấp đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nên ở Điều này quy định như vậy là thừa, không cần thiết.
Lẻ tẻ có ý kiến Luật nên quy định cụ thể hơn về chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, Chính phủ cho rằng những điểm cụ thể về chế độ, chính sách sẽ để văn bản dưới Luật quy định.
Đề nghị sửa lại Điều 51 như sau:
"Điều 51
Trong thời gian tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp hưởng chế độ lương, các khoản phụ cấp theo lương và các quyền lợi khác do Chính phủ quy định".
15. Điều 52 Luật hiện hành quy định:
"Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện và kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, được hưởng chế độ đãi ngộ do Hội đồng Bộ trưởng quy định".
Như vậy, mới có chế độ đối với bản thân quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị khi tập trung huấn luyện và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, còn chế độ đối với gia đình thì Luật chưa quy định được hưởng gì cả cho nên khó tạo điều kiện cho quân nhân dự bị yên tâm huấn luyện, trong khi đó đời sống các gia đình quân nhân dự bị một gặp nhiều khó khăn (xem Phụ lục 2).
Trong quá trình thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị gia đình quân nhân dự bị hạng hai cũng được trợ cấp, Chính phủ thấy rằng, chế độ này chỉ áp dụng đối với quân nhân dự bị hạng một vì anh em đã chịu nhiều thiệt thòi, nếu gia đình quân nhân dự bị hạng hai cũng được trợ cấp thì phát sinh mâu thuẫn về quyền lợi với những gia đình quân nhân đang tại ngũ.
Có ý kiến cho rằng hiện nay, ngân sách nhà nước còn eo hẹp nên chưa có điều kiện bảo đảm được cho gia đình quân nhân dự bị, hạng một, khi quân nhân đi huấn luyện. Chính phủ thấy ý kiến này chưa hợp lý.
Đề nghị sửa lại Điều 52 như sau:
"Điều 52
Trong thời gian tập trung huấn luyện và kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị, gia đình quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị hạng một được hưởng chế độ do Chính phủ quy định".
16. Điểm 3 Điều 53 Luật hiện hành quy định đối với hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ:
"3. Từ tháng thứ 25 trở đi, được hưởng thêm 100% phụ cấp hằng tháng".
Với mức phụ cấp hằng tháng như hiện nay mà hạ sĩ quan, binh sĩ phải phục vụ kéo dài thêm một năm thì hầu hết không tự nguyện, bị gò ép ở lại, do vậy đề nghị tăng thêm 100% phụ cấp nữa mới góp phần tạo điều kiện để anh em yên tâm phục vụ (xem Phụ lục 2).
Hầu hết ý kiến tham gia đều nhất trí như trên.
Có ý kiến đề nghị sửa lại cả Điều 53 cho phù hợp với hiện nay. Chính phủ thấy rằng lần này chỉ sửa những điều cấp thiết nhất nên không cần sửa lại toàn bộ Điều này.
Đề nghị sửa lại điểm 3 Điều 53 như sau:
"Điểm 3 Điều 53:
3. Từ tháng thứ 25 trở đi, được hưởng thêm 200% phụ cấp hằng tháng".
17. Điều 55 Luật hiện hành quy định:
"Hạ sĩ quan và binh sĩ khi xuất ngũ được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường và trợ cấp xuất ngũ do Hội đồng Bộ trưởng quy định.
Hạ sĩ quan và binh sĩ kể từ ngày có quyết định xuất ngũ được tạm miễn làm nghĩa vụ lao động công ích; cứ mỗi năm phục vụ tại ngũ thì được tạm miễn thời gian nghĩa vụ lao động công ích của một năm.
Thời gian hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị tập trung huấn luyện và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu được trừ vào thời gian nghĩa vụ lao động công ích hằng năm".
Luật hiện hành mới quy định quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ chưa quy định quyền lợi của quân nhân chuyên nghiêp. Gần đây, Chính phủ ra quyết định về trợ cấp học nghề cho quân nhân xuất ngũ nên đã tạo điều kiện cho quân nhân yên tâm xây dựng Quân đội và động viên được thanh niên trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nay Luật quy định chế độ này sẽ có tác động lớn hơn.
Trong quá trình thảo luận lẻ tẻ có ý kiến đề nghị chỉ miễn lao động công ích cho quân nhân xuất ngũ trong một thời gian nhất định; miễn lao động công ích trong thời gian huấn luyện quân sự, nhưng hầu hết ý kiến đề nghị anh em đã phục vụ trong Quân đội về thì được miễn hoàn toàn nghĩa vụ lao động công ích, góp phần giải quyết công bằng đối với anh em. Chính phủ thấy ý kiến này là hợp lý.
Trong quá trình thảo luận có ý kiến cho rằng tiền học nghề còn ít (mỗi người khi xuất ngũ được 3 tháng lương tối thiểu) đề nghị tăng lên 6 tháng, cũng có ý kiến đề nghị cao hơn; trợ cấp xuất ngũ quy định như hiện nay còn bình quân; từ thượng sĩ trở xuống cứ mỗi năm phục vụ tại ngũ đều được 2 tháng tiền lương tối thiểu, không có phụ cấp quân hàm, như vậy không động viên được người có đóng góp nhiều cho xây dựng quân đội. Chính phủ sẽ nghiên cứu vấn đề này cho phù hợp.
Đề nghị sửa lại Điều 55 như sau:
"Điều 55
Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ khi xuất ngũ được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, được hưởng trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp học nghề do Chính phủ quy định.
Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ xuất ngũ kể từ khi đăng ký vào ngạch dự bị thì được miễn làm nghĩa vụ lao động công ích.
Thời gian binh sĩ dự bị hạng hai tập trung huấn luyện và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu được trừ vào thời gian nghĩa vụ lao động công ích hằng năm".
G- Quy định lại việc chấp hành lệnh tổng động viên và động viên cục bộ.
18. Điều 64 Luật hiện hành quy định:
"Khi có lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ thì:
1. Việc xuất ngũ sẽ đình lại đối với quân nhân hết thời hạn phục vụ tại ngũ.
2. Quân nhân dự bị phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ".
Luật hiện hành chưa quy định quyền hạn của Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gọi từng công dân trong thời chiến; chưa quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế trong việc động viên lực lượng để xây dựng quân đội, chưa quy định đình chỉ phép đối với quân nhân.
Đề nghị sửa đổi Điều 64 như sau:
"Điều 64
Khi có lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ thì:
1. Đình chỉ việc xuất ngũ;
2. Đình chỉ việc nghỉ phép đối với quân nhân, những quân nhân đang nghỉ phép phải trở về đơn vị ngay.
3. Chỉ huy trưởng quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gọi từng công dân nhập ngũ theo quyết định của ủy ban nhân dân cùng cấp.
Công dân được gọi phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ".
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế có trách nhiệm tổ chức để công dân chấp hành nghiêm chỉnh lệnh gọi nhập ngũ”.
H- Sửa lại tên các tổ chức đến nay đã thay đổi và sửa lại số thứ tự của Điều 72, 73.
19. a) Các chữ "Hội đồng Nhà nước" đề nghị sửa đổi thành các chữ "Ủy ban thường vụ Quốc hội".
b) Các chữ "Hội đồng Bộ trưởng" đề nghị sửa đổi thành các chữ "Chính phủ".
20. a) Các chữ "Điều 72" đề nghị sửa đổi thành các chữ "Điều 70".
b) Các chữ "Điều 73" đề nghị sửa đổi thành các chữ "Điều 71".
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Luật cũng có một số ý kiến đề cập một số vấn đề khác, nhưng sau khi nghiên cứu, Chính phủ thấy có những vấn đề không hợp lý, có những vấn đề không cần thiết đưa vào Luật mà để văn bản dưới luật quy định. Những ý kiến đó là:
1. Một số ý kiến đề nghị tăng thời hạn phục vụ tại ngũ của binh sĩ phổ thông lên 3 năm, một số ý kiến lại đề nghị rút xuống còn 18 tháng, có ý kiến đề nghị rút xuống còn 12 tháng. Đại đa số ý kiến và Chính phủ cho rằng quy định 2 năm như hiện nay là phù hợp, với binh sĩ phổ thông chỉ cần thời gian như vậy là đủ để huấn luyện trở thành người chiến sĩ có trình độ chiến đấu và đây cũng là nguyện vọng chung của nhân dân, thanh niên. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cần phải có biện pháp quản lý thời gian huấn luyện cho chặt chẽ, bảo đảm chất lượng huấn luyện; mặt khác cần nghiên cứu tăng thêm đối tượng thuộc diện phục vụ tại ngũ 3 năm và quân nhân chuyên nghiệp, như vậy số người trong diện phục vụ tại ngũ 2 năm sẽ ít đi, bằng những biện pháp đó thì vẫn bảo đảm được chất lượng quân đội.
Hiện nay, chưa thể giảm thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 18 tháng hoặc 12 tháng vì không đủ thời gian huấn luyện, điều kiện ăn ở của bộ đội hiện nay không thể đủ sức khỏe để luyện tập với cường độ cao, hơn nữa việc huấn luyện quân sự phổ thông cho thanh niên trước khi nhập ngũ chưa thành nền nếp, kết quả còn rất thấp.
2. Một số ý kiến đề nghị đưa nghĩa vụ dân quân vào Luật nghĩa vụ quân sự. Chính phủ thấy rằng, giữa xây dựng dân quân tự vệ và xây dựng quân đội có nhiều điểm khác nhau như: đối tượng thực hiện nghĩa vụ, tính chất nhiệm vụ, biện pháp xây dựng, xử lý vi phạm; Luật nghĩa vụ quân sự ban hành là để xây dựng Quân đội, nếu đưa nghĩa vụ xây dựng dân quân vào Luật thì phải sửa lại mục đích của Luật, mà lần này chỉ đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Năm 1990, Chính phủ đã ban hành Điều lệ về dân quân tự vệ, nay cứ để tiếp tục thực hiện và đề nghị sẽ nâng lên thành Pháp lệnh trong những năm tới.
3. Một số ý kiến đề nghị Luật quy định giao quyền hạn cho cấp tỉnh được động viên một bộ phận lực lượng dự bị trong trường hợp cấp bách. Chính phủ thấy rằng để sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết, nhưng nên quy định vấn đề này trong Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp thì hợp lý hơn là quy định trong Luật nghĩa vụ quân sự.
4. Một số ý kiến đề nghị quy định trong Luật nghĩa vụ quân sự về việc tuyển quân để xây dựng các đơn vị làm kinh tế - quốc phòng. Vấn đề này không cần thiết phải quy định trong Luật vì hiện nay cũng chỉ có một số ít tỉnh có nhu cầu và điều kiện xây dựng các đơn vị làm kinh tế - quốc phòng; địa phương nào có nhu cầu và có khả năng tự cung tự cấp thì có thể đề nghị với Chính phủ cho phép tuyển quân để xây dựng loại hình đơn vị nói trên và tính vào chỉ tiêu tuyển quân hằng năm.
5. Một số ý kiến đề nghị quy định sự đóng góp bằng tiền hoặc bằng lao động đối với số thanh niên không tham gia phục vụ tại ngũ. Đa số ý kiến và Chính phủ cho rằng:
Sự phát hiện vấn đề không công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ quân sự giữa những người tham gia và không tham gia phục vụ tại ngũ là đúng đắn, nhưng xử lý vấn đề này lại rất khó khăn, phức tạp. Hiện nay, xã hội vẫn thiếu việc làm cho người lao động thì việc tổ chức làm lao động cho số thanh niên không tham gia Quân đội là vấn đề khó thực hiện được, chưa kể đến khó khăn trong việc đầu tư vốn của Nhà nước cho hàng triệu người này lao động sản xuất; nếu quy định đóng góp bằng tiền đối với những người có đủ điều kiện, có nguyện vọng phục vụ tại ngũ nhưng không được gọi nhập ngũ thì lại là điều không hợp lý, phần đông số này là con em nông dân, công nhân viên chức nhà nước, sĩ quan Quân đội thì lại là điều không thực tế. Do vậy, vấn đề này không quy định trong Luật nghĩa vụ quân sự được, mà trong phạm vi Luật nghĩa vụ quân sự cũng chỉ quy định về chế độ, chính sách bảo đảm đời sống cho quân nhân tại ngũ, khi xuất ngũ và thời gian ở ngạch dự bị, do vậy, đề nghị Nhà nước sớm nghiên cứu ban hành một văn bản quy định sự tham gia xây dựng đất nước một cách hợp tình hợp lý đối với số thanh niên không tham gia xây dựng Quân đội vì dư luận quần chúng muốn sớm được giải quyết vấn đề này.
Trên đây là những nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung và những ý kiến tham gia của các ngành, các địa phương.
Chính phủ xin trình Quốc hội xem xét và quyết định.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội